01 April 2021

HUẾ QUẢNG SƯƠNG SƯƠNG - Hoàng Quân

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng (1959-2021)

Tưởng nhớ anh Trần Quang Đoàn/ nhà thơ Đoàn Vị Thượng

Khoảng 10 năm trước, nhờ chị Mỹ Hạnh thư đi, tin lại, tôi “tương ngộ” nhà thơ Đoàn Vị Thượng, cũng là “tái ngộ” anh Trần Quang Đoàn, một người “rất quen” của quãng đời như thơ, như mộng cách đây hơn 4 thập niên “ở một nơi ai cũng quen nhau: Café Uyên”. Gặp lại anh Đoàn, tôi vui quá chừng. Có lẽ, ai cũng vậy, nhắc chuyện ngày xưa, tuổi có năm mươi, sáu mươi lòng vẫn xôn xao như thể mười lăm, mười sáu. Sau bao nhiêu năm, vật đổi, sao dời. Chị Mỹ Hạnh nói, anh Trần Quang Đoàn giờ đây là nhà thơ Đoàn Vị Thượng, ngồi ở “chiếu trên”, với những tên tuổi dành cho các cô cậu học trò “Mực Tím, Áo Trắng…”. Bởi vậy, ban đầu, tôi rụt rè, hỏi dè chừng đôi câu, sợ quấy rầy “người cao”. Nhưng khi nghe giọng kể hào hứng của anh, (theo tưởng tượng của tôi, chứ anh chỉ “nói” trong email mà thôi) tôi dạn dĩ hơn, liên tục vẽ thêm nhiều dấu chấm hỏi gởi anh Đoàn.
Rõ là, được voi, đòi tiên. Thấy thư của doanvithuong1959 đến, tôi mở ngay, đọc say sưa, rồi thảo thêm nhiều câu hỏi khác. Chuỗi điện thư của anh Đoàn như những thước phim sống động, về ngày tháng vào thập niên 70 ở Quảng Ngãi với những cô nàng Thanh Tâm, Cẩm Thành, Thương Thương… với những anh chàng Trầm Thụy Du, Nguyễn Minh Phúc, Mai Sơn, Lý Văn Hiền, Nguyễn Hải, Nguyễn Xuân Phước, Nguyễn Xuân Đức, Bùi Tuấn Kiệt, Nguyễn Tấn Cư, Trần Hữu Hoài Bão… Giữa những câu chuyện về “người lớn”, về các anh, các chị, sắp sửa là cậu tú, cô tú, sinh viên, anh Đoàn chợt reo lên, nhắc đến “người nhỏ”: “À, anh nhớ thêm một chi tiết, Café Uyên có cái xích đu, xeo xéo quầy tính tiền. Anh nhớ, từng ngồi đong đưa trên đó, thơ mộng nhâm nhi cà phê và… quan sát Thúy”. Phút chốc, tôi cảm thấy mình như con bé 15 tuổi năm nao, bẽn lẽn, e thẹn, vì biết có người đang nhìn mình. Mơ màng, tôi nghe nhà thơ Đoàn Vị Thượng nói giùm tâm trạng của tôi:

Vấp mùi hương cũ ngẩn ngơ
Mấy mươi năm đến bây giờ chưa tan
(Hoài Quê)

Qua lời kể của anh Đoàn, đúng hơn, của nhà thơ Đoàn Vị Thượng, tôi được biết thêm những câu chuyện nho nhỏ, đáng yêu của ngày cũ. Anh vẫn gặp các nhà thơ, nhà văn Tuổi Ngọc như Hoàng Ngọc Tuấn, Đinh Tiến Luyện, Mường Mán… Anh kể, sau 1975, Nguyễn Thanh Trịnh đổi thành Đoàn Thạch Biền. Bài thơ anh ghi “tặng ĐTB” mới dễ thương, mới “tuổi ngọc” làm sao.

