Tác giả tốt nghiệp Khóa 1 Trường ĐH/CTCT/ Đà Lạt. Trước
năm 1975: Sĩ quan, làm việc trong Ủy Ban Binh Thư - Tổng Cục/CTCT/QL VNCH
– Sài Gòn. Sau năm 1975: Bị “Tập trung cải tạo” 7 năm. Sang Mỹ năm
1986 -Thỉnh thoảng viết bài đăng trên các Đặc San: Ức Trai, Biệt Đông Quân, Chiến
Sĩ Cộng Hòa.
Năm ấy, người ta kháo nhau sắp đến ngày “tận thế”, ít ai nghĩ đến chuyện mua nhà. Cho nên các nhà địa ốc rao bán 50 căn nhà mới xây với giá rất rẻ, lãi xuất vay tiền mua nhà thấp và điều kiện dễ dàng. Tôi đặt cọc mua một căn. Thế là “giấc mơ Mỹ” của tôi đã gần trọn vẹn.
Chủ những căn nhà này đa số là người Ấn Độ, người
Trung Hoa, Trung Đông, hơn mươi gia đình Mỹ trắng và chỉ có bốn gia đình người
Việt Nam. Ngoài gia đình tôi, có gia đình ông An, người Huế; gia đình ông
Trung, người Quảng Ngãi; nửa năm sau có thêm gia đình bác Học, người Bình Định.
Chúng tôi sống thân thiện, chan hòa với cái tình “tha hương ngộ cố tri”- chia xẻ
buồn vui trong những dịp “quan, hôn, tang, tế”.
Hai năm sau, một người đàn bà Việt Nam, trạc tuổi trên sáu mươi
và đứa con gái khoảng tuổi đôi mươi dọn vào căn nhà cuối xóm. Họ giữ nếp sống
âm thầm và khép kín. Nhưng sự gặp gỡ thường ngày và cái tình đồng hương trên đất
khách quê người đã đem lại sự cởi mở, thân tình… Chúng tôi được biết: Đứa con
gái sang đây học y tá, cha mẹ còn ở trong nước, nhưng họ mua căn nhà này để cho
con gái có nơi ăn ở, tiếp tục việc học hành. Còn người đàn bà nêu trên là cô ruột
đứa con gái. Trước năm 1975, bà là giáo sư dạy việt văn ở trường Trung học Phan
Chu Trinh – Đà Nẵng. Sau năm 1975, người chồng bị đưa vào “trại tập trung cải
taọ”, còn bà “mất dạy”. Cuộc đổi đời dâu bể đem đến cho bà biết bao đau khổ -
không thể tả hết bằng lời. Bảy năm sau chồng bà trở về, cuộc sống lúc bấy giờ
vô cùng cơ cực…Phong trào vượt biên, vượt biển bùng phát. Đây là cơ hội cho vợ
chồng thoát cảnh lầm than. Chồng bà vốn Sĩ quan Hải quân đã từng làm Hạm trưởng,
nên có rất nhiều “mối lái” đến khẩn khoản yêu cầu ông lái thuyền vượt biển. Thời
cơ đã đến và Thượng đế đưa đường. Trải qua sáu ngày đêm lênh đênh trên biển cả,
chiếc thuyền mong manh đã đến được bến bờ Tự Do - đảo Pulau Bidong. Sau đó vợ
chồng bà được định cư trên vùng đất hứa – California. Hơn mười mấy năm sống hạnh
phúc bên nhau, chồng bà đã ra đi sau cơn bạo bệnh để bà ở lại trong cảnh cô đơn
với bao thương nhớ…
Bây giờ bà đã về hưu, không có con cái lại vắng bóng chồng,
bà cảm thấy cô đơn nên tình nguyện theo đứa cháu gái để đỡ đần, chăm sóc trong
thời gian nó học hành - bà xem nó như con.
Biết được hoàn cảnh đáng thương lại thêm cách đối xử tế nhị
của bà cùng với đứa cháu gái xinh đẹp, lúc nào cũng vui vẻ, lễ phép khiến tất cả
mọi người trong xóm thương mến, sẵn sàng giúp đỡ cô cháu bà trong mọi tình huống.
