Chúng tôi chọn những ngày cuối năm để leo lên ngọn đồi lịch
sử Charlie, bởi vào lúc này thời tiết không quá khắc nghiệt để lần mò được đến
nơi. Mang theo trong chuyến đi, những thứ quan trọng nhất là rượu, hoa và
nhang: quà cho những người mà thế hệ chúng tôi chưa từng biết mặt.
Việc đặt tiểu đoàn 11 nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trấn
giữ ở đồi Charlie là một sự khó chịu vô cùng đối với quân Bắc Việt, vì mọi cuộc
chuyển quân ở ngã ba Đông Dương hay từ Bắc vào, qua ngã này, đều có thể bị phát
hiện. Cho nên, trong cuộc tổng tiến công năm 1972 của quân đội Bắc Việt, cùng với
một phần của Mặt trận Giải phóng miền Nam, đồi Charlie là mục tiêu cần phải bị
xóa sổ. Cái gai cần phải nhổ cho đường tiến quân thuận tiện từ Tây Nguyên xuống
đồng bằng miền Nam.
Điều đó, có nghĩa rằng chuyến đi mất gần ba tiếng di chuyển
lên đến đỉnh đồi của chúng tôi, nơi đâu cũng có máu xương người Việt. Từng viên
đá, từng khúc quanh, từng ngọn cây… chắc đều giữ lại phần bí mật nhất chưa bao
giờ được kể lại về số phận không chỉ của từng con người, mà của một dân tộc phải
chịu điêu linh vì cuộc chiến tranh màu lý tưởng cộng sản.
Ngọn đồi Charlie xanh mướt và lặng lẽ giữa thông xanh, trời
mây và gió se sắt lạnh. Đầu ngõ vào cầu treo dẫn đến chân đồi, chính quyền địa
phương đến hôm nay cũng chưa dám ghi rõ ràng về cuộc chiến này, mà chỉ đơn giản
là “Di tích lịch sử của điểm cao 1015 Charlie và 1049 Delta” – khác với giọng
điệu thường đắc thắng và kiêu ngạo sau 1975, khi mà những di tích thường có
thêm các tấm bia ngợi ca sự anh dũng của quân đội Bắc Việt. Nhưng ở Charlie, mất
mát quá lớn có thể là điều nhà cầm quyền ngại ngùng không muốn nhắc tới. Hàng
năm không chỉ có những chuyến xe từ Bắc vào Charlie để viếng người thân sinh Bắc
tử Nam, mà chính người miền Nam đứng trên ngọn đồi ấy cũng ngậm ngùi: Ai, điều
gì… đã xô đẩy khiến cho máu xương Việt Nam chia lìa và chôn vùi thảm khốc đến vậy?
Đã 45 năm rồi. Những ngôi mộ, nếu có, thì giờ cũng đã um tùm
cỏ lau. Thịt xương cũng đã là rêu bụi. Chiến địa đã trở thành rừng xanh bao phủ
trên núi, ôm kín mọi nỗi lòng. Đó là chưa nói nhiều thế hệ đã đi qua, không biết,
hoặc bị tuyên truyền bóp méo tin tức về những người lính Việt Nam Cộng Hòa ở
đây. Vậy mà mấy lần, gặp một người Jarai hay Sedang, thấy chúng tôi hồng hộc thở
trên đường, họ cười thân thiện và hỏi “đi thăm ông Trung tá Bảo à?”.
Lạ lùng. Sao họ lại biết Trung tá Bảo nhỉ? Thậm chí bài hát
nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có tên Người ở lại Charlie cũng không nhắc
gì về tên của người chỉ huy tiểu đoàn Song kiếm Trấn ải này. Dù sau khi tử trận
ở Charlie, Trung tá Nguyễn Đình Bảo (1936-1972) được truy phong đại tá, nhưng
dân trong vùng vẫn nhớ về một vị Trung tá, giữa hàng ngàn người đã gửi lại hình
hài ở nơi này.
Không chỉ tấn công mà mục tiêu của sư đoàn 320 còn là tiêu
diệt cho được tiểu đoàn Song Kiếm Trấn Ải (theo nhà văn Phan Nhật Nam thì sau
trận đồi Charlie, tiểu đoàn này mất 400 quân nhân) nên quân Bắc Việt bao vây và
chặn đường mọi ngã. Thậm chí súng phòng không Bắc Việt còn được chuẩn bị để
ngăn không cho trực thăng tiếp viện. Sau khi không còn đạn dược và lương thực,
những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa còn lại đã rút lui, nhường đường cho tốp máy
bay B-52 bỏ bom hủy diệt toàn bộ phần Sư đoàn 320 đang tràn lên ở đây. Charlie
phút chốc thành bình địa, kể cả những bộ đội từ Bắc vào, cho đến những thân xác
còn nằm lại của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.
Mọi nỗ lực tấn công hao tổn về con người và súng đạn của
phía quân chính quy Bắc Việt hoàn toàn thất bại. Có lẽ vì vậy mà trong
wikipedia Việt ngữ nói về Sư đoàn 320, chiến sử Charlie đã không được ghi lại
cũng như cũng cố ý không nhắc tới, trong các mục viết ca ngợi danh tiếng của Sư
đoàn này.
