20 May 2021

PHI KIẾM HIỆP BẤT THÀNH BÁO - Lê Thiệp

Ngoảnh đi ngoảnh lại, ngôn ngữ kiếm hiệp tràn lan mọi ngõ ngách của đời sống miền Nam Việt Nam lúc nào không rõ. Không ai không nhớ bài hát của trẻ thơ “Có cô gái Đồ Long lắc bầu cua, lắc một cái ra ba con gà mái...” Với người lớn thì những từ ngữ như “vô chiêu thắng hữu chiêu, nội lực thâm hậu, ngụy quân tử, cấy sinh tử phù” trở thành từ ngữ mang nhiều nghĩa rất hiện đại của thực tế chính trị. Nhân vật kiếm hiệp được các nhà văn nhà báo tên tuổi dùng làm bút hiệu như ông Lê Tất Điều, ông Dương Hùng Cường viết film — một ký mục với ngôn ngữ trào phúng, châm biếm — ký là Kiều Phong, Du Thản Chi. Ông Trần Việt Sơn, một bỉnh bút lão thành đã so sánh thế Quốc - Cộng, các thế lực đối đầu trên bàn cờ thế giới, với các môn phái võ công trong Tiếu Ngạo Giang Hồ để đi đến kết luận phái Hằng Sơn của Ngũ Nhạc Kiếm Phái là phái yếu nhất nhưng duy nhất tồn tại trong năm phái võ vì môn hộ nghiêm nhặt, đệ tử đoàn kết trên dưới một lòng. Ông Trần Việt Sơn đã đi đến dự đoán rất nghiêm chỉnh rằng miền Nam dù thân cô thế bạc nhưng nếu quân dân, lãnh đạo đoàn kết một lòng, cư xử đúng với tư cách và thân phận của mỗi người giống môn phái Hằng Sơn như các sư thái Định Nhàn, Định Dật hay các tiểu đệ tử Định Quán, Nghi Lâm thì miền Nam sẽ tồn tại.

Dự đoán của vị ký giả lão thành đã không xảy ra. Trong một buổi hội luận dành cho sinh viên báo chí, ông Từ Chung nêu câu hỏi rất giản dị “Tại sao báo Việt Nam nào cũng phải đăng truyện kiếm hiệp?” Những ý kiến phát biểu rất đa dạng. Kiếm hiệp là hình thức xả xú bắp cho một xã hội chiến tranh. Kiếm hiệp phản ảnh cái ước muốn người hùng. Kiếm hiệp bao giờ cũng có những kết thúc viên mãn kiểu Lục Vân Tiên, cái kết có hậu mà mọi người chờ đợi. Kiếm hiệp lúc nào cũng nêu cao các giá trị truyền thống như Trung - Hiếu - Tiết - Nghĩa. Kiếm hiệp là nơi trú ẩn tinh thần, giải tỏa những căng thẳng của thực tại.

Các sinh viên đã nhìn kiếm hiệp dưới đủ mọi khía cạnh từ tâm lý xã hội đến nhu cầu giải trí. Ông Từ Chung sau khi khuyến khích mọi người phát biểu và tranh luận đã đồng ý về tất cả các phát biểu. Ông nói “Điều mà các bạn đưa ra đều đúng, nhưng quan trọng hơn cả, không có kiếm hiệp thì báo bán không chạy. Báo bán không chạy thì báo chết. Nó giản dị vậy thôi.”

Lời kết luận phũ phàng trên được thấy rõ trên các trang trong báo chí miền Nam Việt Nam. Thuở thịnh thời nhất, tất cả các báo Sài Gòn tranh nhau đăng truyện Cô Gái Đồ Long, Lộc Đỉnh Ký. Có lẽ cả thế giới không nước nào mà tất cả nhật trình đồng loạt đăng cùng một truyện dài từng kỳ của một tác giả ngoại quốc như ở Sài Gòn lúc đó. Hiện tượng này có thể vì văn tài của Kim Dung, có thể vì những lý do như các sinh viên báo chí nêu lên trong cuộc hội luận, nhưng thực tế thì kiếm hiệp có mặt trong đời sống của dân chúng Việt Nam, của báo chí Việt Nam từ khá lâu.

