Sau gần hai tháng giao tranh đẫm máu, cố đô Huế đã được tái
chiếm. Sau một thời gian ngắn, Ba Mạ tôi dọn hẳn về Sài Gòn, vì nơi cả
gia đình sinh sống bao năm, cùng với bốn căn nhà cho thuê đã thành gạch vụn.
Riêng tôi, ở lại vì đang theo học tại Viện Đại Học Huế.Tôi tạm quen dần với đời
sống tự do bất ngờ cùng với vài người bạn thân cũng bám trụ ở Huế: Trí, con út
dì ruột tôi và cũng là người bạn chí thân của tôi, một người yêu chuộng hòa
bình, tiếp tục sự nghiệp “Make Love, Not War”.
Lớn hơn tôi hai tuổi và nhỏ hơn anh kế tôi hai tuổi, Trí chơi thân với cả hai
anh em. Không có tâm sự nào của y mà tôi không biết và ngược lại, chuyện vui,
buồn, tốt, xấu, hay, dở của tôi Trí cũng đều hay.
Tôi thường nói đùa với Trí: “Ngày nào nếu tao trở thành Tổng Thống, tao sẽ cho
mi hai lựa chọn: Một là làm Cố Vấn An Ninh cho tao, hai là đi “mò tôm”, vì mày
lỡ biết quá nhiều!”
Kế đến là Sử, cựu đệ tử Dòng Chúa Cứu Thế Huế, đang học Dự Bị Văn Khoa Ban Anh
Văn. Sử người gốc Quảng Trị, thích thể thao, tánh khí hồn nhiên, lạc quan, hiền
lành, tiếu lâm.Sau cùng là Tuấn, một bạn tương đối mới, đang học Dự Bị Y Khoa.
Ngoài những giờ sinh hoạt riêng ở trường, bọn tôi hay tập họp ở phòng của Trí, ở
lầu hai của biệt thự đang để trống của ông anh rể, gần Cư Xá Xavier của các Cha
Dòng Tên.
Căn biệt thự hai tầng bề thế trước đây, nay bị thiệt hại nặng nề, vách tường đổ
nát, cầu thang rã rệu, tầng trên gần như không còn, duy chỉ có căn phòng của
Trí là còn tạm thời đứng vững, nằm vất vưởng, cheo leo như một chuồng cu. Diện
tích phòng cũng vừa đủ cho một cái giường và vài thứ lặt vặt.
Tuy còn độc thân, vui tính, nhưng sinh hoạt của bọn tôi lúc đó, có thể xem là
khá lành mạnh. Đúng ra, cũng chẳng phải bọn tôi thánh thiện gì, chẳng qua là chẳng
thằng nào có đủ tiền để…hư thân, mất nết. Rảnh rỗi bọn tôi đàn hát, đùa giỡn.
Nhậu nhẹt cũng chút chút, vì không có khả năng nhậu xỉn hơn. Thỉnh thoảng bọn
tôi cũng xây sòng, nhưng thay vì ăn tiền, bọn tôi ăn cà rem cây. Bọn tôi mua
nguyên thùng, lúc đầu, ai thắng, được cây kem; ăn ớn tới họng rồi, luật chơi đổi:
Ai thua, ăn cây kem.
Riêng việc cơm nước thì thả nổi, khi tự túc, khi đóng góp ăn chung, khi cơm
“nhà”, khi ghé ăn cơm ở Cantine Cư Xá Xavier. Bàn cơm không lấy gì làm thịnh soạn
mà có đến bốn đứa muốn ăn ngon! Cách giải quyết tốt nhất là rút bài: Đứa nào
hên được bài lớn, chọn món ngon nhất, và cứ tuần tự cho đến thằng xui xẻo nhất,
đành vừa chửi thề vừa húp canh.
Thời đó, khi cần, tôi có thể “báo cơm” với bà Toán, người giữ nhà. Tôi khoái nhất
là món cá nục con kho tiêu, cộng thêm món tương ớt bà tự làm lấy, thật đặc biệt.
Ăn mãi không thấy no. Đúng là “Cơm với cá như Mạ với con”, một câu ca dao Ba
tôi hay nói.
Trong khi chờ đợi thông báo của Viện ĐH Huế về việc đi học trở lại, tôi quyết định
nộp đơn gia nhập Không Quân, sau khi tạm thời được “độc lập tự do”. Thư khiếu nại
của Mạ tôi, cộng thêm sự phản kháng thầm lặng của cô bạn gái khiến tôi bỏ ý định.
