1
Chỉ
vài ngày sau khi Sài Gòn mất là hai người bạn ấy đến thăm tôi. Phan hoạt động nội
thành, còn Trần thì từ bưng biền trở về. Cả hai tiếp thu Học Viện Quốc Gia Hành
Chánh, và họ gặp em gái một người bạn thân của tôi lúc ấy hiện là Sinh Viên
QGHC nên biết tôi đã di tản từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, vì thế họ đã tìm đến thăm
tôi. Biết tôi vừa sinh cháu trai chỉ được mười mấy ngày nên hai người khi đến,
đã cầm theo quà tặng là một hộp sữa bột. Tôi bấy giờ như một cái xác không hồn,
lặng lẽ ngồi tiếp hai người khách bất ngờ với một “chiến tuyến” được phân
định rõ rệt trong vô hình giữa chúng tôi, những kẻ đã từng một thuở là bạn của
nhau! Tôi chua chát nghĩ thầm: “Hai người đến để nhìn cho thật rõ mặt kẻ thua
cuộc hôm nay là tôi đấy à!”
Nhớ ngày khi tôi vừa mới bước chân vào trường Luật Sài Gòn thì tất cả bọn họ đều
là những học huynh của tôi, kẻ thấp nhất cũng học trên tôi một lớp. Có người
năm thứ ba, và có kẻ đã cao học. Cả cái nhóm Ban Xã Hội Luật thuở ấy đã cùng
nhau sinh hoạt thật là vui vẻ dễ thương. Những buổi sáng đến trường khi trời
còn tờ mờ nên vào giờ đổi lớp đầu tiên là chúng tôi gộp tiền nhau lại để một
người trong nhóm chạy ra bưu điện mua bánh mì Hương Lan đem về rồi cùng nhau ăn
sáng, cười đùa. Cuộc đời sinh viên của chúng tôi đã mở ra êm ả theo với “con đường
Duy Tân cây dài bóng mát”, rộn rã những tình thân và những giấc mộng đời xanh
ngát. Trong nhóm, tôi thân nhất với hai anh Phan, Trần, và với Lâm. Lâm sau này
đã rẽ bầy, qua Quốc Gia Hành Chánh. Hiện nay Lâm đang sinh sống ở Melbourne,
Australia, và hiện đang là “the webmaster” của một website chống cộng rất cực
đoan, kiểu chống Cộng gây nơm nớp lo âu cho những bạn bè quan tâm.
Khác với Lâm mà cuộc sống lúc bấy giờ có phần khó khăn, Phan và Trần đều là hai
công tử con nhà giàu nhưng đã lao đầu vào những công tác xã hội một cách nhiệt
tình và triệt để, khiến tôi lúc ấy vô cùng thán phục! Họ không giống như hầu hết
các sinh viên thời thượng Sài Gòn thuở ấy, ngày Chủ Nhật là ra ngồi ngất ngưỡng
ở Brodard, ở La Pagode, để tán hươu tán vượn và rửa mắt với phố xá dập dìu tài
tử giai nhân, thụ hưởng thứ thanh bình xa xỉ trong lòng một đất nước đang lửa
khói chiến tranh.
Hai thanh niên này đã cùng với dăm ba người bạn của họ lần mò vào những khu xóm
nghèo nàn để dạy đọc, dạy viết chữ, và dạy những phương pháp giữ gìn vệ sinh
căn bản cho các trẻ em sống ở đó. Ôi những trái tim nhân ái tràn đầy lý tưởng
bao la trong ngưỡng mộ của tôi! Cho đến một hôm thì thông cáo dán đầy trường Luật,
tố cáo những tên sinh viên Cộng Sản đã ẩn núp trong Ban Xã Hội, trong ấy có
Phan, có Trần và một số các tên tuổi khác nữa! Tôi ngẩn ngơ để thấy rằng thì ra
mình non nớt quá! Nhưng thật may, ngoài những công tác xã hội để phục vụ cho
sinh viên lúc bấy giờ như liên lạc với Hợp Tác Xã Nguyễn Huệ để mua vải giá rẻ
về bán cho sinh viên hay tham gia cùng với các trường bạn trong công tác quyên
góp giúp đỡ các đồng bào bị thiên tai bão lụt thì tôi chưa hề bị họ lôi cuốn xa
hơn vào những mục đích chính trị riêng tư của họ.
