JULIEN GREEN, nhà văn Mỹ nhưng viết bằng Pháp ngữ. Ông
chào đời năm 1900 tại Paris và là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết (Adrienne
Mesurat, 1927; Moira, 1950; Un Mauvais Lieu, 1977; Les Pays Lointains, 1987…)
cùng những bản kịch (l’Automate, 1985) Tác phẩm của ông thường phô diễn sự thống
khổ hằng ngày trong đời sống, sự tàn nhẫn hung bạo không thể chống cự, sự gia
ơn và đôi khi lại là những điều tối tăm hắc ám. Léviathan là một truyện ngắn được
viết vào năm 1927 và đăng lần đầu trong Collection, Les Cahiers Libres năm
1928.
I.
Ông ta đợi đã được năm phút trên cái cầu ở phía đàng trước
chiếc tàu Bonne Espérance mà cái mũi to lớn của nó đã che khuất hẳn toàn thể cửa
sông. Đám trẻ ranh chơi đùa trên các đống than và những cái chóp thùng rượu gần
đó. Ông hẵn phải nghe tiếng la gào và tiếng cười rần rần của lũ trẻ, nhưng
trong cái cách cúi đầu xuống, ông tỏ ra như chẳng hề biết đến điều gì khác
chung quanh. Dáng cao cao, mặc một chiếc áo dạ đã cũ sờn có những cái túi lớn,
ông thọc tay vào trong ấy. Cái vành mũ được kéo xuống tận mắt, che khuất cả
khuôn mặt, ông đứng đó, bất động, chiếc valise kềnh càng để dưới chân.
Cuối cùng, khi một thủy thủ tìm đến thì ông tự cúi xuống xách valise lên; sức nặng của nó làm cho cổ tay ông rung động; và ông bước theo sau người chỉ đường trên chiếc cầu nhỏ dẫn lên sàn tàu. Người thủy thủ đưa ông tới căn buồng dành cho riêng ông. Khi còn lại một mình, ông đóng cánh cửa sổ ở thành tàu, xiết chặt ổ khóa và kéo tấm màn nhỏ bằng nỉ lại, xong bỏ nón ra. Ông khoảng độ bốn mươi, khuôn mặt buồn rầu, đường nét đều đặn và không có nếp nhăn. Tuy nhiên sự chán nản, nghi ngờ trên đôi mắt, cũng như một cái gì đó trên màu da đã nói lên rằng ông không còn trẻ nữa.
Nhấc chiếc valise đặt lên giường, ông mở ra, xổ tung các vật
dụng trong ấy với cái vẻ của một người quyết tâm không để dư thừa thì giờ vô
ích và cố gắng đánh tan mọi nghĩ ngợi bằng cách tự làm cho bận rộn trong một
công việc tay chân nặng nề nào đó.
Tới xế chiều, một thủy thủ thay mặt thuyền trưởng đến mời
ông dùng cơm tối trong phòng ăn chính của tàu. Ông không trả lời theo lời mời,
mà chỉ hỏi mấy giờ thì chiếc tàu Bonne Espérance sẽ nhổ neo? Người thủy thủ trả
lời rằng có thể vào lúc mười một giờ khuya đêm ấy.
“Vậy thì tốt!”, người khách nói, “tôi không dùng cơm đâu.”
Và rồi ông không rời khỏi buồng riêng.
Ngày hôm sau, thuyền trưởng Suher nhắn rằng muốn gặp người
khách.
Vị thuyền trưởng có tất cả cái vẻ của một người hoàn toàn
chân thật đến thành ra khiếm nhã. Ông nói với người khách một cách cộc cằn:
“Thưa ông, ông biết là tôi gần như không bao giờ nhận khách
trên chiếc tàu này. Dĩ nhiên trong bản nội quy có cho phép làm điều ấy, nhưng
tàu của tôi ưu tiên là để chở hàng hóa. Tôi đang làm một việc đặc biệt lợi ích
cho ông đấy.”
