1.
Minh đứng xớ rớ trong trạng thái thừa thãi, hết sờ cằm, nhổ râu lại cho tay vào
túi, không biết mình đang làm gì. Từ khi hồng thủy ngập tràn, mọi người bỗng trở
thành nhỏ nhoi, ngơ ngác. Trước con bịnh, tình trạng càng bi thảm hơn, đôi tay
ngắn lại, thừa mứa, vô ích theo sự vắng mặt của dụng cụ thuốc men, chỉ đứng đó,
nhìn ngó, ước vọng. Những con mắt bi thiết, lo sợ, những tiếng thở dài sườn sượt
như chấp nhận sự bất lực, nép mình lại nhũn nhặn van vái cầu xin sự mầu nhiệm,
trạng thái chịu thua thực trạng, hành động bó tay đầu hàng của người thái cổ
trước thần linh, quỷ dữ. Một chai dầu Nhị Thiên Đường ai đó trân trọng giữ gìn
phòng khi hữu sự được đưa ra, tấm ván mục nát mong manh được thảy đến với leo
lét hy vọng kéo sinh mạng một đồng nghiệp, đồng cảnh trở về. Ánh mắt thương tâm
đồng thời ẩn chứa niềm lo lắng bâng khuâng cho chính phận mình. Giữa đồng khô cỏ
cháy, muỗi mòng bệnh tật có chừa ai? Rồi ra may đây rủi đâu? Trời kêu ai? Chuyện
gì xảy ra trong những ngày còn lại?
Cả trại hình như thức dậy hết. Giáo sư Diệm, người ít nói nhất, cái bóng trong
những sinh hoạt, nhìn bao quát cảnh tượng lắc đầu nói với người ngồi bên: ‘Tội
nghiệp, mới hồi chiều anh ấy còn cười cười nói nói, khen mận ngon và mời tôi
cùng ăn.’ Rồi ông chép miệng: ‘Trông nặng lắm… có bề nào…’ Câu nói bỏ lửng với
cái nhìn buồn thảm về phía bệnh nhân. Một cái chép miệng, vài cái gật đầu ừ hử,
không buồn lên tiếng của người nghe. Ngoài kia gió thổi lòn vào vách lá kêu vi
vu ma gọi hồn. Khung cảnh tang thương áo não.
Minh áy náy ngó hiện thân của sự sắp sửa thua bại trước Thần Chết. Mùi tử khí
và hình ảnh Thần Vòng lảng vảng quanh quất. Nó nằm cong lên như con tôm sẵn
sàng búng để nhảy tới, đầu gối gập vô ngực, tay chống xuống sạp tre, miệng gắng
chỏ vô kẽ hở giữa hai thanh tre để ói xuống đất. Não nùng như đóa hoa rụng xuống
đất lầy sau cơn mưa chịu trận những bước chân vô tình. Nó đang trên thổ dưới tả,
toàn nước, một thứ nước thôi thối, tanh tanh với những lợn cợn nhỏ đen đen, giống
như tô canh được rắc nhiều tiêu giờ đầy cặn đổ tràn trên sạp, nhớp nhúa, dơ dáy
đến khó chịu. Mền của bệnh nhân được dùng đậy ơ hờ chỗ tháo mửa đó, mùi xú uế
trùm phủ căn trại. Một vài người mê ngũ đằng đầu kia đã lục đục thức dậy sau
vài cơn gió và tiếng xì xào của những người dễ động lòng. Thân thể T. đang báo
hiệu từ chối sự sống. Mồ hôi vã ra như tắm. Trên trán từng chấm nhỏ đọng lại, lớn
dần, gần nhau hơn, nối lại, rồi chảy xuống mũi, nhiễu từng giọt một từ chóp mũi
xuống sàn tre theo nhịp thở. Mắt T, đỏ rần vì dầu nóng, cái đỏ trong cái xanh,
có vẻ gì đó rất ma quái, bệnh hoạn.
Minh chán nản, số phận nó như chỉ mành treo chuông. Đã ói đến mật xanh, nước
vàng. Đã kiệt lực vì đang nằm gối đầu bên bờ vực thẳm phân cách sống-chết. Gần
kề, đếm được từng giờ, từng phút, từ khi lửa hực rừng; cách này hay cách khác,
rõ ràng hay không, sự xuất huyết não trầm kha của dân tộc.
Minh tìm chai dầu Song Thập trong túi đựng quần áo, anh đổ thật nhiều vào tay,
nín thở thoa lên trán, lên màng tang, lên cổ T. hỏi giọng run run:
‘Bây giờ sao? Đỡ chưa?’
T. gật đầu, vẫn không ngẩng lên, những sợi tóc hất ngược về phía trước phủ kín
trán, hơi thở vẫn hào hễn, mệt nhọc. Nó có đang tự hỏi tại sao mình đối đầu với
tử thần vô lý như thế nầy? Nếu không có cái gọi là tuần lễ lao động xã hội chủ
nghĩa vớ vẩn, nếu không có họ đến đây? Nhưng tất cả đã có, đã xảy ra. Sự thật
khó tưởng đến ngơ ngác mọi người. Câu hỏi của mình cũng mang vẻ lơ láo như vậy.