Dòng đời cứ thế đã trôi nhanh, đẩy đám bạn bè chúng tôi mỗi người lưu lạc một
hướng! Tôi yên thân vào làm việc ở một ngân hàng lớn. Phan và Trần sau đó cũng
phải khoác vào người bộ quân phục. Một hôm Phan tìm đến thăm tôi, cho tôi biết
Trần hiện đang sống ở Pleiku, không bị đưa đi tác chiến vì được một vị quan lớn
giữ lại làm việc văn phòng để ngày ngày đến nhà dạy kèm cho các con của ông ta
học. Còn Phan thì nhờ núp bóng cậu là một vị Đại Tá (cũng là cha nuôi anh ta từ
ngày anh ta mồ côi cả bố lẫn mẹ) nên cũng được tạm yên thân. Bẵng đi một dạo, bỗng
một hôm Phan lại đến tìm tôi để cho tôi biết rằng Trần đã trốn vào bưng! Phan
nói: “Anh cũng muốn được như Trần nhưng anh không thể, vì anh không thể nào gây
liên lụy đến cậu của anh!” Rồi Phan lại trầm ngâm bày tỏ thêm: “Anh bất lực và
hèn quá phải không vì cứ phải cúi đầu nhẫy nhụa sống trong một xã hội quá thối
tha và bất công!” Tôi khẳng định lập trường của mình: “Em thì lựa chọn Tự
Do nên không thắc mắc gì khác hơn nữa hết! Xã hội này thối tha và bất công
nhưng chúng ta cũng vẫn còn có thể xuống đường để chống đối kia mà!” Tôi
chỉ bày tỏ ngần ấy, còn đối với lựa chọn của họ, tôi không có ý kiến. Vì họ đều
là những thanh niên trí thức và có lý tưởng nên tôi không ngu dại mất thì giờ để
thuyết phục họ. Theo tôi thì tất cả mọi người hoàn toàn tự do trong chọn lựa của
mình để đi con đường mà mình muốn đi.
Hôm ấy, sau ngày nước mất nhà tan 30 tháng 4 chỉ mấy hôm, hai vị học huynh này
đến thăm tôi để ngầm cho tôi biết rằng tôi đã là kẻ thua cuộc trong chọn lựa
năm xưa của tôi, hay nói rõ ràng và chính xác hơn, là kẻ chiến bại (?!) Con đường
tôi đã chọn lựa và đã đi, tôi sẽ vẫn mãi mãi đi, không bao giờ rẽ lối hoặc đổi
chiều đâu, các anh ạ!
Gặp lại các anh chỉ để tôi càng khẳng định hơn là mãi mãi chúng ta không bao giờ
có thể đứng cùng chung một chiến tuyến! Không bao giờ!
Gia đình tôi thuộc hàng ngũ “đại ngụy” vì đã có đến bốn đấng nam nhi chi chí
vác khăn gói cùng lên đường một lượt vào trại tập trung cải tạo: Hai ông anh ruột,
một ông anh họ mà ba má tôi đã nuôi nấng từ thuở nhỏ, và phu quân của tôi. Ở
nhà thì ông em út còn học lớp 11 của chúng tôi lại nổi loạn theo đám bạn bè đi
dán truyền đơn “chống cách mạng” để rồi cuối cùng cũng theo chân các anh của
mình vào nằm đếm rệp trong nhà tù!
