Tôi trở về nước lần này không phải để du lịch, mà để hoàn tất
các thủ tục để đi định cư ở Vương Quốc Hòa Lan. Xa quê hương chỉ một thời gian
ngắn, ngày trở về lòng tôi đã bồi hồi xúc động khi nhìn thấy lại quê hương Miền
Nam… huống chi những người xa quê nhà đã trên bốn mươi năm vẫn chưa một lần trở
về, thì nỗi thương nhớ quê hương sẽ làm cho họ khắc khoải biết bao nhiêu.
Hôm nay là ngày đầu tuần nên người đến làm hồ sơ tại Chi Cục Thuế của quận…
không đông. Tôi là người cuối cùng của buổi chiều hôm nay khi đồng hồ chỉ
ba giờ hai mươi phút.
Tôi nhìn ông Chi Cục Trưởng, người sẽ ký xác nhận tôi không thiếu thuế với
nỗi lo lắng. Tôi lo vì nếu bị trục trặc thì công việc làm ăn buôn bán bên kia
cũng sẽ bị đình trệ theo. Trước khi đến đây tôi được người quen khuyến cáo: “Nếu
muốn mau lẹ cô phải chịu cái thủ tục gọi là đầu tiên. Luật pháp của đảng là vậy.
Luật pháp của đảng đã dung túng cho một số đông các cán bộ làm giàu bằng những
thủ đoạn bất chánh...” Tôi hít một hơi thật dài cho không khí vô đầy buồng phổi
để lấy can đảm nói ra điều mà, nếu người được đề nghị muốn bắt chẹt thì người đề
nghị là tôi sẽ gặp rất nhiều điều phiền toái. Có khi còn bị ở tù nữa. Tôi nghĩ:
“Ông ta là người ký xác nhận cho mình, thì mình phải nói, phải hỏi… để mọi việc
được trôi chảy…”Nhớ lại lời người quen trước khi đến đây… “… Đất nước này người
dân nào cũng phải biết đến bốn chữ ‘thủ tục đầu tiên.’ Người có tiền còn mua được
những cán bộ có chức cao và những cán bộ có quyền thế một cách dễ dàng. Các
viên chức cán bộ nhà nước người nào cũng khoái tiền và thèm gái cũng như danh vọng
nên xã hội từ ngày…” Mấy mươi năm trôi qua rồi mà người nghèo thì vẫn còn nghèo
mà người giàu thì càng giàu hơn Nếu tôi rụt rè không dám nói không dám hỏi
thì không chừng lại là điều thất sách.
**
Đó là người đàn ông còn trẻ, tuổi của ông khoảng ngoài ba mươi. Gương mặt
của ông đầy đặn và trí thức. Nghĩ vậy nên tôi mạnh dạn lên tiếng hỏi:
“Thưa ông, hồ sơ xác nhận của em có cần phải bổ túc giấy tờ gì thêm nữa không ạ?”
Người đàn ông ngước mặt lên nhìn tôi và nói:
“Không em. Không thiếu gì cả.Tôi chỉ...”
Tôi mạnh miệng nói lên điều thông thường vẫn xảy ra ở nước Việt Nam tôi:
“Ông giúp em, em sẽ đền ơn ông xứng đáng.”
Người đàn ông tỏ vẻ bối rối nên vội vàng nói:
“Không, không phải vậy đâu em…”
Có lẽ ông thấy tôi nhìn ông với vẻ lo lắng. Ông nói ngay để tôi yên tâm:
“Hồ sơ xác nhận không thiếu thuế của em hoàn toàn… tốt. Tôi sẽ giải quyết ngay
bây giờ cho em. Tôi… tôi muốn hỏi em một đôi câu. Em có thì giờ nóí chuyện
không?”
“Dạ thưa ông, em không bận việc gì cả. Ông muốn hỏi gì em xin ông cứ hỏi.”
Ông hơi chồm về phía trước và nói như chỉ để tôi nghe thôi:
“Tôi mới từ Ba Lan về làm việc ở đây chưa lâu. Tôi thắc mắc... có phải đây là
phong trào, hay do từ những nguyên nhân nào mà các người phụ nữ Việt Nam bây giờ
lại cứ tìm mọi cách để được lấy chồng Việt Kiều, hoặc, lấy chồng người nước
ngoài trong khi ở Việt Nam mình cuộc sống cũng đã khá hơn xưa nhiều rồi. Luật
pháp cũng đã rõ ràng và dễ dãi hơn xưa nhiều rồi.”
