02 October 2021

TUỔI GIÀ TRÊN ĐẤT LẠ - Nguyễn Thượng Chánh

Nói đến tuổi già thì ai mà không băn khoăn, lo nghĩ.

Già có nghĩa là ốm yếu, bệnh hoạn, xấu xí, mất năng lực, không còn hữu dụng, mất khả năng, phải trong cậy vào người khác, nghèo khó, buồn nãn, cô đơn trong căn phòng hiu quạnh ngày nầy qua ngày nọ để chờ đến lúc ra đi theo ông theo bà...

Hãy cho tôi sống trọn vẹn từng ngày một

Hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều có đề ra những chánh sách để giúp đỡ, tôn trọng và trân quý người già, nhưng đây cũng chỉ là trên lý thuyết mà thôi. Thực tế phải còn tùy thuộc vào tình trạng kinh tế và quyết tâm chánh trị của từng xứ mà thôi. 

Thôi thì xin các cụ ông và cụ bà hãy tạm hài lòng với danh dự được xã hội đề tặng sự trân quý và biết ơn bằng những danh xưng rất kêu như: Lão ông, Lão bà, Cao niên, Cao tuổi,Tuổi vàng, Tuổi Hạc, Senior citizen, Golden age, Âge d’or, les Ainés , 3e Âge v,v... 

Chánh phủ còn nhiều khó khăn về ngân sách, phải dành ưu tiên cho thế hệ tiếp nối, cho tuổi trẻ, cho tương lai của quốc gia, của dân tộc... 

Các cụ cũng đã sống nhiều rồi, xin hãy ráng hy sinh thêm chút xíu nữa cho con cháu nhờ. Chỉ còn vài năm nữa thôi cụ nhé! 

Nói chung thì cuộc sống và thân phận của người già tương đối cũng đỡ hơn ở những quốc gia Tây phương, nhưng ngược lại tại quê nhà cũng như tại những xứ nghèo khó, độc tài thì tình trạng người già còn lắm xót xa và cay đắng hơn nhiều.

Người già không còn có giá trị nào cả. 

Họ là một gánh nặng cho gia đình, cho xã hội và cho quốc gia. Họ phải chịu đựng thành kiến từ những lớp người trẻ tuổi, và than ôi, trong đó có cả những người hằng ngày có nhiệm vụ chăm sóc họ như bác sĩ, y tá, y công, nhân viên xã hội và cả con cháu, hoặc thân nhân ruột thịt trong gia đình. 

Trong y khoa, lão y (gériatrie) chỉ mới được nhìn nhận như một chuyên ngành tại Quebec từ gần đây mà thôi, nghĩa là  từ giữa những năm 80. Tuy nhiên, giới sinh viên trẻ tuổi không mấy mặn mà với lãnh vực quá phức tạp nầy vì nó đòi hỏi ở người thầy thuốc phải có một tinh thần vững chắc, một thể lực cao và nhứt là một tấm lòng biết thương người vô bờ bến.

Ông Phó thủ tướng, đồng thời là Tổng trưởng tài chánh Nhật Bản Taro Aso (72 t), tuyên bố một câu xanh dờn: “Mấy cụ già mau mau chết đi, sống thọ làm chi tốn tiền vô ích quá”!

Top Japanese Official Urges Elderly to ‘Hurry Up and Die’ (Tokyo, Dec 27, 2012)

http://abcnews.go.com/blogs/headlines/2013/01/top-japanese-official-urges-elderly-to-hurry-up-and-die/

Taro Aso has never been one to hold his tongue. But Japan’s 72 year-old deputy prime minister may have outdone himself with his latest gaffe.

At a government panel to discuss social security reforms, the former prime minister called the elderly who are unable to feed themselves “tube people,” then proceeded to say the elderly should be allowed to “hurry up and die” to reduce the burden on a country tasked to pay for their medical expenses.

Adding his personal experience, Aso  said he had already written a will, directing his family to let him “hurry up and die,” refusing end-of-life care.

“Even if (doctors) said they could keep me alive, it would be unbearable,” he said. “I would feel guilty, knowing that (treatment) was being paid for by the government.”

Không làm gì hết là niềm hạnh phúc của trẻ con nhưng là điều bất hạnh cho tuổi già (Photo Internet)

Ne rien faire est le bonheur des enfants et le malheur des vieux (Victor Hugo-Extrait du Tas de pierre

Ở đâu cũng vậy, muốn sống như ý, sống dễ chịu thì phải có tiền để mướn người săn sóc đặc biệt.Tóm lại là phải có tiền. Còn không thì ai cũng như ai mà thôi. 

