Tôi đọc đi, đọc lại tập tùy bút mỏng (Đi
Tìm Cái Tôi Đã Mất) của nhà văn Nguyễn Khải đến vài lần lận. Lý do, một phần,
có lẽ vì ông viết hơi cô đọng và (phần khác) vì ông có quan tâm ít nhiều đến
tình cảnh của đám thường dân vô danh và bé nhỏ – cỡ tôi:
“Người dân ở đâu cũng thế, đều muốn có một cuộc sống bình yên, được tính việc cá nhân và gia đình trong một khoảng thời gian dài, một trăm năm chẳng hạn, không có những thay đổi lớn trong lối sống, trong công ăn việc làm, trong các giá trị, đặt biệt là giá trị của đồng tiền. Chứ cứ phải sống mãi từ năm này qua năm khác trong các phong trào cách mạng, lúc chống tả lúc chống hữu, những hội nghị toàn quốc và địa phương nối nhau không dứt, những hô hào la hét từ trong nhà ra ngoài đường như một lũ hóa rồ, các quan hệ xã hội và các giá trị thay đổi soành soạch thì còn biết đằng nào mà sống...”
Anh chỉ có niềm tin ở cái quây quần ấm áp của một nhóm vợ
con. Trong đời anh đã trầy lên trật xuống, nhục nhã nhiều phen vì vợ con, rốt
cuộc là để gầy ra cái tập thể nhỏ bé, trong đó anh cảm thấy yên tâm, không cần
biết đến cuộc sống mênh mông. Trong đó anh cũng cảm thấy đầy đủ; dù sống dù chết,
anh không muốn rời xa nó...
Thế mà rồi mãi anh ta vẫn không được yên. Lớn lên, gần như hồi
nào anh cũng phải cầm vũ khí trong tay: anh né viên đạn của bên này, tránh viên
đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ... Và anh cũng lại đánh trả nữa. Và nét
mặt anh thì lúc nào tuồng như cũng rầu rầu, nguội lạnh như của một người ngoại
cuộc. Vậy mà những hoạt động của anh đã làm ra tình hình của xứ sở. Ở Hoa-thịnh-đốn,
ở Mạc-tư-khoa, ở Bắc Kinh, Tân Đề-li, Vọng-các, Ba-lê v.v...
Là công dân của một đất nước đã từng anh
dũng đánh thắng mấy đế quốc to, và trở
thành lương tâm của thời đại nên anh Bốn Thôi tất bật và vất vả không
ngừng (“hồi nào anh cũng phải cầm vũ khí trong tay: anh né viên đạn của bên
này, tránh viên đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ…”) thì cũng phải (giá)
thôi!
Nhân loại có biết bao kẻ đã ước ao, khao khát được trở thành
dân Việt cơ mà? Chỉ hiềm rằng trong số những người này không ai biết được rằng
cuộc sống của Bốn Thôi hoàn toàn và tuyệt đối không có gì vui – theo như nhận
xét của nhà văn Nguyễn
Mộng Giác:
“Đấy, cuộc đời của Bốn Thôi, nhân vật tiêu biểu nhất của Võ
Phiến. Người nông dân cục mịch có nét mặt buồn hiu lạnh lẽo, thiếu hẳn sự vồ vập
mãnh liệt nhưng trong lòng, chất chứa không biết bao nhiêu khát vọng tội nghiệp.
Người nông dân ấy không có cái bề ngoài coi được. Anh xấu trai, nghèo nàn, chậm
chạp, vụng về. Thú vui độc nhất cho cả một kiếp đời dài là trưa trưa, tìm một
chỗ dừng chân thật tịch mịch, nghếch mũi lên không mơ màng mằn mò nhổ từng sợi
lông mũi ... ‘Tiểu thế giới’ của Bốn Thôi, sao mà buồn quá đỗi!”
Nguyễn Khải, Nguyễn Mộng Giác, Võ Phiến đều đã đi vào cõi
vĩnh hằng. Lớp người Việt kế tiếp, đám thường dân Bốn Thôi cỡ như thì sống cũng
không khác xưa là mấy. Tuy không còn phải “né viên đạn của bên này, tránh viên
đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ” như trong thời chiến nhưng cuộc sống của
họ (xem ra) cũng không được an lành hay yên ổn gì cho cho lắm – theo như tường
thuật của phóng viên Hữu
Danh, báo Dân Việt:
“Vợ chồng chị Lành trước đây sống cùng mẹ ruột là bà Phạm Thị
Thèm trong một căn nhà cũ nát rộng chỉ 27m2, dựng nhờ trên đất của một người
thân ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Hai người anh trai của chị Lành, một người bị tâm thần, một
chết sớm trong khi các chị dâu lại bỏ đi, để lại đến 6 đứa bé côi cút cho bà
Thèm và chị Lành nuôi dưỡng. Do bà Thèm đau ốm liên miên lại không có đất sản
xuất nên vợ chồng chị Lành đang tính tới phương án đưa đại gia đình lên Bến Lức
hành nghề bán vé số...”