Phong Thần, Thuyết Đường, Chinh Đông, Chinh Tây... có thể gọi là kiếm hiệp chăng? Các bộ truyện Tàu do nhà Tín Đức Thư Xã tái bản đi tái bản lại ròng rã đã ăn sâu vào cuộc sống của gần như tất cả những người đọc sách – hoặc đôi khi chỉ nghe kể lại. Những bộ truyện trên một hình thức nào đó cổ võ cho các triều đình Trung Hoa với quan niệm vua là thiên tử, là cha mẹ dân, là người thay trời trị dân. Từ đó là quan niệm tôn quân, tuân phục guồng máy cai trị của các ông vua, ông hoàng đế. Điển hình nhất có lẽ là bộ Càn Long Du Giang Nam nhằm thuyết phục dân Tàu rằng nhà Thanh nay là chính thống và ông hoàng đế người Mãn Châu đúng là chân mạng đế vương.

Dụng ý dùng văn chương để yểm trợ chính trị đó dù thế nào vẫn không thể phủ nhận sức lôi cuốn của truyện Tàu kiểu Thuyết Đường. Ai trong chúng ta quên được Trình Giảo Kim, Lý Nguyên Bá, Uất Trì Cung? Có đứa bé Việt Nam nào không biết Hồng Hài Nhi? Tại miền Nam, miệt Thất Sơn có món thịt rắn được đặt tên là Đơn Hùng Tín Ngộ La Thành. Con rắn hổ hành được treo lên, vuốt cho xương sống giãn ra không còn cựa quậy được. Đuôi rắn được cắt đi một chút để máu nhỏ từng giọt xuống cái bát sứ trắng đựng rượu. Mọi người chia nhau rượu máu rắn và nếu cần sẽ thề không đồng sinh nhưng nguyện đồng tử như Đơn Hùng Tín và La Thành của La Thông Tảo Bắc vậy.

Truyện Tàu đáng được gọi là thủy tổ của kiếm hiệp vì có đủ những nét của kiếm hiệp với phi kiếm, đằng vân, hóa phép. Nhưng xa hơn nữa phải là truyện du hiệp của Sử Ký Tư Mã Thiên điển hình nhất là Kinh Kha. 

Bắt nguồn có thể từ Tàu nhưng kiếm hiệp Việt Nam lại có các xuất xứ rất Việt Nam. Lý Ngọc Hưng đã làm say mê cả một thế hệ với các bộ truyện trường thiên Bồng Lai Hiệp Khách và Giao Trì Hiệp Nữ. Về bề dày, hai bộ truyện này không thua Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Cốt chuyện của hai bộ này cũng ly kỳ rùng rợn với phi thân, phi đao phi kiếm, dạ hành, nhảy lên mái nhà như bỡn, đủ làm điêu đứng những chú bé Việt Nam của thuở cuối 40 đầu 50 thế kỷ trước. Sau đó là Long Hình Quái Khách rồi đến một loạt truyện như Hổ Đầu Sơn.

Xin ghi nhận một sự kiện rất Việt Nam khác. Trong khi Kim Dung làm mưa làm gió ở hầu hết các báo thì tờ Trắng Đen lừng lững một cõi với Lã Phi Khanh và Lệnh Xé Xác. Các nhân vật Kim Dung giỏi lắm thì có đến 12 thành công lực nhưng Dương Chí Tôn của Lã Phi Khanh luyện được 100 thành công lực, ăn bứt xa. Lã Phi Khanh là một người Việt trăm phần trăm. Hồi đó ở Sài Gòn, chữ Lệnh Xé Xác tượng trưng cho cái gì siêu việt, đáng sợ. Một ký giả lão thành đã phát biểu rằng thành tích làm báo lớn nhất của ông Việt Định Phương và Trắng Đen là Lệnh Xé Xác và công chúa Bokassa. Chính ông Việt Định Phương đã tìm ra vị công chúa da đen này ở Việt Nam và đưa cô ta về Cộng Hòa Trung Phi xum họp với vua cha vốn là một ông lính Lê Dương đánh thuê trong cuộc chiến Việt - Pháp.

