(Truyện ngắn viết về hoàn cảnh của những phụ nữ Việt Nam
nạn nhân của hải tặc Thái Lan trên đảo Koh Kra. Ảnh nạn nhân hải tặc Thái của
Ted Schweitzer.)
Sống chết là một định luật, một chiếc cầu mà ai cũng phải đi
qua. Giọt sương mai trên thảm cỏ non. Chiếc lá khô rơi trong buổi chiều vàng.
“Mọi tạo vật, từ con người cho đến một giọt sương, một chiếc lá, đều có sinh và
có diệt”. Chị Hà đọc đâu đó. Mới hôm nào đây, chị đã dùng để an ủi ông láng giềng
Paul, khi bắt gặp ông cụ đứng ngẩn ngơ bên cửa sổ trong một buổi chiều.
Bà Karen, vợ ông, qua đời năm trước đó. Hẳn nhiên không phải cụ Paul không biết đến lẽ mất còn của tạo vật, nhưng như cụ Paul trả lời chị Hà: “Hiểu biết bao giờ cũng dễ hơn chịu đựng”. Thiếu cụ bà Karen, ông sống như một người mất bóng, suốt ngày lay hoay như tìm kiếm chính mình. Không ai biết ông bà gặp nhau từ bao giờ nhưng không thấy họ có con cái gì. Thỉnh thoảng một người bà con hình như ở xa lắm, ghé thăm. Thế giới của ông bà cụ là căn nhà trệt hai phòng ngủ và khu vườn nhỏ sau nhà. Những bụi hoa huệ vàng được trồng dọc hàng rào. Chiếc ghế dài cũ và những câu chuyện họ thì thầm với nhau, có thể được lập đi lập lại cả trăm lần. Dù sao khi cụ bà Karen mất, một nửa thế giới của cụ Paul cũng chết theo. Những bụi hoa dọc hàng rào không ai chăm sóc. Cụ Paul, từ đó, ít ra ngoài. Thỉnh thoảng, cụ vịn song cửa nhìn ra khu vườn trống, chiếc ghế cũ lẻ loi, những bụi hoa huệ bị mưa xoi bật gốc. Cũng qua cánh cửa đó, có lần chị Hà bắt gặp hai giọt nước mắt già nua lăn trên đôi má nhăn nheo của cụ Paul.
Trong “cul-de-sac” gần biển này chỉ có chừng chục ngôi nhà,
nối nhau thành một vòng tròn chung quanh một sân cỏ nhỏ. Từ xóm nhà đi bộ dọc
con đường hẹp cắt ngang đồi thông, chừng 5 phút là đến biển. Hầu hết gia đình
là người sinh ra hay định cư lâu năm trên xứ nầy, ngoại trừ mẹ con chị Hà, một
người Mỹ gốc Việt.
Chồng chị thất lạc trên đường vượt biển. Chị sinh đứa con
trai đầu lòng ở trại tỵ nạn Thái Lan. Tháng 12 năm 1980, người phụ nữ hai mươi
bảy tuổi, ẵm đứa con trai mới sáu tháng bước xuống phi trường quốc tế Logan,
thuộc thành phố Boston. Không cha mẹ, anh em. Không bà con thân thuộc. Những
năm đầu mẹ con chị Hà sống trong căn phòng do một hội từ thiện thuê dùm ở
Dorchester. Nhờ có căn bản sư phạm từ trước, chị học tiếng Mỹ khá nhanh. Sau
khi hoàn tất khóa cán sự y tế tại một trường huấn nghệ, chị xin được một việc
làm tại bệnh viện thành phố Boston. Chị ít khi ra ngoài. Khi đi chợ mua sắm, chị
chẳng buồn trang điểm như cố tình làm cho mình già hơn và xấu đi. Nhưng làm sao
che giấu được thân hình thon nhỏ, làn da trắng mịn màng, khuôn mặt tròn và đôi
mắt đen nhưng rất buồn của của một cô gái Việt còn trong tuổi thanh xuân. Chị
đã đóng cánh cửa sổ nhìn ra khu vườn đời chị, dù nơi đó lá mùa thu vẫn đẹp, hoa
mùa xuân vẫn nở, tiếng ve vẫn reo vang trong mỗi độ hè về.
Chị Hà không thích ở thành phố. Khi dành dụm đủ số tiền cần
thiết để ứng trước, chị mua căn nhà nhỏ ở quận Plymouth, một vùng ven biển,
cách Boston chừng 20 dặm về phía nam. Chị nghỉ việc ở bệnh viện và tìm được một
công việc khác tại một trung tâm y tế dành cho người già ở gần nhà. Năm đó, chị
Hà ba mươi tuổi. Một phụ nữ trẻ đẹp và đầy sức sống, chị có thừa khả năng để
xây dựng cho mình một gia đình mới trong cuộc đời mới. Nếu bảo chị không thích
người đồng hương thì chị có thể kết hôn với người xứ khác. Nhưng chị vẫn một
mình với đứa con thơ, sống trong tháng năm trầm lặng. Hẩm hiu nhưng ấm cúng. Đứa
con trai của chị là niềm vui, là hy vọng, là tất cả quá khứ, hiện tại và tương
lai của chị góp lại. Một ngày của chị bắt đầu với việc đưa con đến trường, đi
làm ở viện dưỡng lão, dạy con làm bài tập, dạy con học thêm tiếng Việt và ra biển
ngồi đọc sách. Và cứ thế, ngoại trừ những khi mưa bão và mùa đông giá rét, một
ngày của chị Hà bao giờ cũng chấm dứt bằng những giây phút rất riêng tư bên bờ
biển. Ngay cả những khi không đọc sách, chị vẫn ra ngồi như thế. Im lặng như để
lắng nghe tiếng thì thầm vọng về từ một nơi xa xôi.