2
Thêm một năm trôi qua, niềm hy vọng vào một sự lật đổ và đổi thay đến từ những
sức mạnh vạn năng hải ngoại đã mỏi mòn dần, nhưng đôi mắt của đại đa số những
người dân miền Nam chúng tôi thì mỗi lúc đã một sáng hơn để không còn một ảo tưởng
nào về thiên đường Cộng Sản nữa. Ngay đến cả những cây cột đèn vô tri trên đất
nước chúng tôi cũng ước muốn được rời bỏ quê hương, vượt biên tìm tự do, không
phải có người đã nói như thế hay sao!
Một hôm, bỗng dưng tôi tình cờ gặp lại Phan. Tôi đã không thể ngăn được mình,
buột miệng hỏi anh: “Cho đến hôm nay, anh vẫn còn thấy rằng con đường anh đã lựa
chọn là lý tưởng hay sao?” Phan thành thật trả lời: “Lý tưởng vì anh tưởng rằng
có lý!” Lòng tôi đã chùng xuống trong một nổi cảm thương thay vì thù ghét bởi
câu trả lời quá buồn bã, chua chát, và rồi chỉ nghe tội nghiệp cho một người đã
một thuở nào trái tim mang đầy những mộng tưởng tốt đẹp. Anh ta chọn lầm con đường
để đi, nhưng mộng tuởng của anh ta không sai trái. Công bằng để nói, cái xã hội
mà trước đây chúng tôi đã sống quả thật cũng chả phải là một xã hội hoàn hảo
gì. Xã hội ấy cũng đầy dẫy những bất công hiếp đáp, những cảnh con ông cháu cha
bất tài vô tướng ăn trên ngồi trước, những mua quan bán tước, những lợi dụng chức
quyền đến làm công phẫn lòng người! Phan mơ ước một chế độ công bằng hơn, tốt đẹp
hơn cho tất cả mọi người dân, và điều này tôi có thể hiểu được. Nhưng tại sao
Phan lại nghĩ rằng một chế độ độc tài sắt máu như chế độ Cộng Sản có thể giúp
thực hiện giấc mộng này cho dân tộc thì quả thật tôi không cách nào hiểu được,
không cách nào!
Những ngày cuối còn ở Sài Gòn, tôi biết được rằng cả cái đám sinh viên Luật
thiên tả ấy đang được đào tạo lại trong lớp pháp lý Cộng Sản để trở thành những
viên chức hành chánh hay pháp luật thực thụ của chế độ vì đã bắt đầu bước qua
giai đoạn mà đảng Cộng Sản Việt Nam phải sử dụng đến những người trí thức trong
guồng máy của họ khi họ bắt buộc phải mở rộng cánh cửa ngoại thương để bước ra
khỏi sự nghèo đói và lạc hậu.
Từ trại tị nạn Pulau Bidong, 3 mẹ con tôi đã được Canada tiếp nhận cho định cư,
và hè năm 1999 tôi đã theo con gái tôi về Việt Nam để giúp cháu làm cái “tour
package” của hãng “Premiere Tours” mà Việt Nam là một trong những địa điểm du lịch
của “tour” này. Bạn tôi là Hoàng cứ khăng khăng bắt tôi phải đến gặp đám bạn cũ
ở trường Luật ngày xưa: “Chị phải đến thăm họ với H. rồi mới biết! Các anh ấy vẫn
quý chị lắm mà, để H. phone cho họ.” Sự gặp gỡ thăm viếng này đều do một bàn
tay sắp đặt của bạn tôi, và hai mẹ con tôi chỉ việc theo đuôi nàng mà thôi.