Ví dụ anh ngồi lâu được không
Ngồi hoài, như tảng đá rêu phong
Chớ tưởng tay em là yếu đuối
Chạm thử anh lăn được mấy vòng
(Ví Dụ Ta Yêu Nhau)

Bây giờ gặp lại anh Đoàn, tôi mới biết gia đình anh và gia đình chúng tôi có hành trình “con đường cái quan” tương tự. Chúng tôi nhận nhau là đồng hương “Huế Quảng sương sương”. Cả hai chúng tôi cùng thương yêu, trân quý giọng Huế của Mạ. “Giọng Huế của Mạ tôi” xa Huế, vào Quảng Ngãi, Sài Gòn rồi sang Đức. “Giọng Huế của Mạ anh Đoàn” thì:

Sông Hương chảy xuôi dòng, Mạ có thời chảy ngược
Vào miền Nam trắc trở đến giờ
(Giọng Huế của Mạ)

Chuyện trò rôm rả trong điện thư với anh Đoàn, tôi hỏi thăm về một “cố nhân”. Thế là anh Đoàn kể vèo vèo câu chuyện hình- như- là- tình- yêu, với lá thư tình dài 48 trang gởi cho con bé học trò lớp Chín. Nhắc kỷ niệm nhiệm mầu, lòng tôi bổi hổi, bồi hồi. Anh Đoàn cũng không biết “cố nhân” trôi giạt về đâu. Nhưng anh còn nhớ rõ ngọn ngành của lá thư ngày xưa. Càng nghe, tôi càng cảm động, xao xuyến hơn. Thỉnh thoảng, anh Đoàn chậm thư, vì anh phải chuẩn bị bài vở cho tòa soạn. Nghĩ, ai cũng có nhiều áp lực của cuộc sống, tôi không dám “quấy nhiễu” thêm. Về sau, thư từ thưa thớt dần. Bẵng đi mấy năm, tôi không liên lạc với anh Đoàn.

Năm kia, chị Mỹ Hạnh báo tin anh Đoàn bệnh và cho tôi số điện thoại của anh. Tôi có dịp trao đổi đôi chữ với anh qua viber. Rằm tháng Ba năm ngoái, soạn lại những thư điện tử của anh Đoàn, lòng lưu luyến những tiếng xưa êm đềm, tôi viết cổ tích “Đếm Sao”. Ngày xưa, ngày xửa, có một “cậu bé thầm lặng” trao cho cô bé mắt to một lá thư tình dài vô tận. Nhiều năm sau, cô bé mới biết rằng, tác giả của lá thư là “cậu bé thi sĩ”, bạn của “cậu bé thầm lặng”… Tôi phân trần qua viber với anh Đoàn rằng, tôi không nhớ rõ nội dung của “quyển” thư tình. Bởi thế, tôi thêm màu sắc, tô vẽ chút chút. Nhưng các chi tiết khác, tôi “thành khẩn khai báo” dựa theo trí nhớ của mình và thông tin của anh. Mong tác giả “quyển” thư không rầy rà. Anh Đoàn bật cười (tôi nghĩ vậy), nhá đèn xanh trong viber: “Anh vui chứ!”. Tôi nhờ nhà xuất bản gởi thẳng đến anh Đoàn tập truyện Long Lanh Màu Trời. Vì thế, tôi không thể ghi lời đề tặng trong sách. Tôi chợt có sáng kiến, nhờ anh Đoàn viết giúp lời tặng của tôi. Như vậy cuốn sách đúng nghĩa là sách tặng và tôi được nhìn thấy nét chữ viết tay của anh Đoàn.

Thủ bút của anh Trần Quang Đoàn

Ít lâu sau, tôi nhận điện thư của anh Từ Nguyên Thạch. Anh Từ Nguyên Thạch kể, “hai anh em đọc Long Lanh Màu Trời. Nhắc chuyện xưa, thấy sống lại một thời thanh xuân tươi vui. Trong những ngày bệnh, không gì vui hơn có những món quà của người bạn thuở xưa cách nửa vòng trái đất vẫn nhớ về”. Những emails báo tin của anh Từ Nguyên Thạch tuy ngắn gọn, tôi vẫn cảm nhận được tình thương yêu chan hòa, sự chăm sóc tận tụy của người anh dành cho người em. Nhờ anh Từ Nguyên Thạch sắp xếp thì giờ, tôi có được hai lần nói chuyện qua điện thoại với anh Đoàn. Cuộc điện đàm không dài, nhưng chúng tôi có đôi phút, cùng vui với những hồi tưởng về ngày tháng cũ. Tôi lóng ngóng thăm hỏi. Anh Từ Nguyên Thạch cho biết sức khỏe của anh Đoàn không khả quan hơn, cầu mong anh Đoàn cùng gia đình đón tết Nguyên Đán năm Tân Sửu. Hôm mồng Năm tết, chị Mỹ Hạnh thảng thốt nhắn tin: “Đoàn Vị Thượng đã bỏ chúng ta đi”.

