05 June 2021

CHUYỆN TRÊN ĐƯỜNG PHỐ - Nguyễn Lê Hồng Hưng

Chiều về trên bến cảng Hamburg đã bớt ồn ào náo động, nhiều chiếc tàu buôn đến từ ngàn khơi đã yên vị bên kè đá và những chiếc đò dọc chạy dưới dòng sông cũng thưa thớt khách du hành. Một gã đàn ông trạc năm mươi tuổi bước thong thả từ dưới bến cảng lên con đường lót gạch hướng về đường hầm sông Elbe. Một người đàn bà tóc chấm vai, mặt không phấn, môi không son, thân hình tròn trịa, vóc dáng thấp và gọn gàng trong chiếc áo lạnh màu tro. Bà đứng ở đầu đường hầm, thấy gã đàn ông đi tới, bà ta ra dáng lắc lư thân hình làm chiếc bóp da đeo vai đu đưa qua lại. Mắt bà mở to nhìn gã từ đầu tới chưn, gật gật đầu, miệng mỉm cười. Gã đàn ông không tỏ vẻ mừng rỡ cũng không một cử chỉ xã giao, gã cất tiếng hỏi trỏng:

- Khoẻ hông?

- Được thôi. Còn anh?

- Vẫn vậy.

Người đàn bà đưa tay lên đầu gã tha tha mái tóc:

- Vậy gì mà vậy, tóc bạc trắng, già tới nơi rồi.

- Ngót nghét năm mươi rồi, còn trẻ trung gì nữa. Chờ có lâu lắm không?

Người đàn bà chỉ tay thẳng về hướng con lộ:

- Ba mươi phút mới thấy anh thấp thoáng ở đằng kia.

- Biết tới sớm tui đi tắc-xi cho lẹ.

Bà lắc lắc cái đầu dịu giọng:

- Không sao, lâu lắm rồi tui không có dịp đợi ai, hôm nay đứng đợi anh tui thấy cũng thinh thích.

 

- Biết vậy tui lên trễ cho cô đợi thoả thích.

- Lối nói chuyện của anh tới già vẫn vậy.

Người đàn bà câu tay gã, hai người sánh vai nhau đi vô thang máy, bấm nút cho thang chạy xuống đường hầm. Trong đường hầm không một bóng người. Họ trò chuyện vừa đủ nghe nhưng âm thanh vẫn dội vô vách đá rền rền.

- Cuối cùng rồi tui cũng gặp lại cô, nhưng cô thay đổi nhiều quá, nếu gặp nhau chỗ khác thì chắc nhìn hổng ra.

- Anh đen hơn xưa nên trông già dặn chớ không thay đổi gì cho lắm.

- Đàn bà dễ thay đổi hơn đàn ông.

- Nhưng họ nhớ dai lắm, hơn hai mươi năm qua, đây là lần thứ hai tui băng ngang đường hầm nầy, mà cả hai lần đều đi với anh.

- Nghĩa là cách đây hơn hai mươi năm. Lạ thật, lần nào tàu ghé Hamburg tui cũng qua đây ít nhứt một bận. Nhưng mỗi bận đi ngang đây là nhớ tới cô. Cô còn nhớ không, lần đó đi tới giữa đường cô sợ tường bể nước ngoài sông tràn vô chết ngộp cô câu tay tôi cứng ngắt, đi trong hầm mà cô làm như đi ngang mấy chiếc cầu ván long đinh ở quê mình.

Người đàn bà nép xác vô người đàn ông như muốn tìm hơi ấm:

- Bây giờ không sợ chết ngộp nữa, nhưng mà lạnh quá.

- Mình ở dưới lòng sông mà, trong nầy chỉ có mùa hè mát mẻ, còn lại thì lạnh ngắt lạnh tanh.

- Mà nè, anh nói nhớ tui mà sao hổng ghé nhà thăm?

- Sống bên nầy ai cũng bận rộn chuyện sở làm, còn dư thời giờ lo cho gia đình. Tui thì đến, đi bất thường sợ tới nhà sẽ làm sai lệch thời khóa biểu của gia đình cô. Hơn nữa còn chồng cô, tui hổng biết tánh tình ông ấy ra sao.

- Hồi nghe tui nói xuống thăm anh, ảnh có nhắn, nếu rộng thời giờ mời anh ghé nhà chơi.

- Được đức ông chồng như vậy là hết xẩy rồi.

- Xạo nữa đi.