Trở lại với kiếm hiệp, chúng ta có chữ kiếm, một loại khí giới căn bản trong võ thuật. Nhưng mới đầu là đánh kiếm, tức phải đâm trúng địch thủ. Sau đó là phi kiếm tức từ xa phóng kiếm giết địch thủ. Rồi phi kiếm coi bộ có vẻ yếu, hết ly kỳ, chúng ta có ngự kiếm, tức người và kiếm nhập làm một, giết địch thủ ở rất xa. Vẫn chưa ăn thua gì so với kiếm ý, bởi với kiếm ý thì chỉ nghĩ tới ai là kẻ đó rụng đầu.

Nhưng khi óc tưởng tượng phóng lên quá độ kiểu hóa phép trong Phong Thần, truyện mất ăn khách nên kiếm hiệp trở lại cái căn bản cũ là truyện võ hiệp. Điển hình nhất có lẽ là Hồng Y Nữ Hiệp. Trong truyện này, tác giả mô tả rất sinh động những pha học võ, luyện kiếm và sau đó là các thế võ rất chi tiết trong những trận song đấu kinh hồn động phách.

Kiếm hiệp, võ hiệp đổi hẳn từ Kim Dung. Cái chữ hiệp mất đi trong cái ý niệm về võ lâm. Có lẽ độc giả Việt Nam tinh ý khi cảm nhận Kim Dung nên truyện của võ lâm có tên mới là truyện Chưởng.

Kiếm hiệp võ hiệp cổ điển vì có chữ hiệp nên chính, tà phân biệt như trắng với đen. Hành hiệp trượng nghĩa cứu khốn phò nguy là châm ngôn của kiếm hiệp. Người lành, phe chính dù khốn khổ khốn nạn trăm điều nhưng rồi cũng được cao nhân phù trợ, huấn luyện võ công để báo thù tuyết hận và kết thúc bao giờ cũng hết sức đẹp đẽ. Điển hình là Cam Tử Long được vị sư thái cứu đem lên núi dạy võ khi thành tài bèn chỉ cho một kho tàng do cha để lại. Nhân vật Cam Tử Long vừa đẹp trai, vừa võ nghệ cao cường lại có cô sư muội đẹp như tiên sát cánh đi truy tìm hung thủ giết cha. Tất nhiên hồi kết là một trận song đấu với kẻ ác và nhân vật chính phục thù xong, cưới sư muội.

Kim Dung mới đầu cũng bị ảnh hưởng kiếm hiệp cổ điển nhưng sau đã thoát ra để không còn đâu là chính, đâu là tà. Trương Vô Kỵ là sản phẩm nửa chính nửa tà. Đến Vi Tiểu Bảo mọi sự lộn tùng phèo. Chính vì không còn ranh giới chính, tà mà chỉ có con người khiến tiểu thuyết Kim Dung được dân Việt gọi là truyện Chưởng.

Với vốn hiểu biết sâu rộng cả về văn hóa cổ điển Trung Hoa và văn hóa Âu Tây, Kim Dung đưa vào truyện võ hiệp một ý niệm mới là nội công, về huyết mạch để đi đến phép đánh chưởng. Phát kiến này được nhận ra ngay để có tên là truyện Chưởng, hoặc vắn tắt hơn kiểu “Thế ông cũng đọc chưởng à?” Hẳn là để phân biệt với kiếm hiệp cổ điển về cả nội dung lẫn hình thức.