Làm sao nó trả lời được? Cơn bệnh không thể dễ dàng rút lui vì vài giọt dầu
nóng chỉ có tính chất an ủi, chận sự lo sợ hơn là chống chọi lại bệnh trạng.
Lúc bốn giờ sáng, tên cán bộ hướng dẫn bước vào cùng với một người trung niên,
tay xách hộp y tế và vài dụng cụ y khoa. Hắn vui vẻ nói lớn như để thông báo,
hãnh diện vì đã làm được điều hay:
‘Có bác sĩ đây rồi, khỏi lo nữa.’
Bác sĩ hỏi qua về diễn biến căn bệnh, rồi lặng lẽ sửa soạn thuốc chích.
Vui mừng biểu lộ trên nát mặt, hy vọng long lanh trong khóe mắt mọi người. Ngại
ngùng vì được đặt quá nhiều tin tưởng, viên bác sĩ nói, giọng buồn buồn, mở đường:
‘Mũi này chỉ là thuốc khỏe. Nông trường không còn thuốc dịch tả. Hết từ tháng
trước. Báo cáo hai lần, y tế thành đều trả lời nhất trí, nhưng phải chờ, hiện
giờ số lượng dành cho cán bộ cũng không còn, nếu còn tôi du di được.’
Rồi ông chép miệng:
‘Không biết chờ đến bao giờ. Mấy ngài ấy làm ăn tôi chẳng biết ra sao cả. Sáng
mình dùng thuốc dân tộc xem sao! Nếu không xong nữa, phải chở về thành phố.
Tháng trước tôi có một trường hợp tương tợ mà đành chịu! Cậu ấy rất khỏe mạnh.
Dũng sĩ đào kênh, liên tiếp dẫn đầu con số vượt chỉ tiêu trong mấy tháng. Cái
mã lạn ở gần bụi tre trên đường ra ao cá đấy.’
Ngừng một chút vì biết mình đã nói quá nhiều, ông trở về thực tế:
‘Trường hợp này hy vọng nhiều, vì mình phát hiện kịp thời. Nếu có chuyện gì ta
có thể đưa về thành phố, mai có chuyến. Mỗi tuần ở đây chúng tôi có xe về thành
phố hai ngày.’
Không muốn nghe thêm, Minh rời khung cảnh buồn bã của trại lững thững đi vào
bóng đêm. Vậy đó, danh từ, lý do này nọ để phủi tay giao nạn nhân cho Tử Thần.
Vậy đó, điều kiện làm việc của những người vắt đến tận cùng sức khỏe để xây dựng
chế độ. Vậy đó, số phận của Giáo Sư Đại Học. Nửa dân tộc đã chịu đựng gần phần
tư thế kỷ, nay cả nước đang trong cảnh trầm luân, quốc nạn kéo dẫn dân tộc đi
xuống con đường dốc thẵm mịt mùng.
Gió lạnh của ngày giáp Tết đánh bật dậy lớp da gà trên tay Minh. Anh rùng mình
kéo sát hai vạt áo mưa lại, cái áo mưa nhà binh Minh ưa mặc như áo ấm mỗi tối.
Một cách vô ý thức, anh bước về phía đám rẫy cao, nơi có một thửa đất khô, cỏ
xanh mịn như thảm nhung những buổi tối, trước giờ ngủ, cùng vài người bạn thân
ra quây quần nhìn sao, chia từng điếu thuốc, kể chuyện phiếm và chửi lén chế độ.
Đêm, trăng nhạt không sao, gió nhiều, trời đen sẫm. Từ phía xa, mấy chùm cây
trên nền không gian đen mấy mảng đậm âm u. Một con tắc kè đâu đó buông những tiếng
kêu rã rời, đứt đoạn: Tắc… tắc…kè…tắc… kè. Anh lẩm bẩm: Còn mấy ngày nữa thì Tết
rồi. Một năm nữa tủi nhục sắp qua.
Nghĩ đến Tết, anh bỗng ngao ngán. Tết thứ mấy của cuộc đổi thay ngược ngạo. Bạn
bè mất mát hầu hết. Tản lạc. Đứa lang thang quê người, đứa ngậm hờn trong vòng
kẽm gai tù ngục, đứa đổi phần cuộc đời trong những sinh hoạt vô bổ, chán mứa để
sống còn. Và mình, trầm mình trong những suy tư câm nín, càng lúc càng héo úa
như trái non chín nắng, nhăn nheo, co quắm. Thảm hại. Rồi đây nó sẽ ra sao? Thuốc
trị không có, thuốc cầm cũng không, số mạng thuộc mấy chai dầu nóng lạnh nhức đầu.
