20 January 2022

TƯỞNG NIỆM HOÀNG SA 19-01-1974 - Điệp Mỹ Linh ghi

(Chương Trình Văn Học Nghệ Thuật Đài Phát Thanh Saigon-Dallas)

XNV.- Kính thưa quý thính giả, hôm nay là ngày 19-01-2022. Cách nay đúng 48 năm – ngày 19-01-1974 – Trung cộng đã ngang nhiên đưa một lực lượng Hải Quân rất hùng hậu tiến vào hải phận thuộc lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) để tiến chiếm Hoàng Sa.

Để kỷ niệm ngày đau thương của lịch sử và dân tộc, hôm nay, chương trình Văn Học Nghệ Thuật thực hiện cuộc phỏng vấn một nhân vật nữ đã có rất nhiều gắn bó với đại gia đình Hải Quân VNCH trong hơn nửa thế kỷ qua.

Chúng tôi muốn đề cập đến nhà văn Điệp Mỹ Linh.

Kính thưa quý vị, trước khi trở thành tác giả của nhiều tác phẩm được xuất bản, Điệp Mỹ Linh từng tháp tùng nhiều đơn vị tác chiến của Hải Quân VNCH trong những cuộc hành quân hỗn hợp trên sông rạch tại Vùng IV Sông Ngòi, để viết tường thuật. Một trong những tác phẩm của Điệp Mỹ Linh được giới sử học lưu ý là cuốn tài liệu lịch sử rất quan trọng viết về chuyến ra khơi cuối cùng của Hải Quân VNCH, năm 1975.

Vì Điệp Mỹ Linh từng tháp tùng hành quân và cũng là tác giả của cuốn tài liệu Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975, cho nên, hôm nay, chúng tôi mời Điệp Mỹ Linh góp mặt với chúng tôi để cùng thực hiện phần Tưởng Niệm Hoàng Sa, ngày 19-01-1974.

Chào cô Điệp Mỹ Linh.

ĐML.- ĐML xin trân trọng kính chào quý thính giả, kính chào Ban Giám Đốc Đài Phát Thanh Saigon Dallas, chào cô Phượng Vi và chào cô Như Tuyền.

XNV.- Thưa cô, hôm nay đúng ngày 19 tháng Giêng, kỷ niệm trận Hải Chiến Hoàng Sa. Trận Hải Chiến Hoàng Sa đã được Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại “đưa” vào Hồi Ký "Can Trường Trong Chiến Bại" do chính Phó Đề Đốc viết. Theo cô, với cuộc chiến đẫm máu và nước măt như thế, và đã có viết hàng loạt những trận đánh oai hùng của Hải Quân VNCH, xin cô cho biết ý kiến và nhận xét của cô về trận Hải Chiến Hoàng Sa?

ĐML.- Kính thưa quý thính giả và thưa cô, thái độ của tôi đã được thể hiện rõ nét trong bài phản biện nhà báo Bill Hayton – làm việc cho BBC – khi Bill Hayton có những nhận xét sai lạc, thiếu kiểm chứng, không công bằng đối với trận Hải Chiến hào hùng của Hải Quân VNCH.

Link: https://www.diepmylinh.com/gop-y-voi-bill-hayton

XNV.- Xin cô trình bày sơ lượt về trận Hải Chiến Hoàng Sa để quý thính giả am tường.

ĐML.- Theo Hồi Ký của Hải Quân đại tá Hà Văn Ngạc – sĩ quan chỉ huy chiến thuật trận hải chiến Hoàng Sa và cũng là sĩ quan đã trực tiếp ra lệnh cho Hải Đoàn Đặc Nhiệm của Hải Quân VNCH tại Hoàng Sa “khai hỏa”, để khởi đầu cuộc Hải Chiến Hoàng Sa – thì: 

Ngày 11/01/1974, Ngoại trưởng Trung cộng tuyên bố về chủ quyền của Trung cộng trên các quần đảo Hoàng sa và Trường Sa.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao VNCH bác bỏ luận cứ của Trung cộng và tái xác nhận chủ quyền của VNCH trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 16/01/1974, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc tuyên bố chủ quyền của VNCH trên 2 quần đảo Hoàng sa và Trường Sa.

