Đang đi ngon trớn xơ Mân bỗng bước chậm lại, đưa tay lên, chỉ.
- Còn đây là nơi an nghỉ của đức cha Sanh người sáng lập ra
trại cùi Di-linh nầy.
Ngước mắt lên, Nguyện nhìn thấy một ngôi mộ. Một ngôi mộ,
thoạt mới trông qua cũng tầm thường như trăm ngàn ngôi mộ khác, với cây thanh
giá vươn lên trong nắng. Có khác chăng là vùng cây lá vây quanh thì lại thắm
tươi chứng tỏ rằng hàng ngày vẫn được một bàn tay nào tận tình chăm sóc đến.
- Nơi đây chúng tôi gọi tên ngài là tông đồ của người Hủi.
«Tông đồ của người Hủi»! Trong ngơ ngác, Nguyện lặp lại,
nhưng cũng tự động nhích người tới trước khòm lưng xuống, lầm thầm đọc.
- Thưa dì, tên khắc trên tấm bia là Jean Cassaigne; con vừa
nghe dì gọi tên ngài là đức cha Sanh.
Một nụ cười tươi rói nở bùng ra làm hực sáng khuôn mặt vốn
khép kín và rất đỗi nghiêm nghị của người nữ tu còn trẻ.
- Chị chưa bao giờ được nghe ai kể qua về tiểu sử của ngài?
Ngó lơ qua chỗ khác, Nguyện lúng búng trả lời trong họng:
- Thời chưa lập gia đình, con là người ngoại đạo.
Khép nép, Nguyện gật đầu. Đâu lưng lại với dì Mân, Nguyện
vén áo ngồi bệt xuống, ngay trên mặt tảng đá đặt kế cận ngôi mộ của cha Sanh. Lợi
dụng giây phút xơ Mân còn mê mải trầm ngâm, Nguyện đưa mắt nhìn một vòng bao
quát khung cảnh rừng núi bạt ngàn vừa dàn trải ra trước mắt nàng. Điều làm Nguyện
thích thú nhất là: đây, lần đầu tiên nàng có dịp và có đủ thì giờ để săm soi
nhìn kỹ cả một trời bao la nắng ráo đang buông xuống đâu từ trên mấy tầng mây
vòi vọi sáng. Lạ một điều là: cũng cùng một thứ nắng xế trưa, nhưng khi đậu lại
trên đỉnh những ngọn cây bị gió làm lay động không ngừng thì huy hoàng và sinh
động biết bao, còn lúc trải dài giăng rộng ra nơi đồng không mông quạnh thì lại
mang màu sắc của một vũng lầy vừa nhễ nhại vừa ù lì, gần như vô vị.
- Phải, tên thật của ngài là J. C.
Tiếng nói bất thần của xơ Mân làm Nguyện giật mình.
- Cha Sanh gốc người Pháp. Ngài là con trai độc nhất của một
gia đình thương gia giàu có. Vừa đến tuổi trưởng thành, ngài lìa cha mẹ khoác
áo nhà tu. Năm 1925, lúc tròn 30 tuổi ngài đến Việt Nam. Chỉ hai năm sau (1927)
ngài từ chức giám mục địa phận Sài gòn để khăn gói lên đây.
Mới kể đến đoạn đó, chưa gì giọng nói của xơ Mân đã hạ thấp
xuống, bùi ngùi bứt rứt đến độ Nguyện phải cố vểnh tai lên để nghe cho rõ.
«Chị cứ tưởng tượng lại coi. Cái tỉnh lỵ Di-linh nầy ngay
bây giờ còn lạc hậu như vậy, huống nữa ở vào thời điểm của những năm 26, 27.
Vùng nầy quả xứng đáng là đại diện của loại vùng cao vùng sâu, vùng của rừng
thiêng nước độc, của bản làng heo hút, của niềm tin và trình độ dân trí còn tồn
đọng lại đâu từ ngàn vạn năm trước. Đó là chưa kể tới những vụ lỉnh kỉnh khác:
bệnh tật triền miên, nghèo đói bốn mùa, tai trời ách nước, người mạnh lấn kẻ yếu.
Cũng nhờ đó...
Và, cũng vì đó...