Cầu tới bốn giờ chiều nó mới được chở về Sài Gòn, biết còn kịp? Bệnh viện và
cách làm ăn bây giờ đâu phải để dành nhau với Thần Chết tranh sự sống cho những
người mang nhãn Sài Gòn như nó. Có gì bọn mình chỉ thiệt thòi, một người bạn nữa
ra đi, thêm vào sự mất mát cũ, một sự tiếc thương đau xót cho thân phận mình. Kẻ
thua trận, người bị trói trong bẫy sập, thương nhau cùng cảnh, bọn chúng sẽ dửng
dưng lãnh đạm. Mặt hồ đâu dễ xao động vì hạt bụi nhỏ. Một gợn sóng li ti lăn
tăn còn chưa có nữa là!
Tiếng ếch nhái kêu rầu rĩ bốn bề khiến Minh bực bội hơn. Do thói quen, anh cho
tay vào túi quần móc thuốc và hộp quẹt. Tay anh chạm cái Zippo lạnh ngắt T. đưa
mồi thuốc hồi tối hôm qua.
‘… Của đào tặng đó, bao nhiêu năm rồi không động tới. Em nói ngọt lắm, không chấp
hành nghiêm chỉnh không được. Mỗi lần thèm thuốc, tìm quẹt, nhớ đến em, yêu em
thì đừng nên dùng nó… để giữ gìn sức khỏe của em. Bây giờ thì sức khỏe của anh.
Một điếu thuốc tiêu vạn cổ sầu mà! Em theo cha mẹ di tản từ dạo đó. Tin tức gì
đâu. Mình ở lại chịu đựng đến nhàm chán mấy thằng ông trời con ‘thầy chạy’ nầy…
chưa xách búa chém để bị bắn chết là may. Làm sao không hút được…?’
Có kẻ ra ngoài bỏ cuộc chơi. Minh mỉm cười với mình. Tiếc quá, lúc đó cả bọn ngồi
trong bóng tối, không quan sát được diễn biến trên mặt nó. Chắc buồn thảm não,
người tình khuất bóng, người tình không trọn luôn là nguyên nhân của chán chường,
tìm quên. Huống hồ loạn cảnh chung quanh thường xuyên đập vào tâm tư những nhát
bổ đau điếng.
Minh châm thuốc. Đắng nghét và cháy bùng thành lửa táp gần hết nửa điếu, diêm
sinh hòa lẫn va-ni tạo một hỗn hợp mùi vị ngớ ngẩn, ‘Capstan lá vàng’ gì mà như
hạch, thứ nào cũng như thứ nấy, không dỏm thì xì-cút, không thứ nào thiệt, chỉ
là thay thế tạm bợ đánh lừa tri giác. Minh búng hai ngón tay, đốm lửa vạch cái
vòng lưỡi hái đỏ hoạch trong không gian. Ánh lửa ma quái, màu lửa lưỡi hái tử
thần. Màu máu chết chóc. Đêm tối xuống thật nhanh. Sương lạnh ướt vai, côn
trùng vẫn hòa âm điệu nhạc đêm thôn dã sáng tác từ muôn thuở trước. Minh lắng
tai nghe. Anh phân tách từng tiếng nhái, tiếng ếch, tiếng ễnh ương. Anh tự đùa
bằng cách để ý nhóm nào lớn hơn, nhóm nào nhỏ hơn, chỗ nào ứng trước, chỗ nào
hòa theo. Lòng anh dịu lại dần, bộ mặt hốc hác của T. chạy biến khỏi tâm trí,
anh hít thở đầy phổi, mùi sương khuya thấm mát lồng ngực, không gian bao la ôm
chầm thân thiết, tình tứ…
Như có tiếng thì thầm đâu đó chen lẫn với tiếng côn trùng nỉ non. Minh vẫn ngồi
im theo dõi mấy ngôi sao xa xa, nhấp nháy. Tiếng thở dồn dập quen thuộc trở
mình xào xạc trên lá khô. Tiếng của tội lỗi, tiếng của xác thịt đam mê. Minh thở
ra, đứng dậy, phủi mấy cọng cỏ phía sau quần, vuốt lại mái tóc đẫm sương khuya,
bước xéo trở về phía khác. Tụi nhỏ! Bù gỡ nỗi thống khổ ban ngày! Anh tìm chỗ nằm
dựa lưng vào gò mối, dưới chân vạt đất cao, nhìn đường viền của mô đất in một
vòng cung đậm trên nền trời. Khung cảnh đẹp nên thơ, đánh bật những lo âu bực bội.
Hình ảnh bạn bè dàu dàu trong trại một phút nào đó tan biến nhường thức-trường
cho hiện-cảnh. Mùa xuân cảnh đẹp, sớm mơi này vừa gặp mấy nhánh mai rừng rực rỡ.
Vạn mộc xuân vinh, Minh nhớ tiếp theo ý thơ của vị thiền tăng đời Lý… thu hựu
khô.