Theo mệnh lệnh của Hoàng, chiếc taxi dừng lại trước một ngôi biệt thự kín cổng
cao tường để cho 3 người chúng tôi bước xuống. Cái cổng sắt cao nghệu đến tôi
không thể nào với tay qua được. Hoàng bấm chuông, và có gia nhân ra mở cửa. Trần
và mấy người bạn nữa nghe tiếng chuông, cũng đang từ trong ngôi biệt thự to lớn,
tươi cười bước về phía chúng tôi. Cánh cổng ngôi biệt thự vừa được mở ra là con
gái tôi đã thảng thốt: “Eo ôi, nhà bạn của mẹ sao mà nguy nga và đẹp kinh khủng
thế này!” Ấy là cháu đang sống ở Canada và đã được trông thấy bao nhiêu là nhà cửa
to lớn đẹp đẽ nơi đây rồi! Trước khi đến được ngôi nhà lớn, chúng tôi phải đi
qua một khu vườn mênh mông có hồ nuôi cá sấu, hồ sen, hồ súng, và các loại cây
kiểng được cắt xén tỉ mỉ thành hình chim công, chim phượng, cò, voi, thỏ, ngựa,
vv….và vv…… Giữa khu vườn là ngôi nhà nghỉ mát hình bát giác với rất nhiều những
hòn non bộ quanh đó.
Quan sát tỉ mỉ khu vườn này một vòng, tôi hỏi Trần liền: “Anh làm sao có thể tự
tay chăm sóc mấy con cá sấu và cắt tỉa các cây kiểng này chứ?” Trần cười: “Phải
thuê người chăm sóc chứ!” Tôi nói: “Chắc tốn tiền bộn lắm!” Trần trả lời tỉnh
bơ: “Mỗi tháng khoảng 1 cây vàng mà thôi!” “Chỉ một cây vàng thôi!”, trái tim
tôi bỗng dưng nhói thắt lại! Tôi nhớ đến bác xích-lô mà ngày mới về, hai mẹ con
tôi đã gặp ở chợ Bà Chiểu, và từ đó sáng sớm tinh mơ nào bác ta cũng đến đậu xe
ngay trước cổng nhà chúng tôi đang tạm ở. Chuyện trò hỏi han bác thì chúng tôi
được biết mỗi ngày nếu may mắn, bác có thể kiếm được khoảng 1, 2 đô la Mỹ để đổi
gạo cho gia đình. Có ngày không kiếm được một mối nào hết, bác phải vác xe về
không, vì bây giờ các con đường mà xe xích-lô có thể chạy được bị giới hạn lắm
nên ít du khách muốn đi xích-lô. Xích-lô chạy chậm, lại phải chạy lòng vòng
trong trời nắng như thiêu như đốt và trong cả bụi bặm ô nhiễm của thành phố Sài
Gòn, vì thế khó mời mọc được du khách! Mẹ con chúng tôi vì lòng “không nỡ” nên
từ đó mỗi ngày đều phải ngồi xích-lô của bác để giúp, khiến mỗi buổi tối khi về
đến nhà và lau mặt thì chiếc khăn mặt của cả hai đều đen như lọ nghẹ bởi khói
xe Sài Gòn, còn da dẻ thì nước da trắng trẻo ngày mới về đã trở thành làn da
rám nắng màu bánh mật! Vô vàn cảnh nghèo đói rất đổi thương tâm nữa được gặp ở
ngay trong lòng thành phố Sài Gòn lộng lẫy mà tôi không thể nào kể xiết!
Bước vào bên trong nhà, sự sang trọng của giai cấp “quý tộc mới” này còn được
trông thấy rõ ràng hơn với vô số đồ gỗ và các đồ vật quý giá được chưng bày khắp
mọi nơi. Bắt đầu cuộc trò chuyện là tôi đã không ngăn được tôi phải mở miệng
nói liền tức thì: “Nghe mấy bác xích-lô than thở mà tội quá, mỗi ngày lợi tức 1
đồng đô-la Mỹ có khi cũng không kiếm được thì làm sao có thể sống!” Trần trả lời
ngay, cười cợt, dửng dưng: “Ồ, xạo đó, có khi họ kiếm được bộn lắm!” “Ba xạo? Bộn
lắm là bao nhiêu hở? Có được 1 cây vàng như con số mà hàng tháng anh phải bỏ ra
để nuôi cá sấu và chăm sóc cây kiểng hay không?”, tôi tự hỏi thầm trong nổi phẫn
nộ đến lùng bùng tai óc! Nếu kẻ dửng dưng nói ra lời này chỉ là một tên VC tôi
không quen không biết thì tôi cũng chẳng thèm lý đến để có cái phản ứng giận dữ
ấy vì với tôi: “Cái lũ đó, chúng là như thế mà!” Nhưng đây là vị học huynh mà
tôi đã từng ngưỡng mộ. Vị học huynh khao khát công bằng xã hội và cơm ăn áo mặc
cho dân tộc của anh ta. Vị học huynh đã từng hy sinh những ngày Chúa Nhật ngồi
Brodard, Pagode, lặn lội vào những khu xóm nghèo nàn để lau tay, rửa mặt, để dạy
đọc dạy viết cho những trẻ em lem luốc rách rưới không đủ điều kiện đến trường.