Tại Québec,Canada, tình trạng lão hóa là nột hiện thực của xã hội. Hiện nay, số người trên 65 tuổi chiếm 14% dân số. Tuổi 65 là tuổi chánh thức để được xếp vào nhóm người già tại Canada và được hưởng tiền già và các phúc lợi về y tế và xã hội. 

Nhà già và nhà nuôi dưỡng dài hạn là những nơi an cư cuối cùng của người cao tuổi. Công có, tư có.

Chăm sóc và services tùy theo điều kiện cũng như khả năng tài chánh của mỗi cụ.

Có những nơi bình dân nhưng cũng có những nhà già thuộc loại de luxe 4-5 sao.Tiền nào của nấy.

Đây là một ngành kỹ nghệ đang bùng phát lên rất nhanh.

Săn sóc người già trở thành một dịch vụ hái ra tiền. 

Tại Montreal hay Toronto, các báo Việt Nam thỉnh thoảng cũng có đăng tin cung cấp dịch vụ thăm viếng, săn sóc người già tại nhà thương hoặc tại nhà. Cũng có gia đình cần người chăm sóc cha hoặc mẹ già. Thường là họ tìm phụ nữ trung niên hay sồn sồn để giúp vào công việc trên. Trả tiền mặt khỏi thuế. Có nơi họ còn bao luôn cả ăn và ở.

 Có thể gọi đây là nghề săn sóc người dưng. 

Công việc săn sóc người cao tuổi, bệnh hoạn, tánh tình có khi hơi đặc biệt, là một công việc không đòi hỏi trình độ học vấn cao, nhưng cực nhọc, cần sự nhẫn nại, chịu khó, không phải ai cũng làm được hết đâu. 

Tại thành phố Sài Gòn hiện nay cũng thấy xuất hiện ra những dịch vụ tương tợ.

Tại Quebec, cơ quan Centre local de services communautaires hay CLSC của nhà nước, nếu có yêu cầu cần sự giúp đỡ, mỗi tuần một ngày họ sẽ gởi người đến để tắm rửa và dọn dẹp căn phòng cho cụ già neo đơn. 

Muốn được đầy đủ, chu đáo và như ý hơn thì nên nhờ đến các công ty tư. 

Denise Dubé là một nhà tâm lý học đồng thời bà ta cũng là một giáo sư về lão học tại Quebec. Bà có cho xuất bản một quyển sách khảo cứu nhằm mục đích tô điểm lại thân phận người già tại Canada.

Tựa đề tác phẩm là : Humaniser la vieillesse, nouvelle édition Multimonde (2006).

Psychologue clinicienne auprès des adultes et des personnes âgées, DENISE DUBÉ est professeur de psychologie au Collège François-Xavier-Garneau. Elle a enseigné la psychologie gérontologique au Campus Notre-Dame-de-Foy, au Collège François-Xavier-Garneau et à l’Université Laval 

Đây là một tác phẩm khảo cứu về thực trạng của vấn đề lão hóa tại Canada. Tác giả muốn nhân tính hóa hiện tượng cao tuổi. Tuổi già cũng có cái hay của nó.

Sách có kèm theo rất nhiều tham khảo chuyên môn rất giá trị. Chủ yếu nhắm vào những người có nhiệm vụ săn sóc người già. 

Sau đây là một số đúc kết từ quyển Humaniser la Vieillesse.

Các bạn có biết rõ tuổi già là thế nào hay không? Page 5 à 15 

(Nên nhớ đây là khảo cứu về lão học tại Canada, một xứ giàu có và có khá đầy đủ cơ chế xã hội để giúp đỡ và bảo vệ người già từ 65 tuổi trở lên (tiền già, trợ cấp y tế miễn phí, chung cư giá hạ, nhà già v,v…) 

1) Đa số người già đều có dấu hiệu lão suy (sénile) và sa sút trí tuệ (démence)

Đây là một xét đoán không có cơ sở. Ngược lại, đa số các cụ không có bị xáo trộn tinh thần. Nhận xét tiêu cực trên đây có thể do sự lẫn lộn giữa tình trạng sa sút trí tuệ và tình trạng lão hóa của nhận thức bình thường (vieillissement cognitif normal).

Tại Canada 8% dân số trên 65 tuổi có dấu hiệu sa sút trí tuệ và lối 5% mắc bệnh lú lẫn Alzheimer. 

2) Ngũ quan có khuynh hướng giảm theo tuổi 

Các khảo cứu cho thấy ngũ quan có giảm đi khi về già. Bắt đầu là các chức năng cảm giác (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) có vấn đề vào lứa tuổi 60. 

3) Đa số người cao tuổi không còn sự ham muốn tình dục (libido) cũng như không có khả năng làm tình. 

Nếu bạn cho rằng sự kiện trên là đúng thì chắc bạn nhìn nhận rằng đối với các cụ già, sex chỉ còn là những kỷ niệm êm đềm trong quá khứ (meilleur souvenir) mà thôi.

