Hình minh họa Nguyễn Đức Tuấn Đạt
Người bán hàng ở siêu thị
Có lần, ở khu vực hàng rau quả, bà lấy một hộp loại nửa ký
cà chua để trong xe. Ông đến, dường như không hài lòng hộp cà chua bà đã chọn.
Ông đặt hộp cà chua lại kệ hàng, lúi húi lựa hộp khác. Bà đứng cạnh, nhìn ông,
nét mặt buồn xo.
Tôi không thể nào đoán hai vợ chồng thuộc thành phần nào
trong xã hội. Chắc chắn họ không phải vừa nhập cư. Cách ăn mặc của họ giản dị,
nhưng tươm tất. Khi trả tiền, bà xài thẻ thông thạo. Lúc bà xin lỗi không mua bịch Cola,
tiếng Đức của bà rất chính xác. Tôi chịu thôi. Bao nhiêu câu hỏi không có câu
trả lời.
Người hàng xóm
Cô cậu người Việt là láng giềng gần của tôi. Họ có một cậu
con trai, xong trung học, xa nhà đã vài năm nay. Họ ở tầng một, tôi ở tầng trệt,
cùng nhìn ra sân chơi trẻ con và bãi đậu xe đạp. Chỗ đậu xe hơi dưới hầm của
tôi đối diện chỗ đậu xe của họ. Đôi khi trùng giờ đi làm, cùng đoạn đường ngắn
ra xe với cậu, chúng tôi tán dóc đôi câu vô thưởng, vô phạt. Cả cô cậu đều tươi
tắn, thân thiện. Xem ra, cậu có vẻ mau mắn hơn, lúc nào cũng chào hỏi vui vẻ,
nhanh nhẹn. Cậu đi làm bằng chiếc xe BMW X5 to tướng. Thỉnh
thoảng, tôi thấy cô cậu đi cùng nhau. Có điều, chỉ thấy cậu cầm tay lái, tôi
chưa bắt gặp cô lái xe hơi.
Những chiều trời đẹp, khi đứng đón nắng, ngắm trời, tôi thấy
cô đạp xe lòng vòng một mình. Bẵng đi vài tuần, tôi không hề gặp cậu đi làm.
Chiếc xe lúc nào cũng ở chỗ đậu, khi tôi đi ngang qua. Thật ra, tôi cũng không
để ý chuyện này, cho đến khi tôi tình cờ nhìn ra sân chung, thấy cô cậu đi dạo
loanh quanh trong xóm. Ồ, như vậy, không phải cô cậu nghỉ phép vắng nhà. Tôi
hơi lấy làm lạ. Bởi, từ ngày tôi dọn về đây, đã mấy năm, tôi chỉ thấy cô đi dạo
một mình vào mùa ấm, chứ chưa thấy cậu đi dạo bao giờ. Thấy hai người đi ngang
qua, tôi vẫy vẫy tay, chào, hỏi khỏe không, cô hơi dừng chân, ngước lên chào
đáp. Cậu nhìn tôi, dửng dưng như không quen.
Mấy ngày sau, bỗng dưng, tôi ưa đứng hóng gió ngoài sân vào
buổi chiều, sau khi đi làm về. Tôi ngạc nhiên hơn, thấy cả cô cậu cùng chạy xe
đạp. Lạ nhỉ, không lẽ xăng nhớt lên giá quá độ, làm cho cô cậu chuyển từ xe hơi
qua xe đạp. Tôi buồn cười cho tính tò mò của mình. Họ đạp xe đi rồi, tôi chăm
chút cắt tỉa mấy chậu cây trên bệ cửa sổ, mà hình như lóng ngóng xem bao giờ họ
về. Tôi khỏi đợi lâu. Khoảng tiếng đồng hồ sau, họ trở về. Hình như họ đi chợ.
Cô loay hoay khóa xe. Cậu bận rộn với túi đồ đạc. Dần dà, tôi có thói quen mới,
đứng thơ thẩn trong sân, quan sát cô cậu. Có hôm đổi trời, gió hây hây, cậu đã
yên vị trên xe đạp, cô chạy vào nhà, rồi chạy ra, với nón len và khăn quàng cổ.
