28 June 2022

ĐỌC LẠI “CÕI ĐÁ VÀNG” CỦA NGUYỄN THỊ THANH SÂM (KỲ 3) – Nguyên Lạc

(Tiếp theo Kỳ 2)

Đơn xin ra khỏi Đảng của Trần

Từ lớp chỉnh huấn. Trở về, Trần ngã bệnh nặng, được chị Hiếu, một thiếu phụ góa chồng có hai con, hơn chàng mười tuổi, hết lòng chăm sóc. Tình yêu bắt đầu nẩy sinh từ đó. Trần muốn cưới Hiếu, nhưng Hiếu là người ngoài Đảng nên Đảng không chấp nhận, cùng lúc Trần nhận thấy mình không thích hợp với đường lối cai trị sắt máu nên làm đơn xin ra khỏi Đảng.

“Trần vẫn ngồi thẳng tắp trong chiếc bàn góc quán như thế không biết bao nhiêu lâu, điếu thuốc trên tay chàng rơi tàn lả tả xuống tập giấy trước mặt. Chàng đăm đăm nhìn ngọn đèn dầu sắp lụn với đôi mắt nhìn mà không trông thấy gì cả, những đường gân máu đỏ ngầu kéo chằng chịt trong đôi mắt chàng chiếu ngời lên một gợn sóng ẩn ức lung linh. Mãi cho đến khi đầu lửa đỏ của điếu thuốc cháy xuống nung bỏng da, Trần mới khẽ động ngón tay, di chuyển đầu lửa nhích ra một chút, chàng cúi xuống nhìn điếu thuốc trên tay mình một cách chăm chú, in thể đó là một vật lạ lùng lần đầu chàng mới trông thấy, khuôn mặt chàng chợt trở nên trầm lắng xa vời, chàng đưa điếu thuốc chỉ còn một mẩu ngắn lên môi, rít một hơi dài. Đốm lửa sáng ngời loe ra từ môi chàng theo bàn tay búng luôn xuống nền đất, chàng di một bàn chân lên điếu thuốc rồi để yên đó không buồn kéo chân về chỗ cũ. Chàng ngước lên buồn bã nhìn tập giấy với những hàng chi chít nhảy múa trước mặt chàng, chàng nghiêng đầu thổi những mẩu tàn thuốc rơi vương vãi trên mặt giấy. Chàng nhìn những hàng chữ của chàng trên đó, “Bản án,” danh từ ấy vang lên trong tiềm thức của chàng suốt đêm khi chàng nhìn tập giấy mang những lời lẽ thỉnh cầu xin rút lui ra khỏi Đảng của chàng. “Ra khỏi Đảng” mấy chữ ấy làm tim chàng nhói buốt. “Bản án” hai tiếng ấy lại nổi lên trong trí chàng, dữ dằn, hung bạo, như chiếc vồ đập mạnh vào đầu chàng. Quả vậy, với tập giấy gần sáu trang, chàng trình bày với Đảng tình tự đất nước của chàng với tình yêu con người khốn khổ trên quê hương xứ sở này, một tình tự đơn sơ thuần khiết khác biệt với chủ trương đường lối sắt máu của Đảng. Với ý thức đó chàng cho rằng sự có mặt của chàng trong hàng ngũ của Đảng không còn đem lại lợi ích gì cho Đảng nữa, những mâu thuẫn nội tâm sẽ giết dần mòn tình yêu của chàng đối với Đảng, do đó chàng nêu lên ý muốn cuối cùng của chàng xin Đảng chấp nhận cho chàng ra khỏi Đảng. Như vậy chàng vừa ký xong bản án tự lưu đày, hay tự xử thì cũng vậy.

Từ ngày dấn thân vào cuộc sống phong trần gian khổ này, Đảng trong tâm tư chàng như suối hiền, như bóng mát, đã biết bao lần chàng lặn ngụp trong ảo tưởng chói lòa đó mà khắc phục được bao cơn hiểm nghèo, qua khỏi những lúc chồn chân mỏi gối. Giờ đây, ánh hào quang lộng lẫy trong tâm hồn chàng đã vụt tắt, trung thực với chính mình và thương tiếc chút dư vang của tình yêu lý tưởng thần thánh đã đi qua, chàng không muốn bày trò dối trá. Lưu lại Đảng với một tấm lòng không còn như xưa nữa, với trái tim không còn đập những tiết điệu ấm áp mê say nữa, đó mới chính là điều ghê tởm. Nhưng cũng như khi hết yêu một người tình lòng không còn đam mê tha thiết nữa, nhưng sự dứt bỏ tránh sao cho khỏi đau đớn rã rời.