 Nhưng các nhà tình dục học nổi tiếng như Masters et Johnson thì cho rằng sự ham muốn vẫn có thể còn được duy trì một cách satisfaisant (không quá tệ) ở những cặp vợ chồng thuộc lứa tuổi 70 và 80.

Không thấy tác giả Masters et Johnson so sánh việc ăn cơm với ăn phở.

Riêng về phía các cụ bà, Masters et Johnson cho rằng họ không có bị giới hạn vì tuổi tác nhưng tiếc thay về phía cụ ông, sex bị chi phối bởi điều kiện thể xác và tinh thần.

 Đa số các ông đều chết sớm nên các bà đành chịu thôi.

Masters, W.H Johnson. Human sexual responses. Boston Littlt; Brownand company (1966)- Human sexual Inadequacy (1970) và Human sexuality(1992) NewYork, Harper Collins.

4) Khả năng hô hấp giảm khi về già.

Thật ra hô hấp giảm dần từ tuổi 30 trở đi. Đây là dung tích volume không khí hít vào 2 lá phổi và thở ra trong 15 giây.

     5) Đa số người già đều cảm thấy khổ sở 

Khảo cứu cho thấy ngược lại. Tại các sứ phương Tây, người già rất thỏa mãn trong cuộc sống rất cao của họ.  

6) Thể lực có khuynh hướng giảm thiểu khi về già 

Thể lực giảm đi từ 10-20% đến tuổi 70. Tuy nhiên sự suy giảm thể lực có thể bị đẩy lùi lại nhờ vào những chương trình luyện tập thích nghi. 

7) Tại Canada, ít nhất 15%người già sống trong các nhà già (résidence) và các nhà săn sóc dài hạn (centre de soins de longue durée, CSLD, Long term care facility)

 Sai- Theo thống kê Canada, 17% dân số trên 65 tuổi nhận được sự trợ giúp tại gia. Ngoài ra 6% được chăm sóc tại các trung tâm săn sóc dài hạn. 

8) Người già còn làm việc thường cho năng suất kém hơn người trẻ tuổi

Mặc dù có những suy giảm về một vài chức năng và tốc độ phản ứng có chậm đi nhưng người già cũng có thể làm việc có hiệu quả không thua gì người trẻ. Bù lại người già có tỉ lệ vắng mặt ít hơn người trẻ, ít bị tai nạn hơn và cho năng suất đều đặn hơn.

9) Lối 80% người già có sức khỏe tương đối tốt và tự lập để có thể sinh hoạt bình thường mà không cần đến sự trợ giúp của người khác 

10) Người già hay giữ y thói quen của họ, rất bảo thủ và không chịu mọi sự thay đổi 

Người già thường có thái độ rất ổn định, nhưng đa số vẫn chấp nhận sự thay đổi và thích nghi vào điều kiện mới: nghỉ hưu, con cái ra riêng, góa bụa, thay đổi chỗ ở, bệnh tật...

Họ vẫn có khả năng thích nghi vào mọi tình huống như giới trẻ.

11) Người già học hành chậm, đòi hỏi nhiều thời gian để thu nhận được một vấn đề mới mẻ

12) Trong thực tế, người già không thể nào có khả năng học hỏi để tiếp thu được một kiến thức mới

Sai-Khả năng thụ đắc một kiến thức mới đều có ở mọi lứa tuổi. Đối Với người già họ cần phải có thời gian và điều kiện thuận tiện.

Càng ngày càng có nhiều đại học và trường cao đẳng mở những chương trình bổ túc formation continue thích nghi vào nhu cầu của lớp người già. 

13) Tốc độ phản ứng ở người già thường chậm hơn so với người trẻ

     14) Nói chung  tất cả người già đều giống nhau 

Không- Họ không giống nhau hết đâu. Khả năng trí tuệ, nhân cách, thái độ, cũng như các biến số về thể xác và xã hội đều khác biệt nhau ở người nầy so với người kia.

Sự kiện khác biệt về cá thể nêu trên đã đánh đổ ý niệm khuôn đúc cho rằng tất cả các cụ đều giống nhau hết. 

15) Đa số người già ít khi buồn chán 

Có khảo cứu cho thấy chỉ có 17% người già rơi vào tình trạng khó tìm được một sinh hoạt như họ mong muốn, còn lại 2/3 thì cho rằng họ không bao giờ buồn chán.