Nhà ai có tiệc tùng vui chơi đều mời hai cô cháu tham dự. Thời gian đem lại sự
cởi mở chân tình, mọi người không còn ngần ngại tỏ bày tâm sự. Chỉ có một đìều
duy nhất là lai lịch ông chủ nhà còn ở bên Việt Nam được hai cô cháu dấu kín
như bưng. Ở Mỹ chuyện hỏi lương bổng, tuổi tác, công việc làm của một người
chưa quen thân là điều tối kỵ - mất lịch sự. Nhưng có lần vui miệng, tôi vô
tình hỏi: “Ông chủ mua căn nhà này nửa triệu đô la trả tiền mặt, lại chu cấp
cho hai đứa con đi học tự túc nước ngoài - một đứa học ở Mỹ, một đứa học ở Pháp
thì phải là đại gia thứ thiệt mới kham nổi?” Được bà cho biết qua loa: “Trước
đây ảnh làm việc cho nhà nước, bây giờ đã về hưu”. Chỉ trả lời từng ấy và tỏ ý
không muốn ai hỏi thêm lai lịch của anh bà. Đứa con gái cũng thế - ít khi nhắc
đến công việc của người cha, cũng không muốn ai biết lai lịch của cha nàng.
Một năm sau, lần đầu tiên ông chủ nhà xuất hiện qua chuyến
du lịch đến Mỹ thăm con gái. Bà em dẫn ông anh đến thăm từng nhà. Phong cách của
ông hòa nhã, khiêm tốn dễ gây cảm tình. Ông tỏ ra cởi mở và chân tình, nhưng rất
ít nói về mình và các vấn đề chính trị.
Trước khi về lại Việt Nam, ông làm bữa tiệc thân mật mời tất
cả bà con trong xóm đến chung vui để tỏ lòng cảm ơn mọi người đã dành cho em và
con gái của ông sự thương mến … Đãi khách hôm ấy là món mì quảng, chính tay ông
nấu – ngon tuyệt! Trong lúc hàn huyên, ông thổ lộ một ước mơ: mong được định cư
ở Mỹ - một điều ông nghĩ rất khó khăn nhưng hy vọng con gái ông sẽ biến ước mơ
thành hiện thực.
Ông Trung vốn có thành kiến với những người cộng sản,
nghe thế… ông về nhà nói với vợ: “ Nghe mấy tên cộng sản nói, có ngày bán thóc
giống, tin sao được”. Ông ví von: “ Việt gian, Việt cộng, Việt kiều…Ba đứa hợp
lại tiêu điều Việt Nam”.
Nhưng “ghét của nào, Trời trao của đó”. Thằng Thành, con
trai nhà ông lại mê con gái nhà ông “việt cộng” . Thế mới có chuyện viết ra
dông dài cho thấy cuộc đời lắm nỗi oái oăm: Từ ngày cô cháu con Thu dọn vào căn
nhà cuối xóm, thằng Thành trông thấy con bé ngây thơ ngồ ngộ. Nó nói rặc giọng
Quảng Nam, trông vẻ quê quê…nhưng thằng Thành lại thích. Năm ấy, thằng Thành học
năm thứ tư, ngành điện toán, đã 24 tuổi, nhưng nó chẳng biết bồ bịch trai gái
là gì, chỉ lo chuyện học hành. Ông bà Trung vừa mừng vừa lo - mừng là thấy con
chăm chỉ học hành, nhưng lo cho đường tình duyên của nó. Bạn của bà Trung có đứa
con gái út, ở tuổi đôi mươi xinh xắn, đang học Dược. Bà Trung ngấm nghé ngỏ lời,
bên gái cũng tỏ ra vừa ý, vì thấy thằng Thành ngoan hiền, học giỏi lại cao ráo
đẹp trai, nên các buổi họp mặt vui chơi trong gia đình, nhà gái đều gọi thằng
Thành đến tham dự. Nhưng mười lần thằng Thành chỉ đến đôi, ba. Nó viện cớ bận học.
Nhưng từ ngày cô cháu con Thu về ở xóm này, hễ nhà nào tổ chức vui chơi mà có mặt
con Thu là thằng Thành mò đến - chẳng đợi mời. Biết ý con trai, bà Trung tự sự
với chồng, ông Trung gạt phăng: “Việt cộng có bè, Việt gian có lũ - đời nào họ
gả con cho người ngoài đảng”. Bà Trung tự sự tiếp: “ Nếu hai đứa nó yêu nhau
thì ông tính sao?” – “Tui không muốn làm sui với đám Việt cộng”. Bà Trung mất hứng,
buông một câu có vẻ chạnh lòng: “ Không bỏ được cái tính kỳ co”, rồi bỏ đi, nhưng
trong lòng lắm nỗi băn khoăn.