Những ngày sau, chúng tôi được thông báo các nam sinh viên sẽ phải tham dự
chương trình huấn luyện Quân Sự trong vòng một tháng. Đó là lần đầu tiên chương
trình Quân Sự Học Đường được áp dụng trên Đại Học toàn quốc và tiếp tục duy trì
những năm sau đó.
Chương trình Huấn luyện thường bắt đầu lúc 8 giờ sáng và chấm dứt khoảng 4 giờ
chiều. Thời gian này, các trung tâm tỵ nạn đã đóng cửa để trả lại phòng ốc cho
các trường học. Sau buổi tập, nếu không hẹn đi thăm bạn gái, tôi thường ham vui
theo đám bạn, chạy lòng vòng, theo “nghễ” mấy cô Đồng Khánh. Đi “nghễ”, một từ
rất Huế, là đi ngắm các cô, một sinh hoạt phổ biến của con trai, không riêng gì
ở Huế.
Vì vậy, dù đã có bạn gái, và dù không có bất cứ dự tính “đen tối” nào, mỗi khi
rảnh rỗi, tôi vẫn theo Trí và Sử lượn ngang, lượn dọc theo đường Lê Lợi, để ngắm
mấy cô nữ sinh áo trắng tan học, tung tăng như bầy bướm.
Giờ nhìn lại, quả tình thấy mình đã đùa với lửa mà không hay! Không phải lửa
thường, mà là lửa từ trời, là “Tích lịch Hõa”. Những người tuổi Kỷ Sửu như tôi
mạng Tích lịch Hõa, có nghĩa là lửa do sấm sét, chứ không phải lửa bếp, lửa
than.
Dòng điện sấm sét có thể lên đến 100 triệu, hoặc có thể tới một tỷ volt. Những
chuyển biến tình cảm đột ngột đó thật nguy hiểm, nên người Pháp mới gọi là
“Coup de foudre”, tiếng Việt mình thì gọi là “Tiếng sét ái tình”.
Một buổi chiều, cũng như những buổi chiều khác, sau giờ tập quân sự, tôi theo mấy
thằng bạn ra bến đò Thừa Phủ, nơi một số các nữ sinh Đồng Khánh ở phía Tả Ngạn,
sau giờ tan trường, thường đón phà, hoặc đò qua sông, vì cầu Trường Tiền đã bị
giật sập mất “vài” giữa.
Trong đám đông lố nhố, tôi bất chợt bắt gặp một đôi mắt, một đôi mắt câm lặng,
thật lớn, thật ướt và thật buồn! Điều kỳ lạ là chủ nhân của đôi mắt ấy lại là một
cô bé, mà trông cô ta bé thật. Thoạt nhìn, tôi đoán cô bé không quá tuổi 16 và
chắc học đệ Ngũ đệ Tứ là hết cỡ.
Ở lứa “tuổi ô mai”, tuổi của vô tư, của mộng mơ, nhí nhảnh, vậy mà sao đôi mắt ấy
có thể buồn đến vậy? Dáng người nhỏ nhắn, xinh xắn, khá gầy, tóc thề chấm vai.
Bắt gặp bị nhìn trộm, đôi mắt tránh vội sau vành nón. Và cứ thế, hai ánh mắt, một
bám chặt như đinh đóng, một tránh né, rụt rè.
Tránh né nhưng không nghiêm khắc, khó chịu; rụt rè nhưng không hoảng sợ, cuống
quýt. Tôi thẫn thờ đứng đó cho đến khi “cô-bé-mắt-buồn” (CBMB) lên được chuyến
phà kế tiếp. Tôi dõi mắt nhìn theo. Châm điếu thuốc, hít một hơi thật sâu, tôi
thắc mắc: Tại sao giữa đám người đông đúc, tôi chỉ nhìn thấy độc có đôi mắt buồn?
Điều gì đã xảy ra khiến lòng tôi như dậy sóng? Tôi nhớ câu thơ của Quang Dũng
trong bài “Đôi mắt người Sơn Tây”: “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc/
Buồn viễn xứ không khuây…” Đôi mắt buồn mãi theo tôi từ hôm đó!
Nạn nhân vô tội của tiếng sét quái ác kia là cô bạn gái của tôi. Cô vẫn hồn
nhiên, vui vẻ, không hay biết và cũng chưa cảm nhận được rằng có một điều gì đó
đã xảy ra. Nói cho đúng, vào lúc đó, chưa có điều gì đã thật sự xảy ra. Sấm
sét, giông bão có chăng là chỉ mới dấy khởi trong lòng tôi. Sau gần hai, ba tuần
lễ theo dính như cái đuôi, tôi còn chưa biết đến tên CBMB nữa là…?
