Cô ấy một chút thông minh, một chút nhan sắc. Bao nhiêu đó đủ
để ấy lấy bất cứ ai làm chồng, kể cả bộ trưởng, mà chả phải mặc cảm gì. Ấy lấy
tôi và tôi lấy ấy, và rồi đời ấy vận vào đau thương, số ấy quá xui.
Bạn bè tới nhà tôi chơi, rượu vào, bình phẩm xã hội bát nháo. Rằng biết đâu một kẻ hèn bất chợt thành đức cao vọng trọng, kẻ nghèo kiết có thể bất ngờ giàu sang, ai mà biết trước được ở đời này. Người hay chữ bảo vô thường rồi tán thưởng còn cô ấy nói bình thường và coi khinh. Ấy chỉ lo toan đời sống với nhiều nỗi sợ của riêng ấy. Nỗi sợ thái quá của ấy làm "Sụt giảm chất lượng cuộc sống nghiêm trọng". Nói như cách các nhà văn hóa dùng từ để đánh giá trong các hội thảo "Lo cho đời sống người dân nông thôn", nghe vui rơi nước mắt luôn.
***
Cô ấy sợ hết. Hết mắm, hết kem đánh răng, hết dầu ăn…
Hết thì mua, nhưng đó không phải cách nghĩ của ấy.
Ấy pha trà nhạt thếch, mười lần như một, lần thứ mười một
tôi giành pha. Tôi nói em pha trà năm ngón chứ đừng hai ngón, tức vốc trà bằng
năm ngón tay chứ đừng chỉ nhỏn hai ngón tay. Ấy sợ hết trà chứ không phải chậm
hiểu. Nhân kể chuyện ông cậu keo kiệt của tôi, ai không có khả năng sinh lợi
cho ông, ông cho người ta uống trà hai ngón, uống cà phê nước hai.
Ấy giặt đồ bỏ một ít xà bông rồi ra sức vò, thay vì bỏ nhiều
xà bông để đỡ tốn sức. Tôi xót cho sức ấy bỏ ra. Hãy bỏ nhiều xà bông vô, hết
thì mua mà, khuyên hoài không được, đành thôi. Ấy kể xưa, hồi con gái, khi giặt
không bỏ Viso, xà bông con ngỗng vừa cho sản xuất lại sau mấy năm giải phóng,
chỉ bỏ một tí khi giặt xong, ngâm rồi đem phơi cho thơm. Quãng những năm 1980,
em quen cô bạn con nhà giàu, tối nào đi coi hát bộ nó cũng giắt lưng quần cục
xà bông thơm Palmolive, ấy kể. Thời đó chấy rận đầy người vì thiếu xà bông
nhưng ấy phải quên đi chứ. Biết làm sao, đâu phải riêng ấy là người có gen
không quên. Lắm kẻ chóng quên thời gian khó, cái mặt vác lên trời, muốn đập.
Nhưng cứ nhớ mãi nỗi cơ cực thì hại mình, hại người thương mình.
Ấy chiên cơm đổ tí xíu dầu ăn, thành ra rang cơm. Thêm dầu
ăn đi, xưa khác còn giờ khác, hãy nghĩ đến con mình đang tuổi lớn nữa chứ. Ấy
thêm một chút khi tôi đứng bên nhưng lần sau thì… Ấy nói một lần bị cha phang
cây đòn gánh suýt mất mạng vì chiên cơm bỏ quá nhiều mỡ. Hết thì lấy gì cho lần
sau, cha ấy gầm lên. Tôi kể với ấy rằng ngày xưa tôi yêu một người vì người ấy
chiên cơm rất béo. Chẳng ăn thua… Ấy vẫn chiên cơm như rang cơm, còn chuyện tôi
yêu người chiên cơm rất béo, ấy bảo tôi ngu.
Tôi mua mấy lít dầu lửa để dành nhóm bếp nhưng hễ vắng tôi
là ấy đốt bao ni lông hay ruột xe đạp để nhóm lửa. Khói đó độc lắm, tôi nhắc, hết
dầu lửa thì mua mà. Ấy chỉ nghe khi có tôi ở nhà.
Cô ấy sợ đói. Có thể chỉ đói con mắt, ấy nói thế.