Dầu, gặp phải sự trở ngại trong vấn đề ngôn ngữ; dầu, gặp phải
bức rào cản kiên cố từ muôn xưa đã được xây dựng nên bằng những loại mê tín,
bùa chú, ếm trù, trừ tà, yểm quỷ của dân chúng địa phương; dầu, từng giờ từng
phút phải tự mình làm sao khắc phục và bình địa cho bằng được cái khoảng cách
nghìn trùng gây ra bởi nếp sống giàu sang rất mực và văn minh tột cùng nguyên
là xuất xứ của bản thân ngài, với sự nghèo khó tự căn bản và sự chậm tiến muôn
đời nguyên là vốn liếng do ông bà tổ tiên chúng ta để lại; bất chấp hết, ngài
quyết định ở lại và ở lại mãi mãi tại nơi chốn nầy.
Từ đó...
Từng phiến đá, từng khúc cây, từng sợi mây, từng nhánh
lá...; lượm lặt, quơ quào, gói bó, kéo lôi, gánh gồng, khuân vác... Ngày gió
đêm mưa, thú dữ vờn, sên vắt đeo. Mặc kệ. Thui thủi trên những con đường trơn
như mỡ. Bám đôi chân vào phiến đá lởm chởm nầy, víu đôi tay vào mỏm núi nhọn hoắt
kia. Cày cục từng bước. Để cuối cùng, ngài rị mọ dựng nên một trại cùi. Và, lần
đầu tiên, nhóm người Thượng với cặp chân què quặt, với khuôn mặt sứt mẻ, với
đôi mắt kèm nhèm lở loét; từ đời thuở nào vẫn kéo lê lối sống chui nhủi, hoặc
giữa lùm cây hoặc dưới hốc đá, có một chỗ để về. Có mái nhà để che nắng tránh
mưa, chưa đủ, họ còn cần cơm ăn áo mặc, nước uống, bông băng thuốc men v.v. Một
hình một bóng, cha Sanh tất tả ngược xuôi. Hai năm sau (năm 1959), lúc trại cùi
đầu tiên trở thành một làng cùi tương đối đầy đủ và có hệ thống, cha Sanh nhuốm
bệnh. Chứng bệnh đầu tiên chiếu cố đến cơ thể ngài là bệnh sốt rét kinh niên.
Là một trong những loại bệnh vẫn thường xuyên có mặt tại miền núi non ẩm thấp
và bầu không khí đầy sương lam chướng khí ở đây. Mà, càng bệnh hoạn ngài càng
quần quật: lấy đêm làm ngày. Không những chỉ miệt mài xây dựng, ngài còn dùng
chính đôi tay gầy yếu của mình để vỗ về, nâng đỡ, chăm sóc từng bệnh nhân một.
Chuyện phải đến, phải đến: mười năm sau nữa, ngài bị lây chứng bệnh cùi. Với
cha Sanh, yếu tố thời gian qua đi, tuổi tác kéo đến, bệnh tật chất chồng...;
không phải là những chướng ngại vật đáng kể mà chỉ là những động cơ thôi thúc
cái ý chí sắt đá và tấm lòng sâu như biển cả của ngài. Vẫn tiến tới và tiến tới
không ngừng. Làng cùi càng bành trướng, bệnh nhân cùi từ bốn phương tám hướng
càng lũ lượt bò về thì cơ thể của cha Sanh càng kiệt quệ. Chỉ mấy năm sau nữa,
ngài mắc thêm bệnh lao xương. Qua năm 1963, sau khi tạo dựng được 38 căn nhà
nuôi bệnh, ngài vướng phải chứng nan y thứ tư: lao phổi.
Năm 1973, nằm trong gian nhà gỗ rộng trên dưới 10 thước
vuông, giữa khung cảnh y nguyên của thời điểm từ 50 năm trước, - thuở ngài vừa
chân ướt chân ráo đặt bước tới vùng nầy - cực kỳ giản dị, đúng nghĩa nghèo nàn,
cha Sanh hấp hối. Sau đây là những lời ngài trăng trối lại : Hãy chôn cha tại
đây, giữa những người bệnh thân thiết của cha. Hãy xây đắp phần mộ cho cha bằng
thứ đất đỏ của miền cao nguyên núi Thượng nầy. Hãy đẽo gọt cây thánh giá cho
cha bằng thứ gỗ lấy từ góc rừng nầy...»
