(LTG: Bài này đã đi trên Người Việt, ngày 16/6/2021.
Trong bài dưới đây, tác giả có nhuận sắc, thêm phần thơ chữ Hán và một số hình ảnh)
Lại hè! Lại nắng! Và lại ve!
Năm nay, 2021, con ve xuất hiện dài dài trên báo chí Hoa Kỳ,
báo động một mùa ve rộn ràng, ầm ĩ vì sự xuất hiện của “Brood X” (Lứa Ve 10)-
tên riêng do các nhà sinh vật học đặt cho loại ve năm 2021 này- trải dài qua
14, 15 tiểu bang, từ North Carolina, Georgia, Tennessee đến Indiana, Michigan,
Pennsylvania, New York, New Jersey…. Ve hiện diện trên khắp thế giới: 3.390 loại,
có loại thường niên (annual cicadas), có loại chu kỳ (periodical cicadas).
Riêng Hoa Kỳ, 190 loại, trong đó 15 loại là chu kỳ, hoặc 13 năm hoặc 17 năm.
Brood X, lớn nhất trong các loại ve chu kỳ, tái xuất giang hồ sau 17 năm nằm im
tu luyện trong lòng đất. Mô tả bằng những nhóm từ nghe rất “kêu” như “a big
tsunami is coming” (cơn sóng thần lớn sẽ ập đến), “the big cicada
invasion of 2021” (cuộc đại xâm lăng ve năm 2021), các nhà chuyên môn ước
đoán phải có đến hàng tỷ (billions), thậm chí hàng ngàn tỷ (trillions) con sẽ
tràn ngập các tiểu bang nói trên, từ rừng sâu cho đến công viên, từ đường phố
cho đến các khu vườn nhà, bắt đầu từ giữa tháng 5 và đạt đến đỉnh điểm vào giữa
tháng 6. Ngoài tiếng ồn, một số tai nạn ve đã được ghi nhận trên báo chí: ve
đâm vào mắt một người đang lái xe khiến xe lạc tay lái, đâm vào cột điện ở
Cincinnati, Ohio hôm 7/6; chuyến bay chở thông tín viên báo chí đi Âu Châu tháp
tùng chuyến Âu du của tổng thống Joe Biden bị chậm 7 tiếng đồng hồ vì bị ve bám
vào máy, không khởi động được, hôm 9/6…
Vùng tôi ở, Dallas, không có Brood X, chỉ có loại ve thường niên “Dog-Day cicada”, trông chẳng khác mấy với ve Huế. Đối với chú bé sống ở khu nhà vườn, ve là con vật bé nhỏ đáng yêu và thân quen nhất trong rất nhiều thứ côn trùng đầy dẫy chung quanh, mà tiếng kêu rộn ràng sảng khoái của chúng vào mỗi buổi trưa hè và những trận mưa ve (ve đái) mát mẻ trong những ngày nóng bức nằm ngủ võng dưới vòm cây, tràn trề ký ức tuổi thơ tôi, kéo mãi đến tận bây giờ. Nhưng có điều lấn cấn: nói đến ve, lập tức tôi nghĩ đến hình ảnh con ve trong bài ngụ ngôn “Ve và Kiến” do học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ “La cigale et la fourmi” của La Fontaine.
