27 January 2022

THÁNH NỮ - Nguyễn Văn Thà

Hình một người nửa nam nửa nữ trên một bình gốm Hy Lạp cổ đại, Wikipedia

1. Dẫn ngôn

Thần thoại Hy Lạp về người tri kỷ, hay về chuyện một con người trở thành những con người và ngược lại

Người ta kể rằng vào thời hồng hoang, khi con người mới được tạo ra, con người có hình dạng khác với người ngày nay. Trong “The Symposium: Chuyện trà dư tửu hậu”, triết gia Platon mượn lời Aristophanes, một kịch tác gia nổi tiếng của Hy Lạp cổ, kể truyện về những người tri kỷ như sau:

“Theo thần thoại Hy Lạp, con người ban đầu mới được tạo ra, có bốn tay, bốn chân và một cái đầu với hai khuôn mặt. Thần Chủ tể Zeus/Jupiter thấy thế, đâm lo sợ về sức mạnh của họ, và để ngăn ngừa tai hoạ về sau, thần đã chẻ dọc con người thành hai phần, và bắt họ phải trọn đời tìm kiếm nửa-kia của mình.” 

Quả thật, cũng theo thần thoại kể trên, trong Thiên nhiên có ba giới tính: Đàn ông, đàn bà và androgynous: nghĩa đen là đàn ông+phụ nữ hay là nửa nam nửa nữ, trong tiếng Hy Lạp. 

Mỗi giới có hai bộ sinh dục, nghĩa là mỗi đàn ông có hai bộ sinh dục đàn ông và mỗi đàn bà có hai bộ sinh dục đàn bà, nằm đối xứng hai bên thân thể, trong khi người nửa nam nửa nữ có một bộ sinh dục nam ở một nửa dọc thân thể cộng với một bộ sinh dục nữ nằm đối xứng ở nửa dọc thân bên kia. 

Giới tính của con người có liên quan đến nguồn gốc của họ: đàn ông là con của Mặt trời và đàn bà là con của Trái đất, trong khi androgynous là con của Mặt trăng, được sinh ra từ sự hôn phối giữa Mặt trời và Trái đất. 

Và đã có một thời con người là những sinh vật rất mạnh mẽ, không hề biết sợ hãi, thậm chí còn dám đe dọa các vị thần. Họ đe dọa sẽ đánh bại các thần và sẽ trở thành những vị thần mới, cai trị vũ trụ thay các vị thần hiện tại. Vì vậy, các vị thần phải ra tay; các vị nghĩ cách đương đầu với mối đe dọa của con người, và tính toán cần phải làm gì để khôi phục lại sự cân bằng và hài hòa trên thế giới. Các thần tính tiêu diệt hoàn toàn con người bằng cách gây ra chiến tranh chống lại con người, và nhân đó ra sấm ra sét giết sạch con người, như các thần đã từng làm với các tiểu thần titan

Nhưng rồi các thần nghĩ lại: nếu không còn người, thì lấy ai mà dâng lễ vật cho các thần; các thần chẳng cảm thấy thích thú gì khi nhìn ra cái hậu quả như thế. Vì vậy, thần Chủ tể Zeus/Jupiter đã đưa ra một giải pháp khác: Các thần sẽ chẻ dọc con người ra làm đôi để trừng phạt con người vì cái tội kiêu ngạo và ngang tàng. Ngoài chuyện các thần sẽ làm cho con ngườiđau đớn ra, biện pháp này còn có cái lợi là sẽ làm tăng gấp đôi dân số loài người, do đó nhân đôi những lễ vật mà con người phải dâng cho các thần. Nói là làm, và thế là con người ở khắp mọi nơi đều bị chẻ dọc làm hai. Những sinh vật mới bị chẻ này phải sống trong đau khổ tột cùng, cùng chìm ngập trong nỗi đau, nỗi buồn. Họ đau buồn đến mức không ăn uống trong một thời gian dài, và họ nghĩ sống mà như thế này, thì chết còn sướng hơn.

Thần Apollo là thần chữa bệnh, thần của âm nhạc, sự thật, sấm ngôn và ánh sáng, khi nhìn thấy con người ra nông nỗi như thế, không thể chịu đựng nổi, và vì vậy, để giảm bớt nỗi đau cho của những nửa người này, thần Apollo đã khâu vá những chỗ bị cắt, chỉnh sửa lại hình dáng cơ thể của những nửa này cho đàng hoàng, vuốt da ra cho thẳng thớm, trơn tru và túm da tại một nơi gọi là “rốn”. Vì vậy, con người, đang từ những sinh vật có hai mặt và hai bộ sinh dục cùng giới tính hay hai bộ sinh dục khác giới tính trong trường hợp người nửa nam nửa nữ, và với tám chi gồm bốn tay và bốn chân, thành những sinh vật có một khuôn mặt duy nhất của một giới tính duy nhất, và có bốn chi gồm hai tay, hai chân. Từ đó, họ mãi mãi khao khát một nửa tâm hồn kia và nửa thể xác kia của mình. (Huyền thoại này giải thích được cả chuyện đồng tính lẫn dị tính luyến ái.)

Thể chất của họ cảm thấy khao khát được hoàn thiện với thể chất của nửa-kia: nửa dị giới hoặc nửa đồng giới, và tâm hồn của họ cũng khao khát được nên một với nửa tâm hồn kia, tâm hồn tri kỷ. Và theo huyền thoại, hai nửa này sẽ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, và khi gặp được nhau, họ có linh cảm là họ có duyên nợ với nhau, họ muốn nên một với nhau, muốn sống trên đời này với nhau, và cảm thấy không có gì sung sướng hơn thế.

2. Chính truyện*:

Hồi tôi mới bước vào tuổi thanh niên, mười tám đôi mươi, trưa nắng tôi hay ngồi trước hiên nhà hóng mát, đánh đàn hát vu vơ và nhất là ngắm các nàng người Chàm đi rẫy, đi rừng về trước nhà tôi. Có một cô người Chàm, con bà Năm Chai, nàng hay ghé nhà tôi bán dầu chai, tức dầu rái, loại nhựa cây để trét thuyền, múc từ những bọng dầu chai/rái được khoét nơi những cây dầu chai/rái mà tổ tiên cô gái đã tự nhiên làm chủ từ bao đời. Con nhỏ cao ráo, cỡ thước bảy như tôi, da bánh mật bóng lưỡng, khuôn mặt Ấn-Âu, môi đỏ, lúc nào cũng đỏ và đôi mắt nâu, trong rất trong và lung linh ánh sáng, không phải cái ánh sáng lúc nào cũng dư đầy, phơi trải tràn lan trước vườn, ngoài đồng, mà thứ ánh sáng u uẩn của một linh hồn độc đáo. Lòng tôi bắt đầu vương vấn. Có bữa, sau khi cô nhỏ vừa ra khỏi cổng, tôi nói với chị tôi là lần sau nên trả thêm tiền cho con nhỏ. Chị tôi cười:

 “Chà, mi thích con nớ, hay răng, mà nhủ chị trả thêm?” 

Tôi cười chống chế: 

“Chị toàn nói bậy! Em thấy người ta nắng nôi, tội nghiệp, đi rừng cả buổi mà kiếm chỉ được chút tiền.”

“Chị thấy mi đọc mấy cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp, nơi bìa có cái hình mấy ả da đen hở vú hở vê, trông bất gớm, nên đâm ra thích con Chàm ni chơ gì!”

Tôi lại chống chế:

“Ờ, ờ… sách nhà trường khuyên đọc mà… Mà người Pháp họ không khinh người da đen như người Việt mình.”

Bà chị tôi nghe nói tới người Pháp là chịu thua ngay, nhất người Pháp mà chị được biết là các cha thừa sai đạo đức, tận tuỵ, hết lòng hi sinh vì con chiên nghèo nàn, quê mùa xứ Việt; cha xứ của chúng tôi là một linh mục như thế, chị hạ giọng:

“Ờ, ờ, lạ hè!”

Tôi bồi thêm:

“Các cha cũng đi học, cũng học chương trình giống như em. Các cha ít nhiều cũng đọc những loại sách như thế.”
Chị tôi tức tối thấy rõ:

“Mi mà cũng dám so sánh mi với các cha.”

Rồi chị quay lưng đi thẳng vào nhà trong.

***

Hồi đi trốn công an VC sau một vụ vượt biên bất thành, tôi phải ở chui, ở lậu trong khu Khánh Hội, Sài Gòn. Trước đó, không ai dám chứa chấp. Ngoài ra hồi đi trốn, tôi còn bị bệnh lao, cần phải chích Streptomicine mỗi ngày. Hôm tôi bó buộc phải rời nhà bà cô, mà chưa biết đi đâu, tôi lang thang trong khu chợ trời nhỏ ở Khánh Hội thì thấy có một người đàn bà trẻ trắng trẻo trong chiếc áo bà ba lụa màu trắng, tươm tất, khuôn mặt đẹp và hiền lành, hình như đang đứng xem chừng khách mua là loại người có nguy hiểm không trước khi mời khách mua món gì đó đang nằm trong chiếc xắc đầm người đàn bà trong cầm trong tay, nhưng cũng có thể người đàn bà không bán gì cả và đang đứng để chờ ai đó. Người đàn bà có đôi mắt đẹp và long lanh kỳ lạ. Đôi mắt ấy bắt tôi dừng chân lại, và tôi hỏi chỉ cầu may: 

“Chị có bán thuốc tây không? Tôi cần mua vài chục ống Streptomicine.” 