Cũng lạ lùng làm sao, bên sự nhói buốt đến tê dại cả toàn thân, tâm linh chàng bỗng nhiên nhẹ hẫng như vừa được giải thoát ra khỏi một sự băng hoại triền miên từ bao nhiêu năm tháng. Trong trạng thái trống rỗng đó, chàng nhận thức một cách rõ ràng rằng từ nay chàng chỉ có một mình, không còn đồng chí, không còn bạn bè, không còn một ngọn lửa nào có thể thắp sáng lại được nữa.

Do việc làm đơn xin ra khỏi Đảng này, chàng bị đưa đến Trung tâm Cải hối Tây Hạ, cùng với Huỳnh trong đó.

Trung tâm Cải hối Tây Hạ

Chưa bao giờ anh cảm thấy được gần gũi em bằng lúc này Lan ạ. Chưa bao giờ tâm trí anh, thể xác anh được hoàn toàn giao phó cho em như bây giờ.

Khi anh hồi tỉnh lại trong nhà giam này, hình ảnh em chập chờn lãng đãng trong mù sương trước mắt, anh đưa tay lên dụi mắt để được nhìn thấy rõ em hơn, cánh tay anh nhức nhối, nứt nẻ, thâm đen, ai đã làm gì nó nhỉ? Anh mơ hồ tự hỏi, người anh đau đớn như dần, mỗi cử động như xé gan xé ruột. Dần dần anh nhớ lại, những trận mưa đòn, những câu hỏi dồn dập, người ta hỏi anh những gì nhỉ, để anh nhớ rõ hơn một tí nữa, à, đại khái là những câu hỏi như thế này, “ai đã xúi giục anh phản bội?” “anh nhận lệnh của ai để hành động chống lại nhân dân, chống lại vô sản?” Ai nhỉ, anh ngơ ngác nhìn quanh, mãi không nhận diện được một khuôn mặt nào quen thuộc đã xúi giục anh làm như thế. Nhưng anh không ngơ ngác được lâu, cơn mưa roi cá đuối trút xuống thân thể anh, từng làn roi rứt đi từng miếng da miếng thịt của anh. Anh ngất đi, tỉnh lại rồi lại ngất đi, da thịt anh rên lên từng cơn quằn quại rách nát, trong cơn ngất lịm, anh thấy em hiện ra, nét mặt em khoan hòa thuần hậu, em cúi xuống, môi em hồng mịn ấm áp đặt lên những lằn roi, anh nghe những vết thương tê điếng, một cảm giác rùng rợn thống khoái vô biên.

Khi anh tỉnh lại, người ta hỏi anh có oán hận vì bị tra tấn không, nếu được thoát ra có đi theo Tây ngay tức khắc để trả thù kháng chiến không? Mắt anh, mũi anh, miệng anh sưng vếu, anh có muốn trả lời cũng không cử động nổi những thớ thịt trên môi trên mặt, anh đành nghĩ thầm vậy. Anh nghĩ rằng tại sao lại oán hận nhỉ, tại sao lại cứ phải oán hận mới được, mà oán hận ai, những kẻ tra tấn đánh đập anh ư? Họ biết gì về những việc họ đã làm? Vả chăng anh có phàn nàn gì nữa? Thân xác này từ khi xa mẹ, xa em, đã phó mặc cho Tổ quốc, Tổ quốc có giằng xé nó ra, giựt đứt đi của nó từng mảnh da mảnh thịt, máu anh đó, thịt da anh đó, vung vãi trên nền đất quê hương này, ấm êm như trẻ thơ được đặt về lòng mẹ, có gì khiến anh ân hận đâu em?

