Tôi có thói quen mỗi sáng tôi thường hay thức sớm,
mở laptop gõ chữ ghi lại những chuyện xảy ra trong cuộc sống, nhưng
từ đầu mùa dịch cho tới nay cái laptop cũng bị tôi cho “cách ly” nên
tôi không gõ được chữ nào vô đó hết. Hôm đi làm lại, công ty định cho
xuống chiếc tàu bên Tây Ban Nha nhưng không có chuyến bay qua Tây Ban Nha,
công ty cho qua chuyến tàu bên Bỉ, hổng có xe lửa qua Bỉ, cho xuống
chiếc ở Rotterdam, có xe lửa tới Rotterdam nhưng hổng có tắc xi xuống
tàu, cuối cùng giám đốc lấy xe công ty chạy tới ga xe lửa chở tôi
xuống tàu. Biết rằng ai cũng phải tuân thủ lệnh phòng dịch, nhưng có
lẽ tại tôi suy nghĩ nhiều quá cho nên đầu óc khi thì trống rỗng, lúc
thì nghĩ ngợi lung tung...
Tôi xuống tàu vào buổi trưa giữa tháng ba, thì ngay buổi chiều hôm đó tàu khởi hành. Chuyển một chuyến containers từ cảng Rotterdam, Hoà Lan, qua St. Petersburg, nước Nga. Thành phố có một thời rất đẹp và rất văn minh, nhưng bị suy tàn trong thời Cộng Sản và sau khi chủ nghĩa Cộng Sản Liên Xô xụp đổ đất nước này phục hồi lại cũng khá mau. Lâu rồi tôi chưa trở lại St. Petersburg, lần này trở lại, tôi dự định sẽ đổ bộ tham quan thành phố cổ kính của vài thế kỷ trước và muốn coi nó đã phát triển tới đâu rồi. Nhưng nhằm mùa dịch làm cho mọi sinh hoạt thay đổi hết, tàu vừa ghé cảng thì hải quan và công an xuống tàu, theo thủ tục trước kia, khi nhập cảnh nước Nga thì mỗi thủy thủ phải đứng sắp hàng cho công an nhìn mặt để đối chiếu với sổ thông hành. Nhưng lần này vừa xuống tàu họ phát cho mỗi người một khẩu trang, kêu mọi người mang vô, xong rồi mới đứng sắp hàng giữ khoảng cách đúng theo tiêu chuẩn phòng dịch. Khi bắt đầu làm thủ tục, một bà nhân viên cầm cái máy giống như cây súng ngắn cầm tay, nhắm thẳng vô trán từng người bấm thử nhiệt độ, sau đó mỗi người trình sổ thông hành và kéo khẩu trang xuống cho công an xem mặt, xong rồi kéo khẩu trang lên đậy miệng lại. Chuyến này họ xem giấy tờ rồi thôi, không cấp giấy thông hành cho thủy thủ như mấy lần trước nữa và dặn thuyền trưởng thông báo cho thuỷ thủ biết là không ai được phép lên bờ, kể cả thủy thủ người Nga.
Lên xuống hàng cảng St. Petersburg mất hai ngày, sau
đó tàu quay trở về Rotterdam thì hợp đồng qua Nga cũng chấm dứt.
