Tôi nhận được thư điện tử của thầy Bùi Thế Dũng, vắn tắt và
khách sáo: “Cô Thúy, tôi sẽ sang Bỉ vào tháng Chín. Tham gia ban giám khảo cuộc
thi guitar quốc tế Cung Đàn Mùa Xuân (Printemps de la
Guitare). Tôi sẽ thông báo khi có tin tức cụ thể. Dũng”. Tôi trả lời thư, vắn
tắt và khách sáo, cho “môn đăng hộ đối” với thầy: “Rất vui mừng khi nghe tin thầy
qua Âu châu. Sẽ sắp xếp để gặp thầy”. Rồi tôi nghỉ phép thường niên, gần bốn tuần
lễ. Trước khi đi xa, tôi làm thông báo vắng mặt, để khi ai gởi thư đến, biết rằng,
tôi không có ở văn phòng. Trong trường hợp khẩn cấp, liên lạc đến Michael, là đồng
nghiệp thay tôi. Tôi cho Michael địa chỉ hotmail của tôi,
phòng trường hợp cần kíp liên lạc. Michael biết ý tôi, cười nói:
– Chỉ khi nào ngân hàng Mỹ “nuốt” ngân hàng mình, mới liên lạc với Thúy. Nói Thúy ở luôn bên Mỹ cho tiện. Ngoài ra, cứ xem như Thúy nghỉ hè trên hoang đảo, không có điện.
Tôi về lại Đức sau mấy tuần rong chơi xứ Cờ Hoa. Còn lại vài
ngày để dưỡng sức... sau khi nghỉ hè. Nhận được email của
Michael. “Thúy ơi, đi chơi vui không? Tôi nhận thư của một người Việt. Tôi chẳng
hiểu gì cả. Nhưng đoán là gấp và quan trọng, vì người gởi đã chuyển cho tôi. Tận
hưởng những ngày nghỉ còn lại đi nhe. Michael”. Tôi đọc thư thầy Dũng gởi về địa
chỉ của Michael. Thư dài hơn và bớt khách sáo. “Thúy ơi, tôi sẽ đến Bruxelles
vào ngày 04 tháng Chín. Chương trình thi kéo dài đến 20 tháng Chín. Chấm thi
xong, tôi được tự do đi bụi. Nếu được, các cô sắp xếp cho tôi chương trình đến
thăm hai bác và cả nhà. Chở tôi đến một tiệm sách thật lớn, quẳng tôi ở đó nửa
ngày. Cho tôi ăn thử các món đặc sản của Đức và uống bia Đức. Hẹn gặp lại.
Dũng”. Tôi vội vã trả lời thầy và liên lạc với chị em trong nhà báo “hỉ tín”. Một
người học trò cũ của thầy, Tiến, liên lạc với tôi để kết hợp chương trình khi
thầy sang Đức. Tiến gởi cho tôi thông tin về cuộc thi Cung Đàn Mùa Xuân. Thầy
Bùi Thế Dũng sang Bỉ tham gia ban giám khảo. Đây là một trong những cuộc thi guitar lớn,
dành cho các nghệ sĩ guitar khắp nơi trên thế giới. Đọc các
bài báo viết về thầy, tôi càng nể thầy hơn. Tôi tiếc, không nghe được bài phỏng
vấn thầy trên đài BBC. Tôi khoe với bạn đồng nghiệp về thầy Dũng và “nổ” rằng,
tôi đã một thời là học trò của danh cầm này. Bạn bè ở quê nhà kể cho tôi nghe,
rằng, thầy Dũng ở Việt Nam bây giờ nổi tiếng lắm, học trò của thầy đem chuông
đi đánh xứ người rất
đông.
Tôi về Việt Nam mấy lần, mà không hữu duyên, nên không gặp
thầy. Tôi đến Sài Gòn, thầy ở Hà Nội, hoặc ngược lại. Mãi lần vừa rồi, tôi một
hai nhờ người liên lạc với thầy Dũng. Tôi nhất định phải kiến kỳ hình sư phụ
sau bao nhiêu năm. Khi tôi đến, thầy đang dạy hai học trò. Thầy Dũng tiếp tôi với
khoảng cách vừa phải. Thầy phải giữ uy với học trò chứ. Thầy giới thiệu, tôi là
học trò của thầy cách đây mấy chục năm. Bây giờ thành đạt. Đi khắp năm châu, bốn
bể. Thầy đưa cho tôi xem những tờ chương trình hòa nhạc tự tay thầy vẽ kiểu và
trình bày. Thật mỹ thuật. Hồi xưa tôi đâu biết thầy khéo tay như vậy. Thầy Dũng
nhìn tôi như một doanh nhân thành công nơi xứ người. Tôi hơi buồn buồn. Thầy
không hỏi tôi có còn chơi đàn không. Mặc dù tôi sợ câu hỏi đó, vì biết mình
không có câu trả lời thích hợp. Tôi ra Hà Nội. Thầy gởi gắm tôi cho hai học trò
của thầy. Vân Thu là giảng viên Quốc Gia Âm Nhạc. Thầy nhắn nhủ thế nào, mà Vân
Thu gọi điện thoại cho tôi, gọi cô, xưng con ngọt xớt. Thì giờ eo hẹp, tôi tiếc
không đi chơi với Vân Thu được. Vân Thu nói sẽ tạt ngang khách sạn tôi ở, để
chào làm quen. Nhân viên tiếp tân gọi cho tôi, giọng trân trọng:
– Thưa chị, có cô Vân Thu, giảng viên Trường Âm Nhạc đang chờ
chị dưới sảnh.