Ngày 17/01/1974, từ Saigon, tôi – từ đây, xin hiểu đại danh từ “tôi” là Hải Quân đại tá Hà Văn Ngạc – đến Đà Nẵng lúc 9:00 giờ sáng. Khi đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải tôi được biết Tuần Dương Hạm Trần Bình Trong, HQ5, với biệt đội Hải Kích, cũng sẽ đến Đà Nẵng vào tối nay.

Tối 17-01-1974, khoảng 9:00 giờ, HQ5 rời Đà Nẵng, hải hành ra Hoàng Sa. Hạm trưởng HQ5 là Hải Quân trung tá Phạm Trọng Quỳnh. Tôi chỉ huy Hải Đoàn Đặc Nhiệm từ HQ5.

Ngày 18/01/1974, khoảng 9 giờ sáng, HQ5 và HQ10 đến gần Hoàng Sa.. 

Xế trưa, cả 4 chiến hạm (Ghi chú của Trần Đỗ Cẩm: HQ4, HQ5, HQ10 và HQ16)  tập trung trong vùng quần đảo Hoàng Sa.

Hải Đoàn Đặc Nhiệm được thành hình.

Nhóm chiến binh thuộc HQ16 và HQ4 đổ bộ và trương quốc kỳ VNCH trên các đảo Cam Tuyền (Robert), Vĩnh Lạc (Money) và Duy Mộng (Drummond).

Tphía Nam đảo Hoàng Sa, Hải Đoàn Đặc Nhiệm tiến về đảo Quang Hòa theo thứ tự: HQ4, HQ5 HQ16 và HQ10.

Khi Hải Đoàn Đặc Nhiệm tiến về đảo Quang Hòa thì hai chiến hạm Trung cộng loại Kronstadt, số hiệu 271 và 274 vận chuyển chặn hướng đi của Hải Đoàn Đặc Nhiệm. Hải Đoàn Đăc Nhiệm vẫn giữ nguyên tốc độ, trong khi hai chiến hạm khác, nhỏ hơn mang số 389 và 396 của Trung cộng vẫn nằm nguyên vị trí sát bờ bắc đảo Quang Hòa.

Chiếc Kronstadt 271 dùng quang hiệu chuyển công điện: “These islands belong to the People Republic of China since Ming dynasty STOP Nobody can deny”. Hải Đoàn Đặc Nhiệm đáp bằng quang hiệu“Please leave our territorial water immediately.

Ngày 18-01-1974, khoảng 8 giờ tối, HQ16 chuyển phái đoàn Công Binh, do thiếu tá Hồng hướng dẵn, sang HQ 5 bằng xuồng. Phái đoàn Công Binh  cùng ông Kosh thuộc cơ quan DAO Hoa Kỳ tại Đà Nẵngvào gặp tôi.

10 giờ tối, tôi nói chuyện bằng vô tuyến với bốn Hạm Trưởng để thông báo tình hình quân sự rất phức tạp trong vùng, yêu cầu bốn vị chuẩn bị chiến hạm và huy động tinh thần nhân viên, sẵn sàng chiến đấu.

11 giờ tối, lệnh hành quân từ Vùng I Duyên Hải được chuyển mã hóa trên băng tần SSB – single side band – ghi rõ: “Tái chiếm một cách ôn hòa đảo Quang Hòa”.

Nhận được lệnh hành quân, tôi chia Hải Đoàn thành hai Phân Đoàn Đặc Nhiệm:

*.- Phân Đoàn Đặc Nhiệm I gồm HQ4 và HQ5 do Hạm trưởng Khu trục hạm HQ4 chỉ huy;

*.- Phân Đoàn Đặc Nhiệm II gồm HQ16 và HQ10 do Hạm trưởng HQ16 chỉ huy.