Bây giờ anh đã khá thong thả, người ta đã để yên cho anh, người ta giao phó cho anh giấy bút để viết bản kiểm thảo, tự thú. Anh đang thành khẩn thú nhận đây, anh xin thú với em, Mặc Lan yêu dấu, hãy nghe đây, anh yêu em, suốt đời anh chỉ yêu có một mình em, vì em anh đi giành lại quê hương đất nước, vì em anh đã yêu thương loài người, vì em mà anh xin loài người đừng dựng nên thù hận, vì em anh vui lòng hứng chịu vết đạn của ngoại nhân xuyên qua thân thể cũng như những ngọn roi ác liệt của quê hương xé rách thịt da. Vì em tất cả đó em.

Giờ đây anh mang thân tù tội, chốn giam cầm này không có tường đá, không có cửa sổ chấn song sắt như những nhà lao mà em có thể tưởng tượng được. Ở đây đã có rừng già vây bọc, địa thế cheo leo hiểm trở, người ta không cần canh giữ gắt gao, anh và các bạn tù có thể đi lại, xuống suối giặt giũ, vào rừng chặt tre nứa vác về dựng lên những cái lều được xem như nhà giam của mình vậy, vót những cái chông nhọn hoắc để làm những cái bẫy, những hầm chông vây hãm lấy khu rừng mình sống ở đó. Em thấy không, tuyệt diệu đấy chứ, ngục thất của quê hương mà mình tự dựng lên để giam giữ mình trong đó chứ đã ai giam được mình, em thấy không em?

Em ơi, có những buổi chiều anh ngồi trên phiến đá của anh ở góc sân trại giam, nhìn về phía mặt trời sắp lặn sau rặng núi sẫm màu phương Tây. Cái bóng của anh nghiêng dần cho đến khi nó đổ dài về phía sau lưng anh, có khi quay lại anh giật mình thảng thốt tưởng như có ai đang rình rập phía sau. Anh ngồi như thế cho đến khi mặt trời lặn hẳn, sương và gió núi thấm vào tận xương da anh, lạnh tê buốt dại cả toàn thân, anh vẫn ngồi yên như thế cho đến khi nghe tiếng cồng tập họp vang lên âm u rền rĩ lướt qua những căn lều tăm tối, chấm dứt những giờ sám hối trong ngày.

Từ khi anh đến đây, qua những thủ tục đầu tiên, những trận đòn chí tử, những cơn chết đi sống lại, bây giờ người ta bằng lòng cho anh sống để xét mình và sám hối. Người ta đưa anh ra góc rừng chỉ cho anh một phiến đá, mỗi buổi chiều sau một ngày làm việc lao nhọc trong rừng, anh phải đến ngồi trên phiến đá đó nhìn đăm đăm về phía mặt trời sắp lặn để kiểm điểm lại những tội lỗi của mình đã phạm đối với nhân dân, với Tổ quốc bởi vì anh đã hành động trái với chính nghĩa. Từ đây anh sẽ ngồi ở đó chiều này qua chiều khác cho đến khi nào anh giác ngộ, thấy rõ được sự lầm lỗi của anh, ăn năn hối cải viết tờ kiểm thảo thú nhận sự phản bội của mình.

Phiến đá của anh nó mòn trơn nhẵn bóng, gần như lên nước em ạ, phải nhìn thấy nó tận mắt thì mới được. Những bạn tù của anh đều có mỗi người một phiến đá như vậy, chúng nó đều giống nhau đến ngộ nghĩnh, mặc cho hình thù vóc vạc to nhỏ tròn dài có khác nhau.

Phiến đá của anh bây giờ cho anh biết thật nhiều điều bí ẩn và nó biết trấn an anh một cách thần tình em ạ. Nó nói với anh về những người đã ngồi đây trước anh, về mặt trời mỗi chiều lặn dần sau rặng núi phương Tây kia, về sự câm nín vĩ đại của vô cùng. Dần dà nó biến nỗi khắc khoải đau thương trong anh trở thành mối hân hoan mới mẻ kỳ lạ.

Những cán bộ phụ trách cái Trung tâm Cải hối Tây Hạ này họ sành kỹ thuật tâm lý lắm em ạ, họ biết rõ tác dụng của cái cảnh mặt trời sắp lặn, bóng tối rình rập úp chụp xuống thân phận con người, cái cảnh thê lương của gió núi mây ngàn khi hoàng hôn xuống, những kẻ bị giam cầm rồi cũng đến buông xuôi tất cả, cam tâm đầu hàng số phận trong tâm trạng “nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng” này.