Tôi đi xuống phòng tiếp tân. Một cô gái, dáng vẻ giản dị, ngồi
ở salon chờ. Tôi đoán, đó là Vân Thu. Tôi tiến lại, chuẩn bị một
nụ cười. Cô thấy tôi đi tới, nhìn thoáng tôi. Rồi quay đầu, như đang tìm kiếm
ai. Tôi đến gần:
– Xin lỗi, cô là Vân Thu?
– Vâng?
– Tôi là Ngọc Thúy.
– Ấy chết, chào chị, xin lỗi. Chào cô, em ngỡ cô là bạn
ngang lứa của thầy Dũng. Vân Thu lúng túng.
– Không sao đâu Vân Thu...
Chúng tôi trao đổi với nhau đôi câu. Vân Thu đem tặng cho
tôi một dĩa nhạc độc tấu tây ban cầm cổ điển, do Vân Thu trình bày. Là những bản
tôi rất thích: Prelude của J. S. Bach, Los Tios De
Zaragoza của Cristobal Oudrid... và đã từng mơ sẽ tập, sẽ chơi, và đã
có lúc táo tợn mơ ngày trình diễn nữa. Buổi tối, một học trò khác của thầy,
Bích Thanh, đến đưa tôi đi chơi Hà Nội. Bích Thanh mời tôi ăn phở Hỏa Lò, nghe
nhạc, uống cà phê ở Emperor, đi mua dĩa nhạc độc tấu tây ban cầm. Một buổi tối
thú vị. Học trò của thầy Dũng ngưỡng mộ thầy kinh khủng. Bích Thanh có dự thi
trong kỳ thi Cung Đàn Mùa Xuân.
*
Bốn chị em chúng tôi có giờ học đàn guitar với
thầy Dũng vào mỗi thứ Bảy. Chúng tôi sắm một giá để nhạc, một giá để đàn và
đóng một cái đòn gác chân lúc chơi đàn, trông rất thiện nghệ. Chúng tôi dự định
sẽ sắm một cái Metronome đánh nhịp. Theo sự hướng dẫn của thầy
Dũng, các mầm non học đàn võ trang đến tận răng. Về kỷ luật luyện tập, chị
Thanh Tâm với chị Cẩm Thành hơi nhiều “nghệ sĩ tính”. Hai chị thích đi nghe nhạc,
ngắm đàn, hơn là tập đàn. Có lần thầy Dũng ghé nhà chơi, tình cờ lúc đó chị
Thanh Tâm đang dợt bài Stille Nacht – Đêm Thánh Vô Cùng. Ngạc
nhiên vì sự kiện đặc biệt, thầy Dũng dí dỏm:
– Ủa, tập đàn, lỡ hư tay, làm sao rửa bát!
Ngọc Hiền và tôi rất chăm chỉ dùi mài kinh sử. Bài tập nào
cũng dợt kỹ càng. Tôi thường tập đàn thật khuya. Thầy nói, đêm khuya yên tĩnh,
mình mới nghe rõ tiếng đàn của mình. Hàng xóm bên trái là gia đình nhạc sĩ Ngô
Mạnh Thu, một nhạc sĩ trong chương trình du ca. Gia đình nhạc sĩ và gia đình
chúng tôi rất quý mến nhau. Những năm cuối thập niên 70, nhà nhà cùng đói, đói
sơ sơ hay đói meo. Thế mà nhạc sĩ vẫn đều đặn dạy xướng âm cho lũ con thật dễ
thương của nhạc sĩ: Xì, Xụt, Xíu, Xiu, Xìu, Xịt... Mấy đứa bé, dù không đủ thực,
nhưng xem ra đều vực được đạo. Tôi chưa bao giờ cảm thấy phiền hà, khi nghe bầy
nhóc tập hát. Có lần tôi được nghe một đối thoại dễ thương kinh khủng. Một bé hỏi
bố:
– Bố ơi, quả tim và trái tim khác nhau như thế nào?
– Quả tim là một bộ phận trong cơ thể con người, có chức
năng bơm máu, tuyệt đối cần thiết cho cơ thể con người. Ngoài chức năng đó, khi
quả tim biết rung động, biết yêu, thì quả tim trở thành trái tim.
Tôi muốn góp chuyện thêm rằng, không có quả tim thì chết.