Thuyền trưởng ngừng lời như để cho người khách cô độc có thì
giờ nói tiếng cảm ơn. Nhưng người đàn ông kia vẫn im lặng. Vị thuyền trưởng bèn
thọc tay vào trong túi và nhổm người trên hai gót chân với cái vẻ hơi tức cười:
“Tôi bắt buộc phải xem giấy thông hành của ông.”
“Tôi sẽ trình nó ra cho ông nếu thấy cần thiết”, người khách
nói một cách giản dị.
“Trên tàu này, tất cả những gì tôi muốn đều là cần thiết cả”,
vị thuyền trưởng trả lời cũng cùng giọng điệu.
Có một thoáng im lặng rơi xuống trong khi người khách sửa lại
cặp kính đeo mắt, rồi lục tìm cái thẻ thông hành trong túi áo khoác và đưa
trình nó ra. Thuyền trưởng cầm lấy, xem xét rất cẩn thận. Ông ta có một khuôn mặt
mập mạp mà trên đó, sự tò mò bày tỏ ra nơi vô số các lằn nhăn bé nhỏ, đôi mắt lại
có cái vẻ hau háu thèm khát khi nhìn vào tất cả mọi sự.
“Thật đáng tức cười khi ông có tư tưởng du hành trên một chiếc
tàu chở hàng”, cuối cùng thuyền trưởng vừa nói, vừa trao trả tờ giấy thông hành
lại cho người khách. “Chúng ta sẽ phải vượt biển trong hai mươi ngày, ông biết
chứ?”
“Tôi biết”, người khách gật đầu. Rồi ông xếp giấy thông hành
lại.
“Dĩ nhiên là giá có rẻ hơn một chút”, thuyền trưởng tiếp lời
với một chút giả tạo. “Không còn nghi ngờ lý *do tại sao…”
Thuyền trưởng không nói dứt câu nhưng nhổm dậy trên mười đầu
ngón chân và trước khi tự bật người trở lại trên hai gót, ông có vẻ như chờ đợi
lời giải thích của người khách, nhưng người đàn ông kia vẫn im lặng. Thuyền trưởng
tiếp:
“Vả lại, đó cũng không phải là việc của tôi.”
Ông ta nhún vai và quay lưng bỏ đi. Người khách cũng rút về
buồng mình khi đó.
II.
Mặc dầu biển động mạnh nhưng những nguyên liệu to lớn đã bảo
đảm cho chiếc tàu Bonne Espérance được gần như hoàn toàn vững chắc, và dưới bầu
trời vần vũ như muốn có bão, chiếc tàu vẫn thẳng đường đi một cách chậm chạp nặng
nề nhưng an toàn.
Những ngày đầu thật là khổ nhọc cho người khách. Ông không
có cái vẻ gì của một thủy thủ. Với đôi chân bước đi không vững và nét lo âu đượm
trên khuôn mặt, người ta có thể ngờ rằng ông chẳng hề đặt chân lên một chiếc
sàn tàu nào trước đó. Phần lớn thì giờ trong ngày, ông ở lại trong buồng riêng
và dường như tự thấy thích thú với nơi chốn ấy. Có những người có khả năng
thích ứng ngay theo cùng một cách với bất cứ nơi nào xem ra họ phải ở lại lâu
ngày tại đó. Làm sao để họ thu xếp được như thế thì đó là một sự bí mật, nhưng
tất cả mọi điều họ làm chỉ là đổi chỗ một vài món đồ và bằng một phương pháp
không thể giải thích, căn phòng khách sạn họ ngủ qua đêm sẽ có cái vẻ của một
nơi chốn mà họ phải ở lại lâu ngày hoặc là của một căn nhà mà họ sẽ không bao
giờ từ bỏ. Phải có điều gì đó trong họ chống đối lại với tư tưởng thay đổi và
điều này giữ gìn để cho những sự vật chung quanh có một cái nhìn chắc chắn bền
lâu hơn.
