Hành khách lần lượt bước qua cửa soát vé, ai cũng có vẻ hớn
hở vui tươi. Chắc hẳn phần lớn họ đều đi nghỉ hè nhân dịp lễ Memorial Day (Ngày
Chiến Sỹ Trận Vong). Nhìn cách ăn mặc cũng đoán ra được: quần ngắn, áo thun, giày
đi bộ hay dép. Mấy đứa con nít nghịch ngợm chạy lăng xăng, tay cầm cả đồ đi bơi
như mặt nạ, chân vịt người nhái, làm như sắp sửa đến hồ tắm chứ không phải leo
lên máy bay. Năm nay thời tiết khác thường, gần hết tháng 5 mà trời vẫn còn hơi
lành lạnh, kéo theo những cơn mưa dai dẳng, nũng nịu như một cô bé đang vòi
vĩnh mẹ. Rồi nắng ấm đúng điệu mùa xuân lại đến, đám cây do dự mãi chẳng chịu
trổ bông, vì sợ ông Trời lại đổi ý, khiến người ta nóng lòng sốt ruột như cậu
bé nhà quê trông mẹ đi chợ về.
Chuyến bay đầy ắp, không còn một chỗ trống. Khi đặt mua vé, tôi luôn chọn cho
mình một ghế sát ngay lối đi vì tính tôi hay đi loăng quăng cho đỡ cuồng cẳng
khi máy bay đã ở độ cao cho phép. Vừa ngồi xuống chưa nóng ghế, một ông cụ gầy
nhom cao lòng khòng, chân đứng không muốn vững, tay run rẩy, cố nhét chiếc bị
xách tay của ông vào cái kệ trên đầu ghế ngồi. Tôi vội vàng đứng dậy.
- Ông cứ ngồi vào chỗ đi, cháu sẽ giúp ông một tay, ghế ông số mấy.
Ông già đọc số ghế, thì ra ông ngồi hàng giữa, cạnh tôi. Khó khăn lắm mới sắp xếp
lại mấy cái va li khác và nhét túi xách của ông vào bên trong. Mấy năm gần đây,
các hãng máy bay muốn tiết kiệm nên bắt hành khách trả thêm tiền lệ phí cho
hành lý gởi trong kho chuyển vận, cho nên người ta mang xách tay nhiều hơn. Tôi
liên tưởng đến những chuyến xe đò bên Viêt Nam, ồn ào chật cứng, hành khách
mang theo biết bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh, từ gà vịt, túi khoai lang, đến hàng hóa
đi chui, thế mà vẫn kiếm được chỗ tấn thêm vào, xe không còn chỗ ngồi mà vẫn
đón khách, vẫn chen chúc thêm người. Nhồi nhét một hồi rồi cũng xong.
- Cám ơn cậu đã giúp đỡ tôi.
- Cháu rất vui được giúp ông, ông đi một mình thôi à.
- Con gái tôi mắc công chuyện nên không đi được. Còn cậu thì sao?
- Cháu đi nghỉ mát với mấy người bạn, họ đi từ các phi trường khác và hẹn gặp
nhau ở Honolulu. Nghe nói Hawaii là thiên đàng hạ giới nên muốn đi cho biết.
- Vui quá nhỉ, còn khỏe mạnh thì cứ rong chơi, mai mốt già như tôi, đi đâu cũng
ngại.
- Thế ông đi qua đó du lịch phải không?
- Tôi về thăm ba tôi.
- Ý trời! Ba của ông còn sống hả?
- Không đâu, ổng mất lâu lắm rồi.
- Cháu xin lỗi và chia buồn cùng ông, ông có sao không?
- Không sao, cỡ tuổi tôi, mỗi đêm đi ngủ chẳng biết sáng có thức dậy không nên
có còn gì phải tiếc nuối, buồn phiền nữa, nội việc phải đối phó với những cơn
đau nhức trong người cũng đã hết ngày giờ rồi.
- Ông còn bạn bè gì bên ấy không?
- Không, sống thọ cũng là điều phiền toái, mình cứ phải tiễn xong người này lại
đến người khác ra đi. Rồi đây ai sẽ tiễn mình? Chẳng còn ai để chuyện trò, những
người khác thế hệ với mình, có nói cũng chẳng hiểu được nhau, thành ra lâu dần
trở nên ít nói.
Chiếc phản lực từ từ lăn bánh ra tới đầu phi đạo, ngừng lại một chút, rồi gầm
thét lên như cố lấy hết sức lực trườn tới để bay bổng lên trời. Toàn thân nó
rung lên rất hung hăng, nhất định phải vượt lên cao, chẳng mấy chốc đã đạt đến
cao độ bình phi. Nhà cửa bên dưới chỉ còn là những chấm li ti. Tạm biệt Houston
nhé!
Tôi thấy mắt ông già đỏ hoe nên cũng im lặng. Chắc ông đang nghĩ về quá khứ vui
buồn trong đời ông như ai đó đã từng nói “Người già sống bằng dĩ vãng.” Ông già
ngồi thừ ra đó, đôi mắt thật vô hồn, có lẽ đang quay lại cuốn phim về đời mình
trong cái tâm khảm cằn cỗi của ông. Cuốn phim chắc là phải dài lắm bằng cả một
thời gian dễ chừng trên 90 năm, với bao trôi nổi, lao đao. Tôi có kinh nghiệm bản
thân, khi mình bắt đầu già, lại càng dễ mủi lòng. Đôi khi dễ khóc dễ cười như
trẻ thơ. Có một lần thằng cháu lâu ngày không gặp, bỗng ôm tôi hỏi “Dượng có khỏe
không?” Chỉ đơn giản thế thôi, mà tôi không cầm được nước mắt. Tôi vẫn nghĩ những
đứa trẻ lớn lên trên đất Mỹ it khi quan tâm tới người lớn, vậy mà không phải.
Ông già chắc cũng đang xúc động về một kỷ niệm nào đó trong dĩ vãng với người
cha của mình.
Người tiếp viên đẩy quày thức uống đến bên và hỏi chúng tôi muốn uống gì không?
Tôi xin một ly nước lạnh và đập nhẹ lên tay ông già. Ông ngơ ngác một lúc, rồi
chợt hiểu ra, ông cũng xin một ly cà phê đen, không đường, không cream. Có
nhũng người uống cà phê như uống trà vậy.
- Cám ơn cậu, tôi tên Christopher Mancini, cứ gọi tôi là Chris, hân hạnh được
biết cậu.
- Cháu tên Hoàng Nguyễn, gọi cháu là Hoang đọc giống như Juan của người Mễ,
nhưng viết khác. Nơi cháu làm việc cũng có một anh tên Juan, nên bạn bè gọi
cháu là Juanito, cháu không biết nghĩa là gì nhưng đoán là chú Juan nhỏ, có phải
không?
- Juanito trong kinh thánh là Juan, tiếng Tây Ban Nha hoặc Do Thái, hay John tiếng
Anh, có nghĩa là “Chúa Nhân Từ” (God Is Gracious), tên ấy hay đấy, đó là tên của
một trong 12 vị môn đệ của Chúa. Cậu là người Việt Nam hả.