Diễn Tiến Trận Hải Chiến ngày 19-01-1974

Ngày 19-01-1974, lúc 6 giờ sáng, Phân Đoàn Đặc Nhiệm I có mặt tại Tây Nam đảo Quang Hòa. Biệt đội Hải Kích – do Hải Quân đại úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy – được chỉ thị: Không được nổ súng và lên bờ yêu cầu toán quân của Trung cộng rời đảo. Trong biệt đội này có Hải Kích Đỗ Văn Long.

Biệt đội Hải Kích tiến vào đảo bằng 2 xuồng cao su, Hải Kích Đỗ Văn Long là người đầu tiên vừa nổ súng vừa tiến vào đảo. Hải Kích Đỗ Văn Long bị Trung cộng tử bờ bắn ra, tử thương ngay tại bãi biển! Trung úy Lê Văn Đơn – xuất thân từ Bộ Binh – tiến vào để thâu hồi tử thi của Hải Kích Đỗ Văn Long cũng bị Trung cộng bắn, tử thương. Tử thi vị sĩ quan này được thâu hồi ngay.

9 giờ 30 sáng 19-01-1974, đích thân Tư Lệnh Hải Quân VNCH hay Tư Lệnh Vùng I Duyên Hải ra lệnh “khai hỏa”, bằng bạch văn, cho Hải Đoàn Đặc Nhiệm.

10 giờ ng 19-01-1974, biệt đội Hải Kích trở về HQ5 với trung úy Lê Văn Đơn tử thương. Trong khi đó, tôi chỉ thị mỗi chiến hạm tấn công một chiến hạm địch, và bám sát địch trong tầm hải pháo 40 ly.

10 giờ 24 sáng 19-01-1974, lệnh khai hỏa được ban hành. 

Chiếc Kronstadt 271 bị trúng đạn, vận chuyển rất chậm, trở thành mục tiêu của HQ5.

Hỏa lực của Kronstadt 271 không gây thiệt hại nhiều cho HQ5; nhưng có thể đã gây thiệt hại nặng cho HQ10 nằm về phía Bắc.

HQ4 nằm về phía Tây Nam của HQ5 đặt mục tiêu là Kronstadt 274 nằm về phía Bắc. Nhưng chẳng may, HQ4 bị trở ngại tác xạ ngay từ phút đầu tiên; tuy nhiên HQ4 vẫn phải tiếp tục bám sát Krondstadt 274, cho nên, HQ4 bị thiệt hại nặng bởi hỏa lực của Kronstadt 274.

10:39 sáng 19-01-1974, HQ16 báo cáo hầm máy bị trúng đạn, chiến hạm  bị nghiêng, khả năng vận chuyển giảm sút, buộc phải lui ra khỏi vòng chiến; cũng không còn liên lạc được với HQ10; không biết rõ tình trạng và chỉ thấy nhân viên HQ10 đang đào thoát.

Tôi ra lệnh cho HQ4 lui ra khỏi vòng chiến ngay; và  HQ5 yểm trợ cho HQ4  tiến ra xa.

Chiếc Kronstadt 274 của Trung cộng tấn công HQ5 với mục đich tiếp cứu chiếc Krondstadt 271 đang bị tê liệt.

HQ5 bị trúng đạn. Sĩ quan trưởng khẩu 127 ly tử thương và hải pháo bất khiển dụng.  Máy siêu tần số SSB không còn liên lạc được. Khẩu hải pháo 40 ly đơn phía tả hạm cũng bị hư hại.

11 giờ 25 sáng 19-01-1974, cách xa khoảng 8 đến 10 hải lý, xuất hiện một chiến hạm của Trung cộng, được trang bị mỗi bên một dàn phóng kép hỏa tiễn loại hải hải (Ghi chú của Trần Đỗ Cẩm: đây là loại khinh tốc đĩnh Komar) đang tiến vào vùng giao tranh với tốc độ cao. Tôi cho lệnh  HQ4 và HQ5 ra khỏi vùng Hoàng Sa, tiến hướng đông nam về phía Subic Bay.