Không phải là phẫn nộ mà là một nổi đớn đau thất vọng gần như là tuyệt vọng
trong tôi! Một chế độ tham tàn đến như thế nào mà đã biến được người sinh viên
quá trong sáng quá lý tưởng năm xưa trở thành một kẻ hoàn toàn không còn chút
nhân tính hiện đang ngồi trước mặt tôi đây (???!!!)
3
Buổi tiệc chào đón tôi đã được bày biện trong căn nhà nghỉ mát hình bát giác
(giống như lầu uống rượu ngắm trăng của các vị đại phú gia hay vua chúa Trung
Hoa thời cổ xưa) với những món ăn đặc biệt và đắt tiền được nhà hàng đem tới. Bạn
bè ngày xưa khá đông, trong số ấy dĩ nhiên có cả anh Phan. Nhưng cũng có dăm ba
người lạ mặt với tôi mà tôi đoán là những kẻ đến để nịnh bợ chủ nhân lúc đó
đang là một vị Giám Đốc Công Ty Xuất Nhập Khẩu TP HCM. Tôi ngồi vào bàn và chỉ
ăn uống lấy lệ vì không còn một chút hứng thú, điên tiết bởi câu bợ đỡ thối tha
từ miệng ông thầy dạy Anh Văn của Trần khi tự cho rằng ông ta “đi Mỹ chỉ để làm
một thứ ăn mày Mỹ mà thôi!”
“Biết mình đi Mỹ chỉ để làm một thứ ăn mày mà vẫn đi thì đúng là một kẻ sĩ vô
liêm sĩ!”, tôi búa liền một búa!
Buổi tiệc hội ngộ từ giây phút ấy nặng nề mùi thuốc nổ từ vị khách quý được ưu
ái mời đến là tôi, khiến mọi người yên lặng như tờ. Tôi cũng mong có người đứng
dậy ra về để đứng dậy theo, nói lời cám ơn và giã biệt gia chủ cho thật nhanh.
Cũng trong chuyến về Việt Nam rất ngắn ngủi này, tôi đã có cơ hội hơn những kẻ
về thăm quê hương khác, được chứng kiến hoạt cảnh “tham nhũng tiếp nối tham
nhũng!” Hoàng không biết đã vô tình hay cố ý, đưa tôi đến nhà một vị luật sư
tên tuổi của Sài Gòn ngay sau vụ án xử tử hình nhiều tay đầu sỏ tham nhũng của
chế độ. Tôi ngồi đó để nhìn kẻ ra người vào lũ lượt suốt một ngày, mặc cả với vị
“luật sư trung gian” về giá cả để án tử hình sẽ được giảm thành án chung thân,
án chung thân thành án 30 năm, vv….và vv…., khi họ chống án. Tôi ngồi để nghe họ
mặc cả 300, 400, 500 cây vàng như chỉ đang nói đến 300, 400, 500 cây kẹo hay
cây tăm thôi mà lạnh gáy! Giai cấp tham nhũng này bị triệt tiêu chỉ để nuôi béo
bở hơn một giai cấp tham nhũng khác mà thôi! Thật tội nghiệp cho đại đa số những
người dân lao động Việt Nam lương thiện, dù quần quật đổ mồ hôi hay cả máu nữa,
cũng vẫn không thể kiếm đủ cơm ăn áo mặc!