Chị nhìn tôi, rồi mỉm cười:

“Vâng, có, mà tôi phải về nhà lấy, mà anh muốn loại của Liên Xô hay của Pháp?”

Dĩ nhiên tôi trả lời tôi muốn thuốc của Pháp.

Người đàn bà:

“Thuốc Streptomicine của Liên xô cũng tốt như thuốc Pháp, thuốc Mỹ, mà giá chỉ bằng một nửa. Anh không cần phải tốn thêm tiền vô ích.”

Tôi cảm thấy lòng vui lên vì gặp được một người thiện lương, và sau khi lượng tính số tiền tôi đang có, tôi nói:
”Vâng, chị lấy cho tôi 60 hũ Liên Xô.”

Chỉ nửa tiếng sau người đàn bà trở lại, trao cho tôi bị thuốc. Tôi nhận thuốc và trả tiền theo giá của người đàn bà đưa ra. Trả tiền xong, tôi còn nấn ná, chưa muốn rời xa cái nhan sắc ấy. Đấy không phải là một nhan sắc làm cho ta hứng khởi, rạo rực ngay tại chỗ mà là nhan sắc của một vầng trăng dìu dịu, hiền lành, ngấm dần vào tâm trí, vào da thịt người nhìn và làm cho người ta có cái thị kiến là mình đang nằm trong vũng ánh sáng mơn man, vỗ về, và những muốn dầm mình trong ấy mãi.

Người đàn bà lại chỉ tay về hướng có nhiều mái nhà tôn và nói:

“Nếu anh cần chích thì cứ tới nhà ông y tá Đức đằng kia, ổng chích cho. Giá cả cũng vừa phải. Ổng người đời trước. Anh cứ đi thẳng theo tay tôi chỉ thì sẽ thấy một bảng hiệu vuông có ghi: Y tá Đức, 25 năm kinh nghiệm.”

Tôi cảm ơn người đàn bà, nhưng chân còn ngại chân chưa muốn đi. Người đàn bà nhìn tôi, ánh mắt long lanh chuyển qua màu thương xót, và nàng thì thầm:

“Tôi thấy hình như anh đang bị kẹt. Anh dáng thư sinh trắng trẻo, bảnh trai, đi lơ ngơ như thế, lại còn đeo kiếng, thì dễ bị bọn nó nghi lắm.” Rồi nói nhỏ: “Nếu anh cần nơi tạm trú, để chữa bệnh, thì cứ hỏi ông ấy, ông ấy sẽ sẵn lòng giúp đỡ. Vợ ông ta cũng rất tốt. Anh cứ yên tâm; mọi sự sẽ ổn thôi!”

Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Tôi thảng thốt nhìn người đàn bà. Thân xác tôi, tâm trí tôi bỗng như bay lên. Ánh sáng quanh người đàn bà trở nên kỳ ảo, thơm thơm, vỗ về. Người đàn bà bỗng hiện nguyên hình thánh nữ, trở nên Mẹ Maria, là vì sao sáng trong đêm giữa ban ngày của tôi. Và lòng tôivang lên câu hát bình ca grégorien van vĩ mà ngọt ngào của một thời niên thiếu, vô tư, thủa chưa bị Quỷ vương hãm hại, mà chúng tôi vẫn hát mỗi đêm trước khi đi ngủ trước bức tượng Đức Mẹ đẹp đẽ, dịu dàng, nhân ái:

Salve, Regina, Mater misericordiae,
vita, dulcedo, et spes nostra, salve. 
ad te clamamus exsules filii Evae,
ad te suspiramus, gementes et flentes
in hac lacrimarum valle.

Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành,
làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.
Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và,
ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà;
Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khẩn Bà thương.

Khi tôi đang còn lạc thần như thế, thì tiếng người đàn bà mơ hồ:

“Anh đi đến đó ngay đi. Giờ này đã đúng ngọ. Ông bà ấy đang còn nghỉ trưa ở nhà.”

Tôi quay lại, thấy người đàn bà vẫn đứng đó, nhưng màu linh ảo đã tan gần hết và lùi bước cho ánh sáng gay gắt chụp xuống rồi bao quanh; hương thơm bắt đầu nhường cho mùi rác rến, cống rãnh bốc lên; tiếng ồn ào phố chợ tràn tới. Người đàn bà đưa tay chỉ về hướng trước mặt và lại hối:

“Anh đi chích đi. Kẻo muộn.”

Đi được khoảng mấy trăm mét, tôi thấy trước mặt một tấm bảng hiệu vuông, khoảng nửa thước mỗi cạnh, màu trắng, với hình chữ thập đỏ chiếm ba phần tư tấm bảng, và một phần tư phía dưới là hàng chữ màu xanh đậm, trang nhã, bay bướm vừa phải, một sản phẩm nghệ thuật mà nghiêm chỉnh của một thời: Y tá Đức, 25 năm kinh nghiệm.

Tôi ghé vào nhà có tấm bảng đó và chào người đàn ông đã đứng tuổi đang ngồi trên chiếc ghế bố đang đọc tờ Tuổi Trẻ Cười. Ông gật đầu chào tôi, mà vẫn không hỏi tôi đến có việc gì mà chỉ vào cái hình hí hoạ có kèm câu thơ đời mới xhcn và đọc một hơi:

“Cậu xem: Đồng tiền là tiên là Phật/ Là sức bật của tuổi trẻ/ Là sức khoẻ của tuổi già/ Là cái đà hy vọng/ Là cái lọng che thân/ Là cán cân công lý/ Ôi, đồng tiền hết ý!”như thể tôi là người quen, người hàng xóm của ông. Rồi ông cười vang.

Đợi cho ông hoan hỉ xong, tôi mới lễ phép nói:

“Thưa ông, ông có phải là ông y tá Đức không ạ? Tôi bị lao, tôi mới mua được mấy lọ Streptomicinenhờ ông chích giùm.”

“Ừ, tôi là y tá Đức. Trong xóm này chỉ có tôi là y tá. Y tá trong quân đội Pháp đàng hoàng. Chẳng những chích, tôi còn trị được bệnh.”

“Dạ, dạ! Tôi chỉ nhờ ông chích giúp tôi.”

Ông bỏ tờ báo xuống và vào bên trong soạn ống chích, khử trùng bằng nước sôi và đem ra chích cho tôi.

Chích xong, ông nói: 

“Công chích mỗi lần… (Tôi không còn nhớ là bao nhiêu.) Thuốc này phải chích mỗi ngày.” 

“Dạ.”  Và tôi run run ướm hỏi: 

“Tôi ở xa, vậy, ông cho tôi ở trọ đây được không? Tôi chỉ cần một cái ghế bố, nằm ngoài hiên cũng được.”

Ông Đức chưa kịp trả lời thì có tiếng của một người đàn bà từ buồng trong vọng ra:

“Ừ, cậu cứ ở lại đây với chúng tôi. Tiền trọ thì không phải trả, chỉ trả tiền công cho nhà tôi là được rồi.”

Ông Đức cười cười: 

“Nhà tôi đấy. Mù hai năm nay rồi, không đi đâu được. Nhà tôi nói cũng phải; cậu cứ ở với chúng tôi, bao lâu cũng được.”

Tôi nói mà như reo:

“Vậy thì tốt quá. Chứ nhà em ở xa, đi tới đi lui rất bất tiện.”

Chỉ nói ngon vậy thôi, chứ tôi không còn nhà, hay đúng ra không còn có nơi để trở về vì tôi đang bị công an truy lùng ở quê nhà sau vụ vượt biên không thành. Và không ai muốn chứa chấp tôi nữa.Tôi đã xin ở nhà người quen, có người nể tình cho ở vài ngày, có người từ chối thẳng, cuối cùng xin ở nhà bà cô ở Sài Gòn được năm ngày thì thấy bà cô lo lắng thấy rõ, dù bà rất thương tôi. Chồng của cô nay đang ở tù cải tạo lâu năm; gia đình có mấy đứa con; mấy đứa lớn: đứa đạp xích lô, đứa đứng đường buôn bán vặt vãnh qua ngày; bà cũng đang bị ho lao, xanh xao, vàng võ; và cả nhà đang bị đe doạ đi vùng kinh tế mới. Tôi không muốn cô, gia đình cô khổ sở thêm vì tôi. Tôi đang tính đi nơi khác, xuống Miền Tây chẳng hạn, nhưng tính vơ tính vẩn thế thôi, chứ tôi đâu quen biết ai dưới đó, và với cái dáng thư sinh, đeo kiếng, lớ ngớ, tôi sẽ bị nghi ngờ là đang tìm đường vượt biên, đa phần sẽ bị bắt. Tôi đang bị trói tay hoàn toàn. Tôi đang vào ngõ cụt đen tối.

Tôi lại lễ phép:

“Vậy có cần giấy tờ tạm trú gì không, thưa ông, bà?”

Lại bà vợ nói vọng ra ngay:

“Chẳng cần. Ở cái khu Khánh Hội anh chị, chém nhau như cơm bữa này, mấy ổng cũng phải lo cái mạng của mấy ổng chớ. Gây khó dễ, biết đâu mất mạng. Xác chết nổi lên trong đám sình đầu xóm ngày một…”

Ông y tá Đức gật đầu:

“Ừ, phải đấy. Và mình cứ dúi cho họ vài chục thì càng ổn. Ở rừng thì không sao, chứ ở đây quán nhậu khắp nơi, mùi thịt, mùi mực nướng thơm nhức mũi thì nhịn thèm sao thấu!”