Vài bóng người xuất hiện phía trước, ai ai cũng thông thả đi không có vẻ vội vàng. Hai người đi tà tà một lát đã lên tới bên kia bờ. Nắng vàng trải trên mặt nước, đò dọc chở du khách ngược xuôi giữa dòng, chim nhàn bay theo sau lái từng bầy. Trên bờ sông người ta bận áo ấm dầy đi dạo rất đông. Hai người dừng lại dưới thềm đá phân vân. Người đàn bà hỏi:

- Đi đâu đây ?

- Trước kia cô thích ngắm sông lắm mà.

- Gió chiều lạnh quá, hổng ấy lên Reeperbahn chơi đi.

Gã đàn ông chỉ tay qua mấy bực thang bắt lên con đường dẫn vô Reeperbahn, nói:

- Vậy mình leo lên đường nầy.

Họ vừa đi vừa tiếp tục trò chuyện :

- Nghe Hùng nói, hồi tết Tây nó thấy anh trong casino.

- Nhờ gặp Hùng mới có số điện thoại của cô, hông thôi biết đâu mà tìm.

- Anh biết đánh bài hồi nào vậy?

- Đâu phải ai vô casino cũng để đánh bài.

- Ăn tết trên nầy vui hông?

- Cũng vui.

- Vui ra sao kể nghe đi.

Gã đàn ông khoa tay chỉ dọc theo con đường:

- Trước tới giờ tui cứ nghĩ những ngày Tết ai ai cũng quây quần bên nhau trong căn nhà ấm cúng. Chỉ có những người vô gia cư như tui mới lang thang ngoài trời. Nào ngờ ở trên nầy người ta ăn Tết nhộn nhịp vô cùng, ngay giờ giao thừa trên trời pháo bông sáng tua tủa, dưới đất pháo nổ như trận đánh tết Mậu Thân. Người ta tràn ra đường đông như ong vỡ tổ, tiếng ca hát vang rân hoà trong khói pháo mịt mù...

- Vui hén.

- Nhờ vậy mà mình thấy đỡ lẻ loi trong ngày Tết.

- Lẻ loi thì vô ngắm Tiên Nữ.

- Tiên tục gì, mấy ngày đó họ đóng cửa ăn Tết, có đâu ngồi cho mình ngắm.

- Sao nữa kể tiếp đi.

- Sau khi chen chúc đã rồi tui chui vô Casino ngồi vừa uống bia vừa coi người ta đánh bạc mới nhận ra Hùng nó đương chơi rulex. Khi thua sạch túi, nó dẫn tui đi ra chỗ người Việt mình tổ chức.

- Hay không?

- Bia, rượu, Karaoke, Disco, nhảy nhót, cuối cùng người ta lấy vỏ chai bia, bẻ chưn ghế đập nhau loạn xịa máu chảy lênh láng, cả hội trường náo loạn. Tui vội vã từ biệt Hùng rồi ba chưn bốn cẳng chạy ra lộ đón tắc-xi về tàu.

- Ghê vậy.

- Còn cô, cuộc sống có vui vẻ lắm không?

- Thì như anh biết đó, một ông chồng và hai đứa con, ở một nơi lúc nào cũng canh đồng hồ, vô sở làm trông cho mau hết giờ, về nhà sắp xếp giờ giấc cho chồng, con, đi ngủ cũng phải bấm đồng hồ báo thức. Nhứt nhứt chuyện gì cũng phải tính giờ tính giấc, sống đơn điệu đôi khi buồn chán lắm.

- Gia đình, hạnh phúc chớ ?

Người đàn bà ậm ờ rồi yên lặng. Gã đàn ông áy náy nhìn trời. Mặt trời lặn từ hồi nào mà nền trời vẫn còn hưng hửng sáng. Đèn phố hiện lên nhiều màu sắc. Gió đêm lùa hơi lạnh trên đường, khách bộ hành kẻ ngược người xuôi. Người đàn ông cất tiếng:

- Tui nhớ trước kia mỗi lần đi ngang đường nầy, cô nhắm mắt lại hoặc cúi mặt ngó thẳng phía trước, bước đi như ma đuổi. Hôm nay cô rủ tui lên đây ngắm người xem cảnh.

- Còn con gái thì khác, bây giờ già rồi, mặt dầy xà beng đâm hổng lủng, sợ gì. Vả lại lâu lắm rồi tui không có dịp ra đây. Hôm nay anh trở lại, tui muốn đi với anh.

- Ôn kỷ niệm đó hả ?

- Coi là vậy đi.