Đó là kết quả sự chọn lựa của các học huynh tôi! Một Phan rồi chỉ biết thụ động
cúi đầu sống cho hết kiếp với sự chọn lựa sai lầm của mình, dù trong lòng có lắm
chua chát và ít nhiều hối hận: ”Lý tưởng vì tưởng mình có lý!”
Trần thì đã hoàn toàn thả trôi lương tri và mộng tưởng của anh ta theo với cái
chế độ tham tàn để cùng quay khít khao một nhịp với cái guồng máy mà chắc chắn
rồi một ngày cũng sẽ nghiến nát anh ta ra thành tro bụi mà thôi!
Lại có một kẻ trăn trở chống chỏi trong chọn lựa để rồi cuối cùng đã phải buông
tay ra đi trong tận cùng của tuyệt vọng! Vĩnh Thọ là một phi công A-37 thuộc
phi đoàn 524 tại căn cứ không quân Nha Trang. Anh đã thụ huấn ở Mỹ và trở về nước
tháng 10/1968 với quân hàm Trung Úy. Trong một phi vụ bay huấn luyện đêm để duy
trì khả năng và tái xác định hành quân bằng phi cơ A-37 thì không biết vì lý do
gì, máy bay vừa cất cánh là bị rớt ở cuối phi đạo gần bờ biển. Thoát chết nhưng
Vĩnh Thọ đã bị phỏng rất nặng ở đôi tay, khiến gân ở hai tay anh bị rút lại
và gân các ngón tay cũng rút thành tật. Vì vậy mà từ đó, vị phi công A-37 này
đã không thể tiếp tục nghiệp bay được nữa. Nhưng sau cái tai nạn máy bay A-37 bị
rớt ngay tại bờ biển, đã nổi lên khắp mọi nơi ở Nha Trang quá nhiều những lời đồn
đãi như những huyền thoại về vị phi công này: “Vĩnh Thọ là VC nằm vùng. Mỗi lần
mang bom đạn đi hành quân thì Vĩnh Thọ thả bom lên quân bạn hoặc mang bom đi thả
tầm bậy tầm bạ chứ không thả vào mục tiêu được phòng hành quân chỉ định, vv….và
vv….” Về chuyện Vĩnh Thọ có đích thực là VC nằm vùng
hay không thì rồi từ từ chúng ta sẽ có nhận định chính chắn. Còn vấn đề cố ý thả
bom ngoài mục tiêu chỉ định thì mới gần đây thôi, qua sự tìm hiểu với một người
quen là một cựu Thiếu Tá Phi Công A-37 cũng cùng phi đoàn với Vĩnh Thọ ngày
xưa, anh NVD hiện đang định cư tại Australia, tôi được biết một cách khẳng định
rằng chuyện này tuyệt đối không thể nào!
Theo anh NVD cho biết thì mỗi chiếc khu trục cơ khi đi hành quân chỉ có 1
pilot. Nhưng không bao giờ hành quân một chiếc đơn lẽ mà luôn luôn đi hợp đoàn
tối thiểu là 2 chiếc, thường thì 3 chiếc. Lúc ấy Vĩnh Thọ chỉ là một “Phi tuần
viên” phải bay theo sự hướng dẫn của “Phi tuần trưởng” thì làm sao anh ta có thể
tách hợp đoàn để đi thả bom tầm bậy tầm bạ được chứ (???!!!) Anh NVD còn nói
thêm: “Dẫn một hợp đoàn đi hành quân, vị Phi tuần trưởng để yên cho ai muốn làm
gì thì làm à? Sau khi hoàn tất bất kỳ một phi vụ hành quân nào, nhiệm vụ của
Phi
tuần trưởng khi về đáp là phải báo cáo rõ ràng cho phòng hành quân : Phi vụ lệnh
số mấy? Call sign là gì? Hợp đoàn bao nhiêu chiếc? Mang bom đạn loại gì? Toạ độ
mục tiêu chỉ định là gì và ở đâu? Bom đạn thật sự đánh ở tọa độ nào, cách quân
bạn bao xa (nếu có)…vv…và vv… Tôi là một Phi tuần trưởng trước khi Vĩnh Thọ được
bổ nhiệm về PĐ 524.”