Bà muốn sớm có con dâu, cho thằng con trai yên bề gia thất.
Bà sợ một mai nó phải lòng một con Mỹ hay con Mễ thì coi như bà mất thằng con
trai. Cái gương con bà Sáu Hảo - lấy con vợ Mỹ trắng. Cưới xong hai vợ chồng nó
dẫn nhau qua Hawaii sinh sống, bỏ bà già góa bụa cô đơn chẳng ngó ngàng, mặc dù
nó là đứa con trai duy nhất. Bốn năm sau vợ chồng nó li dị, đem về giao cho bà
thằng cháu nội, bà nuôi cho đến bây giờ. Thằng con trai thất tình đi lang thang
rày đây mai đó. Còn thằng con trai bà Hai Sún, lấy con vợ Mễ, chỉ mới bốn năm
mà sinh 5 đứa con (một lần sinh đôi). Nó cứ đẻ “sòn sòn”, thằng chồng cày hai
Job bở hơi tai, con vợ cứ phây phây… Lễ hội của đám người Mễ, cũng gọi là Xì
(Spanish) thường xuyên tổ chức nhậu nhẹt, ăn chơi… Mỗi lần như thế, con vợ đi
thâu đêm suốt sáng, giao đám con cho bà già chồng còng lưng chăm sóc. Cái gương
đó làm bà Trung ngán ngẩm… Bà thầm cầu Trời, khấn Phật cho thằng Thành gặp
được con vợ người Việt Nam. Sự xuất hiện của con Thu, đem đến cho bà nguồn hy vọng.
Mặc dù con gái của bà bạn là đối tượng bà nhắm đến, nhưng con nhỏ này “chảnh”
quá làm bà ái ngại. Với con Thu, bà ưng ý hơn. Qua những lần gặp gỡ, bà thấy
Thu ngoan hiền, lễ phép và xinh xắn, nhưng điều bà ưng ý nhất là nó chân thật
và dịu dàng. Bà cố tạo cơ hội cho thằng Thành có dịp gần gũi để tìm hiểu con
Thu. Những ngày cuối tuần bà thường lấy cớ gọi con Thu sang chỉ bà nấu món mì
quảng. Có mặt Thu, không cần bà gợi ý sai bảo, thằng Thành tự nguyện quanh quẩn
trong bếp giúp mẹ, giúp Thu làm việc nọ, chuyện kia mà trước đây chưa bao giờ
nó mó tay vào. Thành tỏ ra vui vẻ, hoạt bát hơn mọi ngày. Rồi bà theo dõi những
lần Thành đưa đón Thu đi học vào những hôm trời tuyết. Thế là biết được con
trai của bà đã “phải lòng” cô gái xứ Quảng.
Bây giờ chỉ còn vượt qua “cái bè việt cộng” và “cái tính kì
co” của ông chồng Quảng Ngãi là bà có thể đạt thành ước nguyện. Bà kín đáo thăm
dò ý tứ con Thu và bên nhà gái.
Hôm sinh nhật con Thu, bà cô tổ chức bữa tiệc mời tất cả bốn
gia đình trong xóm. Hôm ấy, từ sáng sớm thằng Thành mang sang bó hoa hồng tươi
thắm, ở lại phụ giúp bà cô và Thu trang trí nhà cửa, sắp xếp bàn ghế gọn gàng
chuẩn bị đón khách. Xong xuôi công việc, Thành về nhà đón cha mẹ sang, sớm hơn
các người trong xóm. Bà Trung đem đến chiếc bánh mừng sinh nhật và phụ nấu
nướng, coi như người thân trong gia đình. Những điều đó làm con Thu cảm động.
Bữa tiệc đông vui, gia đình nào cũng đem con cái đến tham dự
theo lời mời của bà cô. Mọi người cởi mở, ăn uống thoải mái với các món ăn Quảng
Nam thuần tuý: mì quảng, tré, bánh bèo chén, bánh tổ v…v…và uống rượu Hồng
Đào…Cuộc vui kéo dài từ trưa đến chiều – Đám trẻ rủ nhau ra vườn sau chơi vũ cầu,
bóng chuyền; người lớn ngồi lại với nhau: rôm rả chuyện nước, chuyện nhà…
Nhân cơ hội này, nhiều người muốn biết gia cảnh của ông chủ nhà còn ở trong nước.