Không có đất sản xuất, đã đành. Vợ chồng chị Lành – tất
nhiên – cũng không có học vấn, nghề nghiệp hay vốn liếng gì ráo trọi. Họ cũng
trơ trụi y như Bốn Thôi ngày trước, dù đất nước không còn có nhu cầu phải đánh
thắng một đế quốc to nào nữa. Bởi vậy, hai người mới phải “tính tới
phương án đưa đại gia đình lên Bến Lức hành nghề bán vé số” thay vì cầm cố chạy
chọt để có được những cách mưu sinh “qúi phái” hơn: lao động xuất khẩu hoặc làm
ô sin ở Đài Loan hay đâu đó.
Tuy nhiên, trong cái rủi của chị Phạm Thị Lành lại có cái
may:
“Dư luận Long An đang xôn xao với thông tin một người bán vé
số nghèo đưa cho khách 10 tờ vé số trúng thưởng 6,6 tỷ đồng để nhận lại 200
ngàn đồng tiền xổ số, dù khách chỉ mua thiếu qua điện thoại. Khoảng 16 giờ ngày
15.11, còn hơn 20 vé bị ế nên chị gọi điện thoại cho mối quen là anh Đỗ Ngọc Tuấn,
41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức -
hành nghề chạy xe ba gác - nài nỉ mua dùm. Anh Tuấn đồng ý mua 20 tờ, gồm ba số
khác nhau. Gọi là ‘mua’ nhưng chỉ là nói qua điện thoại, anh Tuấn cũng chưa trả
tiền.
Chiều cùng ngày, lốc vé 10 tờ của công ty XSKT tỉnh Bến Tre
mang dãy số đuôi X91207 trúng đặc biệt 4 tờ, trúng an ủi 6 tờ. Nhiều đồng nghiệp
bán vé số bảo người mua chưa trả tiền, coi như chưa mua và nói chị Lành toàn
quyền định đoạt ‘số phận’ 10 tờ vé số với trúng thưởng với giá trị lên đến gần
7 tỷ đồng này.
Tuy nhiên, chị Lành gạt phăng và cho rằng anh Tuấn là một
trong những khách hàng thường xuyên mua vé số ủng hộ chị. Rất nhiều lần anh mua
qua điện thoại và dù không trúng lần nào nhưng anh vẫn trả tiền sòng phẳng. Do
đó, không thể vì tiền mà chị đánh mất chữ tín.
Ngay lập tức, chị bấm điện thoại gọi anh Tuấn đến quán cà
phê để bàn giao số trúng. Cảm kích trước lòng tốt của người bán vé số, anh Tuấn
đã tặng 1 tờ trúng giải đặc biệt cho người bán vé số nghèo.
Định mệnh, rõ ràng, đã mỉm cười với gia đình Phạm Thị Lành.
Cũng như bao nhiêu người khác, tôi đã âm thầm chia vui cùng chị và niềm vui này
âm ỉ mãi cho đến sáng nay – trước khi đọc qua nghiên khảo của Hurun Consulting
Group tại Thượng Hải, do cố iến sĩ Alan
Phan sưu tập và phổ biến trên trang nhà của ông:
“Có 64% nhà giàu tại Trung Quốc đã và đang lên kế hoạch
để xin di cư ra nước ngoài. Nhà giàu được định nghĩa là có tài sản hơn 12 triệu
RMB (hay khoảng 1.8 triệu USD). Điểm đến mong ước? Mỹ (52%), Canada (21%), Úc
(9%) và châu Âu (7%). Hai phần ba số người trên sẵn sàng bỏ quốc tịch Trung Quốc.
Alan Phan cũng ghi lại đôi lời tâm tình của một người bạn
đang ở “đỉnh cao” của giới thượng lưu ở Trung Hoa, khi Shangai đang vào lúc hôn
hoàng:
“Tôi không biết là kinh tế Trung Quốc đến lúc nào thì vỡ trận?
Nhanh hay chậm, nhưng chắc nó sẽ đến. Có quá nhiều bất cập và scandals đang được
dấu kín bởi nhiều phe quyền lực mà sẽ được phơi bày trong các cuộc tranh chấp.
Dù mang tiếng là tỷ phú, nhưng tôi biết mình chỉ là con tốt thí, cá nằm trên thớt,
và tai họa luôn đe dọa. Tôi đã cho gia đình qua Mỹ định cư rồi. Chỉ còn một thân
một mình và chỉ cần 30 phút thông báo là tôi biến khỏi Shanghai.
Khi “kinh tế Trung Quốc đến lúc nào thì vỡ trận” thì “chỉ cần
30 phút thông báo” là ông bạn của tiến sĩ Alan Phan sẽ biến khỏi Shangai, sau
khi đã chuyển hết tiền ra nhà băng ở nước ngoài. Chị Phạm Thị Lành thì không thể
làm như vậy. Chị không thể rời Bến Lức, và e rồi cũng sẽ mất trắng số tiền nhỏ
nhoi đã mang “gửi ngân hàng lấy lãi nuôi các cháu!”
Tôi chỉ còn biết cầu mong sao thời gian qua “các cháu” đã tạm
đủ lớn để cũng có thể bán vé số tự nuôi thân thôi. Chứ ở Việt Nam, hiện nay,
đám thường dân như chúng tôi còn biết mưu sinh bằng cách nào khác nữa?
Tưởng Năng Tiến