“Dạ, em hiểu ý ông . Vì ông làm việc ở đây chưa được bao lâu mà ông phải giải
quyết nhiều hồ sơ của các thiếu nữ xin đi định cư ở các nước, nên vì vậy mà ông
nghĩ người phụ nữ Việt Nam chúng em kiếm chồng ngoại quốc hay kiếm chồng Việt
Kiều là phong trào… có phải vậy không thưa ông?”
Ông nhếch môi cười rồi nói:
“Em thông minh lắm.”
“Thưa ông, theo em nghĩ thì… phong trào chỉ bùng phát trong một thời gian rồi lại
sẽ chìm xuống. Còn đây là... từ bao năm qua và cho đến khi nào mà xã hội vẫn
không thay đổi, người dân vẫn không có tự do và vẫn chịu quá nhiều điều bất
công thì, chừng đó người phụ nữ Việt Nam chúng em vẫn sẽ bỏ nước để theo chồng
đến phương trời xa và, như vậy xem như sẽ là thông lệ. Điều mà ông nói về những
đổi thay, tuy đó cũng là sự thật, nhưng, đó lại chỉ là mặt nổi thôi ông ạ. Nếu
ông thật sự muốn biết, muốn nghe, và đừng… dị ứng với những gì em nói thì em sẽ
nói cho ông biết tại sao em, tại sao người phụ nữ Việt Nam lại thích lấy chồng
Việt Kiều hoặc lấy chồng ngoại quốc, hơn là lấy những người đàn ông trong nước.”
“Em là người phụ nữ thông minh và lại có sắc nữa. Tôi rất muốn được nghe từ
chính miệng một người phụ nữ Việt Nam thông minh như em nói cho biết về điều đó
lắm.Tôi rất hiểu câu chuyện em sắp nói sẽ có những điều… đụng chạm đến chính trị.
Nhưng, tôi rất muốn được nghe. Tôi đảm bảo với em sẽ không có chuyện … dị ứng ở
đây.”
“Vậy em xin được bắt đầu thưa chuyện cùng ông. Thưa ông, ngày em vừa bước chân
lên bậc thềm trung học, em rất thích thơ văn nên cũng thuộc truyện Kiều của
Ngài Nguyễn Du. Với cái tuổi chưa đủ khôn ngoan, nhưng em đã có nhiều lần xúc động
đến rơi nước mắt để khóc thương cho một kiếp người. Khóc thương cho người cũng
là vì em lo sợ cho số phận của chính mình. Ngài Nguyễn Du đã viết:
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Như ông đã nhìn thấy, em cũng có dáng người cao ráo và cũng có nhan sắc trên
trung bình… Chính vì vậy mà em thường lo sợ cho số phận em sẽ phải bị gian
truân bởi câu hồng nhan bạc phận luôn theo em như là một ám ảnh.
Gia đình em trước kia thuộc thành phần lao động. Ba em là Hạ sĩ quan trong quân
đội Miền Nam và bị thương tật. Mẹ em vừa buôn bán vừa lo việc nội trợ. Thế rồi…
cuộc sống của gia đình em đã không còn được bình thường nữa khi chiến tranh chấm
dứt… nhiều năm và em được ra chào đời, và, cho đến một ngày thì cả gia đình em
bị tai nạn. Dưới sự bảo bọc của dì em, em được đến trường. Em được học hành đến
nơi đến chốn. Và, em đã lớn dần lên theo năm tháng. Khi em đến tuổi trưởng
thành và người đàn ông đầu tiên đến với em là anh chàng kỹ sư mới ra trường.
Ngày ấy em cũng vừa bước qua tuổi mười tám được một tuần. Dáng người anh dong dỏng
cao và khoẻ mạnh. Anh có cái sống mũi cao với hàm răng trắng muốt, cùng đôi mắt
to với cái nhìn thật hiền hậu. Đó là những điều đáng ghi nhớ nhất trong lần đầu
em gặp anh. Người dì của em nói: “Người ta con nhà giàu lại học giỏi và có nghề
nghiệp vững vàng. Chắc chắn cuộc sống của con sẽ được hạnh phúc và sẽ không phải
bươn bả chạy kiếm miếng ăn từng bữa.” Em đã nghĩ, thế là ông trời đã sắp
đặt cho em có một cuộc sống thanh cao khi đem đến cho em một người đàn ông mà
các cô gái hằng mơ ước.
Chúng em chung sống với nhau thật hạnh phúc được một năm thì, em khám phá ra
anh ấy đã phản bội em khi có nhiều đêm anh nói phải làm thêm cho kịp công việc
mà cấp trên đã giao. Nhưng, em đã tìm hiểu cho cặn kẽ và em biết rất rõ ràng những
lần đó anh đã đi ngủ với những cô gái bán bia ôm. Em vô cùng thất vọng.