Bấy lâu, bà cô tỏ ra kín đáo, hôm nay cũng cởi mở tâm tình: “ Anh Hai tôi, trước
năm 1975, học ở trường Kỹ thuật Phú Thọ. Nếu như không xảy ra biến cố 1975, thì
sẽ tốt nghiệp kỹ sư công chánh vào năm đó. Nhưng tình hình biến chuyển nhanh
quá: tháng ba mất Đà Nẵng, ảnh kẹt lại ở Sài Gòn, mất liên lạc với gia đình.
Khi ấy, ông bác ruột tập kết trở về tiếp thu Thành phố Đà Nẵng hết lời “động
viên” cha mẹ tôi: “Yên chí - rồi Sài Gòn sẽ được giải phóng. Thằng Thiên với sức
học của nó, tôi sẽ tìm cách đưa cháu về đây cùng chung sức xây dựng quê hương”.
Đúng như ông bác đã nói: Cuối tháng 4-1975 Sài Gòn thất thủ - ảnh về lại Đà Nẵng
và được ông bác đưa vào làm việc trong Ủy Ban Xây Dựng Thành phố. Chưa làm việc
với chính quyền cũ (ngụy quân, ngụy quyền) - chế độ mới xem là có lý lịch trong
sáng – nên ảnh được trọng dụng.
“Nhớ lại thời đó: Sau khi cướp được chính quyền, Việt cộng
chủ trương - “đánh tư sản”, “cải tạo công thương nghiệp” để đưa vào làm ăn tập
thể theo lối Xã Hội Chủ Nghĩa. Về chính trị thì lo việc trả thù – đưa tất cả những
người phục vụ trong chế độ cũ vào trại “tập trung cải tạo” và đố kỵ các thành
phần chuyên viên, trí thức Miền Nam đã đưa nhân dân Miền Nam đến chỗ khốn cùng
- cơm không đủ no nói chi đến việc xây dựng! Không có đất dụng võ, anh tôi chán
nản… mặc dù được chính quyền mới ưu đãi, ảnh cũng tìm cách vượt biên hai lần,
nhưng không thành công. Sự bùng phát phong trào vượt biên làm Việt Nam mất đi
nhiều nhân tài và “chất xám” để góp phần xây dựng quê hương điêu tàn sau bao
năm chinh chiến.
“Trước những thất bại đó, chính quyền cộng sản đưa ra chủ
trương “ sửa sai - đổi mới”. Từ đây anh tôi được cái dù che của ông bác, và được
Nguyễn Bá Thanh, bí thư Thành ủy Đà Nẵng trọng dụng, ảnh lên như “diều gặp gió”
trong giai đoạn xây dựng và phát triển Thành phố Đà Nẵng. Nhưng sống lâu trong
lòng chế độ mới thấy bản chất của người cộng sản - khó chơi! - Độc tài, thủ đoạn,
tàn ác, vô pháp vô thiên, đàn áp dân lành bất kể lương tri. Câu khẩu hiệu ‘cứu
cánh biện minh cho hành động’ đã ăn sâu vào tim óc của người công sản. Anh tôi
không có thủ đoạn bằng họ, không biết kéo bè, kéo đảng nên quay về “thế thủ”.
“Từ ngày Nguyễn Bá Thanh về với đất, anh tôi nghiệm ra cái
vô thường trong kiếp nhân sinh: giàu sang, quyền thế thoáng qua như giấc mộng
phù du, nên anh chuyển hướng đầu tư vào việc học hành cho con cái. Tìm cách cho
hai đứa con du học nước ngoài, những mong sau này chúng nó có cơ hội đưa vợ chồng
ảnh sang xứ tự do để thoát khỏi gọng kềm quyền lực đầy cạm bẩy”.
Bà cô ngừng lời, ông An góp ý:
-Chuyện nớ không khó chi mô – cháu Thu kiếm thằng chồng bên
ni, có thẻ xanh là có thể làm đơn bão lãnh được cha mẹ sang. Đám du học sinh học
xong đa số đều muốn ở lại Mỹ đã làm như rứa.