Riêng anh, nhờ nghe được lời của đá, cho nên anh hiểu được ý nghĩa chân xác của mặt trời buổi chiều vàng vọt lặn xuống phương Tây để sớm mai lại mọc lên rực rỡ từ phương Đông như thế nào.

Từ đó anh biết rằng bình minh lộng lẫy cũng như tà huy ảm đạm, nỗi vui sướng cũng như niềm đau khổ, mọi thứ đều dàn trải ra đó, đều có sẵn ở đó, nhưng tất cả chỉ là hư vô, tất cả đều chỉ có vẻ có thật khi có mặt của con người.

Không có con người tất cả đều trở thành vô nghĩa, vậy thì chính con người thật quý hóa biết bao, em ơi, đá khôn ngoan đã dạy anh như thế, nhờ đó anh yêu sự sống vô cùng, anh không còn mỏi mê chán chường nữa, lòng anh bừng lên một niềm ham sống vô bờ. Lạ lùng thay, chưa bao giờ anh cảm thấy tự do như lúc này, những buồn thương giận ghét thường tình không còn ràng buộc anh được nữa. Trước kia anh luôn luôn bị dằn vặt ray rứt, những đau đớn âu lo đầy rẫy trong cuộc đời vây hãm lấy anh, có lúc làm cho anh không còn nhớ ra em nữa. Bây giờ thì anh rảnh rang, chúng ta bắt đầu lại tất cả nghe em. Nay anh chặt cây đã thạo không khác một tiều phu. Anh làm việc quần quật từ sáng tinh sương cho đến xế chiều không có thì giờ nghĩ ngợi lôi thôi nữa. Ấy cũng hay, cái chính sách lao động nó cũng được việc đấy em ạ.

Lúc ấy vào khoảng bốn giờ chiều, Huỳnh ngồi co ro run rẩy trên phiến đá của anh sưởi chút nắng chiều hanh hao cố gắng chống chỏi với cơn rét run từng hồi từ trong ruột gan, trong từng thớ thịt. Huỳnh cúi gập người lại, hai tay ôm chặt lấy hai vai gầy, ngực gò xuống, lưng nhô lên hai cục xương nhọn hoắc. Chợt anh nghe như có tiếng ai gọi tên mình, anh ngẩng lên, Trần đang lừng khừng bước tới, dáng thẳng tắp, nụ cười khinh bạc trên môi, người coi tù đi kèm một bên.

Huỳnh ngẩn ngơ hỏi:

– Mày đến thăm tao đấy à? Sao mày biết tao đau mà đến?

Trần chưa kịp đáp, người coi tù đã thúc vào lưng Trần, gắt gỏng:

– Chỗ của anh ở đằng kia kìa, không phải lúc trò chuyện lôi thôi.

Trần thản nhiên đi thẳng, ngang qua mặt Huỳnh chàng vừa đi vừa nói nhưng không quay lại:

– Mày hãy yên chí, tao đã xin ở cùng lều với mày, để tao săn sóc mày đau, bằng lòng chứ?

Cơn rét tự nhiên biến mất, Huỳnh rướn người nhìn theo Trần, anh không hiểu người anh lúc ấy ra sao nữa, nói là ngao ngán buồn phiền thì đúng hơn. Nhưng dù sao, từ ngày vào tù đã hai tháng cho đến nay, chưa bao giờ Huỳnh cảm thấy lòng mình dễ chịu bằng chiều nay khi nhìn thấy bạn đi qua trước mặt mình.

Tuy nhiên Huỳnh cũng bực dọc lẩm bẩm: “Nó lại làm cái trò gì để đến nỗi bị người ta tống vào đây đó không biết.”