Chị gần gũi với biển đến nỗi đứa con trai chị cũng được đặt
tên là Biển. Hàng xóm gọi nó Ben, theo âm Mỹ không có dấu. Khi mẹ con chị Hà mới
đến, hàng xóm láng giềng, vốn quen với sự yên tĩnh, ít nhiều cũng có phản ứng
khó chịu, nhưng dần dần họ quen đi. Tiếng khóc, tiếng cười của đứa bé không còn
báo động sự ồn ào, không còn mang đến sự phiền toái, trái lại báo hiệu một sự sống
đang đâm chồi. Thằng bé mang niềm vui đến thôn xóm nhỏ vốn thiếu vắng tiếng cười.
Lê Văn Biển hay Ben Le, lớn nhanh như thổi, trông kháu khỉnh
với nước da ngâm đen và mái tóc phía trước hơi quắn lại. Trong “cul-de-sac” nhỏ
này, mọi người, nhất là ông bà Paul, cưng và xem Biển như là con chung. Ngày
sinh nhật 11 tháng 6 mỗi năm của thằng bé trở thành ngày hội của xóm. Mỗi người
đóng góp một món đồ chơi, một chùm bong bóng. Năm nào cũng thế, bà Karen tự tay
làm chiếc bánh sinh nhật thật to cho Biển. Biển học bơi rất sớm và cũng bơi rất
giỏi. Bất cứ khi nào rảnh rỗi là cu cậu tuôn ra biển, phơi mình trên cát, trên
sóng. Biển học giỏi và rất ngoan. Nếu ai hỏi thằng bé mơ ước gì khi khôn lớn,
nó không ngần ngại chỉ con tàu đang chạy ngoài khơi, và mơ ước được trở thành
thuyền trưởng.
Năm lên bảy tuổi, lần đầu tiên Biển muốn biết về ba của nó:
“Thằng Chris có ba, tại sao con không có?” Chị Hà không giấu con: “Ba của con
chết trên đường vượt biên từ khi con chưa ra đời”. Thằng bé thắc mắc: “Tại sao?”
Chị không biết phải giải thích sao khác hơn với một đứa bé bảy tuổi, ngoài việc
trả lời: “Tai nạn. Ba con chết trong một tai nạn trên biển”. Biển hỏi đuổi:
“Tai nạn gì hở mẹ, mấy chiếc tàu tông nhau?” Chị Hà vuốt mấy sợi tóc quăn của
con, âu ếm: “Không phải. Con còn nhỏ, mai mốt con lớn hơn mẹ sẽ kể thật chi tiết
về tai nạn này cho con nghe”. Chị lấy trong xấp giấy tờ cũ, nhận từ Việt Nam, tấm
hình đen trắng của một thanh niên chừng hai mươi tuổi đang ôm cây đàn guitar đứng
dựa vào tường và bảo: “Đây là hình của ba con”. Biển nhìn chăm chăm vào tấm
hình đen trắng, đưa lên đưa xuống, lật ngang, lật dọc, cố tìm một nét quen thuộc,
một chút liên hệ với người trong ảnh mà từ lâu nó không biết. “Con giống ba
không?” thằng bé hỏi. Chị lại gật đầu: “Giống chứ, nhưng con giống mẹ nhiều
hơn”. Biển không chịu: “Con giống ba nhiều hơn vì da và tóc của ba cũng giống
như của con”. Chị Hà cười, định giải thích vì tấm hình đen trắng chứ không phải
vì da và tóc, nhưng lại thôi. Thằng bé không hỏi thêm nhưng từ đó, nó cũng dần
dần biết buồn tủi khi bọn thằng Glen, thằng Chris có ba đưa đi xem đánh
baseball, basketball còn nó thì không. Chị Hà an ủi con. Sinh nhật của Biển, chị
mua cho thằng bé hai món quà, thay vì một. Chị bảo món quà sau là quà của ba.
Chị đưa Biển đi chơi baseball với đám thằng Glen, thằng Chris. Nhiều khi chị phải
ngồi hàng giờ, có khi đến khi trời sập tối, bên sân cỏ để đợi con.
Thằng Chris, đứa bé mà Biển hay đem ra làm ví dụ, là con của
anh Brian, người đàn ông góa vợ, ở cách nhà chị Hà chừng hai dặm. Anh tình nguyện
giúp chị Hà đưa đón Biển mỗi lần tập dượt vì hai đứa bé cùng chơi chung một đội
bóng thiếu nhi. Chị từ chối mặc dù nhiều khi phải xin nghỉ việc sớm để đưa đón
con. Ơn nghĩa sẽ dẫn đến lệ thuộc, chị nghĩ thế. Chị biết Brian rất tử tế, lịch
sự và dĩ nhiên, có cảm tình riêng với chị. Một lần bên bờ biển chị suýt xiêu
lòng khi Brian tha thiết tỏ tình. Nhưng chị đã dừng lại được. Những ngày lễ,
Brian thường mời mẹ con chị đến nhà, hay cùng đi ăn với bố con anh, nhưng chị
Hà thường tìm cách từ chối. Vợ của Brian, không biết mất vì bịnh gì, để lại cho
anh đứa con trai 3 tuổi. Brian là một nhân viên quản trị trung cấp, làm việc
cho một công ty tài chánh. Mỗi khi đi công tác xa về, ngoài việc mua quà cho thằng
Chris, Brian không quên mua một món quà dành cho Biển. Anh không dám mua tặng
chị Hà vì ngại chị lại sẽ từ chối như nhiều lần trước đó. Rồi Brian cưới vợ lần
nữa. Vợ anh là một người làm cùng hãng. Đám cưới diễn ra linh đình. Thằng Biển
được nhờ làm em bé cầm hoa đi trước cô dâu chú rể. Chị Hà cũng được mời và có mặt.
Brian giới thiệu chị Hà với vợ rất ân cần và trịnh trọng. Hai gia đình từ đó gần
gũi hơn. Trong những ngày lễ, vợ chồng Brian đến thăm mẹ con chị Hà, và ngược lại
chị Hà cũng đáp lễ mỗi khi có dịp.
Sau sinh nhật mười tuổi của Biển không lâu, chị Hà ngã bịnh.