Thấy cô ríu rít nói với cậu, cậu miễn cưỡng quàng khăn và đội nón. Họ đạp xe
đi, cậu chạy trước. Hình như cậu muốn đi hướng nào, cô theo hướng đó. Cứ như vậy,
đã nhiều tuần lễ…
Bạn đồng nghiệp
Tôi mới vào hãng được hơn năm nay. Chị thân với tôi hơn những
bạn đồng nghiệp thâm niên khác. Tôi nghĩ, chị hơn tôi vài tuổi. Nhưng tôi đã há
hốc mồm, khi chị khoe hình chụp chung với “con trai nhỏ”, chị âu yếm gọi, my
little son. Nếu nó 13, 14 tuổi, thì cu cậu quá già so với tuổi. Chị nói,
cháu 23 rồi đó cô, đôi năm nữa xong đại học. Tôi tròn mắt, chẳng lẽ chị có con
lúc 15 tuổi? Chị không mang nữ trang các loại vòng vàng đá quý. Trang sức của
chị là các loại khăn quàng. Xuân, hạ, thu, đông, lúc nào y phục của chị cũng
thích hợp, trang nhã và sang trọng, trong con mắt một người sống lâu ở Paris
như tôi. Ngày nào chúng tôi cũng bâng quơ trò chuyện đôi câu, thật thú vị.
Tôi nghỉ phép một tuần trở về, thấy vắng chị. Hỏi đồng nghiệp,
được biết, chị có việc riêng, làm việc ở nhà, chỉ vào hãng nếu có họp hành quan
trọng. Sếp tôi thông báo sơ trong nhóm, vì lý do gia cảnh, chị tạm thời ngưng
những chuyến công tác xa nhà. Sếp phân công cho những người cùng phòng làm thay
chị. Tuần sau, chị vào hãng, khá trễ. Tôi giật mình, chị xuống sắc quá. Vẻ mặt
bơ phờ, mắt có quầng. Ngang qua bàn tôi, chị chỉ nói “Hi”, rồi
tất tả rảo bước về chỗ chị. Tôi ngạc nhiên quá đỗi, sao chị lạnh nhạt với tôi
như vậy. Định bụng sẽ hỏi thăm chị vào giờ nghỉ trưa. Đi họp ra, ngang qua bàn
chị, không thấy chị ở đó, bàn đã gọn gàng ngay ngắn, không có laptop trên
bàn. Chị đã về sớm. Ngày sau, chị vào trễ, cũng vội vội, vàng vàng như vậy. Thấy
chị vào bếp cà phê, tôi chạy theo. Đến bên chị, bây giờ tôi mới thấy tóc chị bạc
lấm chấm. Nhìn chị hôm nay, tôi bỗng dưng so tuổi chị với tuổi mẹ tôi. Tôi lắc
lắc tay chị:
– Chị, chị khỏe không? Sao mấy hôm nay chị có vẻ bệnh vậy?
Chị nói nhỏ:
– Cám ơn, mình cũng thường.
– Thật không? Em thấy chị mệt mỏi quá đó. Có chuyện gì
không? Em có thể giúp được gì không?
Tôi thấy chị chớp nhanh mắt, nhưng vẫn không giữ được những giọt
nước mắt trào nhanh qua mi. Tiếng chị nói nghèn nghẹn:
– Mình không sao. Nhưng ông xã mình bệnh, đang nằm bệnh viện.
Bác sĩ gia đình
Tôi là bác sĩ gia đình của ông bà. Qua đôi lần trao đổi, tôi
được biết ông bà là người Việt, có quốc tịch Đức, đến Đức khi tuổi vừa ngoài
đôi mươi. Dù là bác sĩ gia đình của ông bà, tôi biết không nhiều về ông bà, bởi
hồ sơ bệnh sử của ông bà rất đơn giản. Bà đến tôi mỗi năm một lần để khám tổng
quát, thử máu… Mùa xuân bà ghé qua lấy toa thuốc dị ứng. Vậy thôi. Ông thì đôi
lần hiếm hoi, lấy hẹn vào khám bệnh, để nhận giấy nghỉ bệnh vì cảm cúm.