Nhưng quả tim chỉ đơn thuần vai trò quả tim, thì chưa gọi là sống được. Hồi đó,
tôi đã thấy quá đúng. Sau này, nghiệm lại, diễn giải đó quả là chân lý. Nghe những
nhạc phẩm như: Trái Tim Không Ngủ Yên, Trái Tim Ngục Tù, Trái Tim Mùa
Đông, Trái Tim Còn Trinh (Bản nhạc dịch, với tựa nhạc nghe rất “ngộ”. Này
hỡi con tim xinh xinh, vì yêu quá nên tim lao đao gập ghềnh..) trong trái
tim tôi cũng có chút rung động không nhiều, thì ít. Còn nghe tới quả tim, trong
trí tôi hiện lên tô cháo lòng, thơm tiêu hành, cay sướt mướt, ăn với giò cháo
quảy. Càng nghĩ nhiều đến quả tim, lại càng muốn chết đuối trong suối... nước
miếng đang tuôn ra rạt rào. Hàng xóm bên phải là gia đình bác Hoàng, bác rất hiền.
Thế mà ông Thịnh con trai bác, khó chịu quá sức. Cây ngọt lịm, sao trái đắng
nghét. Có lần tôi đang miên man chạy nốt, đô, rê, mi, fa, sol, la, si...
Ông đứng sát vách, nói trổng:
– Ồn ào quá, bà già phải ngủ. Mai còn đi bán hàng sớm.
Tôi chột dạ. Ngưng ngang. Ông còn chép miệng, phì phò thở
ra. Ừ, tiếng chạy nốt chẳng mang nhạc tính nhiều. Nhưng sao ông không gõ cửa
nhà tôi, rồi ló khuôn mặt đẹp trai của ông vô. Nhẹ nhàng yêu cầu, có phải đề huề,
tình lân lý vẫn đẹp. Nhà tới bốn bóng hồng, không chừng lại có mối tình chung
vách. Tôi phải chấm dứt đàn trong đêm vắng. Tôi cất đàn, nhưng không bỏ cuộc. Lời
thầy nói là khuôn vàng, thước ngọc. Tập đàn ban ngày nhiều tạp âm lắm, mình
không kiểm soát được tiếng đàn của mình. Xóm tôi ở, không ai nuôi gà. Tôi tự
nhiên đảm nhận vai trò truyền thống của con gà trống gáy. Sáng tôi dậy thật sớm,
chăm chỉ tập tremolo, là la la la... Ông Thịnh cáu lắm, nhưng có lý
do nào nữa đâu. Đáng kiếp! Nghe tiếng ông đóng cửa rầm rầm, thấy mặt ông hầm hầm,
dắt xe trước nhà tôi là tôi có... niềm vui len nhẹ trong hồn. May, chứ con chó,
con mèo nào vô phước ở nhà ổng, chắc ông giận người, đá vật tan nát.
Tập dợt kỹ càng như vậy, mà nhiều khi thầy Dũng đến, thầy
không bắt trả bài, làm tôi tiếc công. Thầy nói, nay không có hứng dạy, ngồi tán
dóc. Thầy có cả một bụng kiếm hiệp. Thầy kể cho mấy chị của tôi bao nhiêu là
chuyện. Tôi dỏng tai, nghe lỏm, mê mẩn. Nếu “tình cờ” chúng tôi nộp tiền học,
thầy mời mấy chị em ra khu rạp hát Minh Châu uống cà phê, ăn hoành thánh. Thỉnh
thoảng, thầy kêu tôi và Ngọc Hiền lên nhà thầy ở đường Phạm Ngũ Lão học. Nhà thầy
ở trên lầu, không có chuông. Thầy dặn, đến, nhớ mang theo ít sỏi, sạn, ném lên
lầu. Thầy nghe, thầy xuống mở cửa. Có lẽ nhờ dợt như vậy, tôi được nhiều điểm
trong môn ném tạ ở trường. Trên ban công nhà thầy lổm nhổm những sạn và sỏi. Thầy
còn phóng đại, kể, “May là tôi ngủ mùng, chớ không thôi, tôi bị u đầu, sứt trán
vì tiếng chuông của khách rồi”. Nhà thầy là một thư viện nhỏ. Gia sản của thầy
quá sức vĩ đại trong mắt tôi lúc đó. Hàng dĩa nhạc xếp sát nhau, dài tưởng như
vô tận. Thầy mở nhạc cho nghe. Bài Valse số 7 của Chopin mơ
màng. Tôi đã vì bài Valse này mà đi xem phim Với Cả
Tâm Tình của Ba Lan mấy lần. Thật ra, lần thì đi coi với bồ, đi với bạn
cùng trường, bạn khác trường, với chị, với em. Khi nghe bài The
Maiden’s Prayer hay tuyệt... vọng, tôi để hồn bay bổng, mơ có ngày thầy
Dũng dạy cho bài này. Cứ được nghe bản nhạc hay, tôi lại vẽ vời thêm nhiều giấc
mơ. Có lần hai chị em đến nhà thầy, thầy bận đi nhậu. Thầy giao nhà cho hai đứa,
bắt ngồi ở nhà thầy tập đàn, chờ thầy về. Hai chị em ngồi chờ mòn mỏi, thầy vẫn
biệt tăm.