Thế rồi, tháng huấn luyện Quân Sự Học Đường cũng chấm dứt. Chúng tôi trở lại
trường, tiếp tục chương trình bị dang dở vì chiến cuộc. Tôi gặp lại cô bạn gái
đều đặn mỗi ngày. Càng gặp, tôi càng mặc cảm mình đã làm điều sai trái, dù điều
“sai trái” chỉ mới manh nha.
Tôi không quen lừa dối, cũng không thích lừa dối. Tôi không có tính tham lam,
cũng không thích tham lam. Nhưng giờ đây, làm sao chối bỏ điều tôi là người vừa
tham lam, vừa lừa dối?
Sau bao ngập ngừng, dằn vặt, tôi quyết định là không thể và không nên kéo dài
tình trạng mập mờ nữa. Phải có sự lương thiện tối thiểu, phải lấy hết can đảm để
“thú tội”, rằng tôi không còn xứng đáng sự tin cậy của nàng nữa.
Có lẽ, đây là một trong vài trường hợp hiếm hoi trong đời, tôi đã tự trách mình
thậm tệ. Nàng bỏ học hai ngày. Lúc trở lại, mắt vẫn còn đỏ hoe. Tôi ghét tôi vô
cùng tận, không những lúc đó, mà ngay cả bây giờ, mỗi khi nhớ lại.
Không còn bị lương tâm cắn rứt, tôi yên tâm làm cái đuôi ngoan ngoãn của CBMB.
Tôi cũng đã biết được thêm một vài tin tức, không phải trực tiếp từ đương sự,
mà là tin tình báo từ mấy tên bạn, qua các cô bạn mới mà bọn nó đang ráo riết
theo đuổi. Cô bé mang họ Hoàng, Hoàng Thị T., học lớp Đệ Nhị C.
Việc “theo” Hoàng Thị cũng có vài thay đổi: thay vì chỉ khắc khoải chờ đợi ở bến
phà, nay tôi còn tìm cách nới rộng “địa bàn hoạt động”. Tôi theo nàng qua tận
bên kia sông, nơi nàng gửi xe, rồi từ đó, lẽo đẽo theo sau, đến tận nhà nàng, ở
mãi tận Bãi Dâu, một vùng đất mà mới cách đó vài tháng, trong thời gian biến động,
đã nổi tiếng với các vụ lùng sục, bắt bớ của các Tòa Án Nhân Dân mà chánh thẩm
không ai khác hơn là “Thầy” Hoàng Phủ Ngọc Tường, một nhà mô phạm đã lột xác biến
thành đao phủ. Các bản án tử hình được đọc và thi hành một cách vội vã, không
có sự hiện diện của bất cứ Luật Sư biện hộ nào.
Trước đây, tôi chỉ biết đến đường Chi Lăng, khu Gia Hội, vì thỉnh thoảng đi xem
phim tại rạp Châu Tinh và Gia Hội, nhưng chưa bao giờ có dịp đặt chân đến khu
Bãi Dâu. Những lần đầu khi theo đuôi Hoàng Thị đến khu này, tôi vẫn thấy rờn rợn
như đi vào bãi tha ma. Cũng may có Trí luôn theo hộ tống, nên tôi cũng bớt rét.
Nghĩ lại, tôi thấy mình thật ngu ngơ: đi tán “người ta” mà lại chở theo thằng bạn
ngồi lù lù phía sau, hỏi sao người ta không hãi? Chắc vì vậy mà dọc đường,
Hoàng Thị vẫn luôn giữ im lặng, mắt luôn nhìn thẳng đằng trước, nhứt định áp dụng
chiến thuật “không nghe, không thấy, không nói” trước những câu hỏi vớ vẩn làm
quen của tôi.
Một hôm trên đường về, trời đổ mưa bất chợt, không biết sao hôm đó tôi lại có đến
hai cái áo mưa, mà nàng thì không có cái nào. Đúng là dịp may hiếm có để tôi
“tiếp cận” người đẹp. Nhưng mặc cho tôi năn nỉ, nàng vẫn một mực lắc đầu từ chối,
mặc cho mưa thổi tạt ướt như chuột lột. Cũng may, tôi vốn là kẻ yêu mưa từ
trong bụng mẹ, nên được dịp, tôi vui vẻ, nếu không nói là hoan hỷ, theo nàng đội
mưa. Và cứ thế, trời nắng hay mưa, ngay cả lúc giông bão, cây gẫy, ngói bay…lúc
nào cũng có tôi, mong ngóng, chờ đợi, không nản chí.