4
Sau khi anh Vĩnh Thọ không còn bay nữa thì thỉnh thoảng mỗi lần Ba tôi về Nha
Trang nghỉ ngơi để viết lách và soạn bài vở cho khoá giảng tới, tôi vẫn thấy
anh Thọ đến nhà đàm đạo học hỏi thêm với ông. Ba tôi vẫn khen anh Vĩnh Thọ thông
minh và là người chịu khó đọc sách, khá có kiến thức. Nhưng ông lại lắc đầu:
“Tiếc là hắn đang đắm chìm trong thiên đường ảo tưởng bằng pha lê của hắn!”
Những lời đồn đãi nào rồi cũng phải lắng dịu xuống theo với thời gian. Về sau
tôi không còn sống ở Nhatrang nữa, và anh chị em gia đình tôi cũng di chuyển gần
như toàn bộ vào Sài Gòn với Ba tôi, vì thế mà những việc đã xảy ra sau này ở
Nhatrang, tôi không còn được biết gì hết.
Vận nước đổi dời, cuộc sống chúng tôi tất bật hơn xưa. Bây giờ ngày ba bữa lo
cơm ăn áo mặc đã mệt nhoài, còn đâu thì giờ và tâm tư để thắc mắc đến chuyện của
ai nữa cơ chứ! Thế mà bỗng một hôm, anh Vĩnh Thọ xuất hiện trước cổng nhà Sài
Gòn của chúng tôi, ốm yếu và xanh xao như là một bóng ma! Bọn tôi đồng “Ồ!” lên
một tiếng thảng thốt khi thoạt vừa trông thấy anh cà nhắc cà nhót, khập khểnh
bước vào nhà. Ba tôi lúc ấy đang ngồi trong phòng khách nhìn ra bên ngoài nên
trông thấy anh Vĩnh Thọ ngay, và ông cũng ngạc nhiên ú ớ không ra lời!
“Thưa Bác, Bác có nhận ra con không?”, anh chào Ba tôi ngay. “À, Vĩnh Thọ
phải không?”, Ba tôi cũng mừng rỡ lắm. Anh ngồi xuống và bắt đầu kể, không
chờ đợi Ba tôi phải hỏi han: “Con lầm quá rồi Bác ơi! Con có tội! Con quá u mê!
Bác ơi, con chính là người cương quyết trấn thủ Nha Trang và là một người trong
đám tiên phong ra tận đèo rù rì nghênh đón bọn Vẹm vào! Con đáng chết!” Rồi anh
tiếp tục kể, như thể Ba tôi là cái hồ chứa để anh trút xuống nổi lòng, mong cầu
vơi nhẹ bớt những ray rứt và hối hận: “Ban đầu con vào làm việc cho Ủy Ban Nhân
Dân tỉnh Khánh Hòa. Nhưng chỉ 3 tháng sau thôi, thưa Bác, là con đã thấy được bộ
mặt thật của bọn Cộng Sản, và con quay qua góp ý, rồi phê bình, rồi chống đối!
Kết cuộc chúng xiềng con vào chuồng cọp (phòng giam nhỏ xíu, chỉ đủ giam giữ 1
phạm nhân). Con chỉ được phép cho ra khỏi chuồng cọp vào những giờ giấc thẩm vấn
mà thôi. Thay vì phải “phản tỉnh” thì con lại giận dữ chưởi bới tiếp tục nên lại
bị cùm, rồi bị kéo lê kéo lết hết nhà tù biệt giam này đến nhà tù biệt giam
khác, không một phút nghỉ ngơi! Cuối cùng, hai cái giò bị xiềng của con đã lúc
nhúc giòi bọ, cơ hồ sắp phải cắt bỏ. Sau đó, con còn bị một cú tai biến mạch
máu não tưởng đã đi theo ông bà, vì vậy chúng nó mới quyết định thả con ra vì
con đã là người tàn phế rồi!”