Vào một ngày cuối tuần, mùa hè, chúng tôi rủ thầy Dũng
đi picnic ở bờ sông Thanh Đa. Hôm đó, rất đông người, có anh
Vượng và nhiều bạn bè cùng lớp ở trường Đại Học Sư Phạm đi cùng. Tất nhiên, đi
đâu tôi cũng ôm đàn theo. Không khí thật thanh bình. Gió sông nhè nhẹ, phong cảnh
hữu tình, gia đình, bạn bè thân yêu chung quanh. Bao năm qua, bây giờ hồi tưởng
lại, tôi vẫn có thể cảm nhận được những khoảnh khắc hạnh phúc ngày xưa. Tôi chẳng
ngại sư phụ méo mó nghề nghiệp, chê đệ tử chơi chưa đúng kỹ thuật hay gì gì đó.
Tôi ôm đàn, chơi những “tác phẩm” ưng ý nhất của mình. Thời gian đó, anh Vượng
lúc nào cũng kè kè bên cạnh máy chụp hình. Anh đang theo học lớp nhiếp ảnh nghệ
thuật. Thật thuận tiện, anh thích chụp hình, tôi thích có mặt trên tấm hình.
Sau đó vài tuần lễ, tôi nghe đám bạn chộn rộn, rủ nhau lên Câu Lạc Bộ Thanh
Niên, xem hình tài tử chưa lên mà... sắp xuống. Lên tới nơi, mới hay mình thành
“minh tinh”. Số là, anh Vượng gởi tấm hình chụp hai chị em tôi ở bờ sông Thanh
Đa đi dự thi. Tấm hình có tựa đề: “Ngày Chủ Nhật”. Tôi ngồi ôm đàn, tay đang gò
một hợp âm có vẻ rắc rối, hồn như đắm trong tiếng đàn của chính mình. Chị Thanh
Tâm nằm sát bên, đầu gần như gối vào thùng đàn, đang thưởng thức từng điệu nhặt
khoan. Tấm hình được giải ba của đợt thi chụp hình nghệ thuật thành phố. Anh Vượng
gởi lời cám ơn hai chị em. Tôi vui lắm, vậy mà đôi lời ngọt ngào dễ thương cho
anh, dù có nghĩ, tôi chẳng nói cho nên hồn.
Thầy Dũng “bắt” tôi và Hiền chơi các bài tập trong Carulli.
Hai chị em cũng thích chơi những bản nhạc Việt soạn cho tây ban cầm như Thu
Vàng, Hạ Trắng. Bồ của Thanh Nga học lớp tôi là anh Phạm Ngọc Chỉnh, có soạn
nhiều bài cho guitar. Thanh Nga khoe và tặng tôi một tập nhạc có chữ
ký của tác giả. Hai chị em lén thầy Dũng tự tập những bản nhạc “tự do và trữ
tình” này. Có lần thầy Dũng đến, chúng tôi chưa kịp phi tang. Thầy chọc quê:
– Chắc có Hiền mới chơi nhạc “sến” như vầy.
Ngọc Hiền ấm ức trong bụng lắm, mà đành phải ngậm bồ hòn. Mỗi
lần có trình diễn độc tấu guitar, thầy Dũng thông báo nhắc mấy
chị em đi nghe. Có khi thầy “chạy” cho ít cái vé mời. Lắm lúc, cuối tháng, chờ
quà từ Tây Đức mỏi mòn, chúng tôi phải nhịn ăn để tiền mua vé nghe nhạc. Hồi
đó, tụi tôi hay nghe Phùng Tuấn Vũ, Trần Toàn Minh, Trần Toàn Chí (hễ nghe đến
tên ông này tụi tôi không nhịn cười được). Có thời kỳ thầy Dũng hay cặp kè với
anh Trần Văn Phú, tay đàn Flamenco nổi tiếng Sài Gòn. Anh Phú
chơi kỹ thuật rất “ngầu”, nhưng thiếu chất hồn trong nét đàn. Tụi tôi thỉnh thoảng
cũng được vé mời “danh dự” của anh Phú. Học trước tôi có Hổ, em chị Ngọc Phấn.
Hổ học rất nhanh. Lúc nghe Hổ chơi Asturias (Leyenda), tôi rộn
ràng muốn học cho kịp Hổ. Khi thầy Dũng bắt đầu ghi chú các kỹ thuật bấm nốt và
gảy đàn cho Variations on a Theme by Mozart, tôi vui sướng vô kể.
Tiếc, tôi rời Việt Nam khi vừa mới bắt đầu tập bài này. Tôi nguyện trong lòng,
sẽ tập tiếp tục cho hết bản nhạc đó. Bây giờ, tôi biết, chẳng bao giờ tôi có thể
chơi trọn bài. Nhìn những chùm nốt nhạc quấn quít lấy nhau, tôi chẳng biết bắt
đầu từ đâu.
Lần nọ, thầy Dũng ghé lại. Lúc đó chỉ mình tôi ở nhà. Thầy
nói, vừa phổ xong hai bài hát, thơ của Trần Dạ Từ và Du Tử Lê. Thầy với tay lấy
cây đàn, hát một lèo hai bài. Rất hay, tôi thích. Mấy ngày sau, thầy Dũng tạt
qua, nói, cần lại hai bài hát, vì lý do gì đó tôi không hiểu. Tôi tiếc ngẩn
ngơ. Tôi quên khuấy, chưa kịp chép lại, chưa kể cho mấy chị em nghe về bài hát.