Có lẽ đó cũng là động lực thiên bẩm đã làm cho người khách
trên tàu Bonne Espérance biến đổi càng nhiều càng tốt sự bày trí trong căn buồng
riêng. Ông lật chiếc chăn màu xám tro trên giường ngủ ra, làm giấu đi cái mền đắp
chân có mang những chữ đầu tên của một công ty. Ông cũng gỡ cả cái bao lưng của
cái ghế dựa và để bày ra cũng cùng những chữ đầu tên được thêu bằng chỉ màu
sáng. Có vài quyển sách đặt trên một kệ nhỏ, nguyên thủy được dùng làm kệ để
giày dép. Cuối cùng, cái bàn bây giờ kê trong một góc rõ ràng là không được dự
trù để tiếp nhận nó, giống như thể nó đã được đặt trước đó ở một nơi sáng sủa
mà những dấu chân vẫn còn hằn trên mặt thảm. Nơi để cái bàn hiện tại chỉ là một
chỗ gập ghềnh trên tàu, nhưng bằng phẳng hơn những nơi khác, sẽ không làm cho
cái bàn nghiêng trúc. Tuy nhiên, người khách không biết điều đó bởi vì ông có rất
ít sự hiểu biết về biển cả.
Ngay từ lúc bắt đầu cuộc du hành, những cơn mưa lớn ập xuống
trên chiếc tàu Bonne Espérance , dữ dội đến nỗi làm cho người ta nghĩ là phải
đưa nó trở lại bến.
Tuy nhiên, đã bao giờ có trường hợp một chiếc tàu quay lại bến
chỉ vì trời mưa chưa? Vị thuyền trưởng tỏ ra coi thường tất cả cái thời tiết
kinh khủng đó. “Ông là nguyên nhân của mọi nỗi này” , ông những muốn nói với
người khách một cách xấc xược khi họ gặp nhau trên lối đi nhỏ. Trong khi ấy,
người khách cao ráo sửa lại cặp kính và buông ra tiếng cười buồn rầu giống như
một tiếng ho.
Một bữa, thuyền trưởng thẳng thừng nhắc nhủ người khách:
“Ông là khách của tôi nên ông sẽ phải dùng cơm nơi bàn ăn với
tôi.”
Rồi ông chắp đôi bàn tay mũm mĩm bé nhỏ ra sau lưng và nói tiếp
bằng một giọng cố làm cho ra vẻ khôi hài:
“Ê! Có phải điều ấy làm cho ông phiền rầu chăng?”
Người khách lắc đầu.
“Này”, thình lình thuyền trưởng hỏi, “có phải rằng ông không
bao giờ trò chuyện?”
Nếu ở vào ba ngày trước, hẳn là vị thuyền trưởng đã không muốn
đưa ra câu hỏi quá thân mật và không dính líu gì đến ông như thế; nhưng bởi vì
ông chiến thắng được biển khơi nên tự cảm thấy mình quan trọng hẳn lên. Đùa giỡn
như vậy một chút cũng không sao trên một lộ trình dài bốn trăm dặm tính từ bờ
biển nước Pháp. Khuôn mặt người khách nhăn lại trong một cái cười gượng và
ông cúi đầu rút lui.
Kể từ buổi ấy, họ dùng bữa với nhau trên một bàn ăn đặt
trong căn phòng nhỏ tọa lạc phía đàng trước mũi tàu. Xuyên qua cánh cửa rộng,
người ta có thể nhìn thấy toàn thể chân trời vô tận. Một luồng ánh sáng chói
chang chiếu thẳng xuống trên chiếc bàn có hai người đàn ông đang ngồi đối diện.
“Giờ đây”, thuyền trưởng vừa nói vừa ngã đầu ra trên ghế,
“ông thấy là mình đang hoàn toàn ở trên biển. Quay đầu về hướng nào cũng chỉ thấy
biển và biển mà thôi.”