Thế mới biết khi yêu, con người có thể trở nên kiên nhẫn, lì lợm. Dù vậy, trước
sự câm lặng khá lì lợm của CBMB, đôi khi tôi cũng phải tự hỏi: phải chăng mình
đang theo đuổi một bóng ma?
Nhà nàng nằm trong một con hẻm cụt. Thêm một trở ngại. Tuy thế, đó chỉ là chuyện
nhỏ. Tôi tìm cách “tán” luôn anh chàng SV Khoa Học tên Thắng, nhà ở ngay cuối hẻm.
Thế là từ đó tôi “danh chánh ngôn thuận” ra vào con hẻm, vô ra ngõ thường hơn,
thoải mái hơn, nhất là vào những ngày nàng nghỉ học.
Dù không diện kiến, ít ra, tôi cũng vẫn hít thở được khoảng “không gian” của
nàng. Nếu may mắn, tôi có thể nhìn thấy nàng hiện ra ở khung cửa sổ phòng nàng
trên căn gác lửng, dưới tàng cây vú sữa, tóc xõa dài, mắt buồn, lặng lẽ nhìn xuống.
Với tôi, hình ảnh nàng vào giây phút đó, là hình ảnh của một Thánh Nữ, tinh khiết,
tuyệt vời, dù hơi u uẩn. Từ một mẫu người rất “đàn ông”, mạnh dạn, chủ động, cứng
rắn, tôi bỗng hạnh phúc đóng vai Đoàn Dự, một nhân vật tôi rất yêu thích trong
Thiên Long Bát Bộ, người đã thành khẩn dập đầu đến tươm máu, trước vẻ đẹp xuất
phàm của pho thạch tượng mỹ nữ. Trong giây phút ngắn ngủi, đôi mắt chạm nhau
không tránh né, tôi đã cảm nhận trọn vẹn niềm hạnh phúc tuyệt vời nàng ban cho.
Rồi niên học chấm dứt, Hoàng Thị thi đỗ kỳ thi Tú Tài Bán Phần. Ngày có kết quả,
không phải thí sinh mà cũng chẳng phải thân nhân, tôi hăng hái chen lấn trước
khung niêm yết. Tên nàng kèm với ngày sinh nằm nơi gần cuối bảng. Tôi lại đoán
sai: CBMB chỉ nhỏ hơn tôi chưa tới một tuổi.
Còn tôi, kết quả kỳ thi cuối năm đã khiến tôi giật mình. Trong nhóm ba đứa bạn
chơi thân cùng học Dự Bị, chỉ có mình tôi may mắn đỗ kỳ thi cuối năm. Sử rớt DB
VK Anh Văn, Tuấn rớt DB Y Khoa. Riêng Trí thì vẫn tiếp tục “tàng tàng” chống
chiến tranh! Thế là “Liên Minh” tan rã: Sử gia nhập trường Chiến Tranh Chính Trị
Đà Lạt, Tuấn tình nguyện vào Hải Quân.
Được tin tôi thi đỗ, gia đình thúc hối tôi vào SG để thi vào ĐHSP. Tôi miễn cưỡng
chấp thuận và tự trấn an: Thôi thì cứ đồng ý. Vào đó cố tình thi “quấy quá” để
rớt. Rớt rồi, tôi sẽ có lý do chánh đáng để xin trở về học tiếp ở ĐHSP Huế. Làm
sao có thể rời xa “Pho thạch tượng” của tôi được, dù cho đến giờ này, nàng vẫn
chưa bày tỏ một dấu hiệu cụ thể nào để làm tin?
Hai ngày trước khi lên máy bay rời Huế, tôi quyết định đến gặp nàng. Tôi thu nhặt
mấy cuốn sách Triết lớp Đệ Nhất của tôi trước đây, viết vội trên một miếng giấy
nhỏ vài hàng, đại khái báo cho nàng biết tôi sẽ rời Huế vào ngày… và ngỏ ý muốn
được gặp nàng, ngày mai, lúc một giờ trưa, ở ngay đầu hẻm. Tôi cẩn thận kẹp miếng
giấy vào cuốn Tâm Lý Học. Lần này, thay vì chạy lướt qua, tôi lấy hết can đảm
quẹo xe vào nhà nàng. Hình như nàng đang giúp Mẹ làm gì ở sân trước. Thấy tôi
xuất hiện khá đột ngột, đôi mắt buồn bỗng mở to, với một thoáng ngạc nhiên, thắc
mắc.