Tôi chỉ nhớ lõm bõm mấy câu... yêu nhau dù một thoáng, là thiên cổ tình
nhau, yêu nhau là đã biết, đời nhau mãi ngậm ngùi... ta đi trời một
phương... Tôi định, khi nào thấy thầy vui vẻ, sẽ xin thầy cho mượn
chép lại. Lúc thầy vui, tôi quên hỏi. Lúc nhớ, lại thấy thời cơ chưa thuận lợi.
Mấy chục năm qua, chắc thầy chẳng còn nhớ đến hai bài hát đó nữa.
Lần khác, thầy Dũng đến với một người lạ. Người đó trông thật
nghiêm nghị. Thầy Dũng nghiêm trang, không thoải mái như mọi khi:
– Hôm nay Thúy cố gắng chơi cho hay nghe chưa! Anh Ngọc là
đàn anh của anh đó.
– Dạ. Tôi lo toát mồ hôi hột.
Giờ học hôm đó sao mà dài đằng đẵng. Tôi cố gắng hết sức
mình, cẩn thận từng nốt. Mắt chăm chăm vào tập nhạc, không chừng miệng há hốc
cũng có. Thầy Dũng không khen mà chẳng chê. Ông Ngọc không nói lời nào. Tôi băn
khoăn, sợ mình làm bể mặt thầy. Lần sau đến dạy, thầy Dũng kể một cách thích
thú. Thầy và ông Ngọc cười một trận đã đời, khi quan sát tôi đau khổ đến như thế
nào trong giờ học qua. Ông Ngọc không chơi đàn. Ông là bạn nhậu của thầy. Trời
ơi, gian ác đến vậy thôi. Tôi sùng thầy, nhưng không dám hó hé. Thầy Dũng nói,
nhận được sứ mệnh của bạn nhậu, nhắn với tôi rằng, ông ấy thích tôi. Thầy Dũng
hỉ hả:
– Anh cảnh cáo Ngọc rồi. Con Thúy nó dữ lắm. Ngọc nó mặc kệ,
bắt anh phải nhắn với Thúy như vậy.
– Thúy làm gì mà anh nói Thúy dữ? Tôi hỏi yểu xìu, thấy mình
bị oan.
Sau đó, cùng đi với chị Thanh Tâm và thầy Dũng, tôi đến nhà
anh Ngọc chơi mấy lần. Trước 1975, anh đi lính, ở trại cải tạo một thời gian.
Anh Ngọc tính trầm lặng. Anh mang kính cận, ánh mắt qua làn kính thật hiền hậu.
Tôi không nhớ, anh đã nói gì với tôi. Còn tôi, hay tía lia, cũng không nhớ, tôi
đã nói gì với anh. Hình ảnh của anh Ngọc mờ nhạt trong tôi. Khi tôi rời Việt
Nam, anh Ngọc tặng tôi cuốn tự điển Anh Việt thật to. Chắc là anh phải bỏ cả
gia tài để mua cuốn sách đó. Tôi chùng lòng khi nghĩ đến điều này. Anh viết nơi
trang đầu, “Để Thúy còn nhớ tiếng Việt khi viết thư cho tôi”. Tôi cảm động, tự
nhủ sẽ viết thư cho anh. Qua Đức, tôi viết rất nhiều thư, cho Ba Mạ, cho anh em
và một lô bạn bè từ tiểu học lên đến đại học... Tôi vẫn nói rành rẽ tiếng Việt,
vậy mà tôi chẳng viết được cho anh Ngọc một lá thư. Cuốn tự điển không hiểu vì
lẽ gì, lưu lạc trên kệ sách của chị Thanh Tâm. Sau này, về Việt nam, tôi mua rất
nhiều tự điển. Tôi định, lúc nào thuận tiện sẽ tặng cho chị Thanh Tâm cuốn tự
điển mới, và xin cuốn tự điển xưa về. Ngày mấy chị em rời Việt Nam, thầy ra phi
trường tiễn. Thầy tặng bài Giấc Mơ Hồi Hương của thầy soạn
cho guitar, “Thân tặng bốn cô học trò rất dễ thương. Hãy luôn
nhớ đến Việt Nam...”
*
Tôi đếm từng ngày của tháng Chín. Tháng Mười có nhiều điều hứa
hẹn. Hai cô bạn thân sẽ đến Munich thăm tôi vào đầu tháng. Tôi quá bận sắp xếp
chương trình cho hai cô bạn, nên quên bẵng không theo dõi chuyến Âu du của thầy
Dũng. Khi mới nhận thư thầy, tôi đã phác họa sơ chương trình tiếp đãi thầy. Sẽ
đưa thầy đến những danh lam thắng cảnh của tiểu bang Bavaria và vùng phụ cận.
Thời gian đó, có lễ hội bia Oktoberfest. Đến đó, thầy sẽ thử bia và
giò heo nướng. Mấy ngày vui với bạn qua nhanh. Trong suốt thời gian đó, thầy
Dũng biến mất trong bộ nhớ của tôi. Khi hai đứa bạn về rồi, tôi vẫn còn bần thần
với nhiều tâm sự ngổn ngang và vì nhiều đêm liên tục thiếu ngủ trầm trọng. Ngọc
Hiền nhắc tôi gọi điện thoại cho thầy. Thầy hờn rồi đó. Thầy đến Đức cả tuần lễ
rồi, chẳng thấy học trò đâu. Đệ tử đắc tội quá. Thầy mở đầu bằng câu chào:
– Thúy đấy hả? Sao? Trán có còn dồ như xưa không?
