Cuối tháng 5 năm 75, cha tôi từ Sài Gòn về Hà Nội, ông mang
theo một cái máy cassette chạy bằng pin (mua ở chợ) và mấy cuộn băng “Da vàng”
và “Trường Sơn số 6”, ông nói với tôi : “Mấy cuộn băng là do một sỹ quan quân lực
VNCH tặng bố, ông ấy nói : ‘Chúng tôi buông súng không phải là vì đánh dở mà là
vì những thứ này”. Ông cũng kể có gặp nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở Sài Gòn và đến
phòng trà Khánh Ly. Năm sau nhạc sỹ họ Trịnh ra Hà Nội, có đến thăm bố tôi, đó
là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông và cũng là lần duy nhất.
Tôi đang học ôn để chuẩn bị thi đại học, buông sách vở xuống là ôm lấy cái máy cassette và nghe Trịnh Công Sơn, nghe đến nhão cả băng :
“Anh nằm xuống
Sau một lần
Đã đến đây
đã vui chơi trong cuộc đời này
đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống
Không bạn bè
Không có ai....”
Thỉnh thoảng, chúng tôi học nhóm ở nhà một cô bạn, cái biệt
thự 2 tầng trong con phố yên tĩnh không quá hiếm ở Hà Nội ngày ấy. Bố mẹ cô đi
công tác ở nước ngoài mang theo 2 đứa em còn nhỏ, cô bạn ở nhà với bà nội, một
bà giáo già về hưu, bà làm thêm việc phơi táo tàu và long nhãn giao cho mấy nhà
bán thuốc bắc phố Lãn Ông. Mỗi khi giải lao, thằng Huy “lắc đầu” lại bảo tôi :
“’Anh nằm xuống’ đi mày”, tôi ôm guitare và hát :
“Anh nằm xuống
cho hận thù
vào lãng quên
Tiễn đưa nhau trong một ngày buồn
Đất ôm anh đưa vào cội nguồn
Rồi từ đó trong trời rộng đã vắng anh
Như cánh chim bỏ rừng, như trái tim bỏ tình
Nơi đây một lần nhìn anh đến
những xót xa đành nói cùng hư không...”
Cả bọn ngồi lặng, bà giáo già thì thở dài.
Lứa chúng tôi thích nhạc Trịnh bởi một lẽ, chiến tranh nếu
kéo dài 1 năm nữa, thậm chí vài tháng là chúng tôi đủ tuổi vào lính, ngay hồi
tháng 3 mấy thằng học đúp cũng đã phải lên đường và cái tương lai “Anh nằm xuống...không
bạn bè, không có ai...” chẳng xa xôi gì. Và thêm một tò mò, tại sao miền Nam lại
để cho một người như Trịnh Công Sơn được tự do, tự do sáng tác và tự do đi hát
khắp nơi, một điều không thể có ở miền Bắc, bài học Nhân văn Giai phẩm và “xét
lại” vẫn còn nóng hổi. Người ta bị đi tù bởi những điều còn “nhẹ nhàng” hơn nhiều.
Mấy năm sau, tôi đi lính còn thằng Huy “lắc đầu” đi...Đức,
trên chốt tôi vẫn hát Trịnh Công Sơn : “ Gió heo may lại về, chiều tím loang vỉa
hè...” và nhớ Hà Nội da diết, thằng Huy viết thư cho tôi : “ Tao bỏ nhạc Trịnh
rồi, mấy thằng Tây bảo : ‘Mày đã xa nhà mà lại nghe thứ nhạc này thì làm sao sống
nổi?’”.