Không còn hàng chở nữa, tàu phải chạy lại bến đậu chờ. Công ty có
mười chiếc tàu mà đậu lại hết bốn chiếc, mỗi bến cặp nhau hai
chiếc. Tuy tàu đậu chung một bến nhưng thuyền trưởng ra lịnh, thủy
thủ tàu nào thì ở tàu nấy, không được qua lại với nhau và thủy thủ
nào muốn lên bờ thì phải hỏi ông. Riêng tôi thì buổi sáng, buổi
chiều hay đi dạo nên tôi nói cho ông biết trước để khỏi phải mỗi lần
đi mỗi lần hỏi. Tàu đậu chờ nên công việc cũng ít bận rộn hơn, thủy
thủ ngoài boong ngày nào cũng đục sét, sơn và rửa tàu, thợ máy thì
lau chùi máy và hầm máy. Thuyền trưởng, thuyền phó chắc không có
chuyện gì làm hay sao mà bày trò cho thủy thủ thực tập mỗi tuần hai,
ba lần, hôm nay phòng cháy, chữa cháy, ngày mai tàu chìm, cứu người,
ngày kia đề phòng cướp biển, ngày nọ khủng bố, tàu chở hàng mà
làm như hải quân, ông bắt thực tập tìm chỗ đặt bom mìn và tháo gỡ
bom mìn....
Chiều mùa xuân mát mẻ, mặt trời ngã xuống phương
Tây, ánh hồng xuyên qua hàng cây dọc con đường bến cảng và toả chiếu
lấp lánh mặt sông. Mặt nước dòng sông Nieuw Maas thật êm ả, bầy chim
nhàn bay theo sau lái những chiếc tàu buôn ra vô hải cảng Rotterdam, có
vài con chim no mồi bay lượn qua lượn lại giữa không gian thanh bình.
Gió mơn man nhè nhẹ làm lòng tôi dâng lên niềm thương nhớ và cảm giác
buồn buồn nhưng không rõ vì sao. Cái cảm giác mà lâu lắm rồi mới có
lại trong tôi, có lẽ sự buồn bã không tên ấy là nguồn cảm hứng kéo
tôi ngồi vào ghế và gõ vô phím chữ để bắt đầu ghi lại chuyến hải
hành giữa mùa đại dịch đang bùng phát khắp địa cầu này.
Theo thuyền trưởng thì trên tàu phải vui vẻ, khoẻ
mạnh để chống lại viruscorona, ông đề nghị đầu bếp mỗi Chủ Nhật
phải làm tiệc thịt nướng (BBQ), thừa dịp Covid 19 và tàu đậu lại nên
ông đề nghị cho có ngày nhất định, chớ thật ra những lúc tàu chạy,
nhằm tháng biển im, trời đẹp thì tuần nào ông cũng đòi (BBQ). Lúc
mới nghe chuyện tiệc tùng, ăn nhậu để chống viruscorona, người nào
cũng vui vẻ hân hoan, thợ máy thì hì hục đục thùng phi ra làm lò
nướng mới thay cho chiếc lò đã cũ, thủy thủ thì đập mấy cái pallet
cưa ván thông thành cục nhỏ thay cho than. Tôi là đầu bếp lo chọn thịt
ướp, sợ ăn hoài một thứ mọi người ớn, tôi luôn thay đổi cách ướp
thịt, tuần này ướp kiểu Tây thì tuần sau ướp kiểu Tàu, kiểu Mỹ, kể
cả ướp sả ớt theo kiểu Việt Nam, kiểu nào thì nước chấm đó và rau
sống trộn sà lách. Thực đơn ngày nào cũng có bao nhiêu thứ thịt,
cá, thịt dồi mà toàn là loại rẻ tiền, thịt bò, thịt cừu, dai
nhách, thịt gà nhão nhoẹt. Đã vậy mà chiều nào sau khi xong việc
cũng bia, rượu lai rai và cuối tuần ăn nhậu riết rồi ngoài thuyền
trưởng ra không ai còn háo hức BBQ nữa. Thằng Edy đại diện cho thủy
thủ In Đô vô nói với tôi:
– Chú đừng làm BBQ nữa.
Tôi nói:
– Thuyền trưởng đề nghị mà.
– Nhưng chú hổng làm cũng đâu sao.
– Có sao nhiều lắm chớ.
Tôi không muốn lôi thôi vì ba cái chuyện ăn uống nên
hổng giải thích thêm, tôi nói:
– Ờ, để chú nói lại với thuyền trưởng coi sao.