Huỳnh nhìn theo Trần và người coi tù đi đến góc sân tận đằng xa, anh buột miệng nguyền rủa một câu khi thấy người coi tù chỉ cho Trần phiến đá còn bỏ trống của Lương. Trần tiến đến phiến đá, đứng lại ngắm nghía một chút, đoạn chàng xoay người lại, nói một câu gì đó với người coi tù, chàng đĩnh đạc ngồi xuống phiến đá, nhẹ đưa tay phẩy một chút bụi dính trên ống quần, cử chỉ đẹp đẽ uy nghi như chàng đang chiếm ngự một ngai vàng, đưa mắt lơ đãng nhìn bao quát cả một vùng rừng núi. Người coi tù đứng tần ngần một lát, rồi bỏ đi. Quanh sân trại, rải rác mười lăm người tù ngồi trên những phiến đá, ngẩng mặt nhìn ra thung lũng phía Tây, mặt trời chiều nghiêng dần chiếu lên những gương mặt ốm o buồn thảm một ánh sáng bềnh bồng hiu hắt.

Căn lều nhỏ bé của Huỳnh trống trải quá chừng, vách lều bằng những thanh nan đan lại thưa thớt, bên ngoài có ráp thêm một lớp tranh mỏng. Mái cũng lợp bằng tranh có nhiều chỗ lộ thiên, nằm trên chiếc giường ghép bằng những thanh nứa có thể nhìn thấy những ngôi sao lấp lánh qua những khe hở của mái tranh. Đêm nghe tiếng rừng mênh mông vây bọc trại giam Tây Hạ, chung quanh được rào bằng những thân cây vạt nhọn trồng san sát nhau chạy dọc từ cánh rừng lồ ô vòng quanh thung lũng phía Tây cho tới giáp bờ suối. Trăng thật sáng, mênh mang ngoài kia, gió núi nổi lên, cây rừng xào xạc, tiếng một con mang lạc bầy đi lang thang giữa rừng khuya, kêu lên những tiếng rã rời thê thiết.

Người coi tù vừa khóa xong cửa lều, tiếng chân y bỏ đi nghe xa dần, Huỳnh chỉ lên chiếc giường độc nhất giữa lều bảo Trần:

– Mày nằm đây, còn tao nằm chỗ này.

– Họ không cho tao cưới Hiếu thì chúng tao lấy nhau luôn, như thế cũng coi như vợ chồng chứ gì nữa. Tao đi tù phần tao sao cũng được, chỉ tội cho Hiếu bụng mang dạ chửa thôi.

Huỳnh nhỏm dậy:

– Lại còn cái chuyện đó nữa à?

Trần gật đầu: – Ừ, hai tháng rồi.

Huỳnh nằm vật xuống thở dài:

– Mày thật là chúa rắc rối, không hề bao giờ chịu yên cả, rồi sẽ ra sao đây? Đã vậy lại còn làm gì để chúng nó tống cổ vào đây vậy? Vào đây là cuộc đời kể như lúa rồi, mày biết quá đi rồi.

– Tao biết chứ, nhưng khó thể làm khác hơn được, biết sao bây giờ, chẳng thà vào đây để đỡ phải thấy nhiều chuyện còn hơn. Mà nào tao có làm gì cho cam, tao chỉ làm đơn xin ra khỏi Đảng, sau đó Đảng lập tức đình chỉ công tác của tao, tao tán thành, vui vẻ bàn giao công việc lại và về ở nhà với Hiếu, định phá rẫy trồng trọt sống qua ngày đấy chứ. Ấy thế mà họ chưa chịu, quyết định tống tao vào đây cho được. Ừ, thì vào tù, ở đâu thì cũng vậy. Khi công an đến bắt tao chúng nó chỉ bảo là có lệnh gọi thôi, tội nghiệp Hiếu chạy theo khóc lóc, tao sợ có hại cho cái thai, phải làm bộ giận dữ Hiếu mới đứng lại nhìn theo, bây giờ tao còn nghe văng vẳng tiếng Hiếu gọi làm tao chịu không nổi. Vào đây hôm qua chúng nó mới cho biết tao có tội liên lạc với địch, tao nghĩ mãi không ra chuyện gì cả, mãi sau chúng nó mới hài ra rằng tao về nhà cô Thị, tức là liên lạc với địch đó.

– Tại sao về nhà cô Thị là liên lạc với địch?