Rồi ông tâm sự, trong tất cả mọi phòng trên tàu, chỉ có nơi
này là được ông ưa thích hơn hết. Ông cũng kể rằng ông là người sinh ra để sống
trên biển. Ông không thích đất liền và các thành phố. Ông chỉ vui thú với sự cô
đơn trên chiếc tàu của ông. Thuyền trưởng hỏi người khách:
“Ông nghĩ là tôi vui vẻ chứ gì? Tôi nhận đúng vậy bởi vì tôi
ưa giễu cợt. Nhưng thật ra tôi chỉ thích làm vui cho những con người buồn rầu ủ
dột mà thôi.”
Rồi dường như theo ông nghĩ, điều tâm sự ấy đáng được đền bù
một lời tâm sự khác, nên ông nhìn thẳng mặt người khách và kêu lên:
“Đã có chuyện gì xẩy ra cho ông vậy? Hãy cho tôi biết về ông
đi! Sao ông chẳng chịu nói gì cả?”
Điều ấy đúng. Người khách đã không hề thốt lời nào. Ông ăn
trong im lặng, nhìn vị thuyền trưởng xuyên qua đôi kính đeo mắt, gật đầu, nhưng
vẫn không nói. Tuy nhiên, người khách cũng không tỏ ra nhút nhát; đôi mắt ông
ta có cái đặc tính quả quyết của những người bị cận thị mà sự tàng tật và sự cần
thiết phải nhìn chăm chú vào người khác để trông cho rõ hơn, đã là một điều
quen thuộc với mọi người chung quanh. Dẫu vậy, thỉnh thoảng cũng có một dấu nét
nào đó hiện lên trên mặt người khách nhưng nhanh đến nỗi vị thuyền trưởng không
nhận kịp ra được. Có phải điều ấy nẩy sinh từ một trạng thái khó chịu bất ngờ?
Đột nhiên, đôi con ngươi của người khách đâm ra mơ hồ xa vắng và dường như mở lớn
hơn, rồi ông cúi đầu xuống. Một nỗi tuyệt vọng ghê gớm trải dài trên dung mạo
ông, lưu lại chốc lát rồi tan biến tức thì trong một cái nhăn nhúm của toàn thể
khuôn mặt. Điều ấy giống như một sự khích động bất ngờ, và cứ hễ mỗi lần sự kiện
này xảy ra thì người khách lại gỡ kính và cúi đầu xuống một chút.
Họ dùng tráng miệng, rồi vị thuyền trưởng nghịch với con dao
ăn, làm cho nó đứng thẳng băng trên ngón tay trỏ của ông.
“Phải”, thuyền trưởng lập lại, “ông không hề nói gì hết.
Nhưng tôi sẽ không nản chí. Vài ngày nữa trên biển, ông sẽ trở thành một người
nói nhiều mà thôi.”
Người khách nhún vai, gỡ kính ra và bắt đầu lau chùi nó. Ông
như dường muốn nói: “Rồi chúng ta sẽ thấy!”
Chắc chắn là vị thuyền trưởng đã có lý. Một tuần lễ trên chiếc
tàu chở hàng có nghĩa gần như hoàn toàn cô đơn đối với một người khách, làm
thay đổi một người đàn ông. Ngay cả đến tính đa sầu đa cảm cũng không thể chống
cự nổi với sự cô đơn ấy. Người ta phải trò chuyện, phải làm quen, phải kết giao
với người khác cho dù sau đó có phải bỏ lơ họ khi tàu vừa đến bến. Nhưng phải
chăng là một điều bình thường khi mà sau năm hay sáu ngày trên biển, một con
người bắt đầu nghĩ ít hơn về điểm đến của họ? Càng tới gần nơi chốn ấy bao
nhiêu thì họ lại càng có khuynh hướng quên nó đi bấy nhiêu? Sự buồn tẻ đều đặn
của chuyến du hành thấm vào người họ, và rồi một ý tưởng kỳ lạ sẽ nẩy sinh rằng
những gì kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp sẽ có thể không bao giờ chấm dứt.