Bác sĩ khám phá một cục bướu nhỏ trong tử cung chị và cần phải được cắt bỏ
ngay. Khi điền giấy tờ đồng ý giải phẫu, chị Hà mới biết rằng mình không có
ngay cả một người thân thích ở Mỹ. Chị không lo đến mình bằng lo cho tương lai
của Biển. Chị là chỗ dựa duy nhất của thằng bé. Không có chị đời nó không biết
sẽ ra sao. Chị Hà hoảng sợ khi nghĩ đến điều bất hạnh có thể xảy ra. Chị mời vợ
chồng Brian đến bệnh viện để nhờ anh chị làm người bảo trợ Biển cho đến khi Biển
được mười tám tuổi, nếu chị gặp phải chuyện bất trắc. Vợ chồng Brian xúc động
nhận lời. Bịnh của chị không có gì trầm trọng. Mổ xong vài hôm, chị bình phục
và tiếp tục cuộc sống với con trong căn nhà nhỏ.
Hai mươi hai năm trôi qua. Chị Hà đã già đi nhiều theo thời
gian. Cô gái Việt Nam hai mươi bảy tuổi, mới ngày nào ẵm đứa con còn đỏ hỏn, đặt
chân lên nước Mỹ, bây giờ đã là một bà mẹ năm mươi tuổi. Biển cũng thế. Anh
chàng không còn là cậu bé suốt ngày phơi mình trên cát nhưng đang là sinh viên
năm chót ngành hàng hải của trường đại học Boston. Có lần Biển đưa về nhà một
cô gái tóc vàng, giới thiệu với mẹ là bạn gái. Chuyện con trai có bạn gái là
chuyện bình thường, chị Hà chỉ mong Biển đừng vì thế mà xao lảng việc học hành.
Vợ chồng anh hàng xóm Brian đã ly dị nhau. Lần nầy Brian
không cưới vợ khác, và cũng không tìm đến chị như lần trước. Anh quyết định dọn
nhà đi tiểu bang khác. Thằng Chris, con trai anh, vừa học xong trung học thì
đăng lính. Anh không có con cái gì với người vợ sau, nên anh chẳng còn gì phải
bận tâm lo lắng. Trên đường ra phi trường, Brian ghé nhà chào chị Hà. Lần đầu
tiên sau bao nhiêu năm quen biết, chị Hà lịch sự và tha thiết, choàng tay ôm nhẹ
Brian. Chị nói nhỏ: “Chúc anh đi bình an và thành công, có dịp nhớ về thăm, tôi
vẫn ở đây”. Brian xúc động: “Tôi sẽ không bao giờ hiểu được Hà”. Chị Hà cười nhẹ:
“Vâng, anh sẽ không bao giờ. Chúng ta sống trong cùng một xóm nhưng hai thế giới
tâm linh xa cách. Tôi chẳng biết nói sao hơn. Xin lỗi anh vậy”.
Cụ bà Karen chết trước cũng đã để lại một khoảng trống tinh
thần và cả vật chất, không có gì bù đắp được trong đời sống của cụ Paul. Sức khỏe
của cụ, vì thế, ngày càng giảm sút. Chị Hà rất lo cho người láng giềng gần gũi
của mình. “Không chừng cụ Paul cũng sẽ ra đi”, chị than thầm. Thật vậy, buổi hẹn
với bác sĩ lần đó kéo dài lâu hơn. Buổi chiều, xe cứu thương không đưa cụ trở về
như thường lệ. Bác sĩ giữ cụ lại bệnh viện và khoảng tuần sau thì cụ chết. Người
bà con ở xa lại đến dọn nhà, cắt cỏ. Vài tuần sau, một tấm bảng “Nhà bán” được
cắm trước sân.
Ngày ra trường của Biển đã đến. Trong mọi ý nghĩa, đối với
chị Hà, là một ngày trọng đại. Bao nhiêu năm nay chị chờ đợi một ngày này. Chị
thầm nghĩ “nếu bây giờ chị có giải phẩu thêm lần nữa, và ngay cả có chết đi,
thì cũng không phải lo lắng như mười năm trước”. Chị dự tính rất nhiều ngạc
nhiên dành cho Biển. Mẹ con sẽ tổ chức một chuyến đi nghỉ hè xa, Paris hay
London chẳng hạn. Anh Brian thường nhắc những cảnh lạ khắp nơi mà chị chưa bao
giờ dám mơ tưởng tới. “Bao nhiêu lâu rồi nhỉ?”. Chị nhẩm tính thời gian hai mươi
năm mẹ con chị sống hẩm hiu trong “cul-de-sac” vùng ven biển Plymouth nầy. Buổi
sáng lễ ra trường, chị đến trường đại học rất sớm và chọn một chỗ ngồi tốt nhất
để có thể thấy rõ con mình trong lễ phục tốt nghiệp màu đen, sắp hàng chờ nhận
lãnh văn bằng. Chị Hà hãnh diện và cảm động ứa nước mắt. Không ai biết đó là những
giọt nước mắt mừng vui hay đau xót của một bà mẹ đã hy sinh cho con suốt hai
mươi hai năm. Biển nhận văn bằng xong, chầm chậm bước xuống lễ đài. Chị Hà đứng
dậy dang tay chờ, nghĩ rằng Biển sẽ đến trong vòng tay trìu mến của mẹ. Chị mơ
một ngày được nghe ba tiếng “Cám ơn mẹ” từ chính miệng Biển cất lên. Một sự trả
ơn đơn giản nhưng quý giá nhất mà mọi bà mẹ cần được trả. Ngày đó sẽ là hôm
nay. Chị nghĩ thế.
