Một người bạn gái thiếu thời vừa mới qua Mỹ, cô đọc cuốn
sách “Tuổi thơ” tôi viết và bảo: “Tao thất vọng quá, trong cuốn sách này mày
không viết gì về Nha Trang cả!”.
Ðúng vậy, tôi không viết về Nha Trang vì Nha Trang cưu mang
quá nhiều kỷ niệm. Làm sao tôi có thể đem 15 năm sống và lớn lên tại Nha Trang
vào một vài trang giấy. Nha Trang là thời hoa mộng, là áo lụa Hà Ðông, là
thơ tình TTKH, là niềm đau, là những đóm lửa tình yêu lóe lên rồi vội tắt, Nha
Trang là những ngày thơ tuyệt diệu đầy nắng vàng, trời xanh, mây trắng, là tình
đầu, tình cuối, là giông bão, đạn bom…và nhiều hơn thế nữa cho nên tôi không đủ
lời, đủ chữ để níu lại Nha Trang!
Tuy nhiên, hôm nay tôi bỗng nhớ, như những đốm tro tàn lóe lên lần cuối, vài kỷ niệm nho nhỏ của ngày xưa.
Căn nhà của chúng tôi nằm trong khu “Xóm Mới”. Xóm Mới chỉ mới
được xây dựng trong cuối thập niên 1950. Nhà tôi xa biển chừng một cây số nhưng
lúc tôi còn bé, đó là một khoảng đường xa diệu vợi. Sau nhiều lần đi tắm biển,
ngang qua những căn biệt thự của người Pháp, tôi thường ước ao được ở trong những
căn nhà xinh xắn đó. Tôi nhớ căn nhà tôi thích nhất tên là Villa Colette. Nhà
mà cũng có tên như người, sang trọng không kể xiết!
Căn nhà của chúng tôi cũng có tên, nhưng là tên của hai vợ
chồng ông thầu khoán, người xây và làm chủ căn nhà trước khi bán lại cho ba
tôi. Ông chủ cũ tên tắt là PK và vợ là TX. Họ khắc tên mình hai bên cửa. Ba tôi
không thích hai dấu hiêu này nhưng ông không sửa đổi được vì sợ tốn kém. Ông
bèn dạy cho chúng tôi rằng: PK có nghĩa là “Phong Kiều” và TX có nghĩa là Trường
Xuân. Ông vốn là một thi sĩ nên ông nghĩ ra các từ ngữ ấy, cố tạo dựng một gia
sản mới và hy vọng cho gia đình có một đời sống mới vui tươi và nhàn hạ…tại miền
cát trắng Nha Trang.
Đối với người cư ngụ những vùng khác thì họ cho rằng Nha
Trang là một thiên đường hạ giới. Nhưng với riêng tôi, Nha Trang là nơi mình định
cư; phải chịu đựng thời tiết, phải đi học (chán chết), nhất là phải lội nước lụt
đi học khi trời mưa. Nha Trang cho tôi nhiều đêm thiếp đi trong tiếng mưa rạt
rào, hạt mưa rơi đồm độp liên miên trên mái tôn, rồi thức dậy buổi sáng nhìn
khu vườn hoang tàn: Cây đu đủ trốc gốc nằm dài trong vườn, trái còn xanh, lăn
long lóc xuống rảnh nước, tổ chim trên cây khế cũng bay vèo nằm vướng mắc trên
cành cây sa bô chê, cây ổi xá lị cũng gảy mất mấy cành và lá chuối bị gió xé ra
như răng lược.
Tôi cũng nhớ nhiều buổi trưa nằm dã dượi trên giường, cố nhắm
mắt, nhưng không thể nào ngủ vì nhiệt độ nóng kinh hoàng! Gió biển dường như
không thổi đến nơi tôi ngủ vì những bức tường, những căn nhà đã mọc lên san sát
trên mảnh đất trống bên láng giềng. Mảnh đất một thời được trồng khoai mì và
cũng vì tò mò, tôi đã chui qua hàng rào, kéo cây lên để xem củ mì và bị đòn một
trận vì hàng xóm qua mắng vốn.