- Vâng, sao ông biết?
- Hàng xóm của tôi cũng là người Việt Nam. Cậu ấy còn trẻ lắm tên là Don Nguyễn,
chắc là không họ hàng gì với cậu chứ?
- Không đâu, Việt Nam chúng cháu đa số nếu không là Nguyễn cũng là Trần hay Lê
gì đó.
- Don rất tử tế, có vợ và hai đứa con. Vợ Don hay cho chúng tôi egg roll hoặc
Vietnamese noodle soup, ngon lắm.
- Vâng, chúng cháu gọi là “chả giò” và “phở”.
- “Fu, fu” hả?
- Gần đúng đó, “Ơ, ơ”, như Doctor, phở!
- Hai đứa con của Don rất dễ thương, chúng gọi tôi là Grand Pa. Tôi cũng muốn
có những đứa cháu như con của Don. Người già thường mong có cháu nội ngoại để
cưng chiều, để trả lời những câu hỏi không đầu đuôi, để đọc truyện cổ tích cho
chúng nghe, để dỗ dành chúng nó ăn những món chúng không thích, để cùng chúng lắp
những món đồ chơi, thôi thì trăm thứ … nhưng con gái tôi chẳng chịu đẻ. Mong
mãi, bây giờ tôi chịu thua rồi.
Tôi cười thầm trong bụng, con ông ấy thì ít nhất cũng trên 60 mươi rồi còn sanh
đẻ nỗi gì. Người già như mẹ tôi chẳng hạn đã 87 tuổi rồi nhưng mỗi lần nhắc về tôi
thường vẫn nghĩ tôi còn bé bỏng lắm, chỉ là cậu bé năm ba tuổi. Có lần một cô bạn
tôi đến thăm, lúc tôi vắng nhà, cụ bảo với cô: “Cô ạ, thằng cháu nhà tôi chịu
khó lắm cơ, làm cái gì cũng được.” Cô bạn cứ ngỡ là cụ nói về thằng con tôi nên
hỏi: “Cháu nó ngoan nhỉ, thế cháu lập gia đình chưa bác?” Mẹ tôi ngơ ngác một
lúc rồi mới cười: “Cô còn phải hỏi…” Từ đó mỗi lần gặp tôi cô cứ ghẹo “Gớm thằng
cháu nhà bà còn bé nhỉ!”
- Thời đại này, nhiều cặp vợ chồng quá bận rộn lo làm ăn đến nỗi quên mất chuyện
sinh con đẻ cái.
- Cậu nói đúng, đồng hồ thời nay hình như chạy nhanh hơn thời của tôi. Ai cũng
rất túi bụi vất vả mới theo kịp nó. Gia đình cậu đều ở Houston này chứ?
- Vâng gia đình cháu ở cả Houston, thế còn ông?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở Hawaii, ở đó cho mãi đến khi nhà tôi mất, cách đây
vài năm, con gái tôi năn nỉ về ở gần nó để tiện bề chăm sóc.
- Con cái còn nghĩ đến cha mẹ là diễm phúc lắm rồi. Cháu đề nghị thế này nhé,
trong thời gian ông ở Hawaii, ông muốn đi đâu, chúng cháu sẽ chở ông đi.
- Thế thì quá tốt, tôi đang lo, muốn về thăm một vài nơi lại sợ khó tìm phương
tiện di chuyển. Taxi họ sẽ chém mình chết nếu bắt họ chờ đợi.
- Bọn cháu gồm mấy người bạn hay đi du lịch nhân những ngày lễ. Lần này chúng
cháu quyết định chỉ thăm viếng đảo Oahu thôi, các đảo khác sẽ dành cho những
chuyến sau.
Ông già im lặng một lúc, dường như đang moi những kỷ niệm đầy ắp lộn xộn trong
cái đầu già nua mòn mỏi của ông. Hai bàn tay xương xẩu nhăn nhúm với những đốt
ngón tay bị bệnh thấp khớp tàn phá, gồ hẳn lên. Cặp môi khô hơi rung động, như
cố kìm lại một tiếng nấc.
- Cũng gần đến ngày lễ Memorial Day rồi nhỉ. Cậu biết không, có những mốc thời
gian trong cuộc đời của mỗi người chúng ta dù cố quên cũng không thể nào quên
được.
- Vâng, ông nói đúng, có khi chúng ta quên cả ngày sanh của mình, nhưng một biến
cố trọng đại tác động lên cuộc đời mình thì không thể quên được. Như cháu không
bao giờ quên được ngày “Ba Mươi Tháng Tư Năm Một Ngàn Chín Trăm Bảy Mươi Lăm.”
Cháu còn nhớ rõ ràng, ngày hôm đó mình đang làm gì, ở đâu, nghĩ gì, ăn gì … như
mới xảy ra ngày hôm qua, mặc dù đã trên 30 năm rồi.
- Đúng vậy, có lẽ dân Mỹ hiện tại, tuổi như tôi và cậu, vẫn còn nhớ “Ngày 11
Tháng 9”. Nhưng tôi thì không còn nhớ năm nào nữa rồi. Con sâu Alzheimer đang gặm
nhấm ăn mất dần nhũng ký ức của tôi một cách vô tội vạ, chỉ chừa lại cho tôi
ngày “Mùng 7 Tháng 12 Năm 1941”
- Ngày ấy có liên quan đặc biệt gì tới ông vậy?
Tôi đã vô tình khơi lại đống tro tưởng đã tàn nguội trong trái tim ông già làm
ngọn lửa bùng lên mạnh mẽ. Gương mặt già trở nên kích động, những đường nhăn
trên mặt hình như căng ra, những tế bào đua nhau sống lại như nhũng hạt mầm đâm
chồi vươn lên khỏi mặt đất nứt nẻ.
Và ông trả lời như thế này:
Năm đó 1941, tôi đang học lớp cuối cùng của bậc trung học. Cha tôi là thủy thủ
phục vụ trên chiến hạm Arizona. Sáng ngày Chúa nhật mùng bảy tháng mười hai,
tôi và mẹ cùng đứa em gái mặc quần áo chỉnh tề, chờ Ba về để đi lễ nhà thờ. Sau
đó chúng tôi sẽ đi shopping chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh sắp tới. Buổi chiều sẽ
đi tắm biển. Ba sẽ dạy tôi thêm về kỹ thuật trượt sóng ở North Shore, nơi mà
luôn có sóng lớn để tập dợt, ông từng đoạt giải vô địch về trượt sóng, nên có rất
nhiều kinh nghiệm. Cha con tôi là những người mê biển như một phần đời sống của
mình. Tôi dự định sẽ ghi danh tranh tài vào năm sau.