Bà Đức cười: “Chơ gì nữa!” Rồi bà từ trong buồng đi ra, tươi cười. Bà đeo đôi kính râm, dáng người mảnh mai, cao ráo, da trắng xanh, một người đàn bà hẳn đã có một thời xuân sắc. Bà vẫy tay về phía tôi ra hiệu như thể bà thấy tôi ngồi chỗ nào:

“Mà thôi, cậu vào đây tôi chỉ cho cái giường bố nhà binh và cái mùng mới chưa treo lần nào. Anh có số may mắn đấy.”

Rồi bà Đức lò mò cầm tay tôi dẫn vào chỗ để giường bố và cái mùng và mằm mò mở túi đựng mùng mới cho tôi coi. Mùng thơm mùi sạch sẽ và mùi long não.
Tôi xuýt xoa: 

“Bà chu đáo và trật tự quá!” 

“Bả còn trật tự hơn tôi.” Ông Đức nói.

Bà Đức có vẻ không để ý tới lời đề cao vợ mình của chồng, bà quay về phía tôi, tỏ vẻ ân cần:

“Ổn định rồi, nhắn vợ con vào thăm. Chúng tôi không nề hà gì đâu.”

Tôi giật mình, nhưng cảm thấy thinh thích, nói:

“Dạ, em chỉ mới 25 tuổi,còn trẻ. Chưa vợ con gì cả.”

“À, thế à. Xóm này, khối cô chưa chồng. Thư thả, thích ai, tôi làm mai cho. Ở không thì buồn chết.”

Ông Đức cười khì khì:

“Suy bụng ta, ra bụng người.”

“Cái ông khỉ này.”

Tôi bắt đầu an cư, dù không lạc nghiệp. Tôi hãm lại cái đam mê mua sách (dù còn phải nay đây, mai đó) để biếu thêm ông bà tiền bằng cách tăng gấp đôi tiền thù lao cho ông Đức, đôi lúc lại mua nhánh chuối, đĩa bánh cho bà từ các gánh hàng rong vẫn rong qua trước ngõ, và cả thuốc Samit, mà mỗi ngày bà vẫn hút một điếu cho đỡ buồn, bà nói vậy. 

Quả vậy, tôi khỏi lo mặt an ninh vì ông Đức quen với công an khu phố. Sự lo sợ lớn nhất và giai giẳng nhất, cận thân nhất đã được tháo gỡ như tháo gỡ được băng mìn nổ chậm đang đeo trước ngực tôi. 

Tôi sống yên ấm, cái sự yên ấm như là điều đương nhiên trước đây, bây giờ, giữa cái thời vẫn nồi da xáo thịt, con người là chó sói của nhau này, trở thành như một phép lạ được ban cho tôi dù tôi biết rằng tôi không thể ở đây vĩnh viễn, nhưng tôi không đủ sức nghĩ tới những đau khổ sẽ tới trong khi tôi đang gặp được những sung sướng, hạnh phúc dù rất biết trước là ngắn ngủi sau những tháng ngày đau khổ  của cảnh sống của một con chó hoang, chó ghẻ.

***

Thế rồi, còn có một cô Mỹ lai đen mười tám đôi mươi, cao ráo, trẻ trung, đẹp đẽ, đẹp còn hơn cô nhỏ Chàm, con gái bà Năm Chai hồi ấy, quê nhà, có đôi mắt sáng của một người hiểu biết, hoặc có căn cơ để hiểu biết. Cô nàng tên Ngà. Tôi không biết cha mẹ cô đặt cho tên ấy như một thách đố hay như một ước mơ. 

Cô Mỹ lai đen tối nào cũng đến chuyện trò với bà Đức, bóp tay bóp chân cho bà Đức, tắm cho rửa cho bà. Bà Đức cho tôi biết: “Con nhỏ đã học xong lớp mười hai rồi nghỉ, chứ không phải là thứ dốt nát đâu, cậu ạ. Có bữa nó đến đây chích thuốc, nó thấy hoàn cảnh của tôi, nó thương tôi, nó đến giúp tôi, chứ không phải đến hầu tôi để kiếm tiền đâu. Tôi mến nó lắm.” 

Tôi thích ngay cô gái Mỹ lai đen vì tôi vốn có máu thích người da đen một phần, và có lẽ một phần vì những cuốn tiểu thuyết, những áng thơ Pháp tôi đã học, đã đọc, nói về những sắc nước hương trời da đen: La Beauté Noire, những đàn bà khoả thân, đàn bà đen: femme nude, femme noire, những huyền châu: ngọc trai đen: perle noire, những giọt mồ hôi tình ái là những vì sao trên làn da trời đêm, những khoái lạc cực điểm rượu đen, thân xác là trái cây chín thơm tho chắc thớ, nồng nàn như đồng cỏ cháy trên đồi cao, đàn bà khoả thân, đàn bà mịt mùng: femme nude, femme obscure…; và vì một nữ thi sĩ người Việt nữa: Một khuôn mặt chìm trong màu đen/ Hình như có tiếng cười/ tiếng cười cũng có màu/ Đen*

Khi tôi mượn lời các thi sĩ để ca tụng nhan sắc đen nàng, nàng há miệng như đang uống những lời tán tụng mà chắc chắn nàng nghĩ không thể có trong cái thế giới của những người tự cho là văn minh hơn nàng, sáng sủa hơn nàng; và nàng rưng rưng trong mắt, và rung rung trên môi, nhưng mãi sau khi tôi nói xong Bản-chất-đen: La negritude: “Bản-chất-đen không phải là giấc ngủ triền miên mà dân da đen cứ ngủ vùi trong đó, nhưng đó là mặt trời của tâm hồn, là tầm nhìn xa, là sống hết mình, là chiếc bay xây dựng trên bàn tay, là ngọn giáo nắm chặt trong nắm tay đấm.”, cô da đen, mà người trong xóm thường gọi là con nhỏ Mỹ đen với nhiều khinh dễ, đã quỳ xuống, gục mặt trên đầu gối tôi đang ngồi trên ghế vừa khóc vừa nói: 

“Ôi, em kính trọng anh, em kính trọng anh… và… em yêu anh. Cho em được yêu anh. Cho em được lấy anh; không cưới cũng được. Cho em được ở bên anh. Từ nay em là Perle Noire, là Ngọc Trai Đen của anh.”
Chẳng những thế, cứ tối đến, sau khi giúp đỡ bà Đức xong, cô nàng lại ngồi trên bậc cửa tối mờ, hát ư ử bài chi đó. Xem ra hát là nhu cầu nội tại của nàng, như ve phải ri rỉ, chó sói phải tru, như dòng giống của cha cô, một dân tộc luôn luôn ca hát dù phải chịu đau khổ triền miên thế kỷ. Có bữa tối ông Đức đưa bà Đức đi ăn giỗ, tôi ngồi cạnh nàng và lại nghe nàng ư ư cái giai điệu hôm trước mà tôi nghe quen quen, và có khi nàng ư ư thật cao như tru lên vì dường như không còn chịu đựng được đau đớn dang dâng sóng trong lòng. Đợi cho nàng ư ư xong, tôi hỏi nàng hát bài gì đó, nàng che miệng cười, e ngại, thẹn thùng, trả lời:

“Bài The Dark End of The Street.

Nàng phát âm tên bài hát rất đúng, làm tôi hết sức ngạc nhiên.Tôi còn đang há hốc miệng, đang sững sờ, thì nàng đã nói tiếp, nói dài một hơi nỗi niềm riêng:

“Em còn hát được cả bài bằng tiếng Anh. Má em bày cho em. Ba em bày cho má em, nên má em mới biết. Ba em, một trung uý phi công da đen, rất thích hát, và bài này là bài ruột của ba vì nó nói lên được những điều mà dân tộc da đen của ba phải chịu. Má em nói như vậy. Má em dạy tiếng Anh ở Hội Việt-Mỹ. Má cắt nghĩa từng câu của bài hát cho em. Em hiểu và em rất thích. Ba gặp má ở hội Việt-Mỹ. Khi em được sinh ra, ba em còn sống và đặt tên cho em là Snow White: Bạch Tuyết, trong khi mẹ em lại chọn cho em tên Ngà; cả hai tên như một thách đố. Ba hứa sẽ cưới mẹ và đưa mẹ con qua Mỹ nhưng chẳng bao lâu ba em chết trận, chết đã lâu, vì máy bay ba bị bắn rơi. Bạn ba báo cho mẹ biết như vậy. Má em rất thương ba. Giờ còn thương.”

Tôi cảm động, ứa nước mắt, nhưng lòng lại thật hào hứng khi nghe nàng kể như thế; và tôi nói gần như hét:

“Vậy hả? Vậy thì hát cho anh nghe đi. Bài này anh lúc xưa anh có biết, nên khi nghe em ư ư, anh nghĩ là anh đã nghe đâu đó.”

