18 December 2021

CHỢ TRỜI LÀNG RẤT GẦN - Hoàng Quân

Chủ Nhật tươi hồng, xóm nhỏ nơi tôi ở bỗng rộn ràng, nhộn nhịp, khác hẳn với những Chủ Nhật im ắng thường lệ, là ngày nghỉ ngơi của mọi người. Xóm tôi nằm cuối làng Rất Gần (Rödgen đọc tiếng Đức nghe giống như “Rất Gần”), thuộc thành phố Bad Nauheim, một thành phố nghỉ dưỡng xanh tươi gần Frankfurt, miền trung nước Đức. Nhìn qua cửa sổ, hai người con của nhà bác đối diện lăng xăng dựng bàn, bày những món đồ dùng, đồ chơi của trẻ con. Vợ chồng láng giềng cạnh nhà khệ nệ khuân mấy thùng đĩa hát, thùng sách để trước cửa. “Ô, chợ trời hàng năm của làng”. Sực nhớ, tháng trước, lúc tôi đang lúi húi trồng cây, chị hàng xóm bên vườn kia nói vọng sang: “Chủ Nhật đầu tháng tới, làng mình có chợ trời.” Ý chị hàng xóm nhắc dịp dọn dẹp, tống tiễn bớt đồ đạc trong tầng hầm, nhà kho. Tôi ghi vội trong trí ngày tháng, để nhớ, không vắng nhà trong cuối tuần “quan trọng” này. Thật ra, tôi chưa hề nắm lấy thời cơ chợ trời để nhẹ gánh. Ngược lại, tôi ưa đi loanh quanh. Thấy món gì ngồ ngộ, hay hay tôi lại tha về. Theo nhận xét của chồng tôi, là mang về cho bụi có chỗ bám.

Làng nhỏ, suốt “đại lộ” xuyên qua làng, có hai gia đình Á châu: gia đình em gái tôi ở đầu đường, gia đình tôi ở cuối đường, ở giữa khoảng một trăm nóc nhà. Chúng tôi quen với chừng mươi gia đình trái phải gần nhà, nhưng cả làng hầu như ai cũng biết nhau. Trời đẹp, nhẩn nha đi dạo, ai nấy xởi lởi cất tiếng hỏi: “Wie geht's? Khỏe không?” Bâng quơ câu chuyện thời tiết, nói trông trổng, bởi, lắm lúc chẳng rõ tên họ người đối diện.

Cô Ba Điệu và cô Tư Đẹp dàn hàng trong sân. Tôi không biết tên hai cô, mặc dầu vẫn í ới chào nhau “Halli hallo” khi thấy nhau ngoài đường. Bởi thế, tôi đặt tên cho các cô theo mắt quan sát của tôi. Trên mấy bàn dài lủ khủ nhiều chai hũ lọ, các loại bình hoa. Tôi chú ý vài nhạc cụ đơn giản. Có lẽ quà lưu niệm từ những chuyến du lịch. Mắt tôi dừng lại ở cái lục lạc bằng trái dừa khô, trên vẽ những chấm li ti. Tôi mỉm cười, nghĩ thầm: “Ô, được quá! Cho làm bạn với những nhạc cụ dân tộc tôi mang về nhà từ những chuyến đi làm ở Phi châu”. Cô Ba Điệu nhanh nhẩu:

-Cái lục lạc này đã đi đoạn đường rất dài, từ Úc lận. Tiếng của nó ấm, nóng. Cát và sỏi vụn của núi lửa trong đấy.

Vừa nói, cô vừa lắc nhẹ lục lạc, rồi đưa cho tôi. Qua vài phút “thương lượng”, cái lục lạc đổi chủ. Tôi vui vẻ:

-Cái lục lạc sẽ không cô đơn đâu chị. Một bầy lục lạc ở nhà em đang chờ nó đó.

Cô Ba Điệu thích thú:

-Wirklich! Warte, warte, ich habe etwas für Dich. Thế à, em chờ đây một tí.

Cô Ba Điệu chạy nhanh vào nhà, trở ra, tay cầm món đồ, hớn hở cắt nghĩa:

-Đây, tôi tặng em thêm cặp que làm mưa (rainstick) và cặp lục lạc trái cây. Cũng là những đồ vật đặc biệt từ Úc.

Tôi vui mừng, đưa tay đón mấy món quà bất ngờ:

-Ồ, trái điệp khô.

Cô Tư Đẹp tươi cười, trỏ khay bánh:

-Mời mấy em ăn bánh táo. Bánh này tôi nướng đấy nhé, für nette Nachbarn, bánh cho hàng xóm dễ thương. Tặng thêm mấy cái bánh may mắn Glückskeks, tôi làm theo công thức bánh Giáng Sinh đấy.