- Dù sao con đường nầy cũng thanh lịch hơn Amsterdam, những ai chưa

quen sinh hoạt khu nầy đi ngang không thấy khó chịu. Nhớ có lần qua thăm cô, mấy người bạn rủ đi DOM chơi, ai dè chúng nó đem bỏ tui ở đây, rồi dông mất biệt. Tui phải tự mò đường về, bị lạc hết mấy bận mới về tới nhà. Sau nầy tui mới biết DOM nằm ở đầu đường kia, đi chưa đầy mười phút đã tới.

- Anh còn giận mấy người đó hông ?

- Hông, đôi khi mình nhớ họ cũng như nhớ một kỷ niệm vui, mấy người

đó bây giờ ra sao?

- Cũng cày ngày cày đêm, nhà mới, xe mới. Anh còn nhớ Toàn không?

- Sao quên được, hồi đó nghe anh ta cưới Hồng, mở nhà hàng. Bây giờ hai

người làm ăn ra sao?

- Toàn bịnh bán thân ngồi xe lăn, Hồng thì làm trong hãng Phi Líp.

- Tội nghiệp Hồng quá vậy.

- Tội gì, tụi nó khá lắm, mới mua đất cất một căn nhà riêng rất lớn. Có anh

kìa, hổng lo ở đó lo cho người khác. A, mà anh có bồ bịch gì chưa?

- Trước kia có nhì nhằng vài nơi nhưng rốt cuộc rồi chẳng ra cơm ra canh gì

hết.

- Sao anh không dìa bển cưới vợ ?

- Chi vậy ?

- Cho anh hết lẻ loi, cho cuộc sống có ý nghĩa.

- Ý nghĩa cuộc sống! Nghe hấp dẫn quá hén, cô đã sống trong gia đình gần

hết cuộc đời rồi, ý nghĩa ra sao cô kể tui nghe?

Người đàn bà ỡm ờ một lát rồi ngó qua hỏi:

- Ủa, sao tui hỏi anh anh không trả lời mà cứ hỏi vặn hỏi vẹo chi vậy ?

Gã đàn ông nhìn mông lung trong đám người đông như kiếng:

- Khắp thế giới, nơi nào cũng đông nghẹt đàn bà, nhưng tìm không ra một

người vợ thì cũng thuộc loại dở hơi. Nhưng hình như trên mặt đất nầy không một người đàn bà nào chịu làm vợ tui hết cô à.

- Tui hiểu anh, nhưng anh cũng hiểu cho tui chớ, lúc đó chưn ướt chưn ráo

mới sang, anh thì đi biền biệt, tui sống mình ên nơi xứ lạ quê người...

Giọng người đàn bà nghèn nghẹn. Gã đàn ông hấp tấp chận ngang:

- Í chết! tui đâu bắt cô phải chịu trách nhiệm về chuyện tui ở giá đâu mà cô

nói vậy.

Người đàn bà mở bóp lấy giấy chậm chậm mí mắt:

- Nhưng thấy anh cà nhỏng hoài tui hổng yên tâm.

- Chuyện qua rồi cô nghĩ tới làm gì. Phần tui, tui đã cố hết sức mình rồi

nhưng nó như vậy là như vậy, coi như trời định đi. Cô yên tâm đi, bây giờ tui rất hài lòng với cuộc sống lẻ loi của mình. Gặp lại, thấy cô khoẻ mạnh ú na ú nần như vầy là tui vui rồi, bây giờ mình kiếm chỗ nào chơi chớ chẳng lẻ cứ long nhong ngoài phố như vầy.

- Ừa, phải đó, hổng ấy mình ghé vô DOM dạo một lát, sau đó anh đưa tui

xuống bến xe điện về là vừa.

- Ừa, đi chơi bao nhiêu đó cũng đủ rồi. Đi thêm nữa ông xã ở nhà nôn ruột.

- Đừng có mỉa mai như vậy, người ta dám để vợ đi chơi với anh thì không

phải tầm thường đâu nhé.

- Đàn ông bây giờ ở nhà giữ con cho vợ đi chơi là văn minh chớ đâu phải

tầm thường.

- Anh bỏ lối nói móc nói nghéo ấy được hông vậy.

Nghe người đàn bà nói gã giựt mình ái ngại trong lòng, trong thâm tâm gã thấy có một điều gì đó hổng ổn cho cuộc gặp gỡ hôm nay. Gã miễn cưỡng nói:

- Xin lỗi, mình đi chơi vui vẻ đi.

DOM tức là hội chợ lớn ở Hamburg, mở cửa mỗi đầu mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Bây giờ là đầu mùa xuân. Từ nãy giờ tự dưng gã đàn ông trầm ngâm len lỏi đi theo người đàn bà trong tiếng nhạc xình xập hoà cùng tiếng ồn ào của rừng người lố nhố. Đi ngang quày bắng súng, người đàn bà hỏi:

- Anh bắn súng còn giỏi hông?

