Giữa hai nhân vật chính, Siêu và Mùi, trong tiểu thuyết Xóm
Cầu Mới của Nhất Linh, có những câu chuyện lai rai tán gẫu nhỏ nhặt thế này:
Mùi hỏi:
– Quả trứng gì?
– Cô không biết à? Bây giờ cô muốn để một quả trứng đứng
dựng trên đĩa, cô làm thế nào?
– Em chẳng bao giờ để nó đứng cả. Để nó nằm tiện hơn.
Siêu cười nói:
– Cô ngớ ngẩn lắm, đấy là nói thí dụ thế.
Những đoạn đối thoại như thế hơi giống nhau mà vẫn cứ riêng
biệt cho mỗi trường hợp, đọc hoài không chán. Vì chúng dí dỏm, mỗi lúc bày một
khía cạnh. Đối thoại trong Xóm Cầu Mới không phải chỉ là những trang trí, bản
thân chúng là các chi tiết, là mạch chuyện, khi chảy chậm, khi chảy xiết. Siêu
và Mùi gặp nhau ở hiên nhà, một không gian vừa mở vừa kín đáo. Cái hiên nhà là
sáng tạo độc đáo của Nhất Linh, ở xứ nhiệt đới, mái hiên là nơi diễn ra những
cuộc trò chuyện, nơi đọc sách, nơi tình tứ. Không gian của mối tình, của những
chia tay, của hoa lài trắng và nước mắt. Cái hiên nhà chứng kiến những đổi thay
thời tiết.
Ngày trước các nhà văn ít nói về thời tiết, mãi cho đến thế
kỷ thứ mười chín, hai mươi, như trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn. Trong ba
mươi năm chiến tranh Việt Nam, 1945- 1975, người ta ít nói về nó, con người đâm
ra nổi bật hơn thiên nhiên. Thế mà ai cũng biết rằng thời tiết liên quan đến
tâm trạng. Nhân vật hạnh phúc thì cảnh vui vẻ, nhân vật đau khổ thì cảnh tiêu
điều. Cảnh vật của Nhất Linh không đứng ngoài nhân vật, chúng tham gia, trở
thành một phần của câu chuyện. Trong đoạn văn sau đây khi Mùi đến bên hiên đánh
thức Siêu, buổi sáng hòa vào tâm hồn một cô gái nhỏ tuổi, lớn lên ở thôn quê,
ít học nhưng thông minh, thực tế nhưng giàu cảm xúc.
” Mùi đứng dừng lại ở dưới hiên; ánh trăng hạ tuần chiếu
sáng cả chỗ giường Siêu nằm và bóng lá cây in trên vải chăn trắng vì trời yên
gió nên trông như là những chiếc lá thêu. Mùi cất tiếng gọi để đánh thức Siêu dậy
nhưng gọi rất khẽ vì sợ Siêu thức giấc. Không thấy Siêu trả lời, nàng lại gọi
khẽ một tiếng nữa và gọi khẽ hơn. Vẫn thấy Siêu nằm yên, Mùi bước lên hiên rồi
ngồi rất nhẹ xuống cạnh Siêu. Nhưng nàng cứ ngồi như thế một lúc rất lâu, yên lặng”.
Cái gì cũng nhẹ nhàng, cái gì cũng lửng lơ, cái gì cũng thâm
trọng. Tình yêu mới chớm đi tìm ngôn ngữ của nó, cách đi đứng của nó, sự yên lặng
của nó. Tôi cũng tìm ra cuốn Xóm Cầu Mới trong một hiệu sách ở Sài Gòn nhỏ,
California, mừng rỡ như gặp bạn cũ. Sách do nhà xuất bản Văn Mới in năm 2002,
có lẽ dựa theo bản của Phượng Giang với các lời bạt của Nguyễn Thị Vinh và Võ
Phiến. Ngày trước, tôi đọc truyện đăng từng kỳ trên giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay
của Nhất Linh.
” Tặng Nguyên, người rất thân yêu đã khuyên tôi trở lại đời
văn sĩ và nhờ thế cuốn XÓM CẦU MỚI này mới ra đời.