Dì Mân ngồi lẳng lặng một hồi lâu, trước khi chịu mở miệng
nói tiếp:
- Hơn 40 năm trôi qua rồi, kể từ ngày cha Sanh khuất bóng.
Nơi đây chỉ còn sót lại nắm xương tàn và công trình được tạo dựng nên bằng mồ
hôi, nước mắt, máu xương và trọn một cuộc đời dâng hiến. Ngài tình nguyện dâng
hiến gia đình mình, giòng họ mình, quê hương mình và cả thân xác mình nữa chỉ để
sống và để chết cho những kiếp người không cùng màu da, không cùng máu mủ,
không cùng chủng tộc, không có bất cứ liên hệ xa gần nào với mình. Chỉ vì... Họ
đã lỡ sinh ra đời với số phận hẩm hiu, đành rồi, bên cạnh sự xui rủi tột cùng
đó họ còn là nạn nhân trường kỳ của sự ghẻ lạnh, kỳ thị, độc ác đến từ thân
nhân ruột thịt và từ những con người được mệnh danh là cùng một nguồn gốc và
cùng một quê hương với họ.
Dừng lại, thở dài, xơ Mân tần ngần đi đến kết luận:
- Dựa theo gương của ngài, chị định nghĩa ra sao về hai từ
to lớn sau đây: Ta với Người.
Câu hỏi bất ngờ của xơ Mân, dầu muốn hay không muốn, Nguyện
vẫn cảm thấy như nàng đang bị du vô cái thế phải liên tưởng tới sự gần gũi và
thân thiết của hai từ na ná khác: Ta với Tôi. Không dưng, Nguyện đâm ra thẹn
thùng. Một nỗi thẹn không hiểu đúng hay sai, không hiểu nhiều hay ít, và có căn
cứ hay hoàn toàn vô căn cứ. Nhưng chắc chắn một điều là Nguyện có thẹn, đến lặng
ngắt cả người. Thấy Nguyện cứ ngồi im thin thít, như chợt hiểu ra xơ Mân phủi
tay, đứng dậy. Hướng về phía con đường cái quan, xơ Mân cất bước. Cũng lồm cồm đứng
dậy, Nguyện lầm lũi bước theo dấu chân xơ. Yên lặng một hồi, xơ Mân lại lên tiếng
hỏi:
- Tuần sau chị về bên đó? Biết đến bao giờ xơ mới được gặp lại
chị lần nữa?
«Biết đến bao giờ »; có thêm một lần, Nguyện lại ú ớ. Vì, sự
thật Nguyện cũng hoàn toàn mù tịt về bất cứ câu hỏi nào có liên can xa gần tới
cái tương lai vô định của chính nàng.
*
Xe lăn bánh, chạy đi.
Ngoái đầu lại, Nguyện mường tượng như còn nhìn thấy dãy nhà
cùi thấp thoáng sau hàng hàng lớp lớp cây hoang, thấy ngôi mộ của đức cha Sanh
phủ toàn đất đỏ và, sau hết, thấy cái bóng của xơ Mân trong chiếc áo dòng đen
thẫm đứng chênh vênh bên đường. Xe càng chạy, đôi mắt Nguyện càng mờ mịt hẳn
đi.
- Bà có họ hàng gì với xơ Mân không?
Câu hỏi của bác tài đột ngột vang lên làm Nguyện thấy nhẹ nhõm
cả người. Không muốn bỏ lỡ cơ hội, Nguyện bắt chuyện liền.
- Anh cũng quen xơ Mân?
- Nội quanh đây, ai không quen xơ Mân.
Lối nói chuyện thân tình, cởi mở và không cần rào trước đón
sau của bác tài làm Nguyện vô cùng thoải mái.
- Anh có biết xơ Mân đi tu vào năm nào không?
- Năm nào thì tôi không nhớ, nhưng có một điều chắc chắn là
xơ Mân có mặt tại đất Di-linh nầy ít ra cũng xấp xỉ 20 năm.
- Nói vậy, lúc tới đây xơ còn trẻ lắm?
- Bây giờ xơ cũng còn trẻ chán; nói gì hồi đó.