Tay xách túi vải với mấy món hàng lỉnh kỉnh, tay cầm miếng bánh thơm phức mùi bơ, mùi trứng, tôi rảo bước đến nhà khác. “Cửa hàng” này khá phong phú. Trên bàn có mấy hàng ly tách, chén bát nhiều kiểu, các đồ dùng trong bếp bằng gỗ, bằng gốm. Cạnh bàn là chiếc xe nôi bằng gỗ với những vòng mây đan, thời đầu thế kỷ 20. Vừa thấy chiếc xe, trong trí tôi thấy được chiếc xe xinh xắn với một chậu hoa cúc vàng rực rỡ trên thảm cỏ xanh của vườn nhà. Tôi vội vàng đứng cạnh chiếc xe, vịn chặt tay cầm, xí phần, kẻo sợ người khác giành. Bà bác tóc bạc phơ, đứng sau bàn, có lẽ nhận ra vẻ mừng rỡ của tôi. Bà bảo:

-Tôi còn có món này, chắc cháu cũng thích.

Bà mở cửa, đẩy ra con ngựa gỗ. Tôi vội dạ lấy, dạ để:

-Oh, ja. Vâng, cháu rất thích bác ạ.

Có lẽ bà nhìn thấy tôi là hình ảnh của bà mấy chục năm trước. Bà trỏ con ngựa gỗ:

-Con ngựa gỗ này tôi mua đó. Thuở ấy, cha tôi rất mê mua những món đồ xưa. Mỗi lần đi chợ trời, ông dắt tôi theo. Tôi hợp với cha tôi nhất. Tôi cũng thích những đồ cũ kỹ. Chẳng bù với hai đứa em gái của tôi. Chúng nó chỉ chuộng những máy móc hiện đại. Mỗi lần hai cha con tôi lễ mễ khuân các món hàng từ chợ trời về, mẹ tôi tỏ ý không vui. Hai đứa em chống đối ra mặt. Tụi nó cứ đòi đem ra chợ trời bán lại những món đồ xưa xưa trong nhà.

Bà gõ nhè nhẹ vào khung gỗ của máy quay dệt sợi, nhìn tôi:

-Cháu có muốn món này không? Hồi trẻ, cha tôi thích nó lắm. Ông trưng trong phòng làm việc của ông. Dù chỉ để trang trí, ông lau chùi, ngắm nghía nó. Khi cao tuổi, ông dần dà chẳng quan tâm những món đồ ông hằng gắn bó. Chúng tôi xin phép ông đem dụng cụ bằng gỗ này để dưới hầm. Ông gật đầu ngay. Căn hầm bây giờ quá nhiều đồ đạc. Nhiều món, khi nhìn chúng, tôi nhớ nhiều đến cha tôi, đến gia đình thuở xưa. Bán, cho đi, tôi đôi chút buồn buồn, nhưng biết là mình chẳng còn sức lực để giữ nữa.

Tôi trấn an bà:

-Bác biết mà, gia đình cháu ở cuối đường. Cháu mang những món này trưng bày trong nhà cháu. Lúc nào bác chợt nhớ, muốn nhìn lại, mời bác ghé qua nhà cháu chơi nhé.

Mải mê trò chuyện, chúng tôi không thấy cô phóng viên tờ báo địa phương đang đi lòng vòng săn tin, vai đeo máy hình to tướng, tay cầm máy ghi âm. Khi biết chúng tôi không những chỉ là kẻ bán, người mua, mà lại còn là những hàng xóm đang chuyện trò, tâm tình, cô ta gật gù:

-Sehr interessant, thú vị quá. Cho phép tôi chụp quý vị tấm hình nhé.

Cô phóng viên bấm máy ghi âm, hỏi đôi câu. Cả xóm biết chúng tôi là người Việt Nam. Nhưng sợ cô phóng viên nhầm lẫn, tôi vội nói nhanh:

-Chúng tôi là người Việt Nam, nhưng là echte Rödgener, cư dân thứ thiệt của xóm này...

Trong tờ nhật báo Wetterauer của vùng, cô phóng viên tường thuật buổi chợ trời. Kiếm vài chục đồng từ những món đồ ủ bụi bặm của nhà kho chẳng phải là mục đính chính của nhiều người. Trong cuộc sống vội vã hiện tại, những trao đổi giữa xóm giềng với nhau quan trọng hơn nhiều. Hỏi thăm nhau, chống chỏi thế nào sau gần hai năm sống khép kín, co cụm vì dịch bệnh. Mời nhau miếng bánh mận, bánh táo tự làm, với trái cây trong vườn nhà. Qua những sinh hoạt dẫu nhỏ nhoi, coi như vô tình mà thành hữu ý, người trong làng cùng nhau vun đắp tình lân lý tốt đẹp. Phiên chợ trời của làng có giá trị cao hơn những đồng tiền vừa thu được, những món hàng vừa gom được.