Hương cảng, trên núi, ngày 16 tháng 10 năm 1949″
Đó là lời đề tặng của tác giả trên đầu sách. Ít người biết rằng
cuốn Xóm Cầu Mới đã được ông khởi viết từ những năm 1949 ở Hương Cảng, thời ký
bão táp chiến tranh, cách mạng, giết chóc, nồi da xáo thịt. Đọc thế thì biết có
một người phụ nữ đã khuyên tác giả từ bỏ con đường chính trị mà về với văn
chương. Nhất Linh gọi đó là “cuốn Đông Chu Liệt Quốc của những đời sống tầm thường,
vui lẫn buồn, những vui buồn nhỏ nhặt hàng ngày của các nhân vật”. Năm 1958,
trong Văn hóa ngày nay tập I, Nhất Linh có tâm sự thêm với độc giả: số
truyện rất có thể còn tăng thêm nữa hoặc nhiều hoặc ít tùy khả năng làm việc của
tôi và tùy sự tìm kiếm được đề tài. Riêng tôi, tôi mong viết độ hai chục cuốn nữa
thành một bộ gần vạn trang mới đủ để tả đầy đủ sự phức tạp và muôn mặt của cuộc
đời.
Thật đáng yêu. Tiếc ông đã không sống lâu để viết nhiều hơn
cho chúng ta đọc. Nhất Linh là nhà tiểu thuyết lớn bậc nhất của thế kỷ hai
mươi, bóng của ông bao trùm toàn bộ đời sống văn hóa. Nhưng con đường ông đi thật
lạ, qua nhiều ngã rẽ, khúc quanh, từ những truyện ngắn đầu tiên có tính cách mở
đường, đến Đoạn tuyệt nổi tiếng, một tiểu thuyết luận đề, nói về sự xung đột giữa
cái mới và cái cũ, tấn công vào thành trì của phong tục gia đình và hôn nhân lỗi
thời, kêu gọi giải phóng phụ nữ. Nhưng một cuốn tiểu thuyết có tính xã hội như
thế vẫn có những đoạn đẹp, như đoạn tả cảnh bốn người ngồi bên lò sưởi trong
căn phòng ấm áp của cô giáo Thảo, mà ngoài trời thì mưa bay mờ mờ. Chính cái cảnh
ấy làm tôi cảm thương cho số phận của cô Loan sau này.
Ngòi bút của Nhất Linh ngày càng sắc nét, trở nên thơ mộng trong Đôi bạn, sâu sắc
trong Bướm Trắng, bùi ngùi trong Dòng sông Thanh thủy. Bướm Trắng là một đỉnh
cao nghệ thuật của Nhất Linh, với những đoạn phân tích tâm lý mà vào thời ấy
văn học Việt Nam ít biết tới. Cuốn Xóm Cầu Mới được ông xuất bản vào cuối đời,
khi đã ở miền Nam, ngay trước cái chết, vì vậy sự phổ biến còn hạn chế, nhiều
người không biết đến tác phẩm này. Thật tiếc. Theo tôi đó là một trong những cuốn
tiểu thuyết lớn nhất của văn học Việt Nam, với bút pháp giàu suy tưởng, thơ mộng,
nhiều câu văn đẹp tuyệt, xứng đáng là kết quả của tâm huyết của nhà tiểu thuyết.
Siêu ngắm nghía cái tai của Mùi, cái tai lộ ra giữa hai
làn tóc đen, chàng lấy làm lạ ở với Mùi bao lâu mà chàng chưa từng ngắm đến cái
tai này bao giờ. Chàng thấy cái tai ấy có những đường vòng êm êm, thịt tai trắng
dịu, trông mát lắm và có vẻ thơm; trong cái tai trong làn tóc đen phảng phất giống
một bông hoa nhài mới nở trong đêm. Siêu nghĩ thầm: – Hết yêu cái gáy bây giờ lại
đến yêu cái tai.