Như anh Đoàn nhắn nhủ trong bài thơ “Tôi là ai”: “Em có yêu đời này, xin yêu một cái tên: ĐOÀN VỊ THƯỢNG.” Biết bao người quý mến nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, nhà báo Đoàn Vị Thượng. Riêng tôi, hơn thế nữa, rất thương, rất tiếc anh Trần Quang Đoàn, anh học trò Huế Quảng sương sương thuở mười lăm, mười bảy, đã gò lưng viết giúp cho người bạn lá thư tình dài nhất thế giới, để bạn gởi cho con nhỏ mắt to. Anh Đoàn ơi, lá thư ấy, dẫu chỉ còn là hình ảnh mờ ảo trong ký ức của Thúy, nhưng lúc nhớ ngày xưa, tơ lòng vẫn vương vương đó anh Đoàn à.

Nơi phương xa, Thúy xin đốt nén hương lòng, hiệp lời nguyện cầu cùng gia đình anh, nguyện cầu anh Trần Quang Đoàn thanh thản chốn yên bình.

Hoàng Quân
Mồng Tám, tháng Giêng, Tân Sửu
19.02.2021

Phụ Lục:

Đếm Sao

Ngày mái tóc không còn xanh được nữa
Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa
Thì em sẽ vì anh mà mở cửa
Trông lên trời, đếm những điểm sao xa
(Đếm sao, thi sĩ Tạ Ký)

Chị bạn viết mấy dòng cho nàng. Chị nhắc đôi chuyện xưa, tích cũ của non nước xứ Quảng. Nè, em nhớ chỗ nhà chị không? Dãy nhà công chức ở đường Phan Châu Trinh đi lên gần ngã Năm đó. Anh hàng xóm của chị thuở ấy nhiều bạn lắm. Mà chắc là nghệ sĩ không hà. Những khi các anh nhóm họp, khu nhà rộn ràng với tiếng đàn, tiếng hát. Có một anh trong nhóm không ca hát. Có lẽ anh chàng bận mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây. Nghe đâu, mới vào trung học, anh chàng đã làm những bài thơ hay sướt mướt. Nghe đâu, có anh bạn cùng lớp dự định sẽ phổ nhạc những bài thơ mượt mà. Tiếc quá, biến cố 1975 đến, mỗi người, mỗi nơi, tan tác. Những tác phẩm thơ phổ nhạc bất hủ chưa kịp chào đời… Như sực nhớ chủ đích của mình khi liên lạc với nàng, chị reo lên, à, em ơi. Anh chàng thơ hồi xưa về sau là nhà thơ thứ thiệt đó em, viết hằng hà sa số thơ học trò. Mới đây, anh chàng viết tạp bút chuyền tay bạn bè, lan man về những ngày ngủ lang của anh chàng. Trong đó, anh chàng nhắc đến em nè. Nàng vốn mê cổ tích. Hễ nghe đến chữ ngày xưa, nàng sà xuống, sa đà hóng chuyện, góp chuyện. Nàng kéo vội con chuột, lướt lướt qua chuỗi emails dài ngoẵng. Đây rồi email với tựa đề Tôi đi ngủ lang của Trần Quang Đoàn.

***

“…
Cái quán cà phê vườn có dòng chữ phụ ghi dưới tấm bảng hiệu ‘Café Uyên: Ở một nơi ai cũng quen nhau’ là nơi tụi tôi thường đến trong năm lớp 11. Quán có “con nhỏ” tên Thúy, mắt to như mắt bò, học trò trường Nữ Trung Học, là em của mấy người chị nổi tiếng xinh đẹp: Thanh Tâm, Cẩm Thành. Không biết thằng bạn thân của tôi có ‘ngắm nghé’ con nhỏ chưa mà thường rủ tôi đến quán này. Tụi tôi nhâm nhi cà phê và trầm ngâm, cái trầm ngâm điệu bộ của tuổi bắt đầu lớn. Tôi cũng để ý đến con nhỏ hay hay đó. Nhưng sợ thằng bạn tôi ‘quan tâm’ con nhỏ trước rồi. Tôi thầm nghĩ, không nên mích lòng bạn. Nó bực mình, không thèm mời uống cà phê nữa thì buồn. Tôi bèn ngồi im, quan sát thằng bạn, thấy lúc nào thuận tiện, tôi len lén nhìn con nhỏ. Thằng bạn tôi, làm ra vẻ chịu chơi, mà nhát hít. Nó cũng ngồi im như tượng tới khuya. Chẳng nghe nó nói chữ nào. Cho nên đâu có ‘xi nhê’ gì đối với con nhỏ. Báo hại, vì chiều lòng thằng bạn chịu chơi, nhiều hôm khuya lắc, khuya lơ, quán đóng cửa, hai đứa đành lủi thủi ra về. Cà phê làm hai đứa khó ngủ. Nằm thao thức bên nhau cả đêm. Mạnh đứa nào tơ tưởng riêng đứa đó về ‘con nhỏ’ mắt to kia.
…”