Bác Học chân thật thêm vào: - Tìm đâu xa cho mệt, tôi thấy
cháu Thành nhà ông Trung với cháu Thu nhà này rất xứng đôi, vừa lứa…
“Được lời như cởi tấm lòng” nhưng bà Trung đưa đẩy: - Đám trẻ
bây giờ “đặt đâu mình ngồi đó” chứ không phải như xưa, do cha mẹ quyết định…
- Chuyện vợ chồng là do duyên số, tụi trẻ chúng nó ưng nhau
mới thành. Người lớn có muốn cũng không được. Bà cô tiếp lời.
Bỗng một ý nghĩ ngộ nghĩnh đến trong đầu tôi, tôi phát biểu:
-Nếu mà hai đứa “ưng nhau”, chúng nó bảo lãnh được ông bà ấy
sang đây thì xóm này trở nên rôm rả và ông An sẽ làm ăn khấm khá.
Mọi người chưa hiểu ẩn ý của tôi, ông An hỏi:
-Mần răng (làm sao) tôi lại làm ăn khấm khá?
- Trong dân giang thời Phong kiến có câu: “Quảng Nam hay
cãi, Quảng Ngãi kỳ co, Bình Định hay lo, Thừa Thiên ních hết”. Dẫn dụ ra: xóm
mình đã có ông Quảng Ngãi kỳ co, thêm ông Quảng Nam hay cãi, lại có ông Bình Định
hay lo (lo lót - hối lộ). Ông là người Thừa Thiên (Huế) thì ông “ních hết” - sẽ
khấm khá chứ sao!
Nghe tôi giải thích mọi người cười thoải mái.
Câu chuyện người lớn tán gẫu hôm ấy, không ngờ đã thành hiện
thực. Một năm sau, lễ Thành hôn của Thành và Thu được tổ chức và sau đó không
lâu, con Thu bão lãnh cha mẹ sang, cùng ở trong khu xóm với bốn gia đình người
Việt Nam.
Từ ngày được định cư ở Hoa Kỳ, ông Ba Thiên, cha của con
Thu, mang tiếng “dân Quảng Nam hay cãi” nhưng ông lại rất kiệm lời, ít giao thiệp
với ai. Ông sống an phận tuổi già. Thú vui của ông là đọc sách và chơi cờ tướng
trên computer. Nhưng khi hai ông Trump và Biden tranh cử Tổng Thống - lời qua
tiếng lại giữa hai ông già ở tuổi 74 và 78 làm ông Ba Thiên suy ngẫm : “Mình mới
73, sao lại sớm an phận, buông xuôi trước những điều ông cho là không công bằng
”. Thế là ông nhập cuộc – ông viết bài đưa lên mạng, lên báo, lấy bút hiệu “Ba
Trời”. Mấy hôm sau có ông “Bốn Biển” viết bài phản bác. “Ba Trời” chẳng biết “Bốn
Biển” là ai và “Bốn Biển” cũng chẳng hiểu “Ba Trời” đang ở phương nao? Chỉ
“choảng” nhau trên Internet. Bài viết của hai ông được độc giả lưu ý và thích
thú vì lý luận có cơ sở, sắc bén với văn phong dí dỏm. Đôi khi hai ông gay gắt,
xách mé - gọi nhau với cái tên bất nhã - ông Ba Thiên luôn luôn bênh vực ông
Trump nên bị ông “Bốn Biển” gán cho cái tên “Ba Cuồng”. Nhưng Ba Cuồng chứng
minh thành quả thiết thực của ông Trump làm cho “Bốn Biển” - kẹt! Nên bị
gán cái tên “Bốn Kẹt”.
Hôm sinh nhật đứa con trai đầu lòng của Thành và Thu, có mặt
ông bà nội, ngoại, bà cô và những người trong xóm. Tất cả hoan hỷ chúc mừng. Giữa
tiệc vui tôi nêu lên câu hỏi:
-Không biết vì sao, mấy tuần nay, hai thằng cha “Ba Trời”,
“Bốn Biển” ngưng viết, tìm mãi trên internet không thấy ? Tôi thích lối tranh
luận của hai cha nội này. Ở đây có ai đọc các bài tranh biện của hai ông ấy
không?
-Tôi đọc phát ghiền! Tuần nào cũng lên mạng tìm đọc các bài
tranh luận ấy trước tiên. Bác Học nói.
Ông Ba Thiên cười tủm tỉm, nói rằng:
-Có lẽ ngưng chiến trong “trăm ngày trăng mật” để ông TT Joe
Biden làm việc, sau đó chắc mấy “chả” sẽ tiếp tục.