Giá có một trò tiêu khiển nào trong chốc lát, hay giá mà được đi ngang qua một
hòn đảo nhỏ, hoặc chỉ trong khoảng cách có thể nhận biết ra cái mũi đất của một
lục địa nào! Vậy mà chẳng có gì hiện đến để ngăn lại con đường vô tận của biển
khơi và biển khơi vẫn cứ hiện hữu khi người ta vừa thức giấc cho tới các bữa ăn
và trong suốt cả ngày dài. Với một người tánh khí nóng nảy thì cái quang cảnh độc
điệu này sẽ là một nỗi khổ tâm đến gần như một trò tra tấn hành hạ họ. Vì thế
những người trên tàu phải trông cậy vào đám đông đồng hành như một vị cứu tinh,
ngay cả khi họ có lòng chán ghét đám đông chăng nữa. Để được sống còn, họ phải
thoát ra khỏi mối dày vò buồn bực trong những ngày dài, thoát khỏi biển khơi và
thoát luôn cả chiếc tàu to lớn giống như một con thủy quái kia, là những thứ
luôn luôn âm thầm rình mò để mà đi theo sau họ.
III.
Có phải là tôi đã nói rằng chiếc tàu Bonne Espérance khởi đi
từ Pháp qua Mỹ không? Đúng vậy, nó phải vượt qua trên một lộ trình rất dài, thẳng
về hướng Savanah. Vị thuyền trưởng tỏ ra vô cùng mãn nguyện. Ông sống trên biển
đã lâu và thường tự đánh tan sự cô đơn của mình bằng những cuộc chuyện trò với
các thủy thủ, đôi khi cùng với những người khách trên tàu. Mà mỗi người khách
thì cũng chẳng khác nào một cơn gió mạnh thổi bất ngờ từ non cao ra biển rộng rồi
mất hút.
Giống như những con người có một kiến thức trung bình và đã
từng đọc vài quyển tiểu thuyết, vị thuyền trưởng cũng rất hãnh diện theo sự hiểu
biết về những gì mà ông gọi là tâm lý học. Ông tự tiêu khiển lấy mình trong sự
quan sát những người chung quanh ông. Ông nghĩ rằng mình đã có được một sự
thông minh to lớn trong óc. Và ông tin chắc là bằng vào một sự diễn tả nào đó
mà ông ưa thích, thì với trí thông minh sẵn có, chỉ sau vài giờ trò chuyện cùng
ai đó, ông có thể tìm ra cái dạng thức của người mà ông đang chú ý* đến.
Tôi sẽ không đi quá xa để nói rằng ông đã không ghi vào sổ
tay những gì ông quan sát, mà lại chỉ muốn đưa chúng vào ngay trong cá tính của
ông. Khi ông đã ban xong những mệnh lệnh cho mọi người và giám sát xong những
việc trên tàu thì một ngày dài trước mắt cần phải được lấp kín. Vì vậy, đối với
ông, người khách sẽ là nhân vật cung cấp cho ông nhiều trò tiêu khiển quí báu.
Và như một nhà toán học xoa hai tay vào nhau mà biết trước cái đáp số của một
bài toán đố khó, vị thuyền trưởng tự cho là may mắn khi có sự hiện diện của người
khách trên chiếc tàu của ông. Chắc chắn là như thế! Rồi khi nghĩ tới điều ấy,
ông đâm thích cái lối lạnh lùng của người khách. Sự lặng im mà thoạt đầu có thể
làm cho ông nổi giận cùng với sự giữ gìn cẩn trọng trong tất cả mọi nỗi của người
khách sẽ là những thứ kéo dài cuộc chơi và làm cho nó trở nên thú vị nhiều hơn.
Trong khi ấy, người khách dường như quyết định duy trì sự im
lặng. Điều đó chứng tỏ rằng những cái nhìn tò mò của vị thuyền trưởng đã làm
cho ông bất bình và nghĩ đến những giờ ăn chung như một điều quá ư khó chịu.
Nhưng ông cố gắng che đậy mọi xúc cảm riêng và tất cả những gì ông bộc lộ chỉ
là thái độ tự coi thường chính mình.
