Nước Úc có một ngày lễ gây tranh cãi suốt nhiều thập niên,
đó là ngày 26/1, tên gọi của ngày lễ này được cũng được đặt lại với nhiều ý
nghĩa khác nhau.
Khởi đầu, ngày này được gọi chung là ngày lễ Quốc Khánh của
Úc, vì đó là ngày đánh dấu sự kiện năm 1788, thuyền trưởng Arthur Phillip đã dựng
cờ Anh và tuyên bố đây là vùng đất thuộc sở hữu của đế quốc Anh ở Port Jackson
(ngày nay là Sydney Cove).
Nhưng dĩ nhiên, đó cũng là một lời khẳng định về sự xâm lược của nước Anh đối với một vùng đất mà thổ dân Úc đã sinh sống từ bao đời. Những cuộc xung đột xảy ra, và khát vọng “giải phóng” của người Anh cũng đã mở ra một thảm cảnh về việc cách ly hàng ngàn trẻ em thổ dân với cha mẹ và làng quê, để giáo dục văn minh tách biệt, nhằm tạo một nước Úc có văn hóa nền của Châu Âu. Câu chuyện thật dài, đầy máu và nước mắt, là một góc của lịch sử nhân loại ở những thế kỷ trước.
Những cộng đồng thổ dân ở Úc phát triển và hội nhập vào cuộc
sống chung hôm nay, kể cả người Úc da trắng, vẫn luôn chất vấn về ý nghĩa của
ngày Quốc Khánh Úc 26/1. Ngày lễ 26/1 này từng được vận động gọi tên là Ngày
Xâm Lược, Ngày Thương Khóc… Sai lầm từ lịch sử, vẫn luôn được người dân kêu đòi
phải có sự nhìn nhận đúng, gọi tên đúng và phải có người hôm nay chịu trách nhiệm.
Ở một quốc gia văn minh, quyền được lên tiếng và thậm chí phủ
nhận luôn cả ngày Quốc khánh, vẫn không bị coi là tội, cũng không ai bị khép
vào cái nhìn là âm mưu lật đổ chế độ hay tuyên truyền chống nhà nước. Bởi một
nhà nước văn minh đích thực và vì dân, họ biết rằng mọi hành động chủ trương bảo
vệ mình, chống lại nhân dân, chỉ biến họ trở thành loại đồ tể với nhân quyền và
dân chủ.
Tháng 2/2008, Thủ tướng Úc là Kevin Rudd đã chính thức đưa
ra lời xin lỗi trước toàn quốc gia, gửi tới những người dân bản địa của Úc, đặc
biệt là những thế hệ bị đánh cắp mà cuộc sống của họ đã bị tàn phá bởi các
chính sách cưỡng bức trẻ em và đồng hóa bản địa trong quá khứ rất xa của nước
này.
Lời xin lỗi của ông Kevin Rudd, được tạm dịch một phần như
sau: ”Chúng tôi xin lỗi vì luật pháp và chính sách của các quốc hội và các đời
chính phủ đã gây ra đau thương, đau khổ và mất mát sâu sắc cho những người Úc
trên quê hương chúng ta. Chúng tôi đặc biệt xin lỗi vì đã loại bỏ trẻ em thổ
dân và Cư dân trên eo biển Torres khỏi gia đình, cộng đồng và đất nước của họ”.
Rất nhiều bài báo, hình ảnh, video của cả thế giới ghi lại
những giờ phút đó. Rất nhiều người đã khóc, nhiều người ôm chặt lấy nhau. Sự
xúc động không chỉ vì nhân phẩm và giá trị nguyên bản của con người được nhìn
nhận đúng trong thế giới văn minh và khát vọng hòa giải, mà họ còn khóc vì thấy
mình may mắn sống trong một thể chế biết yêu tương lai của đất nước và con người
hơn là gánh nặng của lý tưởng chính trị.
Câu chuyện cũ của xứ xa được viết lại dài dòng, chỉ để nhắc
rằng bài báo tha thiết kêu gọi trả lại lư hương của của Đức Thánh Trần tại tượng
đài ở Bến Bạch Đằng mới đây, được đăng trên báo Người Đô Thị, không phải là tiếng
kêu đơn lẻ. Nó là sự đau đớn của cả một dân tộc về sự báng bổ một hình tượng vĩ
đại trong lịch sử người Việt. Sự báng bổ chưa bao giờ xảy ra trong mọi triều đại
Việt đối kháng nhau, mà xưa nay chỉ có thể nằm trong tưởng tượng về bọn ngoại
bang xâm lược hay vong quốc.