Đây là lần đầu tiên, cả ông bà cùng đến phòng mạch của tôi.
Bà cho biết, ông đã vào cấp cứu cách đây hơn hai tuần và đã nằm điều trị ở đó
cho đến ngày hôm qua. Bà trao cho tôi xấp hồ sơ của bệnh viện.
Thật quá bất ngờ, tôi biết quá ít về bệnh sử của ông. Trước
mắt, tôi tiếp tục ghi toa của những món thuốc bệnh viện cho ông dùng. Dặn dò bà
những điều cần thiết trong thời gian thuốc men điều trị. Kể ra, ông rất may mắn,
ca bệnh chỉ ở mức độ nhẹ, không để lại di căn trầm trọng. Ông chỉ có chút vấn đề
với trí nhớ ngắn hạn. Tôi thấy bà xanh xao, thần sắc mệt mỏi. Tôi khuyên bà
không nên quá lo âu, nhắc bà phải giữ gìn sức khỏe để còn chăm sóc ông. Qua những
lần nói chuyện với bà, thấy bà thật rành rẽ về thuốc men và những thuật ngữ y
khoa. Hỏi ra, bà không làm trong ngành y hay dược, bà làm trong lãnh vực tài
chính. Bà kể, bà chỉ mới tìm hiểu kỹ càng từ khi ông bệnh.
Vợ chồng
Ở phòng hồi sức, sau khi vắn tắt kết quả chẩn đoán bệnh, bác
sĩ vỗ nhẹ vai nàng, giọng an ủi, “Xin bà bình tĩnh. Tình trạng sức khỏe của ông
nhà hiện giờ đã qua giai đoạn nguy kịch. Ông nhà ở khu Intensive Care trong
đêm. Chúng tôi theo dõi liên tục. Mai sáng, chúng tôi sẽ chuyển ông qua khu vực
giải phẫu thần kinh não bộ”. Những ngày sau đó, nàng và con cùng nhau vào thăm
chàng, gặp bác sĩ, y tá để biết thêm thông tin. Tối về, hai mẹ con thay phiên
nhau tiếp điện thoại của gia đình.
Sau hai tuần nằm trong phòng, bác sĩ cho phép hai mẹ con đưa
chàng đi dạo. Ba người đi quanh quẩn trong hành lang mươi lăm phút. Chàng nói mệt,
muốn trở về phòng. Nhưng chàng đứng ngẩn ngơ, không định được phòng mình ở đâu
để trở về. Nàng buồn xót xa, mặc dù bác sĩ đã cho nàng biết, trí nhớ ngắn hạn của
chàng có vấn đề.
Trong thời gian ngắn, cuộc sống của hai vợ chồng thay đổi
không ngờ. Nàng thôi không đi làm xa khỏi thành phố. Nàng hết tham gia những lớp
tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Nàng chấm dứt những sinh hoạt ngoài giờ làm việc với
đồng nghiệp.
Chàng rời bệnh viện, nhưng vẫn phải đến dự các chương trình
phục hồi trí nhớ đôi lần trong tuần. Nàng sắp xếp với hãng, làm việc ở nhà. Lúc
có họp hành quan trọng, nàng chạy ào vào văn phòng, họp xong về nhà ngay.
Sức khỏe chàng phục hồi nhanh chóng. Sau hai tháng, chàng đi
đứng đã bình thường. Theo lời bác sĩ dặn, chàng nên đi dạo thường xuyên và vận
động chân tay đều đặn. Chàng bảo, “Đi dạo không không, chẳng có mục đích gì, mất
thì giờ, chán lắm”. Chàng chỉ muốn đi đến các siêu thị gần nhà. Nàng chiều ý chàng.
