15 April 2021

APRIL FLOWER - Đỗ Dung

31/3/1980 nhằm ngày rằm tháng hai âm lịch năm Canh Thân, ngày giỗ mãn tang của bà nội các cháu.  Chúng tôi làm cỗ cúng xả tang.  Sáng hôm sau, bác Phú, một khách hàng rất quen thuộc sang nhà tôi để lấy hàng đặt thêu may,khi nhìn lên bàn thờ của cụ, bác đã kêu lên:

- Hoá bát nhang! Điềm lành lắm đây!

Tôi nhìn lên bàn thờ thấy các chân nhang trong bát nhang xoè tròn ra như một bông cúc lớn, thật lạ!

Bác hạ giọng:

-Cô có tính gì không?  Nếu định việc gì thì tính đi. Cụ hoá bát nhang là điềm tốt lắm.

Đúng dịp đó nhờ sự giới thiệu của Bác Thanh, cũng là một khách quý cuả tôi, chúng tôi đã quyết định nộp vàng để xuống tầu vượt biên theo tổ chức của ông HD, nơi người quen và các con của bác đã đi trót lọt mấy chuyến, một số đã định cư ở Tây Đức, Úc, Mỹ, Canada.  Bác cho biết đường dây này rất chắc chắn và đây là chuyến chót mà chính vợ chồng chủ tầu sẽ cùng đi.

Trước ngày ra đi khoảng một tuần lễ,chủ tầu hẹn chúng tôi đến gặp vợ chồng ông tại lầu hai của một cửa tiệm ở đường Tự Do để đóng nốt số vàng còn lại và giới thiệu một người dẫn đường cho chúng tôi biết mặt, hẹn hôm sau sẽ đi cùng với tôi và vài người nữa xuống chợ Vĩnh Long để hướng dẫn chúng tôi đường ra bến đò, nơi ghe taxi sẽ đón chúng tôi để đưa ra tầu lớn ở cửa biển Trà Vinh. Đến ngày đi thì cũng chính người  này sẽ đón tại bến đò đó để đưa chúng tôi xuống ghe Taxi. Ông HD còn dặn là trên tầu có củi lửa, gạo nước, mắm muối, lương thực đầy đủ cho khách, ngoài ra nếu có hành lý đem theo thì nên sắp xếp cho gọn đưa ông ta đem xuống tầu trước để khi đi đường khỏi phải đem theo đồ đạc cồng kềnh dễ bị lộ. 

Hôm đi dò đường tôi đi với em gái TH, nhà tôi đi học tập về mới được dậy học lại nên không dám xin nghỉ. Hai chị em tôi mặc quần áo bà ba đen cũ, đầu đội nón lá, tay xách chiếc giỏ cói đem theo một chiếc khăn tay nhỏ và vài món đồ ăn vặt.  Theo lời dặn dò của người tổ chức chúng tôi đến bến xa cảng miền tây, trạm xe đi Vĩnh Long. Đảo mắt tìm người dẫn đường, sau khi đã nhận diện nhau, hai chị em lẳng lặng lên xe. Ngồi trên xe đò lòng tôi nặng trĩu lo âu. Ba cô em tôi đã vượt biên năm trước, đứa nào khi đi cũng được mẹ đưa xuống Rạch Giá, đưa đến tận bến, xuống tầu chắc chắn rồi mẹ mới về. Mấy cô em tôi đi theo đường bán chính thức nên bảo đảm an ninh hơn còn lần này chúng tôi đi chui hoàn toàn, không biết có gặp những tai ương, sóng gió nguy hiểm gì  không. Tôi chỉ biết niệm Phật và cầu xin tổ tiên, ông bà hai bên nội ngoại phù hộ.  Nghĩ đến mẹ chồng tôi,cụ mới quy tiên và bát nhang nở tròn như hoa cúc!Mấy đêm cuối cùng trước khi cụ mất tôi và con bé Quyên đã sang nhà bà, kê cái giường vải nằm cạnh giường bà.  Ban đêm khi dìu cụ đi nhà vệ sinh cụ đã cầm tay tôi mà nói “Mẹ sẽ phù hộ cho các con, mẹ sẽ phù hộ cho các cháu!”  Mẹ ơi... Xin Mẹ linh thiêng phù hộ cho chúng con tai qua nạn khỏi, mẹ ơi! Tôi khấn thầm trong đầu và bỗng dưng muốn khóc.

Đến chợ Vĩnh Long, khi xuống xe tôi thấy có mấy người cùng lặng lẽ theo sau người dẫn đường ra đến bờ sông, nơi những chiếc thuyền con cập bến đưa hàng hoá và hành khách lên,xuống.

Sau khi ghi nhận địa điểm,chị em tôi vội vã quay lại bến xe để về Sài gòn ngay cho kịp chuyến cuối.  Tôi không muốn ở trễ để phải ngủ lại qua đêm ở nơi xa lạ.

Khi về đến nhà tôi lo sắp xếp thu dọn đồ đạc, mấy cuốn nhật ký thời con gái tôi đem ra đốt hết, mấy cuốn lưu bút ngày xanh và hình ảnh tôi đem sang gửi nhà bà ngoại. Hai chiếc giỏ đệm nhẹ tênh, chỉ đem theo vài bộ quần áo vải, mỗi người một cái áo lạnh, một ít thuốc men, dầu gió, một số lương khô và một ít kẹo bánh.  Cũng may khi bác Phú biết chúng tôi quyết định vượt biên bác có gửi một thằng cháu đi cùng nhờ trông nom hộ và bác mua giùm một gói cao cắt ra thành những viên vuông nhỏ và một túi sâm cắt lát mỏng sẵn để đem theo.  Hành lý tương đối gọn vì tất cả quần áo tốt, đồ ăn và đồ dùng cần thiết đã gói ghém chặt chẽ trong một giỏ, thêm hai giỏ chất đầy vải thêu và quần áo thêu cùng mấy bộ khăn bàn thêu thật đẹp tôi đã gửi trước cho chủ tầu để đem theo làm vốn.