Có một biến đổi nhẹ nhàng trên khuôn mặt, tôi đoán là một nụ cười. Không hốt hoảng
như tôi đã dự đoán, nàng nhìn thẳng vào mắt tôi, khẽ hỏi: “Ông đi mô đây?” Tôi
giật mình bởi tiếng “Ông”, vừa lạnh lùng, vừa xa lạ, nhưng cố gượng cười, tôi
cho nàng biết là tôi mang mấy cuốn sách Triết đến cho nàng mượn.
Nàng quay lại cười cười với mẹ rồi nói: “Anh con nhỏ bạn cùng lớp mang cho con
mượn mấy cuốn sách.” Sau đó, nàng mời tôi vào nhà, kêu tôi ngồi xuống và đi vào
trong lấy nước. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, trước đây, tôi đã đoán
sai tuổi, sai lớp, và giờ đây, tôi lại đoán sai cả phản ứng của nàng, trước sự
đột nhập của tôi.
Không ở chơi lâu, tôi chỉ chia vui với nàng vừa thi đỗ và mang mấy cuốn sách
năm tới nàng có thể sẽ cần đến. Trong lần gặp gỡ ngắn ngủi đó tôi không nhớ đã
nói cho nàng biết tôi sẽ rời Huế. Có lẽ tôi nghĩ tờ giấy nhỏ kẹp trong sách sẽ
thay tôi làm điều này. Phần nàng, mặc dù cũng có nói chuyện chút chút, lịch sự,
nhưng một tiếng “Ông”, hai tiếng “Ông” như cố tình vạch một lằn ranh, không muốn
tôi vượt quá. Tôi ra về, lòng thắc mắc.
Ngày hôm sau, hồi hộp đến điểm hẹn, tôi tự hỏi: Nàng đến hay không? Với tôi, đến
hay không sẽ giúp tôi biết được lòng nàng trước khi tôi rời Huế. Dù sao, tôi
cũng đã chuẩn bị một món quà nhỏ, nhưng mang nặng giá trị biểu tượng: Một trái
tim tôi tự cắt đẽo, từ một miếng quế (Quế là tên nàng ở nhà). Miếng quế dày khoảng
hơn 1cm và là món quà của mấy anh lính Thiết Giáp đã lén lấy và đem tặng gia
đình tôi, khi trấn giữ Dinh Cậu Cẩn trong dịp đảo chánh TT Diệm.
Đúng một giờ, vẫn trong tà áo dài trắng, CBMB lững thững đạp xe ra khỏi ngõ.
Tôi hoan hỷ như vừa trúng số độc đắc. Chưa kịp biểu lộ mừng rỡ, tôi thấy nàng
trợn mắt ra vẻ ngạc nhiên khi trông thấy tôi: “Ông đi mô mà giờ ni ở đây?” Đúng
là con gái Huế, đã đến chỗ hẹn với người ta rồi, mà còn làm bộ mắc cở hỏi này,
hỏi nọ! Tôi nghĩ thế và cười chọc lại: “Thấy buồn buồn, không biết đi mô, nên đến
đứng đây chơi. Còn T., đi mô mà nắng nôi rứa?” Nàng mau mắn trả lời: “T. qua
Bưu Điện gửi thư”. Rồi cũng như mọi khi, người rồ xe, người lọc cọc đạp xe bên
nhau, giữa đường phố ít người. Lòng tôi ngổn ngang tâm sự và lời lẽ thì thưa vắng.
Bình thường tôi lí lắc, thông minh, hoạt bát, tiếu lâm. Bên cạnh CBMB, tôi như
người cụt lưỡi, biến thành Đoàn Dự, vụng về, bị động, cù lần! Có phải “dòng điện
siêu cao thế” trong phút chốc đã biến đổi não trạng của những thằng bị “sét
đánh” như tôi?
Đối tượng bỗng chốc trở thành Tiên Thánh, riêng bản thân, trở nên thuần thành
như một tín đồ, cộng chút vụng về, ngốc nghếch. Người ta tán tỉnh, chinh phục
người thương. Có ai tán tỉnh, chinh phục Tiên Thánh bao giờ?
Trên đường về, tôi gợi ý mời nàng cùng ghé uống nước chanh đá ở một quán ven đường.
Nàng cười mỉm, lắc đầu. Đi loanh quanh, rồi cuối cùng cũng về gần tới ngõ, tôi
lặng lẽ móc túi, lấy trái tim quế, mà trước đó tôi đã đục một lỗ nhỏ và xâu
giây, với tay qua và móc vào guidon xe nàng.