Anh đã ngoại tình. Ông có hiểu điều đó đã làm cho em đau khổ đến như thế nào
không? Em đã có tất cả mọi thứ mà các phụ nữ khác mơ ước: Một gia đình với người
chồng có học và có tài. Chồng em được mọi người nể trọng. Nhưng, đồng thời em
cũng có người chồng đa tình. Mặc dù anh đã phân trần: “Công việc ở xứ này bắt
buộc phải thù tiếp nhau trong những quán bia ôm để bàn công việc và để được ký
những hợp đồng. Em đã là vợ thì em phải thông cảm cho anh. Anh hứa sẽ không bao
giờ phụ em.” “Em phải thông cảm cho anh ấy được thường xuyên - mỗi tháng khoảng
hai hoặc ba đêm - ngủ với gái để có được những hợp đồng? Còn nếu như em không
thông cảm thì sao?” Em đã hỏi lại anh ấy như vậy. Và, thế là em đã nhận được những
trận đòn đến sưng mình, đến thâm tím mặt mũi. Anh ấy đã có hành động của hạng
người đứng đầu đường xó chợ. Anh ấy không còn yêu em thì hãy để anh ấy đi tìm hạnh
phúc mới và niềm vui bên những chai bia…”
Ông ngắt lời tôi:
“Anh ấy đánh em bằng vật gì hay chỉ bằng tay?”
“Dạ, anh ấy đấm và đá em liên tu bất tận chứ không dùng vật gì cả.”
“Một người có ăn học và đã thành tài mà hành động như vậy thì chắc chắn phải có
người đàn bà khác… như thế nào đó chứ không thuần là gái bia ôm đâu. Nếu vì gái
bia ôm mà hành động như vậy thì… đáng bỏ lắm. Tôi nghĩ vậy.”
“Dạ, lúc đó em chỉ nghĩ anh ấy vì bạn bè rồi bị cô gái bia ôm nào đó hớp mất hồn
chứ em không nghĩ… như ông. Bây giờ nghe ông nói và em nghĩ… có lẽ như vậy thì
đúng hơn.”
“Rồi sau đó em gặp người… bây giờ?”
“Dạ thưa ông, em chưa được cái ‘may mắn’ như vậy ngay đâu. Trong lúc em đau khổ
vì hạnh phúc gia đình bị đổ vỡ thì, em đã gặp người đàn ông thứ hai. Người này
cũng có địa vị trong xã hội và đã qua một đời vợ. Em dường như đã cảm nhận được
hạnh phúc trở lại bởi sự chân thật của anh. Em đã lấy lại được niềm tin để tiếp
nối cuộc sống tưởng như đã chấm dứt vĩnh viễn rồi. Nhưng, rồi tất cả đã dừng lại
và em lại bỏ ra đi khi mọi việc còn chưa kịp bắt đầu. Em không hiểu gì cả. Người
đàn ông thứ hai này cũng vì bia ôm với bạn bè mà đã phụ em. Bây giờ em tin chắc
một điều là, chín mươi chín phẩy chín mươi chín phần trăm người đàn ông Việt
Nam sống trong nước đều thích nhậu và ngoại tình. Em không muốn dì em và bất cứ
người thân nào biết về cuộc sống thật của em. Em không thể nói gì về hai người
đàn ông đã trải qua đời em. Tất cả chỉ là sự nín nhịn giả dối. Em chấp nhận
thua thiệt và, nỗi buồn đau đã theo em suốt thời gian dài mà chẳng thiết phải
ra khỏi nhà không phải vì thiếu những nơi để đến chơi, bởi em bây giờ có thể
vui chơi thỏa thích. Cũng chẳng phải vì em không có bạn bè, bởi em có thể tìm
ra bạn bè. Đau buồn và âu lo như một thứ tâm bệnh khiến em từ từ thích sự cô
đơn. Hoảng sợ, em quyết định phải tạo cho mình một cuộc sống giàu có với nghề
mua bán bất động sản.”
Ông nhướng đôi con mắt lộ vẻ ngạc nhiên:
“Em có học qua ngành nghề đó à?”
“Dạ. em có học hai năm về kinh doanh… Em… em hợp tác với một người đàn ông đang
có văn phòng hẳn hoi làm nghề mua bán bất động sản. Và… người đàn ông này sau
đó là người đàn ông thứ ba trong đời em.’