***

Lòng nàng bỗng dạt dào những âm vang ngày cũ. Có phải “thằng bạn” đó là “cố nhân” của nàng không nhỉ. Ngày ấy, có nhóm mầm non thi nhạc khoảng 5, 6 thanh niên, thường đến ngồi gần quầy, hát hò, tán chuyện. Anh này ngâm nga vu vơ vài câu thơ:

Ôi nhỏ có buồn như ta không
nhớ nhung về với nắng sân trường
(Như xa miền yên vui, thi sĩ Du Tử Lê)

Anh nọ đọc vanh vách vài đoạn trong truyện Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry. Anh kia ôm đàn guitar, hát bâng quơ:

Ờ uề! Ờ uề, ớ uế ơ uê, ờ uề!/ Chẳng cần em yêu muốn nghe/ Anh ca hát câu tình si…
(Em Qua Vườn Anh, nhạc ngoại quốc, lời Việt nhạc sĩ Phạm Duy)

Nàng vờ như không chú ý. Nhưng thật ra, những tiếng trầm, tiếng bổng của nhóm thi nhạc là niềm vui nho nhỏ trong những ngày tháng tăm tối sau biến cố đổi đời 1975. Có một người Việt thầm lặng trong nhóm những người Việt… ít thầm lặng. Hình như chưa bao giờ nàng nghe người-thầm-lặng nói gì. Nàng chỉ thấy, ngày nào, người thầm lặng cũng cùng chúng bạn đến quán cà phê của nhà nàng. Chăm chỉ, đều đặn. Trường lớp có lẽ mong ước học trò chuyên cần đến như vậy thôi. Do thầm lặng, người này trong mắt nàng là hiện tượng lạ, giữa những lao xao, ồn ào chung quanh. Khi nhóm thi nhạc đến quán, người thầm lặng tưởng như chìm nghỉm bởi anh ăn mặc giản dị, áo sơ- mi trắng với quần mầu sẫm như đồng phục nhà trường giữa những áo nhiều màu, thậm chí có hình cả chim cò. Vậy mà, nàng vẫn “thấy” anh trước. Không hiểu lẽ gì, nàng dành nhiều mỹ cảm cho người-thầm-lặng.

Một hôm, một người trong nhóm đến quầy, đưa cho nàng một tập giấy dày, nói, đây là thư của Hoành gởi, và quơ tay về phía bàn của nhóm thi nhạc. Nàng ngạc nhiên, nhìn về hướng tay chỉ, bắt gặp ánh mắt của người-thầm-lặng. Nàng luống cuống tránh ánh mắt, quýnh quáng nhét tập giấy vào ngăn kéo của quầy. Tim nàng đập thình thịch. Đến khi nàng sực nhớ, muốn tỏ lời cám ơn người đưa thư cho phải phép, thì anh ta đã về lại bàn. Từ lúc đó đến khuya, lòng nàng nao nao. Nàng nhờ đứa em bưng bê cà phê và tính tiền cho bàn có tác giả của tập giấy. Thường lệ, khuya đóng cửa quán, dọn dẹp xong, nàng đem bài vở ra học. Những môn toán, lý, hóa… cần giấy bút, nàng phải ngồi vào bàn. Những môn khác: văn, sử, địa… nàng mang vở vào mùng nằm đọc. Nàng kỹ càng ép tập thư vào cuốn tập Anh văn. Lá thư viết tay dài mấy chục trang giấy, dày gần bằng cuốn tập của nàng. Đêm đó, thấy đèn sáng thật khuya, Mạ nàng cũng như bầy em, ái ngại, có lẽ nàng đang học rút cho bài kiểm tra sắp đến. Nàng háo hức mở những tờ thư.

“Cô nhỏ…”. Nhiều bạn bè của anh, chị nàng vẫn gọi nàng là cô nhỏ, cô bé, nàng nghe lơ là. Vậy mà, bây giờ đọc chữ cô nhỏ trong thư, nàng bỗng nghe êm tai lạ kỳ.