Tôi đem chuyện nói lại với thuyền trưởng, tưởng nghe
vậy ông cho ngưng món thịt nướng cuối tuần. Ai dè trong giờ ăn, khi
thủy thủ tập trung đầy đủ trong phòng ăn, ông đi qua hỏi tụi nó coi
có còn thích món thịt nướng nữa không? Thủy thủ In Đô không dám trái
ý ông, nên đứa nào cũng nói thích. Chỉ có viên thuyền phó và thợ
máy người Nga không đồng ý và lời qua tiếng lại sao đó mà mặt mày
ông hầm hì đi vô bếp nói với tôi:
– Thủy thủ đứa nào cũng thích BBQ, chỉ có mấy
thằng Cộng Sản Nga khùng, tụi nó không thích thì cho tụi nó nhịn.
Ông đưa tay làm dấu ngón cái và ngón trỏ ra chữ o,
đưa lên môi chu cái mỏ hun cái chụt, ông nói:
– Bếp ướp thịt nướng ngon lắm, tôi rất thích món
sốt chua, ngọt và thiệt cay.
Khi ông đi rồi tôi mới qua nói với đám thủy thủ:
– Tụi mày than với tao là ăn nhậu riết rồi ớn, tao
mới nói lại với thuyền trưởng, nhưng khi thuyền trưởng hỏi thì tụi
mày nói thích lắm. Vậy là sao?
Mấy đứa mặt mài bí xị, nói:
– Xin lỗi chú!
Thằng Edy lên tiếng:
– Thuyền trưởng hỏi vậy, tụi con cũng đâu biết nói
gì khác chú.
Không muốn làm mấy đứa buồn lòng. Tôi cười nói:
– Nói chơi thôi, thuyền phó, thợ máy tụi nó nói còn
hổng ăn thua gì nữa, nói chi lính lác như tụi mình. Đúng ra ngày Chủ
Nhựt tao ra menu đơn giản, dành thời giờ nghỉ ngơi, nhưng tao làm suốt
mà không thấy phiền, tụi bây chỉ có ăn nhậu thôi mà còn phàn nàn !
– Tại chú hổng ăn thịt, chú nói vậy.
– Vậy thì tụi mày đừng ăn thịt nữa, ăn rau trộn với
mì xào hoặc cơm chiên cũng ngon mà.
Nói qua cãi lại vậy thôi, thật ra Chủ Nhật tuần nào
từ thuyền trưởng cho tới thủy thủ đoàn, hổng thiếu mặt nào hết. Họ
tụ tập xung quanh lò nướng bốc khói thông mù mịt, đầu bếp bỏ công
ướp thịt và trang trí mâm thịt rất đẹp mắt, nhưng các người đem nướng
khói thông làm thịt đen thui như da người Phi Châu. Vậy mà cả chục ký
thịt sống, dồi tươi, rau trộn xà lách và một chảo hổng mì xào thì
cũng cơm chiên, cả đám ăn một hơi sạch bách.
Dĩ nhiên tánh tình thuyền trưởng mỗi ông mỗi khác,
nhưng viên thuyền trưởng nầy có phần đặc biệt, phải nói là kì cục.
Hình như trong đầu ông ngoài chuyện lái tàu, giao tiếp với nhân viên
hải quan nước này nước kia ra, phần còn lại chỉ có ăn, ngủ, còn
chuyện làm tình thì hổng biết ông còn chấm mút được gì không? Vậy
mà hể mở miệng ra là nói tục. Ông đã trên sáu mươi lăm tuổi rồi chớ
còn trẻ trung gì đâu, ông ăn rau rất ít và bắp cải đỏ không bao giờ
ông rớ tới. Còn thịt, cá thì loại nào ông cũng đớp lán, một ngày
ông có thể ăn cả ký lô thịt và gà đúc lò ông ních hết cả con. Ít
khi ông ăn sáng, nhưng mỗi lần ăn ông đòi ăn bốn năm cái trứng gà ốp
la với thịt ba chỉ hun khói. Chiều ăn, uống xong ông lên phòng đóng
cửa ngủ, thủy thủ muốn lên bờ đi dạo cũng không dám đánh thức ông
dậy để hỏi.