Ông ngã lưng ra phía sau và hỏi với cái hé môi như cười nửa miệng:
“Cũng chưa phải là người… trăm năm?”
“Dạ… chưa. Người thứ ba này bằng tuổi em nhưng chưa lập gia đình vì mải mê công
việc cũng như luôn lo lắng chăm sóc cho người mẹ già, người thân duy nhất của
anh trên thế gian này. Anh thật hiền và có hiếu với mẹ. Anh ấy đã dịu dàng đưa
em vào một chân trời mới, ấm áp, vị tha và đầy tình người. Anh thật kỳ diệu.
Anh luôn tỏ ra chân thành, si mê và nồng nhiệt. Em luôn được thương yêu, nâng
niu và trân trọng. Em được sống trong tình yêu thương và hạnh phúc... Rồi đột
ngột anh buông tay thả cho em rơi từ thiên đường hạnh phúc xuống địa ngục của
khổ đau. Em thật xót xa khi phát giác ra, anh cũng đã có nhiều lần đi vô khách
sạn với gái bán bia ôm. Em khao khát tình yêu nhưng bây giờ em đã vô cùng thất
vọng. Trong cái ký ức từ những lần giao thiệp của em với những người đàn ông có
tư cách, có ăn học cao hay thấp thì, tất cả họ đều ngoại tình. Những người đàn
ông có tiền ở xứ này, tất cả đều muốn - đều tạo cơ hội để ngoại tình. Tất cả đều
thích gặp gỡ nhau bên bàn rượu, trong các quán bia ôm để bàn công việc làm ăn
chân chính hay bất chính.
Buồn quá em đã tìm đến với điều mà trước kia em vẫn đả kích. Em đi xem bói. Người
xem cho em là người cũng có tiếng tăm. Em không hề nói là em đã có qua ba đời
chồng, thế nhưng người này quả quyết em đã chung sống như vợ chồng với ba người
đàn ông. Người đó quả quyết, em sẽ gặp người đàn ông thứ tư; người đang sống ở
nước ngoài trong một dịp mà em không ngờ. “Cô sẽ chung sống với người thứ tư
này như là một sự trả nợ… cho kiếp trước. Số của cô đã định như vậy. Cô phải chấp
nhận vì kiếp trước cô làm khổ đàn ông quá nhiều, nên kiếp này cô phải trả.”
Em không tin lời người thầy bói. Nhưng, trước đó em đã nguyện là sẽ không bao
giờ lấy chồng là người ở trong nước nữa. Nếu phận số của em may mắn, em sẽ lập
gia đình với người Việt đang sống ở nước ngoài. Bằng không thì, em chấp
nhận ở vậy cho đến hết cuộc đời này.
**
Cuộc sống của em cứ lẳng lặng trôi qua với công việc em đang làm và rất bận
rộn. Một ngày kia, sau một ngày làm việc khá mệt mỏi và, nếu như em phải nấu ăn
nữa thì… có lẽ em cũng chẳng ăn được bao nhiêu. Nghĩ vậy nên em đi ăn ở tiệm.
Trong một lúc em ngước mặt nhìn lên thì, em thấy người đàn ông trẻ đang nhìn
em. Hắn ngồi đối diện em và cách em một cái bàn trong quán Ngon tọa lạc tại số
160 đường Pasteur quận 1. Hắn mặc áo hở ngực có chi chít những lỗ nhỏ như muốn
khoe bộ ngực nở nang mà, mới nhìn thoáng qua thì ai ai cũng phải nghĩ ngay đây
là chàng công tử ăn chơi cũng thuộc loại có hạng trong thành phố. Ngồi hai bên
trái và phải của hắn, là hai cô gái rất dễ dàng để mọi người nhận ra ngay, đó
là hai cô gái điếm chỉ vì cách chưng diện và những lời đối thoại. Có một điều
gì đó làm cho em cảm thấy thú vị vô cùng khi một tay ăn chơi nghĩ em cũng là gái
điếm. Hắn đứng lên bước qua bàn em xin được làm quen. Hắn nói những điều gì đó
nhiều lắm, nhưng em không trả lời. Em chỉ nhìn hắn và cười thôi. Em cười là vì
em tội nghiệp cho hắn quá. Hắn sẽ không bao giờ hiểu được tại sao một con điếm
đẹp đi ăn một mình như thể đang đi kiếm khách, vậy mà lại dửng dưng từ chối trả
lời những câu hỏi của hắn. Thế rồi sau đó hình như em loáng thoáng nghe như hắn
nói hắn mới từ ngoại quốc trở về thăm quê hương. Và, em nghe như hắn nói hắn
đang sinh sống ở Hòa Lan nữa. Gương mặt, lời nói và thái độ của hắn làm cho em
tự tin và nghĩ rằng, hắn thành thật muốn quen em. Em cho hắn số điện thoại cầm
tay và hắn trở về lại bàn với hai cô gái điếm của hắn. Hắn kín đáo trả năm đô
la Mỹ cho bữa ăn tối của em.