– Cách đây mười ngày tao về đồng bằng đến nhà cô Thị để hỏi tin nhà, đồng thời định xin mẹ tao gởi về ít tiền sống tạm qua ngày, phần Hiếu thai nghén đi lại khó khăn. Đến nơi thì mới biết cả nhà dọn lên ở hẳn trên Huế rồi, ông dượng tao rời bỏ vùng kháng chiến đưa gia đình về thành phố, người ta sắp biên chế ông và rục rịch đưa ông ra tố khổ vì ruộng đất của ông khá nhiều. Thế là ông già đành từ bỏ giấc mộng đem những ngày còn lại dâng cho Tổ quốc. Hừ, những ngày còn lại dâng cho Tổ quốc, đẹp đấy chứ mày nhỉ. Tội nghiệp ông già, tao còn nhớ mỗi lần gặp ông đi công tác trên đường núi, ông bị chứng suyễn kinh niên, cái thứ đó kỵ miền núi lắm, ông phải luôn luôn quấn quanh cổ một cái khăn lông to tổ bố, khuôn mặt tái mét, hai mắt thâm quầng, đường núi mưa trơn trợt, dượng tao phải chống gậy và mang bao nhiêu là thứ, ba lô, bị gạo, soong chảo, nom đến tội. Thôi thế cũng hay, từ nay ông có thể yên ổn tuổi già, đến tụi mình mà cũng bị xếp vào xó rừng này thì ông cụ lận đận cho lắm làm gì. Sau đó chán quá tao mới đi lang thang một lúc, trở về lại chỗ tao đóng lúc trước vừa gặp Huyên và vợ Lương đấy chứ. Tao trở lên núi hai ngày sau thì bị bắt. Họ bảo rằng tao về nhà cô Thị tức là liên lạc với địch. Gia đình cô Thị bây giờ là địch rồi đó.

Người ta giải đến trại thêm thật nhiều tù nhân, kể có đến hàng trăm, con số nhập trại cao nhất từ trước đến nay, công tác dựng thêm lều trại được tiến hành gấp rút, lều của Trần và Huỳnh được nhận thêm hai người nữa, một người đứng tuổi gốc Bình Định tên Liêu, và một người trẻ tuổi tên là Bằng, người Bắc.

Tuy những vết đòn vọt trên mình hai người tù mới chưa lành hẳn, sáng nay họ phải đi theo Huỳnh và Trần cùng các tù nhân khác vào rừng lồ ô để chặt nứa. Những ngày có nắng thật hiếm hoi trong mùa này, nhưng nắng lại càng làm hơi lạnh khí núi thêm rét buốt. Những tù mới đều ngạc nhiên khi thấy trời lạnh như cắt ruột mà đám tù cũ đều nhất loạt cởi áo nhét vào bụi tre gần đó để mình trần lạnh run mà làm việc, họ đốn ngã nhưng thân cây lồ ô già vàng cả gốc để về đập dập ra ráp lại thành những tấm phên để dựng lên những lều mới.

Huỳnh giải thích cho Bằng và Liêu, hai người mới đến cùng ở chung lều với mình nghe:

– Những cành lồ ô nó có mắt bén nhọn như dao, mình phải rọc hết cành lá nó đi để dễ vác cây về, có lúc cành nó bật lên móc vào áo rách nát tả tơi là thường, như vậy rất có hại các cụ biết không. Thà chịu lạnh một chút rồi làm việc, đẵn cây đều đều nó nóng người lên, chứ áo mà rách thì lấy gì mà vá, mùa đông còn dài dặc thế kia.

Bằng nhìn những vết xây xát chi chít trên mình Trần và Huỳnh, có vết sẹo như dao chém, nhíu mày hỏi:

– Những vết gì trên người các anh thế kia?

– Cành lồ ô nó bật lên, nó chém phải đấy.

Bằng chán nản.

– Nó không móc rách áo, mà nó chém bật máu mình ra thì cũng vậy.

Huỳnh bổ nhát rựa ngập sâu vào một thân cây lồ ô xanh ngắt:

– Cũng vậy sao được, da thịt con người bị rách thì còn mong ăn no ăn đói gì nó cũng liền lại, chứ áo mà rách thì còn nhiều khốn đốn. Hãy nhớ cho kỹ nguyên tắc đó mới mong sống qua mùa đông ở đây đó, các cụ ạ.