Chị vẫn dang tay chờ nhưng Biển đã mất hút trong đám bạn bè
nhộn nhịp. Quảng trường vắng dần. Mọi người đang lần lượt ra về. Chị Hà nóng ruột
đi về phía cuối hành lang tìm con. Ở đó, dưới chân cầu thang, Biển và cô bạn
gái tóc vàng, đang hôn nhau thắm thiết. Thấy chị, họ buông nhau ra. Cô gái tóc
vàng vồn vã: “Hôm nay là một ngày đáng nhớ của hai đứa tôi. Tôi muốn bà cùng
chia sẻ”. Chị Hà đáp: “Vâng. Tôi biết. Hôm nay cũng là ngày ý nghĩa nhất đối với
tôi nữa”. Chị đang nghĩ về ngày tốt nghiệp kỹ sư hàng hải của đứa con trai duy
nhất của chị. Cô gái tiếp: “Thế thì tốt quá. Chúng tôi định mùa hè này sẽ cưới
nhau”. Chị Hà ngạc nhiên: “Cái gì?” Cô gái đáp: “Xin lỗi. Tôi tưởng là bà đã biết
trước rồi. Ben đề nghị sáng nay và tôi đã nhận lời. Chúng tôi chưa chọn ngày
nhưng có lẽ mùa hè này thôi. Sau đó chúng tôi phải về miền Nam coi sóc hãng xưởng
của ba tôi”. Chị Hà quay sang Biển, hỏi bằng tiếng Việt hơi nặng giọng: “Có
đúng thế không Biển?” Biển nhìn xuống chân, không đáp. Không đáp có nghĩa là thừa
nhận. Đứa con trai duy nhất sắp sửa cưới vợ mà chị Hà không hề hay biết. Chị giận
dữ bước xuống cầu thang không nhìn lại.
Ngồi trên chiếc ghế xếp cũ bên bờ biển, chị Hà ôm mặt khóc.
Chị khóc không phải chỉ vì giận Biển nhưng khóc nhiều hơn cho cuộc đời hẩm hiu
cô độc của mình. Hai mươi hai năm. Cuốn phim dĩ vãng đau lòng của cuộc đời chị
một lần nữa chiếu lại.
Tất cả bắt đầu từ một buổi chiều khi chị Hà nhận được mảnh
giấy nhỏ với hàng chữ: “Anh đã trốn trại và đang tá túc tại nhà một người quen ở
Chu Hải. Em ra Chu Hải gấp ngày mai. Đừng cho ai biết. Hỏi nhà ông Đản. Khang”.
Chị Hà mừng đến phát khóc. Khang còn sống và bình yên. Năm năm dài từ mùa bão lửa
1975, chị Hà thêu dệt giấc mơ đoàn tụ với người yêu bằng sợi chỉ hy vọng vô
cùng mong manh. Nhiều lần chị Hà cố xua đi ý tưởng rằng Khang đã chết ngoài mặt
trận hay đã vượt biên ra nước ngoài. Dì Thanh, vợ kế của ba chị Hà, thường bảo:
“Coi thử trong trường có thầy nào chưa vợ thì cô chọn một thầy, đừng chờ đợi thằng
Khang làm gì vô ích. Nó không chết thì cũng có vợ và ba bốn đứa con rồi”.
Không. Khang của chị không chết. Khang của chị chưa có vợ và không có ba bốn đứa
con. Khang vẫn sống và đang tìm chị. Anh chàng sinh viên khoa học gốc miền
Trung, dạy kèm toán lý hóa lớp mười cho chị ngày nào, vẫn còn sống. Anh chàng
nghệ sĩ với cây đàn guitar cũ, mỗi chiều dưới giàn hoa giấy bên hiên nhà, đắm
đuối nhìn cô nữ sinh Trần Thị Thu Hà mà hát: “Nầy người yêu người yêu tôi ơi,
bên kia sông là ánh mặt trời…” vẫn còn sống.
Sáng hôm sau, như lời dặn trong thư, chị Hà thu xếp vài đồ đạc
cá nhân và đi tìm nhà ông Đản ở ấp Chu Hải, ngoài Bà Rịa. Chuyến xe Sài Gòn
Vũng Tàu đến trễ vì bị xét nhiều lần. Khi chị tìm ra nhà ông Đản thì trời đã tối.
Ông dắt chị Hà đến một chòi lá ngoài ruộng, ở đó, Khang bằng da bằng thịt đang
chờ đợi chị. Hai kẻ yêu nhau cuối cùng đã gặp lại nhau trong biển đời dâu bể. Họ
trao cho nhau chiếc nhẫn cỏ làm tin trong chiếc chòi lá mục. Không có mặt trời
rực rỡ bên sông như ngày xưa Khang thường hát, nhưng ít ra họ đã sống sót.
Trong chiếc chòi lá ngoài vườn nhà ông Đản, họ hứa cùng nhau, dù thu vàng hạ đỏ
hay nắng dãi mưa dầm, sẽ dìu nhau đi hết cuộc đời còn lại.
Khoảng ba giờ sáng, ông Đản ra chòi gọi hai người dậy, đưa
ra ngoài sông và gởi họ cho chuyến vượt biên sắp khởi hành. Ông không đi vì đứa
con trai ông, bạn tù của Khang, vẫn còn ở trong tù.
Chiếc ghe vượt biên quá nhỏ. Chiều dài chỉ mười một mét và
chiều ngang vỏn vẹn một thước rưỡi. Dù nhỏ bao nhiêu thì đối với Khang, một tên
tù trốn trại, không còn là điều chọn lựa. Dĩ nhiên chị Hà cũng thế. Đời của chị
đã thuộc về Khang. Dù phải chết trên biển cả họ cũng sẽ không ân hận vì ít ra sẽ
được chết bên nhau trong chung thủy vợ chồng.
Tháng Chín bắt đầu mùa biển động nhưng ghe chạy bốn ngày đầu
không có chuyện gì trở ngại. Ghe đi về hướng đông. Không còn lo sợ việc tàu
công an biên phòng chận bắt. Tuy nhiên, ngày thứ năm thì ghe chết máy. Chiếc
la-bàn của hướng đạo sinh thường dùng trong những trò chơi, không xác định được
vị trí của chiếc tàu, đang ở đâu và sẽ trôi giạt về đâu. Anh tài công không sửa
được máy ghe, đành phó mặc cho định mệnh, đúng hơn là cho gió mưa, đưa đẩy chiếc
ghe đến đâu thì đến. Ghe trôi dần về hướng nam. Thực phẩm hết. Nước uống cũng hết.
