29 June 2021

TRIỀU TIÊN SỢ ÂM NHẠC ĐẠI HÀN NHƯ SÚNG ĐẠN - Tuấn Khanh

Bối cảnh của Triều Tiên lúc này, khá giống với Việt Nam sau 1975, khi chính quyền mới điên tiết vì thấy người dân vẫn tiếp tục tìm cách thụ hưởng “văn hóa đồi trụy” của kẻ thù. Nhạc Kpop từ Đại Hàn có sức ảnh hưởng lớn lao không chỉ trong đất nước, mà còn lan rộng đến nhiều nơi khác trên thế giới, cũng đang vượt hàng rào kẽm gai, quyến rũ người dân Triều Tiên theo dõi và hâm mộ ngày càng nhiều.

Và càng xem, càng nghe, người dân Triều Tiên lại nảy sinh nhiều câu hỏi hơn, nhiều suy nghĩ khác lạ hơn khi thấy một nửa dân tộc của mình thật sinh động và hấp dẫn, đó là chưa nói đến một nửa đất nước bên kia sao lại thật tự do và phồn vinh.

Không có bài hát nào chống chính quyền Triều Tiên hay kêu gọi hận thù, nhưng rõ ràng là mọi thứ thật nguy hiểm cho chế độ độc tài. Thế nên, nhà lãnh đạo tối cao Kim Jong Un, 37 tuổi, đã ra những mệnh lệnh khắc nghiệt cùng những hình phạt cho bất cứ công dân Triều Tiên nào bị bắt quả tang đang nghe nhạc K-pop “văn hóa đồi trụy”. Tờ Daily NK có trụ sở tại Seoul đưa tin rằng họ có trong tay chi tiết những đạo luật mới này, vừa được tuồn sang Đại Hàn.

Ông Kim, nhà lãnh đạo cộng sản vẫn hay khoe khoang rằng luôn trung thành với con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa đã gọi sự ảnh hưởng từ văn hóa miền Nam là “căn bệnh ung thư hiểm nghèo, làm hỏng trang phục, kiểu tóc, cách nói, cách cư xử” của thanh niên Bắc Triều Tiên. Ông ta mô tả các điệu nhảy này đều chứa đầy những dục vọng đen tối.

Theo luật mới về chống “văn hóa đồi trụy” của chế độ miền Nam, Kim đã ban hành luật mới, áp dụng từ tháng 12, quy định rằng bất kỳ ai bị bắt gặp đang xem hoặc sở hữu nội dung Kpop Đại Hàn, có thể bị kết án lao động khổ sai lên đến 15 năm. Trước đó, đã từng có án tù đến 5 năm, dành cho ai cất giấu âm nhạc, thể hiện sự hâm mộ đối với nhóm nhạc BTS.

Hơn vậy, công an Triều Tiên cho biết, những kẻ buôn lậu sản phẩm nào của K-pop, có thể phải đối mặt với việc bị hành quyết. Trong đời sống thường ngày, nếu ai bị bắt gặp đang hát, nói hoặc viết theo văn hóa “phong cách Đại Hàn”, có thể bị kết án hai năm tại trại lao động khổ sai. Kim nổi tiếng là người nói là làm. Tháng 5 vừa qua, một công dân Triều Tiên đã bị xử bắn công khai thị chúng vì bán hàng rong các băng đĩa nhạc Đại Hàn, và các trò giải trí khác.

Văn hóa giải trí của Đại Hàn lâu nay vẫn là nguồn buôn lậu hút hàng qua biên giới CHDCND Triều Tiên. Ban đầu ở dạng băng cassette và hiện nay là USB nhỏ từ Trung Quốc, dễ chuyển và giấu hơn. Mọi chuyện trở nên bất thường khi Kim nhận được các báo cáo từ an ninh, nói quốc gia Triều Tiên đang thấm nhuần các phong cách văn hóa từ chế độ miền Nam, tờ Daily Mail đưa tin. Hồi tháng Hai năm nay, Kim đã ra lệnh cho các tỉnh, thành phố và quận của Triều Tiên này phải kiểm soát và tìm cách loại bỏ sự gia tăng ảnh hưởng của tinh thần tư bản và tay sai đế quốc Mỹ.