Wetterauer Zeitung, 07.09.2021

Tôi mân mê mấy chiếc bánh quy hình trái tim được tặng. Thật là may mắn được sống giữa những hàng xóm dễ thương tử tế. Trong thời đại tân kỳ ngày nay, càng ngày người ta càng ít có cơ hội nói chuyện với nhau. Các siêu thị lớn có quầy trả tiền tự động. Dùng những quầy này, người ta chẳng còn dịp để mở lời chào, dẫu là hời hợt. Tính tiền xong, người ta cũng chẳng cần nói cám ơn và chúc một ngày tươi đẹp với cái máy. Vậy mà, nơi chợ trời làng này, tôi đã đứng tình tang một hồi bên cạnh quầy hàng có mấy rổ đá, sỏi... Cô bán hàng kể, ông ngoại cô thích sưu tầm các loại khoáng chất. Cô đưa cho tôi xem đóa hồng cát Sandrose, thân thiện kể:

-Đóa hồng cát này mấy chục năm trước nằm đâu đó trong sa mạc của Tunesia, ông tôi mang về đây. Tôi trầm trồ:

-Đàng sau mỗi hòn đá, viên sỏi này có cả câu chuyện chị ha.

Tôi lựa đóa hồng cát và vài phiến đá vân đen, nâu, hỏi:

-Em gởi chị bao nhiêu tiền đây chị?

Cô cười:

-Em có vẻ thích mấy viên đá nhỉ. Tôi tặng cho em đó.

-Ô, cám ơn chị nhiều. Em sẽ trang trí các chậu sen đá nhà em.

-Nhớ chụp hình nha. Khi nào có dịp, cho tôi xem hình nhé.

Tôi trưng “núi” hàng vừa tậu được giữa sân. Ông láng giềng lắc đầu tỏ vẻ khó hiểu:

-Oh Gott, was machst Du mit dem alten Kram? Trời đất, cháu làm gì với đống đồ cũ kỹ này.

Ông dài dòng bình luận:

-Cháu chớ nên mua những đồ đạc không thực dụng. Cháu nên bắt chước chúng tôi. Những món đồ nào mà một năm không đụng đến, vợ chồng tôi thẳng tay vứt bỏ.

Tôi không dám làm ông cụt hứng, khi ông đang cho những lời khuyên. Tôi dạ dạ, phân bua:

-Mấy món này cháu đều dùng được hết mà. Vài ba tháng, cháu đem ra lau chùi, quét bụi, là coi như có đụng đến rồi.

Tôi nói thầm, mấy món đồ đạc này sao ông bảo không thực dụng. Hữu ích quá đi chứ. Mang chúng về nhà, lòng tôi vui như hội. Niềm vui dễ gì mua được. Tôi chợt nhớ lời của vài người bạn, bàn về viễn ảnh của chúng tôi khi vào tuổi 80. Một trong những đề tài được bàn bạc sôi nổi là chuyện dọn dẹp, rũ bỏ bớt những đồ đạc lằng nhằng. Để mai mốt, khi đến giai đoạn “chân yếu tay mềm” đỡ phải bận tâm. Có người đề nghị: “Ngay từ bây giờ, đưa ra chỉ tiêu: mỗi tuần vứt một món”. Người kia đưa ra biện pháp cứng rắn hơn: “Ngoại trừ thức ăn, bất cứ khi mua một món gì mới, thì phải vứt hai món cũ”. Người nọ gục gặc với giải pháp: “Ta nên mở sẵn một quỹ vài ngàn đồng. Khi cần, kêu hãng dọn dẹp kéo container đến, đổ ào một phát là xong”. Phương án này xem ra có lý. Có lẽ tôi sẽ sắm con heo đất cho kế hoạch dự phòng. Nhưng kế hoạch chính tôi chưa có. Hiện tại, tôi chưa có thì giờ vẽ vời “chương trình hành động” của tôi. Bởi, tôi đang bận rộn với những khoảnh khắc hạnh phúc hiện tại. Đâu còn tâm trí, hơi sức lo cho chuyện của năm 2040.

Biết đâu, vài chục năm nữa, tôi cũng lụm khụm bày hàng ở chợ trời của làng tôi, làng Rất Gần này. Biết đâu, trong ngày chợ trời làng cũng có vài cô bé quây quần quanh hàng của tôi, tấm tắc chỉ trỏ món này lạ quá, món kia ngộ quá. Biết đâu, có cô bé sờ nhẹ bộ bút cọ calligraphy của tôi, bối rối: “Cháu không biết mấy cái này để làm gì. Nhưng cháu thích và muốn mua”. Tất nhiên, tôi sẽ mừng rỡ cắt nghĩa cho cô bé biết công dụng của bút mực và tặng cho cô bé những món nào trên quầy hàng của tôi mà cô bé thích.

Tôi muốn hát thật to bỗng dưng yêu đời, bỗng dưng yêu người. A, tôi không chỉ muốn hát mà tôi đang yêu đời, yêu người thật sự.

Hoàng Quân

Tháng Mười 2021

Tuổi xuân, nhạc sĩ Phạm Duy