Phải, không gì trường cửu, không gì bị hủy diệt mà không tái sinh, chúng ồn ào,
mạnh mẽ, nhịp nhàng như vậy nhưng cơn lốc phản ứng của dân chúng một ngày kia sẽ
bứng đi không để lại dấu vết. Xuân vinh, thu khô. vật cùng tắc phản, lý đổi
thay của cuộc đời, sự tuần hoàn của vũ trụ. Minh mỉm cười lạc quan: Đêm-ngày.
Mưa-nắng. Chỉ có đều là lúc này đêm hơi dài. Ngày hè mưa lê thê. Nhưng mà cũng
phải có lúc mặt trời hiện ra.
Mắt anh chợt bắt gặp sự đổi thay đột ngột, vòng cung mô đất in trên nền trời
không đứng yên mà hình như thay đổi.
Anh ngạc nhiên, trố mắt nhìn kỹ hơn. Không phải một mà hai, ba chỗ khác nhau,
lay động nhịp nhàng ‘như nhịp thở giao động lớp da bụng con quái vật khổng lồ
tiền sử’. Anh đã hiểu. Bực dọc tràn tới cổ. Cả bọn bị đẩy lên đây làm cảnh cho
chế độ. Tụi trẻ bị thảy đến để vắt sức, bù lại được bước chân vào cũng lầy vật
dục, chôn vùi tương lai và sức khỏe trong hoàn cảnh lửa rơm.
Minh nhỏm dậy, bỏ lại sau lưng khung cảnh và bóng đêm đồng lõa, đi lần về phía
ánh đèn lù mù rọi qua vách lá của trại với nỗi buồn mất mát một thứ gì quý báu.
Một người bạn đứng dựa lưng vào cột tre phập phập điếu thuốc nói với anh sau
cái chép miệng:
‘Coi mòi không xong, sợ trong mình nó sẽ hết nước. Tiêu ở đây thì ức quá. Đâu
xa Sài Gòn mấy…’ Tim Minh thắt lại với câu nói của bạn. Cảnh ngoài kia sôi lên
sùng sục, hơi nước tràn đầy trong đầu Minh. Anh nóng mặt như mới bước ra từ lò
lửa. Tên cán bộ hướng dẫn đang nói chuyện với viên bác sĩ, giọng thật bình thường.
Đó đây từng toán anh em tụm năm, tụm ba, ai nấy thầm thì vừa đủ nghe. Minh đến
trước mặt hai người đưa mắt dò hỏi. Hắn rút chân ra khỏi đôi dép râu, co lên,
khoanh lại trên võng:
‘Tạm giải quyết, chuyện cũng thường thôi, cả trăm người đi thực tế thế nào cũng
có người bịnh hoạn. Trước đây sau thời gian sơ tán, tôi theo đoàn văn công, có mấy
ông nhà văn bị ngã nước nặng lắm, nhưng rồi đâu cũng vào đó thôi. Vấn đề là bảo
toàn chất lượng của công tác, còn cá nhân thì…
Minh ngó về phía bác sĩ hỏi ý không muốn nghe hắn nữa:
‘Anh thấy có khả quan chút nào không?
Nụ cười gượng gạo cố dán lên mặt:
‘May ra. Nhưng tôi ngại không tìm được phương tiện chuyên chở. Tôi hơi lo về
chuyện này. Xe của công trường chở đủ thứ đồ linh tinh. Chật chội, mỗi lần nhờ
vả gay lắm.
Như vậy đó, bao nhiêu vấn đề đặt ra vì nầy, vì kia. Gương mặt T. xám ngoẹt dưới
ánh đèn lù mù mờ ảo, ma quái. Ngoài kia bóng tối bao phủ, bụi tre trước ngõ lay
động mảng đen chùm lá trên ngọn phát ra những tiếng kẽo kẹt tủi hờn.
Giọng hắn lạc lõng, không ai thèm nghe:
‘Tôi định sáng nay anh em vẫn công tác như thường lệ. Để một anh ở lại trông chừng
anh T. là được rồi. Đơn vị ta chỉ phụ trách có cái ao cá nầy thôi mà không làm
tốt thì gay lắm.
Chán nản chạy lên tận cổ Minh, anh thất vọng hoàn toàn. Công tác! Công tác! Chỉ
có ao cá bằng bụm tay, không biết bao giờ mới có cá giống mà làm như vá trời lấp
bể không bằng. Nhưng anh không trả lời. Vô ích thôi. Bọn thất trận không có quyền
cãi. Anh nhìn lại T., nằm đó co quắp, hổn hển, tên cán bộ vẫn thản nhiên phì
phèo điếu thuốc ‘Sông Hương’, bộ mặt không biểu lộ một tình cảm tương lân nào.
