Tôi vừa về đến nhà là bố tôi hỏi ngay: – Thủ tục đã
xong xuôi chưa con?– Xong cả rồi bố ạ, bên ấy ông Mấn chỉ đợi phỏng vấn
thôi. Ông Mấn là chú của bố tôi, người mà tôi phải gọi bằng ông trẻ. Ông
đang sống ở miền Bắc Việt Nam, và bố tôi đang làm thủ tục bảo lãnh chú sang Mỹ
theo diện du lịch. Sau năm 1975, bố tôi phải đi “Học tập cải tạo” ròng rã
8 năm trời. Ra tù, về nhà bố tôi sống khép kín cho qua ngày, vả lại, một người
sĩ quan chế độ cũ đi tù về, chẳng có cơ hội nào để vươn lên trong xã hội mới cả.
Cho tới khi có chương trình HO, cho những người tù cải tạo được định cư tại Mỹ,
thế là cả nhà tôi đi Mỹ.
Khác với lòng mong ước và sự tưởng tượng của tôi, ông Mấn
không hề vồ vập hay xúc cảm với bố tôi, thằng cháu nhỏ năm xưa ông từng âu yếm
cho quà và cho tiền, ông nhìn chúng tôi bằng ánh mắt không thiện cảm cho lắm,
ánh mắt ấy như nói rằng, lũ chúng tôi đã chạy theo “Mỹ Ngụy” chẳng tốt lành hay
ho gì. Suốt câu chuyện, ông kiêu ngạo và hãnh diện khoe đất nước Việt Nam sau
cuộc chiến thắng vinh quang 1975, đã dần dần đổi mới và tiến lên. Cụ thể là
ngôi làng này, con đường làng bụi đất và gồ ghề khi xưa nay đã được tráng nhựa,
nhiều nhà gạch xây lên và có điện thắp sáng, có tivi, có đài radio, dân không
phải nghe tin tức bằng cái loa ở trụ sở ấp nữa…
Dĩ nhiên, không phải cả làng ai cũng khá giả như thế, bằng
chứng là nhà con gái ông và ông vẫn chưa có những thứ ấy. Nhưng ông Mấn vẫn khẳng
định chắc như đinh đóng cột, trong tương lai nhà nhà sẽ no ấm hơn, cuộc sống tiện
nghi đầy đủ hơn, xã hội chủ nghĩa sẽ đi đến đỉnh cao của thành công và quang
vinh. Ông Mấn khoe thêm, cuộc sống bây giờ dân chủ, ai có tiền thì cứ việc ăn
ngon mặc đẹp, không như dạo xưa, giết một con gà để ăn cũng phải lén lút, dấu
diếm sợ hàng xóm phê bình.
Tội nghiệp ông! Đã trải qua những năm dài đằng đẵng đói ăn,
thiếu mặc của miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh, đã quen với những vùi dập của
cơ chế bao cấp thị trường, gạo, thịt, nhu yếu phẩm mua bằng tem phiếu. Nay được
hưởng một chút tiện nghi rất sơ đẳng, rất bình thường, đã cho là đổi mới vĩ đại,
đã hài lòng mãn nguyện. Chúng tôi được biết ông Mấn đã là đảng viên, đang lãnh
lương hưu trí, số tiền hưu cho một anh bộ đội quèn chẳng là bao, nhưng nó khẳng
định cái giá trị công lao của anh đã đóng góp cho đảng và nhà nước.
Bố tôi và tôi đều thất vọng về “chú Mấn” ngày xưa, bố mẹ đã
biếu ông Mấn một số tiền và đặc biệt là một cái áo ấm bằng da mà chính tay bố
đã mua cho ông, vì bố đã biết mùa Đông đất Bắc mưa phùn gió bấc lạnh thế nào!
Tuy ông Mấn có ý chê trách chúng tôi theo “Mỹ Ngụy”, nhưng ông không chê những
món quà của “Mỹ Ngụy”, ông cẩn thận gấp những đồng tiền đô la bỏ vào túi và mặc
thử cái áo ấm to dày với vẻ hài lòng. Tôi liếc nhìn quanh căn lều chông chênh,
trống toang toác của ông, bốn bề gió lộng giữa bãi tha ma, làm sao mà không lạnh!
Về tới Mỹ, nghĩ đi nghĩ lại, bố tôi vẫn thương “chú Mấn”, ở
cái tuổi già bên Mỹ đã được nghỉ ngơi, an hưởng đời sống đầy đủ từ vật chất đến
y tế thuốc men, thì ông Mấn vẫn cơ cực làm công việc nặng nhọc, mà đời sống vẫn
thiếu thốn mọi bề, chỉ có những giấc mộng của ông thì đầy ắp những ấm no, giàu
đẹp. Không biết giấc mộng sẽ kéo dài tới bao lâu? Và ông có còn sống để mà hưởng
không hay phải đợi đầu thai kiếp khác?
Mỗi năm sau đó, chúng tôi vẫn gởi tiền về cho ông Mấn, dù bất
đồng ý kiến, nhưng chẳng ai nỡ nhìn người thân của mình ở tuổi già gần đất xa
trời vẫn loay hoay đánh vật với cuộc sống để kiếm cơm cháo qua ngày như thế !