1 giờ trưa 19-01-1974, HQ4 và HQ5 đã cách Hoàng Sa chừng 10 hải lý. Tư Lệnh Hải Quân đích thân ra lệnh cho HQ4 và HQ5 phải trở lại Hoàng Sa và đánh chìm chiến hạm của Trung cộng – nếu cần. Lệnh được thi hành ngay. Từ HQ5, tôi được thông báo HQ16 được HQ6 hộ tống về Căn Cứ Hải Quân Đà Nẵng.

2 giờ 30 chiều 19-01-1974, khi HQ4 và HQ5 trở lại Hoàng Sa. Khi còn  cách đảo Hoàng Sa chừng 1 giờ rưỡi hải hành thì HQ4 và HQ5 nhận được phản lệnh, trở về Đà Nẵng.

7 giờ sáng ngày 20-01-1974, HQ4 và HQ5 về tới Căn Cứ Hải Quân Đà Nẵng an toàn. HQ16 đã về bến trước đó không lâu...

XNV.- Thưa cô, với trận chiến thư hùng này, không thể nào chỉ với khoảng thời gian ngắn như thế này mà nói hết được. Thường thường các quân binh chủng khác của Quân Lực VNCH có những trận đánh hào hùng trên rừng, ở giới đầu chiến tuyến như Khe Sanh, Hạ Lào, cổ thành Quảng Trị v...v...nhưng với Hải Quân, thì, ngoài việc phòng thủ, bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, cô có thể cho biết sự tham gia của Hải Quân VNCH trong những trận chiến khác của Quân Lực VNCH hay không ạ?

ĐML.- Kính thưa quý thính giả và thưa cô, sự tổ chức của Hải Quân VNCH – về hành quân – gồm có hai lực lượng chính yếu: Hành Quân Lưu Động Sông và Hành Quân Lưu Động Biển. Trận Hải Chiến Hoàng Sa do Lực Lượng Lưu Động Biển chủ động. Lực Lượng Hành Quân Lưu Động Sông chỉ huy những đại đơn vị tác chiến của Hải Quân hoạt động trên sông, như: Giang Đoàn Xung Phong, Lực Lượng Thuỷ Bộ (danh xưng khác là Lực Lượng Đặc Nhiệm 211), Lực Lượng Tuần Thám (còn được gọi là Lực Lượng Đặc Nhiệm 212), Lực Lượng Trung Ương (danh xưng khác là Lực Lượng Đặc Nhiệm 214), Giang Đoàn Ngăn Chận, Giang Đoàn Tuần Giang.

Hoạt động của những đơn vị tác chiến Hải Quân khác, tôi không biết thỉ tôi không nói. Tôi chỉ xin nói qua về những đơn vị mà ông Minh đã phục vụ và tôi đã tháp tùng hành quân, được không ạ?

XNV.- Vâng, mời cô.

ĐML.- Thời lượng đã được ấn định, tôi chỉ xin tóm tắt. Khi ông Minh chỉ huy Duyên Đoàn 26, hậu cứ tại đảo Bình Ba, Cam Ranh, Duyên Đoàn 26 có nhiều đụng độ với Việt cộng tại bán đảo Vĩnh Hy, cố vấn Mỹ của Vùng II Duyên Hải bị thương. Trong những cuộc tuần tiểu, Duyên Đoàn 26, hai lần, bắt được hai ghe của Việt cộng, bên trên ngụy trang ghe câu; nhưng bên dưới chứa rất nhiều vũ khí nặng.

Khi ông Minh chỉ huy Giang Đoàn 30 Xung Phong, hậu cứ tại Thị Nghè, Saigon, có nhiều đụng độ với Việt cộng trong các chiến dịch dài hạng, gọi là Hành Quân Tam Giác Sắt.

Giang Đoàn 30 Xung Phong tham dự cuộc Hành Quân Tam Giác Sắt thứ II, khởi động ngày 09 tháng 01 năm 1967.