*

Lạc âm cung ngẩn ngơ hồn lệ quỷ

Ta nằm trong di tích cuộc tang thương

Khóc thâu đêm cho thấy lại thiên đường

Thuở hưng phục, ôi! cõi lòng tan phế !

Đinh Hùng với Mê Hồn Ca, Đường Vào Tình Sử. Người lớn — hoặc văn vẻ hơn, văn học nghệ thuật — ghi nhận Đinh Hùng như một thi sĩ lớn của Việt Nam. Nhớ Mộng Dưới Hoa, bài thơ được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc. Hoặc bài Một Tiếng Em với những câu thơ thành nhạc :

Từ giã hoàng hôn trong mắt em

Tôi đi tìm những phố không đèn

Gió mùa thu sớm bao hương vị

Của chút hương thầm kia mới quen.

Nhưng có những em bé mê Hoài Điệp Thứ Lang hơn mê Đinh Hùng nhiều. Những đứa trẻ chỉ biết Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu, Người Đao Phủ Thành Đại La, các truyện được đăng trên báo Tự Do song song với một số phơi-ơ-tông nay còn gây ấn tượng cho nhiều người như Khói Sóng của Lý Thắng, Tỵ Bái của Nguyễn Hoạt, Luyện Máu của Bùi Xuân Uyên… Lý Thắng là bút hiệu của ký giả Như Phong Lê Văn Tiến cũng như Hoài Điệp Thứ Lang là Đinh Hùng vậy.

Có nên liệt truyện của Đinh Hùng vào kiếm hiệp?

Đi tìm sự khác biệt giữa tiểu thuyết Dã Sử và tiểu thuyết Kiếm Hiệp quả là một khó khăn. Nhưng hồi đó chúng tôi mê các nhân vật của Đinh Hùng ngang với sự suy tôn sau này dành cho các nhân vật của Kim Dung. Trong dòng tiểu thuyết kiếm hiệp Việt Nam chắc Hoài Điệp Thứ Lang phải có một chỗ đứng trang trọng ngang với Đinh Hùng trong dòng thơ Việt Nam.

Kim Dung viết kiếm hiệp từ những năm 1950, nhưng phải hơn mười năm sau độc giả Việt Nam mới thực sự lậm chưởng. Kim Dung căn bản là một ký giả khởi nghiệp từ Đại Công Báo và sau đó sáng lập tờ Minh Báo ở Hồng Kông. Ông mơ ước, ấp ủ cái mộng trở thành nhân viên bộ ngoại giao của Trung Hoa, Quốc hay Cộng gì cũng được. Nhưng thời thế đẩy đưa, ông bắt đầu viết kiếm hiệp do yêu cầu của Hương Cảng Thương Báo, truyện đầu tay là Ân Kiếm Thư Cừu Lục.

Kim Dung vào Việt Nam âm thầm lặng lẽ và chỉ có những độc giả trung thành của ông theo dõi Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu, Lục Mạch Thần Kiếm. Tất cả các nhan đề của Kim Dung vào đến Việt Nam đều bị đổi vì nhu cầu câu khách của các báo. Thiên Long Bát Bộ nghe Tàu quá, bác học quá, thiếu gợi hình gợi ảnh nên quân ta đổi thành Lục Mạch Thần Kiếm hấp dẫn hơn. Xạ Điêu Tam Khúc nghe chẳng ra ngô ra khoai, bèn đổi thành Anh Hùng Xạ Điêu (Thần Điêu Hiệp Lữ), hoặc Cô Gái Đồ Long (Ỷ Thiên Đồ Long Ký) dễ nhớ, dễ câu khách, nghe có vẻ kiếm hiệp hơn.

Nhan đề Cô Gái Đồ Long còn có thêm một sự tích nữa. Lúc đó Bộ Thông Tin chỉ cho phép mỗi báo đăng một truyện kiếm hiệp thôi. Tờ Đồng Nai có trong tay bản dịch Ỷ Thiên Đồ Long Ký nhưng không thể dùng cái tên sặc mùi kiếm hiệp nên ông Huỳnh Thành Vị có sáng kiến đổi tên cho bớt mùi kiếm, mùi võ đi. Đọc loáng thoáng và thấy chữ Đồ Long, ông Huỳnh bèn đặt cho bộ truyện này là Cô Gái Đồ Long mặc dù chả có cô gái giết rồng nào trong truyện cả.