Ông Trung cũng cười tủm tỉm, bảo rằng: - Kịch bản đã hạ màn,
còn gì mà viết.
Thằng Thành khui thêm mấy chai bia mời khách và cười cười
nói với mọi người:
-Hai cụ Ba Cuồng và Bốn Kẹt sắp gặp nhau ở Florida nắng ấm –
có gì ấm ức sẽ tranh luận thoải mái – khỏi phải rị mọ ngồi gõ suốt đêm – hao sức!
Câu nói của thằng Thành làm hai ông sui gia ngờ ngợ hiểu ra
sự việc vì ngày mai thằng Thành đưa cả hai gia đình nội - ngoại đi chơi biển
Florida – chỉ có tôi là chưa hiểu ất giáp, nên hỏi:
-Sao hai ông ấy lại hẹn gặp nhau ở Florida?
Thằng Thành “bật mí”: - Trước nay hai Cụ nhà cháu viết bài
công kích nhau đưa lên mạng. Mỗi lần computer trục trặc, kêu cháu sửa nên cháu
biết “tỏng” ông “Ba Trời” – “ Bốn Biển” là ai. Những lần hai Cụ viết gay gắt,
cháu ái ngại, nhưng sau đó lại hòa hoãn - châm biếm nhau - đọc rất thú vị… nên
cháu giữ bí mật để yên hai cụ châm chọc cho vui.
Thì ra thế! Mọi người cười hả hê… “Ba Cuồng” cụng ly “Bốn Kẹt”
nói: - “Cái nước Mỹ này còn lắm chuyện nhiêu khê, nói hoài không dứt”.
Ông Ba Thiên từ tốn, nói tiếp:
-Tôi hiểu lòng anh - Anh yêu nước Mỹ, anh lo ông Trump với
tính khí bất thường, tuyên bố lung tung sẽ làm nước Mỹ rối loạn, mất đoàn kết,
mất uy thế một siêu cường lãnh đạo Thế giới Tự Do.
-Tôi sang Mỹ muộn màng, mới được đi bầu Tổng Thống ba lần,
nhưng tôi hiểu giá trị lá phiếu trong nền Dân chủ Hoa Kỳ khác xa với sự bầu cử
đã diễn ở các nước độc tài trong đó có Việt Nam.
-Có câu chuyện kể rằng: ‘Ngày xưa ở bênTàu, ai có lời ta
thán Vua là mang tội khi quân sẽ bị chém đầu. Một anh nông dân ra giữa đồng đào
một cái lỗ, khi có chuyện oan khiên, không dám tỏ bày, tâm sự cùng ai, anh ta
ra đó nói to vào cái lỗ những nỗi niềm oan ức, rồi lấy thúng đậy lại – ra về,
lòng anh bớt đi bứt rứt… Khi còn ở trong nước, nhiều lần tôi mang tâm trạng của
người nông dân, tôi đã đóng cửa phòng, la to một mình những điều ngang trái.
Sang đây, tôi hiểu được giá trị của sự Tự do ngôn luận - Những bài tôi viết, có
lúc xúc phạm đến các nhà lãnh đạo Mỹ. Ở Việt Nam mà xúc phạm các cấp lãnh đạo
như vậy đã bị đưa vào khám ‘gỡ lịch mút mùa’... đâu được thảnh thơi đàm đạo với
anh như vầy. Cho nên tôi yêu nước Mỹ như anh đã yêu.
-Hiện tại nước Mỹ có nhiều bạo loạn. Nhiều người lo lắng hỏi
rằng : Tương lai nước Mỹ sẽ đi về đâu? – trong đó có anh, có tôi. Trong thời
gian qua, anh nhìn thấy ông Trump lãnh đạo quốc gia theo lối “con buôn” – không
bài bản như các chính trị gia chuyên nghiệp. Còn tôi nhìn thấy ông Trump hành xử
công việc quốc gia nghiêng về ‘trực giác’ mà mang lại hiệu quả. Có người bảo:
ông là ‘Thiên sứ’ - Trời sai ông xuống để cứu nước Mỹ. Tôi không nghĩ như vậy,
nhưng nhận thấy nơi ông cái ‘bản chất thực dụng’ của người Mỹ. Trong những năm
gần đây người ta nghe nói về “Chủ nghĩa Tân Tự Do” (Neoliberalism) hay
“Tân Dân Chủ” đang được các nước Bắc Âu áp dụng. Bây giờ người ta đề cập đến
“Chủ nghĩa Trump” (Trumpism). Theo tôi nhận thấy: Không có chủ nghĩa nào bền vững
và phát triển mạnh ở Hoa Kỳ. Xã hội Mỹ tự do, dân chủ, đa văn hóa, sinh hoạt
chính trị đa nguyên, không bị ràng buộc bởi ý thức hệ nào nên người Mỹ có suy
tư chính trị phóng khoáng. Có chăng cũng chỉ áp dụng tính thực tiễn phổ quát
qua từng thời kỳ, tạm gọi là “Chủ nghĩa Thực Dụng” để tạo dựng thế đứng hùng cường
về kinh tế, quân sự, chính trị.