Ấy nấu cơm luôn dư, không phải dư một cục nhỏ trong nồi như
mẹ tôi mê tín rằng có như thế mới đủ đầy, mà dư đến nửa soong. Cái gì ấy cũng sợ
hết nhưng gạo thì không. Ấy bảo lớn lên ngày nào em thấy đói ngày đó. Ấy vẫn giữ
thói quen ăn cơm rất nhanh vì ngày xưa sợ anh chị em của ấy ăn hết. Hồi còn
"tại gia tòng phụ", em luôn chan mắm nhiều vô chén để xin thêm cơm vì
lý do mặn, cha em gườm gườm, ấy kể. Thương xưa ấy đói, tôi cũng đói, nhưng bây
giờ cơm cứ dư nhiều thì bực, dù tôi luôn bảo mình còn ăn nhiều thứ khác kia mà,
dàn xếp mãi vẫn không được. Cơm bỏ gà chê, chó cũng chê, hay là cơm được nấu từ
gạo giả?
Ấy nấu canh luôn nhiều nước. Thêm chút nước, lại thêm chút
nước và trở thành nồi canh cho cả tiểu đội ăn. Ấy bảo em cứ sợ thiếu và rồi lần
nào cũng nhiều nước như vậy. Ấy kể gia đình mình đến mười ba người, nồi canh
không nhiều nước thì sao đủ no. Đó là chuyện ngày trước, giờ phải khác chứ. Tôi
không giận ấy thì dám giận ai trên đời này. Cô ấy làm tôi nhớ thời ăn bếp tập
thể, nhà ăn xào món rau trong chảo cỡ năm mươi người ăn nhưng đổ nước thành
canh cho chin trăm người ăn, và gọi là "canh toàn quốc". Công thức
là: Món xào + Nước + Muối = Canh toàn quốc. Vậy mà không thằng sinh viên nào chết
vì suy nhược trước khi ra trường. Chỉ là ra khỏi trường không nhớ những gì mình
được học, nhưng lại nhớ kỹ những thứ bị học một cách mỉa mai. Nó thách thức mọi
lý thuyết về giáo dục và đào tạo.
Cô ấy sợ thiếu. Thiếu tiền.
Ấy đắn đo lui tới khi xuất tiền. Không bao giờ tôi hỏi tiền
mà ấy dễ dàng móc ra, dù tiền lương tôi vừa đưa ấy hôm trước, ấy muốn biết tôi
tiêu vô việc gì. Tôi nói tiền phải tiêu, còn ấy nói tiền phải để dành, hoàn
toàn trái ngược. Tôi than với ấy chất lượng cuộc sống chung sút giảm rõ rệt, ấy
cười bảo không hiểu. Ấy kể ngày còn nhỏ, lại ngày còn nhỏ để biện minh, vì cha
không có tiền mua chai dầu gió mà bà ngoại chết vào một đêm tháng Mười gió bấc
thổi phần phật vào tấm phên bằng tranh, cũng vì không có tiền nên phải đắp chiếu
bà ngoại đem chôn.
Có đoạn tôi đi nhậu liên miên với bạn, ấy lo. Ấy không lo
cho sức khỏe tôi, ấy không lo tai nạn xe cộ khi tôi say khướt, ấy lo rằng, nhậu
hoài với bạn mà không bỏ tiền mời bạn lần nào sao. Rượu mời thì uống/Rượu
mua thì đừng, tôi bắt được mạch nghĩ của ấy. Giận quá, định rủa hèn chi ông
bà xưa bảo "cưới vợ phải xem tông". Ém giận. Ấy sẽ đủ thông minh để
quật lại: "lấy chồng phải xem giống". Mà giống nhà tôi chẳng ra gì,
thấp bé, bạc nhược, mới năm mươi tuổi đã lắp răng giả, đầu bạc trắng như cụ.
Ấy sợ các loại cơ quan, tức nhà to và treo nhiều cờ
màu đỏ.
Ấy kể cha ấy một lần đến cơ quan làm giấy tờ, bị nạt nộ, ông
vừa sợ vừa uất vì bị mắng là đồ ác ôn của chế độ cũ. Về nhà ông gần như câm và
rất hung dữ với vợ con, đặc biệt hung với ấy. Hơn mười tuổi ấy mới hiểu tại
sao, tại vì mái tóc vàng ươm và cái mũi nhọn giống trẻ lai của ấy. Ấy cần biến
mất, cha ấy muốn thế.
Ấy luôn thích đi theo tôi, ấy bảo đi đâu với tôi có cảm giác
được che chở. Tôi hỏi ấy chỉ cảm giác thôi ư? Và ấy chưa bao giờ dám theo tôi đến
mấy cơ quan có treo nhiều cờ, trừ lần ấy đi với tôi đăng ký kết hôn.