Nàng kéo tay tôi vào trong nhà, đóng cửa kín lại, đưa hai tay đè vai tôi ngồi xuống trên chiếc ghế bố, và nàng đứng trước mặt tôi và hát, khi chấp tay trước ngực, khi giơ hai tay lên trời, thân hình quằn quại, lắc lư, nàng hát tiếng Anh rõ ràng như nữ ca sĩ Dalena, người Mỹ, hát tiếng Việt vậy: 

At the dark end of the street

That is where we always meet
Hiding in shadows where we don't belong

Living in darkness, to hide our wrong

You and me, at the dark end of the street

You and me
I know a time has gonna take its toll
We have to pay for the love we stole
It's a sin and we know it's wrong

Oh, our love keeps going on strong

Steal away to the dark end of the street

You and me

*They gonna find us, they gonna find us
They gonna find us love someday
You and me, at the dark end of the street
You and me*
When the daylight all rolls around
And by chance we're both down the town
Please meet, just walk, walk on by
Oh, my darling, please don't you cry
You and me, at the dark end of the street
You and me*

Nơi ngõ cụt đen tối
Chúng ta gặp nhau
Và giấu mình trong bóng tối, nơi không phải là chỗ đáng cho chúng ta ở
Sống trong bóng tối, giấu đi tội lỗi 

Anh và em nơi ngõ cụt đen tối
Anh và em

Anh biết sẽ có lúc chúng ta phải chịu hậu quả 

Chúng ta phải trả giá cho tình ta lén lút

Yêu thế là tội lỗi, thương vậy là sai

Nhưng tình ta vẫn giữ cho chân chúng ta cứng, đá hoá mềm 

Ẩn mình trong ngõ cụt đen tối

Anh và em

*Chúng nó sẽ kiếm ra chúng ta, chúng nó sẽ kiếm ra chúng ta

Chúng nó sẽ kiếm ra chúng ta nay mai thôi

Anh và em nơi ngõ cụt đen tối

Anh và em

Khi ánh sáng ban ngày trườn quanh 

Và nếu chúng ta tình cờ gặp nhau trên phố

Xin quay mặt làm ngơ.

Ôi, anh yêu, anh đừng khóc

Anh và em nơi ngõ cụt đen tối

Anh và em

Giọng hát thê thiết, man dại, lạc loài. Thân phận của nàng, thân phận của tôi, của dân tôi. Nàng hát chưa xong, tôi đã bật giậy, nhào ôm lấy nàng, tôi lắc lư với nàng theo tiếng hát; hát đi hát lại vẫn chưa đã, chưa nư, tưởng phải hát dài mãi, dài như những thế kỷ người bắt bớ người, người tàn hại người tới giờ chưa dứt; rồi tôi khóc trên vai nàng và nàng cũng khóc. Tôi thương nàng mất rồi, tôi vui sướng thốt lên trong lòng. Nàng có lẽ cũng thương tôi, thương nhiều; tiếng hát và vòng tay ôm chặt tôi nói cho tôi biết như thế. Tôi mê man trong tình nồng rượu đen. Rồi trong một thoáng, tôi nghĩ về mẹ nàng, về cha nàng, những người tình tuyệt vời giữa thời ly loạn trong một đất nước tự kiêu, man rợ, kỳ thị nhất thế giới, tôi hỏi nhỏ:

“Má em bây giờ ở đâu, em dẫn anh đi thăm má em, được không?”

Nàng trả lời:

“Má em ở khu phố khác. Ở đó, công an loại ba mươi tháng tư, chúng nó dữ và ác lắm. Nhất là gia đình em là đối tượng theo dõi của của họ. Anh qua đó, nguy hiểm.”

“Ừ, em nói phải, mà má em làm nghề gì để sống?”

“Má em mua qua bán lại, cũng đủ sống qua ngày.”

Mấy hôm sau, bà Đức kêu tôi vào nhà trong và thì thầm:

"Kỳ này tôi nghe cậu và con Mỹ lai chuyện trò có vẻ quấn quýt với nhau lắm. Nếu cậu thương nó, tôi sẽ nói trước với nó giùm cậu. Mà tôi nói thật với cậu, tôi thấy là khi tôi ở trong bóng đen lâu, tôi mới thấy được sự êm dịu của màu đen, nếu ta không còn lấy trí mà phân biệt trắng, đen, xanh, đỏ. Tôi thấy màu đen nó chứa được hết mọi màu.”

Tôi đỡ lời:

“Chắc nhờ ông nhà thương bà lắm, bà mới thấy ra được như thế.”

Bà ngẫm nghĩ một thoáng, rồi vừa nói vừa cười, nụ cười sung sướng, mãn nguyện:

“Cậu nói chí phải.”

***

Có bữa tôi đi lòng dòng phố về, ông Đức báo là có người em người bán thuốc nào đó hỏi thăm tôi và nhắn với ông Đức là ngày mai, lúc 12 giờ trưa, ra ngay chỗ cũ lấy thuốc thêm. Tôi hơi ngạc nhiên vì tôi chưa chích hết thuốc, nhưng tôi có linh tính là ra gặp người đàn bà hôm trước thì chỉ có điều lành chứ không có điều dữ. Và như hẹn, tôi đến, thì gặp ngay một anh con trai, không biết sao anh ta nhận ra tôi, và đi phía tôi. Tôi rùng mình kinh hãi vì nghĩ có thể mình bị gài bẫy, nhưng nghĩ lại, mình cũng vô lý, vì mình đâu là cái quái gì mà người ta gài bẫy lâu ngày và công phu như thế, như thể tôi là một gián điệp hay một người cấp cao trong chính quyền cũ trốn ở tù. Quả vậy, anh con trai mỉm cười hỏi tôi, giọng ân cần, lịch sự:

“Chào anh, tôi là em chị bán thuốc cho anh. Anh em mình lại đằng kia, tôi có chút chuyệncần nói với anh. Chuyện lành thôi!”

Tôi, lo lắng mười phần, đã tan hết chín.

Đi được một quãng xa xa khỏi khu chợ trời, anh con trai đi sát người tôi, nói nhỏ:

“Chị tôi đã đi lọt tháng trước rồi. Chị tôi có gọi điện thoại về và chị ấy nói bóng gió, nhưng tôi hiểu là chị ấy muốn giúp anh. Chuyến này, bạn của chị tôi tổ chức, anh muốn đi thì đi. Chị tôi sẽ bảo kê cho anh. Anh qua được, làm ăn được, rồi trả lại cho chị ấy sau.”

Tôi mừng quá sức. Lại một phép lạ khác tôi được ban; tôi hỏi: “Vậy, khi nào đi?”

“Còn vài ngày nữa mới đi. Nhưng tốt nhất, anh nên đi ngay bây giờ với tôi, kẻo anh về nhà trọ lại biết đâu có chuyện gì đó xảy ra; công an bắt anh vì cư trú bất hợp pháp, chẳng hạn. Hay là vương vấn với người nhà, sinh ra chuyện này chuyện nọ.”

Tôi nghĩ ngay tới Ngọc Trai Đen của tôi. Nhưng anh ta nói quá đúng. Tôi đồng ý đi ngay với anh ta. 

Chuyến vượt biển của chúng tôi thành công mỹ mãn. Chỉ 5 ngày là tới hải cảng Trengganu, Malaysia. Biển động vừa vừa mấy ngày đầu, mấy ngày sau chỉ  hơi nhóc, và gió bấc thường thổi mạnh vào mùa này lại thổi không mạnh lắm. Trước khi đi, người tổ chức nói là chuyến đi này sẽ thành công vì đi vào dịp Noel, tuy biển thường động, nhưng theo anh, một người rất ngoan đạo, tin lời cha xứ giảng là: “Vào dịp lễ Giáng sinh, các con xin Đức Mẹ điều gì thì đều được Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa Hài Đồng ban cho các con.” Anh đã được nhiều ơn lành như ý nguyện trong những dịp lễ Giáng sinh, thời còn trong quân ngũ, nên anh rất tin.

Chúng tôi cập bến Terengganu khi trời chỉ mới rạng, sao mai sáng như reo. Người người chui khỏi khoang thuyền, quỳ xuống sạp thuyền, và tuỳ theo tôn giáo mình theo, mà đọc kinh cảm tạ các Đấng Bề Trên. Tôi nhìn vì sao mai, vốn tượng trưng cho Mẹ Maria dẫn đường, như trong câu thánh ca trong đời thường chỉ có nghĩa thiêng liêng, nhưng bây giờ lại có ý nghĩa rất thiết thực: “Lạy Mẹ là ngôi sao sáng soi lối cho con lúc vượt biển thế gian”. Tuy nhiên, tôi nghĩ đến Đức Mẹ chỉ thoang thoáng, nhưng với lòng cảm mến vô ngần, tôi nhớ tới người đàn bà bán thuốc chợ trời đầy nhân đức, đầy lòng thương xót một người xa lạ như tôi. Người đàn bà ấy, giây phút này, đã thành thánh nữ, thành Mẹ Maria tại thế của tôi, cứu vớt tôi khỏi thung lũng lưu đày đầy mồ hôi, máu xương, nước mắt Việt Nam, và miệng tôi bật lên lời kinh cảm tạ: 

Lạy Bà là Đấng trinh tuyền, thánh vẹn,
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế.*

Rồi tôi được định cư ở Na Uy.