Mắt anh bỗng cay xè, ươn ướt…
Tiếng anh chàng phó chủ tịch hội kêu gọi anh em sẵn sàng cho buổi công tác
trong ngày, giọng tâng công đến trơ trẽn, oang oang làm ô uế buổi sáng tinh
sương. Minh vừa bực bội vừa buồn cười. Hắn tiết kiệm từng phút cho nhà nước, chẳng
bù trước đây, được nuôi ăn học ở ngoại quốc, trở về, một giờ dạy học, mười giờ
hội thảo phá chế độ. Minh lẩm bẩm: ‘Nếu không may gặp cảnh như T. mày cũng thế
thôi, chết như một con chó. Số phận lót đường, làm cảnh đâu lâu bền gì.’
T. vẫn nằm yên ở vị trí cũ, người tóp lại, uể oải, khô héo. Ngoài trước trại của
anh em Thanh Niên Xung Phong tiếng cười vui vẻ của một vài người vô tâm nghe rõ
mồn một:
‘Sướng quá còn hai ngày nữa là được về ăn Tết rồi!
Mấy con ruồi xanh rủ nhau quây quần trên vạt giường, một con đậu trên mép T.,
tung tăng, cái vòi mạnh khỏe, thẳng tròn di động trên lớp da đã ngả màu…
2.
Còn nhớ rõ buổi sáng hôm đó, chúa nhật đầu tháng cuối năm, trái với lệ thường
tôi không theo bạn bè la cà ở quán nước, bàn bi-da. Tôi chán ngấy mấy người bạn
vô tâm, dễ dãi với cuộc sống, chỉ biết nhậu nhẹt, hay bày trò này nọ, những trò
chơi vô bổ. Là bạn học, họ phần nào dính dáng tới thời trai trẻ của mình, tôi
ít khi từ chối, thường chắc lưỡi đi theo, có mặt, nhưng sự tham dự thật lỏng lẻo.
Thời gian lúc đó dài ngoằn, vô vị, nhạt nhẽo. Tôi đã sống không hết mình, để
ngày trôi qua trong khi bọn họ đã sống thật đúng từng giờ từng phút, thật rắn
chắc, chặt chịa cái hiện tại đó. Nhiều khi về khuya mệt nhoài, cảm thấy mình thắp
nến hai đầu, tôi lật đật lật tới, lật lui cuốn sách ‘Làm thế nào để nói không’,
nhưng rồi cũng không áp dụng được cho lần tới.
Hôm qua tôi ở nhà, và may quá gặp được nàng. Buổi sáng bừng nở trong phòng
khách, nắng mai xuyên qua cửa kính lọt qua lớp màn mỏng, chạy nhảy lung linh,
reo rắc điệu nhạc Diêu Trì trên từng thớ gỗ của bộ bàn ghế chạm lộng chúng tôi
đang ngồi. Nàng cúi đầu chào, tự tin chen lẫn một chút ngượng ngập. Người con
gái biết mình đẹp như có khả năng đo lường, tính toán chi li từng cử chỉ, không
dư thừa, không thiếu. Nụ cười nửa miệng nửa thân thiện nửa khép kín diệu vợi xa
cách. Nụ cười người đối diện vừa có cảm tình vừa nhận thấy ngay khoảng cách
phòng thủ cần thiết nữ phái.
Nàng đến để hổ trợ tinh thần cho đứa em gái nhờ thầy giảng lại chuyện gì đó tôi
quên rồi. Xứ này khác nước Mỹ, không tổ chức giờ trực văn phòng thường xuyên của
Giáo sư để giúp đỡ sinh viên. Tội nghiệp nàng phải theo em đến đây, không thích
thú lắm khi ngồi nghe tôi giảng bài, mắt lơ đãng ngó sự giao động trong tách nước
trà người làm mang ra, hay tò mò quan sát mấy bức tranh treo trên tường, những
bức tranh kỷ niệm, không chút xíu nghệ thuật nào cha tôi cho treo trên đó từ
lâu lắm.
Tôi không có dịp nói chuyện nhiều với nàng ngoài những câu chào hỏi thông thường.
Tôi không thể để học trò mình thấy ông thầy bị hớp hồn ngay từ phút đầu, nên chỉ
tìm hiểu nàng qua những câu hỏi vô tội vạ từ cô em. Nàng mân mê mấy ngón tay
dũa khéo léo, sơn màu nhạt, phù hợp với nước da mát mẻ của đôi bàn tay thon với
những ngón dài, bàn tay, thuở nào ông bà mình nói, búp măng, quý phái của người
tướng sang. Nam tánh tôi trở lại sau thời gian giữ tròn vai ông thầy già, tạo một
khoảng cách thật xa với học trò nữ, trốn chạy trước các thiếu nữ trẻ đẹp gặp bất
kỳ ở đâu vì sợ nhỡ họ là học trò mình, tôi ước ao được nắm bàn tay đó, bàn tay
thiên đường, tiên nữ…
Nàng ngồi, mặt bàn che lấp phần dưới thân thể, nhưng cử chỉ vén vạt áo dài trước
khi ngồi xuống ghế, áo màu xanh đọt chuối, tàu áo lả lướt như tàu lá chuối non
vừa mới xòe ra phất phơ trong gió, gợi trí tưởng tượng đến cặp đùi rắn chắc, đầy
sinh lực ở phía sau lớp quần trắng mịn. Sau nầy, cả hai năm trời sau lần gặp gỡ
đó, lúc đã là người yêu, đủ thân mật, để thố lộ một điều hơi không đứng đắn về
mình, tôi kể lại cảm tưởng lúc này cho nàng nghe, nàng đã thẹn thùng phác lên
vai tôi với câu nói thật nghiêm:
‘Vĩnh viễn anh không biết điều dự đoán đó trúng hay trật đâu.’