Giả sử vị thuyền trưởng giữ đúng như ông nghĩ ở trên thì hẳn
là ông sẽ đoán ra được rằng người khách đang sợ hãi ông; đàng này thuyền trưởng
lại nghĩ theo một cách khác nên đã tin chắc rằng ông chỉ đang giao dịch với một
người chán đời và kiêu ngạo. Hài lòng với sự khám phá ấy, bây giờ vị thuyền trưởng
lại đi quá trớn với sự khôn ngoan để mà đặt những câu hỏi khéo léo với người
khách hầu tâng bốc cái tánh tự cao tự đại của mình; đồng thời cũng gợi cho người
khách tâm sự tất cả những gì liên hệ đến ông. Tuy nhiên chiến thuật kiểu này đã
bị hỏng. Ngay từ bước đầu tiên, thái độ thô lỗ cộc cằn và những câu hỏi khúc
chiết đã làm cho vị thuyền trưởng bị thất bại. Người khách chẳng nói gì cả. Kết
quả duy nhất chỉ là lúc vị thuyền trưởng trở nên quá nằn nì thì người khách cúi
đầu thấp xuống, giống như người ta thường làm khi đứng trước một cơn gió mạnh
hay một tiếng hét chói tai.
Đương lúc bấy giờ, bầu trời trở nên trong sáng và chiếc
Bonne Espérance dường như được đền bù những ngày khá hơn. Khí hậu ấm áp. Sự im
lặng ngự trị khắp nơi, thỉnh thoảng mới bị cắt ngang bởi những đợt sóng vỗ ầm ì
hai bên mạn tàu. Tuy vậy, người khách vẫn không rời khỏi buồng riêng. Ở đó, xem
ra ông thấy dễ chịu hơn. Phải nói rằng ông sợ tất cả mọi thứ bên ngoài căn buồng
đó và cứ mỗi lần băng qua ngưỡng cửa của nó là ông lại như đang ở vào một sự
nguy hiểm nào. Có đôi lúc, các người thủy thủ lại nhìn thấy một khuôn mặt trắng
bệch đượm đầy vẻ do dự nơi một trong những cửa sổ khi họ đi ngang qua trên sàn
tàu. Rồi bất thần, một cách hoảng sợ, khuôn mặt ấy biến mất tức thì.
Đứng trước sự lặng im của người khách, thoạt đầu vị thuyền
trưởng sững sờ kinh ngạc; sau ông trở nên tức giận. Ông mời người khách ngồi ăn
chung bàn, đối xử thành thật như với một người bạn –một người bạn cũ- và ngay cả
tâm sự về một vài điều thật trong đời tư của ông mà chẳng nhận lại được gì cả!
Hẳn nhiên, dò xét sự bí mật của một người trầm mặc ít nói bằng cách chỉ dùng đến
sự quan sát và trí thông minh thì quả là một điều thú vị. Nhưng sau gần ba tuần
lễ, vị thuyền trưởng đã thấy chán lắm rồi. Trên nét mặt phiền rầu của người
khách có cái vẻ từ khước nào đó. Và sự lặng im của ông đã không còn khiến cho vị
thuyền trưởng cảm thấy thú vị nữa.
IV.
Chuyến du hành sắp kết thúc. Một con chim hải âu đáp xuống
trên sàn tàu rồi xoải rộng đôi cánh cong cong mà bay trở lại, đã báo trước cho
biết là tàu sắp vào đất liền.
Một bữa, vị thuyền trưởng nhổm dậy khỏi bàn, tới trước mặt
người khách đã không nói gì từ lúc bắt đầu bữa ăn. Ông nhón người trên mười đầu
ngón chân rồi để rơi xuống trên hai gót.
“Ông biết không, chúng ta sẽ đến bến vào ngày mai”, vị thuyền
trưởng nói.
Người khách ngẩng đầu lên. Cái vẻ nghiêm khắc của vị thuyền
trưởng rõ ràng làm cho ông sợ hãi. Ông coi bộ lúng túng, gỡ kính ra và trả lời
bằng một giọng thầm thì vừa đủ nghe:
“Tôi biết.”
