(Chú: Hai con lật đật người Nhật)
Hồi còn nhỏ, tôi đã có lần đi tàu về quê tảo mộ. Khi tôi tựa
vào cửa sổ tàu mà chăm chú nhìn lớp lớp sóng không cùng cạnh mép thân tàu sát
nước, con lật đật giữa lòng bàn tay tôi, trong một thoáng, trở thành hình bóng
mờ mịt thăm thẳm và hoá thân vào một thế giới mênh mông bát ngát, rồi nhìn lớp
sóng bạc điệp trùng không cùng dưới cửa sổmột chốc, đoạn, với cái lòng sầu muộn
của con lật đật không chân,một lần nữa, tôi buồn bã nhìn vói làn nước bạc mêng
mang phía sau đuôi tàu. Lòng tôi đột nhiên lo lắng và buồn rười rượi. Tôi ngờ vựcvề
hướng của chuyến đi này và cuối cùng chuyến đi sẽ ra sao. Con lật đật có thể giạt
vào bờ sông, mép nước nào đó, rơi vào tay một đứa bé nào đó nơi thôn làng, hay
mắc vào lưới, và từ đó trở thành con lật đật trên thuyền đánh cá, hoặc mãi mãi
chìm nơi đáy một con sông, và sau những năm tháng dài sẽ biến thành bùn đất,
người thế từ đó về sau chẳng còn gặp lại nó. Tôi biết rằng hiện tại con lật đật
đang ở đây với tôi, nhưng trong tương lai rốt cuộc nó nhất định sẽ ở đâu đó,
nhưng ai sẽ kiếm ra nó? Ai có thể nói lên được cái vận mệnh không thể biết trước
được của nó? Cái mối ngờ vực và sầu muộn này, chúng cứ chờn vờn trong đầu tôi.
Cuối cùng tôi nghĩ ra: Cha tôi có thể biết được kết cục của chuyện này và có khả
năng gỡ tôi ra khỏi mối ngờ vực và sự sầu muộn này, nếu không, khi tôi khôn lớn,
tôi rốt cuộc sẽ biết được, và có thể tự gỡ tôi ra khỏi mối ngờ vực và sự sầu muộn
như vầy.
Thế rồi đến lúc tôi đã thực sự lớn khôn. Tuy nhiên, ngờ vực và sầu muộn không những chẳng bỏ đi mà theo năm tháng chúng càng tăng lên, và trở nên thâm sâu hơn. Tôi cùng với một anh bạn cùng lớp thời tiểu học đi dạo nơi khu ngoại ô, và tôi đột nhiên bẻ một cành cây. Sau khi dùng nó làm gậy một lúc, tôi vứt nó vào một khoảnh ruộng, nhưng tôi như thường lệ nhìn nó một lúc, và tự hỏi, tự đáp trong lòng: ”Mình chẳng biết lúc nào sẽ gặp lại nó nữa. Từ nay về sau không biết nó sẽ ra sao đây? Mình sẽ vĩnh viễn không gặp lại nó?” Nếu tôi đi một mình, mà gặp chuyện đại loại như vậy, thì tôi còn nán lại lâu hơn nữa vì lòngtôi dằng dặc lưu luyến, chẳng thể bỏ đi được. Cũng có lúc mới bước được vài bước, tôi đã quay lại,nhặt lại vật vừa mới vứt, trịnh trọng nói lời từ biệt, rồi mới cắn răng quay mặt mà đi. Thế rồi tôi lại cười cho cái trạng thái bệnh tật ấy, nhưng sau đó thì hiểu ra rằng đó chẳng qua chỉ là những chuyện lặt vặt trong đời mà có hối đi nữa rồi sau lại vẫn cứ phải làm, và sự ngờ vực cùng lòng sầu muộn ấy cứ nằm lỳ trong đầu tôi, thành ra không làm thế, không được.
Tại những nơi náo nhiệt, công việc không rời tay, tôi nén
cái ngờ vực và sầu muộn xuống đáy lòng mà bình thản sắp xếp, giữ hay bỏ các loại
sự việc một cách an nhiên, không bị vướng vào trạng thái bệnh hoạn lúc trước.