Trần giục giã hai người bạn mới:

– Thôi xin hai ông cởi phăng áo ra mà làm việc ngay cho con nhờ, kẻo tụi kiểm soát nó đến nó thấy các cậu ấm đứng phất phơ tán gẫu nó lại phạt nằm hầm tối đút chân vào cùm tha hồ cho rệp đói nó ăn thịt bây giờ.

Liêu nghe lời, anh ta cởi áo ra trước, vừa run lẩy bẩy vừa nói với Bằng bằng giọng đặc Bình Định của anh ta:

– Cởi áo ra đi em, không lạnh lắm đâu, lạnh như vậy thấm tháp gì, hồi trước mình đi hành quân đánh đồn nửa đêm tháng chạp có lúc phải lội qua suối, nước dâng ngập đầu lạnh như có ai cầm dao cắt ruột mà cũng chẳng chết ai, huống chi chừ, chừ thì ăn thua gì nữa, tới đây là cùng tận rồi, khỏe rồi, cởi áo ra đi em.

Bằng vùng vằng cởi áo ra như muốn giựt đứt những khuy áo ra:

– Tôi đâu có sợ rét, nhưng khốn nạn, những vết thương trên người tôi nhức nhối quá, ừ, cởi bố nó ra lại đỡ vướng, đỡ đau, hừ, không gãy cái xương sườn nào cả thì cũng lạ. Hãy nhìn đây này.

Bằng trạc hai mươi tuổi, dáng người cao, mảnh khảnh vẻ thư sinh, hắn có một cái nhìn tăm tối, hoài nghi, đôi mày rậm, hai đầu mày gần như giao nhau, đôi mắt phủ đầy bóng tối dưới hai hàng lông mi dài thượt, sống mũi thanh tú, vừa vặn làm hiền bớt vẻ dữ tợn của đôi môi thật đẹp luôn luôn mím chặt. Y đột ngột quay lại hỏi Trần:

– Anh đã bị chúng lấy chày giã gạo tộng vào ngực anh chưa?

Trần điềm đạm trả lời: – Chưa.

– Thế chúng nó trị anh bằng loại gì?

– Không bằng loại gì cả.

Bằng bực tức:

– Như thế có nghĩa là anh không bị tra tấn đánh đập?

– Đúng như vậy.

Bằng nhìn Trần với ánh mắt thù nghịch, những bóng tối trong đôi mắt trẻ trung của y gần như tụ lại, y đổi giọng:

– Ê, tớ nói thật, người anh em ở cùng lều với tớ cứ tha hồ mà báo cáo với tụi cán bộ nhé, tớ đếch có sợ gì nữa. Hồi tớ hoạt động bí mật trong nội thành, tụi mật thám Tây nó bắt được tớ chúng nó nện cho tớ nhiều trận ra trò nhưng phải ra kháng chiến rồi bị kháng chiến bỏ tù tớ mới nếm cái trò lấy chày giã gạo mà tộng vào ngực đấy, làm như ngực mình là cái cối gạo không bằng. Trò này không vỡ tim thì cũng vỡ phổi, không vỡ phổi cũng vỡ mật, không vỡ mật cũng gãy xương sườn. Tớ thấy cấn cái trong này quá, – Bằng lấy tay chỉ vào ngực – chả biết trong này có cái gì đã nát ra thành cám chưa. Tớ đếch có đẵn cây, lỡ trong ngực tớ tim hay phổi nó đã long ra rồi nhưng còn dính lủng lẳng chưa rời ra, đẵn cây bổ mạnh xuống nó theo đà, nó rơi tuột ra luôn thì bỏ mẹ. Tội nghiệp mẹ tớ, níu lấy tớ khóc ròng mà tớ cứ dứt ra đi theo chúng nó cho bằng được, bây giờ tớ cố níu giữ cái tim phổi tớ thì cũng như vậy, mà nào có níu giữ được, nó cứ chực tuột ra đấy thôi.