Ngày nào nàng cũng “hộ tống” chàng đi hai ba chợ. Chàng thích đi hướng nào,
nàng cứ vậy đi theo. Vào chợ, chàng mua nhiều loại bánh, kẹo, sô-cô-la, nước ngọt.
Khi nàng nhắc, không nên ăn đồ ngọt nhiều, chàng bực dọc chau mày, “Thứ gì cũng
nhịn! Vậy sống để làm gì? Wozu lebt man?” Nàng đành chịu, để
chàng mua. Rồi về nhà, nàng bỏ bao, len lén đưa cho bạn bè, nhờ dùng bớt giúp.
Chàng tỏ vẻ không hài lòng các loại hàng nàng chọn mua.
Chàng săm soi, rồi đổi lấy món khác. Nàng biết ý, định mua gì, nàng cũng kêu
chàng đến “tham khảo ý kiến”, nói chàng lựa giúp. Đi bộ mua hàng xách nặng
không tiện, chàng nàng chuyển qua xe đạp. Trời chiều se lạnh khi chạy xe đạp,
thấy chàng mặc áo phong phanh, nàng vội trở lại nhà lấy áo, nón cho chàng.
Chàng vùng vằng, “Bộ, hễ em thấy lạnh là anh cũng phải lạnh theo sao?” Vậy mà,
khi chị bạn nhắc chàng mặc áo ấm kẻo bị cảm, chàng cảm động, xuýt xoa lời cám
ơn. Chàng muốn mình là người quyết định mọi việc, cho dù là những việc nhỏ nhặt
không quan trọng. Từ chuyện đi siêu thị Lidl hay Aldi, đến chuyện lên nhà dùng
thang máy hay chạy bộ, chàng sẽ làm ngược lại nếu nàng quên, không để chàng nói
ý của chàng trước. Dần dà, nàng tập thói quen, phu xướng phụ tùy.
Nàng thấy chàng ăn say sưa trái anh đào khi ở chơi nhà người
bạn. Hôm sau, nàng ghé hàng rau quả, mua ít anh đào. Nàng rửa sạch, bỏ vào dĩa
trắng cho đẹp mắt, cẩn thận kèm chén nhỏ để nhả hạt. Chàng đang xem ca nhạc Việt
Nam, nàng hí hửng mời. Chàng chăm chăm nhìn màn ảnh, nói, “Cám ơn vợ, em ăn
giúp anh đi. Anh không thích ăn loại trái này.” Nàng chưng hửng, rầu rầu đem
dĩa trái cây bỏ vào tủ lạnh. Ban đầu, những khi chàng nóng giận vô cớ, nàng vừa
buồn, vừa tủi. Đôi lần, nàng gọi cho chị bạn, khóc tấm tức với chị. Chị bạn vỗ
về, “Em à, ráng lên nhe. Nó không được khỏe trong người, nên mới như vậy đó. Chớ
nói chuyện với nó, chị biết, nó thương em lắm.” Nàng biết chứ. Bây giờ, lúc
chàng cầm tay nàng nói lời cám ơn, có lẽ nàng cũng cảm động như mấy chục năm
trước chàng nói lời yêu.
Nàng gặp riêng bác sĩ để xin thêm lời khuyên. Bác sĩ bảo
nàng, “Thật may mắn! Bà đã lập tức gọi cấp cứu khi ông ngã bệnh. Bệnh trạng của
ông nhà xem ra rất nhẹ. Sức khỏe ông nhà bình phục quá nhanh. Tuy nhiên, ít nhất
sáu tháng, ông nhà mới có thể đi làm trở lại. Bà cố gắng kiên nhẫn, tận tình
chăm lo ông nhà. Những bệnh nhân như vậy rất cần chỗ dựa tinh thần. Tình thương
yêu trong gia đình, người thân vô cùng cần thiết cho họ. Dẫu gì, xin bà đừng
quên, ông nhà đã trải qua một cơn xuất huyết não.”
Hoàng Quân