Tôi rán đi học và gặp và quen cô chủ quán cà phê gần trường, nơi tôi hay ghé uống cà phê và ăn trưa, những chuyện tôi có thể làm căng tin nhà trường, và chắc chắn không phải vì nàng là đồng hương mà tôi đã chán ngấy từ hồi ở quê nhà cho tới những ngày ở đảo Bidong, mà vì nàng là một người đàn bà trẻ, duyên dáng, cao ráo như tôi, nghĩa là cao 1m70; gặp lần đầu tiên, tôi đã mường tượng ra ngay hai thân thể cùng kích thước, khít khao nhau trên một chiếc giường nào đó. Cô có lẽ chưa chồng vì không thấy cô đeo nhẫn cưới, và vì chưa thấy người đàn ông nào vào đó xưng anh anh em em với nhau như đôi vợ chồng, nhưng nàng có một cô con gái má má con con thỉnh thoảng nàng đưa tới quán. Mơ được ước thấy, chỉ sau vài tuần là tôi đã được nàng mời về nhà chơi và thực hiện ngay chuyện tôi mường tượng ngày đầu vào quán. Mọi chuyện đều tuyệt vời. Trong mấy tháng. Rồi nàng ngỏ ý muốn tôi về ở với nàng. Tiện lợi mọi bề, nhưng tính tôi thích sống một mình. Hồi ở Việt Nam tôi có lúc sống trong cái chòi canh rẫy trong rừng hằng tháng và bây giờ nghĩ lại thì thấy những tháng ngày trong rừng ấy là thời gian hạnh phúc nhất trong những ngày eo éo loa đài, họp hành, khẩu hiệu nọ kia, tuy rằng ăn uống kham khổ. Nhưng chuyện tình dục thì không thể một mình, nhất là ở Na Uy lạnh lẽo, mà no đủ quanh năm. Nàng có nhan sắc, thân hình gợi dục, và là nữ hoàng boléro trong các đám cưới, tiệc tùng. Tóm lại nàng có hoa, thuốc súng, mật ngọt cho tôi say đắm rồi nổ tung. Say, nổ tung và chìm luôn. 

Nhưng cuộc sống không cho say, nổ và chìm mãi trong bể ái. Sau khi tôi tốt nghiệp, tôi kiếm được việc ở một nơi rất xa nơi nàng ở. Còn nàng, nàng có quán cà phê mà nàng là chủ và nàng đã ở quen với cô con gái nhỏ trong một thành phố thơ mộng, tiện lợi mọi bề mà phải bỏ và mang con nhỏ để lên Miền Bắc xa xôi, giá buốt quanh năm, nơi tôi vừa xin được việc, là chuyện không thể. Và cũng không nên. Không thể, không nên, nhưng chúng tôi vẫn mê nhau, đeo nhau như sam. Rời nhau sao được, khi tuổi đời chưa tới ba mươi.

Tôi cứ nửa tháng, hay sớm hơn, vì nhớ quá, về đê mê những ngày cuối tuần, những ngày lễ, và điện thoại cho nhau hằng đêm. Thế rồi có một lần cuối tuần, sau khi quần nhau đã đời, hai chúng tôi còn nằm trên giường, thì nàng thỏ thẻ với tôi: “Anh ơi, anh nói về một nhà thơ đặc biệt nhất, lạ nhất của Na Uy cho em nghe với!“ Ui Trời, tôi khoái quá! Khỏi hỏi han lôi thôi, tôi nói ngay về nhà thơ Olav Hauge vì tôi thích nhà thơ này và cũng là nhà thơ hội được những tiêu chí của nàng. Thơ của thi sĩ này có hình thức, ý thơ, hơi thơ đã đặc biệt lại giống Nguyễn Khuyến của Việt Nam, Vương Duy của Trung Hoa và Ba Tiêu của Nhật Bản, nghĩa là vương màu xứ lạ, rất eksotisk, mà lại rất Đông phương đối với người Na Uy. Tôi thích nhà thơ Olav Hauge đến nỗi, tôi, với trí nhớ kém cỏi bẩm sinh, vẫn nhớ được dăm bài thơ ngăn ngắn của ông, và tôi đọc và dịch nghĩa cho nàng nghe. (Nàng rất giỏi tiếng Na Uy, nói tiếng Na Uy còn trơn tru hơn tôi.) Và kết quả là: “Em sẽ ra tiệm sách mua thơ của nhà thơ này.” Lạ chưa, nàng là nữ hoàng boléro, mà thích và sẽ đọc những bài thơ man mác cỏ cây, mây nước, hư vô thiền vị của Olav Hauge mà tôi vừa mới giúp nàng cảm nhận ra! Và nàng mua thật, hôm sau, không phải một tập thơ mà tất cả các tập thơ của Olav Hauge mà tiệm sách có. Giờ này, nàng đúng là người tình tuyệt vời: thân xác nóng bỏng sắc dục, tâm hồn thấm đẫm hương thơ. Nhưng ngạc nhiên này dẫn đến ngạc nhiên khác, đúng ra là sửng sốt: Ngày kế tiếp, sau khi quằn quại với nhau, nàng hôn nhẹ má tôi và thì thầm: “Anh dạy cho em triết học Ấn độ đi!” Tôi sửng sốt quá đỗi, sửng sốt đến mụ cả óc, và tôi cũng hứng khởi quá cỡ vì có người, mà lại người yêu, muốn tôi chia sẻ những tư tưởng cao vời, thâm sâu của triết học Ấn độ mà tôi rất thích, và có thể nói, tôi thấm nhuần và nắm vững hơn các nền triết học khác. Sự sửng sốt, hứng khởi dập tắt mọi thắc mắc tại sao khi không nàng lại thích tôi dạy triết học Ấn độ. Tôi dành hai ngày nói đại cương một vài trường phái và đôi đại sư của mỗi trường phái ấy, kèm theo các câu nói hay nhất, tiêu biểu nhất của các đại sư đó, kiểu như Wikipidea hiện nay. 

Rồi tôi phải chia tay nàng thơ với xác thịt ngồn ngộn của tôi để quay về với công việc, nhưng tôi phơi phới trong lòng vì người yêu tôi, nửa-kia của tôi, giờ lại còn có một tâm hồn đẹp hơn trước nhiều.

Hai tuần sau tôi lại về với nàng. Trước khi lên tàu hoả, như thường lệ, tôi báo cho nàng giờ tàu đến để nàng ra đón, nàng lạnh lùng thấy rõ: 

   “Anh khỏi về, em có người yêu khác rồi!”

   “Thôi đừng có cà rỡn. Anh vừa mua bình nước hoa Poème/Bài thơ của Pháp cho em đây. Kỳ này anh sẽ tha hồ hít thơ từ thân xác trần truồng em.”

Nàng hơi sẵng giọng:

  “Thôi, anh quên đi. Em không còn yêu anh nữa. Ba năm đã quá đủ. Xa nhau như thế là đã quá lâu. Em còn sống phải cuộc đời của em. Em nài nỉ anh về với em, cưới em, ở với em, có gì vợ chồng ăn nấy, mà anh cứ khăng khăng không chịu, rồi còn nói hoài cái câu tụi Na Uy hay nói: Chết cha, không đau bằng mất việc.”

Tôi nổi xùng:

“Thì đúng rồi! Anh bỏ việc rồi về ăn bám em hay sao?”

Rồi nàng cúp máy cái rụp.

Rồi tháng sau, có cô bạn thân ở cùng tỉnh với nàng, và bán cà phê với nàng, nói cho tôi biết là nàng đã lấy một ông giáo sư dạy môn văn học tại đại học toạ lạc gần quán bán cà phê và món ăn nhẹ của nàng, nơi ông giáo sư hay đến ăn trưa. Ông ta dạy văn học? Tôi đâm nghi, tự hỏi: “Mình trao bửu bối cho nữ tặc?” 

Một tháng sau, đang đêm tôi đang quằn quại nhớ thân xác nàng, thì có tiếng gọi điện thoại và, Trời ơi, đó là tiếng nàng:

 “Anh ơi, cho em trở lại với anh đi.” 

Thú thật tôi khoái quá, khoái vì mình thắng trận thì ít, mà khoái vì sắp được ôm nàng thì nhiều; tôi vẫn khoái cái câu “It’s only a fuck: Chỉ là một cái đụ thôi mà; có gì đâu mà lớn chuyện đến thế!” trong một phim của Anh, kể về một chị đang thất nghiệp, nhưng vẫn sống êm ấm với chồng, con, thế rồi có một ngày, chị ta đột nhiên trúng số độc đắc mấy chục triệu pound. Vậy là cô ả đâm ra, như ông bà mình hay nói: No cơm, ấn cật; rậm rật mọi nơi; ông chồng hiền lành làm dữ, nàng ta nói như không, như người vừa giác ngộ một chân lý: “It’s only a fuck!: Chỉ là một cái đụ thôi mà. Có gì đâu mà lớn chuyện đến thế!” với ông chồng hiền lành.

Còn cô nàng của tôi thì năn nỉ như trên, và tôi tuy bụng đã khoái khoái, nhưng dạ vẫn cứ làm cao:

  “Em đã ra như thế, còn muốn về với anh là sao?” Rồi để hỏi câu hỏi quan trọng mà tôi vẫn ấm ức lâu nay, tôi nói hoãn binh: “Chuyện đó để anh suy nghĩ, để anh nguôi ngoai cái đã…” Và cuối cùng tôi hỏi: “Thế tại sao trước khi bỏ anh, em lại xin anh nói cho em nghe về thơ, rồi còn bảo anh dạy triết học Ấn Độ cho em?”

  “Dạ, vì ông ấy là giáo sư dạy môn văn học. Ổng thích em, muốn tìm hiểu em, thì em cũng phải biết một chút về văn học, triết học chớ! Vốn văn hoá bình dân Việt Nam của em chẳng có mấy, sẵn có anh của em thông thái, em trang bị thêm.”

 “Em thiệt là cơ mưu. Đúng là lòng dạ đàn bà.”

 “Dạ, anh nói đúng, em là đàn bà, là phái yếu, nói chính xác ra là yếu thế…”

 “Ừ.”

 “Anh tha tội cho em. Xin anh cho em trở lại với anh.”

Tôi làm lơ, hỏi vặn:

“Nghe cô bạn thân em nói là ổng cưới em rồi mà?”