– Trời ơi! Ngày xưa dạy, thầy đã đì trò. Bây giờ cũng chưa
tha. Mà phải gọi anh Dũng là gì cho phải đạo đây. Đại sư phụ hay sư tổ?
– Thúy gọi sao, tôi nghe vậy.
Tôi bắt đầu chiến dịch… vừa ăn cướp, vừa la làng:
– Trời ơi! Cuối tuần rồi, bị ăn một chầu thịt thỏ, tức bụng
gần chết!
– Giời đất! Ai mà to gan dữ vậy, dám cho Thúy leo cây?
– Thì ai trồng khoai đất này! Anh Dũng hứa sẽ đến Munich. Mà
nghe nói, dọc đường gặp bạn nhậu. Vui quá, nên không thèm đi đâu nữa phải
không? Đệ tử tiếc công chuẩn bị bao ngày để tiếp đón sư phụ.
– Xin lỗi nhé. Tôi đâu có biết là Thúy có sắp xếp để gặp tôi
đâu.
– Anh Dũng biết không, một chương trình cực kỳ hấp dẫn. Sẽ
đưa anh Dũng đi Salzburg, đi thăm lâu đài Neuschwanstein, Linderhof,
Nymphenburg. Theo như yêu cầu của anh Dũng, sẽ mời anh Dũng thưởng thức bia của
vùng Bavaria và món giò heo nướng ăn với bắp cải chua. Tuần rồi ở Munich là hội
bia tháng 10. Anh Dũng chắc đã nghe, đó là hội hè vui chơi lớn nhất thế giới.
Năm nay có 6 triệu người đến Munich để dự. Vậy mà anh Dũng lại không là một phần
6 triệu... Tôi hăng hái vẽ.
– Thôi, thôi, đừng có kể thêm. Tôi tiếc đứt ruột. Có ai nói
cho tôi biết về chương trình này đâu. Tôi mê Munich từ ngày xưa lận. Mơ ngày đến
Âu châu, nhất định phải đến Munich.
– Chớ không phải anh Dũng có bạn, quên trò sao? – Tôi
bày đặt hờn mát. – Khi nghe tin anh Dũng qua Âu Châu, Thúy vội vàng liên
lạc. Tưởng mình chiếm được tiện nghi. À, phải trong kiếm hiệp người ta nói vậy
không?
– Ừ, đúng rồi. Ối giời, bây giờ cũng biết đọc kiếm hiệp hả?
Tôi tưởng Thúy thành người Đức chỉ biết đọc Goethe, Hesse thôi chứ.
– Đâu có, nói tiếng Đức vẫn sặc mùi nước mắm. Máu Việt bảo đảm
một ngàn phần trăm. Tôi lại dở bổn cũ. Anh Dũng có nhớ Quách Tĩnh hỏi Châu Bá
Thông, có phải ai họ Hoàng là thông minh không?
– Nhớ chứ sao không!
– Thúy cũng họ Hoàng đó.
– Biết rồi, biết rồi! Bao nhiêu cái khôn lanh của thiên hạ,
hồi đó Thúy lấy hết, mà bây giờ vẫn còn giữ. – Thầy đổi đề tài. – Tôi thích những
đoạn tả tình trong kiếm hiệp, thơ mộng hết sức.
– Dạ, ví dụ như lúc sư cô Nghi Lâm săn sóc cho Lệnh Hồ Xung.
Lúc cô thấy sao băng, cô mơ ước... Trúng đài của tôi rồi, đoạn này tôi mới đọc
cách đây mấy tuần, tôi mở máy.
– Ừ, đọc đến đấy tôi cảm động muốn khóc luôn đó. Này, cho
hay nhé, tôi cũng là Lệnh Hồ Xung đó.
– Thiệt hả! – Tôi kéo dài giọng. Nhớ ông thầy mình hồi xưa lẻ
bóng triền miên. Không biết tại kén hay ế. – Lệnh Hồ Xung có Nhạc Linh
San, Doanh Doanh... Mà Thúy nhớ Lệnh Hồ Xung đâu có bệnh hoang tưởng đâu. Tôi
tung chưởng, cơ hội hiếm hoi để đáp lễ ông thầy “hắc ám”.
– Tôi có Doanh Doanh chứ. Thầy Dũng lúng túng đỡ đòn, đổi đề
tài. Thế này nhé, ngày mai tôi xuống Munich. Thúy đi làm ra, mình rủ nhau, chén
thầy, chén trò một bữa nhé. Rủ ông xã Thúy đi chung luôn. A, mà ông xã Thúy người
Đức hay người Việt?
– Dạ, phu quân của tại hạ là chàng trai nước Việt hẳn hoi.
– Giời ơi, ông ấy to gan thật. Đây, tôi đọc cho Thúy số điện
thoại cầm tay của tôi, để Thúy liên lạc nhé.