Nói về trận đánh đó, vùng đất đó, nhà văn Phan Nhật Nam có
viết trong bài Người ở lại Charlie: “Bi kịch không riêng đối với những người
lính Tiểu Đoàn 11 Dù, qua lần đi khuất của Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo – Nhưng
cũng là bi kịch của mỗi thân phận Người Miền Nam hiện thực qua hy sinh xả kỷ của
Người Lính, sự chịu đựng âm thầm của Người Vợ-Đứa Con Người Lính. Nỗi Đau kia hằng
mới vì Nỗi Đau Luôn Là Nỗi Đau Chung, cùng với những dấu tích kỳ diệu miên viễn
của Tình Yêu trong đời sống trần thế giới hạn của nhân sinh”. (trích)
Cuối năm 1972, quân đội Việt Nam Cộng Hòa có tổ chức dựng
bia tưởng niệm trên đỉnh đồi để tưởng các quân nhân đã hy sinh trong cuộc chiến,
và ghi nhớ nơi tử trận của Đại tá Nguyễn Đình Bảo. Nhưng rồi sau 1975, chính
quyền địa phương theo lệnh từ Hà Nội đã cho đập phá tất cả. San bằng mọi thứ.
Nhưng đáng ngạc nhiên, là chính nhà cầm quyền Bắc Việt cũng không hề dựng bất kỳ
bia tưởng niệm nào cho hàng ngàn người lính của họ đã thiệt mạng ở nơi này.
Mãi cho đến giữa thập niên 1990, những đoàn thân nhân từ miền Bắc vào để viếng, nơi con em của họ đã để lại tuổi xuân trên ngọn đồi Charlie mới góp tiền cùng nhau dựng một bàn thờ, hương khói. Còn về những người miền Nam, không biết ai đó đã ùn một đống đất, tựa như một gò nhỏ, hay có thể là một nấm mộ tượng trưng cho những ai lên thắp hương cho Đại tá Nguyễn Đình Bảo và những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Và dù rất khiêm tốn, không có bia hay chữ ghi chú nào, nhưng mọi người đều biết nếu thắp nhang cho những người miền Nam, thì đến đó.
Từ đỉnh đồi Charlie nhìn bao quát xuống phía dưới. Tháng Tư năm 1972, hàng ngàn quân Bắc Việt giấu mình để từ đó tấn công lên đỉnh đồi
Hương bay theo gió, những cánh hoa vàng phất phơ trên cỏ.
Tôi chợt nhớ đến phần cuối trong Đồi gió hú của Emily Bronte, rằng “dưới những
cành hoa phất ấy, những người nằm dưới nấm mộ ấy có thật sư yên nghỉ không?”.
Không có ai trả lời tôi suy nghĩ đó, chỉ có tiếng gió rít qua từng hồi như tiếng
thở than.
Con đường xuống núi nguy hiểm và khó khăn hơn cả lúc đi lên,
vì chung quanh là bóng tối, đường lầy với cát khô và đầy khúc quanh đốc xuống
thẳng đứng. Nhưng bên cạnh chuyện việc lo lắng đi ra, ai cũng mang theo một cảm
giác kỳ lạ. Trận chiến Charlie lại sống động như mới hôm qua, những người Việt
Nam nổ súng vào nhau như vẫn còn nghe tiếng đạn bay. Rừng núi âm u như vẫn chực
chờ những cái chết vô định. Chúng tôi cảm nhận được hết mọi thứ và ngồi lại, kể
với nhau khi ra đến bên ngoài.
Ký ức thường rồi dần sẽ phai mờ, sự khốc liệt của chiến tranh, máu và nước mắt rồi cũng khô cạn. Nhưng anh hùng tử, khí hùng bất tử, cái chết vì chính nghĩa bảo vệ miền đất tự do của những thanh niên miền Nam Việt Nam quyết bảo vệ vùng đất của mình vẫn được nhớ đến, vẫn phảng phất trong hương gió núi vùng Dakto, trong lời hát, bất ngờ hiện ra vào chiều sẩm tối ở đồi Charlie, khiến chúng tôi gai người – sự linh thiêng của núi sông là đây, của cha anh là đây, của nghịch cảnh tương tàn vì tham vọng cơ đồ là đây.
V., một người trong nhóm thắp hương trên đỉnh đồi vào lúc chiều tà,
Giờ thì không có ai là kẻ thù, cần diệt trừ và không có nơi
chốn nào, cần phải bị giải phóng. Chỉ có những con người nằm lại với nhau,
xương thịt nằm lại trên cùng một mảnh đất, cùng ngửa mặt lên bầu trời đêm của
ngọn đồi Charlie để thấy thương đau là tên gọi chung của tất cả. Tất cả thịt
xương Việt Nam đã đến, đã hư không, chỉ còn linh hồn ở lại.
Chắc chắn rồi chúng tôi sẽ trở lại, rót rượu cho mọi người,
không phân biệt là ai. Vì như có một lời hứa âm vang trong tim với những con
người đã đến, thân xác ra đi nhưng linh hồn mãi mãi ở lại Charlie. Những người
anh em Việt Nam đã chết trên đất nước, đem lại những điều quý giá. Có những người
dạy cho thế hệ sau biết chính nghĩa quốc gia là gì, và có những người lại dạy
cho chúng tôi biết cuộc tương tàn ấy đau đớn thế nào trong tham vọng chủ nghĩa.
Tháng 12-2020
Tuấn Khanh