Như thế là cái tai biến thành một hình ảnh lạ. Tác giả dùng
nó để nói về mối quan hệ giữa hai người, thân mật, lửng lơ, bồi hồi. Nhất Linh
viết về tình yêu và tình dục một cách kín đáo. Hình ảnh của cái tai trở thành
thứ trong thi pháp gọi là ẩn dụ. Nhất Linh xen kẽ những đoạn tả người tả cảnh với
những nhận xét của tác giả. Những nhận xét ấy hòa vào mạch truyện theo cái lối
mà ngày xưa Nguyễn Du viết Kiều, làm cho giọng điệu của câu chuyện cũng là giọng
của tác giả. Không gian trong Xóm Cầu Mới có đủ cả mưa nắng, lụt lội, nhưng nhiều
nhất là một không gian mưa bụi êm đềm, dịu nhẹ, trong lành. Không gian ấy làm
cho cuộc nói chuyện trai gái bề ngoài không đâu vào đâu mà bên trong đầy ý tứ,
gợi lại những kỷ niệm, cách sống. Những thế kỷ mười tám và mười chín, các tiểu
thuyết gia Tây phương thường hay tả cảnh vật, khác với tiểu thuyết đương đại. Sỡ
dĩ như vậy vì thời trước, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, con người từ bỏ
thành thị tìm về nông thôn, sống giữa thiên nhiên. Khung cảnh ảnh hưởng đến lời
ăn tiếng nói, mối quan hệ của các nhân vật. Chính mối quan hệ quyến luyến của
Siêu và Mùi phát sinh một thứ không gian bao quanh họ, ấm áp, mơn trớn. Vì mối
quan hệ ấy vừa bóng gió, vừa pha cái mùi mẫn của xác thịt, sự đụng chạm thân mật
nên không khí ấy cũng thế, đó phải là buổi chiều mưa, bên hiên mờ tối, bên ngọn
lửa nấu cháo khuya, ấm áp, mơ hồ, dưới trời mưa rả rích. Tất cả không gian và
thời tiết ấy không những tạo ra cái nền cho câu chuyện kể mà còn được sinh ra từ
câu chuyện ấy.
Mùi nói luôn miệng, nhưng Siêu không để ý nghe nàng nói
gì. Chàng thong thả nói:
– Ở đời có những cái vui con con thích hơn những cái vui
lớn nhiều.
Sau một trong những câu nói vu vơ như thế, tác giả lại cho Mùi nói một câu khác
nữa, nhưng là nói thầm: Em đang vui sướng đây, anh có thấy không? Cái tâm sự
thiếu nữ ấy cần phải được vang lên trong lòng Mùi vì cô không thể nhịn được: một
người đang yêu không thể im lặng mãi được.
Nàng nói thế nhưng lại khẽ đưa hai bàn chân ra như đợi. Siêu thấy rờn rợn khắp
người nửa vì thú nửa vì sợ.
– Có nên không?
Tôi ngờ rằng Nhất Linh chính là Siêu mới sống hết được cái
giây phút này, mới nhìn thấy cái hình ảnh nửa là ẩn dụ nửa không phải ẩn dụ:
chàng nhìn hai bàn chân nhỏ nhắn của Mùi đương bắt chéo cùng với dòng nước từ
gáo chảy xuống. Ai đã từng ở bên giếng nước ngày xưa như tôi đều nhớ lại cái động
tác này: bắt chéo chân để xối nước. Nước trong cái gáo thì ít lắm. Bắt chéo
chân như thế để chùi chân vào nhau và để tiết kiệm. Cử động ấy khôn ngoan, ý tứ,
làm lộ ra cái duyên dáng của người phụ nữ. Hình ảnh bắt chéo hai bàn chân mới đẹp
làm sao.
Cách giới thiệu các nhân vật cũng thú vị. Không những đối với
hai nhân vật chính, Nhất Linh mô tả kỹ tâm lý của họ, mà đối với những nhân vật
phụ như Mạch, Hải, Hiên, Nhỡ, Tí, Nữa, tác giả cũng dành cho họ những câu văn xứng
đáng, sự quan sát tỉ mỉ, âu yếm. Tôi chú ý nhiều đến nhân vật Hải, hình như là
một đại diện trí thức lỡ thời duy nhất trong cuốn sách, sự phóng đãng và cái
duyên thầm kín của anh chàng, mối đi lại với Hiên. Đoạn hai người gặp nhau bên
bàn đèn, hay đoạn Hải hôn vợ mình chạm vào cánh mũi dính dầu mỡ có nhiều quan
sát thi vị. Có những đoạn Nhất Linh tả, nhiều người khác cũng tả, mới thoạt
nhìn không có gì khác, cho đến khi tác giả đưa ra những nhận xét của riêng
mình, buông lời thoại đúng lúc, đúng tình cảnh, đúng tâm lý.