– Dạ, anh Dũng đọc đi. Mà khó quá, gọi anh Dũng thì được,
nhưng xa xôi như vầy làm sao vừa gọi, vừa cầm tay được?
– Giời ơi, cô này. Khiếp quá! Đấy, ngày mai nhé.
Tôi nghe có tiếng nói của Tiến vọng từ xa.
– Từ Cologne đến Munich hơn 700 cây số lận, thầy ơi.
Tôi chưa kịp tỏ nỗi âu lo của tôi, thì học trò của thầy đã
nói rồi. Thầy Dũng như chợt tỉnh giấc:
– Xa quá, Thúy ơi, đi bao giờ mới tới. Thôi, kiếp sau vậy.
Thôi, vậy là dịp này không gặp được thầy. Vợ chồng Ngọc Hiền
thu xếp chạy lên nhà Tiến, đón thầy về thăm Ba Mạ và đi chơi Frankfurt. Trước
khi đi, Ngọc Hiền đã cẩn thận dẹp vào nhà kho cây đàn guitar ngày
xưa đem từ Việt Nam qua. Chúng tôi mang qua hai cây đàn, đặt làm ở ông Nguyễn
Văn Tâm. Hai năm đầu đàn còn giữ tiếng. Sau đó, cần đàn bị cong nên không xài được
nữa. Tôi lấy một cây đàn về, những dây đàn đã chùng, tiếng đàn bị hư hẳn. Tôi lấy
bó hoa cưới đã phơi khô, gắn lên đàn, thành một món trang trí có ý nghĩa. Cây
đàn, dù vẫn còn hình dáng của nó, nhưng nó lùi vào sau, chỉ là biểu tượng của một
đam mê ngày xưa. Bó hoa, biểu tượng của hôn nhân, của bổn phận đứng trước. Hoa
và đàn cùng nhau là vật trang trí đẹp trong nhà và trong đời tôi. Tôi nhớ một bản
nhạc ngày xưa tôi đã thương: người ơi, tôi thường hay muốn biết với
tình hoa thắm thiết, yêu tôi hay yêu đàn... Yêu hoa, yêu đàn và yêu
tôi.
Thầy đến nhà, như mọi người, thích xem phòng này, phòng kia
của nhà. Cuối cùng thầy đảo mắt qua nhà kho, sắp sửa chấm dứt chuyến “tham
quan”. Thầy chợt thấy góc nhà có vật gì trông tựa như một nhạc cụ. Méo mó nghề
nghiệp, thầy bước lại gần để nhận diện. Ngọc Hiền không biết làm sao để cản “bước
tiến” của thầy. Không biết thầy cố nén tiếng thở dài, hay nén tiếng cười phì,
khi thấy số phận của cây đàn bỏ quên của cô học trò ngày xưa.
Thầy gởi tặng trò Ngọc Thúy và trò Ngọc Hiền mỗi đứa một con
búp bê bằng gỗ, một trai, một gái. Sản phẩm làm bằng tay do học trò của thầy
làm. Biết được xuất xứ của món quà, tôi cảm động. Tôi đề nghị với Ngọc Hiền,
mình sẽ thay phiên nhau trưng đủ cặp búp bê. Chứ chia uyên, rẽ thúy hai con búp
bê tội nghiệp. Hai con búp bê bên nhau, dễ thương ghê, đứng chụm đầu trên kệ
sách của tôi. Năm nay tôi trưng, sang năm đến phiên Hiền. Nếu Ngọc Hiền không
nhớ nhắc, có lẽ tôi sẽ giả bộ quên.
*
Tôi ghé tiệm chị bạn người Việt cắt tóc. Trong lúc ngồi chờ,
tôi bâng quơ lật tờ báo Văn Nghệ. Tình cờ, tôi gặp bài viết ngắn, nói về bối cảnh
lịch sử của bài thơ Hồ Trường. Hơn hai mươi năm trước, lần đầu tiên
nghe thầy Dũng đọc bài thơ đó, tôi đã cảm ngay và vội vàng chép lại. Tôi thích
bài thơ, nhớ mấy câu: Trời đất mang mang, ai người tri kỷ,/ Lại đây
cùng ta cạn một hồ trường. Tôi không hiểu rõ tựa bài thơ. Lúc đó, tôi
không dám hỏi thầy Dũng. Sợ thầy làm le, chê là con nít, không cắt nghĩa, mà
còn chọc quê nữa. Tôi vội vàng lục túi xách, tìm bút giấy. Hí hoáy ghi chép.
Hai chữ Hồ Trường mượn ý từ hai câu thơ Đường:Túy túy càn khôn đại, Hồ trung
nhật nguyệt trường.(Khi say trời đất rộng, trong bầu ngày tháng dài). Tờ
giấy quá nhỏ tôi phải viết chữ li ti. Chồng chị bạn, nói:
– Chị Thúy chép thơ đấy à? Chị có vẻ thích thơ quá nhỉ.
– Dạ. Tôi hi vọng anh ấy sẽ nói, đại khái là: “Chị cứ giữ tờ
báo đi.”
– Vâng, chị cứ chép tự nhiên nhé. Anh đã dập tắt hy vọng mới
vươn lên của tôi.