Tuổi mười lăm có gì khoe?
Buông dài mái tóc em che má hồng
Trời xanh cho mắt em trong
Mây xe lụa trắng hơn không, áo này?
(Còn một chút hương bay, thi sĩ Đoàn Vị Thượng)

Ủa, sao anh biết nàng mười lăm tuổi. Mà lạ thiệt! Viết thư chưa thăm nom gì đã đặt ngay câu hỏi. Kỳ cục hơn nữa! Hỏi xong, rồi trả lời cho người ta luôn. Nàng bị cuốn hút theo những dòng chữ của anh. Chữ viết của anh thật ngộ. Anh viết hoa chữ A (như một dấu mũ, không có gạch ngang ở giữa), cho dù khi chữ a chỉ nằm giữa. Cứ vậy, nàng mải mê cùng anh vào trường, ra phố. Anh kể về ngôi trường tiểu học hiền hòa. Anh kể những nghịch ngợm phá phách của học trò trung học. Anh tả sông Vệ, Thu Xà, Ba Gia… Anh nhắc những cô giáo thân thiết với học trò. Anh nhắc những thầy giáo gần gũi với lớp học. Này, cô nhỏ biết không?

Môn sử địa thầy kêu ta ngồi chép
Suốt hai giờ, nhìn vở: kín tên em
Những sách học xé biên thư tình hết
Thế mà sao ta cũng vẫn thấy thèm
(Nhớ lạ, thi sĩ Lý Văn Hiền)

Nàng khấp khởi mừng, tưởng tượng, suốt hai giờ, nét chữ lả lướt của anh viết tên mình, chắc cũng đầy tập vở 80 trang. Phải chi không có đứa em bên cạnh, nàng sẽ lẩm nhẩm mấy câu thơ vài lần và sẽ thuộc lòng. Ồ, ta ghẹo cô nhỏ thôi. Ta thường cúp cua giờ sử địa cô nhỏ ạ. Coi kìa, vậy có ác không! Chưa chi đã làm nàng mừng hụt. Nàng thoáng chút thất vọng. Nhưng mắt nàng như dính cứng vào những tờ thư. Mê mẩn tựa như đọc truyện kiếm hiệp. Đọc xong trang này, tay vội vàng lật qua trang tiếp. Hễ bắt đầu đọc trang một là phải qua trang hai, đọc tiếp tiếp luôn cho đến trang cuối. Nàng không còn thì giờ, tâm trí để ôn lại bài Anh văn cho giờ học ngày mai. Cô nhỏ, ta rất thích bài thơ Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ. Không phải bài hát về cô bắc kỳ với mái tóc demi garçon đâu cô nhỏ ạ. Bài hát về cô bắc kỳ tóc ngắn là bài thơ Đám Đông. Ông nhạc sĩ làm cô nhỏ rối trí rồi nhỉ. Nhưng cô nhỏ chẳng cần bận tâm vì tựa bài thơ, bài nhạc. Cả hai bài thơ phổ nhạc đều đáng yêu kinh khủng. Ví dụ ta biết đàn, biết hát, ta sẽ mời cô nhỏ nghe nè. Anh vái trời cho cô thích mộng/ Để anh ngồi kể chuyện anh mơ…(Anh Vái Trời, nhạc sĩ Phạm Duy, thơ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên). Hình như anh mơ giấc mộng viễn du, anh mơ thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt nơi tỉnh lỵ bé tí này. Cứ vài ba dòng, anh lại có câu bắt đầu với cô nhỏ. Có lẽ anh băn khoăn, thư dài quá, nàng đọc một hồi mất tập trung chăng, nên anh nhắc, để nàng biết, anh viết cho nàng. Cô nhỏ ơi, chúng ta làm chương trình đố vui có thưởng nhé. Trả lời thư cho ta, cô nhỏ nói ta nghe, hai câu thơ này trích từ bài thơ nào, của ai.

Ngày mái tóc không còn xanh được nữa
Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa

Nàng bỗng thấy bắt đầu thấy nhột nhạt. Nàng chép đầy mấy cuốn tập bao nhiêu là thơ. Mà sao nàng chưa nghe đến hai câu thơ này. Ờ, nàng nghĩ, mình đâu định trả lời thư hồi nào đâu mà lo tìm xuất xứ bài thơ. Kết thúc lá thư, anh chẳng chúc nàng xinh đẹp tươi tắn. Anh cũng chẳng nói câu đưa đẩy đại khái mong thư nàng. Anh chỉ dọa là sẽ viết thêm nữa, cho đến khi độc giả yêu tác giả lá thư mới thôi. Càng đọc lá thư dài lượt thượt của anh, nàng càng thấy lời đe dọa thật dễ thương. Nàng như rất mong anh sẽ thực hiện lời đe dọa. Anh ký tên Dương Phi Hoành, và mở ngoặc Dê Bay Ngang. Đọc xong “cuốn” thư tràng giang đại hải, đã quá nửa đêm. Nàng tắt đèn. Nàng để cuốn tập có lá thư dưới gối. Hồi còn bé, nàng tin vào chiếc lá thuộc bài, tin vào cháo thánh và cũng tin rằng, cất bài vở dưới gối đầu óc minh mẫn, học đâu nhớ đó. Đêm nào cũng vậy, khuya lắc khuya lơ, đóng cửa quán, mấy Mạ con lục đục rửa ly tách cà phê, dọn dẹp bàn ghế. Xong, nàng len lén đem thư, ép vào vở học, đọc đi, đọc lại. Thời học trò, nàng ngất ngơ. Đôi khi nhận thư tình, nàng đem “trình báo” mấy nhỏ bạn khác để đọc chung, rồi bàn ra, tán vào. (Bây giờ nghĩ lại, nàng thấy mình làm như vậy thiệt là quấy). Riêng lá thư của anh DPH, nàng giữ riêng, giấu tiệt, không “bật mí” cho ai. Có lẽ, nàng bâng khuâng ghê lắm. Không lâu sau, người thầm lặng hết xuất hiện. Nhóm thi nhạc từ từ vắng dần. Nàng lóng ngóng có ý chờ thư tiếp. Nàng mong mong, có ai ghé qua mang cho nàng lá thư khác. Nhưng nàng chỉ chờ vô vọng. Khi nhà ở Quảng Ngãi bị tịch thu, trong mớ hành trang vội vàng thu vén giữa cơn hoảng loạn cũng có lá thư của anh. Thời gian nàng học ở Đại Học Sư Phạm, lá thư vẫn còn nấp đâu đó giữa những cuốn sách giáo khoa và vẫn là bí mật giữa nàng và anh. Thêm nhiều lần dọn nhà, nàng đã mất đi rất nhiều sách vở, thư từ kỷ niệm. Dẫu những tờ giấy thư không còn đó nữa, nhưng “cuốn” thư vẫn có chỗ đứng trong thư viện “ảo” của trí nhớ nàng.

***

Thỉnh thoảng chàng liên lạc với cô láng giềng của người bạn thân ngày xưa. Cô bạn có trí nhớ tuyệt vời và hình như quen tất cả nam phụ lão ấu của thị xã. Nhắc ngày xưa, chàng vui vui gõ phím kể những ngày đi ngủ lang nhà bạn bè. Mấy ngày sau, cô bạn ríu rít tường thuật. Tui xin lỗi ông nghen. Đáng lẽ tui phải xin phép ông trước. Mà tui không chờ được. Đọc bài viết của ông, nghe ông nhắc đến con nhỏ Thúy, tui bèn lanh miệng, mách lẻo, chuyển bài viết đến cho nó rồi. Chàng giật mình, trời trời, sao mà trái đất tròn quay vầy trời. Không biết con nhỏ nghe mình diễn tả mắt nó to như mắt bò, nó có quạu không nhỉ. Cô bạn trấn an, ông yên tâm, nó không nhớ rõ ông là ai. Nó vui mừng gặp lại đồng hương, nhất là ông và nó cùng là Huế Quảng sương sương. Nó hổng xét nét vụ mắt bò đâu ông à. Nó có vài thắc mắc về những bạn bè thời đó. Cô bạn đứng giữa, nhanh nhẩu chuyển tiếp mấy dòng của con nhỏ cho chàng. Con nhỏ dường như vẫn là con nhỏ khi nhắc ngày xưa. Thăm hỏi đôi câu xong, con nhỏ hỏi về người nó đặt tên là người-thầm- lặng. Hơn ba chục năm rồi, mà con nhỏ còn nhớ nhiều chi tiết đến người bạn của chàng. Hoành đúng là người thầm lặng. Tuy hắn kiệm lời, bạn bè luôn muốn có mặt hắn trong mọi cuộc họp mặt. Bạn bè rất quý mến hắn. Khi hắn nhờ chàng viết cho hắn lá thư để hắn tỏ tình với con nhỏ, chàng đồng ý ngay. Chàng không kể cho hắn nghe rằng, con nhỏ cũng trong “tầm nhắm” của chàng. Chàng phơi phới, thức thâu đêm, suốt sáng viết thư. Chàng viết liền một mạch mấy chục trang. Đâu khó khăn gì, chàng chỉ cần tỏ rõ lòng chàng. Cuối thư, chàng muốn ký tên chàng, nhưng đành phải ghi tên của hắn kèm theo biệt hiệu Dê Bay Ngang, diễn nôm cái tên đẹp đẽ cha mẹ hắn đã đặt. Viết thư xong, chàng có việc phải rời thị xã. Nhận tập thư, hắn hớn hở ra mặt, hắn nói gọn lời cám ơn. Nhìn vào mắt hắn, chàng biết hắn thật sự “tri ân sâu sắc”. Chàng không biết có đứa bạn nào đạo diễn tiếp cho hắn, hay giúp hắn đưa thư cho con nhỏ. Hắn coi bộ rất nhát gái. Chàng định bụng, có dịp, hỏi hắn về kết quả và số phận lá thư. Nhưng chàng và hắn thất lạc nhau tự đó đến giờ. Hẳn hắn rất hạnh phúc khi biết con nhỏ mấy chục năm sau còn hỏi thăm hắn. Phần chàng, “thư đã trao, không lấy lại bao giờ”. Hồi đó cả nước nghèo xác xơ. Máy photocopy chỉ dành cho những hồ sơ, giấy tờ quan trọng. Máy điện toán thì gần hai chục năm sau mới xuất hiện ở Việt Nam. Cho nên, “quyển” thư 48 trang giấy, xứng đáng ghi tên vào kỷ lục “Ghi- nét” ấy là độc bản, là độc nhất vô nhị, là vô tiền khoáng hậu. Không phải như thời nay, cứ việc “thay tên đổi họ” người nhận, cứ copy & paste để làm “tâm tình hiến dâng” khắp bốn phương trời. Mà hồi ấy, nếu có điều kiện, chàng vẫn nhất định chỉ viết một bản. Vì cảm hứng chỉ có một lần, và một lần cho tất cả. “Trong đời, người ta chỉ thật sự yêu có một lần. Những lần trước đó là tập yêu. Những lần sau đó là thói quen yêu”. Thuở loai choai tuổi teen, ai đó trong đám bạn của chàng đã nói vậy rồi mờ.