Ngẩn người ra, Nguyện nhớ lại. Nhưng, một phần vì muốn tự
mình làm quên lãng bớt nỗi buồn phiền còn đầy ăm ắp trong lòng, một phần vì muốn
thâu ngắn lại quãng đường còn xa thăm thẳm, Nguyện cố tình tìm mọi cách để câu
chuyện được tiếp tục.
- Có bao giờ anh nghe ai nói qua về lý do vì sao xơ Mân đi
tu không?
Vẫn chăm chăm chú chú nhìn suốt con đường bụi mù trước mặt,
bác tài co tay lên gãi tai, ra chiều đang cố gắng nhớ lại một câu chuyện theo
thời gian đã trở thành xưa cũ, nhưng dầu gì, vẫn là loại chuyện hiếm hoi của
vùng núi non xa cách nầy.
- Nói về cái lý do thầm kín đó, là kẻ đứng ngoài làm sao
chúng tôi hiểu hết được. Nhưng điều tôi còn nhớ rõ là xơ Mân tới đây lúc xơ còn
rất trẻ. Nghe đâu lúc đó xơ vừa tốt nghiệp đại học.
- Xơ có bằng đại học? Vậy, anh có nghĩ rằng xơ đi tu chỉ vì
muốn đi tu, hay vì...
Không đợi Nguyện nói dứt câu, cũng không cần giữ gìn ý tứ nữa,
với giọng điệu bực tức bác tài la toáng lên.
- Chớ còn gì nữa! Xơ trẻ, đẹp, có học vấn, con nhà giàu.
Biết mình lỡ lời, Nguyện đành ngậm cứng miệng lại, dằn lòng
đợi. Mãi đến khi thấy bác ta đã dịu giọng xuống rồi Nguyện mới dám e dè bắt
chuyện lại.
- Anh có thường xuyên gặp mặt xơ Mân không?
- Có ngày nào tôi không gặp xơ đâu.
- Anh chở khách vô thăm dòng?
- Đâu cần phải vô tận dòng mới được gặp mặt xơ. Suốt ngày xơ
đi đó đi đây. Buổi sáng xơ qua nhà thương lo săn sóc bệnh nhân cùi; buổi xế xơ
xuống trại cô nhi - là tập hợp những đứa bé do cha mẹ cùi sanh ra và được nuôi
riêng từ lúc mới lọt lòng mẹ - dạy tụi nhỏ học chữ học hát học làm thủ công; buổi
chiều xơ dành riêng cho việc đi thăm viếng những bà mẹ mới nằm nơi, những người
già cả phải sống một mình.
Ngạc nhiên quá đỗi, Nguyện đưa tay lên, chỉ một vòng vu vơ
trước mặt.
- Đường sá quanh co trơn trợt, trồi lên trụt xuống kiểu nầy,
xơ đi lại bằng cách nào?
- Còn cách nào nữa, ngoài cách lội bộ! Với cái gùi trên vai,
xơ Mân trèo đèo lội suối, chui bụi nầy luồn hang khác tài tình và mau lẹ không
thua kém bất cứ người đàn bà Mường Mán nào.
- Một năm có bốn mùa xuân hạ thu đông, chẳng lẽ ngày nào xơ
Mân cũng chu toàn chừng đó công việc?
- Cũng có ngày vì đau ốm hay vì nhà dòng có lễ lạc, xơ Mân
không đi được thì chính những thân chủ của xơ lại... rồng rắn kéo nhau vô tận
dòng thăm xơ và để xin được nhận lãnh về số lượng thuốc men, sữa bột, đường muối...;
nguyên là những loại quà biếu mà, khi cần, họ vẫn được xơ đem đến cung cấp tận
nhà.
- ?
- Do gia đình xơ từ dưới Sàigòn gởi lên, một tháng một lần
qua hệ thống xe hàng xuyên tỉnh.
Đã quá đủ cho một đoạn đường dài và cũng quá đủ cho một lần
thăm viếng. Co rút hai cánh tay lại, Nguyện ngồi im phăng phắc và bắt đầu suy
ngẫm: hai câu chuyện, hai mẫu đời. Họ, những anh hùng không tên tuổi. Sống cho
người và chết cũng cho người. Sống cho xó rừng nầy và chết cũng tại xó rừng nầy.