Tôi lấy làm ngạc nhiên: Nhất Linh trải qua biết bao chặng đường,
những ngày gian khổ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mất những người thân yêu nhất,
Khái Hưng, Hoàng Đạo, bỏ vào Nam, lên núi chơi lan rồi vài năm sau uống thuốc độc
tự vẫn, một người như thế mà vẫn giữ được lòng nhiệt thành khi làm báo Văn hóa
Ngày nay, nhưng cái đó vẫn còn hiểu được. Cuốn Xóm cầu mới ông viết rải rác
trong nhiều năm, khoảng 1949- 1957, toàn là những năm sóng gió, đầy những hình ảnh
thơ mộng, một ngôn ngữ duyên dáng, dí dỏm, có cái trẻ trung hồn nhiên mà những
người ở tuổi ông khó có được, cái giọng văn tự nhiên, mạch lạc, ra vẻ chất phác
ấy thật ra bay bướm, là viên kim cương sáng ngời ở một tâm hồn tươi trẻ, yêu đời,
thương cuộc sống.
Tôi thoạt nghĩ chữ thương cuộc sống, nghĩ lại quả nhiên đúng lắm. Bạn hãy ngẫm
nghĩ xem hình ảnh của Siêu, hình ảnh của Mùi, của những nhân vật khác đi lại
nói năng như những niềm vui sướng đột ngột, chữ của Nhất Linh như một mùa xuân
tới sớm, như cái dịu dàng e ấp của hoa sói, hoa mộc. Tôi đọc Xóm cầu mới mà yêu
tác giả biết bao. Thương cái hồn nhiên tươi trẻ của ông, thương cái tình của
ông đối với cuộc sống. Tôi đọc lại lần nữa, một cốt truyện như không có gì mà hấp
dẫn, tả những nhân vật bình thường trong cuộc đời nhưng không hề tầm thường.
Tôi cảm thấy hồi hộp theo những hồi hộp của Siêu khi lau chân cho Mùi. Đôi khi
tôi cũng nghĩ như Siêu:
– Có nên không?
Tôi không biết. Vì vậy mà anh chàng Siêu thông minh nhưng lười biếng ấy, làm biếng
cả trong tình cảm, vẫn cứ đeo đẳng tôi hoài. Nhưng đeo đẳng tôi hơn cả là Mùi,
người con gái nhỏ tuổi có duyên lạ kỳ, những cảm xúc của thời mới lớn, ướp
trong mùi hương của nước chè tàu và hoa mộc. Hoa mộc thì tôi biết lắm, nó thơm
lừng trong vườn cũ của bà ngoại tôi, thoảng trên mặt nước của bể cá xây bằng gạch,
có bầy cá nhỏ ngủ dưới cánh bèo non tím. Trong một tùy bút, nhà văn Võ Phiến có
nhắc đến câu thơ sau đây của Bình Nguyên Lộc:
Ghe ơi vài bữa ghe về
Hỏi người dưới ruộng cô Quỳ còn không?
Những kẻ đi xa như tôi, đôi khi ngồi nhớ nước cũ, cũng muốn bắt chước Võ Phiến
mà hỏi:
– Cô Mùi còn không?
Thì còn đó, chứ sao không. Có đi đâu mà mất.
Cô Mùi giỏi buôn bán, làm ăn, có cái khôn ngoan của cô hàng xén, cái chững chạc
của bà chủ nhỏ, cái tử tế của người nông dân ngày trước. Cô chất phác mà lém lỉnh,
cô hiền lành nhưng dí dỏm, cô tiết kiệm nhưng bao dung. Đó là người phụ nữ Việt
Nam xinh đẹp, nết na, thùy mị, một người thực tế nhưng đôi khi vẫn cho phép sự
lãng mạn chiếm lấy tâm hồn mình, đôi khi để cho vẻ đẹp hồn nhiên của mình chiếu
sáng ra ngoài, làm cho cái không khí mà họ đi qua cũng biến đổi rực rỡ, làm cho
cái xã hội nhỏ bé chung quanh họ cũng tử tế hơn lên như thơm mùi hương lạ.
– Em thì không trồng hoa. Em cần có một cái vườn rộng để
trồng rau và một cái ao nuôi cá để rán cho thầy em ăn và nấu canh bún cho anh
ăn. Thế có được không? Em lại làm một cái chuồng rộng như ở nhà cụ Hường và
nuôi một đôi công.