Thỉnh thoảng cũng có lúc ngẫu nhiên trỗi lên sự ngờ vực và nỗi sầu muộn, nhưng
dẫu sao thì ý thức muốn cảm hoá đại chúng của tôi và áp lực của hiện tại thật lớn
lập tức ép chúng xuống, và chúng chỉ xuất hiện như tia chớp trong đầu tôi mà
thôi. Khi tôi ở một nơi vắng vẻ, một mình, nhất là về ban đêm, chúng lại nổi
lên rần rần trong đầu tôi. Dưới đèn, tôi đẩy cuốn vở soạn toán sang một bên, và
lấy bút, viết lại bài thơ thường làm trong ngày: ”Xuân tàm đáo tử ti
phương tận/ Lạp cự…: Nhộng xuân chực chết tơ sắp hết/Đuốc kia…” mà
chưa viết xong, trên một tờ giấy đang trải rộng trên bàn, rồi lấy tay đưa trang
giấy lên trên đèn mà đốt đi một góc. Mắt nhìn thế lửa không ngừng lan rộng ra
và lòng nôn nao nói lời từ biệt. Sau khi tờ giấy đã hoàn toàn trở thành tro
tàn, trước mắt tôi đột nhiên hiện ra một cách rõ ràng tờ giấy đó, tôi cúi xuống
nhìn đám tro tàn, và lòng cảm thấy ủ ê: Giả thử bây giờ tôi ước xem lại một lần
nữa tờ giấy cách đây một phút còn ở trên bàn rành rành,và van xin bất cứ nhà
quyền quý, quan huyện, tỉnh trưởng, tổng thống, các vua các chúa, hoặc vua Thuấn,
vua Vũ, Khổng Tử, Socrates, Chúa Kytô, hết thảy các bậc thánh triết thủa xưa,
hiệp lực mà giúp tôi, thì cũng chẳng làm được gì! – Nhưng cái điều ước mơ quá đỗi
này, tôi quyết không dám nghĩ tới. Tôi chỉ nhìn cái đống tro tàn, và nghĩ là sẽ
nhận ra được trong cái đống bụi li ti không thể phân biệt được của những xác chết
của những chữ, và tìm kiếm miếng tro nào là chữ xuân春, mảnh
tro nào là chữ tàm蠶... lại nghĩ tới sáng mai chúng sẽ bị người đầy tớ nơi này
quét bay đi mất, và tôi sẽ chẳng biết kết cục sẽ như thế nào: Nếu tản vào trong
gió, tro sẽ tan tác ra mà bay đến chốn nào? Tro của chữ xuân春 sẽ nhập
vào thi nhân, còn chữ tàm蠶 sẽ bay vào nhà ai? Nếu như chúng nhập
chung vào trong bùn đất, tôi nào biết chúng sẽ nuôi dưỡng cây nào... Toàn là những
câu hỏi lớn mờ mịt mênh mang, nằm trong thiên cổ, không thể biết được.
Khi tôi ăn cơm, một hạt cơm từ chén rơi trên áo của tôi. Tôi
nhìn kỹ hạt cơm, chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng rồi một khi đã nghĩ, thì một thiên
ngờ vực và sầu muộn lại sinh ra: Không biết một ngày nào, người nông dân nào, tại
một thuở ruộng nào bắt đầu trồng cây lúa xuống, rồi trên gié lúa, hạt no hạt rồi
được nấu thành hạt cơm này. Rồi cái hạt lúa này không biết ai đã gặt, ai đã
xay, cối xay của ai, ai đã bán gạo, để rồi gạo ở trong nhà chúng tôi, nay nấu
thành hạt cơm mà rớt xuống trên áo tôi. Cái loại câu hỏi này đều khả dĩ có câu
trả lời xác thực. Tuy nhiên, ngoài chính hạt cơm ra, chẳng có một ai trên cõi đời
này có khả năng tìm ra câu trả lời.