Đã gần 8 giờ sáng, hai anh em ra đứng trước cửa lóng ngóng chờ đợi, vẫn chưa thấy
bóng dáng ông đâu. Tôi nóng ruột lắm, một phần vì háo hức đi shopping và những
cuộc trượt sóng đầy thú vị chiều hôm ấy, một phần khác vì linh cảm như đang có
chuyện gì không may xảy ra cho Ba tôi. Ông mang mộng hải hồ của người lính biển,
cho nên vắng nhà thường xuyên, tình cảm cha con vì vậy mà không gắn bó lắm, hầu
hết những ngày quan trọng trong thời thơ ấu của tôi, đều vắng mặt ông. Hình ảnh
Ba trong lòng tôi là những thấp thoáng ẩn hiện không rõ ràng. Về mặt tính tình,
tôi chịu ảnh hưởng Mẹ nhiều hơn, có chút ủy mị, hay suy nghĩ vẩn vơ.
Người hay suy nghĩ đâm ra khó ngủ. Tôi luôn luôn thấy cô
đơn, đứa em gái lúc nào cũng bám theo Mẹ, bỏ tôi một mình, biển mênh mông vẫn
là người bạn thân thiết nhất của tôi. Đôi khi ngồi lặng lẽ hằng giờ, bên biển cả
rì rào, chúng tôi như đang tâm sự với nhau không thành lời. Khi bơi giữa những
đợt sóng bạc đầu nối đuôi nhau chạy vào bờ tôi có cảm tưởng chúng là lũ trẻ thơ
đang nghịch ngợm, rượt đuổi nhau, vang những tiếng cười, tiếng la hét, tiếng gọi
nhau ơi ới. Có tôi trong đó, đang đùa giỡn với chúng, xô đẩy nhau té nhào,
chúng cười cợt chế giễu tôi rất thân tình. Tôi yêu chúng quá đỗi, khiến mắt tôi
đỏ hoe. Chúng hỏi sao tôi khóc, tôi nói chẳng có gì, chỉ là nước rớt vô mắt
thôi, lại những tiếng cười chế giễu dài bất tận đuổi theo sau, khi tôi bỏ chúng
lên bờ trở về nhà, có tiếng gọi của chúng từ đàng xa: “Ê! Ê! … nói chơi thôi
mà, giận à? Sao mít ướt thế!”
Những ngày cập bến ngắn ngủi của Ba, thời gian trở nên quý giá vô cùng. Tôi
đang miên man với những ý nghĩ không đâu, bỗng nhiên, trên trời vần vũ cơ man
nào là máy bay, những chiếc máy bay mang dấu hiệu lạ hoắc tôi chưa từng thấy
trong đời. Rồi những tiếng nổ long trời lở đất vang lên khắp nơi, chúng tôi thản
nhiên đứng nhìn tưởng như một cuộc tập trận của Hải Quân. Những cuộn khói bốc
lên mù mịt che hẳn một góc trời từ hướng Trân Châu Cảng, nơi những chiến hạm vĩ
đại của Hạm Đội Thái Bình Dương đang đậu. Một lúc sau Mẹ ra trước nhà kéo anh
em tôi vào, bà nói rằng đài phát thanh thông báo máy bay Nhật đang dội bom,
không được đứng ngoài đó nguy hiểm.
Tại sao lại dội bom chúng ta? Tại sao lại là máy bay Nhật? Tôi chưa từng nghe
ai nói chúng ta sẽ có chiến tranh với Nhật. Đôi khi tôi có nghe Ba và mấy người
bạn của ông nói về chiến tranh bên Âu Châu, nước Mỹ vẫn an nhiên tự tại. Chẳng
ai đá động gì đến nước Nhật cả. Hòn đảo thiên đường hạ giới này, đời sống quá
yên vui và thanh bình. Chiến tranh là cái gì không ai tưởng tượng được, thế mà
bây giờ lại xảy ra ngay tại đây.
Ngày hôm sau, chúng tôi được thông báo Ba tôi bị mất tích, phải mất vài ngày nữa
mới biết chính xác tình trạng của ông ra sao. Chúng tôi rất lo sợ và buồn rầu,
phần sống sót nguyên vẹn thật là hiếm hoi!.
Cuối cùng người ta cũng xác nhận với Mẹ là Ba tôi đã tử trận. Ông đã chìm theo
chiến hạm Arizona cùng với hơn một ngàn thủy thủ. Hiện nay xương cốt những thủy
thủ đó vẫn còn nằm yên trong chiến hạm, dưới đài tưởng niệm. Rất nhiều thủy thủ
sống sót cũng nguyện ước được sau này trải tro tàn của mình trên đó. Tôi trở
nên mồ côi cha từ ngày ấy, và sau này những ngày “Lễ Của Cha” lúc nào cũng làm
tôi tủi thân.
Tôi rất tức giận vì Ba tôi đã không trở về, ông luôn luôn lỗi hẹn, vì những
chuyến ra đi bất ngờ, hay những nhiệm vụ của quân đội giao phó không thể hoãn lại
được, gia đình bao giờ cũng là ưu tiên thứ nhì. Trong đầu óc non nớt của tôi chỉ
biết giận vì Ba sẽ chẳng bao giờ còn đền bù cho tôi như những lần thất hẹn trước
đây. Hàng ngàn câu hỏi “Tại sao?” cứ lẩn quẩn trong đầu tôi, nhưng không có câu
trả lời. Nhiều lần tôi ra ngồi ngoài bãi biển và khóc một mình.
Sau cuộc tấn công bất ngờ, bọn trẻ chúng tôi đến trường chỉ bàn về chiến sự,
không thiết gì đến học hành, nhiều đứa đã bỏ học đi lang thang, trong đó có
tôi. Ba tôi chết, tôi có buồn, nhưng cơn chấn động của cuộc tấn công đã phủ mờ
tất cả. Khi cơn sóng thần tràn vào bờ, bạn còn cơ hội gì đây? Bạn còn suy nghĩ
gì chứ? Đúng vậy, hôm đó cơn sóng thần đã tràn lên Trân Châu Cảng từ mãi tận bờ
biển bên Nhật. Tôi và cả bao nhiêu dân Mỹ lúc đó, giống như người đang đi dạo
phố, bị một kẻ điên từ phía sau bất thình lình nhào tới, đấm cho một cú trời
giáng vào sau ót. Tôi nổi khùng và chỉ muốn kiếm nó đấm lại một cái bằng hay mạnh
hơn vậy. Không một chút thù hận! Có thể là đấm cho nó một cái rồi ngả nón cười
mỉm, hỏi hắn, bạn thấy thế nào? Có đau lắm không? Có cần tôi giúp đỡ gì không?
Thế thôi.
Và tôi với thằng bạn cùng lớp, gốc thổ dân, tên hắn là Kalakaua, quyết định nhập
ngũ, đầu quân vào Thủy Quân Lục Chiến để tìm kẻ đánh lén, đấm cho nó một cú!
Chúng tôi là những thằng con nít mới lớn, chẳng suy nghĩ được gì xa hơn thế.
Thật là ngờ nghệch!
Như Mẹ thường gọi tôi: “cứng đầu và ngờ nghệch!”
Sau thời gian huấn luyện cơ bản, cả hai đứa cùng về một đơn vị, tham gia biết
bao trận đánh lớn nhỏ trên những hòn đảo trước khi tấn công nước Nhật. Trận
đánh trên đảo Iwo Jima phải kể là một trong những trận đánh đẫm máu và kinh
hoàng nhất. Đối với quân Nhật, đó là trận đánh vô vọng, chắc chắn là tự sát,
nhưng vẫn phải chiến đấu tới người lính cuối cùng!