- Tôi thấy rõ nét: - Dân Mỹ thích chơi cái mới và thử cái lạ,
nên đất nước này luôn luôn tiến bộ và trẻ trung - Hành động của người Mỹ
thiên về “thực tiễn” nên họ dễ đạt được thành công - Nhưng “lương tri” mới là
cái điều chỉnh cho nước Mỹ đi đúng hướng để xứng đáng vị thế siêu cường, được
nhân loại ngưỡng mộ…
-Lương tri đã đưa Hoa Kỳ thoát khỏi chế độ nô lệ. Bây giờ
còn lại nạn kỳ thị chủng tộc là vấn đề đang được quan tâm. Những kẻ dũng cảm, ấp
ủ một cuộc sống Tự do, Bình đẳng và Hạnh phúc đã tìm đến “Vùng Đất Hứa” mà Thượng
Đế đã ban cho ân sủng Bình an và Thịnh vượng… Từ các bậc Tổ phụ lập quốc
Hoa Kỳ lưu truyền trong huyết thống qua nhiều thế hệ, cho đến những con người
ngày nay đang sinh sống trên “miền đất hứa” đều hiểu rằng: Nó không thuộc về
người da trắng, da đen hay da vàng - Điều đó đã làm nên “Lương Tri Mỹ quốc”. Sự
xuất hiện của các phong trào: Ku Klux Klan (KKK), Black Lives, Proud Boys đã
gây ra bạo động, chết chóc, hận thù qua từng thời kỳ đã được lương tri nhắc nhở
và họ sẽ thức tỉnh. Rồi các phong trào đó sẽ tàn lụi nhường chỗ cho “Lương Tri
Mỹ Quốc” vươn lên – Tôi tin như thế!
-Thực ra, như ếch ngồi đáy giếng, bỗng một buổi sáng, một mảnh
trời xanh hiện ra, cho tôi cảm xúc để viết”. Đám trẻ cũng như anh cho tôi “cuồng”.
Ừ, thì “cuồng”- nhưng tôi nói lên lời chân thật, tự đáy lòng. Nước Mỹ bao la,
xã hội Mỹ phức tạp với nền chính trị đa nguyên khó tìm ra chuẩn mực. Có thể nói
mọi người như đám “mù sờ voi” khi phê bình hay nhận xét về nước Mỹ.
-Đám trẻ ngày nay thường nghĩ rằng những người lớn tuổi,
sinh ngữ kém, không thông suốt những nguồn tin, không theo kịp trào lưu tiến
hóa của xã hội, nên thường mang tính “thủ cựu”. Đám trẻ tiến bộ hơn, “cấp
tiến” hơn. Điều đó có thể đúng trên phương diện khoa học kỹ thuật, nhưng về
nhân văn và xã hội, không hẳn như vậy. Với truyền thông đa dạng hiện nay - người
làm công việc truyền thông không còn giữ tính trung thực khách quan mà nói theo
quan điểm phe phái: “Tả - Hữu” hay theo “đơn đặt hàng”. Cho nên phối kiểm, quán
chiếu và nhận định nguồn tin vô cùng quan trọng. Những người lớn tuổi đã
trải qua kinh nghiệm đau thương, nên thường cẩn trọng để tránh rơi vào ảo tưởng
hay bị lừa đảo.
-Đã lâu rồi, tôi đọc lá thư của một thanh niên ba mươi tuồi,
ở Sài Gòn, anh ta viết đại ý như vầy:
“Tôi muốn được đến nước Mỹ để tìm hiểu về nền văn hóa, chính
trị, giáo dục, kinh tế nước này. Và để hỏi vì sao đồng bào anh có mặt ở đây? Sự
ra đi kéo dài hơn một thế hệ rồi mà đến bây giờ hằng ngày đi qua Tòa Tổng lãnh
Sự Mỹ ở Sài Gòn vẫn còn lũ lượt người chờ đợi một tấm vé đặt chân vào Mỹ dù đất
nước Việt Nam đã im tiếng súng từ lâu.