Tôi biết câu dọa trên đưa ra để chữa thẹn, để chặn đứng sự sàm sỡ mà tôi có thể
nói thêm, nhưng không ngờ lời nàng lại quá thiêng. Gió tanh mưa máu trút xuống
từ tháng Tư năm đó, thổi bật nàng ra khỏi quê hương. Chỗ quê hương là đẹp hơn cả,
có thể nàng không vui, lạc lõng khung trời xa lạ, có thể nàng cần nhìn thấy mái
chùa cong cong, lá dừa lả ngọn, tiếng cười tiếng nói buổi chợ sớm, tiếng xe nhỏ
ồn ào trên đường. Tất cả những thứ đó ở nơi khác có thể có, nhưng chắc chắn sẽ
chứa thật nhiều yếu tố xa lạ. Chợt nghĩ tới một cành hoa hồng nhung mọc giữa rừng
cỏ dại, không đủ phân, nước, èo uột, khẳng khiu, tôi eo sèo tiếc thương những
giọt mưa sa xuống vũng lầy nhớp nhúa. Cho nàng, cho chính thân tôi.
Như giờ đây tôi nằm trong vị thế khó coi này, bụng như cào như cấu, như ngàn
dao bằm nhỏ tì, vị, ruột gan, mửa thốc mửa tháo. Những hình ảnh lộn xộn hiện ra
trước mắt với tất cả mùi vị. Lúc gần chết ai cũng thấy lại được thật rõ ràng,
như một khúc phim tài liệu tốt, tất cả những chuyện xảy ra trong đời mình. Tôi
không thấy rõ ràng, nhưng tôi có cảm tưởng mình sắp giã từ thế giới nầy. Tôi thấy
người khách trú mặc cái áo thun màu cháo lòng, mồ hôi nhễ nhại đang hai tay hai
con dao phay lớn đại bầm bầm thật mạnh, liên tục nhịp nhàng đống thịt bằm giờ
đã nát nghiếu. Tôi đứng đó mãi mê ngó theo nhịp lên xuống của cặp dao, mắt
không chớp, nghĩ đến sự đau đớn của mấy miếng thịt tội tình.
Tôi thấy mình lăn lóc trong xóm nghèo lúc nhỏ, cạnh một cầu tiêu công cộng,
sáng sáng đi cầu, người lao công đang quét dọn lớp phân vun vẩy, nhớp nhúa, lợm
giọng, trét trây hầu hết trên đường đi, và đoàn người kiên nhẫn sắp hàng chờ đợi
đến phiên mình. Xong việc cho buổi sáng vẫn còn cảm tưởng mùi thối tha quyện
trong quần áo da thịt, tóc tai. Hình ảnh hiện ra với những chi tiết thật bất ngờ,
một vài nét vẽ tục tĩu trên tường. Câu thơ ‘Rớt tú tài anh đi Trung Sĩ, em ở
nhà lấy Mỹ nuôi con!!!!’ với bốn chấm than to tướng. Và hàng hàng lớp lớp giòi
mập tròn nhớp nhúa, nhun nhúc bò lên đôi guốc, tiến lên chưn, lên mắt cá… Tôi
thoát ra khỏi khu nghèo khổ và quên lửng nó, quên như những chuyện đó xảy ra từ
kiếp trước.
Tôi cũng quên nàng sau thời gian bị dạy dỗ về những điều vớ vẩn, những phạm trù
triết học xa lạ vô bổ, thượng từng kiến trúc, hạ tầng cơ sở, vật chất - tinh thần,
cái chung - cái riêng. Vậy mà trong khi nằm đây tôi lại nhớ nàng. Nhớ ghê gớm,
tưởng chừng tôi có thể chết được để hồn bay qua Thái Bình Dương gần nàng… Tôi
không chịu nổi mùi thuốc khét lẹt ai đó hút quanh đây. Lúc bịnh hoạn thấy ai khỏe
khoắn đã bực rồi, huống chi thấy họ hứng thú. Mà mùi thuốc khó chịu thiệt. Mùi
thuốc lào và cách rút của thầy Trị, ro-ro-rột-rột, càng khiến khó chịu hơn. Hắn,
người tự nhận nói lên tiếng nói của thành phần- thứ-ba-yên-lặng-và-không-có-chánh-quyền,
đang chấp nhận ân sủng được làm đại diện dân trong một Quốc hội bày hàng của kẻ
thắng trận, đang mồi lửa vào ống điếu bằng cái Zippo trắng lóng lánh, ngó ngó
tôi rồi lắc đầu. Tôi không biết hắn đang nghĩ gì, nhưng tôi nghĩ tới tôi đêm
hôm qua lúc móc túi đưa bật lửa cho Minh, tôi nhớ đến nàng một phút thật ngắn
ngủi, ngó một ngôi sao cô độc trên nền trời, lòng chợt buồn cho tinh cầu đơn
chiếc này và tôi ước ao mình có mặt bên cạnh nàng, nối tiếp lại cuộc tình.
