Tôi không thân thiết hay gần gũi gì lắm với nhà văn
Mai Thảo, và ngược lại. Tuy thế, suốt những năm dài của thập niên
1980, mỗi lần đến Silicon Valley là ông nhất định phải tìm tôi cho
bằng được mới yên.
Lý do – giản dị – chỉ vì tôi vợ con không có, mèo
chó cũng không nên có thể ngồi “hầu” rượu cùng ông từ sáng đến
chiều, và (đôi khi) từ khuya cho tới sáng luôn!
“Cuối đời” chính là lúc này đây! Tuy đã sắp gần
đất xa trời rồi nhưng tôi vẫn không hiểu sao người ta có thể bán một
đôi giầy cũ, với giá năm trăm sáu chục ngàn Mỹ Kim – theo như tin của
NBC News (Michael Jordan sneakers sell for $560,000 at Sotheby’s auction)
đọc được vào ngày 18 tháng 5 năm 2000!
Tiền chớ bộ giấy, sao cà?
Mà đâu phải chỉ có bấy nhiêu thôi. Số tiền huê hồng
hậu hĩ mà Michael Jordan nhận được nhờ quảng cáo cũng là vấn đề
khiến cho thiên hạ phải bận lòng:
“Một tổ chức tương tự ở San Francisco, Global Exchange, đã ấn
hành một báo cáo vào 9/1998 với tựa đề ‘Lương và chi phí sinh sống của công
nhân Nike ở Indonesia’. Báo cáo này cho biết lương trung bình của một công nhân
Nike ở Indonesia chỉ là 0,8 đôla mỗi ngày và yêu cầu công ty này nên nâng mức
lương đó lên gấp đôi. Nếu thực hiện việc này, chi phí của Nike sẽ tăng thêm 20
triệu đôla, tương đương với số tiền hàng năm mà công ty trả cho Michael Jordan
để làm đại sứ cho thương hiệu của họ.” (Những Thăng Trầm Của Thương Hiệu Nike – trích
từ Bí Quyết Thành Công Của 100 Thương Hiệu Hàng Đầu Thế Giới do
Công ty First News phát hành).
Một đôi giầy cũ mà giá hơn nửa triệu Mỹ Kim tưởng
đã khó hiểu lắm rồi nhưng đời lại còn không ít chuyện chuyện khó
hiểu hơn nhiều:
Hóa ra, ở Bắc Hàn, chân dung lãnh tụ lại giá mắc
hơn cả cuộc đời và sinh mạng của người dân ở xứ sở này nhiều lắm.
Thế mới biết qúi cái nước CHXHCNVN, một nơi … dễ thở hơn thấy rõ!
Dù lụt lội hằng năm, và chết chóc là chuyện thường
ngày vẫn xẩy ra ở huyện nhưng chưa có một đứa bé người Việt nào
chết đuối vì mải lo “vớt” hình lãnh tụ cả. Cũng chưa có người Việt
Nam nào phải vào tù vì quên “chạy” hình của Bác khi nhà bốc cháy.
Mà hình ảnh của Hồ Chí Minh thì thiếu chi ở xứ sở
này. Nó hiển hiện khắp hang cùng ngõ hẻm ở miền xuôi, cũng như mạn
ngược, và được phát không (cùng cờ đỏ sao vàng) tại tất cả mọi nơi:
Chỉ có điều đáng tiếc là người nhận – ngó bộ –
không vui vẻ mấy, và dư luận thì (xem chừng) có vẻ rất bất bình:
Hình ảnh của bác Hồ bị rẻ rúng, đã đành; NGƯỜI
còn bị đám đông quần chúng chế riễu và bêu riếu bằng vô số hò/vè
vô cùng khiếm nhã:
Ấy thế nhưng chả nghe ai bị bắt giữ hay tù đầy gì
ráo. So với Bắc Hàn thì Việt Nam, rõ ràng, tự do và hạnh phúc hơn
thấy rõ. Ít nhất thì dân Việt cũng còn được chửi lai ra, và chửi
dài dài. Xứ sở này hiện nay chỉ có một cái taboo duy
nhất về “cái khoản độc lập” thôi. Đây là điều tuyệt đối cấm kỵ nên
hễ ai đụng tới là đi tù như bỡn.
Năm 2008, hàng chục nhân vật (Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Mạnh
Sơn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Hữu Tính, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh, Phạm Văn
Trội, Vũ Hùng) đã vào tù vì họ bầy tỏ sự quan tâm đến việc bảo
toàn lãnh thổ và lãnh hải.
Năm 2020 thêm ba nhân vật nữa (Phạm Chí Dũng, Trần
Đức Thạch, Nguyễn Tường Thụy) tiếp tục bị giam cầm cũng chỉ vì họ
đều đã “yêu cầu Trung Quốc rút khỏi biển Đông.” Nhân vật mới nhất
vướng vào vòng lao lý là bà Đinh Thị Thu Thủy, cũng cùng một nguyên
do, theo tường thuật của thông tín viên Mỹ Hằng (BBC)
vào hôm 20 tháng 1 năm 2021:
“Nhà hoạt động Thu Thủy bị tuyên án 7 năm tù … Bà Thủy bị bắt
hồi tháng 4/2020 tại nhà riêng tại phường Lái Hiếu, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang
để điều tra hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu,
vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Thu Thủy bị kết án những tội danh trên chỉ vì đã
giơ cao tấm biểu ngữ Vietnam is not for rent or for sale to by China!
Bà từ chối bán nước hay mang quê hương xứ sở cho thuê nên phải đi tù.
Tại sao những người lãnh đạo hiện hành lại “nhậy
cảm” với vấn đề độc lập và chủ quyền quốc gia đến thế? Họ ở thế
qùi chăng?
Bao giờ mà Hội Nghị Thành Đô vẫn còn được coi là “mật
ước” giữa hai nhà nước Việt – Trung thì e sẽ không thể có lời giải
đáp cho những câu hỏi thượng dẫn. Thế giới có triệu điều không hiểu/
Càng hiểu không ra lúc cuối đời!
Tưởng Năng Tiến