Hôm nay, hầu hết các hãng tin quốc tế đồng loạt đưa tin tức,
hình ảnh và phim về các cuộc biểu tình tại nhiều nơi của nhân dân Cuba chống chế
độ CS vì tự do. Những khẩu hiệu “Đả Đảo Độc Tài”, “Đả Đảo Cộng Sản”, “Tự Do!”
được hô vang trên đường phố Havana và các thành phố lớn.
Cuba là một trong năm nước CS còn sót lại của thời Chiến Tranh Lạnh và chịu đựng dưới chế độ độc tài suốt 62 năm từ khi Fidel Castro và Che Guevara chiếm Cuba vào tháng Giêng, 1959. Các nước CS tàn dư khác là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Hàn.
Nhắc lại lịch sử. Phong trào nổi dậy chống chế độ tham nhũng
Fulgencio Batista đầu tiên là Phong Trào 26 Tháng Bảy (Movimiento 26 de Julio)
1953. Thoạt đầu phong trào thu hút được một số đông nông dân bất mãn với các
chính sách sản xuất và thu mua mía, sản phẩm chính của nông nghiệp Cuba, và
chính quyền vi hiến của Batista. Fulgencio Batista bị lật đổ và trốn sang Mỹ.
Ông ta qua đời 26 tháng 8, 1973 tại Guadalmina, Spain.
Nhưng sau khi lật đổ Fulgencio Batista, Fidel Castro và Che
Guevara thay vì tiến hành các cải cách kinh tế và mở rộng tự do chính trị như
đã hứa, lại rập theo mô hình chính trị chuyên chế và kinh tế tập trung của các
nước CS thuộc khối Đông Âu.
Fidel Castro quốc hữu hóa toàn bộ nền kinh tế trong đó 40%
đường mía, 90% nguyên liệu là vốn đầu tư của các công ty Mỹ. Đảng CS Cuba chính
thức ra đời ngày 3 tháng 10, 1965 và là nước CS đầu tiên tại Châu Mỹ.
Ngày 19 tháng 10, 1960, TT Dwight D. Eisenhower trừng phạt
Cuba bằng cách ra lệnh cấm vận các hàng hóa Mỹ xuất cảng sang Cuba ngoại trừ y
tế. Tháng 2, 1962, TT John F. Kennedy ra lịnh cấm vận các sản phẩm Cuba nhập
vào Mỹ.
Qua các thời kỳ tổng thống Mỹ từ Eisenhower đến nay, quan hệ
giữa Mỹ và Cuba có khi nóng khi lạnh, khi nới lỏng khi siết chặt, nhưng các điểm
trọng tâm trong chính sách cấm vận của Mỹ đối với Cuba vẫn không thay đổi.
Chính sách cấm vận đối với Cuba chi phối bởi nhiều đạo luật
như Trading with the Enemy Act 1917, Foreign Assistance Act nên muốn hủy bỏ phải
được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn và cho đến nay Quốc Hội chưa thông qua một đạo
luật nào nhằm hủy bỏ cấm vận đối với Cuba.
“Cuba Archive”, một đề án phi lợi nhuận phục vụ nhân quyền
tai Cuba đã tổng kết được danh sách của 8,200 người bị mất tích dưới chế độ
Castro và đề án này hiện đang tiếp tục được tổng kết. Tiến sĩ Lago, thuộc đại học
Havard, dựa theo các báo cáo của lực lượng tuần dương Mỹ đã ước lượng số người
dân Cuba chết trên đường vượt biển là 77 ngàn. Sách Đen về Chủ Nghĩa Cộng Sản
(The Black Book of Communism) ước lượng khoảng 15,000 đến 17,000 người Cuba bị
xử tử dưới chế độ CS.
Nhiều người chết trên đường vượt biển, không nằm trong danh
sách đó, là do trực thăng của công an Cuba thả bao cát đánh chìm bè, bắn thẳng
xuống bè, ra lịnh tàu hải quân Cuba tông vào những chiếc bè mong manh. Trường hợp
tàn sát “The Canimar River” hay “Tugboat massacre of 1994” trong đó nhiều trẻ
em bị giết được ghi nhận nhưng vô số trường hợp khác vẫn chưa được biết đến, ít
nhất cho đến ngày chế độ CS Cuba sụp đổ.
Nhưng sự chịu đựng nào cũng có giới hạn. Hôm qua, nhiều ngàn
dân của thành phố San Antonio de los Baños đã xuống đường biểu tình chống chế độ
CS. Dân chúng thủ đô Havana hưởng ứng và cũng đã xuống đường.
Theo hãng tin Reuters, đây là cuộc biểu tình chống chế độ lớn
nhất kể từ khi Fidel Castro cướp chính quyền năm 1959 tới nay.