Giữa tháng sáu 1944, tất cả chiến hạm Mỹ vây chung quanh đảo bắt đầu nã đại bác
hạng nặng lên bờ biển và những công sự phòng thủ sát bờ biển để làm bãi đáp. Tầm
bắn xa tối đa, tự do oanh kích được áp dụng. Máy bay thả bom mục tiêu sâu bên
trong đảo, trên những đồi núi.
Sau ba ngày dội bom và bắn đại pháo như thế, khoảng 9 giờ sáng, chúng tôi, gồm
3 sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, đầu tiên đổ bộ lên bãi biển, chẳng gặp một kháng
cự nhỏ nhoi nào. Cả bọn đều nghĩ rằng quân Nhật trú phòng đã bị tiêu diệt hết bởi
đạn pháo từ chiến hạm, chỉ cần thu dọn chiến trường và tiêu diệt những ổ kháng
cự nho nhỏ nữa là xong.
Chúng tôi đã lầm to!
Khi bắt đầu tiến xa vào đất liền, quân Nhật nấp trong các công sự phòng thủ, địa
đạo, giao thông hào chằng chịt ẩn sâu trong lòng đất phản công mãnh liệt. Đợt tấn
công đầu tiên, chúng tôi bị thiệt hại nặng nề. Đôi khi, đã vượt qua vị trí
phòng thủ của địch, đến đêm quân Nhật từ các địa đạo khác lại di chuyển đến tấn
công chúng tôi từ sau lưng. Trời mưa cũng là một trở ngại lớn, các hầm hố ngập
nước, ăn ngủ hay chờ đợi địch tấn công trong hố nước thật là cực nhọc. Bụi phun
ra từ núi lửa hòa với nước trơn như mỡ, khiến di chuyển rất khó khăn, có thể
trượt té bất cứ lúc nào. Thương binh và xác chết của cả đôi bên không được tản
thương, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nếu lỡ trượt chân từ trên đồi cao, chỉ
có thể đứng dậy được khi đã tuột xuống tận chân đồi, hay may mắn bám vào được một
gốc cây, trong túi quần thế nào cũng có vài cái lóng tay người chết vướng trong
đó.
Đơn vị tôi được lệnh tiến chiếm đỉnh núi Suribachi, là đỉnh núi chiến lược,
nhìn thấy bao quát cả hòn đảo, cũng là biểu tượng của quân Nhật trên đảo. Núi mất
thì đảo mất!
Khoảng gần trưa, tất cả súng đại bác cơ hữu và của hạm đội bắt đầu nhả đạn. Mục
tiêu từ sườn lên tới đỉnh núi. Sau một giờ pháo kích, những tràng đạn khói bao
phủ cả sườn đồi, đó là dấu hiệu chấm dứt pháo kích, từ dưới chân núi, chúng tôi
xông thẳng lên.
Tôi và thằng Kalakaua cùng toán tiền thám tiến lên núi. Vừa tiến lên được vài
trăm thước đã gặp chốt, chúng nấp trong giao thông hào, bắn ra như mưa, không
ngóc đầu lên nổi. Tiểu đội tôi chết gần hết, hai thằng bên trái và phải của tôi
vừa khom lưng tiến lên đã bị bứng ngã, máu văng cả vào mặt tôi. Tôi nằm yên
trên mặt đất, sau một bụi cây, thằng Kalakaua bò lên ngang tôi, ra dấu bắn yểm
trợ cho nó, rồi trườn về phía bên phải một đoạn sau đó đứng lên chạy thẳng về
phía cạnh hốc đá nơi đặt cây súng máy của địch. Đáng lẽ tôi phải bắn để yểm trợ
cho nó nhưng chân tay tôi tê cứng không còn cử động được, sự sợ hãi đã làm bại
liệt cả đầu óc tôi. Đạn vẫn nổ đì đùng khắp nơi, những cây súng máy luôn khạc đạn
ào ạt từ trong hóc núi.
Tôi bỗng hối tiếc đã không nghe lời năn nỉ của Mẹ khi tôi quyết định đăng lính.
Mẹ và em cần tôi ở nhà vì Ba đã mất. Mẹ nói tôi là thằng con nít, việc đánh
nhau ngoài trận địa chưa đến lượt tôi. Tôi cãi lại, nếu ai cũng chạy trốn hay
trì hoãn, quân Nhật đến đây thì sao? Đầu óc còn đang miên man như vậy, chợt
nghe một tiếng nổ lớn, tôi nằm sát mặt đất như một loài bò sát sống trong rừng,
tim đập như trống trận, rồi một bàn tay mạnh mẽ kéo thốc tôi dậy lôi tôi theo đẩy
vào chiến hào địch. Đó là thằng Kalakaua. Nó chỉ hơn tôi hai tuổi, nhưng thân
thể rắn chắc, mạnh mẽ nhanh nhẹn như con báo. Nhìn quanh, đám lính Nhật chết ngổn
ngang, vỏ đạn văng tung tóe bên cây súng máy. Tôi đoán thằng Kalakaua đã bò sát
bên giao thông hào và thảy lựu đạn xuống. Hắn nhe răng cười: “Sao mày ngu thế
không trốn vào đây, ở đó chỉ ăn pháo tan xác.”
Đêm hôm đó cả bọn mấy đứa còn xót lại, chui hết vào giao thông hào của địch
quân ẩn nấp, xếp mấy xác lính Nhật vào một góc. Thằng Kalakaua giao tôi canh chừng
mặt sau, hắn mặt trước, hai bên hông đã có mấy đứa kia. Tụi Nhật hay tấn công
ban đêm, đó là chiến thuật của tụi nó. Nhưng lần nào cũng bị đẩy lui vì hỏa lực
rất hùng hậu của những cây đại pháo dưới chân núi, hay trên chiến hạm yểm trợ,
còn cả máy bay nữa. Vả lại lực lượng của chúng tôi đông hơn gấp bội. Hỏa châu từ
hạm đội bắn vào soi sáng cả sườn đồi, như những ngọn đèn treo lơ lửng lưng trời.
Từ trên cao nhìn xuống, mặt biển đen thẫm, những chiến hạm nằm yên như những
con khủng long khổng lồ đang ngái ngủ, thỉnh thoảng lại khạc ra một chùm lửa.
Đó là những khẩu đại bác bắn quấy rối trên đất địch. Thật buồn cười, giữa bãi
chiến trường sặc mùi súng đạn mà tôi lại vẽ ra một bức tranh thanh bình.
Thằng Kalakaua đưa tôi một điếu thuốc lá bảo bụm tay lại mà hút để che ánh lửa.
Tôi hất tay nó ra bảo là không biết hút thuốc. Hắn nhe răng cười:
- Chú gấu nhỏ của tôi ơi, cứ thử một lần cho biết, mày sẽ mê nó thôi, nhất là nếu
có thêm một ly cà phê đen thì tuyệt cú mèo, thử đi.