Phải nói, tôi hơi thất vọng về lần hẹn hò đầu tiên. Tôi có cảm tưởng như có một
làn sương mỏng luôn bao phủ quanh nàng, luôn ngăn cản, không cho phép tôi được
thật sự đến gần. Mà tôi đâu còn thời gian nữa, ngày mai tôi đã phải rời xa nơi
chốn này rồi! Theo thuyết nhà Phật, phải chăng đây là “quả báo nhãn tiền” tôi
phải trả cho sự sai trái của tôi đối với cô bạn gái?
Khi đặt chân đến Sài Gòn, tôi vui mừng được gặp lại Ba Mạ cùng gia đình Anh Chị,
nhưng chút tình dang dở để lại Huế vẫn là niềm ám ảnh khôn nguôi. Tôi viết vội
vài hàng thăm Hoàng Thị, báo cho hay tôi đã đến nơi bình yên, và luôn nghĩ đến
nàng.
Khoảng mười ngày sau, tôi nhận được thư hồi âm. Cầm thư trên tay, nhìn thấy tên
nàng, tim tôi đập loạn xạ. Ôm thư chạy vội lên gác, phóng lên giường, với tay lấy
chăn đắp, chẳng khác gì khi còn bé, vào những đêm đông mưa lạnh, tôi hăm hở nhảy
lên giường trùm chăn kín, một gói đậu phụng rang còn nóng hổi giấu vội trong
túi áo.
Lá thư này, với tôi, là chứng tích đầu tiên, thấy được, sờ được, sau bao ngày
mong đợi. Trên nền giấy trắng, nét chữ bằng mực tím, mạnh dạn nhưng lả lướt,
khác hẳn con người nhỏ nhắn, rụt rè, đã kích thích tôi đến ngộp thở. Tôi vẫn
còn nhớ cái cảm xúc tuyệt vời của giây phút đó. “Trước hết, xin được phép thay
thế tiếng “Ông” xa lạ bằng tiếng “Anh”, lá thư mở đầu.
Trong thư, nàng kể lại một sự kiện thật lạ lùng: Sau lần chót gặp tôi ở đầu
ngõ, liên tiếp hai ngày không thấy tăm dạng, mãi thắc mắc vì sự vắng bóng của
chiếc xe Honda màu đen, mỗi ngày vẫn thường lượn qua lại trước nhà. Ngồi buồn,
lơ đãng lật mấy cuốn sách Triết tôi mang “cho mượn” bỗng nhiên, một tờ giấy nhỏ
rớt xuống. Vội vã nhặt lên, nàng mới hay đó là lời nhắn gửi tôi đã kẹp vào
trang sách, báo nàng biết tôi sắp phải rời xa Huế. Nàng đã bật khóc! “Đọc được
những dòng chữ đó khi anh đã xa ngút ngàn…”
Nàng kể: Trước ngày tôi đi, tự nhiên nàng cảm thấy một cái gì đó thôi thúc khiến
nàng vội lấy xe đi ra ngoài, tiện thể ghé Bưu Điện bỏ thư. Vì vậy khi gặp tôi đứng
đợi ở đầu hẻm, dưới nắng trưa, nàng hết sức ngạc nhiên. Không phải giả vờ vì mắc
cỡ như tôi đã nghĩ oan cho nàng. Thì ra thần giao cách cảm là chuyện có thật.
Đó không phải là lần duy nhất.Có gì đâu một lá thư, giấy như giấy trắng,Mực như
mực thường.Cũng chưa một chữ rằng thương,Mà tôi đọc cả đêm trường sang
mai.Không nhớ nữa, ngắn hay dài?Hình như tôi đọc cả ngoài trang thư…”
Sáu câu thơ lục bát tuyệt vời của một nhà thơ nào đó, rất tiếc tôi đã quên tên,
đã nói lên trọn vẹn nỗi cảm xúc của tôi, khi nhận được lá thư đầu tiên của
CBMB. Nhưng rồi sau đó, tôi phần nào thất vọng khi biết mình vừa trúng tuyển
vào ĐHSP Sài Gòn. Thì ra cái bản năng háo thắng, muốn thi đỗ của tên thí sinh, dường
như đã lấn lướt, chiến thắng cái âm mưu thi quấy quá của tên si tình, thi rớt để
được trở vể với người tình sầu mộng.