    16) Đa số người già đều bị tách biệt ra và họ cảm thấy rất cô đơn

Khảo cứu 1981 cho biết 13% người già thú nhận họ rất cô đơn trong cuộc sống, nhất là những người góa bụa, những người sống trong các viện dưỡng lão. Sự cô đơn gắn liền với bênh tật ở một số các cụ, nhất là bệnh tâm thần. Sư cô đơn có một tác dụng tiêu cực đối với hệ miễn dịch và từ đó kéo theo nhiều bệnh tật. 17) Đa số các nhà chuyên môn (bác sĩ, y tá, y công, chuyên viên xã hội...) trong phạm vi nghề nghiệp thường có ý tưởng không tốt đối với người già. 

Họ tin vào những khuôn đúc stéréotypes tiêu cực. Bởi lẽ nầy, họ vẫn thích làm việc, săn sóc bệnh nhân nhỏ tuổi hơn là người già cả. 

18) Những người già nào còn duy trì được sinh hoạt của mình thường cảm thấy hạnh phúc  hơn những ai ít còn hoạt động.

 Khảo cứu cho biết hạnh phúc của tuổi già không dính liền với nếp sinh hoạt hay sự thiếu hoạt động, nhưng thật sự ra là nhờ tiến trình thích nghi (processus d’adaptation) của họ trong đó nhân cách (personnalité) đóng một vai trò quan trọng.

Tóm lại, có cụ cần phải hoạt động, có cụ khác thì cần sự yên tĩnh và sự riêng tư để có được hạnh phúc.

19) Đa số người già vẫn còn sinh hoạt hay có ý muốn làm một công việc gì đó, chẳng hạn như làm thiện nguyện. 

20) Đa số người già ít khi nổi giận bất tử.

 Rất ít khảo cứu cho biết vấn đề nầy, nhưng phần đông các cụ cho biết là đôi khi họ cũng cảm thấy khó chịu (irrité)

21)  Nhân cách không thay đổi lúc về già 

Khảo cứu cho biết nhân cách rất ổn định trong suốt cuộc đời, nhưng cũng có khảo cứu khác cho biết cá tánh có thể thay đổi theo tuổi tác. Đó là sự gia tăng khuynh hướng nhìn vào nội tâm (augmentation de l’intériorité) nhằm tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. 

Tuy có rất nhiều khảo cứu đã giúp chúng ta hiểu được phần nào thực chất của tuổi già nhưng than ôi, trong xã hội ngày nay người già vẫn còn phải chịu lắm đắng cay, bạc đãi... 

Hiện tượng lão hóa vẫn còn phải chịu đựng áp lực từ những huyền thoại (mythes) và từ những khuôn đúc tiêu cực. 

Khuôn đúc tiêu cực và huyền thoại về lão hóa có thể khiến chúng ta có thái độ tiêu cực mỗi khi có dịp tiếp xúc với người già. Những thái độ tiêu cực có thể là nỗi lo sợ người già, lo sợ tuổi già (gérontophobie), đánh giá người già qua tuổi tác (âgisme) và thái độ xem người già như con nít (infantilisation ou bébéisme). Đây là nguyên nhân đưa đến sự kỳ thì để khước từ một dịch vụ nào đó. Thí dụ “thôi đi pa ơi, pa già quá rồi, hổng được đâu”. Sợ già cũng thường hay thấy xảy ra ở phía các bà. Đây là một cách chối từ lão hóa (page 14-15). 

Khuôn đúc tiêu cực quá phổ biến trong xã hội đã khiến cho không ít cụ tin theo những ý tưởng sai lầm trên và họ dễ dàng xuôi tay chấp nhận.(page 17)

Một số huyền thoại về người già

 Huyền thoại là sự sáng tạo ra một hình ảnh trong trí não mà không dựa vào một thực tế nào hết. Sau đây là một số thí dụ: 

*Phần lớn người già đều bị lão suy(sénile) hay bị sa sút trí tuệ hay thác loạn tinh thần (démence) 

*Đa số người già đều rất khổ sở 

*Về mặt làm việc, người già không có năng suất bằng người trẻ tuổi 

*Đa số người già hay bệnh hoạn và cần đến sự giúp đỡ trong đời sống hằng ngày. 

*Người già thường hay giữ thói quen, rất bảo thủ khó bắt họ thay đổi được. 

*Bất luận người già nào họ đều giống nhau hết 

*Phần đông người già đều sống cách biệt và họ thường cảm thấy cô đơn

Các nghiên cứu về lão học (gérontologie) đã giúp sửa sai lại rất nhiều huyền thoại về người già nhờ đó mà chúng ta có thể hiểu và cảm thông với hoàn cảnh đáng thương của họ.

Sự thiếu hiểu biết về hiện tượng lão hóa không những được thể hiện qua các huyền thoại mà còn xuyên qua các khuôn đúc (stéréotypes) tiêu cực

Một số khuôn đúc về người già 

Khuôn đúc là một tổng hợp những ý tưởng đã có từ trước, những sự tin tưởng hay ý kiến sai lầm, gán đại cho tất cả cá nhân của một tập thể.