- Tao không hút.
Hắn rút ra mấy miếng bò khô từ trong túi áo:
- Tội nghiệp chú gấu nhỏ quá! Mày không biết là mày đã bỏ phí mất một cái
“khoái ơi là khoái” trên đời. Thôi tao cho mày cái này vậy, tao biết mày đang
đói, từ chiều đến giờ chưa có tí gì trong bụng mà.
- Mày không cười tao là đồ chết nhát à, tao đã không yểm trợ cho mày khi mày tấn
công mấy thằng lùn.
- Không đâu, mày nằm yên đó là đúng, có khùng mới đâm đầu chạy bổ vào họng súng
máy của chúng nó.
Tôi thương thằng Kalakaua quá đỗi. Giũa chốn thập tử nhất sinh, vẫn còn có người
che chở và an ủi tôi. Không phải là Mẹ, không phải là em gái, chắc chắn không
phải là Ba rồi. Ba luôn luôn cứng rắn, sẵn sàng đối đầu với mọi hoàn cảnh. Tôi xấu
hổ, cầm lấy mấy miếng khô bò và bỏ cả vào miệng, vừa lúc đó trái hỏa châu tắt
ngúm, trời tối đen như mực, không nhìn thấy khuôn mặt của nó, nhưng nghe rõ hơi
thở, tiếng ho, tiếng ngáp, tiếng miệng nhai, tiếng cọ quậy chân tay của từng
người, làm tôi bớt cô đơn, sợ hãi. Trong đêm tối hình như thính giác sắc bén
hơn. Sự sống vẫn còn hiện diện quanh đây. Thằng Kalakaua thật can đảm. Những
người can đảm là những người không nghĩ viển vông. Hành động đi trước cái đầu!
Còn tôi luôn luôn suy nghĩ vẩn vơ. Cơ hội chỉ xảy ra trong chớp mắt, chưa suy
nghĩ xong thì nó đã vượt qua mất rồi.
Một đêm an bình trôi qua ở lưng chừng núi. Tử Thần đã tạm lùi bước. Chúng tôi vừa
nói chuyện vừa ngủ gật. Sáng hôm sau đơn vị tôi tiến dần lên núi. Địch quân đã
biết chiến thuật của chúng tôi, tiền pháo hậu xung, cho nên lần này chúng tôi lẳng
lặng tiến lên, không một tiếng súng đại bác nào mở đường. Vừa tới một khoảng đất
trống trải, địch pháo như mưa rào. Chúng tôi đã lọt vào trận địa pháo của địch.
Đủ thứ tiếng nổ rền khắp mọi nơi. Súng lớn súng nhỏ. Tôi nhảy đại vào một hố
bom, chợt nhớ ra không thấy thằng Kalakaua đâu cả. Tôi ngửng đầu nhìn sát mặt đất,
thấy nó nằm một đống cách tôi chừng 20 bước. Đạn vẫn nổ rầm rầm chung quanh,
khói và bụi bay lên mù mịt. Tôi trườn ra khỏi hố, chạy bay ra và nắm cổ áo nó,
cứ thế kéo hắn xuống hố. Đạn cày trên mặt đất chung quanh. Tôi chợt nhận ra rằng
tôi đã vượt qua được nỗi sợ hãi khi nhảy ra khỏi hố bom mà không suy nghĩ.
Có những điều còn đáng sợ hơn là sự chết! Đúng vậy, cho nên người ta đã thà rằng
tự tử còn hơn …Còn tôi, tôi sợ mất thằng Kalakaua. Nhìn nó, mắt nhắm nghiền,
máu loang đỏ cả ngực, tôi hoảng sợ vừa lấy tay đè lên chỗ vết thương máu đang
trào ra, vừa gọi cứu thương rát cổ họng nhưng chẳng thấy con ma nào dám chạy đến.
Mà cũng chẳng biết chúng nấp ở đâu. Ai cũng phải lo cho cái mạng cùi của mình
trước đã. Thằng Kalakaua thì thào: “Mày xem, tao chắc chết mất, mày nhớ báo cho
mẹ tao hay nghe không, nói là tao thương mẹ lắm. Chừng nào mày cưới vợ thì nhớ
tao nghe! Mày phải lấy con Helen.” Tôi vừa khóc vừa thét lên giữa tiếng súng nổ
vang rền: “Mày không thể chết được, mày phải sống, về làm nông trại trồng thơm,
còn cưới vợ nữa chứ, nếu thích cứ cưới cả 3 con bồ của mày, không ai cản gì
đâu.”
Thì ra lúc gần chết, người đầu tiên nghĩ đến là mẹ mình, không phải là vợ con,
bạn bè hay bồ bịch! Hãy nói thương yêu Mẹ mỗi ngày, đừng để đến lúc gần chết mới
chợt nhớ ra mình chưa từng nói với Mẹ những lời ngọt ngào trìu mến!
Trận địa pháo và cuộc phục kích chỉ kéo dài 15 phút, nhưng với tôi dài như bất
tận. Đại bác từ chiến hạm và các pháo đội bạn đã phản pháo kịp thời, máy bay
cũng kéo đến sau đó, làm tan hủy những cây đại bác của địch chưa kịp đẩy dấu
trong hầm sâu ẩn dưới núi. Khi tiếng súng địch tạm ngưng, tôi cõng thằng
Kalakaua sắp chết đi tìm toán cứu thương. Nó được băng bó sơ sài rồi được chuyển
về tàu bệnh viện, đậu ngoài khơi.
Chúng tôi tiếp tục tấn công lên núi. Một toán 6 người đã bò lên tới đỉnh và
treo lên đó ngọn cờ Mỹ đầu tiên trên đảo. Bức hình “Dựng Cờ” của Thủy Quân Lục
Chiến đã nổi tiếng khắp thế giới, đó chính là bức hình cờ bay trên đỉnh núi
Suribachi thuộc quần đảo Iwo Jima. Trận chiến dự tính một tuần, đã kéo dài hơn
một tháng mới kết thúc. Hơn 22,000 lính Nhật trấn giữ đảo chết gần hết, chỉ một
số nhỏ không đáng kể bị bắt làm tù binh, hầu hết sĩ quan Nhật hoặc chết hoặc tự
sát. Trong số hơn 70,000 quân Mỹ tham chiến, gần 7,000 người tử trận, 26,000 bị
thương.
Chúng tôi được nghỉ một thời gian, rồi tiếp tục chinh phục quần đảo Okinawa.
Lần này rút kinh nghiệm cuộc tấn công Iwo Jima, máy bay và đại pháo từ chiến hạm
đã oanh kích trên đảo không chừa một cái gì, 90 phần trăm nhà cửa, công thự đã
bị tiêu hủy. Đất đai bị đạn và bom cầy nát như tương. Đó là trận chiến đẫm máu
nhất trên mặt trận Thái Bình Dương. Hơn 77,000 quân Nhật tử trận. Đồng Minh thiệt
hại hơn 14,000 người, chưa kể 65,000 thương binh. Dân trên đảo tổn thất trên
150,000 người.