Mấy ngày trước khi lên đường tôi như bị kiệt sức, nằm ngủ mê man, ngủ li bì, thức dậy ăn uống qua loa rồi lại ngủ vùi. Đúng ngày trước khi đi thì tôi khỏe hẳn như Phù Đổng mới vươn vai, ăn uống đàng hoàng, tắm rửa sạch sẽ để hôm sau sẵn sàng ra đi.

Nhóm chúng tôi gồm tám người, hai vợ chồng tôi, hai đứa con, hai đứa em,Thiên Hương, Minh Duy và hai đứa cháu, cháu Tuấn nhà bác Phú và cháu Quân nhà bác Quốc Thái.  Hai đứa con tôi, Hạnh Quyên mới lên bẩy, Thiên Khôi mới lên năm, chúng tôi không dám cho các cháu biết là đi vượt biên, chỉ nói là cả nhà đi thăm dì Hạnh, nhà dì Hạnh có cây táo thật to, trĩu trịt trái trong hình ở nhà bà ngoại.

Hôm ấy, ngày 10/4/1980, sáng sớm tinh mơ chúng tôi lên đường, ăn mặc xuềnh xoàng,quần áo cũ kỹ trộn lẫn với dân bán buôn xuôi ngược trên xe đò. Qua hai lần xuống phà, qua bắc bình yên. Đến chợ Vĩnh Long còn sớm, để mọi người vào một tiệm hủ tíu ngồi ăn, hai chị em tôi vào chợ mua một giỏ đầy củ sắn, một giỏ quít và một xâu bánh tét để đem theo. 

Thoáng thấy bóng người dẫn đường chúng tôi vội vã đi theo ra bờ sông,  giờ đó bến đò đông người lên xuống, kẻ đến ngườiđi nên chẳng ai để ý đến ai.  Ông ta đưa toàn bộ nhóm chúng tôi xuống một chiếc xuồng máy đuôi tôm nhỏ có mui.  Một chú thanh niên cỡ mười sáu, mười bẩy tuổi điều khiển con thuyền.  Tôi thở phào, đã thoát được một chặng đường!

“Ra sông... biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viển vông, biết ta hãi hùng...” (Viễn Du – Phạm Duy)

Lênh đênh trên chiếc thuyền con trôi giữa dòng sông Cửu Long lồng lộng gió, trời nước mênh mông, bao la, bát ngát. Quê hương tôi đẹp thế này đây nhưng trong lòng ngổn ngang trăm mối.  Bất trắc nào cũng có thể xẩy ra, tai ương nào cũng có thể ập đến.  Sẵn có hai giỏ trái cây và ít quà bánh thế là cứ việc chia nhau ăn, tám miệng ăn nên hết vèo mỗi thứ nửa giỏ.  Buổi chiều chạng vạng hai đứa trẻ mệt nên nằm ngủ say sưa.  Chú lái thuyền nói phải đánh thức hai đứa dậy, chiều tà con nít ngủ không tốt, bà Thủy quở ngủ dậy sẽ mệt lắm.  Thế là phải lay hai đứa dậy. Hoàng hôn trên sông đẹp tuyệt vời nhưng không có tâm trạng nào mà thưởng thức. Mặt trời lặn thật nhanh và màn đêm cũng đổ ập xuống bao phủ cảnh vật. Đêm không trăng. Từ lúc ấy cứ khoảng một quãng đường trong bờ xa lại có ám hiệu bằng những điệu múa của mấy cây đuốc, chú lái tầu cho biết đó là dấu hiệu bình yên.  Đi một khúc lại có người trên bờ đứng quơ đuốc.  Chúng tôi mệt ngất ngư chỉ mong mau lên tầu lớn cho yên tâm.

Cuối cùng chiếc thuyền con cũng gặp “cá lớn”.  Ông HD đã đứng sẵn ở đó trên một chiếc ghe nhỏ ở sát mạn thuyền.  Con cá lớn mà nhỏ xíu, một chiếc thuyền gỗ mong manh như những chiếc ghe bầu thương hồ xuôi ngược trên sông. Mũi tầu bầu tròn chứ không nhọn như những chiếc tầu đi biển.  Đêm tối âm u, trên tay ông chủ tầu chỉ có một cây đèn bão.  Bước vào cá lớn cũng chỉ một ngọn đèn tù mù rọi xuống chiếc hầm tầu lúc nhúc người đã đến trước đang nằm ngồi ngổn ngang. Trong đầu tôi lóe lên: “Phải chăng đây là chốn âm ti!”.  Ông chủ tầu là người cuối cùng bước vào cá lớn. Đứng trong gian buồng lái hình vuông mỗi chiều chỉ khoảng chừng hai mét ông thò đầu xuống phân trần với những người trong khoang: Ghe tài công đi lạc, ghe vợ ông không thấy tới nên ông không đi được, ai biết chạy Honda lên ông chỉ cho lái tầu! Có mấy chú thanh niên dân chài lưới ở Trà Vinh bước lên, ông lấy chiếc la bàn, đặt cái kịck lên mặt bàn trước chiếc cần lái,cần lái cũng chỉ là một chiếc gậy dài kéo qua phải, qua trái chứ không phải là bánh lái tròn.  Ông tỉnh bơ nói“Ngày đầu đi hướng này, ngày thứ nhì đi hướng này, ngày thứ ba tới!”

Trời đất! Vượt đại dương trên một chiếc ghe bầu mong manh mà không chủ tầu, không tài công, không thợ máy!  Đi theo hướng này, hướng này...!!!! Làm sao bây giờ đây!  Ông nói tiếp: “Đến giờ phải đi rồi, không đợi mấy ghe đi lạc được nữa, ai muốn về thì đi theo tôi, nhưng nếu về mà bị bắt thì ráng chịu!”  Tôi không tin ở tai tôi, tôi không tin ở mắt tôi.  Tính sao đây?! Ông đã nói vậy thì chắc chắn là về sẽ bị bắt.  Người ta nói khi đi chui khó nhất là đoạn đường ra bãi, tới bến và lên được tầu lớn mà bây giờ chúng tôi đã lênh đênh trên sông một ngày bình an.  Đi tiếp hay bỏ cuộc?!