Trong lần gặp gỡ này, Ba tôi chỉ lắng tai nghe anh Vĩnh Thọ nói chứ không hề
phê phán hay góp ý, vì ông còn rất
nghi ngại dè dặt. Ai là thù, ai là bạn của ta, thật khó mà có thể quyết đoán vội
vàng trong không gian và thời gian
này! “Bác ạ, con cho rằng muốn chống Cộng Sản thì chúng ta phải ở ngay trong
lòng Cộng Sản, vì Cộng Sản nhìn
từ xa xa thì rực rỡ như một con kỳ lân, dũng mãnh như một con sư tử. Hay nói
cho có vần có điệu, chế độ Cộng Sản nhìn xa thì đẹp đẽ, nhìn gần thì chỉ là con
chó ghẻ!” Tôi nhớ mãi lời ví von cay đắng này của anh Vĩnh Thọ.
Quả thật, anh Thọ đã là người hoàn toàn tàn phế khi được thả về! Áp huyết của
anh cao đến đổi chúng tôi ai nấy đều lo sợ anh có thể ra đi bất cứ phút giây
nào, và cơ thể anh suy nhược gần như toàn diện! Anh sống nương tựa người em
trai còn độc thân ở một ngôi nhà nhỏ trên con đường Bắc Hải, gần Cư Xá Sĩ Quan
Chí Hòa ngày xưa. Mẹ tôi nghe ai bày vẻ thức ăn hay món uống gì có thể giúp hạ
áp huyết thì bà đều chính tay làm lấy rồi bắt chúng tôi đem đến cho anh, ước
mong anh có thể kéo dài mạng sống. Nhưng rồi anh cũng phải ra đi! Tôi nhận được
tin anh Vĩnh Thọ qua đời khi tôi đã định cư ở Canada. Giây phút nghe tin, tôi đứng
lặng yên ở khung cửa sổ nhìn lên bầu trời xanh biếc đang trôi nhanh những đám
mây trắng ngần như tuyết trắng, cầu nguyện cho linh hồn anh được an nghỉ trên
đó, không còn phải trăn trở chống chỏi khổ sở với những ước mơ và lựa chọn quá
hoang đường của anh nữa!
Dù lựa chọn của anh đã quá sai lầm và hoang đường, nhưng tôi thật sự ngưỡng mộ
giấc mơ của anh cùng với ý chí cương quyết, dứt khoát không phản bội lại những
điều tốt đẹp mà anh đã ôm ấp. So với biết bao nhiêu người mà lựa chọn chỉ là
“làm kẻ đứng bên lề”, đất nước thịnh hay suy, mất hay còn, dân tình no ấm hay lầm
than, đó chẳng phải là chuyện của họ mà chỉ là chuyện-phải-lo của một thiểu số
người cầm quyền mà thôi, thì sự chọn lựa với một thái độ nhập cuộc thật tích cực
và kiên cường của người phi công này xứng đáng được sự tha thứ cũng như ngưỡng
mộ của tất cả chúng ta.
Tôi ước ao bài hồi ký này sẽ đến được tận tay hai vị học huynh Phan và Trần để
có thể khơi dậy lại được trong trái tim họ một chút gì tốt đẹp còn rơi rớt lại
của ngày xưa: Một chút lòng yêu nước thương dân. Một chút lý tưởng tranh đấu để
thực thi công bằng xã hội, động cơ khởi đầu sự lựa chọn của họ.
Xin cám ơn tất cả những “Chọn Lựa” đầy vị tha và tốt đẹp, những “Chọn Lựa” đã
vun đắp và tô điểm hoàn hảo lịch sử dân tộc tôi.
Cao Đồng Phước
Calgary, Canada