Ngoài Bắc, nhiều người mê nhạc Trịnh lắm, tôi quen một nhà
văn, ông rất ghét ai nói “nhạc Trịnh”, với ông là phải đầy đủ “nhạc Trịnh Công
Sơn”, hay một nhạc sỹ, mỗi lần nhắc đến là : Anh Sơn...thế này, anh Sơn thế
kia...Bố tôi cũng thích nhạc Trịnh, có lần ông bảo tôi : “Với bố, tất cả các nhạc
sỹ trong Nam ngoài Bắc, Trịnh Công Sơn cao hơn hẳn một đầu”. Nhưng rồi một hôm,
khi đi uống cafe với một người bạn của bố tôi, chú ấy nói : “Bố cháu tuyệt giao
với Trịnh Công Sơn rồi”. Ông kể, một buổi mấy anh em văn nghệ đang ngồi uống
bia với nhau thì một ông quan lớn cách mạng đi tới, Trịnh Công Sơn đứng bật dậy
chạy đến ôm ông ta “Bố mày tái mặt đứng dậy đi về luôn”- Ông nói. Quả là tôi
không thấy cha tôi nghe nhạc Trịnh nữa, nhưng một hôm tôi thấy ông nghêu ngao :
“Nhân dân cho tiền để uống bia ôm- Ta đi bia ôm cho đời trẻ lại- Ai không bia
ôm vô cùng khờ dại - Kệ bố nhân dân dù đói hay nghèo”. Một người tôi quen kể :
“Anh Sơn ốm, cô vào bệnh viện thăm, hát bài ‘nhân dân cho tiền...’ và bảo : Ông
Xuân Sách chế lời bài hát của anh như vậy. Anh Sơn chỉ cười ‘Hay hè”.
Tôi không cực đoan đến thế, tuy nhỏ nhưng chúng tôi cũng biết
quan sát và nhận xét, những văn nghệ sỹ ở miền Bắc đông đến vậy mà có mấy người
giữ được khí tiết như Hữu Loan ? Chúng tôi đôi khi cũng bàn vụng về cha ông
mình sau lưng, có lần sư tỷ tôi nói : “Chị nghĩ vừa thương vừa giận các cụ,
ngày trẻ ngang tàng không biết sợ cái gì, thế mà....”. Cũng chẳng lạ, trong quá
trình tiến hóa về tư tưởng, tự nhiên nảy nòi ra chủ nghĩa cộng sản, người cộng
sản có muôn vàn thủ đoạn, trăm ngàn mưu kế và cạm bẫy để hạ thấp nhân phẩm và bẻ
gãy khí tiết người khác nên anh hùng thời này cực kỳ hiếm. Trịnh Công Sơn cũng
chẳng nên lạ, khác đi mới lạ.
Rồi tôi tự nhiên cũng chán nghe nhạc Trịnh, nói ra thì buồn
cười, tôi không nghe nổi nhạc Trịnh Công Sơn do bất kỳ ai hát ngoài Khánh Ly
cho đến lần bà về Việt Nam, con gái tôi không hiểu bằng cách nào kiếm được cặp
vé, nó bảo : “Bố đi nghe thần tượng của mình đi”- Tôi từ chối làm nó ngạc
nhiên. Với tôi, ai quay về Việt Nam cũng được, Phạm Duy cũng được, Du Tử Lê
cũng được (tôi có gặp cả hai người) nhưng Khánh Ly thì đừng, bà đừng nên bao giờ
quay về - “Của tin gọi một chút này làm ghi”- Kiều.
Nên tôi không xem và cũng không muốn xem bộ phim làm về Trịnh Công Sơn, cũng không muốn tham gia vào việc sỉ vả ông. Những người chưa từng hoặc đã từng sống dưới thể chế VNCH nên đặt câu hỏi : “Ở địa vị Trịnh Công Sơn mình sẽ thể hiện thế nào ?” và một điều quan trọng hơn cả : VNCH đối với một người chống phá chế độ như Trịnh Công Sơn mà vẫn để ông tự do, hơn nữa lại được tự do sáng tác và phổ biến tác phẩm của mình. Nếu không có VNCH thì cũng sẽ không có Trịnh Công Sơn. Tôi lại nhớ lời bố tôi khuyên tôi vào Nam “Trong đó dù sao cũng có một thời được trải qua nền dân chủ”.
Ngô Nhật Đăng