May mà trời không có bão lớn. Nếu không, chỉ cần một cơn sóng mạnh cũng đủ để lật
cả chiếc ghe đang chơi vơi trên biển cả. Những người còn sức khỏe thay phiên
nhau tát nước. Thỉnh thoảng có một cơn mưa. Những người ngồi trên sàn ghe căng
tấm ny-lông để hứng nước và chia nhau thấm giọng. Về đêm, biển đen như chiếc miệng
con cá mập khổng lồ chuẩn bị nuốt chửng đoàn người đang trong cơn đói khát. Những
đám mây đen đầy đe dọa đang vần vũ bay về. Qua ngày thứ sáu, chẳng còn ai đủ sức
dù chỉ để khóc than hay cầu nguyện. Tiếng cầu kinh, tiếng niệm Phật cũng im bặt.
Trong những điều im bặt, có cả tiếng khóc của đứa bé bị sốt trong đêm đầu khi
ghe vừa ra khỏi cửa. Một người nào đó từ hầm ghe nói vọng lên: “Thôi chị buông
cháu ra. Cháu nó đã đi lâu rồi”. Giọng một người đàn bà cãi lại: “Ai bảo thế.
Con tôi mạnh khỏe thế này mà nỡ xấu mồm xấu miệng như rứa. Ngủ đi con, mẹ
thương”. Tội nghiệp bà mẹ. Đứa bé đã chết từ lâu. Bà mẹ ôm xác đứa con hai tuổi
suốt hai ngày đêm mà không nói, đúng ra là không dám nói, một lời. Bà mẹ không
muốn nhìn cảnh người ta ném xác con hai tuổi của bà xuống biển. Mọi người đều
kiệt sức. Không ai còn đủ sức để chia buồn hay khuyên nhủ bà. Vả lại, lát nữa
đây, biết ai sẽ chia buồn ai. Không nói ra, trong lòng mấy chục người trên chuyến
hải hành vô định này, cũng đang nghĩ đến cái chết.
Và cứ thế, ngày thứ bảy, ngày thứ tám lần lượt trôi qua
trong đói khát và chờ đợi. Vài chiếc tàu biển đi ngang, xa tít ngoài khơi. Những
người đàn ông vội vã tẩm dầu vào áo quần đốt lên làm tín hiệu. Không có một tín
hiệu trả lời. Những chiếc tàu biển không thấy hay thấy mà không quan tâm cứu vớt.
Ngày thứ mười. Trong lúc chị Hà đang thiu ngủ thì tiếng
Khang vọng xuống. “Có tàu đánh cá Thái Lan tới. Mấy bà, mấy cô trốn xuống hầm hết”.
Hầm ghe quá nhỏ. Bước đâu cũng đạp phải người. Một số đàn bà lấy dầu máy bôi
vào mặt. Cuốn tóc cao để giả làm đàn ông. Úp mặt vào lườn ghe không dám nhìn
lên. Những câu chuyện về hải tặc được nghe kể nhiều lần từ những người đi lọt
viết thư về, làm mọi người run sợ khi liên tưởng tới số phận mình. Nắp hầm bị
ai đó mở tung. Ánh sáng rọi vào, soi rõ những khuôn mặt ngâm đen của đám thợ
đánh cá Thái Lan. Chiếc ghe vượt biển bị chúng kéo buột vào ghe đánh cá bằng sợi
dây thừng lớn. Từng người, bất kể đàn ông, đàn bà hay con nít đều bị kéo lên khỏi
miệng hầm. Tất cả phải cởi áo quần để chúng khám xét. Nữ trang, đồng hồ, tiền bạc
đều bị chúng cướp sạch. Chúng khám xét từng ngăn tàu, đâm thủng những thùng dầu,
thùng nước uống, chúng nghi ngờ có giấu tiền đô, vàng bạc. Số phụ nữ, khoảng
hai chục người, từ các bà mẹ năm sáu mươi tuổi cho đến mấy em bé chỉ hơn mười
tuổi bị dồn vào một góc. Đàn ông, con nít bị đẩy xuống dưới hầm ghe. Một tên hải
tặc cầm súng đứng trên miệng hầm ghe, trong khi hai tên khác cầm dao chặt cá lớn
bảng đứng chặn hai đầu. Khám xét xong. Chúng thảo luận với nhau bằng tiếng
Thái. Không hiểu bọn hải tặc bàn nhau những gì, chỉ nghe tiếng chúng cười sặc sụa.
Một tên, có vẻ chỉ huy, liếc nhìn về phía đám phụ nữ đang đứng. Hắn chầm chậm
bước tới, nhìn kỹ mặt từng người. Mỗi khi hắn chỉ vào ai thì hai tên hải tặc
đàn em kéo cô gái bất hạnh đó ra khỏi nhóm. Người thứ sáu và cũng là người cuối
cùng là chị Hà. Chị sợ hãi bật khóc. Mấy cô gái kia cũng khóc thét lên. Một bà
mẹ bước ra, quỳ xuống sàn ghe vừa lạy vừa khóc, xin tha cho con gái mười lăm tuổi
của bà. Nước mắt và những lời van xin của bà mẹ không lay động được tâm hồn của
những con người không còn một chút lương tri. Bọn hải tặc cuốn dây để kéo chiếc
ghe lại gần hơn. Chúng đẩy chị Hà và năm cô gái cùng số phận sang tàu đánh cá.
Một tên đưa dao chặt đứt sợi dây thừng. Hai chiếc ghe từ từ xa nhau. Bên kia,
chị Hà còn nghe tiếng Khang gào lên, trong đau thương, bất lực.
Sau suốt buổi chiều tàu chạy về hướng nam, nhóm chị Hà sáu
người được đưa đến một hòn đảo san hô. Bọn hải tặc ra lệnh họ bước xuống tàu.