Tôi hỏi ý kiến nhà tôi, hỏi các em, các cháu. 

-         Sống chết có số, đi vượt biên là chấp nhận!

-         Đến nước này thì liều đi!Cứ đi!Tới đâu thì tới!

Bây giờ cả con tầu phó mặc vào tay nhóm thanh niên Trà Vinh, họ biết lái tầu đánh cá nhưng chưa bao giờ ra tới đại dươngđể đi tớinước ngoài.

Dưới hầm tầu đã có người bắt đầu nôn oẹ vì chiếc tầu đã dập dình, đã có tiếng sóng vỗ vào thành tầu.  Những người ở gần hay đến tỉnh từ hôm trước đã xuống tầu sớm.  Có lẽ thuyền chúng tôi đi là chiếc ghe taxi cuối cùng. 

Một số người sợ hãi đã theo ông HD trở về. Tôi đành chấp nhận chui xuống hầm tầu đi vào cõi âm u.  Đóng nắp hầm, tầu ra khơi!  Cả tầu vang lên những tiếng nôn thốc tháo, gần như ai cũng ói. Không khí như đặc quánh, ngộp thở.  Ngạc nhiên thay tôi không bị say sóng mà tỉnh như con sáo sậu.  Lăng xăng thu dọn, lau chùi, lo cho cả nhà nôn oẹ.  Sau một lúc ói mửa thì mọi người mệt lả nằm im. Chiếc tầu nhỏ sau một hồi bị sóng nhồi cũng như đã mệt mỏi chỉ còn tiếng phạch phạch của máy tầu.  Trong đêm đen tôi ngồi yên lặng bên ô cửa sổ độc nhất hình vuông mỗi bề chỉ khoảng hơn hai gang tay nhìn ra màn đêm tối đen mong trời mau sáng.  Khi mặt trời chưa lên nhưng mầu đen đã loãng ra, đã nhìn thấy mặt người tôi mới thấy rõ khoang tầu chật hẹp, bề ngang chắc chỉ khoảng hơn 3 mét vì hai hàng người nằm đầu dựa vào vách, chân đâu vào nhau mà cũng không đủ chỗ để duỗi thẳng chân cho thoải mái. Đúng là như những con cá xếp chặt chẽ trong hộp cá mòi. Bề dài lòng tầu chắc cũng chưa đến mười mét.  Hôm đi họp ông chủ tầu nói chuyến đi khoảng trên bẩy chục người mà hai ghe đi lạc và mấy người đi về thì không biết rõ số người còn lại là bao nhiêu mà tôi thấy chật cứng.

Con tầu lại vật vã một hồi, lại những tiếng nôn mửa, lòng tầu xông lên mùi khủng khiếp.  Mọi người như mệt lả, thiêm thiếp tiềm sinh. Tôi mở gói sâm ra nhét vào miệng cho mỗi người một miếng, cả những người nằm quanh tôi.

Hừng đông, trời sáng rõ hơn nghe mấy chú trên buồng lái nói tầu đã ra tới biển, nắp hầm mở ra để vài người thức dậy sớm lên trên thành tầu chỗ sàn nước để làm vệ sinh cá nhân. Một chút gió lùa từ khoảng trống bên trên và xuyên qua cửa sổ nên không khí thoáng mát một chút.  Nhà tôi nhận ra người bạn học cùng Đại Học Sư Phạm là anh LTV đi cùng tầu.  Gia đình anh đi đầy đủ hai vợ chồng, bốn đứa con cùng ông chú là cụ Mỹ và cô Hiền, con gái của cụ.

Hai anh họp bàn nhau, không có chủ tầu, không có tài công thì cũng phải chọn ra ban chỉ huy cho có trật tự.  Sau một hồi bàn tất cả đồng ý bầu chú Khánh, một người chững chạc nhất trong đám thanh niên làm thuyền trưởng và chú Diện làm tài công, mấy cô thiếu nữ đi theo lo về việc ăn uống.

Trời nắng lên, biển êm như mặt hồ, chiếc tầu giữa biển khơi nhỏ bé như chiếc lá tre cứ bình thản trôi. Chợt có tiếng từ buồng lái vọng xuống “Tới hải phận quốc tế rồi bà con ơi!” Niềm vui như vỡ oà, may quá tầu đi thoát, không gặp tầu quốc doanh, không gặp tầu kiểm soát biên phòng.  Tôi lại lâm râm niệm Phật.  Ngày đầu ai cũng có đồ ăn và nước uống đem theo nên ăn uống tự túc. Tôi thay quần áo sạch cho các con, lau dọn chỗ nằm, cho hết đồ dơ vào một chiếc giỏ cói.  Mới qua một ngày trên sông và một đêm ói mửa thằng bé trông gầy dộc hẳn đi, cặp mắt sâu hoắm, lờ đờ mệt mỏi.  Ôm con vào lòng mà thương xót quá, mong cho mọi sự bình an. Con chị cũng gầy đi nhưng trông khỏe hơn nên tôi cũng đỡ lo.  Nhà tôi và hai đứa em, hai đứa cháu bị say sóng nên nhìn thấy mệt đừ.

Tôi trèo lên boong tầu thở hít không khí trong lành và xem xét tình thế.

Một số người khỏe mạnh cũng trèo lên boong.  Xa xa mấy chiếc tầu  trông như những chiếc bao diêm.  Tầu tăng vận tốc đuổi theo, khi đến gần hơn, nhìn rõ hơn mọi người lấy quần áo ra vẫy gọi.  Gần hơn nữa, khi thấy rõ hơn thì tầu lớn quay đầu đi hướng khác.  Nhìn thấy chiếc tầu khác, lại đuổi theo, họ lại chạy.  Chạy đuổi một hồi và khi biết rằng dù có kêu gào, la hét cũng không mong có sự cứu giúp của họ nên đành bỏ cuộc.  Tôi thầm nghĩ cứ chạy lung tung thế này rồi có còn giữ được phương hướng không.  Ông HD nói cứ đi hướng này, hướng này là tới!