Lực lượng Hải-Quân sau đây được đặt dưới sự chỉ huy của – sĩ quan thâm niên hiện diện – Hải-Quân Đại Úy Hồ Quang Minh:

ü  Giang Đoàn 30 Xung Phong, Chỉ Huy Trưởng là Hải-Quân Đại Úy Hồ Quang Minh.

ü  10 chiến đỉnh và một sĩ quan do Giang Đoàn 24 Xung Phong tăng phái

ü  8 giang đỉnh và một sĩ quan do Đại Đội Tuần Giang tăng phái  

Các đơn vị Hoa-Kỳ tham chiến:

ü  Một Lữ Đoàn của Sư Đoàn 1

ü  Một Lữ Đoàn của Sư Đoàn 25

ü  Lữ Đoàn 173 Nhảy Dù

ü  Thiết Đoàn 11

ü  Với sự tham dự của pháo đài bay B-52. (1)

Bằng sự quyền biến và liều lĩnh đầy mưu lược của một sĩ quan ngành chỉ huy, ông Minh đã chuyển đơn vị Hải-Quân từ thế thủ sang thế công và đem chiến thắng vẻ vang về cho quân bạn và Giang Đoàn 30 Xung Phong.

Sau chiến thắng Hành Quân Tam Giác Sắt II, đích thân Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu viếng thăm, ủy lạo và gắn huy chương cho binh sĩ. Riêng ông Minh được gắn Bảo Quốc Huân Chương với nhành dương liễu và được Đài Phát Thanh Quân Đội phõng vấn. Từ đó ông Minh được tặng danh xưng “Người Hùng Tam Giác Sắt”.

Năm 1968, Giang Đoàn 30 Xung Phong giữ an ninh dài hạn cho vùng Bình Điền/Chợ Lớn. Chính trong thời điểm này tôi mới thấy được sự “can cường rất dã man” của csVN!

XNV.- Cô vui lòng nói rõ hơn.

ĐML.- Sau khi bị csVN bất ngờ vi phạm Hiệp Định ngưng bắn vào dịp Tết Mậu Thân, sự canh phòng quanh các khu quân sự của VNCH và Hoa Kỳ được tăng viện và trở nên nghiêm nhặt hơn bao giờ hết! CsVN biết rằng khó lòng tấn công các yếu điểm này; cho nên, csVN bắt trẻ em và phụ nữ dàng hàng ngang, đi phía trước – để quân của VNCH và đồng minh không dám bắn – còn Việt cộng và “bộ đội ông Hồ Chí Minh” lom khom đi phía sau. Khi nhóm trẻ em và phụ nữ đến gần các căn cứ quân sự, đồn, bót, “bộ đội ông Hồ” và Việt cộng mới bắn vào mục tiêu! Khi đạn của hai bên “đan” vào nhau thì chỉ có Trời mới có thể che chở cho đám trẻ em và các phụ nữ xấu số đó!

Khi thuyên chuyển đến Giang Đoàn 26 Xung Phong, hậu cứ tại Long Xuyên, ông Minh chỉ huy Giang Đoàn 26 Xung Phong và cũng có nhiều đụng độ tại biên giới Việt Miên, sông Trèm Trẹm, sông Cái Lớn, Kinh Ngang, xã Hộ Phòng, quận Gò Quau... Ông Minh bị B40 tại Kinh Ngang.

XNV.- Sau đây, chúng tôi xin được đọc một đoạn văn của nhà văn Điệp Mỹ Linh phản biện nhà báo Bill Hayton – làm việc cho đìa BBC – về bài nhận định thiếu trung thực của Bill Hayton.

Góp Ý Với Bill Hayton về Trận Hải Chiến Hoàng Sa, 19-01-1974

... Bất ngờ, được website truclamyentu chuyển đến một bài dịch từ bài viết của ông Bill Hayton, tôi nhận thấy có vài điều tôi muốn viết để góp ý.