Hai cô gái không bước nổi. Cô gái nhỏ tuổi ngã quỵ lên một bụi san hô. Những
mũi san hô nhọn như chông đâm vào đùi cô, da thịt tước ra, máu chảy đỏ cả đùi.
Chị Hà và những cô gái còn sức, gắng gượng dìu nhau lên đảo. Sáu người ngồi
trong một hang đá cách xa bờ, ôm nhau khóc. Một tên hải tặc ghé ngang, ném cho
họ một hộp giấy đựng cơm trắng và thùng nước uống nhỏ. Hắn chỉ vào miệng ra dấu.
Chị Hà chia mỗi người một nắm cơm và chuyền tay nhau thùng nước. Không ai dám
ngủ, hoang mang, lo lắng nhìn nhau, liên tưởng đến một điều bất hạnh không
tránh khỏi. Đúng vậy. Khoảng nửa khuya, nhiều tiếng chân nặng nề đi về phía
hang đá. Hàng chục tên hải tặc trở lại. Ngọn đèn biển lẻ loi trên đảo soi bóng
đám hải tặc đang đi tới như những bóng ma trơi. Chúng vực chị Hà và năm cô gái
dậy. Kéo tay từng người ra ngoài bãi cát. Một cô gái vừa cất tiếng khóc đã bị một
tên hải tặc đánh mấy bạt tai. Chúng hãm hiếp chị Hà trước. Những mủi kim đâm
đau buốt vào da thịt chị. Chị nhắm mắt, không khóc thành tiếng nhưng nước mắt cứ
tuôn theo cơn đau đang chạy dài vào tận mỗi tế bào. Bọn hải tặc say sưa, điên
cuồng, man rợ trên thân thể của những cô gái Việt Nam yếu đuối. Và cứ thế chúng
thay phiên nhau hãm hiếp từng cô gái. Tiếng cô bé mười lăm tuổi bị thương thét
lên trong đau đớn. Không ai nghe. Không có Chúa và Phật. Trên cù lao san hô
ngoài vịnh Thái Lan chỉ có tiếng khóc của sáu con chim non Việt Nam và tiếng cười
man rợ của bầy ác điểu Thái Lan. Sau vài giờ, bọn hải tặc ra đi, bỏ mặc sáu cô
gái với thân thể lõa lồ nằm ngất xỉu trên cát. Gần sáng họ cố lê lết đến gần
nhau, giúp nhau lau những vết máu còn đọng lại trong thân thể trầy trụa và dìu
nhau đi tìm chỗ nằm qua đêm. Đây chỉ mới là đêm đầu tiên trong chuỗi ngày khổ
nhục dài vô tận.
Buổi sáng, chiếc tàu hải tặc lại ra khơi. Chị Hà và một cô
gái gắng gượng đi vòng quanh đảo, với hy vọng mong manh tìm được một nơi để trốn.
Hòn đảo thật ra chỉ là một cù lao nhỏ trồi lên giữa vịnh, chung quanh toàn là
san hô nhọn, nhìn ra xa chỉ thấy mịt mờ mây nước tận chân trời. Không ai biết
nơi này là đâu, hòn đảo này tên gì và ngày mai, đêm mai, đời họ sẽ ra sao. Cũng
từ những hốc đá đó, chị Hà biết rằng nhóm chị không phải là những người đầu
tiên bị bắt vào đây. Rơi rớt trong các hốc đá là những mảnh áo quần rách tả tơi
còn dính máu, dấu tích của những chống cự, đấu tranh, cưỡng bức, hành hạ. Nhiều
nơi còn có cả tên tuổi, địa chỉ, chuyến ghe, ngày ra đi và bến bãi khởi hành của
người bạc hạnh. Một chỗ ghi: “Em là Lê Thị …, phường … thị xã Bạc Liêu, ai đọc
được xin báo dùm cho mẹ là bà Phan Thị … biết”. Một chỗ khác: “Tôi là Nguyễn Thị
…., địa chỉ Cách Mạng Tháng 8, Quận 10, Sài Gòn, bị bắt vào đây ngày 15 tháng 2
năm 1978. Ghe tôi có 74 người, vào đây còn sống được 21 người. Ai đọc được tin
này làm phước báo cho gia đình tôi biết”. Và cứ thế, trong mỗi hốc đá, mỗi mặt
bằng, đều có dấu vết của những người phụ nữ Việt Nam bất hạnh bị bắt đến trước,
bị hãm hiếp trước, và có thể đã chết trước.
Buổi chiều, khi nhóm chị Hà lay hoay chưa tìm ra một cách trốn
thì chiếc tàu đánh cá Thái Lan lại trở về. Chúng đem cho nhóm chị một thùng
cơm, một ít cá khô mặn và một thùng nước. Chị Hà lại chia thành sáu phần và khuyên
mọi người cố gắng ăn để sống. Cô bé mười lăm tuổi, có bà mẹ quỳ van xin bọn hải
tặc, không ăn uống được. Sau một đêm bị hiếp dâm tập thể cô bé kiệt sức. Vết
thương do mũi san hô nhọn đâm vào đùi cô bé hôm qua cũng bắt đầu nhiễm trùng.
Chân cô sưng đỏ. Cô bé sốt. Miệng không ngớt gọi “mẹ ơi” trong mê sảng. Chị Hà
ngồi bên cạnh cô bé, thầm nghĩ, nếu đêm nay bọn hải tặc quay lại đây hành hạ lần
nữa như đêm qua, cô gái này sẽ chết. Sau vài phút suy nghĩ, đắn đo, chị Hà đứng
dậy đi về phía cuối bãi, nơi chiếc tàu đánh cá đang thả neo. Đám hải tặc ngạc
nhiên nhìn chị, có tên bật cười hô hố. Chị Hà chỉ về phía hang đá. Đám hải tặc
nhìn nhau, bàn tán, cuối cùng một tên đứng dậy đi theo chị. Chị Hà đưa tên hải
tặc đến chỗ cô bé bị thương ở đùi và chỉ vào trán cô gái. Hắn nhìn vết thương
sưng đỏ và sờ vào trán đang bị sốt của cô bé. Hắn không nói gì, ra dấu cho chị
đưa cô bé vào phía trong hang, rồi bỏ đi.