Nếu quả hắn là Việt Kiều thật thì, em cũng nên quen thử xem hắn xử sự ra sao.
Còn nếu không phải thì cũng không sao cả, vì em đã có mất mát gì đâu mà phải sợ
chứ, phải không ông? Nếu hắn là Việt Kiều thì cách ăn mặc như thế cũng có thể
thông cảm được chứ phải không ông?”
“Đúng vậy em à, Việt kiều trẻ ăn mặc như thế nào nhìn cũng… xem được. Rồi… em
và anh Việt kiều đó diễn tiến ra sao?”
“Ngày hôm sau hắn điện thoại xin được gặp em tại một nhà hàng sang trọng. Hắn đến
trước giờ hẹn để đón em. Em nhìn ngay mặt người đang đứng trước mặt em và tự hỏi:
Đây là người, là hắn của đêm hôm qua đã đi ăn với hai cô gái điếm đây sao?
Ba người đàn ông trong nước đã “giúp” em biết ăn, biết nói và, đã cho em thấy
quan tài nên em biết như thế nào rồi. Nhưng, với hắn em quyết tâm sẽ không để
mình phải học thêm một bài học gì ở nơi hắn cả. Khi ăn món khai vị vừa xong, hắn
nói ngày mai hắn sẽ trở về lại Hòa Lan. Em nghĩ, câu kế tiếp hắn sẽ rủ em đi
khách sạn đồng thời với những lời hứa hẹn sẽ… đưa em lên mây. Trong khi chờ món
ăn chính đưa ra, hắn đưa cho em một phong bì và nói: “Trong phong bì này có địa
chỉ của anh và năm trăm euro. Nếu em muốn gặp lại anh và quen anh… lâu dài thì
em mua vé máy bay qua thăm anh, rồi anh sẽ hoàn tiền vé lại cho em. Bằng ngược
lại... buổi gặp hôm nay sẽ là kỷ niệm… đẹp cho anh.”
Có tiếng hát của người phụ nữ vừa cất lên bản dân ca với tiếng đệm đàn piano.
Nhà hàng không lớn lắm nhưng cũng theo phong trào “hát cho nhau nghe.” Em không
nói gì và chờ đợi. Đây là lần đầu em ngồi ăn uống với Việt kiều. Những mất mát
và thua thiệt trong đời sống hôn nhân của em, thật khó mà chịu đựng nổi nếu như
em không thử trắc nghiệm với một người đang sống ở nước ngoài, mà, theo những
gì em được biết thì những người này về đây chỉ là để hưởng thụ. Hưởng thụ vật
chất và, hưởng thụ thân xác người phụ nữ. Những sự phòng ngừa cho bản thân tuy
cũng rất cần thiết nhưng không quan trọng, vì bản thân em đã có kinh nghiệm qua
ba lần dang dở.
Chương trình nhạc mới bắt đầu nên hắn kêu thêm rượu. Người hầu bàn đem ra cho
em dĩa tôm. Tôm tươi được ướp gia vị thật tuyệt ngon. Hắn chỉ ăn rau trộn và
nói sợ bị mập. Em vừa ăn vừa quan sát hắn. Hắn ngồi đó, thản nhiên nhìn về phía
sân khấu mà không tỏ thái độ nào. Chính điều này khiến em bỗng nhiên có đôi
chút cảm tình với hắn. Em đẩy dĩa tôm đến truớc mặt hắn. “Tôm ngon quá. Anh ăn
một chút với em cho vui.”
Hắn là người trầm tĩnh, dễ thương và vui tính. Hắn nói hắn đem về Việt Nam rất
ít tiền nên chỉ đưa được cho em ngần ấy thôi. Em không nói nhiều mà chỉ nghe.
Em sợ rồi em sẽ hỏi hắn, thế mà anh cũng cần phải có đến hai cô gái điếm ngồi
bên anh sao? Như vậy không phải anh nghĩ em chỉ đáng giá năm trăm euro
hay sao? Mắt hắn nhìn em chằm chằm nhưng không phải cái nhìn thèm
muốn.