Sao bỗng nhiên lại ra một đôi công thì tôi không biết. Henry
Fielding từng nhận xét rằng: “Chắc chắn người ta có thể kể lại sự thật với một
gương mặt hài hước”. Tôi cũng tin Nhất Linh đang kể lại sự thật bằng nụ cười rất
nghịch ngợm của ông. Người ta vẫn thường tin rằng những bi kịch sâu sắc hơn hài
kịch, hiện thực hơn, tinh tế hơn những câu chuyện vui tươi. Không hẳn thế. Siêu
và Mùi là một chuyện tình vui vẻ, mà cũng không hẳn hoàn toàn vui vẻ. Tôi chưa
hề thấy một tình yêu nào mà người ta suốt ngày chỉ tươi cười hơn hớn. Thế nào
cũng có lúc giận nhau. Hiểu lầm, tự ái, tổn thương. Thế nào cũng có người khóc.
Nhưng nếu không phải thế thì sao gọi là cảm xúc thực. Mùi và Siêu lại không phải
một cặp tình nhân theo nghĩa thông thường. Mùi chưa bao giờ được dịp bày tỏ lộ
liễu tình yêu của mình, Siêu thì lừng khừng, tiến không tiến, lùi không lùi, thật
là một anh chàng quá dễ ghét. Nhưng chính cái lừng khừng ấy làm nên không khí
trí thức, vì trí thức nào mà chẳng lừng khừng? Chính cái không khí mơ hồ giữa
hai người làm lên mùa thu của họ. Văn học Việt Nam trong một trăm năm qua đã
sinh ra nhiều nhân tài, nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng xét về cuộc đời, có lẽ
Nhất Linh có một cuộc đời kỳ lạ hơn cả, bi thương hơn cả, gắn với lịch sử dân tộc
hơn cả, đẹp hơn cả. Lừng khừng hơn cả. Vì vậy, ông là gương mặt của trí thức,
chân chính và tự do. Khác với những tiểu thuyết ngày trước được gọi là tiểu
thuyết luận đề như Đoạn Tuyệt, Nhất Linh còn có Xóm Cầu Mới là cuốn sách lạ
lùng nhất, được viết với một văn phong khác những cuốn khác, diễn tả tài tình
các chi tiết, những cảm xúc, nhưng lại không đưa ra những chủ đề rõ ràng.
Chủ đề của Xóm Cầu Mới là gì? Chúng ta không thể gọi tên một cách rõ rệt. Cái
phân vân, vương vấn ấy đâu phải chỉ là của Siêu và Mùi, là của thời đại, phản
ánh tâm trạng của tác giả những ngày lưu lạc sang Tàu, những ngày tan tác, quyết
định vào sống ở miền Nam tự do, rồi muốn thay đổi chế độ ấy cho tốt đẹp hơn,
nhưng thất bại một lần nữa. Một người liên tiếp mất những người bạn thân thiết,
những người cộng sự, từ Thạch Lam, đến Khái Hưng, từ Khái Hưng đến Hoàng Đạo,
biết bao nhiêu người nữa. Nhất Linh nhìn thấy trước sự thay đổi của đất nước, sự
chia đôi, thất bại, sự suy tàn của lý tưởng tự do, không khỏi rơi vào tình trạng
yếm thế. Nhưng trong Xóm cầu mới tôi không thấy tính chất yếm thế ấy, chỉ thấy
lòng yêu đời, sự vui sướng, nhẹ nhõm, cái hài hước dịu dàng. Quý thay, cái điềm
đạm, tự chủ của tác giả. Quả nhiên, Nhất Linh không phải là một nhà chính trị,
ông chỉ là một nhà cách mạng. Các nhà văn trong Tự Lực Văn Đoàn đều là những
nhà cách mạng, xem việc hoạt động xã hội cũng như công việc văn chương, dù tài
năng lớn, có thể đảm đương nhiều trọng trách, họ vẫn buông bỏ dễ dàng. Người
làm cách mạng thực ra là những nghệ sĩ. Nhất Linh là một nghệ sĩ.
