Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…(1)
Câu hát quen thuộc, chỉ khác là “tiếng nước tôi” ở đây không
phải tiếng Việt của nước Việt mà là tiếng Anh của nước Mỹ.
Những bạn trẻ gốc Việt ra đời ở Mỹ nếu có hát như vậy (hát bằng tiếng Mỹ, tất
nhiên) thì cũng chẳng có gì lạ. Nếu có lạ chỉ là những người Việt nói tiếng Việt
thành thạo, không ra đời ở Mỹ nhưng lại yêu tiếng nước Mỹ hơn cả “tiếng nước
tôi” của mình.
“Chị cảm thấy rất là hép-pì.”
Một bà ca sĩ lớn tuổi, ăn mặc láng mướt, vẻ mặt phấn khởi hồ hởi, phát biểu cảm
tưởng trong khúc phim quảng cáo thương mại trên một đài truyền hình quen thuộc
của người Việt.
Mặt hàng quảng cáo là một loại kem dưỡng da Nhật Bản. Khi được hỏi “Sau khi
dùng qua mỹ phẩm này chị thấy thế nào?” bà trả lời như vậy.
Ý bà muốn nói loại kem dưỡng da này rất tốt, dùng rất công hiệu và bà rất hài
lòng. Tiếng “happy” được bà nhấn mạnh, tỏ rõ sự… happy.
Bà không nói “rất vui sướng” hay “rất vui mừng” mà nói “rất là hép-pì”. Có thể
do bà quen miệng, cứ lúc nào “hép-pì” được là “hép-pì”. Hoặc bà quên ít nhiều
tiếng Việt chăng? (Không có lý nào, bà ca sĩ qua Mỹ khi đã lớn tuổi thì dễ gì
quên được tiếng mẹ đẻ, nhất là những tiếng “vui”, “buồn”, “sướng”, “khổ” ấy rất
gần gũi và quen thuộc trên cửa miệng người dân Việt từng bao phen “khóc cười
theo mệnh nước nổi trôi”).(1)
Hoặc bà cho là nói “happy” thì sành điệu và đẳng cấp hơn nói “vui mừng” hay
“sung sướng”? Hoặc khán giả truyền hình là người Mỹ gốc Việt nên bà phải nói nửa
Việt nửa Mỹ như thế cho dễ hiểu? (Thế thì vì sao không nói “I feel so happy”
luôn cho tiện, lại dễ hiểu hơn).
Cho dù lý do gì, bà ca sĩ này cũng yêu tiếng nước Mỹ hơn “tiếng nước tôi”.
Nhớ có lần vợ chồng tôi đi dự một đám cưới Việt-Mỹ. Chàng rể người Mỹ cao ráo đẹp
trai. Cô dâu người Việt, rời Việt Nam năm hơn mười tuổi, nói được cả hai thứ tiếng
Việt và Mỹ trong lúc bố mẹ cô thì không rành tiếng Mỹ.
Khách mời một nửa là khách Việt, một nửa là khách Mỹ. Hai MC, một chàng người Mỹ,
một cô người Việt. Chàng MC người Mỹ nói tiếng Mỹ, tất nhiên. Cô MC người Việt
cũng trổ tài nói tiếng Mỹ rào rào, chỉ khi giới thiệu họ nhà gái thì cô nói
chút chút tiếng Việt.
Đến màn cảm tạ công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành thì cô dâu yểu điệu bước tới,
đứng trước mặt bố mẹ mình, tuôn ra một tràng tiếng Mỹ. Trông hai ông bà già đứng
nghệch mặt ra nghe cô con gái yêu quý nói với mình bằng thứ “tiếng lạ” mà tội
nghiệp.
Mãi đến khi thấy khách khứa vỗ tay khen ngợi cô dâu, hai ông bà cũng vỗ tay
theo, cười cười rồi ngượng nghịu ngồi xuống.
“Cô dâu không nói được tiếng Việt à?” một bà ngồi bàn tôi hỏi.
“Được quá đi chứ,” một người trả lời, “nhưng mà nói tiếng Mỹ cho khách Mỹ hiểu.”
“Như vậy thì đâu phải là nói với bố mẹ.”
Tôi không có ý kiến gì để giữ cho không khí tiệc cưới được vui vẻ.