Em và hắn từ giã tại ngay nhà hàng đó. Và, em hứa sẽ liên lạc lại với hắn khi
nào em quyết định đi Hòa Lan. Hơn tháng sau em thu xếp công việc rồi báo tin
cho hắn biết em sẽ qua Hòa Lan. Qua điện thoại em cũng nói thẳng cho hắn biết,
em qua Hòa Lan là để cho biết cuộc sống của hắn như thế nào. Hắn vui vẻ nói: “Rất
mong chờ đón em.”
Phi trường Schiphol Amsterdam của Vương quốc Hòa Lan sáng hôm đó có nhiều
nắng, nhưng nhiệt độ chỉ mười bảy độ C nên em cảm thấy lạnh vô cùng.
Anh ấy ăn mặc thật đẹp, miệng cười thật tươi, đón em ngay cổng ra và trao cho
em bó hoa thật đẹp. Anh hỏi: “Em đi máy bay có bị mệt lắm không? Anh vui mừng
chào đón em đến thăm anh và thăm đất nước này.”
Em nói thật:
“Cám ơn anh đã cho em bó hoa thật đẹp. Em… ngồi quá lâu trên máy bay nên cũng
có hơi... ê mông, nhưng em không mệt. Anh à. Vì đi gấp quá nên em không kịp mua
quà tặng anh làm kỷ niệm. Vả lại… em chỉ mang theo mình được hơn năm mươi đô Mỹ
thôi. Em chưa biết...”
Hắn nghe em nói như vậy thì lộ vẻ mặt sửng sốt thật sự. Hắn nói: “Em nói gì mà
lạ vậy. Anh mời em tất nhiên là anh phải lo cho em. Nói theo như bên Việt Nam
mình là lo cho em từ A đến Z. Em yên tâm đi. Bây giờ mình ra xe rồi về nhà nghỉ
hay em muốn đi ăn...”
Câu nói của hắn làm em thật sự xúc động. Em nói: “Trên máy bay họ cho ăn nhiều
quá rồi anh à. Em no quá. Về nhà trước để xem cái tổ ấm của anh ra sao đã.”
Hắn nhìn em và cười thật hiền: “Anh... Anh chỉ có tấm lòng chân thật và trái
tim để yêu một mình em thôi, ngoài ra anh không có gì cả.”
Hắn đưa em đi lấy xe rồi chạy thẳng một mạch về nhà.”
“Chuyện em đem theo chỉ có năm mươi đô Mỹ… là thật?”
“Dạ thưa ông, đó là sự thật. Việt Kiều thì cũng có nhiều thành phần chứ không
phải ai ở nước ngoài thì đều giống nhau cả. Hắn... Anh ấy và em quen biết nhau
chưa được bao ngày nên cũng cần nhiều thử thách lắm. Em tin anh ấy muốn quen em
thật nên em không sợ khi chỉ mang theo người có ngần ấy tiền. Ông nghe em kể về
người đàn ông Việt Kiều Hòa Lan của em đến đây, có lẽ ông sẽ nghĩ, đây là anh
chàng có đầy ắp tiền trong tủ sắt hoặc trong ngân hàng mặc sức mà lấy ra tiêu
xài, muốn tiêu xài bao nhiêu thì tiêu, phải vậy không thưa ông? Hoàn toàn khác
hết ông ạ. Anh ấy cũng có chiếc xe bốn chỗ ngồi để đi làm. Anh ấy cũng có căn
nhà mới mua nhưng còn phải còng lưng ra trả đến mấy chục năm nữa mới xong.
Trong nhà thì trống trơn không có đến một vật gì gọi là đáng giá gọi là cho ra
hồn ra vía gì cả. Sàn nhà lót cây thì mới lót chưa được đến phân nửa đành phải
ngưng lại vì hết tiền. Máy giặt thì cũ rích. Máy xấy quần áo thì... đang còn ở
ngoài tiệm đợi chừng nào có tiền sẽ đem về. Cũng may là còn có cái giường nệm
cũ chứ không thì... Đó! Đó là những hình ảnh thê thảm của ngày đầu em bước chân
vô căn nhà của một người Việt Kiều. Và, đúng như anh ấy đã nói với em ngoài phi
trường, “Anh chỉ có tấm lòng chân thật và con tim dành để yêu một mình em thôi.
Ngoài ra anh chẳng có thứ gì khác.”
Trong những ngày ở bên nhau, em rất cảm phục tư cách của anh ấy. Em rất cảm động
về cách đối xử của anh ấy. Đúng như nhiều người phụ nữ ở trong nước đã nói với
nhau là, đàn ông Việt Nam sống ở ngoại quốc biết thương yêu chiều chuộng và tôn
trọng người phụ nữ, dù đó là người phụ nữ ở bất cứ quốc gia nào. Cho đến ngày
cuối cùng ở Hoà Lan em vẫn chưa trả lời dứt khoát là sẽ về chung sống với anh ấy.