Ve sầu kêu ve ve/Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi/Nguồn cơn thật bối rối…
Hồi nhỏ, khi học bài thơ này, tôi hết sức bực mình với cách
diễn tả “tính tình” con ve đầy những nét tiêu cực: lười, chỉ biết ca hát, không
chịu làm việc, lại còn “sầu” nữa. Ve không lười, chẳng ham chơi và cũng không hề
sống tới mùa đông để than thở và xin xỏ thức ăn. Ve sạch sẽ, cao sang, không ô
nhiễm môi trường, chẳng ăn sống nuốt tươi con vật nào; không những thế, hoà
cùng với nắng và cây và lá, tạo nên sức sống miên man của những ngày hè tươi
vui, náo nhiệt. Tôi chẳng rõ mỗi con thọ được bao lâu. Chỉ biết rằng khoảng chừng
sau năm bảy tuần lễ rộn ràng là chúng dần dà biến đi đâu mất, gần như chẳng để
lại dấu vết gì ngoài những chiếc vỏ khô chết hờ hững bám trên những cành cây buồn
hiu, để lại một nỗi tiếc nuối vô bờ trong lòng đứa bé. Ừ, đồng ý là “người buồn”
thì “ve có vui đâu bao giờ”, chả thế mà “Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng
lòng” (nhạc Thanh Sơn) hay “Cung đàn nào thương bằng tiếng ve
sầu” (nhạc Lê Dinh-Minh Kỳ), nhưng gọi con ve là “ve sầu” như một cái
tên chính thức để chỉ loài ve thì thật là không chấp nhận được. Nhất là khi các
nhà biên soạn tự điển biến hai chữ “ve sầu” thành từ vựng: hầu hết các tự điển
đều dịch “cicada”, “la cigale” hay “thiền” (蟬)
là “ve sầu” thay vì chỉ là “con ve” hay “ve”. Có lẽ không có từ vựng nào chỉ một
sinh vật lại kèm thêm một tính từ tiêu cực như con ve. Nổi tiếng bi thảm như
“con dế buồn tự tử giữa đêm sương” (Du Tử Lê) mà tự điển chỉ ghi “cricket” là
“con dế”, chứ chẳng phải “dế buồn”!
Tiếng ve là tiếng của một dàn đại hợp xướng, lúc nào cũng rộn
ràng, hào hứng, vui tươi. Ngoài mục đích dọa nạt hay làm nhụt chí những con vật
mê thịt ve, thì tiếng ve cũng là tiếng gọi tình (courting/mating call). Sao chẳng
ai gọi là “ve tình” nhỉ! Chú bé ngày xưa đã chứng kiến (và chờ đợi) biết bao lần,
khi hàng ngàn chàng ve đang say sưa hợp xướng là lúc những nàng ve cái (vốn nhỏ
con hơn và không hề biết kêu) đậu ở đâu đó lắng nghe, rồi thấm tình thấm ý, vỗ
cánh nhẹ bay đến bên cạnh bạn tình, yên lặng chờ chàng trổ tài yêu đương. Nàng
đến, chàng vẫn tiếp tục kêu, có điều, tiếng kêu đột nhiên dịu hẳn xuống, cách
quãng, chậm rãi hơn và du dương hơn rồi từ từ…im bặt: cả hai quấn lấy nhau,
quên trời quên đất. Chỉ đợi có thế, chú bé cầm cây cần dài, đẩy nhẹ một cái là
cả chàng và nàng (đang dính vào nhau trong say đắm cuộc tình) từ từ rơi xuống đất
để chú lấy cả cặp bỏ vào trong giỏ. Chao ơi, chú đã làm “tàn một cuộc tình”để
thỏa mãn niềm vui tuổi nhỏ!
Khác với hình ảnh tiêu cực trong bài thơ ngụ ngôn La
Fontaine,tiếng ve kêu đã đi vào thơ bằng những lời ca ngợi kể từ thời Hy Lạp cổ.
Dù được gọi là thứ côn trùng kêu đinh tai nhức óc (shrill-voiced insect), nhiều
nhà thơ Hy Lạp đã làm những bài “tụng cave”(cicada ode) tới nơi tới chốn. Chẳng
hạn nhà thơ Meleager of Gadara:
O, shrill-voiced insect; that with dewdrops sweet
Inebriate, dost in the desert woodlandssing
(Ôi, tiếng hát con ve the thé đinh tai; cùng với những giọt
sương ngọt ngào
Vang lên trong những khu rừng vắng làm mê mẩn tâm can)
Thơ cổ Trung Hoa không thiếu tiếng ve. Có thể kể:“Tại Ngục Vịnh
Thiền” (Vịnh con ve từ chốn lao tù),在獄詠蟬,
của Lạc Tân Vương (640-684), “Văn Thiền” (Nghe tiếng ve kêu), 聞蟬,
của Đỗ Mục (803-853), “Hàm Phong Thiền” (Con ve chịu gió),含風蟬,
của Lư Chiếu Lân (663-689), “Văn Tảo Thiền” (Nghe tiếng ve sớm), 聞早蟬,
của Lục Sướng (thế kỷ thứ 9), “Vũ Lâm Linh”(雨霖鈴 )
của Liễu Vĩnh (1004-1054)… Mời đọc một bài tiêu biểu,“Văn Thiền” (Nghe tiếng ve
kêu),聞蟬,
của Lai Hộc (?-883):
Lục hoè âm lý nhất thanh tân,
Vụ bạc phong khinh lực vị quân.