Tôi móc trong túi ra một nắm tiền cắc, nhưng rõ ràng mỗi đồng
cắc đều có một lịch sử dài và phức tạp. Tiền giấy cũng như tiền cắc đều qua tay
người, có lúc đồng cắc bị lõm vào một chỗ, nhưng hoàn toàn không có một dấu vết
nào của sự từng trải của đồng cắc mà người ta có thể tìm thấy. Một số trong
chúng, đã từng là vật mà tiếng van xin của người ăn mày ở đầu đường xó chợ nhắm
tới, đã từng là giá của máu và nước mắt của những người lao động, đã từng đổi một
chén cháo, cứu đói người đói, đã từng biến thành một thẻ đường chặn tiếng khóc
của một em bé, đã từng là tang vật của một anh ăn trộm, đã từng nằm trong bụng
của ông ăn no, ngủ yên nào đó, đã từng nằm an nhàn dưới đáy cầu tiêu kín mít,
đã từng bận rộn kinh qua tất cả những điều kể trên, và những đồng cắc trong những
đồng cắc kể trên không nhất thiết là không nằm trong túi tôi một lần nào đó. Nếu
những đồng cắc này biết nói, thì tôi phải kính trọng chúng như thượng khách mà
lắng nghe những câu chuyện phiêu lưu mà chúng đã từng trải qua. Nếu có ai đó có
ghi lại chúng, thì về mỗi đồng cắc, họ có thể viết được một cuốn sách cực hay,
đầy ly kỳ sánh được với cuốn Robinson Crusoe. Nhưng chúng, những đồng cắc ấy, tất
cả, như những tù nhân, chúng chém chết cũng không muốn thú nhận tội trạng.
Chúng nhất quyết giấu kín những dữ kiện đúng-sai, ngay-cong của vụ án, và có chết
cũng không tiết lộ những bí mật của chúng.
Bây giờ tôi cũng đã được 30 mươi tuổi, như thế thì cũng đã
là nửa đời người. Cái loại ngờ vực và sầu muộn ấy, nhiều ít, thuở trước, ngày
qua ngày, cứ tăng lên, nhưng bây giờ chúng càng ngày càng giảm, khác xa thủa
thiếu niên. Tôi cố gắng lắm mới được như thế.
Vì tôi hay quan sát lối sống của nhân dân, nên tôi thấy là
dường như họ không nghĩ tới mấy món tôi kể trên: Cơm no bụng, tiền đầy túi, rồi
thiên hạ thái bình, và chẳng mơ, chẳng mộng gì sất. Sống thế mới thực sự đáng sống,
và tôi liều mạng (1) lấy nhân dân làm thầy, học tập kiểu hạnh phúc của họ, học
trong 30 năm mà chưa tốt nghiệp. Điều tôi học được, đó là cái chất trung hoà nó
làm cho nỗi ngờ vực hay niềm sầu muộnnơi tôi có nhạt đi một chút sao đó, nhưng
sức nặng của chúng vẫn in dấu và mỗi ngày mỗi tăng trên đường đời tôi đi. Tôi mỗi
lần gặp chuyện phải rời một nhà trọ mà phòng ốc tồi tệ cỡ nào, rệp nhiều đến mấy,
khi tôi ra đi, tôi cứ nấn ná, nghĩ ngợi: “Liệu mình có một ngày nào đó đến trọ
lại trong phòng này không?”