Chẳng hạn như:

1) Thích giao tế, họp hành với bạn bè

2) Thích đùa giỡn, vui cười

3) Lo sợ cho tương lai

4) Thích đánh bài và các trò chơi khác

5) Thích đấu láo, kể lại chuyện đời mình ngày xửa ngày xưa

6) Thích nhờ cậy, tùy thuộc vào con cháu (nhờ cậy tiền bạc, ý kiến) , không dám tự mình quyết định lấy vấn đề.

7) Hay bị bệnh hoạn, cần uống nhiều thuốc

8) Có tật hay lải nhải, nói đi nói lại toàn chuyện cũ rích.(radoter)

9) Ít săn sóc (râu ria, tóc tai bù xù), không lo nghĩ đến bề ngoài của mình như ăn bận lôi thôi chẳng hạn.

10) Rất sùng đạo, hay cầu nguyện

11) Rất nhạy cảm, hay âu lo.

12) Không còn biết ham muốn hay quan tâm đến sex, hết xí quách

13) Quá yếu để luyện tập thể dục

14) Lợi tức kém hay nghèo quá 

Tác giả Denise Dubé cho biết trong số trên có thể nhận diện thật sự được khuôn đúc trong 7 trường hợp:3,5,6,7,8,10 và11. Đây là những khuôn đúc tiêu cực nói lên hình ảnh bất an,yếu đuối, suy xụp, giảm chức năng, sự lệ thuộc và cảnh cách biệt, cô đơn của người già. 

Những điều kiện để có được một sức khỏe tâm thần tốt ở tuổi già 

Theo Conseil consultatif national sur le troisième âge(1991), nhân cách của một cá nhân, hành động của họ và những cách để vượt ra khỏi tình trạng căng thẳng stress, tất cả đều là những yếu tố giúp ích vào sự duy trì một sức khỏe tâm thần tốt ở người già.

 Bên cạnh đó cũng phải kể thêm vào các yếu tố khác như có sức khỏe, có an ninh, mối giao tiếp xã hội và gia đình, có thể tham gia vào những sinh hoạt hữu ích và có một điều kiện sinh sống ổn thỏa. 

Lòng tự trọng (estime de soi), nghĩa là mình sao thì chịu như vậy cũng được xem là quan trọng để duy trì một sức khỏe tâm thần tốt.Người biết tự trọng không hạ mình xuống thái quá cũng như không phách lối, khoác lác.

Một lòng tự trọng yếu kém sẽ dẫn đến sự lo âu, nghi ngờ về khả năng của mình, do dự trong hành động và cuối cùng là rơi vào trạng thái trầm cảm. 

Trầm Cảm (dépression): thường hay xảy ra ở người già, nhất là các cụ sống trong các viện dưỡng lão. Có nhiều khảo cứu cho rằng trầm cảm là một diển tiến bình thường của tuổi già. (Page 154). 

Dưới đây là các dấu hiệu của tình trạng trầm cảm:

- Thay đổi hành vi (comportements): có vẻ chậm lại, không màn tham gia vào những sinh hoạt mà cụ thích lúc trước. Không tham gia vào các mối giao tiếp xã hội, sống ẩn dật, rút vào bóng tối.

- Thay đổi cảm xúc (émotionnels): Buồn chán cực độ, tâm hồn trống rỗng, thất vọng, mất moral, bức rức, lo âu.

- Thay đổi nhận thức(changements cognitifs): khó tập trung tư tưởng và trí nhớ, tự phê bình, tự hạ giá mình xuống, có ý tưởng quyên sinh.

- Thay đổi liên quan đến chức năng của cơ thể (physiques): mất ngủ, thức sớm, đau nhức mệt mỏi triền miên, mất năng lực énergie, mất hứng làm tình, táo bón, nhức đầu... 

Theo một khảo cứu Hoa Kỳ, người tị nạn VN trên 55 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh tâm thần cao so với các White non hispanic tức Mỹ trắng (không phải Latino). Đối với người Việt Nam đây là một vấn đề cấm kỵ tabou, ít người muốn nói đến kể cả bệnh trầm cảm (depression). 

Many Vietnamese refugees who immigrated to the U.S. in the 1970s,’80s and ’90s suffered from depression and post-traumatic stress disorder, and they continue to have mental health issues today,” said Ngo-Metzger, medicine assistant professor according to a UC Irvine Center for Health Care Policy analysis of state data.“Despite this, little is still known about the health status of these older Vietnamese Americans.”Mental health issues rarely are talked about in the Vietnamese community, added Ngo-Metzger, who studies health disparities facing Vietnamese Americans.” 

Căng thẳng tinh thần (stress) trong cuộc sống là nguyên nhân của sự suy sụp tinh thần. 