Chiếc lá tre lại lạch phạch trôi, tôi bất giác rùng mình.  Chiếc thuyền con mong manh chứa mấy chục con người giữa đại dương mênh mông, trên trời dưới nước, chẳng thấy đâu là bến là bờ.  Chỉ cần một con sóng dữ, thuyền sẽ chao đi và... biến mất.  Không dám nghĩ tiếp, tôi chắp tay niệm Phật “ Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát” và “Bà Nội ơi, Mẹ ơi, xin bà, xin mẹ phù hộ cho chúng con, phù hộ cho những người trên tầu được tai qua nạn khỏi”.  Boong tầu như một tấm phản phẳng không lan can, ngay gần mép tầu một người đàn ông ngồi kiết già cũng đang chắp tay cầu nguyện.  Mặt trời như quả cầu lửa chìm xuống nước thật nhanh để lại một đường chân trời rực sáng và phía bên kia biêng biếc tím, mầu tím của chân trời!

Sáng hôm sau mặt biển vẫn êm lặng hiền hoà, con tầu trôi nhẹ nhàng như bơi trên mặt hồ.  Bây giờ mới biết thế nào là “Tháng Ba bà già đi biển”. Tôi lấy hai bộ quần áo vải đưa cho TH, hai chị em cùng xuống chỗ sàn nước canh cho nhau thay bộ bà ba đen đi đường cứng ngắc, hôi hám vì những chất ói mửa.  Một chiếc thùng phuy rỉ sét đựng nước ngọt đã vơi gần một nửa, một hàng can nhựa đựng nước ngọt xếp sát vách.  Tôi hoảng quá nói với nhà tôi và anh V.  Hai anh nói chú Khánh phải lo kiểm soát và phân phát nước uống chứ để tự do rồi mọi người xài phung phí và không biết bao giờ mới tới nơi. Thế là bắt đầu mỗi ngày phát nước ngọt hai lần và mỗi người chỉ được một nắp nhỏ nước mà thôi. Các cô cũng nấu cháo để phát cho mỗi người một chén nhỏ.

Sang đến ngày thứ ba thùng phuy gần cạn mới khám phá ra những can nhựa đựng nước ngọt là những thùng đựng dầu hôi không rửa kỹ, nước sực mùi dầu và lờ lợ không uống được. Đáy thùng phuy thì đọng những phù sa, cặn bẩn.   Gạo còn cả bao nhưng nước không có làm sao mà nấu cháo, nấu cơm.  Thật kinh hoàng, thảm khốc!!

Nắng lên chói loà, nóng hừng hực. Một nắp nước nhỏ không thể nào chống được cơn khát.  Môi của em trai tôi đã phồng lên trắng xoá.  Lục trong giỏ xách, gói sâm và cao đã hết, kẹo ngọt cũng không còn, chỉ còn mấy bánh lương khô thật khô không khốc! Hỏi đến giỏ xách đã gửi ông chủ tầu đem đi thì không ai thấy có gì cả. Chủ tầu đã bỏ chúng lại không đưa xuống tầu.Bao nhiêu đồ ăn thức uống của tôi đã gói ghém trong đó! Thằng con đã mê sảng “Mẹ ơi, nhà dì Hạnh đâu, nhà dì Hạnh đâu, con muốn ăn táo!” Ôm thằng bé vào lòng mà thầm trách mình.  Đi vì tương lai của các con nhưng đi lấy sống hay đi để chết.  Người lớn đói khát vài ngày chưa đến nỗi nào nhưng trẻ con, tội nghiệp quá!  Có những người trong giỏ còn quả quít, quả cam nhưng khi đó ai cũng thủ phận mình.  Chỉ có tôi, có gói sâm, gói cao mà không biết giữ cho mình. Ngay ngày đầu thấy mọi người mệt lả tôi đã tự phân phát cho những người xung quanh tôi và chỉ hai ngày sau là hết.  Lúc đó tôi thật giận tôi! Tôi niệm Phật và cầu cứu mẹ chồng tôi, cụ có linh thiêng thì xin cụ phù hộ, xin cụ cố cứu lấy hai đứa cháu nội bé bỏng của cụ.

Không biết con tầu đang đi về đâu.  Thời gian chầm chậm trôi... Thỉnh thoảng có tiếng trẻ gào khóc vì đói, vì khát. Khóc mệt quá một lúc cũng chỉ còn rên rỉ như những tiếng mèo kêu.  Đây đó tiếng rì rầm đọc kinh cầu nguyện. Cuối cùng cả tầu chìm trong sự im lìm, tuyệt vọng. Con thuyền cứ từ từ trôi.  Bất chợt qua ô cửa sổ nhỏ tôi nhìn thấy đám mây đen từ đâu bay tới kín bầu trời rồi mưa đổ ào xuống, những giọt mưa như những giọt nước cam lồ từ những đấng linh thiêng đổ xuống cứu vớt những con người khốn khổ.  Cơn mưa rào mịt mù giữa trời đất bao la như một phép lạ.  Mưa to nhưng không có sấm chớp, không có sóng lớn. Mọi người nhắc nhở nhau phải giữ thăng bằng, đừng chạy nhốn nháo kẻo tầu bị nghiêng, bị lật.  Con thuyền nhỏ bé bình yên không chao đảo.  Mưa bóng mây chỉ ào xuống thật nhanh rồi chấm dứt thật lẹ cũng đủ cho những thanh niên được một trận tắm mát, thùng phuy thêm chút nước và tôi đã hứng được một ít nước mưa mát rợi để uống, thấm ướt chiếc khăn lông để lau mặt, lau mình cho hai đứa trẻ. Cảm tạ Trời Phật, cảm tạ các đấng linh thiêng, cảm tạ tổ tiên, ông bà đã che chở, giúp đỡ chúng tôi đúng lúc.  Trời quang mưa tạnh, thò đầu nhìn lên boong tôi lại thấy người đàn ông ngồi kiết già đang chắp tay cầu nguyện.  Sau này tới đảo tôi mới biết đó là một vị sư.  Ngày nào Thầy cũng ngồi nơi mép tầu tụng kinh niệm Phật.