Nghe hai MC đối đáp tiếng Mỹ lách chách mệt quá, số thực khách người Việt bèn
quay sang nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ của mình cho thoải mái.
Cô dâu và cô MC người Việt trong tiệc cưới này rõ ràng là yêu tiếng nước Mỹ hơn
“tiếng nước tôi”.
Không chỉ người Việt ở nước ngoài mà nhiều người trong nước cũng tỏ ra đặc biệt
yêu chuộng ngoại ngữ này, như yêu chuộng “hàng ngoại”.
Từ quan chức nhà nước đến các nghệ sĩ, ca sĩ có dịp ra nước ngoài trình diễn
cũng chịu khó trang bị lận lưng ít vốn liếng tiếng Anh.
Người phỏng vấn hỏi rặc tiếng Việt, người trả lời thì cố đưa vào những
“feeling”, “ending”, “intro”, “style”, “melody”, “livestream”, “live show”,
“talk show”… tá lả tà la để tỏ ra sành sõi và phong cách Mỹ không kém ai.
Mới đây Bộ Giáo Dục trong nước còn đề xuất nhà nước sớm chính thức công nhận tiếng
Anh từ một ngoại ngữ được “nâng cấp” để trở thành ngôn ngữ thứ hai sau tiếng Việt,
như một “yêu cầu bức thiết để bắt kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến”.
Trong khi đó, nhiều người Việt ở nước ngoài tỏ ra linh hoạt hơn qua cách sử dụng
kết hợp ngôn ngữ thứ nhất và ngôn ngữ thứ hai một cách thoải mái.
Ngày trước ta chỉ nghe “xổ Nho”, “xổ tiếng Tây”… chứ hiếm khi được nghe kiểu
nói “song ngữ” khá phổ biến, chẳng hạn:
“Bà xã vừa lấy vacation tôi liền book vé đi tour Las Vegas, giá sale rất
cheap.” Hoặc:
“Tôi mới move vào nhà này tháng trước. Nhà gần freeway, gần gym, có ba
bedrooms, parking thoải mái, roof mới thay, trước nhà có view nhìn ra cái lake
đẹp lắm, sau nhà có cái deck hết sẩy. Khu này vừa safe vừa quiet, neighbors rất
là nice.”
Kiểu nói song ngữ Việt-Mỹ này có thể được giải thích, do người Việt mình sống
chung đụng trong môi trường nói tiếng Anh lâu ngày và “chịu một sự đồng hóa gần
như vô thức”, nói như nhà văn Phạm Xuân Đài, có những từ ngữ tiếng Anh thật gần
gũi, quen thuộc nơi đầu môi chót lưỡi, cứ thuận miệng là phát ra một cách tự
nhiên thôi.
Phiền một nỗi là cách nói “Việt-Mỹ giao duyên” này không chỉ trong sinh hoạt
thường ngày mà còn đi vào các phương tiện truyền thông đại chúng như phát
thanh, truyền hình, báo chí…
Nếu những tiếng ngoại ngữ ấy là “thuật ngữ tiếng Anh chuyên dụng”hoặc đã được
Việt hóa và trở thành thông dụng trong ngôn ngữ tiếng Việt thì khả dĩ chấp nhận
được.
Nói tiếng Việt trộn lẫn tiếng Mỹ, với không ít người, được xem như một cách “tạo
dáng”, thể hiện phong cách thời thượng và sành điệu trong giao tiếp.
Hình thức “giao lưu văn hóa” hay “phối hợp nghệ thuật” nửa Tây nửa Ta, nửa Việt
nửa Mỹ này được ví như mặc áo dài với quần jeans, hoặc ăn phở hay chả giò với
ketchup thay vì với tương ớt, nước mắm.
Không chỉ văn nói mà đến cả văn viết cũng không thiếu lối hành văn Việt-Mỹ sánh
đôi nhau như vậy.
Trên một trang báo tôi đếm được hơn chục từ ngữ tiếng Anh là những tiếng đều có
thể thay bằng từ ngữ tiếng Việt quen thuộc ai đọc cũng hiểu.
Trong lúc nhiều phụ huynh đưa con em đến các trường dạy Việt ngữ để học lấy tiếng
Việt của ông bà, cha mẹ thì lại có những phụ huynh lấy làm tự hào rằng con mình
giỏi tiếng Mỹ không thua gì học sinh… Mỹ.
