Một trong những địa điểm mà Tổng thống Barack Obama chọn ghé
qua trong chuyến viếng thăm ngắn ngủi đến Sài Gòn là Đền Ngọc Hoàng, nay được đổi
gọi là Chùa Phước Hải. Nhiều người chỉ trích vì đền này là của người Hoa và tại
sao lại viếng đền này, dù chỉ vài phút, khi đất nước Việt Nam có bao nhiêu chùa
chiền khác đáng viếng hơn nhiều.
Nhưng ngôi Đền Ngọc Hoàng ở Đa Kao không hẳn chỉ là một ngôi
chùa Tàu bình thường.
Xin phép được kể câu chuyện. Hồi nhỏ gia đình tôi sống ở xóm Tân Định, Đa Kao nên đây cũng coi như là quê hương của tôi. Hà Nội thì xa vời quá, còn Nghệ An, Hà Tĩnh thì chưa bao giờ biết đến, Sài Gòn mới là đất nhà. Hồi đó có một giai đoạn tôi đi học kèm ở một căn nhà gần Đền Ngọc Hoàng. Sau khi học xong, mấy đưa thường rủ nhau vào đền kế bên nhà cô giáo chơi vì đền thường vắng mát. Tôi còn nhớ tuy nhỏ nhưng cũng thường tự hỏi sao đền thờ Phật nhưng không có sư mà chỉ có một ông từ trông nom giữ gìn.
Thường chúng tôi chỉ chơi ngoài sân, những nhiều bữa trưa
nóng quá, chúng tôi vào chùa ngồi ngắm các pho tượng. Ông từ cũng chả nói gì, để
mặc lũ trẻ miễn là chúng đừng phá ồn ào, mất trang nghiêm. Có một hôm chúng tôi
mon men vào đến đằng sau khu có mấy pho tượng Phật. Đó, sau này tôi mới biết là
khu nội điện. Đã từng theo mẹ đi chùa nhiều lần tôi thấy khu đó khá lạ. Thay vì
có tượng hay hình của các vị sư đời trước, ở nơi là bàn thờ chỉ có một tấm bảng
lớn mang hai chữ hán. Hồi đó tôi mới vào trung học, mỗi tuần có một giờ Hán
văn. Cô giáo Việt văn rất cẩn thận, giữ đúng nguyên tắc và đã cố dạy cho mấy đứa
học trò ít chữ hán và tôi nhận được hai chữ trên đó là chữ Thiên và chữ Địa,
như câu “Thiên trời, Địa đất” mà tôi mới được học.
Rồi bẵng đi tôi cũng chẳng còn nhớ đến chuyện này nữa. Sau
này, tình cờ đọc một tài liệu về Phong trào Thiên Địa Hội chủ trương phản Thanh
phục Minh bên Trung Hoa mới biết thế ra ngôi đền Ngọc Hoàng đó có liên hệ với
Thiên Địa Hội. Bởi theo các sử gia, tất cả các ngôi đền của Thiên Địa Hội đều
có thờ hai chữ “Thiên Địa” ở nơi đáng lẽ là khu thờ tổ ở nội điện.
Khi đọc thấy Tổng thống Obama sẽ viếng thăm ngôi chùa mà
chính lại là Đền Ngọc Hoàng ở Da Kao, tôi thắc mắc quá. Tìm vào Wikipedia thì
được cho biết “Ngôi chùa vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế do một người tên
Lưu Minh (Pháp danh Lưu Đạo Nguyên, người Quảng Đông, Trung Quốc) xây dựng vào
khoảng đầu thế kỷ thứ 20. Theo học gia Vương Hồng Sển thì Lưu Minh là người “ăn
chay ròng, giữ đạo Minh Sư, lập chí quyết lật đổ nhà Mãn Thanh, xuất tiền tạo lập
chùa vừa để thờ phượng vừa để làm nơi hội kín.”