Sự phiền muộn của người khách xem ra sâu xa đến nỗi khiến
cho mối kích thích trong lòng vị thuyển trưởng phải nhường bước cho sự xúc động
của lòng trắc ẩn. Sau một lúc, ông hỏi người khách:
“Ông có sao không? Ông không bệnh chứ?”
Người khách lắc đầu.
Khi người khách trở về buồng riêng, bất ngờ một cái lắc của
tàu xô ông ta ngã từ bức tường mà ông đang vịn vào như một vật chống đỡ, tới cạnh
những chiếc xuồng được treo trên những cái móc ở be tàu. Ông xoải hai cánh tay
một cách rối loạn, vồ lấy sợi dây cột ở móc sắt và nhìn trừng trừng xuống mặt
biển với vẻ khủng khiếp của một con người bất ngờ bị mang tới đối diện với Tử
Thần.
“Đừng sợ!”, thuyền trưởng kêu lên khi đi theo sau người
khách một quãng ngắn. Ông bước tới giúp người khách trở về buồng riêng.
Ngày hôm ấy trôi qua cũng giống như mọi ngày khác, ngoại trừ
sự kiện vị thuyền trưởng ít đặt câu hỏi với người khách hơn lệ thường. Rõ ràng
là ông trở nên bị khuất phục trước sự lặng im mà không một cố gắng nào của ông
có thể phá tan được. Và cũng dường như do cái động lực của lòng tốt vẫn làm cho
ông tôn trọng nên ngay lúc đó, vị thuyền trưởng đã cố gắng tỏ ra dễ chịu với
người khách hơn là ông có thể làm. Có phải do bởi cái vẻ phiền muộn quá sức của
người khách đã làm cho thuyền trưởng phải động tâm? Nhiều lần ông liếc nhìn người
khách và lắc đầu buồn bã. Người khách ăn rất ít, hầu hết thì giờ còn lại nơi
bàn ăn chỉ là nghiêng người trên chiếc đĩa của mình và không ngừng xoa lòng bàn
tay trên đầu gối. Từ chiếc nút trên cao của chiếc áo khoác ngoài kiểu thầy tu
và cái vẻ nghèo nàn nhưng sạch sẽ của ông, người ta có thể lầm rằng ông là một
nhà giáo.
Ngày cuối cùng, trời có sương mù nhưng biển rất lặng. Khi
hai người đàn ông ngồi lại với nhau lần sau rốt nơi bàn ăn, bầu trời bỗng dưng
sáng chói. Một luồng gió lạnh tạt qua mang mùi thơm trong đó người ta có thể
phân biệt và nhận ra được mùi thơm của đất đai và cây cối.
“Tốt lắm”, vị thuyền trưởng vừa nói vừa rót rượu vào ly người
khách. “Chúng ta hãy chia tay nhau như những người bạn tốt và hãy uống mừng sức
khỏe của nhau.”
Người khách dường như ngây người choáng váng và đau đớn. Ông
giơ cao cái ly rồi giữ nó lại một lát trong không gian. Bất thần, ông lại để nó
rơi trên chiếc khăn ăn và lọt xuống luôn trên sàn tàu.
“Tôi có vài điều muốn nói với ông”, người khách thì thầm.
Khuôn mặt ông trở nên xanh mét và ông lập lại những lời vừa
nói bằng một giọng to hơn, như thể sợ rằng người đối diện không nghe rõ được.
Còn vị thuyền trưởng lại dường như bị một mối vui mừng và ngạc nhiên xâm chiếm.
Ông cười lớn:
“Thấy chưa? Tôi đã nói với ông. Tôi biết là ông sẽ phải kết
thúc bằng một cuộc trò chuyện. Tôi hiểu biển cả lắm mà!”
Rồi ông lại cười lớn, nhưng trong cái cười có phô bày cả một
nỗi ngượng ngùng luống cuống.