Hai mươi lăm năm tôi dạy học đúng một trường. Ấy chưa bao giờ
đến trường tôi lần nào, vì trường cũng treo nhiều cờ màu đỏ. Ấy sợ cả giáo
viên, vì cũng một loại cán bộ gì đấy, là người ăn lương nhà nước. Thế sao em
không sợ tôi? Ấy bảo với tôi ấy quen rồi.
Ấy con lai, lai Mỹ trắng. Năm 2007, khá muộn, gia đình tôi gồm
hai vợ chồng cùng hai con vô lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn làm thủ tục định cư.
Ấy sợ quá, xỉu, vì lãnh sự quán cũng treo nhiều cờ, tôi giải thích với nhân
viên lãnh sự như vậy. Anh chàng trẻ, đẹp trai, làm gồ: "Sợ gì, chị bước
vào đây là đã bước vô đất Mỹ rồi". Ái chà, nghe như sắp đi Mỹ tới nơi. Tưởng
đâu họ sẽ hối đi Mỹ, quýnh lên chạy vấp té. Coi lại đã mười mấy năm, ấy và tôi
vẫn ở Việt Nam.
Ấy có còn sợ thiếu, sợ đói nếu được đi Mỹ? Tôi giả thử vậy,
tất nhiên tôi đã có câu trả lời.
Tôi đến thăm anh sau một trăm ngày chị mất vì căn bịnh ung
thư phổi. Căn nhà ngói cũ kỹ rêu mốc nhưng nồng ấm mùi nhang trầm. Tiếng tụng
kinh "Nam Mô A Di Đà Phật" đều đều phát ra từ cái máy nghe nhạc
nhỏ xíu. Tôi lại ô cửa sổ nhìn ra khu vườn hoang vắng vì thiếu bàn tay chị.
Anh chậm rãi pha trà, kể tôi nghe về chị như tôi vừa viết lại.
Anh dành tình cảm đặc biệt với chị, vừa thương vừa giận mà giận cũng chỉ để
thương hơn.
"Ấy đâu có tội tình gì mà ông trời hành đến mức vậy,
ngày đi chỉ còn nắm xương", anh đau đớn than. Tôi nhớ khi chị còn sống, nhớ
thôi chứ không dám nhắc với anh, anh nói trên đời không có con gì ác bằng con vợ,
ý anh diễn tả chị quản quá chặt đồng lương giáo viên ít ỏi của anh. Giờ thì anh
khen, cô ấy quá giỏi, có mấy đồng bạc lương mà thu vén chu toàn, nuôi con ăn học.
Phụ nữ họ đâu có tội gì, tất cả những gì tiêu cực xấu xa
trong xã hội, nếu lý giải tận cùng đều do đàn ông cả. Ai làm cô ấy sợ đủ thứ? Đều
là đàn ông, bởi phụ nữ họ đâu có khởi xướng làm cách mạng.
Ánh mắt anh lạc đi, thất thần, như người mất thứ quý giá nhất
trần đời. Anh nói vì hay cãi nhau, phàn nàn nhau nên bây giờ có quá nhiều thứ để
nhớ về cô ấy. Lời cô ấy gây bực mình giờ là lời ấm áp nhất đối với tôi, tâm
tình bên tôi mỗi ngày.
Mồ côi vợ rồi, anh muốn khóc, xưa cứ nói giỡn với mấy người
mất vợ, giờ đây tôi đã "mồ côi vợ" theo nghĩa đau buồn nhất của từ
này.
Tôi cần cho cô ấy, anh lại nói, có nghĩa là phải chia sẻ
luôn nỗi lo của ấy chứ. Tôi hiểu ra điều này khi cô ấy không còn. Tôi là cô ấy,
cô ấy là tôi. Chỉ là tôi, cũng như nhiều người, cố tình chối bỏ nỗi lo toan của
những sinh linh của một phận nước lận đận hẩm hiu.
Ấy cứ tưởng lấy anh giáo viên là sướng. Gặp ai ấy cũng khoe,
tôi sẽ làm đến chức hiệu phó sau khi nghe bà thầy bói phán. Biết hồi đó để ấy lấy
anh thợ hồ, người sau này làm được ông cai thầu nho nhỏ.
Tiếc, tôi quá bất tài, anh nói giọng đượm dư âm của chua
chát và khôi hài.