Càng tò mò hơn tôi giở lại cuốn Nhìn Lại Sử Việt tập 4 của Sử
gia Lê Mạnh Hùng và tìm được liên hệ giữa Thiên Địa Hội và Việt Nam xin trích
nguyên văn:
“Thiên Địa Hội vốn là một hội kín của Trung Quốc mà đã được
thần thoại hóa khá nhiều, nhất là trong những truyện võ hiệp về sau này. Thiên
Địa hội được thành lập bởi Trịnh Khai và năm người bạn nữa tại Phúc Kiến vào
năm 1761. Thoạt tiên, mục tiêu của hội này không hoàn toàn là nhắm mục đích chống
lại nhà Thanh mà có tính cách là một tổ chức cướp bóc như kiểu Lương Sơn Bạc mà
thôi. Với mục tiêu cướp của nhà giầu chia cho nhà nghèo, hội tổ chức một cuộc nổi
dậy tại Phúc Kiến vào năm 1769, nhưng trước khi hành động đã bị phát hiện và bị
Thanh triều dẹp tan. Mặc dầu vậy, Thiên Địa Hội tiếp tục phát triển và lan truyền
đi sang nhiều tỉnh khác tại Trung Quốc, và với sự lan truyền, hội cũng tạo ra
những thần thoại và những nghi thức kiểu tôn giáo để hấp dẫn những hội viên
cũng như tạo một hướng đi cho hội. Huyền thoại thành lập của Thiên Địa Hội nay
kể lại rằng Thiên Địa Hội bắt đầu từ chùa Thiếu Lâm ở Phúc Kiến. Sau khi chùa
Thiếu Lâm này bị các võ sỹ của nhà Thanh tấn công và đốt cháy (chuyện đốt cháy
chùa Thiếu Lâm này đã được kể lại trong bộ truyện võ hiệp Hỏa thiêu Thiếu Lâm tự;
cũng như trong bộ dã sử Càn Long du Giang Nam). Nhưng không phải tất cả các vị
tăng chùa Thiếu Lâm đều bị giết chết trong vụ này. Có năm nhà sư trốn thoát và
chạy được đến Hồng Hoa Đình nơi mà họ gặp được một nhóm người trung thành với
nhà Minh giúp đỡ. Thiên Địa Hội được thành lập từ đó với chiêu bài “phản Thanh
phục Minh”. Mặc dầu mục đích chính là “phản Thanh phục Minh” nhưng nhằm để đánh
lạc hướng những theo dõi của Thanh triều, hoạt động của hội được giữ bí mật với
bề ngoài hành động như một tổ chức tương tế và tôn giáo. Các cơ sở của họ thường
là những chùa quán bên ngoài thờ phật bà Quan Ấm và bên trong thờ những trung
thần liệt sỹ thời trước như Quan Vân Trường hoặc là Văn Thiên Tường. Trên
phương diện này, Thiên Địa hội cũng giống như những tổ chức tôn giáo bí mật của
Trung Quốc như là Bạch Liên giáo. Sang đến thế kỷ thứ 19, Thiên Địa hội đã bén
rễ vững chắc ở vùng Hoa nam đặc biệt là ở hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến cũng
như lan truyền trong số những người Hoa sống ở các nước thuộc vùng Đông Nam Á
như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia vân vân... Thoạt đầu, tại miền nam Việt Nam
những chi hội của Thiên Địa hội chỉ nhận người Hoa mà thôi. Dần dần hội mở ra
cho cả người Việt tham dự. Tuy rằng hội không có một tổ chức như một đảng chính
trị, nhưng sinh hoạt của hội này rất chặt chẽ bí mật. Hội viên nhận biết nhau bằng
một dấu hiệu riêng và nói với nhau bằng một thứ tiếng lóng riêng. Chính vì hội
được che phủ bằng một tấm màn huyền bí như vậy cho nên cả hội viên và người
ngoài đều coi hội là một cái gì thiêng liêng ghê gớm. Lời thề của hội và kỷ luật
hội được coi như là bất khả xâm phạm. Nhờ vào cái thần bí đó mà hội phát triển
rất nhanh. Càng về sau này, với số hội viên người Việt càng ngày càng đông, những
người Việt tách ra thành một hội riêng. Các cơ sở của Hội mạnh nhất là ở các tỉnh
Gia Định, Biên Hòa, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Bến Tre và Châu Đốc. Nhưng một khi
Thiên Địa hội trở thành hội của người Việt rồi thì mục tiêu họat động của hội
cũng không còn là phản Thanh phục Minh nữa mà chuyển sang chống thực dân Pháp
cùng bọn tay sai để khôi phục độc lập cho Việt Nam. Một trong những hấp dẫn nhất
của Thiên Địa hội đối với nông dân là những hành động “trừ gian diệt bạo” cướp
bóc và giết hại những tên cường hào ác bá hoặc là những hạng quan lại tham
nhũng. Những chỗ nào Thiên Địa hội phát triển thì những hành động khủng bố cá
nhân này thường xuyên xảy ra. Chính vì thế cho nên thực dân Pháp đã tìm cách
đàn áp mạnh mẽ các hoạt động của hội này, bắt bớ và giết hại nhiều người mà
chúng cho là hội viên.”
Và theo tác giả cho biết thì Đền Ngọc Hoàng ở Đa Kao đã có
tên trong hồ sơ của mật thám Pháp.
Rất nhiều người Việt chúng ta đang vô cùng thán phục toán cố
vấn của Tổng thống Obama khi họ đã giúp ông viết một bài diễn văn mà đã thản
nhiên nói đến “Trong lịch sử, nhiều lần quý vị không được tự quyết định số phận
mình” và đến “Người Việt Nam có bài thơ: Sông Núi nước Nam vua Nam ở -Rành rành
định phận tại sách trời”.
Phải chăng những người cố vấn đó và tổng thống Hoa Kỳ đang
nhắc nhở cho nhân dân Việt Nam một kinh nghiệm lịch sử khác qua việc đưa tổng
thống đến thăm đền Ngọc Hoàng ở Đa Kao, đền của Thiên Địa Hội?
Lê Phan