Sau đây là một số khuyến cáo trích từ tài liệu quảng bá của Association canadienne pour la santé mentale và Humaniser la vieillesse của Denise Dubé.

Làm sao tránh stress?

    1) Đối mặt với nỗi lo sợ già và bệnh tật: Chấp nhận sự thật, giữ một thái độ tích cực, đi khám bác sĩ thường xuyên, cẩn thận vớc các loại thuốc đang sử dụng, nắm vững sức khỏe trong tay mình, ăn uống quân bình, uống ít rượu, bớt thuốc lá.

2) Đối mặt sự ra đi của người thân, của bạn bè: Hãy sống với tình cảm mất mát đó, đứng trước cái tang hãy nhớ lại quảng đời của người quá vãng, nên nhắc lại thường xuyên, kêu gọi đến gia đình và bạn bè người quá cố để hồi tưởng lại những kỷ niệm.Sẵn sàng giúp đỡ người khác nếu họ cần.

3) Đối mặt với nỗi niềm cô đơn: Nên giữ nếp sinh hoạt bình thường và cố tìm thêm bạn bè bất luận tuổi tác, dùng thời gian bên cạnh cháu chắt, làm thiện nguyện.

4) Đối mặt với việc nghỉ hưu: Lập danh sách những năng khiếu của mình, tái liên lạc lại với bạn bè, làm những gì mình ưa thích.

5) Tìm cho cuộc đời một ý nghĩa: Tổng kết, làm bilan những gì mình đã thực hiện được trong đời, dấn thân engagement, hãy có thái độ lạc quan, có niềm tin vào một tôn giáo.                                                                                                     

Để có một tuổi già xứng đáng cần phải xác định ý nghĩa của cuộc đời mình. (page 174)

Ý nghĩa cuộc đời (sens de la vie) và sức khỏe tâm thần thường có  hệ mật thiết với nhau.

Sự tìm ra ý nghĩa cuộc đời giúp cho người cao tuổi có một sức khỏe tâm thần tốt, một tinh thần ổn định trong lúc bị dằn vặt vì bệnh tật.

Ý nghĩa cuộc đời bắt nguồn từ lãnh vực tâm linh và tôn giáo. Các người già thường quay về quá khứ để tìm ý nghĩa cuộc sống, suy nghiệm về những giá trị mà họ đã tiêm nhiễm cũng như tìm nguồn an ủi vào đức tin và lòng tín ngưỡng. 

Ngược với tuổi già, giới trẻ thường hướng về tương lai để phác họa một mục đích mới hầu cho cuộc sống của họ có được thêm phần ý nghĩa hơn. 

Người già quay vào nội tâm để suy tư về cuộc đời. Họ cũng có thể tìm hiểu ý nghĩa cuộc sống qua những thành tựu của họ trong hiện tại, từ những sinh họat, từ những mối liên hệ gia đình và bạn bè. Tất cả đều có thể giúp cho họ đạt được sự mãn nguyện cá nhân.

Tuổi già chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời mà thôi

Suy nghiệm lại ý nghĩa của đời mình trong một viễn ảnh rộng lớn,căn cứ trên những thành tựu cũng như trên những thất bại, đớn đau và hạnh phúc. Nhờ đó mà người già sẽ nhận thức được đến một mức độ nào đó về sự khôn ngoan (sagesse) của mình. 

Qua việc xác định lại bản sắc identité mới của mình, người già sẽ tạo ra những mối dây liên lạc mới với mọi người đồng thời điều chỉnh lại những thang giá trị cá nhân mà họ đã có từ trước.                                                                                                  

Tuổi già Việt Nam tại hải ngoại thì sao?

Tại hải ngoại, phần lớn người Việt tị nạn thuộc thế hệ thứ nhứt, trong đó có vợ chồng nhà gõ, nay cũng tròm trèm trên dưới 70  tuổi hết rồi. 

Đối mặt với một xã hội và một nền văn hóa Tây phương tôn trọng chủ nghĩa cá nhân, hoàn toàn khác biệt với nền văn hóa Việt Nam coi trọng chữ hiếu, nhưng một số không ít bậc cha mẹ VN vẫn còn mang nếp suy nghĩ cũ, độc đoán trong cách dạy dỗ, bắt buộc con cái phải thế nầy thế nọ.

 Cách suy nghĩ của lớp cha mẹ thường là nguyên nhân đưa đến những sự va chạm với lớp con cháu trưởng thành bên nầy. Sau đây là những điều thường thấy ở một số ít cha mẹ Việt Nam tại hải ngoại.