“Dạ, đúng vậy. Ổng mê em từ lâu, nhất là sau khi em nói chút chút về thơ của Olav Hauge với ông ta, rồi còn dặm vào những câu chuyện đời ổng kể với em những suy tư trong triết học Ấn Độ. Thế là mấy ngày sau, ổng nửa đêm gõ cửa, và quỳ xuống cầu hôn với em…”

“Và em chấp nhận?”

“Dạ. Nhưng rồi trước ngày cưới, ông ấy yêu cầu em phải ký vào một tờ giấy chứng nhận nhà, xe, cả cái tivi cùng bộ xa lông mới mua và con chó là sở hữu riêng của ông, mà tiếng Na Uy gọi là særeie đó anh. Em thấy một người là giáo sư văn học, triết học đầy mình mà bần tiện đến như thế. Em không thể sống với người bần tiện... Anh phóng khoáng hơn nhiều. Anh ơi, anh tha lỗi cho em. Em thân phận đàn bà con gái. Cho em về với anh.” Rồi nàng khóc lóc thảm thiết: “Anh không cho, em cũng xách va ly xuống ở với anh.”

“Không được đâu. Anh phải suy nghĩ. Mà coi bộ khó quá!”

 Vì, tuy tôi khoái cái câu “It’s only a fuck!” Khoái, nhưng tôi chưa thể, chưa sẵn sàng dùng nó cho đời mình vì lòng tôi đã thấm nhuần văn hoá của dân tộc Việt với những người đàn bà trong những Hòn Vọng Phu, rồi Thiếu Phụ Nam Xương, những Trinh Liệt Phu Nhân thời xưa, mà nói chi cho xa, sau ngày Cộng Sản chiếm Miền Nam và lừa được các sĩ quan QLVNCH, viên chức cao cấp chính phủ VNCH vào tròng tù tội nhiều năm thì vẫn có, có nhiều những Trinh Liệt Phu Nhân được vẽ lại trong những bức tranh bi thảm mà sáng chói đức hạnh trong một xã hội bị đàn áp bởi những kẻ xảo trá, gian ác, tàn bạo, tàn bạo dai dẵng, trong các trang văn tự sự, hồi ký.

Cuối cùng, dù nàng van xin đôi bận, tôi vẫn từ chối lời cầu xin của nàng; từ chối mà tiếc hùi hụi. Tôi xui xẻo sinh trong một đất nước, và vào một thời có quá nhiều Trinh Liệt Phu Nhân. Mà nàng cũng xui xẻo không kém.

Rồi rút kinh nghiệm lần với cô chủ quán cà phê, và cũng đã đến lúc, tôi lấy vợ cho yên bề, lấy hai lần, nhưngđều thất bại. Người ngoài chăn cho tôi là thẳng đểu, gã sở khanh, nhưng người trong chăn là tôi thì thấy trong đời chăn gối chính thức của tôi thì đầy rận, rận chẳng những cắn ngoài da, gây ngứa ngáy, làm loét da, mà rận còn chui vào óc. Rận mà như thế thì chỉ có nước trụng nước sôi, hay vứt cả chăn vào thùng rác. Nhưng tôi phải thú nhận: lỗi là do tôi đã làm những bad choises: những chọn lựa sai lầm, như người Mỹ hay nói, vì tưởng cứ tưởng cái nửa -kia mỹ miều là đủ sống đời. Bị lừa một lần còn chấp nhận được, bị lừa hai lần là ngu, có cao nhân đã nói vậy. Nhưng may thay, trong cuộc sống cô độc sau khi ráp bậy hai lần, tôi lại kiếm được không phải một mà nhiều nửa-kia trong các cuộc hội thoại về văn hoá, nghệ thuật, triết học, và cả thần học, Kinh Thánh trên các podcast, ví dụ, RCF: Radio Catholique Français/Radio Công giáo Pháp, hay History of Philosophy without Gap/Lịch sử Triết học không Khoảng trống… với sự tham gia của các học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, triết gia, giáo sĩ, ẩn sĩ, những kẻ say mê lang thang khắp miền của thế giới… ,trong đó khá nhiều vị nữ. Các vị thông thái, uyên bác quá sức. Thoạt đầu tôi nghe cả các vị nam lẫn các vị nữ, nhưng về sau tôi thường nghe các vị nữ lưu hơn và hay nghe ban đêm. Anh phụ trách chương trình, một người cũng rất thông thái và quảng bác, có giọng nói khá giống tôi hồi còn đi học, mà Cha giáo sư dạy tiếng Pháp của tôi rất thích; Cha có lần nói với tôi: “Anh có cái giọng nhỏ nhẹ, khoan thai, trầm trầm, dấn thân và lôi cuốn; người có giọng nói với những phẩm tính như thế sẽ khiến cho người đối thoại muốn được ngồi gần mãi đặng giải bày nỗi lòng cho thoả. Anh về sau, với kiến thức, anh sẽ giúp ích được nhiều người.” Và riết rồi những khi nửa đêm thức giấc, nghe anh phụ trách hội thoại với một nữ sĩ nào đó, tôi có cảm tưởng là chính tôi và nữ sĩ ấy, như hai vợ chồng, đang nằm trên giường với nhau trò chuyện mà quên cả trời sắp sáng; tôi được vỗ về bằng những tiếng nói đầy trí tuệ, được yêu thương bằng tinh hoa của thơ, văn, tư tưởng từ người nữ thông tuệ, tài hoa, vượt lên thông tục. Tôi đã gặp những người nữ tinh tuý ấy, những người nữ không chỉ đội trên đầu vòng hoa đẹp kết bằng hoa thơm cỏ lạ tinh thần, mà (qua hình tra trên Google còn cho thấy) các nàng còn có nhan sắc xuất sắc, hoặc vừa phải, không xấu, hoặc giả sử có xấu thì màu trí tuệ cũng làm cho ưa nhìn; đã thế, các nàng còn rải vào những dòng tư tưởng những chuỗi cười khi thì thư thái, mãn nguyện lúc những suy nghĩ độc đáo chợt đến, khi thì khiêm hư lúcgặp ý kiến khác mình, hay hơn mình, chẳng hạn nhưnơi nàng tri kỷ một chiều của tôi: Blanche de Richemont. 

Nhưng than ôi, các nàng này chỉ là online! Gần đó mà xa đó, xa rất xa, xa tới mức không phải chỉ là phi hữu mà là vô hữu.

***

Một hôm tôi tình cờ thấy trên trang mạng của đài truyền hình Na Uy giới thiệu bộ phim nhiều tập Love Child: Con của tình yêu. Con của tình yêu thực ra trước đây người đời vốn gọi là bastard: con hoang, hay illegitimate child: con bất hợp pháp, hay extramarital child: con ngoài hôn thú. Từ những hạn từ không được đẹp đẽ này tới mỹ từ “Con của tình yêu”, xã hội Tây phương, trong đó có Úc, đã bước một bước rất dài trải bằng không biết bao nhiêu nước mắt, máu me, nước ối của những người đàn bà lỡ yêu và trao thân cho các anh đàn ông qua các thời đại. Tôi xem ngay, xem vì cái tên bộ phim biểu thị sự hiểu biết của một xã hội hiện đại, thời điểm tương đương với những năm cuộc chiến Việt Nam xảy ra. (Có mấy vai nam là lính Úc qua chiến đấu ở Việt Nam.) Phim có nhiều cảnh mấy nàng lâm bồn xem rất ngán, nhưng vẫn là một bộ phim hay, diễn hay, về những chàng trai dạn dày mưa nắng mà lịch lãm xứ Úc và những thiếu nữ mỹ miều, sexy, mà đầy trí tuệ, tự nguyện vì kẹt hoặc bị cha mẹ ép buộc, tập trung trong một ký túc xá để chờ sinh con, và sau khi sinh, bà chủ sự sẽ kiếm người muốn nhận con nuôi để cho nếu đương sựchịu ký giấy cam kết đồng ý, để đương sự đi làm lại cuộc đời mới. Cô nào cũng không muốn, hoặc dùng dằng không muốn cho con, hoặc cho rồi lại hối hận, muốn bắt con lại. Cho thấy tình mẫu tử thật mạnh nơi những cô gái ấy, kể cả nơi những cô gái dân chơi hết mình. Tuy có sự giúp đỡ tận tình chuyện sinh nở, nhưng bi kịch của chuyện không chồng mà vẫn có con mãi mãi vẫn còn là tấn bi kịch riêng cho người đàn bà. Khi đến khúc phim, trong đó chính một nữ bác sĩ sản khoa trong bệnh viện phụ trách ký túc xá chứa các cô mang bầu ấy cũng có thai ngoại hôn, và chỉ mấy tuần sau, thằng bé chết trong khu nhi khoa. Ở phân cảnh thằng bé chết, người mẹ bác sĩ phải để bác sĩ khác rút ống trợ sinh, và người mẹ trẻ bác sĩ ấy ôm trên tay đứa con vừa chết mà khóc ngất, thì xen vào phân cảnh một nữ ca sĩ da đen hát bài The Dark End of The Street mà Ngọc Trai Đen của tôi đã hát năm xưa; giọng hát giống y, điệu diễn tả giống y, và giống y không kém khuôn mặt và thân dáng của nàng tôi xưa. “Của nàng tôi xưa”, viết dòng chữ này là vì lòng tôi xúc động mạnh, hối tiếc nhiều, chứ tôi có xứng đáng để viết như thế đâu! Tôi đã bỏ nàng mà đi không một lời từ biệt và sau khi qua được xứ người, tôi đã sa vào vũng đời bẩn thỉu, tục tằn, nham hiểm, gian trá làm tê liệt hết thần kinh; trí nhớ trở nên cằn cỗi rồi gần như chết hẳn. Lú hết! Quên hết! Và dù có đôi khi nửa đêm tỉnh giấc, kỷ niệm sống lại, hiện về, thì tôi cũng xua đi như những hạt bụi vô phước rơi trên chăn lạnh, gối trơ, bởi vì tôi mệt quá, mệt tới mức tê liệt,bởi vì tôi bù tóc, ù tai với cuộc đời hiện tại, với cuộc đời trước mắt của cái thủa khốn nạn ấy. 