Nửa khuya, bọn hải tặc lại đến. Một tên cầm đèn pin đi trước.
Như đêm qua, chúng kéo từng người ra ngoài bãi, tiếp tục hành hạ một cách man rợ.
Chị Hà không khóc. Chị nằm im như một xác chết. Đêm nay chị cảm thấy bớt đau
hơn bởi vì trí óc chị chỉ tập trung vào cô bé. Chị van vái chúng đừng hành hạ
cô. Cũng may, tên cầm đèn pin, chính là tên đi theo chị hồi chiều, đã dặn trước
đồng bọn hãy tha cho cô bé. Hắn đem theo đèn pin cốt để nhận diện cô. Và cứ thế,
ngày thứ ba, thứ tư, mỗi đêm đều có bọn hải tắc ghé qua.
Đến ngày thứ năm, bọn chúng không trở lại. Nhưng chị Hà cũng
hoàn toàn không còn biết gì nữa. Không ai trong sáu cô gái còn ý thức gì về những
sự việc chung quanh. Sáu thân thể lõa lồ, nhầy nhụa đang nằm chờ chết. Chỉ có
chết mới không biết thế nào là đau đớn. Chết là một lối thoát thanh thản nhất
trong lúc này. Chị Hà thiếp đi trong cơn mê.
Khi tỉnh dậy, chị thấy mình nằm trong một căn phòng bệnh viện.
Một bác sĩ người Mỹ, khoảng ngoài 60 tuổi, có đôi mắt hiền từ, đang đứng bên cạnh.
Bình nước biển treo trên góc giường. Ông tự giới thiệu bằng tiếng Việt khá
thành thạo, tên ông là John Breston, làm việc thiện nguyện giúp người Việt tỵ nạn
tại Thái Lan từ hai năm nay. Ông bóc cho chị một múi cam. Chị đưa tay trái cầm
lấy. Chỉ khi đó, chị mới biết mình sống sót. Ông biết rất rõ chị từ đâu tới
nhưng không nhắc gì về những chuyện đau lòng đã xảy ra. Chị nhìn chung quanh
nhưng không thấy có ai quen. Chị hỏi ông về số phận của năm cô gái đồng cảnh ngộ,
nhất là cô bé mười lăm tuổi. Bác sĩ Breston cho chị biết sau khi được tàu hải
quân Thái Lan cứu vớt, họ đã được chuyển đến nhiều bệnh viện khác nhau. Mọi người
đều đang dần dần bình phục. Chị Hà nằm trong bệnh viện gần một tuần lễ, trước
khi được chuyển về trại Panat Nikhom để lo thủ tục định cư. Chị hỏi thăm văn
phòng Cao Ủy và những chuyến tàu đến cùng một thời gian với chị nhưng không một
ai biết gì về Khang, cũng như số phận chuyến tàu khởi hành từ Chu Hải.
Khoảng hai tuần sau khi xuất viện, chị Hà lại phải trở vào bệnh
viện. Chị nghĩ có thể chỉ là một cơn sốt nhẹ. Bác sĩ Breston, sau khi khám sức
khỏe, thử máu, dặn chị Hà ngày mai trở lại. Sáng mai, khi chị đến, Bác sĩ
Breston mời chị vào phòng riêng. Ông lật hồ sơ bệnh lý của chị, nhìn chăm chú
vào mắt chị và nói nhỏ, thật nhỏ, như chỉ để một mình chị nghe. Chị Hà không
tin những gì bác sĩ Breston nói là sự thật. Ông đưa chị coi kết quả thử nghiệm.
Chị Hà vừa coi xong là ôm mặt khóc. Như một người cha hiền từ, Bác sĩ Breston
bước tới đặt tay lên vai chị và an ủi: “Khóc đi. Hãy khóc nhiều như cô cần được
khóc. Nhiều khi không có phương thuốc nào tốt hơn là nước mắt”. Một hồi lâu,
khi nước mắt giúp vơi dần cơn đau xót, chị lấy hết can đảm nói: “Phải bỏ nó đi,
bác sĩ ạ”. Chị cay đắng nói tiếp: “Đó là di sản của một tội ác”. Chị Hà kể lại
một cách chi tiết hành trình vượt biên mà chị và năm cô gái đã trải qua. Bác sĩ
lắng nghe một cách trang trọng và cảm thông. Cuối cùng ông chậm rãi: “Vâng, điều
đó tùy ở cô. Trong tư cách bác sĩ, tôi sẽ làm theo quyết định của cô, mặc dù
như một con người, tôi không hẳn đồng ý như vậy”. Không đợi chị Hà phản ứng,
ông tiếp: “Bởi vì, làm thế nào cô biết đó là di sản của một tội ác? Và dù có
đúng đi nữa, di sản đó không thể là tội phạm khi nó chỉ là một bào thai”. Ngừng
một chút ông giải thích: “Năm cô gái trong cùng chuyến của cô đã được chuyển
sang nhiều trại khác nhau để bảo vệ quyền riêng tư và an toàn cho tương lai họ.
Chuyện của cô ở đây không ai biết. Chúng tôi, thậm chí, cũng có thể đưa cô ra
ngoài trại, sống với một nhà bảo trợ, sau khi sinh xong và nghỉ ngơi, chúng tôi
sẽ giúp cô hoàn tất thủ tục định cư”. Chị Hà thắc mắc: “Còn đứa bé?” Bác sĩ
đáp: “Đứa bé vô tội. Chúng tôi sẽ có người lo lắng cho nó. Hội thiện nguyện sẽ
tìm cho nó cha mẹ nuôi để nuôi dưỡng nó nên người. Nó có thể không biết quá khứ
của cha mẹ đã sinh ra nó nhưng chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp như bất cứ
đứa trẻ nào khác trên thế giới”. Chị Hà mềm lòng trước sự tha thiết, tình
thương người, tính thuyết phục trong lý luận của bác sĩ và bản tánh hướng thiện
tự nhiên của chị, nên chấp nhận đề nghị của ông.