Nhịp độ trao đổi thư khá đều đặn trong sáu, bẩy tháng sau đó. Trong mỗi lá thư,
ngoài những nỗi niềm mong nhớ, tôi hay kể nàng nghe những sinh hoạt hằng ngày của
mình: về ngôi trường Sư Phạm, Thầy Cô, bạn bè, mới có, cũ có…
Hiển nhiên là tôi không hề đả động gì đến việc trong số bạn cũ, có luôn cô bạn
gái của tôi ở Văn Khoa trước đây. Tôi kể về câu lạc bộ của Trường, nơi thỉnh
thoảng tôi vẫn hay lại ăn bánh cuốn, uống sửa đậu nành; về Nhà Thờ Tân Định,
nơi tôi vẫn đi lễ hàng tuần; về quán cà phê Lan Anh, nằm ngay sát cạnh nhà thờ,
đối diện với Bưu Điện Tân Định, với khoảng sân có tàng cây che mát, nơi mà Trí
với tôi vẫn thích ngồi cuối tuần, vừa nhâm nhi cà phê, vừa nhìn ông đi qua, bà
đi lại…
Phần nàng, mỗi lá thư đều mang một nỗi buồn man mác, mà tôi lờ mờ, không đoán nổi
nguyên nhân. Thuở đó, tôi đã ngốc, mà nàng cũng chẳng khá gì hơn. Nàng buồn nản
chắc tại nổi hụt hẫng, nhớ thương. Nhưng sao nhớ thương mà hổng nói đại ra cho
người ta ấm lòng?
Tôi vẫn mong nghe được hai tiếng yêu thương từ CBMB của tôi. Tôi mong đợi một
cái gì rõ ràng, cụ thể. Phần nàng thì lại thích gửi đi ẩn số, tín hiệu, mà toàn
là loại tín hiệu phức tạp, mà một thằng loại “sét đánh” như tôi không thể nào
giải mã được.
Tôi nào khác gì dân tộc Do Thái, vẫn ngày đêm mong đợi Đấng Cứu Thế, trong lúc
Ngài đã đến, đã chết đi và đã sống lại về Trời. Cái ngu ngốc là ở chỗ đó: Cờ nắm
trong tay mà cứ loay hoay tìm kiếm.
Cứ vậy cho đến một ngày, bỗng nhiên thư nàng không đến nữa. Tôi quay quắt, thắc
mắc không biết điều gì đã xảy ra? Thư đi thì có, thư hồi âm thì không. Thời đó,
trở ngại không gian là cả một vấn đề. Bưu Điện nhãn hiệu “Con Rùa” là phương tiện
duy nhất để liên lạc. Những tình cảm nóng hổi “vừa thổi vừa viết”, những trăn
trở, thổn thức, lúc đến tay nhau, đã trở thành nguội lạnh, quá “đát”. Hai ba lá
thư gửi đi không kết quả, tôi chán nản, mệt mỏi đầu hàng! Tưởng Tích lịch hỏa
là lửa trời, là thiên thu, bất tận, nào ngờ cháy lẹ còn hơn cả lửa rơm!
Sau một thời gian giao động, ấm ức, mọi chuyện rồi cũng đi dần vào quên lãng. Vết
thương cũ cũng đã thành thẹo. Mùa Hè năm 1970, tôi may mắn hoàn tất Cử Nhân
Giáo Khoa Pháp Văn sớm hơn dự định và cũng vừa chấm dứt một mối tình khác, chưa
đầy năm, với Bonnie, cô bạn gái hiền lành, dễ thương, văn nghệ, với dáng vẻ
Hippy choi choi, ban Anh Văn.
Một ngày cũng khoảng tháng Mười năm đó, giữa trưa rực nắng, tôi rủ Trí lấy xe
chạy lên Sài Gòn. Để làm gì? Thật tình tôi không nhớ rõ. Mà ở tuổi đó, hô đi là
đi, cần gì lý do? Trí làm tài xế, tôi ngồi phía sau. Đang chạy ngang đoạn đường
Nguyễn Huệ, ngay ngã tư Lê Lợi, mắt nhìn lơ đãng đám người đang vội vã băng qua
đường, tôi bàng hoàng nhìn thấy một bóng dáng thật quen thuộc!
Không thể sai được, đúng nàng rồi, đúng CBMB của tôi rồi! Tim tôi nhảy thình thịch,
mau chóng bắt lại “nhịp đập cũ”. Tôi vừa la, vừa thụi mạnh vào lưng Trí: “Ê
Trí, dừng, dừng lại!” Trí thắng nhanh, trợn mắt quay lại, nhìn tôi thắc mắc.
Trong hơi thở dồn dập, tôi nói: “Hoàng Thị Ngày Xưa” đằng kia kìa, mi thấy
không?”