Người đọc dễ nhận ra khung cảnh trong Xóm cầu mới, vườn cây,
hàng hiên, cảnh chợ búa phần nào mô phỏng từ trang trại Cẩm Giàng của gia đình
Nguyễn Tường ngày trước. Vậy thì khung cảnh là một cái xóm nửa tỉnh nửa quê ở
miền Bắc, tiêu biểu cho đời sống người dân Việt ngày ấy. Nhất Linh có thời kỳ,
cuối những năm năm mươi thế kỷ trước, chơi hoa phong lan trên rừng, mê say đến
nỗi coi như là một trong những việc quan trọng của đời mình. Xóm Cầu Mới có lẽ
là hình ảnh của hai thứ: phố huyện Cẩm Giàng nơi ông lớn lên và giấc mơ bên tiếng
suối reo những ngày Đà Lạt dưới bóng lan.
Bên trong khóc mà bên ngoài cười, nhưng cái cười ấy không phải sự che đậy giả vờ
mà là một lối sống. Đọc văn thì biết Nhất Linh hạnh phúc khi viết, những đoạn
ông tả cảnh tả tình đều lộ vẻ vui thú, cái vui thú tinh nghịch của một người
can trường, thông minh, nhân hậu, mặc cho cuộc đời sóng gió ngoài kia, một tấm
lòng quyết không thay đổi. Đọc, tôi càng thấy tấm lòng của Nhất Linh lớn quá.
Mà lớn không phải vì ông nói chuyện to tát gì, trong ấy toàn chuyện nhỏ thôi,
chuyện của hai người thanh niên mới lớn, chẳng phải quốc gia đại sự gì, thế mà
nhìn cái chăm chút của tác giả đối với từng chi tiết, cái hồi hộp của cô Mùi,
cái đặt tay của Siêu lên bàn chân xinh xắn kia, thì đủ tỏ tấm lòng của ông đối
với cuộc đời, sự sống, đối với cả bọn hậu sinh chúng ta.
Ít lâu nữa Mùi sẽ đi lấy chồng, có con, và chàng cũng đi
lấy vợ, hai người ấy hai cuộc đời riêng biệt hẳn, Siêu cảm thấy trước cái buồn
của lòng chàng một hôm nào, độ mười năm sau chàng sẽ đến cái chợ này một mình để
có lại được cái tâm hồn chàng hiện nay và để buồn rầu một cách êm ái nhớ lại một
hôm đã xa xôi ở đúng chỗ này lòng chàng đã rung động vì yêu Mùi. Siêu mỉm cười
vì nghĩ đến có lẽ hôm đó chàng cũng không thể nào không nhớ đến cái cảnh Mùi
chúi mũi nhìn vào cái bị giơ tay đo đo và cái tính đố ấy lúc đó chàng cũng chưa
nghĩ ra.
Một lần đến Hà Nội, đi tìm nhà của nhà thơ Dương Tường ở sâu
trong một cái ngõ nhỏ, hình như ngõ Phan Huy Chú, tôi đi lạc và dừng lại hỏi đường
ở một cô hàng xén, vì vậy khi thăm xong ra về, tôi ghé hàng cô mua mấy cân trà
Thái Nguyên để đem về Canada làm quà, giá hai trăm ngàn, nếu tôi nhớ không nhầm.
Thời ấy mới đổi tiền, loại đồng tiền năm trăm ngàn có giá trị lớn. Tôi không
quen dùng tiền mặt mà tiền loại mới dính chặt vào nhau vì vậy khi trả tiền tôi
đưa cho cô hàng xén tờ giấy bạc năm trăm ngàn, cô thối lại ba trăm ngàn. Khi
tôi đã đi xa rồi, tới đầu ngõ, cô bán hàng kia tất tả chạy theo, đem trả tờ giấy
năm trăm thứ hai dính chặt vào mặt sau của tờ kia.
Tôi lấy làm ngạc nhiên, tôi nghe mọi người nói rằng thời bây giờ người ta khác
nhiều, buôn bán xảo trá, không còn chất phác thật thà như ngày trước, nhưng cô
hàng xén trong cái ngõ nhà Dương Tường hôm ấy đã làm tôi thay đổi. Hay chính cô
bé có đôi mắt đen láy, với cái tai lộ ra giữa mái tóc như một bông hoa lài mới
nở kia chính là cô Mùi của Nhất Linh ngày trước, không biết cô vẫn ngồi bán
hàng ở đó xưa nay, hay cô mới trở lại từ một thế giới xa xăm nào khác.
Nguyễn Đức Tùng