Tôi lại than ngắn thở dài: “Thế là mình phải từ biệt!” mỗi lần
xuống xe lửa, bất kể chuyến đi có gian khổ như thế nào, bất kể người ngồi bên cạnh
làm tôi chán cỡ nào, khi tôi phải xuống xe, trong lòng tôi luôn phát sinh một
loại tình cảm không giống ai: “Liệu có một ngày mình lại cùng ngồi với người
này không? E rằng mình với kẻ nầy sẽ xa nhau mãi mãi!” Loại cảm xúc cỡ này xuất
hiện vừa ngắn ngủi vừa mơ hồ, tựa một bóng chim bay lướt qua trên hồ, chúng thực
ra chỉ loáng trong đầu tôi mấy giây ngắn ngủi, sau đó thì chẳng còn gì. Cuối
cùng tôi cũng có thời giờ để học, và người thầy rất gần tôi, có tên là nhân
dân, bây giờ tôi mới có được. Mà mỗi lần không phải gặp thầy này, và khi được
xa nơi sống chung chạ, lòng ta xưa cũ nảy mầm xa xưa. Bây giờ ta lại gặp ta:
Gió xuân gởi qua cửa sổ một cánh hoa đào trắng trên tờ bản thảo của tôi; rõ
ràng là từ cây đào hoa trắng trong vườn nhỏ nhà tôi thổi vào, nhưng có ai biết
được nó vốn dĩ sống tại đoá nào của cành nào? Trên mặt đất trước khung cửa sổ,
một cánh hoa màu tuyết trắng trong vô số cánh hoa màu tuyết trắng khác, rõ ràng
chúng đều thuộc một cành nhất định, một đài hoa gốc? Ai có thể tìm ra xuất xứ của
từng cánh một, và dẫn chúng về đài xưa? Sự ngờ vực và sầu muộn lại đánh lén
lòng tôi.
Tóm lại, tôi, từ hồi còn bé mãi cho tới bây giờ, cái loại ngờ
vực và sầu muộn này cứ không ngừng đánh úp lòng tôi, và rốt cuộc tôi chẳng trừ
đi được. Tôi, tuổi càng cao, hiểu biết càng nhiều, thì hai thứ ấy càng đánh lén
tôi dữ dội. Áp lực của nhân dân có chì chiết đòi tôi phải là mẫu mực bao nhiêu,
thì sức bật ngược của lòng ngờ vực và nỗi sầu muộn lại càng mạnh bấy nhiêu. Nếu
tôi viết lại chuỗi của từng ngờ vực và muộn phiền loại này từng xảy ra trên đường
đời tôi đã đi qua, thời cuốn sách này nhất định phải tranh độ dày với Tứ Khố
Toàn Thư (2), Đại Tạng Kinh (3). Tuy nhiên, chỉ hạn chế những chuyện đã xảy ra
trên đường đời của thằng tôi đây trong 30 năm, và nếu sánh với cái to lớn của
vũ trụ, cái bao la của thế giới, thì nhiều nhiều sự việc, lắm lắm biến cố mà
tôi đã trải qua trong những năm ấy, thực ra chỉ là một hạt cát trong sông Hằng.
Tôi phảng phất thấy một cuốn sổ lớn thật lớn, trong đó ghi lại
tỉ mỉ nhân nhân quả quả của mọi vật, mọi loài, mọi biến cố chợt xảy ra trong ba
đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Từ hạt nguyên tử thật nhỏ cho đến những tinh tú
to lớn, từ hành động của con sâu bé tí cho đến đại kiếp (4) của Cõi Hỗn Độn
(5), không gì mà không được ghi lại một cách tỉ mỉ về gốc gác, tiến trình và kết
quả, không hề quên sót mảy may. Cho nên mọi ngờ vực, sầu muộn của tôi từ trước
đến giờ đều có thể được bỏ qua. Nơi ghé của con lật đật, kết cục của cái gậy,
tro tàn ở chốn nào, đều được ghi lại từng món một không lơi tay; gốc gác của hạt
cơm và đồng cắc nhất nhất sẽ được tìm ra; quán trọ và xe lửa đã từng có nhân
duyên với tôi đã được ghi chú từ lâu trong đầu mục của cuốn sổ; đài gốc của
cánh hoa đào trắng là có thực và có thể tìm ra. Ngay cả danh sách của những
than thở hoài hoài, các hạt cát của những đống cát trong vườn nhà tôi mà tôi
không thể nhớ, thì cũng được ghi xuống chính xác, rồi kế tiếp ghi chú hạt nào
là hạt tôi từng dùng tay mà vốc lên hôm qua. Nếu muốn theo đống cát mà lựa ra hột
cát mà tôi đã từng vốc lên hôm qua, thì mở cuốn sổ này mà tìm không phải là
chuyện khó khăn gì. Nhất nhất những gì mà tôi đã thấy, đã nghe, đã làm trong 30
năm, đều được tỉ mỉ ghi lại và rà soát lại, và chúng chỉ chiếm một góc nhỏ của
một trang, một chấm tí ti trong cuốn toàn thư to lớn, không cùng. Tôi tin chắc
là có cuốn sổ lớn này trong vũ trụ, trong đó mọi nghi hoặc, sầu muộn của tôi đều
bị bỏ lơ hết.