Trong lúc người Việt ở nước ngoài chế giiễu về chữ nghĩa và cách dùng “từ
Hán-Việt” kỳ cục ở trong nước thì người Việt trong nước cũng nhăn mặt nhíu mày
với cách dùng “song ngữ Việt-Mỹ” lạ đời của không ít “Việt kiều hải ngoại”.
Công bằng mà nói, nếu chịu khó từ bỏ thói quen nói/viết tiếng Việt chen tiếng
Anh một cách không cần thiết ấy, tiếng Việt của người Việt ở nước ngoài dẫu sao
vẫn gần với “quốc ngữ là chữ nước ta” và ít nhiều vẫn giữ được tính trong sáng,
lành mạnh so với những “sáng tạo” và “cải cách” tiếng Việt trong nước.
Bệnh “quên” tiếng Việt
Nhớ có lần về nước thăm gia đình, trong lúc trò chuyện với mấy đứa cháu con của
ông anh tôi, một cháu nói:
“Chú tài thật, đi lâu mà vẫn nhớ được tiếng Việt trong lúc nhiều người đi sau
chú thì lại quên.”
“Làm sao cháu biết là họ quên?” tôi hỏi.
“Khi nói chuyện họ thường phải chen tiếng Anh vào.”
“Họ… giả vờ quên đấy,” tôi cười, “cũng tựa như ‘gặp nhau làm ngơ’ vậy.
Từ hôm chú về đây cháu có thấy chú nói một câu, một chữ tiếng Mỹ nào không? Tiếng
Việt đã trót nằm trong máu trong thịt mình rồi, có muốn quên cũng đố mà quên được.”
Nếu xa quê lâu ngày mà “quên” cả tiếng Việt thì hầu như chỉ “Việt kiều” ở Mỹ và
các nước nói tiếng Anh là hay… quên chứ hiếm thấy “Việt kiều” nào khi nói chuyện
phải chen tiếng Nga, tiếng Tàu, tiếng Đức, tiếng Nhật hoặc tiếng Thái, Lào,
Campuchia vì… quên mất tiếng Việt.
Nói cách khác, quên tiếng Việt là kiểu quên có chọn lọc… ngôn ngữ.
Những dạng “Việt kiều quên tiếng Việt” này có khá nhiều và cũng là những người
yêu tiếng nước Mỹ hơn “tiếng nước tôi”.
Trả lời câu hỏi của đứa cháu, “Bên đó người Việt chắc ít có dịp nào nói tiếng
Việt?”, tôi phải giải thích:
“Ở đâu thì chú không rõ chứ ở những tiểu bang, thành phố có đông người Việt thì
có khi chả cần phải học tiếng Anh. Mọi sinh hoạt thường ngày hầu như đều sử dụng
tiếng Việt. Đọc sách báo, nghe đài phát thanh, xem đài truyền hình, đi chợ, đi
mua sắm, đi nhà thờ, chùa chiền, đi khám bệnh, sửa xe hay đi xem ca nhạc, giải
trí… đâu đâu cũng tiếng Việt ríu ra ríu rít.”
Không phải cứ sống ở Mỹ sáu tháng, một năm là nói tiếng Mỹ rào rào như nhiều
người tưởng. Những người lớn tuổi qua Mỹ chỉ học qua vài lớp ESL thì khó mà “hội
nhập ngôn ngữ” để sử dụng tốt tiếng Anh trong giao tiếp và tìm được việc làm
thích hợp, có khi còn bị kỳ thị nơi làm việc do tiếng Anh kém.
Cũng vì Anh ngữ khó như vậy, nhiều người Việt tự động “Việt hóa tiếng Mỹ” qua
cách phát âm “đặc trưng” của người Việt cho dễ nói, dễ nghe (tất nhiên chỉ mình
nói mình hiểu với nhau thôi chứ người bản xứ thì chịu thua), đại khái: “nai”
(nice), “neo” (nail), “meo” (mail), “xeo” (sale), “óp” (off), “xen” (send),
“mu” (move), “lin” (clean), “cúc” (cook), “bí-dì” (busy), “me-nìu” (menu), “o-đờ”
(order), “rì-xíp” (receipt), “lai-xần” (license), “ken-xồ” (cancel),
“phây-búc”, (facebook), “mu-vì” (movie), “xóp-pìng” (shopping), “kem-pìng”
(camping), “uých-kèn” (weekend)… vân vân.