Thường thì trên tàu muốn làm BBQ thì thuyền trưởng
đưa tiền cho thủy thủ, đầu bếp hoặc đích thân thuyền trưởng lên tiệm
mua than và mua thêm những thứ cần dùng mà trên tàu không có. Nhưng ông
thì không chịu bỏ tiền ra mua gì hết, trên tàu có gì thì làm cái
đó, ông bắt thủy thủ cưa mấy cái pallet bằng ván thông ra từng cục
rồi đốt lấy than nướng thịt. Lần đầu tôi thấy ghê ghê nên tôi mới nói
với ông:
– Cây thông đốt khói nhiều lắm, nướng ra thịt đen
thui, ông ăn hổng sợ bị ung thư sao?
Ông day qua đưa ngón tay trỏ lên ra dấu tục, gặt một
cái rồi cười khằng khặc và đưa cánh tay ra khoe cơ bắp, nói:
– Cả đời tui, tui ăn như vậy hoài mà có bịnh hoạn
gì đâu, tui còn khoẻ hơn ông nữa, ông Bếp à!
Thật vậy tướng người ông không mập cũng không ốm,
chiều cao cũng vừa phải, trông ông còn rất khoẻ và ăn uống còn mạnh
lắm. Ăn xong buổi trưa thì vô bếp hỏi:
– Bếp, buổi chiều ăn gì?
Ăn xong buổi chiều thì ông lại ló đầu vô bếp hỏi:
- Bếp, trưa mai ăn gì?
Đã vậy mà sáng vừa bảnh mắt thì từ trong phòng ông
gọi điện xuống bếp chào buổi sáng và tiếp theo câu hỏi:
– Bếp, buổi trưa ăn món gì?
Biết tánh tình ông như vậy nên sau mỗi bữa ăn, vừa
thấy ông ló mặt vô cửa phòng bếp, không chờ ông hỏi, tôi nói ngay cho
ông biết bữa ăn kế sẽ là món gì.
Đúng ra thuyền trưởng không nên làm như vậy, vì trên
tàu bốn tuần lấy thực phẩm một lần với số lượng vừa phải, nhưng ăn
uống như ông chỉ có ba tuần là thịt ngon hết sạch, một tuần còn lại
thì ăn thịt vụn, rau đông đá và cá đóng hộp. Nhưng ông cũng biết vậy
nên tuần cuối cùng đưa ra cái gì ông ăn cái đó, luôn cả cá kho khô,
cá đóng hộp, mì gói ông cũng đớp hết và còn khen ngon. Thật tình mà
nói, giữa mùa dịch trên thế giới nhiều nơi bị thiếu lương thực và
nhiều người thiếu ăn, mà trên tàu ăn uống phung phí như vầy, xem ra có
cái gì đó không đúng.
***
Dịch Vũ Hán có tên là Covid 19, cái tên nghe trẻ
trung và đẹp đẽ nhưng lợi hại vô cùng! Mới đó mà đại dịch hoành
hành hơn ba tháng rồi, làm cho khắp nơi trên thế giới này đảo lộn
hết. Ngày nào nghe tin tức cũng có hàng ngàn người chết vì mắc
dịch. Mấy người quen trên Facebook thường cập nhật thì xem và biết họ
còn khoẻ mạnh. Chớ những bạn bè khác thì đành chịu thôi, chẳng lẽ
lâu lâu gởi email hỏi thăm hết một loạt, không khéo họ nghĩ mình trù
ẻo thì phiền lắm. Xem ra cái mòi này thì con người ta khắp nơi trên
thế giới còn lâu mới được Covid 19 buông tha.
Nguyễn Lê Hồng Hưng