Sáng tinh mơ ngày thứ tư, trên buồng lái xôn xao “Thấy đảo, thấy đất liền rồi”.  Tôi căng mắt nhìn ra xa chỉ thấy một vệt mờ mờ mầu đen xa tít tận chân trời. Con tầu cố chạy thẳng về hướng đó thì đột nhiên tiếng máy tầu nghe lạ và có người hô nước đã vào đáy tầu.  Mấy chú thanh niên lặn xuống xem thì ra máy bơm bị hư và họ phải thay nhau múc nước đổ ra ngoài, trong khi đó chú Diện vẫn lo lái tầu vào hướng đi tới hòn đảo.  Đến gần hơn đã thấy mầu đảo xanh xanh nhưng vẫn còn xa tít. Loay hoay một lúc, tầu vẫn chạy được và khoảng cách vào đất liền ngắn dần, ngắn dần.  Khoảng trưa tôi đã nhìn thấy hình dáng của những rặng cây.  Chạy thêm một lúc lâu nữa bỗng tầu như vướng phải vật gì nên dừng lại, nhóm thanh niên lại lặn xuống tìm hiểu thì chân vịt đã gẫy vì tầu bị mắc cạn.  Không hiểu từ đâu một chiếc tầu máy phóng tới thật nhanh, trên tầu có hai người cởi trần, râu tóc rậm rạp.  Tưởng gặp hải tặc mấy cô gái sợ qúa lấy lọ nghẹ trét đầy mặt, vò đầu cho tóc rối bù và kiếm chỗ đi trốn.  Nhà tôi trông thấy lá cờ hai mầu đỏ, trắng trên nóc tầu cuả họ nên lên tiếng trấn an mấy cô gái:“Tầu có treo cờ Nam Dương, đừng lo”. Hai anh giáo đứng ra tiếp xúc với hai người từ bên tầu nhẩy qua.  Nói chuyện một lúc họ biết chúng tôi là tầu tị nạn và xin tiếp tế nước uống. Thấy họ ngần ngừ và cả tầu đều ngồi lặng yên. Tôi tháo chiếc nhẫn năm phân vàng đang đeo trên tay đưa cho họ và ngỏ ý xin họ mua giùm nước uống.  Họ nhận lấy và nhẩy trở về tầu của họ đem sang ngay mấy thùng nước.  Chúng tôi hỏi làm sao lên đảo thì họ nói cứ chờ tại đây, họ phải liên lạc với chính quyền và sẽ cho biết quyết định của những người có thẩm quyền. Nhìn vào đảo đã thấy rõ những rặng dừa, những rặng dừa xanh ngát cho chúng tôi niềm hy vọng, cho chúng tôi sự sống.  Trong khi neo tầu chờ đợi và các thanh niên lo sửa chân vịt, nhiều người đã nhẩy xuống nước bơi lội thoải mái sau mấy ngày tù túng.  Công nhận nhóm thanh niên nam nữ Trà Vinh thật dễ thương.  Họ làm việc với nhau rất ăn ý, có vẻ đoàn kết, gắn bó và đối đãi rất chân tình.  Tài công là anh chàng Diện mới 15 tuổi lái tầu rất giỏi mà ai cũng quý mến.  Chú Khánh rất nhanh nhẹn nhưng điềm đạm có bản lãnh chỉ huy và tôi vẫn còn nhớ ba cô Nga, hai cô Nga lớn hiền lành, tươi vui, rất thân nhau và cô Nga nhỏ là cô Ngó thiệt ngộ, khuôn mặt thiệt là xinh, ngoài ra còn mấy cô cậu khác mà tôi không nhớ tên. Nhớ lại thời gian sống chung trên tầu, trên đảo và trong trại tị nạn, tôi thật quý mến và cám ơn nhóm các em.

Đến đất liền tầu phải có tên mà chiếc tầu chúng tôi đi không có số tầu, không có chủ tầu đi cùng và chẳng ai biết tên tầu là gì.  Hai anh giáo hội ý đặt tên. Năm 1620 xa xưa con tầu Mayflower đã chở các gia đình người Anh từ Anh Quốc vượt Đại Tây Dương đến châu Mỹ để tìm đất hứa.  Ngày nay con tầu này cũng đưa chúng tôi rời khỏi VN để đi tìm một vùng đất hứa như vậy.  Chúng tôi đi trong Tháng Tư nên tên tàu April Flower được khai sinh từ đó.

Khoảng vài giờ sau chiếc tầu máy trở lại với mấy nhân viên cuả chính quyền Indonesia, sau vài thủ tục hành chánh, trời đã chập choạng tối, họ đưa chúng tôi vào ở tạm tại đảo này có tên là Pulau Laut để chờ họ liên lạc với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc xem chúng tôi sẽ được đưa đến trại tị nạn nào.

Mấy ngày sống trên tàu, bập bềnh trên nước, khi bước chân trên đất liền chúng tôi lảo đảo, liêu xiêu chỉ chực ngã. Một số dân làng ra đón chúng tôi đưa vào một gian phòng dài thông thống như quán chợ.  Họ phát cho chúng tôi mỗi người một mảnh lá chuối gói khoảng chừng một bát cơm nóng với một khúc cá luộc, không đũa không muỗng.  Cơm nóng thật dẻo với khúc cá ngừ nóng hổi, lấy tay bốc ăn mới ngon làm sao!

Ăn uống xong  chúng tôi được đưa vào một dẫy chòi lá như những sạp hàng trong chợ, mỗi nhóm được chiếm ngụ một cái chòi. Tám người chúng tôi nằm chen chúc trên nền nhà như một tấm phản.Mọi người ngủ ngon lành vì không gian thoáng mát và tương đối yên chí đã hết hiểm nguy.

Mình tôi còn thức nhìn lên trời cao, hồi tưởng lại mấy ngày qua... Con tầu nhỏ bé mỏng manh như vậy đã thật may mắn không gặp phong ba bão táp, không gặp hải tặc hung ác, bạo tàn. Đúng lúc cạn kiệt nước uống, mọi người như tuyệt vọng thì trời đổ cơn mưa rào và dun dủi làm sao lại đến được hòn đảo nhỏ này. Nếu không ai nhận ra hòn đảo từ xa mà đi quá thêm vài ngày nữa vào chốn mênh mông không bờ không bến, không nước uống, hết đồ ăn, chúng tôi sẽ ra sao. Đúng như có một sự huyền bí, một sự nhiệm mầu, một sự che chở từ các đấng linh thiêng mà không sao giải thích nổi!