Tôi nghĩ, khi đề cập đến một trận chiến – chứ không phải viết lịch sử – người ta thường nhìn vào tinh thần chiến đấu của người lính tham gia trận chiến đó và phản ứng thức thời, thích nghi của cấp chỉ huy của trận chiến đó. Còn nếu chỉ nhìn cuộc chiến đó bằng kế hoạch hành quân và những “tai nạn” – như Bill Hayton đã nêu ra trong bài của ông ấy – khi khói lửa ngập trời mà không hề đề cập đến tinh thần của binh sĩ thì đó là một cách nhìn thiếu công bằng.

Tôi được hiểu rằng: Kế hoạch hoặc phương án hành quân và lệnh hành quân lúc nào cũng được bảo mật; sĩ quan thuộc cấp có thể biết một vài phần nhưng hạ sĩ quan và lính thì không được phép biết. Vì lẽ đó, những Người Lính VNCH đã tham chiến trận Hải Chiến Hoàng Sa ngày 19 tháng 01 năm 1974 – cả Địa Phương Quân/Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến – khi trở về đất liền được chào đón như những vị anh hùng là hoàn toàn hợp lý; bởi vì, Người Lính chỉ biết tuân lệnh, xã thân vào trận chiến vì tinh thần yêu nước, muốn bảo vệ quê hương chứ Người Lính không thể lựa chọn và cũng không cần biết ai phát họa phương án hoặc kế hoạch hành quân; phương án hoặc kế hoạch hành quân đó tốt hay xấu, có lợi hay bất lợi; phương án hoặc kế hoạch hành quân đó là một thảm họa hay là một khúc khải hoàn ca!

Cả thế giới đều biết, trận Hải Chiến giữa Hải-Quân VNCH và Hải Quân Trung cộng là một cuộc chiến không cân sức, như là "châu chấu đá xe". Thế mà Hải Quân VNCH vẫn chấp nhận chiến đấu để quân cướp Trung cộng biết rằng VNCH là chủ của Hoàng Sa – nghĩa là Hải-Quân VNCH cũng như Chính Phủ VNCH tự "rước" thảm họa (chữ của người nào dịch bài báo của Bill Hayton). Đó là tinh thần dũng cảm của Quân Lực VNCH, tác giả và mọi người – nhất là người Việt Nam – cần phải ghi nhận một cách trân trọng và nêu cao...

... Bill Hayton viết rằng: “…chính quyền Sài Gòn phải tham chiến với một nền kinh tế hầu như bị tê liệt…”

Đúng!

Vào thời điểm Hải Chiến Hoàng Sa, Chính Phủ VNCH với nền kinh tế hầu như bị tê liệt (chữ của Bill Hayton) và Người Lính VNCH chiến đấu trong điều kiện cạn kiệt vũ khí (chữ của Điệp Mỹ Linh); vì Hoa Kỳ không còn viện trợ vũ khí cho miền Nam Việt Nam nữa! Thế mà Chính Quyền VNCH và Người Lính VNCH vẫn “…Thù nước lấy máu đào đem báo…” (lời ca bài Quốc Ca VNCH). Tư cách như vậy, tác phong như vậy và tinh thần yêu nước như vậy phải được ghi nhận một cách công bằng và trang trọng, thưa ông Bill Hayton!...

XNV.- Thưa cô khi viết đoạn văn này cảm giác của cô như thế nào?

ĐML.- Tôi rất tức giận.

XNV.- Là phu nhân của một sĩ quan cao câp Hải Quân, xin cô cho biết tâm sự khi chứng kiến những trận thư hùng của hải quán và cô có cảm tưởng gì về người lính Hải Quân nói riêng, và người lính VNCH nói chung?

ĐML.- Kính thưa quý thính giả và thưa cô, để trả lời câu hỏi của cô, tôi xin trích một phần trong bài Nỗi Niềm của Người Vợ Lính. Đoạn ấy như thế này: “Từ ngày trở thành vợ của một ông Hải Quân’ và được tháp tùng những cuộc hành quân hỗn hợp với các quân, binh chủng bạn, tâm nguyện của tôi là: Viết về những chiến tích có thật, sự dũng cảm có thật và những anh hùng có thật trong cuộc chiến giữa người Lính VNCH và người lính của đảng cộng sản Việt Nam (csVN) ...