Sau khi chiếm đảo, chúng tôi được lệnh thu dọn chiến trường và làm việc dân sự
vụ, nghĩa là giúp đỡ dân còn sống sót trên đảo có nơi tạm trú và xây dựng lại
nhà cửa đã bị tàn phá của họ. Nếu không làm gấp, toàn đảo sẽ bị bệnh dịch và chết
đói. Xác chết đầy dãy khắp nơi, lương thực trên đảo chẳng còn gì, những người sống
sót chỉ toàn là người già và trẻ con, cùng một số ít đàn bà. Ngay cả những trẻ
em trung học cũng bị bắt buộc phải cầm súng chiến đấu cho tới chết! Thật là tàn
nhẫn. Mỗi gia đình đều được phát lựu đạn để chống giặc và tự sát sau khi thua
trận, nếu không quân Mỹ bắt được sẽ hãm hiếp và hành hạ cho đến chết! Đó là lời
tuyên truyền của chính quyền Nhật. Nghĩa là quân và dân trên đảo đều quyết tử
chiến. Người dân Nhật đã bị đầu độc để hy sinh mạng sống bảo vệ một số nhỏ cầm
quyền.
Sau khi cất lều tạm trú cho dân chúng, chủng ngừa bệnh dịch, cung cấp lương thực
cũng cả là một vấn đề, vì quân đội không dự phòng, lúc đầu chúng tôi phải chia
bớt khẩu phần cho họ.
Trong lều tạm trú do tiểu đội tôi phụ trách, tôi chú ý đến gia đình một bà mẹ
và hai đứa con vì bà Fukuyo cũng cỡ tuổi mẹ tôi, chồng chết trận, đứa con gái lớn
tên Hanayo độ 12, 13 cùng tuổi với em gái tôi, thằng em nhỏ chỉ mới 7, 8 tuổi.
Tên nó là Akihiko. Thằng bé gầy gò đen đủi nhưng lúc nào miệng cũng cười. Người
Nhật rất khó làm quen, khó thân thiện, dân chúng có vẻ tránh né không muốn tiếp
xúc với quân đội Mỹ. Tôi cũng thông cảm điều đó, giả thử quân Nhật chiếm Hawaii
chắc chúng tôi cũng hành động như vậy.
Tôi quyết tâm phá bỏ bức tường ngăn cách đó cho nên điều dễ nhất là tìm cách gần
gũi với thằng bé trước.
Một hôm tôi mang mấy hộp thịt nguội đến cho bà Fukuyo. Bà nhất định không nhận,
tôi bỏ cả xuống góc lều bên cạnh nơi mấy mẹ con nghỉ ngơi, đồng thời cho thằng
bé một thỏi chocolate. Nó đang thò tay ra định cầm lấy, bà mẹ trừng mắt nhìn,
nên lại rút tay về. Cu cậu có vẻ thèm thuồng lắm, đứng xa mà ngó.
Hôm sau tôi lại đem thêm mấy hộp đồ ăn nữa, nhưng số đồ ăn hôm qua tôi để lại vẫn
còn nguyên. Tôi bỏ chung vào với nhau và lấy đại một hộp khui ra ăn trước mặt mọi
người, tôi bảo họ cứ ăn thử đi, không có chất độc trong đó đâu. Chẳng biết có
ai hiểu tôi nói gì không, nhưng mọi người đều lắc đầu. Tuy vậy, tôi vẫn sắp xếp
tất cả lại gọn gàng và thầm đếm xem có bao nhiêu hộp cả thẩy.
Những ngày hôm sau nữa tôi vẫn làm y như vậy. Số đồ hộp đã nhiều hơn gấp bội.
Tôi đi loanh quanh, chờ thằng bé Akihiko chạy ra ngoài chơi, gần một gốc cây lớn
đã bị bom chặt xém một nửa. Tôi lại gần nó, bắt chuyện làm quen, cho nó
chocolate, dạy nó những tiếng chào hỏi thông thường và lấy tay chỉ vào người nó
gọi “Akihiko”, lại chỉ vào tôi gọi “Chris”. Cứ như thế, thằng bé học mau lẹ, và
mê ăn chocolate lắm.
Tôi xin những hộp đồ ăn của tụi bạn dùng không hết, gom lại cho bà Fukuyo, mỗi
sáng thấy số đồ hộp tưởng như còn y nguyên, nhưng đếm thầm trong bụng thấy mất
một hay hai hộp. Thằng bé Akihiko bắt đầu líu lo với tôi mà không bị bà mẹ cấm
cản. Một thời gian ngắn, nó đã có thể nói được những câu thông thường, biết đếm
số, đọc ngày tháng … bằng tiếng Mỹ. Nó thân thiện với tôi hơn và nói líu lo tiếng
Nhật chêm với tiếng Mỹ. Con chị nó Hanayo, cũng không còn chạy mất mỗi khi tôi
đến thăm. Tôi dạy cả hai nói tiếng Mỹ và chúng có thể làm thông dịch những câu
thông thường cho bà Fukuyo. Tôi bắt chước lối chào của người Nhật cúi mình thật
thấp với bà.
Chẳng bao lâu, sau khi Okinawa thất thủ, nước Nhật đầu hàng, công cuộc phục hồi
trên đảo được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Công binh bắt đầu xây căn cứ trên đảo để
quân đội Mỹ chiếm đóng lâu dài. Chúng tôi giúp họ dựng lại nhà cửa đổ nát bằng
những vật liệu còn sót lại, thêm vào đó phần lớn là nhờ quân đội chu cấp. Gia
đình bà Fukuyo được một căn nhà nhỏ, có phòng ngủ, phòng ăn và bếp núc đàng
hoàng, dù chỉ là bằng ván ép và tôn. Đời sống trên đảo đã có phần khởi sắc, bà
Fukuyo không còn sợ sệt, lạnh nhạt và lánh xa chúng tôi nữa, tôi vẫn mang cho
bà đồ hộp và một số ít nhu yếu phẩm.
Thấm thoát thời gian chiếm đảo đã hơn một năm, chúng tôi rất hãnh diện và hân
hoan đã giúp dân chúng trên đảo hoàn tất được nhiều công trình hữu ích như xây
dựng lại trường học, nhà thương, đền thờ …Chúng tôi cũng học những tập tục của
người Nhật, mong cho vết thương của cả hai phía đều mau lành.
Một hôm tiểu đội tôi đang dọn dẹp một căn nhà đã xụp đổ hoàn toàn, chiếc xe ủi
đất cán trúng một trái đạn. Tiếng nổ làm nhiều người bị thương, trong đó có
tôi. Nằm mê man trong bệnh viện dã chiến không biết bao lâu. Tôi mơ màng thấy Mẹ
nắm tay tôi, nói những lời líu lo tôi không nghe rõ. Trong cơn mê tôi vẫn cảm
nhận được những giọt nước mắt của Mẹ rớt trên tay tôi. Tôi gọi Mẹ ơi! Mẹ ơi! Đừng
bỏ con, rồi thiếp vào giấc ngủ triền miên.