Bằng ngồi bệt xuống đống lá ẩm mục, ôm ngực, mặt tái mét, lải nhải:

– Ừ, tớ đếch có đẵn cây làm gì cả, tớ bỏ nhà ra đây để đánh Tây, bảo tớ tiểu tư sản không cho tớ đánh Tây thì tớ về với mẹ tớ. Giản dị có thế thôi mà chúng nó cũng không chịu, lôi tớ trở lại đem bỏ tù lại còn lấy chày giã gạo giã vào ngực tớ, giờ lại bắt tớ đẵn cây cho tim phổi tớ nó tuột hẳn ra, thà không xài cứ việc bắn chết, so sánh thì tụi mật thám Pháp chúng nó còn nhân đạo hơn người kháng chiến đối xử với nhau như thế này nhiều. Tớ nói thế đấy, người anh em được chúng nó đối xử tử tế không đánh đập cứ việc đi báo cáo đi. Tớ thích một viên đạn vào đầu còn hơn cái chày giã gạo nện vào ngực tớ.

Trần nhìn bên ngực Bằng bầm đen một khoảng rộng ở giữa, trên vai, trên hai cánh tay hắn chằng chịt những vết roi lở loét mưng mủ, chàng nghĩ chắc sau lưng hắn cũng bèo nhèo không kém, những chỗ da còn lại thật mịn màng còn giữ sắc mơn mởn của tuổi trẻ mới lớn lên. Chàng dịu giọng nói với Bằng:

– Này chú bé, nếu chú thật tâm thích một viên đạn vào đầu thì rồi chúng ta hãy tính sau. Bây giờ hãy đứng lên đi, vắt nó bò đầy cả lên quần và chân chú kìa, giống vật nhỏ bé này nó cũng làm đổ máu không kém mật thám Pháp, không kém phòng tra tấn của trung tâm Tây Hạ này đâu. Ừ, phủi nó đi, còn hai con ở bên kia nữa, thôi hết rồi đấy, chú mày cũng khá đấy. Mặc áo vào kẻo cái rét này nó cũng rút được tim phổi chú mày ra ngoài được đấy, đừng có bày đặt. Này, hãy cầm cái rựa này cho sẵn trong tay, chịu khó đi quanh quất đâu đó, để chúng ta đốn cây cho chú, miễn có đủ số thì thôi, nếu cán bộ kiểm soát nó có đi trờ tới, xin chú mày chịu khó bổ vài nhát vào cây cho tôi nhờ, đừng làm rắc rối thêm, sức chú mày chịu đựng thêm nữa không nổi đâu. Tối nay về ta sẽ săn sóc cho chú mày, không chết đâu mà sợ, trông mặt chú mày không đến nỗi nào đâu. Đứng quanh quẩn đây thôi chứ đừng đi đâu xa, nhất là đừng nghĩ đến chuyện trốn, nhớ kỹ như vậy, chưa phải lúc, rừng quanh đây có rất nhiều hầm chông. Chúng ta xem như được tự do đi trong khu vực được chỉ định, nếu đi quá sẽ mất mạng như bỡn với hầm chông.

Bằng làm theo lời Trần nhưng vẫn giữ vẻ hậm hực, y hỏi gặng:

– Thế anh là cái thá gì, bộ anh là cha chúng nó hay sao mà vào đây không bị chúng cho nhừ đòn? Nếu không phải là chúng nó cho anh trà trộn vào chúng tôi để dò xét hành động ý nghĩ của chúng tôi để tâu lại với chúng nó, trò đó xưa nay ai còn lạ gì.

Huỳnh tự nãy giờ vẫn chặt cây đều đặn, bỗng dừng tay gọi:

– Ê, chú bé, thắc mắc hoài, để ta giải thích cho, thằng này không phải là cha chúng nó đâu, mà là ông cao tằng cố tổ của chúng nó lận, mà chúng nó thì mới đánh cha, tổ ông nội thôi chứ ta chưa thấy nói chúng nó tố khổ đánh đập đến ông cao tằng cố tổ của chúng nó được. Thôi, giải thích như vậy được rồi chứ, bây giờ chú xê ra chơi đi cho các anh làm việc, phải chặt thêm cho đủ số hai chục cây của chú mày không phải chuyện đùa. Hồi ta mới vào đây ta bị chúng nó tẩn còn kỹ hơn chú mày bây giờ nhiều, bằng lòng chứ. Thôi đi chỗ khác cho nó mát, mau lên, kẻo ta lại đập thêm cho một trận bây giờ.

(Còn tiếp)

Nguyên Lạc