Trong khi đó thì... Nguyện, một khung trời hoàn toàn xa lạ, một nền văn minh bậc
nhất và một cuộc đời: sống cho mình và chết cũng cho mình.
Ngoài cửa xe gió thổi ào ào. Trời Cao nguyên se lạnh, nhưng
dường như Nguyện vẫn mơ hồ ngửi thấy có một cơn sốt váng vất đang vần vũ đâu
đây. Rồi, không hiểu do một mãnh lực vô hình nào thúc đẩy, Nguyện vọt miệng,
nói bừa:
- Anh biết không, tôi cũng muốn noi gương cha Sanh và dì
Mân.
- Bằng cách nào vậy, bà?
- Tôi sẽ bỏ bên đó, trở về; lên đây và sẽ ở lại làm việc tại
trại cùi...
Như vừa chạm phải lửa, bác tài nhảy nhổm người lên. Quay đầu
về phía Nguyện, với hai con mắt trợn ngược thiếu điều rách cả khoé, bác hỏi lại,
vành miệng gần như dí sát rạt vào tận lỗ tai Nguyện:
- Bỏ bên đó? Té ra bà mới từ ngoại quốc trở về!
Nguyện tê tái gật đầu.
- Bà sống ở ngoại quốc được bao nhiêu năm rồi?
Nhếch mép, Nguyện trả lời, hai vành môi trễ xuống như đang mếu.
- Trên ba mươi năm rồi.
- Trời đất, tới 30 năm lận!
Không cần đợi lời than vãn chấm dứt, bác hùng hổ quay mặt lại,
hả rộng miệng ra, cười hô hố. Cười cợt một hồi, không biết nghĩ sao bác loay
hoay cử động tay chân liên hồi, xê xê dịch dịch đôi mông cho cách xa chỗ vẫn ngồi
từ nãy; cốt dành một khoảng trống cho cái nhìn soi mói được tha hồ đậu lại trên
toàn bộ con người của vị khách vừa tự phương xa trở về. Ngắm nghía đã đời, bác
lên giọng.
- Suy nghĩ kỹ lại đi; không phải chuyện giỡn đâu, bà Việt kiều
ơi!
Rồi, lập nghiêm, bác từ tốn nói tiếp.
Ở đời, đôi khi nói thì nghe dễ ợt, vì hễ cứ mở miệng ra là
nói được, nói huyên thuyên, nói vô hồi kỳ trận, hứa hẹn đủ điều; nhưng, khi bắt
tay vào việc là lập tức... co vòi lại.
«Bà Việt kiều», thứ danh xưng mới mẻ và lạ đời nghe đã chối
tai lại là một trong những nguyên nhân xây dựng lên hàng rào ngăn cách giữa người
đi và kẻ ở; dầu không phải lần đầu tiên được nghe nhắc đến, nhưng đặc biệt lần
nầy vì mặc cảm tự ti hay vì nông nỗi «giận cá chém thớt», Nguyện bỗng... nổi
khùng. Gân cổ lên, Nguyện ra sức cãi lại cho bằng được:
- Cha Sanh, dì Mân làm được; tại sao tôi không làm được?
Suýt chút nữa, Nguyện đã lếu láo tuyên bố tiếp câu nầy: «Nếu
tôi nói rằng, hồi đó tôi đi để có một ngày tôi trở lại thì anh có tin không?»
Nhưng, than ôi, khi nhìn thấy cặp chân mày nhíu kín và, nhất
là, nhìn thấy ánh mắt lộ đầy ắp nét nghi ngờ pha lẫn nét thương hại của bác ta,
Nguyện khựng lại. Gật gù, Nguyện nói nhỏ vừa đủ cho mình nghe: «Mười voi chẳng
được chút nước sáo»; lời thật mất lòng. Trong lơ mơ, Nguyện hình dung nhớ lại
hình ảnh những con đỉa đói, mình mẩy đen nhẻm, cong queo, ướt nhẹp, bám dai
nhách trên bàn chân mốc meo của mấy bác cày ruộng mà nàng từng thấy ở quê mình,
thời sơ tán.
Con đỉa đói và cái bến bờ lạnh giá phía bên kia! Bồi hồi,
Nguyện bật khóc.
Québec, tháng 12/2007
Hồ Phổ Lại