Mạc đạo văn thì tổng trù trướng,
Hữu sầu nhân hữu bất sầu nhân.
(Trong bóng mát của cây hoè một tiếng mới phát ra,
Sức truyền trong sương mù loãng và gió nhẹ chưa đồng đều.
Đừng có bảo lúc nghe ai cũng buồn,
Có người buồn, cũng có người không buồn.)
Ve của Lai Hộc là con-ve-như-nó-là, không sầu, cũng chẳng
vui. Trong lúc đó, ve của Liễu Vĩnh trong “Vũ lâm linh” hoàn toàn khác: “hàn
thiền”, 寒蟬,
ve lạnh:
Hàn thiền thê thiết,
Đối trường đình vãn,
Sậu vũ sơ yết.
Đô môn trướng ẩm vô tự.
Lưu luyến xứ,
Lan chu thôi phát.
Chấp thủ tương khan lệ nhãn,
Cánh vô ngữ ngưng ế.
Niệm khứ khứ.
Thiên lý yên ba,
Mộ ái trầm trầm Sở thiên khoát.
Đa tình tự cổ thương ly biệt,
Cánh na kham,
Lãnh lạc thanh thu tiết!
Kim tiêu tửu tỉnh hà xứ?
Dương liễu ngạn,
Hiểu phong tàn nguyệt.
Thử khứ kinh niên,
Ưng thị lương thần,
Hảo cảnh hư thiết.
Tiện túng hữu thiên chủng phong tình,
Cánh dữ hà nhân thuyết?
(Dịch nghĩa:
Ve lạnh kêu buồn thảm,
Trước trường đình lúc trời tối,
Mưa rào vừa tạnh.
Tiệc rượu tiễn đưa nơi cửa thành, không gỡ được mối sầu.
Đang lúc lưu luyến,
Thuyền lan giục giã ra đi.
Nắm tay nhìn nhau, mắt rưng rưng lệ,
Rồi không nói nghẹn ngào.
Nghĩ người ra đi,
Khói sóng trải dài ngàn dặm,
Mây chiều man mác, trời Sở bao la.
Kẻ đa tình xưa nay vẫn buồn chuyện biệt ly,
Lại chịu thêm sao nổi,
Tiết thu lạnh hiu hắt.
Đêm nay khi tỉnh rượu sẽ ở nơi nào?
Bờ dương liễu,
Gió sớm trăng tàn.
Từ nay năm này qua năm khác,
Hẳn là tiết lành,
Hay cảnh đẹp thì cũng thấy trống rỗng mà thôi.
Dù cho có ngàn loại phong tình,
Cũng biết thổ lộ cùng ai được)
Hàn thiền thê thiết: Ve lạnh kêu buồn thảm! Có lẽ
đây là một trong những bài thơ ve buồn nhất: tiếng ve biệt ly. Nói cho rõ, chẳng
phải là tiếng ve mà là tiếng lòng.
Hai chữ “hàn thiền” về sau được Nguyễn Du sử dụng trong một
bài cảm tác về ve: “Sơ Thu Cảm Hứng” (Cảm hứng đầu thu), 初秋感興:
Giang thượng tây phong mộc diệp hy,
Hàn thiền chung nhật táo cao chi.
Kỳ trung tự hữu thanh thương điệu,
Bất thị sầu nhân bất hứa tri.
(Dịch nghĩa: Gió tây thổi trên sông lá cây thưa thớt
Ve lạnh suốt ngày kêu trên cành cao
Trong tiếng kêu có điệu thanh thương
Không phải người buồn thì không biết được)
Tiếng ve Nguyễn Du cũng là một tiếng ve buồn!