Bào thai mỗi ngày một lớn. Đêm đêm chị nằm lắng nghe tiếng cựa
của đứa bé sắp chào đời và thương cho số phận bất hạnh của con như thương lấy
chính cuộc đời khốn khổ của chị. Đứa bé sẽ không biết cha và cũng sẽ không biết
mẹ. Làm sao một con người có thể “sống xứng đáng như mọi đứa trẻ khác trên thế
giới”, như lời ông bác sĩ nói, nếu sinh ra không cha mẹ, không quá khứ? Và khi
giao nó cho hội từ thiện, chị sẽ làm gì với cuộc đời còn lại của mình? Chị sẽ về
đâu trong trái đất nầy? Chị không thể về lại Việt Nam để sống với bà vợ kế của
ba. Khang có thể đã chết. Cho dù Khang còn sống đi nữa, chị cũng không nên gặp lại
Khang. Gặp lại để làm gì. Bên kia sông không phải là ánh mặt trời như Khang thường
lý tưởng hóa mà là bóng tối, là lỡ làng, khinh rẻ. Người duy nhất trên đời này,
cùng cảnh ngộ bất hạnh như chị không ai khác hơn là đứa bé đang nằm trong bụng
chị. Bác sĩ Breston nói đúng một điều: đứa bé hoàn toàn vô tội. Chị đưa tay vuốt
ve chiếc bụng tròn như để xin lỗi và hứa với con: “Mẹ sẽ sinh con ra, sẽ ẵm con
đi một nơi thật xa, ở đó sẽ không ai biết đến mẹ con mình. Mẹ sẽ nuôi con nên
người. Chúng ta sẽ sống với nhau. Con có thể sẽ không bao giờ biết đến quá khứ
của cha mẹ con, nhưng con sẽ có tương lai bởi vì con có mẹ”.
Buổi chiều ngày 11 tháng 6 năm 1980, thằng bé cất tiếng khóc
chào đời trong một bệnh viện nhỏ ở Bangkok. Mẹ nó cũng khóc, và ngay cả khóc
nhiều hơn nó. Bác sĩ John Breston bảo chị đặt tên con. Chị đáp: “Hãy đặt tên nó
là Biển, bởi vì nó là con của biển”. Chị giữ lại họ Lê, là họ của Khang để làm
kỷ niệm. Sáu tháng sau, đích thân bác sĩ John Breston lái xe đưa mẹ con chị Hà
ra phi trường đi Mỹ định cư.
Hai mươi hai năm sau. Hai mươi hai năm chị sống trong âm thầm
và chịu đựng. Chị không muốn ai biết về mình. Hai mươi hai năm chị sợ hãi và trốn
tránh con người. Hai mươi hai năm, sáng nay là lần đầu tiên chị giận dữ với con
ngay trước mặt người vợ chưa cưới của nó.
Tại sao? Chị tự hỏi. Tại sao chị có thể phản ứng như thế được
nhỉ? Chị đã hy sinh hai mươi hai năm, tại sao chị lại không thể hy sinh một lần
chót vì hạnh phúc của con? Lẽ ra chị nên vui khi thấy con trai duy nhất của chị
sắp sửa có một gia đình, một người vợ do chính nó chọn lựa. Lẽ ra chị nên vui
khi đã làm xong lời hứa với chính mình hai mươi hai năm trước. Đúng thế. Chị
chưa sống trọn vẹn với lời hứa của mình. Chị hối hận về thái độ khắt khe của
mình ban sáng. Chiều nay, nếu Biển trở về nhà, chị sẽ xin lỗi con. Biển ngoan lắm,
chắc chắc nó sẽ vui và tha thứ cho mẹ. Chị thầm hứa sẽ không buồn, không rơi nước
mắt khi tiễn con đi về California với vợ. Còn đời chị? Chị cười chua chát. Chị
làm gì có cuộc đời riêng. Cô giáo viên Trần Thị Thu Hà đã chết trong một đêm
trăng khuyết trên đảo san hô năm đó. Chị Hà vội vã đứng dậy để về gặp con.
Một người đang đứng chờ sau lưng chị từ lâu. Chị quay lại,
thì ra đó là Biển: “Bạn con đâu?” Chị hỏi trong lo lắng. Biển đáp: “Cô ấy về
California một mình rồi. Chúng con đã chia tay nhau”. Chị Hà thắc mắc: “Tại
sao?” Biển không nói, bước tới ôm chầm lấy mẹ: “Mẹ. Mẹ tha thứ cho con. Con xin
lỗi mẹ. Khi mẹ ra về con mới hiểu ra rằng con có thể sống không có Linda nhưng
không thể không có mẹ”. Chị Hà cảm động đến rơi nước mắt. Chi vuốt mái tóc hơi
quắn của con: “Con tôi thật sự trưởng thành rồi”. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Lần
đầu tiên trong đời mình, chị Hà khóc vì hạnh phúc, một khái niệm mà hơn hai
mươi năm chị chưa từng nghĩ tới.
Tháng sau, Biển được nhận làm kỹ sư cơ khí hàng hải cho một
hãng tàu buôn lớn ở Boston. Hai năm sau Biển lập gia đình với một cô gái Việt
Nam hiền hậu. Chị Hà đặt tiền ứng trước để mua tặng vợ chồng Biển ngôi nhà của
cụ Paul, để làm quà cưới cho con. Và sau đó không lâu, khu nhà yên tĩnh vùng biển,
lại lần nữa vang lên tiếng khóc trẻ thơ, báo hiệu một sự sống vừa mới ra đời để
nối tiếp cuộc vận hành biến diệt không cùng của thời gian và vũ trụ.
Trần Trung Đạo