Năm 1929/ Đã qua tiết thanh minh, viết tại Thạch Loan.
Phong Tử Khải
Nguyễn Văn Thực dịch
Chú thích: (ND)
(1) 拼命: bính mạng; bính: bỏ đi, mạng: mạng;
bính mạng: liều mạng. Tác giả dùng chữ quá độc, quá đúng.
(2) Tứ Khố Toàn Thư được vua Càn Long bảo trợ, 360 cao quan
và học giả biên soạn, và hơn 3.800 người sao chép lại. Phải mất 13 năm để tích
góp các loại sách. Tứ Khố Toàn Thư chia ra làm bốnbộ: Kinh bộ, Sử bộ, Tử bộ, Tập
bộ. Cho nên mới gọi là Tứ Khố. Có hơn 3.500 loại sách + quyển, 79.000 quyển,
36.000 sách (thẻ tre ghép lại) và khoảng 800 triệu chữ; về căn bản chúng bao gồm
tất cả các sách ở Trung Quốc cổ đại, vì vậy chúng được gọi là Toàn Thư. Vào thời
điểm đó, vua Càn Long đã ban lệnh sao bằng tay 7 bản sao của Tứ Khố Toàn Thư và
ra lệnh trân trọng lưu giữ chúng riêng ra ở các nơi trong nước. Bốn bộ Tứ Khố
Toàn Thư được sao chép xong trước nhất thì được lưu trữ trang trọng tại: Văn Uyển
Các ở Tử Cấm Thành; Văn Tố Các ở Thẩm Dương, Liêu Ninh; Văn Nguyên Các ở Viên
Minh Viên; Văn Tân Các, ở Thừa Đức, Hồ Bắc. Các bộ này vì thế được gọi chung là
Bắc Tứ Các. Ba bộ được sao chép sau này và được phân ra và trân trọng lưu giữ tại
Văn Hối Các ở Dương Châu, Văn Tôn Các ở Trấn Giang, cùng tại Văn Lang Các ở
Hàng Châu, nên được gọi chung là Nam Tam Các. (ND lấy và dịch từ
https://www.chinesewords.org/dict/69937-422.html)
(3) Danh từ chỉ tất cả những kinh sách, sách luận giải về đạo
Phật trong và ngoài Tam tạng. Ðại tạng đầy đủ và bao gồm nhất hiện nay của Phật
giáo Bắc truyền gồm Ðại tạng Trung Quốc và Đại tạng Tây Tạng (“Cam-châu-nhĩ” 甘珠爾
hay “Ðan-châu-nhĩ” 丹珠爾). Và Đại tạng đầy đủ nhất của Phật giáo Nam truyền là Ðại
tạng thuộc Thượng tọa bộ của Tích Lan, được ghi lại bằng văn hệ Pā-li (“Ðại
chính tân tu đại tạng kinh” 大正新修大藏經). Gọi tắt là “tạng kinh” 藏經.
(thivien.net).
(4) Các người theo Phật giáo nói rằng Trời Đất nhất thành nhất
huỷ, thì thành một kiếp, trải qua được 80 tiểu kiếp thì được một đại kiếp. Các
người theo đạo Lão cũng nói là có đại kiếp. (佛家謂天地一成一毀為一劫,經八十小劫為一大劫。道家亦有大劫之稱)
https://www.chinesewords.org/dict/147561-624.html
(5) Theo truyền khẩu trong dân gian Trung Hoa, Hỗn Độn là chỉ
trạng thái mênh mông mờ mịt trước khi Bàn Cổ khai trời, mở mang đất đai. (我國民間傳說中指盤古開天辟地之前天地模糊一團的狀態)
https://www.chinesewords.org/dict/186005-170.html