***

Anh Tín An, một nhà văn nổi tiếng, từng là sĩ quan quân lực VNCH, cùng định cư ở Na Uy, và lại là láng giềng của tôi. Anh đã viết nhiều truyện mang tính tự sự về đời chiến binh của mình: những truyện đầy éo le, bi tráng, đầy nhân ái, nhất là nhân ái, có thể nói lòng thương các chiến hữu xuyên suốt các truyện của anh. Và các câu như: “Tôi giúp anh ấy một món quà nhỏ.” hay “Tôi ra bưu điện gởi cho chị ấy chút ít tiền” xuất hiện khá nhiều lần trong các truyện của anh một cách tự nhiên như nắng phải chiếu lên lá, như mưa phải rơi xuống đất. Anh được Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH ở Úc mời qua ra mắt sách và tiền bán sách sẽ được gởi giúp các thương phế binh của QLVNCH. Úc là một nước mà nơi đó Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH hoạt động còn rất mạnh. Được anh cho biết về chuyến đi sắp tới, tôi nảy ra ý định gặp anh để nhờ anh giúp tôi một chuyện cần. Tôi qua nhà anh chơi và, bên tách trà bốc khói, dưới ánh đèn mờ, tôi nhẩn nha kể cho anh nghe chuyện tình giữa tôi với Ngọc Trai Đen, người hát bài The Dark End of The Street ở Việt Nam, và rằng có nữ ca sĩ tên Emma Birdsall, người Úc, cũng hát bài này trong phim Love Child, và cô giống  y người yêu Mỹ lai đen tôi xưa, và tôi nhờ anh khi qua Úc đi tìm tung tích người ca sĩ ấy giùm tôi, anh hoan hỉ nhận lời ngay. Anh còn cho biết anh có nhiều bạn cựu sĩ quan sống bên Úc và có con cái thành đạt, làm lớn trong xã hội Úc, nên anh sẽ nhờ các bạn nói với con của các bạn ấy kiếm giùm. Quả vậy, chỉ sau mấy ngày sau khi anh Tín An qua Úc, anh gọi điện thoại về cho tôi biết con trai của trung tá Toàn, một doanh gia giàu có, có quen biết cô ca sĩ ấy, và cậu con trai còn cho biết là không cần đi gặp cũng biết, là cô ca sĩ Emma Birdsall là một cô gái da trắng, đẹp lộng lẫy, có thân hình sexy; cô có thể hát đủ mọi thể loại nhạc từ nhạc kích động vui tươi cho đến nhạc Da đen blues buồn bã như khi cô ta hoá trang như một cô gái da đen đáng thương, giọng khàn khàn, não nề hát bài The Dark End of The Stree trong một phân cảnh quán rượu trong phim Love Child.

Nhà văn Tín An còn cho biết anh còn có mấy buổi ra sách nữa ở các tỉnh khác có đông người Việt. Nghe anh nói thế, trong đầu tôi lại hiện ra hình ảnh người đàn bà bán thuốc chợ trời mà tôi cứ đinh ninh là phu nhân của một sỹ quan QLVNCH nào đó, phu nhân đã gia ân cho tôi, và tôi kể chuyện bà ấy giúp đỡ tôi cho anh ấy nghe. Không biết anh Tín An kiên nhẫn, hay thích thú (anh là một nhà văn mà lại), anh nghe hết câu chuyện tôi kể khá dài, và khi kể xong, tôi xin anh, sau bài thuyết trình của diễn giả, thay tôi nói lời cảm ơn cùng tạ tội của tôi muốn gởi đến vị phu nhân mà tôi chưa kịp biết tên; bà có thể đếntham dự buổi ra mắt sách của anh. Tôi sẽ gởi nội dung lời tôi muốn gởi gắm bằng điện thư, qua cho anh. Anh Tín An vui vẻ đồng ý và hứa là sẽ cố gắng giúp tôi.

Trong điện thư của tôi, tôi ngắn gọn kể lại hoàn cảnh tôi gặp người nữ ân nhân ấy, người đã cứu đời tôi hai lần trong hai giai đoạn: kiếm chỗ an toàn cho tôi ở chui, và sau đó nhờ em trai đưa tôi xuống xuồng tắc xi, rồi đưa ra thuyền đi vượt biên thành công, và trước khi xuống thuyền, em của bà không đưa cho tôi địa chỉ của bà ấy; ông em ấy không thể quên vì ba cây vàng là một món lớn. Từ ngày ấy tôi coi phu nhân là thánh nữ của tôi trong đời tôi, và mỗi lần nhìn được sao mai, sao hôm tượng trưng cho Mẹ Maria chỉ đường dẫn lối vốn chẳng mấy khi xuất hiện trên bầu trời Na Uy thường lắm mây mù, khói tuyết, tôi luôn xướng lên lời ngợi khen, cảm tạ hướng về Mẹ Maria thì ít mà về phu nhân bán thuốc ở chợ trời Khánh Hội ấy thì nhiều: 

Lạy Bà là Đấng trinh tuyền, thánh vẹn,
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi.
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm luỵ vừa trải qua dưới thế.

Thế mà tôi đã bao năm nay đã không từng đi kiếm bà để được, mặt đối mặt, cúi đầu cảm tạ bà.

Tối hôm sau buổi ra mắt sách ở thành phố Melbourn, anh Tín An gọi điện thoại cho tôi và nói là anh sáng nay, trong buổi ra mắt sách, anh đã trước hết giới thiệu một chút về tôi và sau đó đọc y nguyên điện thư của tôi đã gởi cho anh; và anh nói anh thấy sáng nay có hàng trăm cựu quân nhân, sĩ quan và thân nhân đến dự, nhưng đặc biệt anh thấy có một bà ngồi ở cuối phòng với một người đàn ông mặc quân phục lính Thuỷ Quân Lục Chiến đang ngồi trên xe lăn, già cỗi và khô héo như thể những gian lao, nhọc nhằn ngày tháng cũ chưa chịu buông; bà mặc chiếc áo dài lụa trắng, có thân dáng, thần thái như tôi đã diễn tả cho anh, và anh có thể thấy cả cái nút ruồi duyên nhỏ bằng một phần tư hạt đậu xanh nơi mép trái và cái má lúm đồng tiền một bên, mà tôi đã lưu ý anh, dầu bà đang ngồi với chồng cuối phòng khá xa. “Mắt tôi đã kém nhiều vì tuổi tác. Tôi không ngờ tôi có thể thấy hai dấu hiệu đặc thù mà nhỏ đó ở một khoảng cách xa như thế; có lẽ nhờ khuôn mặt bà ấy toả sáng. Tôi nhớ là khuôn mặt bà ấy sáng lên khác thường.” Và anh kể tiếp: Sau khi nghe anh đọc xong lời nhắn gởi của tôi, bà ấy lấy tay lặng lẽ chặm nước mắt bằng vuông khăn cũng lụa trắng, chặm nhiều lần, rồi khi buổi ra mắt sách kể như kết thúc, bà làm dấu thánh giá, lấy khăn lau nước mắt lần nữa, rồi cúi xuống nói nhỏ điều gì đó với người đàn ông, và bà, lặng lẽ mà vội vã, đẩy xe lăn có người đàn ông đang ngồi qua cửa hông mà ra bãi đậu xe, trong khi các sĩ quan, binh sĩ của Hội Cựu Quân Nhân QLVNCH và thân nhân vẫn còn nán lại vừa nhâm nhi trà, uống cà phê và vừa hỉ hả nói chuyện với nhau và với anh Tín An. Và anh nói thêm: “Tôi chỉ cần chạy theo ông bà ấy, thời sẽ biết bà ấy là ai, ông ấy là ai và ông ấy là gì của bà ấy, hoặc hỏi những người đang nói chuyện với tôi, nhưng tôi lại không làm như thế. Tôi xin lỗi anh về chuyện tôi đã không làm như vậy.” Nhưng tôi nói: “Em cũng sẽ hành xử như anh thôi. Anh không có việc gì mà phải xin lỗi em. Em phải cảm ơn anh mới phải.”

Và tôi càng cảm phục nàng; cảm phục, nhưng lòng đau đớn vô ngần.

Anh em vượt biên cùng thuyền với tôi, mỗi năm, hẹn nhau họp mặt một lần vào dịp Lễ Giáng sinh. Năm nay chúng tôi hẹn họp mặt ở Mỹ, tại nhà anh chị Lộc ở Garden Grove.