“Tôi muốn đến Mỹ xem coi có phải đó là Thiên đường không? Mà
đồng bào, bạn bè tôi sau khi định cư vài năm trở về thăm quê, họ như một con
người khác - lịch sự, nhã nhặn… có kiến thức giỏi giang hơn rất nhiều. Tôi tự hỏi
điều gì đã làm nên đôi hia bảy dặm đó?
“Tôi muốn đi để thấy, để biết Tổng Thống Mỹ có phải ông Trời
không mà sao cả thế giới phải nghe ngóng, chờ đợi mỗi mùa bầu cử Tổng Thống Mỹ?
“Và tôi muốn đi để hỏi các chú, các bác, những chiến hữu của
cha tôi ngày xưa được chìa khóa HO để đến Thiên đàng nước Mỹ, có còn nhớ đến bạn
bè chiến hữu, quê hương hay không mà sao ai cũng chen chân bỏ lại ‘chùm khế ngọt’
mà hân hoan làm kẻ lưu vong?
“Tôi muốn gặp những người cùng lứa tuổi với tôi là người Mỹ
gốc Việt để thử xem cách xa nửa quả cầu, tuổi trẻ có gì khác và giống nhau?
“Cuối cùng, tôi muốn đi để xem vì sao, hấp lực gì mà hằng
triệu người Miền nam đổ xô ra biển không định hướng những năm sau 1975 đến năm
1990 và tiếp tục đến bây giờ bằng nhiều cách? (hết trích)
Cuối thư anh ta có yêu cầu những người bên này vui lòng trả
lời dùm để anh khỏi khắc khoải về một nước Mỹ vô cùng lạ lẫm và thần kỳ!
Ông Ba Thiên nhấp ngụm bia, tiếp tục tâm sự:
-Mới đây tôi lại nhận được lá thư của người bạn thân gởi
sang – Ngoài đôi dòng hỏi thăm sức khỏe, anh ta đề cập đến các bài viết của
anh và tôi . Anh ta viết: “Không biết hai ông Ba Trời - Bốn Biển là ai, nhưng
thấy hai ông đều có những ưu tư trước những biến động đang xảy ra ở Hoa Kỳ mà
lo rằng: Rồi ra dân ta không còn tin vào sự hữu hiệu của định chế lưỡng đảng và
tính đa nguyên trong sinh hoạt chính trị ở Hoa kỳ để noi theo mà cải tiến nền
dân chủ, xóa bỏ chế độ độc tài, độc đảng hiện nay. Hai ông đó đều lầm – Nhìn
qua sinh hoạt chính trị ở Hoa Kỳ, tưởng như “bát nháo” - lộn xộn, lung tung.
Nhưng dân ta có nhận xét và phân tích sâu sắc. Đa số họ phát biểu: Biết đến
bao giờ dân ta mới được “nếm” cái “hương vị dân chủ”- bốn năm vui - bốn năm buồn;
bốn năm cười - bốn năm khóc như người dân Mỹ?
-Anh ta viết tiếp: “Ông Tổng Thống Hoa Kỳ mà không làm cho
dân giàu nước mạnh, thì chỉ bốn năm ‘đi chỗ khác chơi’. Các ông Nghị sĩ, Dân biểu
mà không đưa ra kế sách an dân cũngchỉ mấy năm về nhà ‘rửa chén cho vợ’. Còn nước
ta: Nhân dân làm chủ - có đến mấy triệu thằng tình nguyện làm ‘đầy tớ’- nhưng
chúng nó dù có lơ mơ, con cháu chúng nó vẫn ngon lành. Thời Phong kiến thì: “Con vua
thì lại làm vua / Con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Bây giờ thì:: “ Con
đảng luôn ở trên cao / Con dân đãi sạn, mò ngao dưới đầm”.
-Anh ta kết luận: “Ngẫm ra mới thấy thèm cái sinh hoạt ‘bát
nháo’ trong mô thức chính trị Tam quyền phân lập ở Hoa Kỳ”./.
Lê Đức Luận
(Tháng Ba, Năm 2021)