Em như con chim đã bị thương nhiều lần nên chỉ cần một vật gì đó đưa ra trước mặt,
dù vật đó là cành hoa thật đẹp cũng làm cho em hoảng sợ. Sau một tuần. Em chia
tay anh ấy để về lại Việt Nam. Em xin anh ấy hãy cho em một thời gian để suy
nghĩ. Và, hai tháng sau anh ấy và em tổ chức đám cưới thật lớn tại nhà hàng
Caravelle Sàigòn với sự có mặt đông đủ của gia đình và bạn bè của anh ấy. Bên
đàn gái chỉ có dì của em hiện diện thôi.
**
Khi về ở hẳn với anh ấy, em mới thấy anh ấy nói đúng. Anh là người chì có
trái tim để yêu mình em thôi chứ anh ấy chẳng có gì cả. Về sống với anh ấy đuợc
hai tuần, em nhận ra, anh ấy chỉ có hai bộ quần áo đẹp để mặc trong những dịp
như… gặp em lần đầu tại bữa ăn trong nhà hàng có nhạc sống. Quần áo làm đám cưới
anh ấy mướn. Để có tiền sửa nhà và đi Việt Nam, anh ấy đã làm đám cưới giả với
cô gái nước nào đó đang sống bất hợp pháp ở Hòa Lan. Anh ấy không có tiền mà lại
còn có một cái tính xấu rất lớn. Tính ba hoa. Tính hay nổ. Anh thường khoe
khoang những điều không có thật mà nhiều khi em phải thẹn đến đỏ mặt. Anh ấy học
hành chưa đến đâu, thế mà anh ấy lại nổ từng được một nhà băng lớn mướn làm một
dự án, một công trình gì đó rất quan trọng.
Em không ngờ một cô gái khá xinh đẹp như em lại cứ phải luôn gặp những người
đàn ông… kỳ quái. Nhưng, anh ấy khác những người đàn ông trước kia của em là vì
anh thương yêu em thật sự… thế thôi. Lúc này em mới chợt nhớ đến lời của vị thầy
bói năm nào nên em chỉ biết thở dài chấp nhận vì phần số của mình đã định như vậy
rồi. Nếu em muốn thay đổi thì người kế tiếp không chừng sẽ còn tệ hại hơn. Em
phải tìm cách để từ từ sửa đổi anh ấy. Và, em tin em sẽ sửa đổi được anh để anh
trở thành người ăn ngay nói thật. Anh ấy phải làm ăn thật sự chứ không phải chỉ
trong trí tưởng tượng. Đầu tiên em mở một cửa tiệm để buôn bán đồ trang sức phụ
nữ bằng đá quý. Em chọn được một cửa hàng khá rộng rãi ở bãi biển du lịch nổi
tiếng. Anh ấy sẽ trông coi cửa hàng và tiếp khách. Còn em, em sẽ đi đến các quốc
gia trong vùng Châu Á để tìm mua hàng. Công việc mới bắt đầu nhưng lại khá suôn
sẻ nên … em về lại đây để hoàn tất hồ sơ chuyển qua sinh sống luôn với anh ấy.”
“Em sẽ nhận giấy tờ ngay ngày hôm nay. Thế… khi nào thì em lên đường?”
“Dạ, khoảng mười ngày cho đến hai tuần.”
“Tôi… tôi cũng mừng cho em. Quả thật người phụ nữ Việt Nam từ bao đời rồi vẫn
luôn chịu nhiều những thiệt thòi.”
“Theo em, người phụ nữ Việt Nam mãi mãi vẫn là người biết thương yêu chồng con
và lo gìn giữ hạnh phúc gia đình luôn được bền chắc. Nếu có thay đổi tính
nết là do ở người đàn ông Việt Nam quá khinh thường người phụ nữ mà ra.
Dù không tiền nhưng vẫn thích đàn đúm ăn nhậu. Rượu là một trong những
nguyên nhân làm gãy đỗ hạnh phúc, làm tan nát mái ấm gia đình, làm
chia ly tan vỡ những mối tình đẹp và thơ mộng, và, làm mất phẩm
cách. Xã hội Việt Nam với sự giáo dục đã xuống cấp nên đạo đức cũng
đã suy đồi trầm trọng đến khó mà một sớm một chiều vực dậy được.