- Kiểm soát, tò mò, soi mói đời tư của con, chen vào cuộc sống tình cảm của tụi nó, kiểm soát thơ từ, bạn bè của con cái, ép buộc con cái phải học những ngành nghề mà cha mẹ muốn, quyết định thay tụi nó mà không hỏi ý kiến trước, ỷ tao đẻ mầy ra tao muốn làm gì thì làm, áo mặc sao qua khỏi đầu, muốn vô phòng con cái thì cứ tự nhiên xô cửa vô, muốn ghé nhà của chúng thì ghé đại không thèm báo trước, trách con cái sao không ghé thăm mình, không thèm gọi phone cho má, hoặc than phiền con cái sao không biết mua sắm cho pa má cái nầy cái nọ như con của người khác, có ý kiến linh tinh làm tụi nó bực mình.

Đối với các gia đình Việt Nam sống tại hải ngoại cũng còn cần phải nói đến vấn đề thiếu sự đồng cảm do khoảng cách thế hệ generation gap gây ra.

Chênh lệch về tuổi tác cộng thêm sự dị biệt giữa hai nền văn hóa Đông và Tây cũng thường là những nguyên nhân dẫn tới sự va chạm giữa cha mẹ và con cái.

Cha mẹ thì khư khư muốn ôm giữ những giá trị đạo đức của nền văn hóa Khổng Mạnh lấy chữ hiếu làm đầu. Con cái lớn lên, học hành và trưởng thành tại xứ người, hấp thụ nền văn hóa Tây phương, rất thực tiễn và coi trọng chủ nghĩa cá nhân, nên sự thông cảm giữa cha mẹ và con cái đôi lúc không thể như sự mong muốn của mọi người được. 

Rồi còn phải nghĩ đến cơn khủng hoảng tuổi vị thành niên (teenage crisis) nữa. Trong giai đoạn nầy cô chiêu hay cậu ấm có thể nổi chứng lên bất tử khiến cha mẹ không biết đâu mà rờ và cũng đôi khi muốn khùng luôn theo tụi nó. 

Có người đổ thừa rằng con hư là tại cha mẹ không biết dạy dỗ, cưng chiều quá mức. Đúng, nhưng vấn đề nhân sinh nầy không đơn giản như vậy mà nó còn vượt xa hơn ra ngoài phạm vi tôn giáo, và giáo dục gia đình nhiều lắm.

Gia đình nào may mắn hay “có phước” thì con cái còn nghe lời đôi chút, ngược lại thì đành cắn răng mà chịu đựng. Làm quá, thì dám mất luôn con. Bye bye... 

Nghĩ cho cùng, không phải lỗi của ai hết. Chỉ do hoàn cảnh mà thôi.

Con cái không thể hiểu cha mẹ được cũng như cha mẹ không thể hiểu nổi con cái.

Cha mẹ cần nên biết con cái cũng có những nhọc nhằn, khổ tâm của chúng trong cuộc sống riêng tư.

Xã hội ngày nay nói chung đã thay đổi nhiều rồi.

Tại hải ngoại, không có cảnh nhiều gia đình thuộc nhiều thế hệ khác nhau cùng sống chung trong một nhà như chúng ta thường thấy tại Việt Nam 40-50 năm về trước.

Trong xã hội Tây phương, cha mẹ có bổn phận phải nuôi con khôn lớn nhưng ngược lại con cái     không bị ràng buộc phải nuôi cha mẹ lúc về già. Đã có nhà nước và các cơ quan xã hội lo rồi.

Vậy thì cha mẹ già phải ý thức và chuẩn bị tinh thần về những gì có thể chờ đón mình trong buổi hoàng hôn của cuộc đời. 

“Nếu tuổi già không có giá trong gia đình Tây phương cận đại là chuyện thường tình, hiện tượng  tuổi già bị  mất uy quyền, mất sự kính trọng trong gia đình Việt Nam là một xúc phạm lớn, là điều mà các bậc cha mẹ VN chưa dễ dàng chấp nhận. Đây là một góc cạnh khác của thảm trạng gia đình VN”

(Trích GS Lâm Văn Bé).

 Già ở với ai? 