Ngày hôm qua, trong bữa giổ ba tôi tại Cali. Trong lúc tôi
ngồi chơi đàn trong góc phòng thì nghe con em kể tội trong bếp. Con nhỏ ni có
cái miệng ghê gớm lắm, nó cố tình kể tội tôi nên dù không muốn nghe mà tiếng
nói của nó cũng bị lọt vào tai. Nó kể cho mấy đứa em dâu và cháu chắc về con chị
của nó (là Tui đây):” bà nớ thuở nhỏ ghê gớm lắm. Bả bị mạ cho ăn đòn nên giận
mạ đi trốn tuốt. Bả ngồi trên cây chùm ruột không vào nhà ăn tối. Mạ cho mấy đứa
nhỏ đi tìm, tụi nó về báo cáo là chỉ trốn trên cây chùm ruột, vậy là bả trèo xuống,
tát mỗi đứa một cái làm cả bầy lăn ra tru tréo khóc lóc vang rân… Nhưng có một
lần được ba mạ đem đi Saigon chơi bằng xe lửa. Xe chạy rồi mà chị cứ đứng nhìn
ra cửa mà khóc, mạ hỏi tại sao thì chị nói là nhớ mấy em quá nên không muốn đi
nữa…
Năm ấy tôi mới 7 tuổi, có thêm ba đứa em và ba mạ tôi mới dọn
về miền duyên hải được một năm. Đó là lần đầu tiên mạ tôi được đi Sai Gòn chơi
và cũng là lần đầu tôi được du lịch bằng xe lửa. Bây giờ mỗi buổi sáng sớm nằm
mơ màng, tôi nghe tiếng còi tàu xe lửa vọng về từ xa, hồn tôi cứ man mát buồn,
nhớ một thời bé thơ êm đềm trôi qua như mơ.
Khi tôi lớn hơn một chút nữa, khoảng 12 tuổi thì mạ tôi từ từ
giao cho và trọng trách nữa như tập nấu ăn, làm bánh, tập đạp máy may và theo mạ
đi chợ để học cách mua bán và nhất là để ăn hàng… (không biết con nhỏ em kế tôi
có ganh không nhưng tôi chưa bao giờ nghe nó khai ra điều đó cả; nó chỉ giận là
bà vú thuở nhỏ ẳm tôi nhiều hơn nó!)
Trọng trách mà tôi thích nhất và tự nghĩ rằng mình là nhân vật
quan trọng nhất là: giúp ba sửa soạn cúng ông bà vào đêm giao thừa. Chiều 30 tết,
sau khi mạ và các cô người làm nấu các thức ăn để cúng xong, mạ cho các cô nghỉ
ngơi hoặc đi chơi với nhau. Mạ và các bà cô tụ họp chuyện trò rồi đi ngủ sớm.
Trong nhà chỉ còn mấy cha con tôi hăng hái xun xoe dọn cỗ bàn. Ba tôi loay hoay
với mấy chậu cúc, cành mai, nhánh đào chớm nở, trong mấy chậu sành hoặc trong
các bình sứ cổ; ba sửa soạn lư hương, hai chân đèn con hạc sáng loáng bằng đồng,
đội hai cây nến mới. Ba phủi bụi các tấm ảnh của ông bà nội, ông bà cố, và nhiều
anh chị em quá vãng trên bàn thờ. Ông xoay qua xoay lại, hết vật này đến vật
kia, nét mặt ông nghiêm nghị, trầm ngâm. Tôi chắc rằng lúc ấy ông cũng đang hồi
tưởng một thời quá khứ của riêng mình.
Các chị em tôi đứa lau chén, so đũa; đứa múc chè, đơm xôi …
đứa nào cũng làm việc trong sự hòa bình trật tự, không la hét cãi nhau như bình
thường nữa vì… đứa nào cũng muốn chứng tỏ là mình ngoan ngoãn để ngày mồng một
được tiền lì xì. Như lũ trẻ con Mỹ bây giờ hy vọng ông già Noel tụt xuống ống
khói đêm Giáng Sinh để mang quà cho chúng.
Khi tiếng pháo đầu tiên vang lên là lúc ba tôi sẵn sàng khăn
áo, đứng trên chiếc chiếu mới trước bàn thờ với một nắm hương nghi ngút khói.
