Tổ chức Y Tế Toàn Cầu cho biết vì tiếng xe cộ mà 340 triệu
người Tây Âu (ngang ngửa với dân số Hoa Kỳ) mất đi một triệu năm sống lành mạnh.
Bên cạnh đó, tiếng động lấy đi giấc ngủ an bình, làm tăng áp huyết, dẫn tới chứng
ù tai cũng như nhiều chứng bệnh về tim mạch, chưa kể khiến người ta sinh gắt gỏng,
mất chú ý, mất tập trung tư tưởng, mất bình an.
Con người cần thinh lặng vì thinh lặng kích thích sự tăng
gia tế bào não ở vùng Hồi hải mã, phụ trách phần học hỏi, trí nhớ và cảm xúc.
Tĩnh lặng đem sự thư giãn đến cho các bệnh nhân bị trầm cảm hay bị lẫn. Ngoài
ra, sự lặng im còn giúp ta dưỡng tâm dưỡng trí nữa.
Từ vài chục năm nay có người dành nhiều năm để tìm bắt cho
được sự yên lặng. Chàng này đã nắm được 21 nơi trong một tiểu bang miền Tây Bắc
nước Mỹ. Hai mươi mốt nơi này có được sự yên ắng hơn 15 phút liên tục trong
thiên nhiên mà không bị quấy rầy. Thế mà danh sách này rút xuống chỉ còn lại có
ba trong vòng hơn 23 năm! Tìm được sự lắng đọng hơn 15 phút đã hiếm ở bên Hoa Kỳ,
bên Âu Châu còn hiếm hoi hơn.
Một người khác, xưng là Y Sĩ Tiếng Động. Ông ta đại diện họ
hàng nhà yên tĩnh để giúp đứng lên làm cuộc đảo chánh, dù chỉ tạm thời, bằng
cách lập một danh sách 10 nơi mà tiếng động đã bị trói chặt chân tay, không còn
làm mưa làm gió, làm khổ đời nhân loại nữa. Một trong những nơi này là một căn
phòng tại Trung Tâm Thí Nghiệm Orfield ở Minneapolis. Đây là một phòng hoàn
toàn không có tiếng vang dội lại. Tường gắn bởi nhiều lớp ngăn cản tiếng động từ
bên ngoài và vô hiệu hóa tất cả tiếng động cũng như các làn sóng từ trường ở
bên trong. Khách tò mò muốn trải qua kinh nghiệm này có thể xin một buổi hẹn, với
điều kiện là họ phải có người canh chừng trong căn phòng hoàn toàn tối tăm và
im ắng đó. Lý do là không ai chịu được tới 20 phút vì họ cảm thấy như bị tra tấn
bởi những tiếng động của chính lục phủ ngũ tạng của mình.
Tại sao Y Sĩ Tiếng Động này chỉ tìm được có 10 nơi trên hành
tinh mầu xanh 510,072,000 triệu cây số vuông? Điều này chứng tỏ sự tĩnh lặng thực
sự đang là một viên ngọc quý, một giống chim lạ như phượng, như long. Thói thường,
trên đời người ta chỉ đi tìm, đuổi bắt, hay tìm lại khi điều họ đang tìm đang
đuổi bắt hay đang tìm lại khi điều này đã mất dấu, đã quay lưng, đã trở thành
hiếm hoi. Có ai đi tìm ánh sánh mặt trời khi ngày ngày đều thấy vạn vật tắm đẵm
bởi ánh nắng chan hòa của thần Thái Dương? Có ai đi đuổi bắt bóng hình mình khi
hình bóng đó đang nhìn mình trong gương? Có ai đi tìm lại tên một người đã từng
làm hồn mình thổn thức quay quắt khi người đó đang hiện diện kế bên?
Gần một năm nay, toàn cầu đã tìm lại sự thinh lặng, dù chỉ tạm
thời tương đối. Tiếc thay, để có một liều thuốc bổ cần thiết cho vùng Hồi hải
mã của não bộ, thế giới phải có một biến cố gì đó khiến mọi sinh hoạt trong mọi
khía cạnh của đời sống trên mặt địa cầu gần như phải gián đoạn. COVID-19 đó. Vì
tránh lây lan, các nhà cầm quyền đã ra lệnh hạn chế tụ tập, hạn chế mua sắm, hạn
chế thăm viếng và nhiều thứ hạn chế khác … Tất cả mọi sinh hoạt trên thế giới rộng
lớn này cần phải nhờ vào các phương tiện giao thông. Xe cộ, phản lực cơ, tầu thủy,
tầu lửa … nay không có nhiều người sử dụng đã nằm ụ tại sân ga, sân bay, bến
tàu. Hậu quả tất nhiên là sự tĩnh lặng đã trở về. Khí trời sạch hơn, không gian
yên ắng hơn. Con nai, con gấu lân la đến gần khu dân cư hơn. Thiên nhiên và người
ta tiến gần nhau hơn. Để đổi lại, hành tinh màu xanh đã mất đi cả triệu người bất
kể màu da tiếng nói và tuổi tác.
Có muộn rồi khi ta không thể lội ngược dòng, sống lại thuở
sơ khai để tìm lại sự yên tịnh của những thế kỷ trước, khi người còn ít, văn
minh còn thơ sơ, khi cách mạng kỹ nghệ chưa xẩy ra? Có muộn không khi sự tiến bộ
kỹ thuật đã đi vào con đường một chiều, không có lối quay về?
Trong khi chờ đợi, ta tạm đi tìm nơi vắng vẻ, tìm nơi không
điện thoại, không tiếng xe cộ, không tiếng nhạc. Chỉ nghe tiếng chim hót trên
cành, tiếng ong vo ve, tiếng suối róc rách, tiếng gió vi vu. Một trong mười nơi
mà Bác Sĩ Tiếng Động tìm được là Ushuaia, Á Căn Đình. Tại nơi đây, người ta phải
lái 731 dặm mới tới một phi trường, hoặc 732 dặm mới tới một cây xăng.
Sự yên tĩnh đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Khổng thị Thanh-Hương