"Trong đầu óc chúng tôi - những hội viên của hội lão này - cụ nào cũng có một vài ba cái kinh nghiệm của bà con , của bạn bè về những vụ ở chung với con cái . Chuyện nào cũng chẳng có happy ending gì hết , mà đều là bẽ bàng , dại dột . Bố hay mẹ goá , nghe lời ngon ngọt của con - trai hay gái - bán nhà , đem tiền về gửi con , rồi ở với con với cháu cho chúng nó có thì giờ trả hiếu . Nhưng chỉ chừng vài ba tháng trăng mật , khi chúng rút hết tiền trong két nhỏ cũng như « công » lớn , chúng bèn nhắc nhở , khách ở trong nhà giống y hệt như cá như tôm , chỉ đến ngày thứ ba là ươn , là thối sình lên rồi . Thế là ông bà già tức tưởi , khăn gói quả mướp ra đi với hai bàn tay trắng theo đúng nghĩa đen cũng như nghĩa trắng . Hỏi đến tiền chúng cứ tảng lờ như không hiểu bố mẹ nói gì . Cụ nào cũng tắc lưỡi nói , vẫn biết đây là chuyện hàng xóm , con mình chả đến nỗi thế , nhưng nó ở nhà mình thì mình là chủ nhưng nó vẫn coi là nhà của nó , nhưng mình ở nhà nó là không được , vì nhà nó là nhà nó , không phải là nhà mình , nó là chủ mà mình là người ở nhờ” (Ngưng trích Bà Ba Phải-Ở với ai?) . 

Nhà già là giải pháp tất yếu của hầu hết chúng ta 

Kẻ trước người sau vô đó để chờ ngày ra đi. Chạy đâu cũng không khỏi. 

Tác giả Trịnh Thanh Thủy có viết bài Cơn ác mộng của người già trong viện dưỡng lão (tại Cali) nói lên một sự thật mà nhiều người cố tình không dám nghĩ tới. 

Thật vậy, “Viện dưỡng lão” hay “Nursing Home” từ lâu đã là cơn ác mộng của người già, người bệnh cũng như những người mất năng lực tự vệ. Hai chữ “Nursing Home” là hai từ đánh thốc vào tim tạo nên các cơn kinh hãi của các cụ cao niên…” (Ngưng trích Trịnh Thanh Thủy)

VideoVideo Nước mắt người già bên Viêt Nam

http://www.youtube.com/watch?v=YY7zUUqnv8U

Kết Luận

 Nói đến tuổi già là một vấn đề quá phức tạp và vô cùng rộng lớn.

Dù muốn dù không, trước sau gì ai cũng đều phải trải qua giai đoạn đó hết.

Tùy theo theo hoàn cảnh, tùy theo cá tánh và tùy vào đức tin tôn giáo mà mỗi người sống tuổi già của mình một cách khác nhau, bình an thanh tịnh hay không. 

Cái chết không làm cho người già lo sợ, họ đã chấp nhận rồi vì không thể nào làm khác hơn được.

Họ chỉ sợ thời gian trước khi chết mà thôi. Sợ bịnh tật làm hao mòn thể xác và đau đớn tâm hồn. Sợ ỉa trây đái dầm làm mất phẩm cách. Sợ bị bạc đãi. Sợ phải trông cậy vào con vào cháu hoặc người khác trong sinh hoạt hằng ngày... 

Denise Dubé, qua tác phẩm Humaniser la vieillesse có thiện ý nói lên một sự thật mà nhiều người cố tình không muốn biết. Đây có phải là một ảo tưởng, một tham vọng quá to tát chăng?

Nhưng than ôi! một cánh én không thể làm nổi một mùa xuân. 

Cho dù sống ở đâu đi nữa, sự thật là người già Việt Nam vẫn còn phải chịu khổ mọi bề, nhứt là về mặt tinh thần. Vấn đề không ít người già bị con cháu ngược đãi, không kính trọng, tước mất uy quyền là những sự thật trong xã hội ngày nay mà ít người muốn bàn đến. 

Ôi tuổi già là thế đó!

 

Nguyễn Thượng Chánh

 

Tham Khảo

- Ministère de la santé et des services sociaux du Québec, Bien vivre avec son âge

http://collections.banq.qc.ca/ark:/52327/bs40216

Andrew Lam-Cõi Già Trên Đất Lạ.     

(Aging in a Foreign Land)

https://www.prod.facebook.com/nghi.lam.330/posts/257811491078462

- Gs Lâm văn Bé, Tuổi già chúng ta

http://khoahocnet.com/2012/11/14/lam-van-be-tuo%CC%89i-gia-chung-ta/ 

Trịnh Thanh Thủy-Người già trong viện dưỡng lão

http://nguoivietboston.com/?p=71 

- Bs Thú y Nguyễn Thượng Chánh,

Nước mắt sầu tuôn chảy-Cảnh khổ của người già

http://nguoivietboston.com/?p=10299

 *Hãy sống từng ngày một

http://vietbao.com/a221608/hay-song-tung-ngay-mot

- Bà Ba Phải- Ở với ai?

http://congdongnguoiviet.fr/index.php?option=com_content&view=article&id=2106:oaai&catid=86:mtxhc&Itemid=61

Mental health problems among Vietnamese Americans

http://psychcentral.com/news/2008/09/08/mental-health-problems-among-vietnamese-americans/2889.html

Stress  et vieillissement

http://www.acsm-ca.qc.ca/virage/personne-agee/stress-et-vieillissement.html