Ông vái lạy Phật, Thánh, ông bà tổ tiên xong thì cắm bó hương vào cái lư đồng
bóng ngời chễm chệ giữa bàn thờ. Chúng tôi cũng lần lượt vái lạy, lớn trước, nhỏ
sau như các con người máy được vặn dây thiều. Tôi nhớ mãi hình ảnh của Hoành,
con trai đích tôn, hắn nhỏ hơn tôi bốn tuổi. Hắn bệ vệ nghiêm trang như ông cụ
non, mặc áo dài the đen và đội khăn đóng giống như y hệt như ba. Hắn trắng trẻo
đẹp trai và tánh tình nghiêm nghị nên ba cưnghắn lắm. Tuy nhiên hắn cũng là một
nguồn ganh tỵ lớn của tôi vì tôi cứ nghĩ là hắn tướt đoạt mất một phần quyền lực
của tôi là con chim đầu đàn chỉ vì tôi là con gái. Tôi không mấy quan tâm khi
lũ em tôi trách tôi hung dữ … Con chim đầu đàn mà, lâu lâu phải ra oai một
chút.
Sau khi ba cúng giao thừa xong, lũ em tôi theo ba đốt pháo
đì đẹt ngoài sân thì tôi đem con gà luộc xuống bếp. Tôi xé con gà ra, bóp với
tiêu muối và rau răm xắt nhỏ. Bỏ bộ xương và ít thịt vào nấu thêm nồi cháo. Vài
phút sau, tôi múc ra một tô nóng hổi, rắc chút tiêu; dĩa thịt gà cũng dọn trên
tấm phản gổ. Mấy cha con bắt đầu ngồi nhậu nhẹt với nhau trong đêm trừ tịch,
khi tiếng pháo nổ giòn dã trong sân nhà hàng xóm. Ngoài đường vắng vẻ không một
bóng người, lũ chó sợ pháo, trốn dưới gậm giường thò mũi ra và thè lưỡi liếm mấy
hạt cháo hoặc miếng xương rơi rớt. Đôi mắt ba xa xôi, giọng ba trầm trầm kể
chuyện xưa cho các con nghe. Những thằng bé con no bụng, buồn ngủ nằm lăn quay
bên cạnh ba. Ông lẳng lặng ẳm từng đứa vào giường…
Đầu mùa xuân Nha Trang trời thường âm u ảm đạm. Đôi khi buổi
trưa nắng nhẹ mới về nhàn nhạt trên thành phố. Các cô gái trẻ cùng nhau xuất hiện
nhởn nhơ dạo chơi trên đường, đến nhà thăm nhau hoặc khoe những tà áo lụa mới.
Người lớn cũng bắt đầu đi chúc tết nhau, không ai muốn đi đạp đất nhà người
khác, chỉ có các cụ già đạo mạo, có tài lộc mới đi chúc tết sớm để mang lại may
mắn cho gia chủ. Lũ trẻ chúng tôi thường quanh quẩn trong nhà, nấp sau bếp, lắng
nghe tiếng chó sủa, báo có khách thì đi pha trà cho ba đãi khách, dọn khay mứt
và hạt dưa… thập thò chờ khách hoặc ba gọi ra chúc tết và nhận tiền lì xì…
Những ngày tết khi sống ở Nha Trang là những kỹ niệm rất vui
trong thời thơ ấu của tôi.
Trong những năm trung học, tôi nhớ nhiều những buổi chiều
cùng các bạn rủ nhau ra biển sau giờ tan học. Ngày cuối tuần chúng tôi cùng
nhau đi picnic ở Hòn Chồng và bãi Dương. Hình ảnh các cô gái trẻ trong chiếc áo
dài trắng bay theo gió là những hình ảnh tuyệt vời không bao giờ quên được. Tôi
nhớ mãi những ngày đi học nhạc tại Thánh Tâm, cây đàn guitar gác trên tay lái
xe đạp, đạp hết đường Nguyễn Hoàng ra Lê Thánh Tôn để đến trường, và những buổi
tập đàn với ban nhạc của trường bán công Lê Quý Đôn là những ngày thần tiên
trong tuổi trẻ của mình.
Đêm văn nghệ mừng xuân sao sáng đầy trời, sân trường tối
đen, trên sân khấu ánh đèn sáng soi người ca sĩ tên Phượng, chị đơn ca
bài “dấu chân địa đàng”. Tiếng ca vang vọng nghìn trùng trong trí, trong tim
tôi…” Ngựa buông vó, người đi chùng chân đã bao lần, một đời bỏ ngõ đêm hồng,
ngoài trời còn dâng nước lên …mắt em”.
Vâng, nước đã dâng lên trong mắt tôi, tim tôi khi nhớ lại những
hoài niệm về mùa xuân trong tuổi thơ của mình.
San Dimas – California cuối năm 2021
Tôn Nữ Thu Nga