...Năm 1974, Hải Quân VNCH cùng một số Địa Phương Quân, Người Nhái, Thủy Quân Lục Chiến, v.v… đã chống lại sự xâm lăng của Trung cộng tại Hoàng Sa. Tôi rất hãnh diện về sự kiện đó; vì trong đời tôi, Hải Chiến Hoàng Sa là cuộc chiến đầu tiên mà người Lính VNCH cùng thời đại với tôi đã hiên ngang chiến đấu chống lại sự xâm lược của ngoại xâm Trung cộng – kẻ thù truyền kiếp của người Việt Nam yêu nước – vào vùng lãnh hải của miền Nam Việt Nam.
Sau khi niềm hãnh diện trong tôi lắng xuống, bình tâm trở lại, bản tính ngay thẳng trong tôi bừng lên và tôi nhận ra, trong tim tôi, tất cả quân nhân Quân Lực VNCH đều có cùng một vị thế rất đặc biệt và bình đẳng. Bất cứ một người Lính của quân binh chủng nào bị thương hoặc tử trận, lòng tôi cũng ngậm ngùi và biết ơn. Lòng biết ơn của tôi đối với Thương Binh VNCH được thể hiện một cách trực tiếp và âm thầm – với sự hỗ trợ của các con tôi – trong mấy mươi năm qua. Lý do tôi viết nhiều về Hải Quân VNCH không phải tôi thiên vị Hải Quân VNCH mà chỉ vì tôi không biết, không hiểu nhiều về các quân binh chủng khác thuộc Quân Lực VNCH...

XNV.- Tiếp theo,mời quý vị theo dõi một đoạn văn khác của nhà văn ĐML:  Xin trích một đoạn trong bài Người Lính Mỹ: “... Đối với tôi, cảnh lửa đạn trên sông hoặc dọc bờ sông, vào ban đêm, mang nặng tính chất hào hùng và bi thảm. Nhưng, hình ảnh và tiếng hát nghẹn ngào của Hải Quân đại úy Ashmore nơi mũi chiếc Command vào một đêm trăng, trên sông Cái Lớn, lại cho tôi hiểu thế nào là thương nhớ, thế nào là cô đơn, thế nào là bơ vơ, lạc lõng của một người lính chiến phải xa quê hương cả nửa vòng trái đất!

Gần nửa thế kỷ qua, không thể nào tôi nhớ được tựa đề của ca khúc mà Ashmore thường hát trên những dòng sông nhuộm máu. Nhưng giọng hát đầy u uẩn và bóng dáng đơn độc của Ashmore nơi mũi chiếc Command thì mãi hoài đọng lại trong hồn tôi!...

XNV.- Thưa cô, với cuốn “Hải Quân Ra Khơi” cô đã gởi những tâm tình gì trong đó cho nguời Việt và đặc biệt như giới trẻ tụi cháu?

ĐML.- Kính thưa quý thính giả và thưa cô, Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 là một cuốn tài liệu lịch sử, nhiều nhân chứng còn sống. Tôi quan niệm, khi viết truyện, tác giả có thể gửi gấm tâm tình của tác giả vào truyện; nhưng khi viết tài liệu thì chỉ có sự thật mà thôi.

XNV.- nhân ngày tưởng niệm Hoàng Sa và 74 tử sĩ của Hải Quân VNCH xin cầu nguyện Quốc Tổ linh thiêng phù trợ cho đất nước Việt Nam thoát khỏi ách cộng sản và đòi lại được Hoàng Sa, Trường Sa. Mời cô gửi lời tạm biệt thính giả trước khi kết thúc chương trình.

ĐML.- ĐML xin trân trọng cảm ơn quý thính giả đã lắng nghe; kính chào Ban Giám Đốc Saigon Dallas Radio và chào hai cô xướng ngôn viên duyên dáng.

XNV.- Chào. Nhạc đệm kết thúc với bài Hải Quân Hành Khúc (chiến sĩ hải quân ra khơi....Ra khơi sóng vương dạt dào, lênh đênh nhấp nhô thân tàu....)