***

Thời đại tân kỳ ngày nay, người thầm lặng trong sinh hoạt chung là chuyện rất bình thường. Ngồi bên nhau, ai nấy cũng thầm lặng, vì mải mê quẹt, quẹt, lướt, lướt trong điện thoại riêng của mình. Có người đưa lên Facebook tấm hình hai cặp vợ chồng bên bàn ăn buổi tối. Bốn người đang chăm chú vào bốn cái điện thoại trong tay. Nhiều người xem hình, nhấn nhanh dấu like kèm theo lời bàn, đầm ấm quá, lãng mạn quá… Nàng lẩm cẩm tự hỏi, không lẽ người ta khen hai cây đèn cầy đầm ấm, khen bình hoa tươi lãng mạn… Cho nên, nếu nàng ao ước được gặp người thầm lặng, nàng chẳng cần Aladdin và cây đèn thần. Nàng chỉ cần đến quán cà phê nào đó, ngoài cửa có ghi free WiFi, nàng sẽ bắt gặp biết bao nhiêu người thầm lặng bên tách cà phê. Nhưng nếu nàng thưa với cô tiên rằng, con mơ nhận lá thư viết tay dài hơn 10 trang. Chắc chắn cô tiên sẽ nói, ta tiếc không làm vừa lòng con được, điều này vượt ngoài khả năng cây đũa thần của ta. Ta nghĩ, đây chỉ là một đề tài hấp dẫn cho những cuốn phim khoa học giả tưởng thôi con ạ.

Qua đôi lần thư từ với nhà thơ học trò, nàng được biết thêm vài điều lý thú về những ngày tháng cũ. Nhà thơ học trò có thời gian quen thân với nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, tác giả của truyện Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau. Nhà thơ nhắc đến quán Café Uyên-Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau ở Quảng Ngãi. Nhà văn vui lắm, mong có dịp về Quảng Ngãi, gặp chị của nàng, người dùng tựa truyện ghép vào tên của quán cà phê. Chỉ tiếc, bể dâu cuộc đời đã làm biết bao dự tính, ước mơ con người phá sản. Riêng nàng, nàng tìm ra một chân lý mới. Đằng sau một người Việt thầm lặng dễ mến là một người Việt ít thầm lặng viết thư lôi cuốn. Bây giờ, nàng có thể đáp trúng câu đố vui có thưởng trong lá thư cách đây mấy chục năm. Nàng phân vân, không biết mình nên trả lời người thầm lặng hay người ít thầm lặng.