- Lâu lắm rồi tui hổng bắn.

- Thử bắn lại coi.

Họ vô quày mướn súng. Gã đàn ông bồng súng lên bắn ba phát trật hết ba. Trả súng lại, gã day qua cười nói:

- Hết thời rồi.

Người đàn bà gật gật cái đầu và mỉm cười, nắm tay gã trì nhẹ và hai người chen chúc vô đám đông. Tới vòng đu quay, người đàn bà chỉ tay lên những chiếc đu:

- Mình lên vòng quay kia chơi đi.

- Ừ được đó.

Họ lên ngồi trong chiếc lồng cùng với cặp trai gái rất trẻ, hình như cô, cậu mua vé lên đây không phải để ngắm cảnh, hay tìm cảm giác bồng bềnh trên không. Từ khi vòng quay cất lên, bốn cánh tay như trói chặt hai thân hình, hai cái miệng và hai cái lưỡi bấu riết với nhau, chưn cẳng quíu lại, co cúm, đê mê không biết chung quanh còn có trời, trăng, mây, gió và có mặt hai người.

Để tôn trọng giây phút tuyệt vời của tuổi trẻ, họ yên lặng và hướng mặt nhìn ra phía ngoài. Vòng quay bây giờ đã dừng lại ở đỉnh cao nhứt. Không gian bao la, mây trắng, trăng lưỡi liềm và những vì sao lấp lửng ngang nền trời. Bên dưới lập loè đèn lu, đèn tỏ theo các cao ốc và những khu nhà ở. Những hàng cây trong thành phố chỉ là chiếc bóng mờ. Sinh hoạt trong hội chợ là nhóm đèn nhiều màu sắc, dòng người loi nhoi lóc nhóc. Tiếng nhạc xập xình nghe văng vẳng phía dưới ...

*

Dưới bến xe điện ngầm, tấm bảng báo giờ hiện lên còn bảy phút nữa xe tới. Họ đứng chung với đám đông chờ xe, người đàn bà hỏi:

- Có gặp nữa hông?

- Hơn hai mươi năm qua nếu muốn gặp nhau thì tui với cô được gặp nhau

nhiều lắm. Điều quan trọng mình gặp nhau để làm gì? Hổng lẽ mỗi lần gặp nhau cô bỏ chồng, bỏ con ở nhà theo đi tui lang thang trên đường phố như vầy.

- Nãy giờ nghĩ ra được bao nhiêu đó hả?

- Bao nhiêu đó cũng đủ thấy mình bất lương lắm rồi!

- Anh muốn lương thiện thì lần sau ghé nhà chơi đi.

Gã lắc đầu:

- Khỏi.

- Vậy thi đừng gặp nữa.

Gã đưa ngón tay cái lên gặt gặt:

- Thà vậy còn hơn.

Xe tới, ngưới đàn bà chồm qua hôn lên má gã đàn ông, bà nói nhỏ:

- Thôi đi bình an nha.

- Giữ gìn sức khoẻ, chúc cô nhiều hạnh phúc

Người đàn bà theo dòng người lên xe. Gã nhìn người ta chen chúc lên, xuống giống như bầy chuột đồng bị nước ngập hang. Khi hành khách lên hết, cánh cửa xe từ từ đóng lại và tiếng còi rít dài, âm thanh soi thẳng vô lỗ tai người ta. Liền theo đó tiếng máy rú mạnh và thân xe lao vút vô đường hầm tăm tối. Chiếc thang máy cuốn dòng người trả lên mặt đất. Bến xe chỉ còn mình ên gã. Gã móc túi quần ra gói thuốc xẹp lép. Lạ thật, hơn hai mươi năm qua mỗi khi buồn gã đã đốt thuốc liền tay, vậy mà từ lúc gặp người đàn bà ấy tới giờ không hiểu sao gã không nghe thèm hút thuốc. Gã rút điếu thuốc nhăn nheo đưa lên môi, bật quẹt châm lửa, điếu thuốc rách, rít thốn lòng ngực vẫn không ra hơi. Gã xâm soi điếu thuốc, bất chợt gã gộp điếu thuốc rách cùng gói thuốc xẹp liệng vô thùng rác, chà chà hai bàn tay vô quần. Gã thầm nghĩ, bắt đầu từ bây giờ bỏ tật hút thuốc mỗi khi buồn nhớ và quên hết mọi chuyện trong quá khứ cũng được lắm rồi...

Nguyễn Lê Hồng Hưng