Sáng hôm sau dân làng túa ra đứng xúm quanh những chiếc chòi lá, có những người mẹ trẻ cắp nách đứa con thơ, những đứa trẻ con đứng tò mò nhìn.  Có vài người bập bẹ nói được tiếng Anh ngỏ ý muốn mua đồ, cái gì họ cũng muốn mua, đồng hồ, nhẫn vàng, vòng đeo tay, ngay cả những cái cặp tóc, cái trâm cài đầu, cái khăn quàng cổ... Một người đàn ông nói khá tiếng Anh hỏi mua chiếc đồng hồ quả quít mà nhà tôi để ở túi nhỏ ngay thắt lưng quần.  Chiếc đồng hồ anh thấy xinh xinh mua ở chợ trời đem theo để xem giờ.  Thấy ông ta thích quá nên anh đã  bán để lấy ít tiền địa phương,vào quán tạp hoá nhỏ tại đó mua ít đồ lặt vặt.  Ông ta nói Pulau Laut là một đảo nhỏ nên theo đơn vị hành chánh chỉ được tính như một làng còn những đảo lớn mới được coi như quận, huyện.  Xã trưởng Laut là một ông Trung Úy.  Toàn đảo là một rừng dừa bát ngát. Ông ta đưa chúng tôi đi xem vài sinh hoạt trong làng.  Nơi này chất cả núi dừa tươi mới hái, chỗ kia cả mấy chục người ngồi nạo dưà. Nguồn lợi chính của đảo là dừa và sản phẩmcủa họ là dầu dừa và những phó sản của dừa. Đặc biệt là cả đàn ông, đàn bà đều quấn xà rông và họ ăn bốc, họ chỉ dùng một bàn tay vét cơm và đồ ăn thật khéo.  Hèn gì khi họ phát cơm cho chúng tôi không có muỗng niã gì hết.  Chúng tôi cũng phải bốc mà ăn.

Chúng tôi ở đó hai đêm, sáng sớm hôm sau họ đưa một chiếc tầu máy đến để kéo tầu chúng tôi quađảo Sedanau.  Mới đầu họ nói chúng tôi xuống hết tầu của mình để họ kéo đi, chúng tôi hơi e ngại nếu họ cho ra ngoài biển rồi cắt dây bỏ chúng tôi bơ vơ mà tầu đã hư, nước đã hết thì không biết tính sao nên hai anh giáo đã nói khéo với họ là chia đôi số người sang bên tầu của họ một nửa, ngồi bên này một nửa cho nhẹ để dễ kéo hơn. Cuối cùng hai gia đình của hai anh giáo hy sinh xuống tầu của mình, để tất cả sang tầu của họ vì cái tầu nhỏ bé của chúng tôi lúc đó đã bốc mùi rất nặng.

Chỉ mất có hơn nửa ngày trên biển chúng tôi đã ghé tới cầu tầu của đảo Sedanau.  Đảo này lớn hơn Pulau Laut và có văn phòng hành chánh địa phương. Nhân viên chính quyền và đại diện cao uỷ cho biết chúng tôi phải ở tạm đó mấy ngày để đợi tầu Na Uy sẽ đến đón chúng tôi đưa vào trại tị nạn Galang. Khu phố nơi chúng tôi ở hoàn toàn là nhà sàn, đường đi trong phố cũng là những sàn gỗ đóng trên những chiếc cọc gỗ nhô lên từ biển.  Quanh khu nhà sàn đó có những cửa hàng vải của người Ấn, những tiệm tạp hoá của người Hoa, những cửa hàng nhỏ bán quần áo, đồ đạc linh tinh và những cửa hàng ăn uống của dân bản xứ.  Chúng tôi ở đó khoảng bốn, năm ngày thì tầu Na Uy đến đón cả nhóm chúng tôi đi.

Ngày cuối cùng ở Sedanau mắt cháu Quyên bị nhiễm trùng, đỏ au như hai cục tiết.  May quá tầu Na Uy đến kịp thời.  Chiếc tầu sắt sừng sững như một cao ốc với hàng chữ to, đậm trên thành tầu “Norway Rescue Ship”.  Bước lên chiếc tầu  to lớn, vững chãi, sàn tầu sạch bóng, gặp những chàng thuỷ thủ trẻ trung, cao lớn niềm nở tiếp đón, chúng tôi cảm thấy tâm hồn phơi phới như bước vào một thế giới văn minh, được hít thở  không khí tự do, an bình. Cô em tôi đã tìm cách nhờ thuỷ thủ trên tầu gửi điện tín về nhà cho mẹ và thư báo tin cho mấy anh em tôi bên Mỹ.  Chắc mẹ tôi và cô em út mừng lắm khi nhận được điện tín vỏn vẹn mấy chữ “ Bác Dương khỏe mạnh – Khuê Lan”. Ám hiệu cho biết là đã tới Nam Dương bình yên. 

Trên tầu có phòng y tế với bác sĩ và thuốc men đầy đủ nên khi yên nơi yên chỗ nhà tôi cõng cháu Hạnh Quyên đi khám mắt ngay.  Bác sĩ đã rửa mắt và nhỏ thuốc trụ sinh để sát trùng. Nếu chậm thêm vài ngày nữa với điều kiện thiếu thốn trên đảo không biết mắt con bé sẽ ra sao.