Khi tỉnh dậy, tôi thấy ba mẹ con bà Fukuyo đang đứng cạnh giường, mắt còn đỏ
hoe. Bà nắm tay tôi nói líu lo những câu tôi chẳng hiểu. Thằng bé Akihiko nhìn
tôi miệng tía lia những câu tiếng Anh bồi, tôi cũng hiểu lõm bõm nó muốn tôi là
anh hai của nó, mau chóng khỏi để dẫn nó đi chơi và dậy tiếng Anh cho nó, lại
còn nũng nịu đòi kẹo chocolate. Con bé Hanayo đứng nhìn tôi trìu mến, nó mỉm cười
khi tôi vẫy tay nó lại gần, nó đã biết mắc cỡ rồi nên đứng bẽn lẽn cắn móng tay
một lúc rồi mới tiến lại bên tôi, nó nhìn tôi lắp bắp một câu hỏi thăm rất thân
tình và đầy quan tâm. Sự hiện diện của ba người bên giường bệnh đã khiến tôi thấy
lòng mình trùng xuống với muôn vàn an ủi.
Mấy người bạn cho biết, khi nghe nói tôi bị thương, ba mẹ con đã khẩn khoản xin
với trưởng trại vào bệnh viện mỗi ngày để săn sóc tôi. Thì ra trong cơn mê tôi
cứ tưởng bà là mẹ tôi. Khi vết thương đã hơi lành một chút, tôi được chuyển lên
tàu bệnh viện. Tôi hứa với bà Fukuyo sẽ trở lại thăm họ khi tôi khỏi hẳn. Ngày
chia tay thật bịn rịn, Bà cho tôi một khăn quàng cổ do chính tay bà đan, con bé
Hanayo tặng tôi một cuốn vở với những hình vẽ của chính tôi mặc áo kimono Nhật
đủ kiểu. Cuốn tập đó tôi vẫn giữ cho đến bây giờ. Thằng Akihiko thì bá cổ hôn
tôi khóc, làm tôi cũng không cầm được nước mắt. Tôi lại có thêm một gia đình mới,
có mẹ và hai đứa em. Bà mẹ đã có việc làm, hai đứa em lại cắp sách đến trường.
Tôi được đưa về bệnh viện Hải Quân ở Honolulu, mẹ ruột tôi tới thăm nom thường
xuyên, đứa em gái nay đã lớn bộn, cả thằng Kalakaua cũng chống nạng lại thăm
tôi. Chúng tôi ôm nhau khóc ròng, thế là cả hai đứa đã sống sót sau cuộc chiến.
Còn gì quý hơn tình chiến hữu, chúng tôi đã từng quên mạng sống của mình mà
giúp đỡ, che chở cho nhau khi chiến đấu ngoài mặt trận. Tôi đã tưởng mất nó
vĩnh viễn, thế mà còn gặp lại được. Chúng tôi thực sự là những chiến sĩ chiến đấu
ngoài tiền tuyến không phải vì hận thù trước mặt mà vì những thương yêu ở phía
sau. Chúng tôi đối đãi với tù binh tử tế, săn sóc họ như một chiến hữu, thuốc
men và thức ăn đầy đủ, bởi vì họ cũng là chiến sĩ chiến đấu cho lý tưởng, mặc
dù lý tưởng đó đã bị đầu độc bởi giới lãnh đạo điên cuồng của họ.
Gần một năm sau tôi mới khỏi hẳn. Tôi được giải ngũ về nhà cùng mẹ, làm lại cuộc
đời từ con số không. Tôi hứa với mình sẽ qua Okinawa để thăm lại gia đình thứ
hai của tôi, họ chắc cũng đang mong chờ tôi như một thành viên thương yêu của
gia đình trở về.
Nhân ngày lễ Memorial Day năm đó, tôi đến nơi yên nghỉ của ba trong con tàu
Arizona, tôi đã khóc và xin lỗi ba vì những giận hờn thời thơ ấu về những ngày
ông đã vắng mặt trong đời tôi. Có ở trong quân ngũ mới hiểu được những hy sinh
vô bờ bến của một người lính. Những cực khổ, hiểm nguy mà một người lính phải đối
diện, kề cận với cái chết hàng ngày, thế mà tôi đã không yêu thương và tôn trọng
những hy sinh đó mà lại trách móc ông một cách ích kỷ. Tôi hứa từ đó mỗi năm sẽ
trở lại thăm ông một lần vào ngày Memorial Day để bù đắp lại nhũng ngày cha con
không ở bên nhau.
Tôi cũng giữ lời hứa với bà Fukuyo, trở lại Okinawa, mang hết số tiền dành dụm
được trong thời gian đi lính mở một công ty phục vụ quân đội Mỹ trên đảo, như
cung cấp thực phẩm tươi, nhận giặt giũ quần áo, thầu đổ rác trong các căn cứ Mỹ.
Tôi lo phần tiếp xúc với quân đội, bà Fukuyo lo kiếm nhân viên phục vụ, cô bé
Hanayo lo phần sổ sách giấy tờ. Thằng Akihiko sắp lên Đại Học, tôi có ý định gởi
nó du học bên Mỹ.
Khi công việc làm ăn đã phát đạt, tôi về thăm Mẹ, sửa sang lại căn nhà thời thơ
ấu của chúng tôi. Em gái tôi đã có chồng, tôi cũng giúp em một số vốn để làm
ăn. Tôi đến thăm thằng Kalakaua và mua cho nó một mảnh đất lớn làm nông trại trồng
thơm. Nó hợp tác trồng trọt và cung cấp những trái thơm ngọt lịm cho hãng Dole
Plantation nổi tiếng ở Honolulu. Mỗi khi có dịp chúng tôi vẫn qua lại thăm hỏi
lẫn nhau, ở lại chơi với nhau cả tháng, ôn lại chuyện xưa, một thời gian lao khổ
cực. Đám cưới của nó thật linh đình, tôi được hân hạnh làm chàng rể phụ và
Hanayo làm phù dâu, cô bé bây giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh xắn nổi bật
trong chiếc áo Kimono sang trọng, ai cũng trầm trồ khen ngợi.
Tôi cất cho bà Fukuyo một căn nhà lớn và cưới Hanayo, người con gái tôi thương
yêu làm vợ. Tập vở Hanayo tặng cho tôi nay có thêm hình vẽ một cặp vợ chồng trẻ
và đứa con gái Nhật lai Mỹ xinh xắn. Chúng tôi sống bên nhau rất hạnh phúc cho
đến khi về hưu, giao cả sản nghiệp cho thằng em Akihiko rồi về ở Honolulu sống
bên cạnh Mẹ cho tới khi nhà tôi qua đời.
*
Câu chuyện của Ông già thật cảm động. Sau khi kể xong, chúng tôi yên lặng ngồi
bên nhau, theo đuổi ý nghĩ của riêng mình. Sáng dậy sớm để kịp chuyến bay nên
cơn buồn ngủ kéo đến chập chờn, tôi thiếp đi mấy lần, cứ tỉnh một chút, lại ngủ
gà ngủ gật.