Ở Triều Tiên, yêu âm nhạc ở bên kia biên giới đang trở thành một sức mạnh kỳ lạ. Thậm chí, dân chúng còn kháo nhau không gì khác, mà chính âm nhạc của bọn thù địch có thể khiến đất nước cộng sản này ‘đổ nát như bức tường ẩm’. Ngay cả giới an ninh và quan chức cầm quyền Triều Tiên cũng tin như vậy, và còn nói rằng điều xấu nhất sẽ đến nếu không biện pháp mạnh.

Nhóm BlackPink trên bìa tạp chí Elle

Nhưng chính các nhà bình luận chính trị cũng nhìn thấy như vậy. Không chỉ ở Triều Tiên, và thời chiến tranh lạnh, âm nhạc của phương Tây chính là sự thúc đẩy mọi ý niệm phản kháng. Ở Cuba sau khi Đông âu sụp đổ, sự lo ngại về sức mạnh của văn hóa và âm nhạc đã khiến chính quyền Castro bỏ tù rất nhiều văn nghệ sĩ. Việt Nam sau 1975 cũng có một giai đoạn vô cùng gay gắt về văn hóa từ phía nhà cầm quyền. Lúc này, lệnh cấm K-pop đến vào một thời điểm khủng khiếp vì đại dịch đối với Triều Tiên, lại càng phô bày rõ sự tê liệt một nền kinh tế – xã hội bị bao vây bởi nhiều thập kỷ quản lý yếu kém và các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ lãnh đạo đối với chương trình vũ khí hạt nhân của Kim. Các chuyên gia cho rằng, trong sức nóng của biến động, những người Bắc Triều Tiên trẻ tuổi có nhiều khả năng chấp nhận các phong tục bên ngoài và thách thức quyền lực của Kim. Jiro Ishimaru, tổng biên tập của Asia Press International, một trang web Nhật Bản đưa tin về Triều Tiên, cho biết: “Đối với Kim Jong Un, cuộc xâm lược văn hóa từ Đại Hàn Quốc đã vượt quá mức có thể chịu đựng được của ông ta. Nếu điều này không được kiểm soát, ông ấy lo ngại rằng người dân của ông ấy có thể bắt đầu coi chế độ tự do miền Nam là một phương án thay thế tốt nhất đối với miền Bắc”.

Không chỉ nghe K-pop mới là vấn đề. Gần đây, tiếng lóng của giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu thâm nhập vào các cuộc trò chuyện hàng ngày, khi phụ nữ Triều Tiên ngày càng gọi bạn trai của họ là “oppa” – một cách gọi phổ biến trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc – chứ không phải là “đồng chí” do nhà nước ủy nhiệm. Để loại bỏ những hiện tượng “hư hỏng”, các quan chức nhà nước đã được lệnh trao quyền cho công an được lục soát máy tính, tin nhắn văn bản và sổ ghi chép để xem ai đang dùng hay lưu giữ ngôn ngữ “tàn dư của bọn phản động Đại Hàn”, trong khi những người bắt chước nói theo kiểu “ngụy quyền” trên phim ảnh, âm nhạc, có thể bị trục xuất khỏi các thành phố, tờ Daily NK cho biết.

Tuy nhiên, có thể đã quá muộn để kiềm chế xu hướng. Theo New York Times, một nghiên cứu của Đại Hàn từ 116 người đào tẩu gần đây, cho thấy gần một nửa “thường xuyên” thích nội dung của chế độ miền Nam, ngay khi họ còn đang cư trú tại Triều Tiên. Jung Gwang-il, một người Bắc Triều Tiên đào tẩu, đang sống bằng nghề buôn lậu K-pop về quê cũ, cho biết: “Những người Bắc Triều Tiên trẻ tuổi nghĩ rằng họ không mắc nợ gì Kim Jong Un. Ông Kim phải coi lại quyền kiểm soát tư tưởng của mình đối với giới trẻ nếu anh ta không muốn đánh mất nền tảng cho tương lai cai trị triều đại của gia đình mình.”

Đây không phải là lần đầu tiên Kim Jong Un trấn áp cái gọi là diễn biến hòa bình với khuynh hướng chống chủ nghĩa xã hội. Tháng Tư vừa qua, nhà độc tài cộng sản khét tiếng Châu Á này đã đặt ngoài vòng pháp luật các loại quần jean bó, trong nỗ lực kiểm duyệt xu hướng thời trang kiểu phương Tây “suy đồi”.

Tuấn Khanh