Giờ là mùa Xuân, sắp Tết, Tết ở đây buồn hiu, buồn hắt với từng trận mưa danh từ
trong các diễn văn, thư gởi, với những ngón đòn bỉ ổi chí tử lên tôn giáo bằng
các trò chơi, hát hò ở trong khuôn viên Lăng Ông và chùa chiền. Tết của tôi đã
mất ý nghĩa. Hi vọng nàng hưởng được những cái Tết thuần túy dân tộc cùng cộng
đồng Việt ở quê người. Tôi cho rằng Tết ở trong phong tục một phần lớn hơn là ở
thời tiết và không gian. Tôi nhớ mấy cái Tết cùng nàng đi xem chiếu bóng, vòng
tay tôi che chở làn sóng lấn ép người là người. Nàng nhỏ bé trong tay tôi, nàng
hưởng sự bảo vệ và tôi biết rõ hơn ý nghĩa tình yêu từ đó, thân thể quyện trong
nhau, e ấp, nương tựa, tin tưởng.
Tiếng anh chàng triết gia đón gió một thời muốn giết chết sự nổi tiếng của người
nhạc sĩ nhất Việt Nam triết lý kiểu thời đại:
‘Có đi thực tế, có bịnh hoạn, thiếu thốn mới thấy giá trị của lao động, mới quý
giai cấp công nhân.’
Tôi lại muốn tháo mửa ra, mặc dầu mọi thứ còn trong dạ dày đã được tháo ra hết
và mỗi lần buồn nôn tôi rất khổ sở vì sự oặn thắt từ bên trong, cố vắt ra một
chút gì đó để tuôn ra ngoài. Ở đâu thời nào cũng có loại người đó. Tại sao phải
đem sinh mạng của một người ‘tôi hay ai cũng thế mà thôi, một người’ để cho hắn
thấy giá trị của lao động? Hắn muốn nói lên sự ích lợi của việc trí thức đi thực
tế? Chuyện nầy xưa rồi! Chỉ là một sự đày ải, phân tán, đàn áp được mạ bằng lớp
chữ nghĩa. Dầu sao cũng không nên quá bực bội. Vô ích. Cuộc sống không thay đổi
gì hơn bằng những bực bội. Như tôi, sẽ không được bực bội vì mình bị thảy vào
đây để nằm ói mửa. Thằng Minh hỏi câu ngớ ngẩn. Đỡ chưa? Sau khi xoa nóng mặt
tôi bằng nửa chai dầu Song Thập. Làm sao đỡ được, dầu chứ bộ thuốc trị thổ tả
sao? Chắc nó bối rối vì tội nghiệp cho bạn, nhưng tôi không trả lời. Tôi tỉnh
trí thiệt nhưng miệng đắng nghét, cổ rát rạt thì trả lời làm chi cho mệt. Nằm
im thả trí bay bổng theo những suy tư này nọ sướng hơn. Giờ thì còn gì là quan
trọng nữa đâu chớ? Điều tức là không ngờ mình vướng bệnh, nếu không trước khi
lên đây tôi đã chạy ra Nguyễn Huệ, chợ trời thuốc tây, mua về một mớ. Tôi lại
thấy đời sống có vợ chồng là ích lợi. Mấy bà bỏ này bỏ nọ vô bao đồ đạc của chồng
lẩm rẩm vậy mà đỡ. Nếu không có chuyện lộn xộn bây giờ chắc nàng đã trở thành
người lo lắng cho tôi. Bạn bè chung quanh ai cũng có người lo, còn tôi, bù trớt,
cu-ki, đi đâu cũng mồ côi, tự sửa soạn, nên phần nhiều, để cho tiện, tôi xách
thật ít quần áo theo. Nói qua nói lại cũng là thiếu nàng. Đời tôi lúc nhỏ nghèo
khổ, lớn lên đầy mặc cảm, chỉ khoảng thời gian nàng hiện hữu đời tôi mới có ý
nghĩa thôi. Nàng, cây chống tinh thần cho tôi, điểm long lanh lân tinh trong
bóng tối đưa tôi ra khỏi sự lệch lạc trong đời sống tình cảm. Nàng thứ nước, thứ
phân để tôi, hạt mầm khô héo, có thể đâm chồi.