Cách phát âm tiếng Mỹ này khá phổ biến trong cộng đồng người Việt, thường là
người Việt lớn tuổi. Một mẩu đối thoại nghe được trên xe bus giữa hai phụ nữ
“người Mỹ gốc Việt”:
– Chợ “Xếp-quầy” (Safeway supermarket) đang “xeo” (sale) nước “chíc-cần”
(chicken soup), chị đón xe “bớt” (bus) ở trước tiệm “pi-già” (pizza) tới đó
mua.
Những “người Mỹ gốc Việt” này khi về thăm nhà mang theo thứ “tiếng Mỹ gốc Việt”
nổ như bắp rang ấy vì trót… quên tiếng Việt.
Không chỉ quên tiếng Việt thôi, các “Việt kiều” này còn quên nhiều thứ khác,
như quên thuở hàn vi là những ngày rách bươm sau cuộc đổi đời năm 1975, hay
quên rằng vì sao mình có mặt trên đất nước tự do gọi là “quê hương thứ hai”
này, hay quên rằng mới ngày nào còn hát hỏng “Sài Gòn ơi!”, “Mẹ Việt Nam ơi!”…cứ
như đã nghìn trùng xa cách,thế rồi chỉ sau ít năm là đi đi, về về xoành xoạch,
là “book” hết “tour” này đến “tour” nọ để được “travel” giá rẻ, cứ làm như là
phải về Việt Nam thì mới có chỗ đi du lịch vậy.
Một vài mẩu phát ngôn ghi nhận được từ những “Việt kiều” quên… đủ thứ khi về
thăm nhà:
– Quên mất, tiếng Việt gọi cái này là gì nhỉ?
– Con gì vậy?… Oh my God! Con gián sao mà lớn thế. Gián bên đó nhỏ xíu mà đã thấy
khiếp rồi.
– Wòw! Bên này đi ngủ phải giăng mùng à? Bên đó làm gì có muỗi.
Cứ thế, hết “bên đó” lại “bên này”.
– Sợ quá! Chả dám băng qua đường, cũng chả dám ngồi xe gắn máy. Giao thông kiểu
gì ghê quá.
– Chịu! Ai lại ngồi ăn uống trên vỉa hè thế này, mất vệ sinh quá.
– Cái ly này có sạch không đấy? Có chai nước khoáng nào thì cho xin.
– Sao lại cứ bịt mặt như là Ninja ấy nhỉ? Chả biết ai là ai.
– “Điện thoại cầm tay”, buồn cười nhỉ! Sao lại phải cầm tay, nắm tay? Điện thoại
nào mà chẳng cầm tay. Lại còn “điện thoại thông minh” nữa, chả nhẽ lại có “điện
thoại dốt”.
Đấy là những “Việt kiều” mới xa quê chừng vài năm, đến lúc quay về chốn cũ thì
cứ như là Từ Thức về trần hay người đến từ hành tinh nào khác, ngơ ngơ ngác
ngác giữa cõi người.
Thường thì bệnh “quên” là căn bệnh tâm lý của người muốn chối bỏ quá khứ không
lấy gì làm vẻ vang lắm, không giống như những gì ngủ quên trong tiềm thức do
lâu ngày không đụng tới hoặc không ai đánh thức.
Một người có thể sử dụng một, hai hay nhiều ngôn ngữ, có điều ngôn ngữ nào mà
người ta dùng bày tỏ những tâm tư tình cảm thì hẳn là ngôn ngữ chính.
Nhiều người Việt lớn tuổi vẫn nói rằng những khi cần chia sẻ buồn vui, tâm sự đầy
vơi thì chỉ có tiếng Việt mới bộc lộ hết được những nỗi niềm.
Nói “Trời đất!” hay “Trời đất ơi!” nghe “đã” hơn nói “Oh my God!”
Nói “Tôi sung sướng quá!” hoặc “Tôi sướng quá!” nghe… sướng hơn nói “I’m so
happy!”