Nhưng có lẽ chính các nhà văn nhà báo tên tuổi đã đẩy phong trào đọc kiếm hiệp lên cao. Đọc đoạn mở đầu cuốn tiểu thuyết Yêu của Chu Tử, chúng ta gặp Phích Lịch Chưởng của sư phụ Tạ Tốn. Đọc dật sự về nhà văn Mai Thảo thấy ông theo dõi rất sát diễn tiến của Bích Huyết Kiếm và tỏ ra gần gũi với nhân vật chính Viên Thừa Chí. Đây là cảm nhận bén nhạy của nhà văn vì cuối cùng Viên Thừa Chí cũng vượt biên như quân ta vậy.

Phải đến Cô Gái Đồ Long, Kim Dung mới thành thần tượng của độc giả Việt Nam. Lúc đó vào những năm đầu của đệ nhị Cộng Hòa, tức sau 1963. Kim Dung viết kiếm hiệp trên Minh Báo, Hồng Kông thì hôm sau bản dịch xuất hiện khắp các báo Việt Nam. Hôm nào vì lý do gì đó, báo Hồng Kông gửi bằng máy bay qua không được hoặc trễ nải, độc giả báo Việt Nam như ngẩn như ngơ. Người dịch Kim Dung là ông Từ Khánh Phụng.

*

Một ông bạn đi Việt Nam trở lại Mỹ hí hửng đưa biếu bản dịch mới của các dịch giả trong nước – và quảng cáo rằng bản dịch nghiêm túc của các dịch giả làu thông văn hóa Trung Hoa, Việt Nam. Sách lại được nhà Văn Học in rất đẹp, sáng sủa và khuôn khổ cũng vừa tay, chữ lớn dễ đọc. Đây là một đổi mới vô cùng sáng tạo của chính quyền Hà Nội nếu so với hồi mới chiếm miền Nam. Chưởng và tất cả các loại kiếm hiệp bị liệt vào văn hóa đồi trụy, tàn dư Mỹ Ngụy bị tịch thu, bị đốt, nhất là bị kết án nặng nề như là một vũ khí chiến tranh tâm lý. Rất nhiều bài viết của các nhà làm văn hóa Hà Nội đả kích truyện kiếm hiệp, nhất là chưởng của Kim Dung. Nhưng nay tại Việt Nam, chưởng của Kim Dung được nâng niu, trân trọng như các tác phẩm văn học lớn. Sách bình luận của Tàu về cuộc đời và tác phẩm Kim Dung được dịch, được in tùm lum, ca ngợi ông như bậc thầy về mọi khía cạnh, từ bút pháp tư tưởng cho đến cả những phát kiến về triết học. Ông Vũ Đức Sao Biển có hẳn một loạt bài về Kim Dung được sưu tập in thành ba tập dày, bán rất chạy ở Việt Nam.

Cái nhìn xoay 180 độ này của những người lãnh đạo văn hóa cho thấy sự khác biệt của độc giả miền Nam đối với Kim Dung. Cuốn Vô Kỵ Giữa Chúng Ta là tác phẩm đầu tiên viết về các nhân vật của Kim Dung và cái phần “giữa chúng ta” mới là điểm nhấn mạnh của nhà văn Đỗ Long Vân, còn Kim Dung chỉ là cái cớ ! Miền Nam nhìn Kim Dung và chưởng là truyện giải trí, đỡ buồn, là truyện câu khách của nhật trình. Với phong thái đó, bản dịch của Từ Khánh Phụng phơi phới, xuôi rót, nếu cần thì tên tuổi nhân vật được dịch luôn qua thành tên Mít. Hòa Thượng Thuyết Bất Đắc trở thành Hòa Thượng Nói Không Được. Những tiếng chửi thề, chửi tục của Tàu được viết thành Việt Nam hoàn toàn như “con bà nó” chẳng hạn.