Không đợi câu trả lời, tôi nhảy vội xuống xe, chạy ngược dòng xe như bị ma rượt,
mà cũng có thể là để rượt Ma, có lẽ đúng hơn. Khi còn cách một khoảng ngắn, tôi
gọi lớn tên nàng. Giật mình, nàng quay đầu lại, đôi mắt nàng mở lớn, xúc động,
ngạc nhiên không che dấu. Tôi vội hỏi: “Sao vô Sài Gòn hồi nào mà không cho anh
biết?” Sau giây phút ngỡ ngàng, lấy lại bình tỉnh, nàng nhỏ nhẹ cho biết: “T.
lên Đà Lạt nghỉ dưỡng bệnh gần tuần lễ, trước khi về lại Huế, ghé SG thăm người
chị bà con, luôn tiện dự lễ Mãn Khóa Thủ Đức của anh P.” Tôi khựng lại như bị
điện giật!
Tôi biết P. đã lâu, ngày xưa cùng học chung Nhu Đạo ở sàn tập Lửa Hồng, của
nhóm Hướng Đạo Huế. P. hơn tôi chừng vài tuổi, là thầy dạy kèm mấy chị em Hoàng
Thị trước đây. Qua thư từ trao đổi trước đây, nàng cho biết là anh chàng đã ráo
riết theo đuổi từ lâu, nhưng không kết quả.
Nhưng đó là chuyện ngày trước, mọi chuyện hình như bây giờ đã thay đổi. Dù khá
hụt hẫng, tôi vẫn xin địa chỉ người chị bà con và hứa ngày mai sẽ ghé thăm, và
nếu được, sẽ chở cô bé đi thăm Sài Gòn một chuyến. Nàng đồng ý. Thú thật, nỗi
hăm hở trong tôi chưa kịp bùng dậy thì đã bị đẩy ngược, nhận chìm.
Hiện tại ra sao thì nàng đã nói rõ, chẳng còn gì để tôi phải thắc mắc hay khiếu
nại. Duy nhất một điều cho đến giờ này, tôi vẫn chưa lý giãi được: Thúc dục
nào, tiếng gọi nào, động lực nào đã thôi thúc, đã xô đẩy, để giữa trưa nắng
cháy, không hẹn hò, không nhắn gửi, tôi tự vác mạng chạy lên Sài Gòn, đúng ngay
thời khắc đó, địa điểm đó, để gặp lại người xưa, giữa một thành phố đầy người,
tấp nập, nhốn nháo, một nơi, cho dù có hẹn hò trước, đã chắc gì là sẽ dễ dàng
tìm được nhau? Tôi chợt nhớ đến lần gặp chót ở đầu ngõ nhà nàng, trước ngày tôi
rời Huế! Thật kỳ lạ! Sác xuất như tìm kim đáy biển mà lại xảy ra đến hai lần?
Có bao giờ tôi có thể mơ sẽ có dịp gặp lại “Hoàng-Thị-Ngày-Xưa” ở thành phố xa
xôi đó? Tuy nhiên, sau nỗi vui mừng, xúc động, dường như có một điều gì tàn lụi
trong tôi. Cảm giác gần gũi, thân quen vẫn còn đó, nhưng nhịp tim hỗn loạn, mà
mới ngày hôm qua đây, đã dễ dàng trở lại, bây giờ bỗng dưng trở nên trì trệ.
Tôi cảm thấy thanh thản, không buồn giận, cũng chẳng trách móc. Qua nàng, giờ
đây, chỉ còn lại hình ảnh tinh khôi của một người em gái.
Trong suốt buổi chở nàng viếng thăm thành phố, với những chặng dừng theo yêu cầu
của nàng: ĐHSP, Câu lạc bộ, nhà thờ Tân Định… chúng tôi đã nhắc lại, kể lại, giải
thích cho nhau nghe, những chuyện đã qua.
Thật sự, chúng tôi còn quá trẻ, dù được nối kết bởi “tiếng sét”, nhưng lại chưa
gần nhau đủ, chưa hiểu gì về nhau, cộng thêm khoảng cách không gian vời vợi thì
làm sao hy vọng đưa cuộc tình vào quỹ đạo của vĩnh cửu? Sự ngô nghê của tôi, niềm
tự ái, kiêu hãnh ngốc nghếch của nàng, tất cả đã góp phần biến một “câu chuyện
tình Mậu Thân” thành một chuyện tình buồn không đoạn kết. Thôi thì đành để gió
cuốn đi.
Dù sao, trên bao điêu tàn đổ nát của mùa Xuân năm 1968 cũng đã nở được một nụ
hoa. Hoa nay không còn, nhưng mùi hương nhẹ nhàng, tinh khiết, dường như vẫn
còn quyện lại đâu đó, mãi sau gần nửa thế kỷ.
Trần Văn Thuận