Cây xanh mơn mởn thì nàng mất tiêu từ ngày quốc nạn đầu tiên. Cơn lốc này tới
cơn lốc khác. Biền biệt mới được tin nàng qua biết bao trung gian rằng đã theo
chồng bỏ cuộc chơi hai năm sau ngày tới Mỹ. Người ta có thể sống cho kỷ niệm,
vì kỷ niệm nhưng không thể sống bằng kỷ niệm. Nàng phải lo đời nàng trước. Chuyện
đó không có gì đáng trách. Cái già xồng xộc nó đi theo sau, người con gái nào
cũng lo sợ điều đó. Tôi hiểu, tôi thông cảm nàng hoàn toàn. Bị chặt cẳng chặt
chân bó rọ ở đây, có cánh họa may tôi mới thoát. Thôi cũng được. Xong một cuộc
tình. Và bây giờ thì tuần lễ lao động giúp tôi xong một cuộc đời. Từ tối, lúc bị
thần dịch tả làm tình làm tội, tôi đã thấy trước bước cuối của mình. Phải dọn
mình thật thư thả, phải thanh thản tuyệt đối. Thù hận kể ra nhưng để thù hận lại
cho người đời. Tam thập dư niên thế giới trung. Không không sắc sắc diệc dung
thông. Kim triêu mãn nguyện hoàn gia lý… Bài thơ của Liễu Hoán hòa thượng không
lúc nào hợp bằng lúc này. Hiểu rõ sự sắc không thì mãn nguyện bỏ thế giới này về
thế giới khác. Đâu cũng vậy mà thôi, kể cả sống bảy mươi tuổi như Liễu Hoán hòa
thượng hay mới ngoài ba mươi như tôi.
Có điều ra đi lúc gần Tết là điều gì không ổn. Mùa xuân là mùa thạnh mậu mà,
đâu phải mùa thu đâu mà khô héo rơi rụng. Thôi mệt. Thời này thì vậy không,
chuyện ngược đời xảy ra luôn, ‘trên cây còn lá úa, lá xanh kia rụng rồi’. Con
xin chịu bất hiếu với cha mẹ.
Ngoài ngõ tiếng mấy người thanh niên xung phong mừng sắp được về ăn Tết sao mà
đáng thương đến muốn chảy nước mắt. Đáng lẽ tự do đó là của họ, bị giữ lại hết,
lâu lâu mới được thí lại cho một chút, mừng quýnh, mừng quáng thấy thảm hại.
Suốt năm là mùa Xuân của họ mà, đâu phải chỉ có mấy ngày thôi đâu? Người lớn
làm lọt mất chớ đâu phải họ. Tội nghiệp…
3.
Nàng uống vội ly sữa, bốc chìa khóa từ giã chồng trước khi đi làm:
‘Thôi em đi. Năm nào Tết cũng nhằm ngày thường. Tết nhứt mà đi làm thì tức tức.
Ở nhà thì tiếc. Hình như còn hai ngày nữa Tết phải không anh?
‘Ừ! Chúa nhật này hội Tết ở nhà thờ Baptist, chắc em đi một mình, hôm qua
manager mới kêu vô bảo tuần này làm over-time, từ chối không được.
Nàng đứng lại chỗ phân cách giữa nhà bếp và garage ngó chồng. Vậy là nằm nhà.
Đàn bà con gái ai đi tới chỗ hội hè đình đám một mình. Tết nào đó, một lần, hai
lần, ba lần, trong rạp hát chật ních, hơi ấm chàng chuyền từ phía sau tới, những
cái siết tay thật mạnh, âu yếm đến xáo trộn nhịp đập tim. Những lúc nắm tay
nhau đi lại chỗ này chỗ kia trong Lăng Ông, niềm vui tràn tận lên khóe mắt,
trong cử chỉ của chàng. Những nụ hôn len lén, run rẩy của cả hai đàng trên ghế
đá công viên. Vậy mà bây giờ ngàn trùng thời gian, không gian. Vậy mà giờ đã nhạt
nhòa trong trí nhớ. Ở đây một cái Tết thật bình thường tìm cũng không ra. Mùa
Xuân lọt qua kẽ hở mất tiêu. Chỉ còn lại một cái tên gọi, một tiếng kêu, một
ngày để chép miệng nhớ tiếc.
Mở cửa xe, ngồi vào vị trí người lái, nàng bỗng rung động toàn thân, một luồng
lạnh chạy dài trên xương sống, chẻ nhánh ra hai tay. Mồ hôi ở lòng bàn tay tuôn
ra lạnh ngắt. Nàng nói với mình:
‘Kỳ vậy! Hay là có người thân nào bị nạn? Mà đâu phải. Bà con ai cũng ở Mỹ nầy,
có gì thì đã biết rồi. Còn có ai thân thuộc ở Việt Nam nữa đâu?’
Nàng de mạnh xe ra khỏi garage, quẹo trái ra đường lớn. Bóng đèn đỏ phía sau xe
để hai chấm máu là đà trên mặt đất.
Nguyễn Văn Sâm