Khi nói chuyện trên, Công Tử Hà Đông cho hay dịch giả Từ Khánh Phụng đã dịch Kim Dung bằng “văn nói.” Công Tử Hà Đông Hoàng Hải Thủy cho hay vị dịch giả này vừa phi thuốc phiện vừa dịch miệng các báo ở Hồng Kông gửi qua cho một viên thư ký ghi lại. Sau đó bản dịch miệng này được viết gọn lại, chấm câu cho nghiêm chỉnh rồi đưa cho báo chí.

Có lẽ vì vậy đọc bản dịch của Từ Khánh Phụng cứ tuồn tuột một lèo sảng khoái. Và nó trước sau như một so với bản dịch mới từ trong nước gửi ra.

Bản dịch mới có lẽ vì nhu cầu đòi hỏi, cuốn truyện của Kim Dung được xé làm nhiều mảnh cho nhiều người cùng dịch nên văn phong có lúc thế này có lúc thế khác.

Nhân vật Trương Tòng Khê có lúc là Trương Tùng Khê. Nếu nói vì lỗi chính tả thì nhân vật Trương Vô Kỵ ở vài trang trước được gọi là cậu, vài trang sau lại là chàng. Cách xưng hô của Tiểu Siêu với Trương Vô Kỵ cũng bất nhất. Tiểu Siêu hay Tiểu Chiêu? Tên cô gái Ba Tư này ở Từ Khánh Phụng là Tiểu Siêu nhưng qua bản dịch của nhà Văn Học (trong nước) biến thành Tiểu Chiêu. Kim Dung quả đã nhuận sắc, sửa chữa nhiều đoạn trong các truyện của ông khi từng kỳ đăng báo được tập hợp lại in thành sách. Ông ta cũng đổi họ của Hân Lợi Hanh thành Ân Lợi Hanh nhưng có thật ông đổi cả tên nhân vật Tiểu Siêu thành Tiểu Chiêu và Triệu Minh thành Triệu Mẫn?

Khi Kiều Phong thành Tiêu Phong, mọi người không ai dị nghị vì họ Kiều là họ của cha nuôi, họ Tiêu mới thực sự là họ của bố đẻ. Cũng xin mở ngoặc nhỏ, ông Lê Tất Điều vẫn ký là Kiều Phong. Nhưng đổi tên thì hơi lạ, nhất là nhân vật chính như Triệu Minh. Hay ông Từ Khánh Phụng lầm?

Xin để tồn nghi nhưng quả tình đối với độc giả miền Nam, trong lòng họ chỉ có Tiểu Siêu và quận chúa Triệu Minh.

*

Câu nói của ông Từ Chung thật sự đã phản ảnh một khía cạnh đặc biệt của báo chí Việt Nam. Báo có thể rất nghiêm chỉnh, tin tức bình luận đều hay nhưng không thể không có tiểu thuyết ăn khách.

Có thể là tiểu thuyết trinh thám như Z.28 với Tống Văn Bình. Có thể là Cậu Chó của Trần Đức Lai. Có thể là Nguyệt Đồng Xoài, Chú Tư Cầu của Lê Xuyên. Hoặc nữa là truyện kiếm hiệp của Lã Phi Khanh, của Kim Dung. Thiếu tiểu thuyết ăn khách, báo sẽ bán yếu đi. Báo bán ít thì quảng cáo sụt. Quảng cáo sụt thì lợi tức ít đi, báo sẽ chết.

Bởi vậy câu nói “phi kiếm hiệp bất thành báo” xem ra có vẻ giễu cợt nhưng không phải là không có phần đúng.

Lê Thiệp

 

[Trích từ tác phẩm Lững Thững Vào Đời của Lê Thiệp]