Nói “Con yêu Bố/Mẹ quá!” nghe xúc động hơn nói “Daddy/Mommy, I love you so
much!”
Thử đọc qua một đoạn trong bài của Nguyễn Thanh Việt (I Love America. That’s
Why I Have to Tell the Truth About It, TIME, 11/26/2018), nhà văn Mỹ gốc Việt,
tác giả tiểu thuyết The Sympathizer được trao giải Pulitzer 2016:
“Từ khi khôn lớn, tôi chưa từng nói ‘I love you’ vì bố mẹ tôi chưa từng nói ‘I
love you’ với tôi. Điều đó không có nghĩa là bố mẹ tôi không yêu tôi. Họ yêu
tôi nhiều đến nỗi làm việc đến kiệt sức ở nước Mỹ mới mẻ này.”
Rồi tác giả kể mẩu chuyện:
“Người đàn ông bên cạnh tôi gốc Á châu, không đẹp trai, phục sức giản dị. Ông
nói chuyện bằng tiếng Việt, giọng miền Nam trên điện thoại di động.
‘Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa?’
Dáng dấp ông trông hơi thô, có lẽ thuộc giới lao động. Nhưng khi nói chuyện với
con mình bằng tiếng Việt, giọng ông rất dịu dàng. Những gì ông ta nói không thể
dịch được, chỉ có thể cảm nhận thôi.
Theo nghĩa đen từng chữ, ông ta nói, ‘Chào con. Đây là cha của con. Con đã ăn
cơm chưa?’
Câu nói chẳng có ý vị gì trong tiếng Anh, nhưng bằng tiếng Việt nó ngụ ý tất cả.
‘Con ơi, Ba đây. Con ăn cơm chưa?’
Đây là cái cách người chủ nhà chào đón khách đến nhà, bằng câu hỏi họ đã ăn gì
chưa. Đây là cái cách cha mẹ, những người không bao giờ nói ‘I love you’ với
con cái, tỏ lộ tình thương yêu chúng.
Tôi lớn lên với những phong tục, những cảm xúc, những bầy tỏ thân mật này, và
khi tôi nghe người đàn ông kia nói chuyện với con mình, tôi suýt khóc.
Nhờ thế, tôi biết rằng tôi vẫn là người Việt, bởi vì lịch sử nằm trong máu và
văn hóa là dây rốn của tôi.”(2)
“Tôi biết rằng tôi vẫn là người Việt”, anh chàng Nguyễn Thanh Việt này theo bố
mẹ rời Việt Nam khi mới lên bốn, lên năm mà đến nay vẫn không quên cái “dây rốn
của tôi”, nói như anh ta.
Hơn thế nữa, anh lại cảm động đến “suýt khóc” khi nghe một ông bố hỏi con mình
bằng tiếng Việt, “Con ăn cơm chưa?”
Vậy mà, nhiều người Việt mới chỉ bỏ nước ra đi một vài năm thôi đã vội vàng
quên trước, quên sau.
Chuyện “quên” tiếng Việt và kiểu pha trộn ngôn ngữ Việt-Mỹ ấy liệu có phải là một
dạng bệnh lý hay chỉ là một thói tật khó bỏ.
Nếu gọi là “bệnh”, hẳn là bệnh sùng bái tiếng nước ngoài; nói rộng hơn, bệnh
sùng bái hàng ngoại.
Nói chung, cái gì “made in USA” đều vượt trội “made in Vietnam”, tất nhiên gồm
cả ngôn ngữ và văn hóa.
Bệnh này không phải dễ chữa, lại dễ lây lan với tâm lý ai sao mình vậy, mọi người
đều làm thế thì mình cũng làm theo để… hòa đồng và theo kịp mọi người.
Mọi phương cách trị liệu, nói như cách nói bây giờ, hầu như… bó tay.
Mẹ Việt Nam hẳn phải buồn tủi vì những đứa con mình đứt ruột sinh ra trên mảnh
đất quê nghèo lại yêu tiếng nước ngoài hơn cả “tiếng mẹ sinh từ lúc nằm
nôi”.(1)
Lê Hữu
(1)“Tình Ca”, nhạc Phạm Duy
(2)“Viet Thanh Nguyen:Tôi yêu nước Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi phải nói sự thật
về nó”, Nguyễn Đức Tường.