Nàng bước ra vườn, ngắm ánh trăng chảy mềm mại trên thảm cỏ, trên những bụi cây mơn mởn lá mới đón xuân. Nàng ngước lên, trăng chan hòa, sao lấp lánh. Rằm tháng Ba, nơi đây, chốn trời Âu, đêm vẫn còn lạnh buốt.

Ngày mái tóc không còn xanh được nữa
Ngày đôi tay thôi dệt mộng phù hoa
Thì em sẽ vì anh mà mở cửa
Trông lên trời, đếm những điểm sao xa

Nàng đọc thầm mấy câu thơ, thấy lòng mình bỗng dưng ấm chi lạ.

Hoàng Quân
Rằm tháng Ba Canh Tý, 2020.

Đoàn Vị Thượng (1959- 2021) tên thật là Trần Quang Đoàn, sinh tại Huế, lớn lên ở Quảng Ngãi.

Các tác phẩm đã xuất bản:

– Ngôi trường, hoa phượng và tôi (thơ, 1987)
– Thơ Đoàn Vị Thượng (1988)
– Chuyện tình chim hót (truyện dài, 1989)
– Môi thơm (truyện dài, 1990)
– Tóc em còn thả mùa đi học (truyện dài, 1991)
– Thơ Đoàn Vị Thượng (NXB Hội Nhà văn, 2020)

Những bài thơ của nhà thơ Đoàn Vị Thượng

Hoài Quê

Cho tôi đi lại từ đầu
Để tôi không lạc khỏi màu xanh quê
Tiếng chim bảo bọc tôi về
Tôi là chú bé mải mê bóng vườn
Dầm chân mép nước sông Hương
Tôi đi trở lại ngọn nguồn tôi đây
Vin vào một chiếc lá cây
Tôi lần cành rễ bám gầy đất nâu

Cho tôi đi lại từ đầu
Vấp thềm cửa mẹ đã lâu quên chờ
Vấp mùi hương cũ ngẩn ngơ
Mấy mươi năm đến bây giờ chưa tan

Ví Dụ Ta Yêu Nhau
Tặng Đoàn Thạch Biền

Ví dụ anh chờ em được không
Bên đường, sẽ đứng tựa cây thông
Em có khi nào quên đội nón
Đứng cạnh anh che bớt nắng hồng

Ví dụ anh theo, thử đến nhà
Cũng ngồi xem báo cũng giống như ba
Sẽ đọc em nghe tin thời sự
Hay là ngâm mấy đoạn thơ ca?

Ví dụ anh ngồi lâu được không
Ngồi hoài, như tảng đá rêu phong
Chớ tưởng tay em là yếu đuối
Chạm thử anh lăn được mấy vòng

Ví dụ hai mình ra phố chơi
Vào quán cà phê kiếm chỗ ngồi
Nhạc ồn em nói nghe không rõ
Mình cúi vai gần như lứa đôi.

Giọng Huế của Mạ

Ba mươi năm xa quê, Mạ còn nói giọng Huế
Đó là điều bình thường của Mạ phải không?
Có bao điều bình thường trong đời rất đáng kể
Rất đáng nói ra, sao cứ giữ trong lòng

Tuổi con gái, Mạ từng uống nước sông
Đến bây giờ giọng Huế nghe còn ướt
Giọng Huế nghe còn một chút gì trong
Bao cay đắng pha vào chưa đục được

Sông Hương chảy xuôi dòng, Mạ có thời chảy ngược
Vào miền Nam trắc trở đến giờ
Có phải vậy, Mạ chóng già hơn trước
Mà dòng sông thì vẫn cứ trẻ thơ

Dẫu gì sông cũng có đôi bờ
Trong khi Mạ nổi trôi vào Chu Lai, Quảng Ngãi
Mạ trôi tít vào miền Nam xa ngái
Giọng nói có là bờ để giữ Mạ được đâu

Giọng nói cũng trôi qua mấy chân cầu
Va chạm đủ các âm thanh xa lạ
Đã nhiều lần làm lưỡi Mạ đớn đau
Để giữ lại chút gì đừng tan rã

Giọng nói Huế quý như mền, dạ
Từ trên môi những kẻ đồng hương
Một câu chào nghe sao ấm quá
Buổi gặp nhau lưu lạc trên đường

Còn bây giờ tôi chảy với sông Hương
Trôi qua Huế ngọt ngào, thân mật
Có phải tôi trôi từ chỗ nỗi buồn
Trong lòng Mạ mới vừa đổi khúc?