Thời tiết còn đang Đông. Hơn sáu giờ mà trời vẫn còn âm u vì
thần Thái Dương lười chưa muốn dậy. Thiếu ánh nắng, vạn vật còn đẫm mình trong
sương. Co ro, người cũng lạnh theo. Tôi quấn khăn quàng cổ, khoác thêm chiếc áo
ấm rồi cùng người bạn đời ra khỏi nhà, đón ngày mới.
Trời còn sớm, cửa nhà nào nhà nấy vẫn còn đóng kín, không có
ai qua lại trên đường, ngoại trừ một vài con mèo lặng lẽ đi quanh quẩn trên đường
hay trong những sân nhà. Tiếng chim đánh thức nhau dậy trong lùm cây, xen lẫn
tiếng gà gáy đó đây cho biết ngày mới đã bắt đầu. Vừa bước vào đường Mill khoảng
vài trăm thước, tôi nhận thấy có điều khác thường. Gần hai năm nay, mỗi lần đi
vào con đường này, chúng tôi để ý đến một căn nhà bỏ hoang. Mái đã gần như hoàn
toàn quỵ sập, nhìn như đang dùng hết sức bình sinh còn lại, oằn người chống đỡ
với thời gian mưa gió; cột nhà thì đổ xiêu, đổ vẹo; cỏ dại mọc cao hơn đầu người,
nửa tá cây cổ thụ đứng ngạo nghễ nhìn đời trong sân trước, vườn sau; giây điện,
dù đã cắt rời cột chánh, vẫn treo lủng lẳng nơi một góc nhà. Chúng tôi luôn thắc
mắc bao giờ căn nhà này mới được sửa sang.
Hôm nay thì đã có nhiều dấu hiệu thay đổi. Ai đó đã mua lại
căn nhà, hoặc chủ nhà hay thân nhân của họ đã quyết định sửa sang căn nhà xưa
cũ. Những dấu vết hoang tàn đổ nát đã không còn. Cỏ hoang và các cây cổ thụ đã
được dọn sạch. Hai thùng sắt đầy ắp các vật phế thải đang nằm trong sân, đợi
kéo đi. Tôi vui với những gia đình trong xóm này. Chiếc gai tưởng đã không bao
giờ được bứng khỏi khu xóm bỗng chốc đã tan biến như hơi sương.
Cách khu đất đang khai quang khoảng một phần tư cây số là đường
cụt. Ai không là thổ công nơi này thì sẽ quay trở ra. Nhưng vì đã quen thuộc với
con đường, chúng tôi ung dung bước qua cánh cổng hẹp. Cổng nằm nép mình dưới
hai cây lan Hồng Kông cổ thụ màu trắng và hồng luôn trổ bông thơm nhẹ, như mùi
phấn của các nàng con gái hay làm dáng. Chủ nhân ngôi biệt thự là người Gia Nã
Đại, theo sự yêu cầu của thành phố mở cổng 12 tiếng mỗi ngày và chỉ đóng cổng một
lần duy nhất trong năm, vào tháng Hai.
Sáng nay, một vài thanh niên trẻ theo sau chúng tôi xuống
bãi. Hai thân già ngừng lại để họ qua mặt. Nhìn những bàn chân thoăn thoắt
trong những đôi dép cao su mà tôi thấy phục trong lòng. Mình đã đi giầy Ba-ta
mà còn chăm chú lê từng bước một, vì chỉ cần vô ý giẫm lên một quả kukui (cây
đèn cầy) hay quả macadamia thì chiếc giầy sẽ coi như là được gắn
thêm bánh xe mà không có thắng. Sau một đoạn đường vòng vo dưới các lùm
cây kukui và macadamia và vài loại cây không
tên khác, chúng tôi quẹo vào một con đường mòn chạy dọc theo con suối nhỏ dẫn
ra biển. Cả ba tháng nay trời mưa liên tiếp, nước đã theo đồi theo núi đổ xuống
ào ào, nâng mực nước lên cao như một dòng sông. Chúng tôi men theo con đường
mòn trơn trượt phủ nhiều lá sũng ướt. Trên lớp bùn đất một vết trượt chân của
ai đó để lại, có lẽ trước đó không lâu. Chỉ trong chốc lát bờ biển hiện ra trước
mặt. Mấy thanh niên qua mặt chúng tôi lúc nẫy đang bơi ra xa trên tấm ván trượt
nước của họ.
Nhìn những người trẻ vượt sóng một hồi, tôi đưa mắt ngắm những
ngọn sóng đang xô lấn dắt díu nhau vào bờ. Lắng tai nghe tiếng sóng vỗ trên
cát, dường như chúng đang thì thào lời vĩnh biệt. Tôi thầm thì ngỏ lời làm
quen: “Cuộc hành trình nào thì cũng phải tới bến. Ngọn gió nào đưa sóng sang
đây? Sóng chỉ mới được tạo ra trên mặt đại dương mênh mông hay sóng đã dập dềnh
tới đây, từ bờ bên kia biển Thái Bình? Sóng có biết nơi đó có các con, các
cháu, các em ta, 14 tháng rồi không ôm, có đứa cháu nội mới sanh chưa hề một lần
hôn, có hình hài của một người em đã vĩnh viễn chia xa?” Không biết từ bao giờ,
những đợt sóng đã biến thành những chuỗi bọt biển lấp lánh như pha lê, rồi tan
tác thành từng hạt sóng cô đơn, biến mất tăm vào vòng tay độ lượng của tấm thảm
cát màu đen, thấm nhanh như một tờ giấy thấm học trò.
Tiếng xì xào của sóng làm dịu hồn tôi. Như vô vàn hạt cát
đang lắng dần xuống đáy chiếc lọ thủy tinh vừa bị lắc tung, những hỉ nộ ái ố
trong đời sống của tôi lắng dần, lắng dần. Tôi chẳng còn nhớ tới điều gì mình cần
làm hôm nay, những toan tính trong tương lai gần xa, những nỗi buồn vô duyên cớ
từ ngày đại dịch kéo đến. Lạ thật, từ khi bước qua cánh cổng của căn biệt thự,
tôi như đi vào một thế giới khác, một thế giới chỉ dành riêng cho những gì
không thuộc về phố thị phồn hoa trên kia. Đó đây tiếng chim hót trong lùm cây,
tiếng dế trong bụi cây làm nhột tai khách nhàn du, tiếng sóng xì xèo lịm tan
khi chạm vào thảm cát đen mun, tiếng gió xạc xào trên những tàng dừa, bên đường
mòn xuống biển … Những tiếng động quen thuộc này đã rưới nhẹ vào hồn tôi một sự
bình an thanh thoát. Ngắm biển, nghe biển, ngửi biển một hồi, hai đứa chúng tôi
quay về. Chào tạm biệt bãi cát. Chào vĩnh biệt những ngọn sóng lao xao.
Khổng thị Thanh-Hương