Tôi đi xem trung tâm Phúc Lộc Thọ nổi tiếng cho biết. Nhiều tiếng cười, nhiều tiếng nói hơn đường phố ở Oslo nhiều. Tôi đang ăn tô phở khổng lồ mà tôi hằng mơ ước và quyết ăn cho kỳ được trong chuyến đi chơi Mỹ Quốc này. Tôi vừa ăn vừa thích thú nghe tiếng người người qua lại nhộn nhịp mà tôi chẳng mấy khi được nghe ở Na Uy. Trong những nhộn nhịp hân hoan ấy, tôi nghe có tiếng hát thánh ca Noel, tiếng Mỹ, giọng nam, khuyếch đại qua loa, rồi bỗng có tiếng của một người nữ nói là cô xin phép hát thay anh John một bài trong khi anh nghỉ giải lao uống cà phê, và cô nhập đề cho bài hát của mình như sau:“Chúa Hài Đồng vừa sinh ra được mấy ngày thì Thánh Giuse và Mẹ Maria đã phải bồng Chúa trốn qua Ai Cập vì vua Hêrốt lùng bắt để giết cho được Chúa*. Anh John đã hát nhiều bài về Lễ Chúa Giáng Sinh, nay tôi xin hát bài The Dark End of The Street củaChips Moman và Dan Penn diễn tả chuyện con người ngày nay, sau hai ngàn năm, vẫn còn phải trốn chạy trước lực lượng bóng tối.” Và cô ta bắt đầu cất tiếng hát; một luồng gió man dại ùa vào hồn và hốt lấy hồn tôi. Tôi bỏ tô phở đang bốc khói thơm hương vị quê cũ, sóng sánh vàng những ngọt béo trần gian, chạy thật nhanh về phía tiếng hát; tiếng hát này đây, giọng hát độc đáo cho riêng tôi, đang rên xiết từ đằng kia. Và khi tôi đến nơi phát ra tiếng hát, tôi thoáng thấy, qua những quãng trống dọc của đám người đang đứng nghe, một cô gái có nước da ngăm ngăm, tươi, trẻ đang hát hết mình; những mạch máu chủ nơi cổ cương, cong lên như những con trùng lớn đang cố quẫy đạp để bung ra. Rồi tôi quỵ xuống, hay đúng ra, tôi quỳ xuống sau vòng tròn khán giả bao quanh cô ca sĩ, không phải vì mệt, nhưng vì tôi có linh tính là mình đang chứng kiến một khả thể nhiệm màu, và một phép lạ to lớn sẽ được ban cho tôi. Cô gái hát xong, anh ca sĩ hát rong lấy lại micro và lại hát những bài thánh ca cổ truyền êm đềm, buồn buồn dĩ vãng.Người nghe hát dãn dần, cuối cùng chẳng còn ai, chỉ còn tôi gục tại đó. Cô gái hát lúc nãy chạy lại bên tôi, cúi xuống hỏi, bằng tiếng Mỹ: 

“Ông có sao không?” 

Tôi nói không ra hơi:

“Không sao, tôi không sao… mà cô hát hay quá. Hay và làm tôi đau đớn…” - Lời tâm sự có vẻ vô duyên giữa nơi đô hội tấp nập kẻ qua người lại.

Cô nhỏ dịu dàng:

“Hình như ông là người Việt Nam?”

Và sau khi tôi gật đầu xác nhận, cô lại vẫn dịu dàng:

“Người Việt Nam nào cũng có nỗi đau đớn cả vì họ đã chịu nhiều đau thương, đủ thứ đau thương.” – Một lời an ủi không đâu bên vệ đường lũ lượt người xa lạ. Và cô tiếp tục vỗ về: “Tôi xin phép ông cho tôi dẫn ông vào quán nước kia để ngồi nghỉ một chút, rồi ông hẵng đi.”

Và không cần phải hỏi cô sao cô biết tôi là người Việt Nam, tôi đồng ý ngay.

Cô nhỏ hỏi thăm đủ chuyện về tôi. Tôi khen cô khéo ăn nói. Cô cười:

“Tôi làm nhân viên xã hội, chuyên giúp người gặp khó khăn, thưa ông.” 

Và cô nhỏ nói nhiều chuyện khác. Và chen vào những hỏi han có vẻ thân tình của cô, tôi hỏi về gia đình, sinh hoạt chung chung của cô, và cô cho biết mẹ cô là một cô con gái người Việt lai Mỹ đen được nhận theo diện con lai, và đã bồng cô qua đây, với bà ngoại. Mẹ cô đã học tốt nghiệp ngành sư phạm, môn tiếng Pháp, và đã hành nghề giáo dục ở Mỹ, và sau khi cô bắt đầu vào đại học, mẹ cô đã qua Sénégal làm giáo viên dạy tiếng Pháp bên ấy, và dạy đã được năm năm. Mẹ cô rất thích ở bên ấy vì thấy mình hữu dụng, và vì thấy đó mới chính là quê hương mình. Mẹ nói mẹ đã an cư lạc nghiệp theo nghĩa thể lý cũng như tâm hồn. Mẹ không đi tu mà cũng như đi tu.

Tim tôi bắt đầu đập lỗi nhịp, nhưng tôi cố tiếp lời cô, và tôi kể là hồi tôi ở Việt Nam, tôi có tạm trú trong một khu phố nghèo, tên là Khánh Hội, trong nhà một ông y tá tốt bụng để được chích thuốc lao và trốn công an VC, và trong căn nhà trọ đó, tôi gặp và yêu một cô gái Việt lai Mỹ đen, nhưng tôi, vì lý do bất khả kháng, đã ra đi mà không thể báo cho người yêu ấy, tôi ân hận hết sức. Con nhỏ tròn xoe mắt, hỏi:

“Vậy cô ấy tên gì, thưa ông?”

Tôi bối rối trả lời:

“Tên tiếng Mỹ là Snow White, tên Việt là Ngà, nhưng tôi vẫn gọi cô ấy là Perle Noire, là Black Pearl trong những ngày gặp gỡ ngắn ngủi ấy.”

Cô nhỏ bỗng hào hển như đang lên cơn suyễn.

Tôi rán kể tiếp:

“Cô ấy hát cho tôi, hát tuyệt hay bài The Dark End of The Street mà chính cô đây đã hát lúc nãy ngoài kia. Cô hát giống y như cô ấy hát ngày xưa. Tôi đang ở đằng xa kia, nghe tiếng hát bài này, vội chạy đến, nghĩ là biết đâu lại gặp được Perle Noire tội nghiệp của tôi trong Mùa Ân Phước này…”

Nghe tới đây, cô gái nắm chặt hai bàn tay mình vào nhau, bóp bóp như đang giận thì giận mà thương thì thương, và cúi xuống, khóc nghẹn ngào, rồi nức nở, rồi khóc to, rồi nấc lên từng tiếng:

“Ba ơi! Ba ơi!” Bằng tiếng Việt hẳn hoi.

3. Kết truyện: 

Trên đây là tấm hình Ngọc Trai Đen chụp các em học sinh cùng các thầy, cô trong một trường của các dì phước, nơi nàng đang dạy tiếng Pháp, ở nước Senegal, tại một bản làng rừng núi xa xôi, trong một bữa tiệc mừng Lễ Giáng Sinh. Sau khi con gái chúng tôi thay tôi gởi thư thăm dò trước kể lại chuyện hai cha con gặp nhau, nàng chỉ gởi cho con gái chúng tôi tấm ảnh này, với lời chú ở mặt sau như sau:

Khi bạn may mắn hơn người khác, bạn nên làm một cái bàn dài hơn, và chớ có dựng cái hàng dậu cao hơn.–Ngạn ngữ Sénégal

Hàng dậu cao chính là tôi, chớ ai trồng khoai đất này?, và cái bàn của tôi, thì ngắn chưa đầy gang.

Quý độc giả cũng thấy đó: Hai nửa-kia thương người đến như thế, thì tôi đành phải đứng xa mà ngó, vì so với các nàng, tôi bây giờ chỉ là đồ bỏ. Và trước những tấm lòng cao cả cỡ đó thì Chúa Hài đồng, Mẹ Maria cũng chịu thua không giúp được gì tôi nếu tôi có cầu cứu Các Ngài, vì chính Các Ngài, mà từ đó hai nàng được tưới tràn trề lòng thương xót, là hiện thân của Tình Yêu vô lượng hải hà dành cho mọi người dưới thế, chứ đâu phải chỉ cho riêng tôi. Rồi Thần Apollo cũng không thể khâu vá lại được những vết thương cả cũ lẫn mới của tôi, và vết thương mới này, khổ thay, lại quá lớn, quá sâu, và không phải chỉ một mà là hai.

Oslo, Mùa Giáng Sinh 2021

Nguyễn Văn Thà

Chú thích:

 * Truyện có tính cách tự sự, nhưng tất cả các chi tiết đều là hư cấu.

*Theo Kinh Thánh Tân Ước: Vì có lệnh vua Hêrốt lùng và bắt giết các trẻ sơ sinh vì các đạo sĩ hứa với vua sẽ trở lại báo cho vua nơi sinh của Vua Do Thái/Chúa Giêsu, như vua Hêrốt đã dặn, nhưng các đạo sĩ được thiên thần của Chúa báo mộng là đừng trở lại gặp vua vì ông ta sẽ đến nơi Chúa Hài Đồng sinh ra và giết Ngài; và các vị đã theo đường khác mà về nước mình.

*Xin xem bài thơ Femme Nude, và bài La Negritude của Léopold Sédar Senghor (1906-2001), thi sĩ người Sénégal nói tiếng Pháp, ông cũng là Tổng thống nhiều năm của Sénegal. 

*Thơ Trần Mộng Tú

*Có thể nghe Emma Birdsall hát ở đây:

https://www.youtube.com/watch?v=AlOaQ2EjqKE hay nghe James Carr hát ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=HC3AXQ8dPJM

*Thơ Hàn Mặc Tử