Cô cháu ngoại của ông Mấn thỉnh thoảng viết thư cho chúng tôi, kể về ông, năm
nay ông 79 tuổi rồi, không còn khoẻ như hồi chúng tôi về thăm nữa. Bố tôi ngậm
ngùi thương cho ông, và có ý định làm bảo lãnh cho ông Mấn sang Mỹ thăm thân
nhân, coi như một món quà bất ngờ cho ông. Một con người từng yêu thích ngang dọc
một thời, đây là cơ hội ông không thể bỏ qua, dù ông chưa tin tụi Mỹ cho lắm.
Ai đời, một người khách lạ đến từ nước khác, một nước theo
xã hội chủ nghĩa như ông, mà chẳng cần phải khai báo, đăng ký tạm trú với chính
quyền địa phương gì cả, tự do dân chủ đến độ ông không tin nổi ! Ai đời, người
già, người tàn tật, dù không sinh đẻ ở Mỹ, dù chưa đi làm ngày nào trên đất Mỹ,
chỉ được thân nhân bảo lãnh sang đây, cũng được hưởng tiền trợ cấp và bảo hiểm
sức khỏe ! Ông bảo nước Mỹ giàu có quá hoá…ngu ! Chúng nó bảo lãnh nhau sang
đây, được nước chủ nhà cho định cư là quý rồi, thì vợ chồng, con cái chúng nó
phải nuôi nhau, lo cho nhau, việc gì nhà nước phải đứng ra trợ cấp? Đã thế, tiền
trợ cấp hàng tháng được gởi tới tận nhà, không bao giờ trễ nải hay sai sót,
trong khi ở làng quê ông, có chuyện gì cần đến xã, đến huyện thì thật là nhiêu
khê, với đầy đủ giấy tờ, chứng cớ trong tay mà phải chầu chực, xin xỏ, có
khi vẫn không xong. Đây là những bài học dân chủ lần đầu tiên ông học được
trong đời .
Hai tháng ở Mỹ, ông đã lên cân, khỏe mạnh hẳn ra và vui vẻ
thư thái, có lẽ vì ông được ăn uống đầy đủ, không phải vác cuốc ra đồng mỗi
ngày, và nhất là ông đã cảm nhận một đời sống tự do, thoải mái? Dường như ông
thấy thời gian trôi quá nhanh, ông chưa muốn trở về làng quê, dù đôi lúc ông
cũng nhớ con nhớ cháu, dòng máu giang hồ đang trổi dậy trong người ông, y như
ngày xưa, ông trôi dạt đó đây, thú vui phương xa đã níu giữ bước chân ông. Ông
Mấn đến Mỹ với chiếc áo ấm to dày mà ngày xưa bố mẹ tôi đã mang từ Mỹ về để tặng
ông, chắc đây là chiếc áo ông quý lắm và chỉ mặc khi có chuyện “đại sự” nên
trông vẫn còn tốt. Nhưng bố tôi vẫn bảo ông bỏ đi và dẫn ông đi sắm vài bộ đồ
khác ở chợ Walmart. Ông Mấn tưởng đây là cửa hàng quần áo sang trọng bậc
nhất thế giới mà ông đã hân hạnh được vào, dù bố tôi đã nói là cửa tiệm bình
dân, nhưng ông nào tin, cứ cho là bố tôi khiêm nhường hay nói đùa. Ba tháng du
lịch của ông Mấn trôi qua, tới ngày ông phải trở về Việt Nam. Chúng tôi sắm cho
ông hai va li đầy những quần áo và quà cáp. Cả nhà ra phi trường tiễn ông, trước
khi đi vào trong cổng, ông đã nắm tay bố tôi, ân cần, thân thiện như “chú Mấn”
ngày xưa, và rưng rưng:
– Năm xưa cháu về Việt Nam, chú đã tuyên truyền cho cháu một
thiên đường trong mộng, nhưng vẫn không bằng một góc cái hiện tại này, thực tế
này, mà các cháu đang được hưởng. Gẫm lại, cùng một kiếp người mà đời chú và
con cháu của chú đã gánh chịu bao nhiêu thiệt thòi. Cả thời tuổi trẻ, chú từng
đi xa, đây là một chuyến đi xa đẹp nhất và có ý nghĩa nhất trong cuộc đời chú.
Rồi ông cười nhếch mép, vừa đùa vừa tủi thân:
– Kiếp sau, chú vẫn sẽ là một thằng thích giang hồ, xa xứ.
Nhưng chú mong sẽ bước tới bất cứ miền nào, vùng đất nào có tự do, dân chủ và
no ấm như nước Mỹ này.
Máy bay cất cánh, mang ông Mấn trở về Việt Nam, về ngôi làng
quê, nơi có con đường tráng nhựa, có những căn nhà gạch, có ánh điện, có tivi,
có đài..
Nhưng chắc chắn giấc mộng dài của ông về một đất nước xã hội
chủ nghĩa thì không còn nữa.
Nguyễn Thị Thanh Dương