Bài báo ấy có tên “Nhân giỗ Đức Thánh Trần: cần đặt lại lư
hương và tôn tạo tượng đài Trần Hưng Đạo” của tác giả Phúc Tiến, xuất hiện trên
trang nhà Người Đô Thị vào ngày 17-9-2021, được vài tiếng đồng hồ, đã bất ngờ bị
ẩn đi. Đó là một bài viết thật sự hiếm hoi đặt vấn đề về một giá trị dân tộc tổn
thương từ sự cường quyền, nhưng rồi cũng chịu chung số phận với mọi lời ngay thẳng
trước lưỡi gươm kiểm duyệt, hoặc bởi sỉ diện của một cá nhân nào đó.
Nhưng với nhân dân, tiếng kêu phẫn uất về hình tượng trang
nghiêm của một tượng đài lịch sử bị xúc phạm, vẫn không ngừng vang lên kể từ
ngày 17-2-2019 – ngày mà mọi người Việt khắp nơi trên địa cầu đều sững sờ thấy
những chiếc xe rác bao vây tượng đài Đức Thánh Trần, và xe cẩu kéo chiếc lư
hương yên vị hơn nửa thế kỷ về một nơi ẩn khuất, lấy cớ là để sửa chữa và tôn tạo
khu vực.
Cho tới giờ phút này, mọi sự giải thích của chính quyền về
hành động cẩu lư hương của Đức Thánh Trần luôn mập mờ và vô nghĩa. Ông Nguyễn
Thiện Nhân, bí thư thành phố, người chịu trách nhiệm chính về sự kiện này thì
luôn né tránh. Còn bà Trần Kim Yến – bí thư Quận ủy quận 1 thì tuyên bố một
cách vô đạo, vô luân thường rằng lư hương Trần Hưng Đạo được dời về đền thờ
trên đường Võ Thị Sáu vì “Công viên không phải là nơi thờ phụng, mà việc thờ phụng
này nên được đặt ở đình, đền, chùa sẽ đúng hơn. Đó là việc hết sức bình thường.
Mình đưa việc thờ phụng về đúng vị trí”.
Trong một bài viết phản ứng từ lúc ấy, có tên “Đỉnh lư hương
và thói dối trá”, Giáo sư Hoàng Dũng đã viết rằng “Không lẽ Chủ tịch Hồ Chí
Minh thì được phép có lư hương (ở công viên), mà Đức Trần Hưng Đạo lại không?”.
Dối trá là cách mỗi người Việt Nam gọi tên hành động và lý lẽ của những kẻ có
quyền đã múa lưỡi, nhưng tận cùng, đó là sự vong bản nhục nhã khôn xiết trước tổ
tiên mình.
Từ năm 2019, rộ lên tin đồn về chuyện chính quyền hiện nay
muốn thủ tiêu các tượng đài, miếu đền… do chế độ cũ dựng nên, bởi muốn dứt điểm
quá khứ. Chuyện dời lư hương và bỏ mặc như vậy, chỉ là nằm trong chuỗi hành động.
Thật khó tin đó là chuyện có thật, nhất là với một chế độ trong thời đại văn
minh.
Tổ tiên Việt Nam chưa bao giờ phân biệt đứa con nào thờ phụng
mình. Trả lại lư hương, là cách chứng minh những lời đồn tồi tệ đó không có thật,
và cũng để chứng minh rằng trong chế độ hôm nay, không có chuyện quyền lực cá
nhân hay sỉ diện của một quan chức có thể ngồi xổm trên linh hồn tổ tiên, và của
một cộng đồng dân cư đã sống với giá trị tâm linh đó suốt bao nhiêu năm nay.
Quả bóng đang ở chân những người có trách nhiệm hôm nay. Những
sai lầm hôm qua, không có nghĩa là thứ nhất định hôm nay buộc mọi người phải
cùng chia nhau vuốt mặt.
Những người da trắng và thổ dân ở nước Úc đã cho nhau cơ hội,
cầm tay nhau để gọi tên quê hương là của chung, quốc gia chân thành sám hối trước
sai lầm của hàng trăm năm, để cùng đi tới một giá trị chung.
Nhưng ở Việt Nam, nếu vẫn có những người vẫn im lặng trá ngụy,
ôm chặt sự hủy diệt những điều thiêng liêng nhất trong lòng dân tộc, bất chấp
tiếng kêu gào tức giận không thôi của dân chúng, thì tư cách nào để chúng ta gọi
nhau là đồng bào?
Tuấn Khanh