Ngày hôm sau, sau khi xuống phòng ăn quà sáng, mấy đứa trẻ tung tăng chạy chơi trên tầu.  Tầu chạy êm ru, êm như trên đất liền, chẳng thấy ai bị say sóng hay ói mửa.  Chúng tôi đi dạo quanh tầu để quan sát thì chẳng biết sao thằng bé con năm tuổi của tôi chạy nhẩy thế nào mà rớt từ tầng trên xuống tầng dưới, bề cao hơn hai mét.  Tôi chỉ biết hoảng hốt la lên cầu cứu.  Cũng may là cháu Tuấn ở gần phóng vội xuống bế em lên đưa thẳng vào phòng y tế. Tôi chạy theo mà hồn viá lên mây.  Nhìn thẳng bé thiêm thiếp trên chiếc giường trong phòng bệnh để bác sĩ vạch mắt khám rồi nghe tim nghe phổi, nắn bóp xương cốt, chân tay.  Bác sĩ quay sang trấn an tôi:  “Tim phổi cháu bình thường, xương cốt không sao. Từ giờ đến chiều nếu cháu không ói thì bà yên chí, cháu ngủ dậy là khỏe lại thôi.  Nếu cháu ói thì mới lo sợ vì có thể bị ảnh hưởng tới óc.”  Bác sĩ cho mấy viên thuốc bảo khi cháu thức dậy thì cho uống.  Bồng thằng bé về chỗ nằm của gia đình mình, tôi chỉ biết nằm ôm con mà cầu nguyện. Một lúc sau thằng bé nôn thốc nôn tháo.  Trời ơi! Tôi điếng người khóc nấc lên.  Nếu thằng bé có mệnh hệ nào thì  làm sao tôi sống nổi đây! Nhà tôi ôm con, tôi chạy theo lên phòng y tế.  Bác sĩ khám lại, cho biết là cháu ói mửa do thức ăn sáng chưa tiêu mà thôi, óc của cháu không sao và ông chích cho cháu một mũi thuốc. Bồng con về lại chỗ nằm, thằng bé mở mắt ra và thật ngạc nhiên, cháu nói:“Khôi thấy bà nội, bà nội ôm Khôi, bà nội phù hộ Khôi!”rồi cu cậu còn nhoẻn miệng cười “ Khôi có võ... Khôi biết té!”  Tôi thở phào nhưng từ lúc ấy tôi chỉ nằm cạnh con, xoa vuốt, ôm ấp con mà chẳng dám đi đâu. Mọi người nói tầu đẹp lắm, sạch sẽ lắm, phòng khách, phòng tập, phòng chơi... rất đẹp.  Bình minh, hoàng hôn trên biển cả đẹp ra sao tôi cũng chẳng thiết ngắm.  Văn nghệ bỏ túi trên tầu vui thế nào tôi cũng chẳng thiết tham dự. Tầu ghé vào đảo Kuku để đón thêm dân tị nạn tôi cũng chẳng màng.  Cũng may chỉ ở trên tầu Na Uy vài ngày là tới trại tị nạn Galang. Thằng bé khỏe hẳn, mắt con chị đã bớt nhưng vẫn còn đỏ nên sau khi làm thủ tục nhập trại và yên ổn chỗ ở thì hàng ngày nhà tôi phải cõng con bé đến nhà thương để tiếp tục chữa trị. Hơn một tuần sau cháu mới khỏi hẳn.

Trại tị nạn Galang thật khang trang, sạch sẽ.  Những chiếc barrack cùng cỡ, cùng kiểu dựng san sát bên nhau. Mỗi barrack như một căn nhà gỗ dài, một tầng, mái tôn, hai đầu có cửa và ngay giữa có cửa.  Hai dẫy phản gỗ đóng liền nhau sát hai bên vách, giữa là một lối đi ngăn đôi.  Như vậy coi như mỗi barrack có bốn tấm phản dài ngăn cách bởi lối đi ở giữa và lối đi thông qua hai cửa chia đôi barrack. Đằng sau barrack là dãy nhà bếp và một  đầu barrack trông sang dẫy nhà tắm.  Mấy barrack chung một dẫy nhà vệ sinh ở trên sườn đồi phía xa.

Nguyên tầu April Flower của chúng tôi gồm 59 người, kể cả người lớn và trẻ em, được xếp ở chung trong Barrack 91, căn nhà cuối cùng trên đường ra bãi biển.  Anh giáo LTV tháo vát, nhanh nhẹn  nên đảm đương chức Trung Tâm Trưởng Trung Tân Văn Hóa của trại.  Mỗi sáng loa của Cao Uỷ gọi tên NKT của tầu April Flower là anh giáo nhà tôi lên văn phòng cao uỷ làm thông dịch viên cho phái đoàn các nước đến phỏng vấn dân tị nạn.  Cả tầu ghi danh đi học Anh Văn tại trung tâm văn hóa nhưng riêng chị em chúng tôi không có tên trong danh sách học viênvì hết chỗ.  Lang thang lên TT văn hoá chơi tôi gặp cô Helene, một giảng viên tại đó, tôi xin ghi danh học thì cô lại mời tôi làm giáo viên dạy lớpbeginner và đưa tôi đi một vòng thăm Trung Tâm.  Khi đến khu huấn nghệ, nhìn thấy mấy cái máy may mắt tôi sáng lên, thích quá.  Tôi đề nghị với cô thay vì dạy Anh Văn tôi xin dạy may(để được dùng máy!)  Cô đồng ý liền, thế là cô đưa tôi đến gặp chị Hòa, đang phụ trách lớp may ở đó, hai chị em chia nhau, chị dạy áo dài, áo bà ba và quần xéo còn tôi dạy may chemise và quần tây.Sau giờ dạy may ở TT tôi được phép sử dụng máy may nên đã ra tiệm của người Indo trên đảo mua vải và những vật dụng cần thiết để may vài bộ quần áo vì những quần áo tốt đẹp đã gửi cả cho chủ tầu nay đã bị mất hết. Tôi cũng sáng tạo ra những chiếc bikini cho các cô gái để bãi biển nên thơ hơn, các cô không phải mặc quần đen, áo thun xuống tắm biển.