Ngày nào người đàn ông Việt Nam ở trong nước nhận biết được sự tai hại của rượu,
biết giữ gìn đạo đức và phẩm cách, biết quý trọng người phụ nữ, biết chu toàn bổn
phận của người chồng người cha trong gia đình… thì chừng đó người phụ nữ Việt
Nam mới thật sự chấm dứt cảnh bỏ xứ Việt đến sinh sống nơi xứ lạ.”
“Em vừa nói rượu là một trong những nguyên nhân làm gãy đỗ hạnh phúc gia đình.Vậy
những nguyên nhân khác nữa là gì?”
“Dạ, nhà cầm quyền này đã sai lầm khi đàn áp mọi tôn giáo và khủng bố những con
chiên, những thiện nam tín nữ để mong mọi người từ bỏ đạo và trở thành người vô
thần. Nhà cầm quyền này đang ra sức cố phá bỏ những nơi thờ phượng. Nhưng, một
khi con người đã không còn niềm tin ở tôn giáo thì con người sẽ dễ dàng làm việc
ác, thường xuyên phạm vào tội ác mà không hề lo sợ bị trừng phạt bởi Thượng Đế.
Ông còn làm việc ở đây lâu và ông sẽ được dịp chứng kiến mỗi ngày con người gây
ra những tội ác man rợ không khác gì thời loài người còn ăn lông ở lỗ. Nhà cầm
quyền này thường có những hành động lỗ mãng đối với các viên chức của các chính
phủ mà họ có bang giao. Nói theo cố nhà văn Duyên Anh thì, “Họ lập đi lập lại
những giáo điều khốn kiếp của chủ nghĩa và mệnh lệnh đê tiện của lãnh tụ. Giống
hệt phát xít, người mác xít mắc chứng nan y. Đó là ung thư óc. Ung thư óc biến
họ thành con người tự tôn sùng mình một cách buồn cười. Với họ, cộng sản là quê
hương của loài người, chủ nghĩa của họ bách chiến bách thắng, giai cấp của họ
siêu việt. Khi họ nhân danh chủ nghĩa phát biểu một cái gì, cho một quyền lợi
nào, ở bất cứ đâu, họ đều vinh danh cái tuyệt đối đúng của họ và xác định nó là
chân lý. Mọi bất đồng, mọi phản kháng bị chụp mũ chống đối, bị chụp mũ phản động.
Nói về giai cấp vô sản, lãnh tụ luôn luôn ngậm nước hoa phun vào giai cấp của
mình từ tóc xuống đến móng chân. Nhưng, khi phê bình giai cấp đối kháng, nhất
là giai cấp tiểu tư sản, thì họ cũng thừa khả năng ngậm nước cầu tiêu để vấy
nhơ, để bôi nhục.”
“Em tin lời vị thầy bói năm nào đã nói với em nên kiếp này em phải bị nhiều điều
trái ngang. Kiếp sau em vẫn muốn làm người Việt Nam. Khi đó chắc chắn cái đảng
cộng sản này đã bị tận diệt từ lâu lắm rồi… phải không ông?”
Ông nhoẻn miệng cười nhưng không phát ra thành tiếng. Ông nói:
“Qua câu chuyện của em, nếu chúng ta tin vào kiếp luân hồì là có thật thì… cũng
vì kiếp trước em đã làm khổ đàn ông nhiều nên kiếp này em phải trả… đúng như vị
thầy bói nào đó đã xem cho em. Tôi chưa thấy người phụ nữ nào được may mắn gặp
toàn những người có ăn học và có bằng cấp cao… Thế mà. Tôi chúc em nhiều may mắn
và được hạnh phúc với người thứ tư này. Thỉnh thoảng nếu em có trở về thăm lại
quê hương thì… đến đây thăm tôi nhé.”
Tôi bắt tay ông từ giã với sự xúc động. Lần đầu tiên tôi gặp và nói chuyện
thoải mái với người cán bộ cộng sản thật cởi mở. Phải chi quê hương Việt Nam của
tôi toàn những viên cán bộ như ông Chi Cục Trưởng này thì… Ngoài đường vẫn còn
nắng nhưng không nóng. Người qua lại trên đường phố vẫn đông đúc mà người nào mặt
cũng tươi vui như thể họ đang mừng cho tôi, một người phụ nữ mà chiều nay đã
nói ra được cái đau khổ mà phần đông những người phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng
từ bao đời qua vì những thói hư tật xấu của những người đàn ông Việt.
Trời Saigon buổi chiều nay sao tôi thấy đẹp quá. Đẹp vô cùng./.
Topa
(Hòa Lan)