“Ông hãy bình tĩnh lại”, vị thuyền trưởng tiếp lời khi nhìn
thấy cái vẻ run sợ của người khách. “Ông có thể nói với tôi bất cứ điều gì. Tôi
là một ông cha rửa tội hoàn hảo.”
Người khách đặt hai tay lên bàn, cúi đầu trong thái độ của một
người đang tập trung tư tưởng. Và ông kể về câu chuyện của ông.....
…..
Khi người khách dứt lời, vị thuyền trưởng hỏi:
“Rồi sao?”
“Chỉ có vậy”, người khách đáp.
“Cái gì? Chỉ có vậy mà khiến ông phải từ bỏ quê hương xứ sở
sao? Ông điên rồi! Ông sẽ được yên ổn trên nước Pháp…”
“Nhưng tôi không được yên ổn trong tâm hồn.”
“Rồi ông sẽ được yên thôi. Không ai nghi ngờ ông gì cả.”
Người khách lắc đầu. Vị thuyền trưởng tiếp tục:
“Nào! Phải có một cái gì khác nữa kìa. Đấy mới chỉ là một tội
ác được hoạch định thôi mà!”
Trên những lời cuối này của vị thuyền trưởng, người khách
ngước nhanh lên và nhìn thẳng vào người đối diện. Thình lình, ông đấm mạnh xuống
bàn bằng quả nắm của bàn tay và la lớn:
“Tất cả những gì tôi vừa nói với ông chỉ là giả dối. Tôi đã
đánh lừa ông. Tôi không phải là kẻ phạm tội.”
“Nhưng ma quỷ nào đã khiến ông nói với tôi những điều ấy?”,
thuyền trưởng hỏi.
“Bởi vì chính ông đã thúc đẩy tôi. Ông nhìn chăm chú không
ngừng vào tôi. Ông đưa ra với tôi tất cả mọi câu hỏi. Ông giống như một nhà
trinh thám đang đi tìm dấu vết của một vụ án mạng và đó là ý nghĩ đầu tiên đã
đi vào óc tôi.”
Người khách đấm mạnh xuống bàn lần nữa và la lên bằng một giọng
nghẹn ngào:
“Tôi sợ. Ông làm cho tôi kinh hoảng. Tôi đi Mỹ vì công việc
riêng. Tôi chẳng phải là kẻ phạm tội gì cả.”
Vị thuyền trưởng nhún vai một cách bình thản và mỉm cười.
Ông nói:
“Phải, chính ông là một tội phạm. Nhưng ông không việc gì phải
sợ tôi. Tôi sẽ không nói điều ấy với ai đâu.”
Người khách cúi đầu để rơi đôi kính trên mặt bàn. Ngay lúc ấy
có tiếng còi vang lên như xé không gian và tiếng một người nào đó la lớn: “Đất
liền!”
Vị thuyền trưởng nhổm dậy khỏi ghế trong một cái nhảy vọt và
nhìn nhanh qua lỗ cửa nhỏ bên hông tàu.
“Đất liền!”, giờ đến lượt ông la lớn. Và thêm:
“Cảm ơn Thượng Đế! Tôi đã nhìn thấy đất liền từ mười phút
trước rồi.”
Xong, ông rời khỏi phòng ăn trong cái vẻ kiêu hãnh tự phụ,
đi xuống lối nhỏ dẫn lên sàn tàu và ra lệnh cho các thủy thủ đang qua lại trên ấy.
Những con chim bay vòng quanh cái ống khói tàu, phát ra những tiếng kêu hoang
dã. Ở cuối chân trời, một đường dài có màu đậm hơn mặt nước là dấu hiệu chỉ định
vùng trời đất Mỹ.
Rồi ông quay người về hướng phòng ăn có sáu cái lỗ nhỏ phía
trên thành tàu, đặt tay lên miệng làm ống loa và sung sướng la lên:
“Này, ông khách ơi! Chúng ta đến nước Mỹ rồi!”
Nhưng vài phút trước đó, người khách đã gục chết.
Julien Green
Trần Thị Bông Giấy chuyển ngữ