Nhà thơ Nhật Matsuo Basho (1644–1694), trong một bài hài cú,
“Tiếng Ve” (Cicada Voice), đưa người đọc vào một khung cảnh khác hẳn: thiền.
閑かさや
岩にしみ入る
蝉の声
Mấy câu thơ ngắn ngủi này được rất nhiều người dịch ra tiếng
Anh. Tôi thích câu này:
- The Deep Stillness/Seeps into the rocks/The voice of
the cicadas (Ken Baker)
Tạm dịch:
Tĩnh Mịch Sâu Lắng
Ri rỉ giọt vào đá
Tiếng ve kêu
Trong thi ca Hoa Kỳ đương đại, John Blair, một trong nhiều nhà
thơ nổi tiếng Hoa Kỳ, có một bài thơ dài ca tụng tiếng ve kêu, “Cicada”. Khổ
thơ đầu tiên viết:
A youngest brother turns seventeen with a click as good
as a roar,
finds the door and is gone.
You listen for that small sound, hear a memory.
The air-raid sirens howled of summer tornadoes, the sound
(Tạm dịch: Chú em út lên mười bảy
bằng một tiếng lách cách mà nghe như tiếng gầm
mở cửa và ra đi
tưởng là nghe tiếng gì nho nhỏ âm vang kỷ niệm.
(hóa ra) là tiếng còi báo động không kích hú lên những cơn lốc
xoáy mùa hè)
Thơ Việt Nam hiện đại có rất nhiều bài viết về tiếng ve. Tiếng
ve trong bài thơ sau đây, “Nụ Hôn Đầu” của Trần Dạ Từ, chỉ đóng vai trò ngoại
biên, nhưng thiếu nó có lẽ là thiếu tất cả:
Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày đó miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.
Nụ hôn vô tiền khoáng hậu: thơm, ngon, ngọt, đẹp, lại vô
cùng trong sáng và vô cùng ồn ào. Một nụ hôn ve. Hèn gì mà “tiếng ve mùa cũ rụng
rời vai anh”.
Một nhà thơ trẻ sau này, Đinh Thị Như Thúy, diễn tả ve bằng
một thứ ngôn ngữ và nhịp điệu khác, mới mẻ và hiện đại hơn:
Đó là tháng tư
Tháng của những ve núi rền rĩ trong các vòm xanh
Tháng của những ve núi gắt gỏng lêu nghêu trên các nhánh
cành lặng phắc
Em nói: Những con ve không để ai yên
Em nói: Ban đêm chúng ngủ say còn em không sao ngủ được
Em nói: Phải giấu che những chiếc gai nhọn
Em nói: Vì em không phải hoa hồng
(Những ám ảnh bất động)
Ve của nhà thơ này nghe có vẻ ngổ ngáo và bướng bỉnh.
*
Thơ ve, nói chung, đa dạng và khá mặn mà.
Với tôi, ve thì nhất định là “ve vui”, không hề là “ve lạnh”,
lại càng không thể là “ve sầu”!
Có sầu muộn chia ly thì khi nghe tiếng ve, nếu không vui ra,
thì nhất định cũng phải bớt sầu.
Bạn nghĩ sao?
Trần Doãn Nho
(6/2021)
___________
1. Gọi “Dog-Day cicada” vì loại ve này có mặtcùng thời điểm
với chòm sao “Dog Star” xuất hiện trên bầu trời buổi sáng sớm, khoảng giữa
tháng 7 và tháng 9 Dương lịch.
3.Xem ở Thi Viện: thivien.net
4.Vũ lâm linh là tên một nhạc khúc thời Đường do Dã Hồ soạn.
Đường Minh Hoàng trên đường đi, nghe tiếng mưa trong rừng ngân như tiếng chuông
bỗng nhớ Dương Quý Phi, sai Dã Hồ làm hai khúc Vũ lâm linh và Hoàn ai nhạc 還哀樂.
5.Xem ở Thi Viện: thivien.net
6.https://suisekiblog.wordpress.com/2017/08/29/a-haiku-by-basho-cicada-voice/
7. https://poets.org/poem/cicada