Các phương pháp sai lầm và chậm chạp mà chế độ CS áp dụng để
giải quyết nạn dịch là giọt nước tràn ly dẫn tới cuộc bùng nổ hiện nay. Riêng
ngày Chủ Nhật 11 tháng 7, đã có 6,923 người bị dương tính Covid-19 và 47 người,
gấp đôi tuần trước, bị chết.
Đời sống của những người thuộc giới tiểu thương, những người
làm ngày nào ăn ngày đó, các nghề nghiệp phụ thuộc vào sinh hoạt đường phố, chợ
búa đều không có một lối thoát nào cho số phận vốn nghèo nàn của họ.
Trả lời phóng viên hãng Reuters, bà Miranda Lazara, 53 tuổi,
một giáo viên, cho biết “Chúng tôi đang trải qua những giai đoạn vô cùng khó
khăn. Hệ thống cần phải được thay đổi.”
Dù họ Castro từng gắn liền với chế độ độc tài CS Cuba không
còn nhưng bộ máy vẫn còn nguyên như thời Fidel Castro và sau đó Raul Castro nắm
quyền cai trị.
Miguel Díaz-Canel, chủ tịch Cuba kiêm Bí thư Thứ Nhất đảng
CS Cuba từ 2019, trong diễn văn ngày hôm qua Chủ Nhật 11 tháng 7, vẫn với giọng
điệu tuyên truyền cố hữu, đổ lỗi những khó khăn và bất ổn cho Mỹ.
Theo lãnh tụ CS này, một một số không nhỏ trong những người
đang xuống đường là do Mỹ “xúi giục”. Nhiều người biểu tình đã bị an ninh thường
phục bắt và hiện chưa ai biết số phận họ ra sao. Theo tin của hãng AP, cảnh sát
đã xịt hơi cay vào đoàn người kể cả các phóng viên ngoại quốc đang theo dõi cuộc
biểu tình.
Tương tự như các cuộc biểu tình Mùa Xuân Á Rập (Arab Spring)
năm 2011 hay các cuộc biểu tình đòi đẩy bật Ali Khamenei tại Iran 2018, những
người tổ chức đã vận dụng tối đa các phương tiện tin học. Các tín hiệu, hình ảnh
được gởi đi qua các mạng xã hội. Các “lãnh tụ không chân dung” xuất hiện. Một
phong trào không người lãnh đạo được hình thành. Ý chí tập thể trở thành nguyên
tắc sinh hoạt và thay đổi hệ thống cai trị là mục tiêu chung mà đại đa số trong
11 triệu dân của đảo quốc Cuba đang tiến hành.
Díaz-Canel, chủ tịch Cuba, kêu gọi các đảng viên CS và các
thành phần ủng hộ giới cai trị CS, xuống đường để “bảo vệ cách mạng” đúng ra là
“bảo vệ quyền lợi” của giới cán bộ, đảng viên có đặc quyền trong xã hội.
Tuy nhiên Díaz-Canel quên rằng Nicolae Ceaușescu cũng đã từng
làm vậy khi tổ chức cuộc mít-tinh ủng hộ mình ngày 21 tháng 12, 1989 và kết quả
là hai vợ chồng bị chính các đồng chí từng thề thốt trung thành xử bắn bốn ngày
sau đó.
Bài học các cuộc cách mạng dân chủ đã diễn ra tại Mông Cổ
hay Hungary cho thấy đây là thời điểm của chọn lựa, không chỉ chọn lựa của người
dân đang xuống đường mà còn là chọn lựa của những người lính, những người đang
do dự và cả những người nằm trong giới cầm quyền. Nếu thành phần yêu tự do hay
nghiêng về phía tự do tạo nên áp lực đủ mạnh, đất nước Cuba sẽ thay đổi.
Phong trào dân chủ Cuba hiện nay không phải tự nhiên bộc
phát mà ngọn lửa tự do đã âm ỉ cháy từ nhiều năm trước.
Các tổ chức như Ladies in White được giải nhân quyền
Sakharov 2005, Đề án Varela (Varela Project) thu thập hơn 10 ngàn chữ ký đòi hỏi
tự do nhân quyền, xương máu của rất nhiều người Cuba chết trong ngục tù CS là
những viên gạch lót đường cho nền dân chủ Cuba sau này.
Không có sự hy sinh nào cho tương lai con cháu là hy sinh
oan uổng.
Thời gian ngắn tới đây sẽ là thời gian thử thách cho dân tộc
Cuba và tương lai đất nước này. Nhưng dù kết quả ra sao, các cuộc biểu tình hôm
qua và sắp tới nhắc cho giới cai trị CS một chân lý ngàn đời rằng mọi chế độ độc
tài đi ngược với quyền sống của con người sớm hay muộn đều phải sụp đổ.
Trần Trung Đạo