Cuối cùng máy bay cũng bắt đầu thủ tục hạ cánh. Tiếng cô tiếp viên hàng không
vang vang “Xin quý vị vui lòng trở lại chỗ ngồi, cột giây an toàn …”. Tai tôi
lùng bùng chẳng nghe được gì ngoài tiếng hạ uy cầm ở đâu đó xoáy trong óc tôi
nhức nhối. Mắt tôi hoa lên hình ảnh một bãi biển trong xanh với những hàng dừa
cao chót vót và mấy cô thiếu nữ diễm kiều đang uốn bụng, lắc mông theo tiếng trống
dồn dập. Chỉ là ảo tưởng thôi!
Bạn bè chúng tôi gặp nhau tại phi trường, kẻ trước người sau đông đủ, vui vẻ.
Không khí mát mẻ, gió thổi lồng lộng như đang ở bãi biển vậy. tôi giới thiệu
ông già với mọi người, tất cả đều đồng ý sẽ chở ông đi chơi luôn thể. Có thổ địa
dẫn đường còn lo gì nữa! Chiếc xe van 12 chỗ ngồi, thật thoải mái. Anh chàng
phi công phản lực F5 hăng hái nhận làm tài xế. Thế còn gì bằng!
- Ông ơi, anh tài xế của chúng ta tên là Phước Lê đến từ Dallas, nhưng mà ông gọi
anh ta là Mr. Lee là được, cái tên Phước nếu ông phát âm không đúng, anh ta sẽ
nổi quạu đó.
- Thế à!
Mọi người đều cười ồ lên, ông già ngơ ngác một lúc chợt hiểu ra cũng toác miệng
cười.
Chị Đoàn hỏi chồng:
- Cưng ơi, đã sạc pin chưa? Coi chừng máy chụp hình hết pin rồi đó.
Thế là cả bọn lại được một trận cười no nê. Mấy thằng bạn quỷ sứ của tôi nhao
nhao lên, mỗi người một câu. “Trời ơi, tưởng chị bảo anh sạc bình để làm cái gì
gì, chứ chỉ để chụp hình thôi sao?”
Ông già thấy cả bọn cười nói huyên thuyên vui như chợ tết chẳng hiểu gì cả cũng
nhe răng cười phụ họa rồi hỏi:
- Nói gì vui thế!
Tôi chọc ông:
- Bọn họ nói ông còn gân và đẹp trai lắm, chỉ cần nhuộm tóc lại, căng da mặt một
tí là thế nào cũng kiếm được vài bà nữa đó!
Ông già hóm hỉnh đáp lại:
- Tôi đã hứa với bà ấy trung thành suốt đời với bà, mai mốt gặp lại nhau bà ấy
xỉ vả tôi chết mất, thôi nhường cho các cậu.
Phước Long Đền nhắc lại câu nằm lòng của anh ta: “Cưới vợ là chuyện nhỏ, cưới vợ
nhỏ là chuyện lớn, em chả dại!” Chị Phước cười mỉm: “Đừng nghe cái miệng dẻo
như kẹo kéo của anh ấy.”
Cả bọn kéo nhau lên xe, cho ông già ngồi trước thay cho cái GPS. Chúng tôi về tới
khách sạn, bụng ai cũng đói meo, nhưng nhìn ra biển thì không cưỡng lại được.
Chiều thứ sáu, khách chờ đợi lấy phòng đông như kiến cỏ, đa số là người Á Đông,
không là Nhật thì cũng Đại Hàn, Tàu, Đài loan, Singapore … Trên đường phố cũng
vậy, xe buýt công cộng cũng viết cả tiếng Nhật, có các bảng chỉ dẫn bằng tiếng
Nhật. Ai bảo Người Mỹ, nhất là dân Hawaii kỳ thị chứ? Tôi đã thấy tên đường phố
ở Houston bằng chữ Tàu, chữ Việt, nhưng ở Honolulu này thì dường như chúng ta
đang lạc vào một thành phố Á Châu nào đây, cả tên đường cũng lạ hoắc, chẳng thấy
“Mỹ” chút nào. Cũng chẳng trách được, Hawaii sống nhờ vào du lịch mà.
Chúng tôi quyết định tắm rửa sạch sẽ, thay quần ngắn, áo thun, dép sandal đi dạo
bờ biển và phố xá một lát rồi sẽ kiếm nơi ăn bữa chiều. Người hướng dẫn cho biết
8 giờ tối sẽ có bắn pháo bông ngoài bãi biển và ca nhạc với những màn múa bụng
bên hồ tắm. Cả bọn nôn nao hối nhau sửa soạn mau cho kịp giờ.
Bãi tắm Waikiki nổi tiếng khắp thế giới, cát trắng mịn, gió mát, quanh năm luôn
ở nhiệt độ giữa 70 và trên dưới 80 một chút. Khí hậu thật lý tưởng để tắm biển,
không quá nóng hay quá lạnh. Những bãi tắm sát bên khách sạn đều được che chở bởi
một cái bờ chắn bằng đá, cao vừa bằng mặt nước, tận ngoài xa để ngăn những cơn
sóng lớn. Trẻ em hay những người không biết bơi tắm ở đây rất an toàn không sợ
bị sóng kéo ra xa. Nếu làm biếng bơi, ta có thể nằm ngửa, thả nổi thân mình cho
sóng nhẹ nhàng đưa lên đưa xuống cũng rất thú vị. Nhìn mặt trời từ từ chìm xuống
cuối biển cũng là một cảnh rất thần tiên.
Tôi sống trên đất Mỹ, kể ra cũng gần nửa đời người, nhưng đi đâu cũng thấy mình
lạc lõng giữa phố phường xa lạ đông người, vẫn có cái gì không ổn trong tôi,
như con bò đi lạc giữa rừng Phi Châu, nhưng dạo phố ban đêm ở Honolulu tôi thấy
ấm áp yên ổn hơn nhiều. Ít ra trong đám đông đó ba phần tư là những khuôn mặt
giống tôi, màu da giống tôi. Tôi không còn là anh chàng lùn tịt duy nhất như
đám bạn bè trong sở hay gọi đùa nữa.
Sáng Thứ Bảy, chúng tôi rủ nhau thức sớm, mang giày đi bộ dạo bãi biển Waikiki,
buổi sáng trời mát mẻ, gió nhẹ, biển rì rào, nước trong xanh, nhìn rõ những đàn
cá nhỏ lội tung tăng bên những gành đá. Một vài cặp tình nhân nắm tay nhau dạo
mát. Đời sống như ngừng hẳn lại, chỉ còn tôi với biển. Tôi ước gì được sống nốt
cuộc đời còn lại ở đây. Chúng tôi, những chiến hữu của một thời quá khứ đau
thương, may mắn vẫn còn sống bên nhau, tình chiến hữu khắng khít như anh em ruột
thịt, được hít thở không khí tự do và có gia đình hạnh phúc. Giữa trời đất bao
la, tôi thầm cám ơn Trời Phật và tự nhủ: “Đời còn dễ thương!”
Lê Nguyên Hằng & Nguyễn Thạch-Hãn