Khi ở trên đảo nghe kể về những chuyện đau lòng như có một gia đình cha mẹ đi cùng ba cô con gái, tầu của họ gặp hải tặc và cô út bị hãm hiếp ngay trước mặt cả gia đình, đau đớn nào hơn!  Có tầu bị lạc cả tháng trời vì mất phương hướng, đói khát.  Trẻ con, người già chịu không nổi đành phải thuỷ táng.  Có tầu phải xẻ cả thịt người mới chết để ăn và bây giờ có người như ngây như dại.  Còn cả ngàn chuyện thương tâm...  Ôi những nỗi đau thương không bút mực nào tả siết! Chuyến đi của chúng tôi cũng hãi hùng nhưng so với họ vẫn là thật may mắn.  Hằng đêm tôi cảm tạ Trời Phật và các đấng linh thiêng đã phù hộ chúng tôi. Tôi có cảm giác mẹ chồng tôi vẫn quanh quẩn bên con cháu để che chở, nhất là che chở cho thằng cháu đích tôn của cụ.  Có đêm tôi nằm mơ gặp mẹ tôi, ôm mẹ mà khóc, tỉnh dậy thấy mắt còn ướt.  Xa mới thấy nhớ và những gì tưởng mất đi mới thấy quý vô cùng.  Biết bao giờ mới gặp lại bố mẹ, gặp lại em út đây!

Cuộc sống trên đảo êm đềm trôi, hai em tôi, Thiên Hương, Minh Duy  với cô Hiền con cụ Mỹ cùng đi sinh hoạt với nhóm thanh niên trên trung tâm văn hoá.  Sau đó thật vui khi gia đình của em Thanh, con gái trưởng cuả bác DQS cùng cậu út Hiển và mấy người bạn trong xóm tôi cũng được Cao Ủy đưa từ trại Kuku sang Galang và thật là tình cờ vợ chồng của T cùng em H lại ở cùng ngay barrack 91, mấy bạn kia ở barrack bên cạnh. Thế là cứ chiều tối gian nhà bếp lại có Hội Ca Cầm, có những màn văn nghệ bỏ túi rất vui.  Sau Thiên Hương cũng làm phụ giáo cho cô Helene ở TTVH. 

Tuấn và Quân gần gũi tôi hơn, hay luẩn quẩn, loanh quanh dưới bếp. Tôi cũng thương hai cháu, mới mười mấy tuổi mà vượt biên không có người thân.  Dưới bếp có giăng hai cái võng, Tuấn thường nằm võng một mình hát nghêu ngao.  Tôi hay đùa trêu gọi Tuấn là chàng Giang Tử vì Tuấn có giọng hát giống Giang Tử. Đôi khi thấy Tuấn cứ ngẩn ngơ vì nhớ cha, nhớ mẹ, thật tội nghiệp.  Quân là con trưởng, mới có 15 tuổi, rất ngoan nhưng ít nói.  Ông ngoại của Quân với ông cụ tôi là hai người bạn từ trẻ đến già nên hai gia đình rất thân nhau, tôi đi phù dâu cả mẹ và dì của Quân.Tình cờ làm sao khi bố mẹ của Q đến chơi biết là gia đình tôi tính chuyện vượt biên anh chị đã sang gửi gấm Q vì Q đã đi mấy lần rồi mà không lọt.

Sau khi được tin tức và có địa chỉ chính thức, các em tôi bên Mỹ gửi tiếp tế chúng tôi mỗi tháng $100 USD nên ngoài đồ hộp của trại phát chúng tôi có tiền mua thêm thịt, cá, rau tươi ở chợ để bữa ăn tươm tất, ngon miệng hơn.  Đi cùng tầu có hai thanh niên độc thân ăn uống lẻ loi nên tôi rủ vào ăn chung với gia đình chúng tôi cho ấm cúng.  Thế là bữa ăn nhà chúng tôi có thêm hai thành viên là chú Cường và chú Phụng.  Thêm một điều thật may mắn là tôi vừa nhập trại Galang thì gặp Phương Trà, bạn học cùng TV và trường Dược đang sưả soạn đi định cư, thế là bạn bè tíu tít mừng rỡ và PT kéo tôi sang barrack của PT giao cho tôi hết gia tài, dao thớt, nồi niêu, bát đũa, rổ giá, mắm muối... thật là khỏe re, tôi không phải sắm đồ làm bếp.

Thời kỳ đó người tị nạn quá đông, các trại tị nạn mọc lên như nấm.  Nhiều người phải sống trên đảo cả năm trời mới được đi định cư. Gia đình chúng tôi vừa được ưu tiên vì có bố là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, vừa có anh em đang sống ở Mỹ, cộng thêm một điều may mắn hơn nữa là chúng tôi đến trại đúng thời điểm “hốt rác” của phái đoàn các nước.  Trại Galang đang thời kỳ tiếp nhận dân tị nạn từ các đảo Kuku, Bidong và các đảo nhỏ chuyển sang. Có những người ở trại từ rất lâu nay cũng được cứu xét.  Vì thế chúng tôi chỉ ở trại mới khoảng ba tháng đã được gọi lên phỏng vấn.  Gia đình anh LTV được đi khám sức khỏe và dời đảo đầu tiên.  Cụ Mỹ và cô Hiền cùng gia đình tôi được khám sức khỏe và ký giấy nợ với Cao Uỷ sau gia đình anh LTV một tuần.

Trước hôm gia đình chúng tôi dời đảo có một buổi văn nghệ ca hát, chúc tụng, bắt tay nhau từ giã.

Sáng hôm sau hầu hết mọi người ra cầu tầu tiễn chúng tôi xuống chiếc ferry của Cao Ủy đưa chúng tôi sang Singapore đợi máy bay đi Mỹ.  Cuộc chia ly nào cũng buồn.  Kẻ đi người ở cũng rưng rưng.  Có những người bạn một đời nhưng cũng có những người bạn chỉ một thời vì duyên gặp nhau một giai đoạn rồi lại chia tay. Quân và Tuấn ở lại đảo.  Quân chờ người nhà ở Mỹ bảo lãnh, Tuấn đợi giấy tờ của bác Phú bên Canada.

Gia đình tôi, hai vợ chồng, hai đứa con, hai đứa em cùng cụ Mỹ và cô Hiền tay cầm túi xách giấy tờ cuả ICM từ phi trường Singapore lên chiếc Boeing 747 của Cao Uỷ Tị Nạn LHQ chở toàn dân tị nạn trực chỉ Oakland, California.  Đi đến vùng đất hưá!

Đỗ Dung