Thôi thì thôi thế, tôi cặm cụi chép tiếp. Tôi gởi email cho
thầy Dũng. Hỏi, thầy còn nhớ bài thơ Hồ Trường không. Thầy bảo, “Còn nhớ chứ,
tôi thích bài thơ ấy dễ sợ. Nhưng không nhớ hết”. Tôi hơi ngạc nhiên, thầy Dũng
có óc quan sát sắc bén và trí nhớ thuộc loại đáng nể. Tôi viết ngắn ghẹo thầy,
chắc tam thi não thần đan đang ăn mòn trí nhớ của thầy. Thầy phải tìm Doanh
Doanh xin thuốc giải. Chắc thầy “quê một cục” nên không nghe trả lời, trả vốn
gì cả.
Tôi không nhớ rõ lần cuối cùng mình ôm đàn cách đây bao
nhiêu năm rồi. Lần nọ, khi Bê, còn ở tiểu học, có bạn đến chơi. Xavier mân mê
cây đàn, hỏi, phải Bê chơi đàn không. Bê nói:
– Không, Mẹ tao chơi.
Xavier ngạc nhiên:
– Cô chơi được à? Cô đàn con nghe đi.
Tôi lấy đàn xuống.
Chơi bài Valse số 1 và bài Rondo số 7. Trước đó đã
lâu, tôi chẳng hề đụng đến cây đàn. Tôi chỉ còn chơi theo phản xạ, chứ không đọc
được nốt nữa. Xavier trầm trồ. Bê hãnh diện. Tôi rủ Bê học đàn guitar,
ấn tượng còn đó, Bê thích ngay. Nhưng sau đó, Bê hẹn lần, hẹn lữa. Rồi thôi, chồng
tôi không thích nghe bàn nhiều về đề tài này. Tôi có lúc mơ học chơi dương cầm.
Chẳng hiểu sao, tôi cứ tin rằng, mình sẽ học được một nhạc cụ khác. Giấc mơ
dương cầm tôi đã ôm ấp từ mấy năm trước. Lúc đó tôi tập tễnh “hoạt động” trong
thị trường chứng khoán. Mathias ra vẻ là tay đen đỏ rành rẽ. Mathias ba hoa:
– Thúy biết
không, Munich Re là hãng ruột của tui đó. Tui đầu tư, từ từ lên vốn. Không chừng
có ngày thành nhà giàu. Hồi nào không thấy tui vô đi làm là biết ha.
Tôi nghe theo mấy
tên đồng nghiệp cùng phòng, cũng mua này, bán kia. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ.
Tôi rủng rỉnh đồng ra, đồng vào. Khi gần đủ mua cây đàn, thì chúng tôi quyết định
mua nhà. Tôi tạm đẩy giấc mơ của mình vào một xó xỉnh nào đó. Mua nhà xong, phải
sắm sửa tí tí. Chúng tôi vẫn đi nghỉ hè ở đây, kia, năm châu, bốn bể. Giấc mơ
ngoan ngoãn nằm chờ. Mỗi khi thấy mấy đứa cháu chơi đàn dương cầm, tôi nhớ đến
giấc mơ của mình. Ông anh rể rủ, chơi bạo, ra tiệm mua trả góp. Tôi nhát gan,
không dám. Tôi vẫn mua bán cổ phần, trích ra một phần cho giấc mơ dương cầm của
mình. Thị trường chứng khoán đang trải qua những bất trắc lớn. Đàn dương cầm
trong mộng của tôi cứ ít dần phím đi. Thu nhỏ thành phong cầm, khẩu cầm. Tôi
không dám nhìn vào con số tài sản chứng khoán của tôi. Đàn dương cầm giờ đây chỉ
còn là một ống sáo mộc mạc, đơn giản. Tôi tự an ủi mình, nghe tiếng sáo thiên
thai, chờ ngày thị trường chứng khoán bình phục, ống sáo sẽ hoá thân thành
dương cầm.
Khi chăm chút kho
“tài sản tinh thần” của tôi, tôi đã ngồi thừ người rất lâu, nhìn những bài tập
cũ trong Carulli, Carcassi. Tôi bồi hồi, mân mê những bài nhạc tôi chép và có
ghi ký hiệu kỹ thuật đàn của thầy Dũng: My Way, Lágrima, Menuet,
Variation... Ừ, tại sao tôi phải đeo đuổi điều gì quá xa tầm tay mình.
Đương nhiên, ai cũng cần có một giấc mơ lớn để ấp ủ. Nhưng tôi vẫn còn giấc mơ
dù nhỏ, mà rất đẹp đây chứ. Tôi nhớ, tôi đã có lúc yêu đàn guitar ghê
lắm. Đam mê đó chỉ nguội, chứ chưa tắt trong tôi. Lần nọ, đi uống cà phê với thầy
Dũng ở đường Trương Minh Giảng. Tiệm cà phê có trưng một bức tranh cây
đàn guitar bị nhện giăng. Không hiểu tại sao, vừa thấy bức
tranh, tôi thích ngay. Cây đàn ở nhà chúng tôi thuở đó, một hạt bụi cũng chẳng
có cơ hội bám, vì bao nhiêu tay đàn thay nhau nâng niu. Anh Vượng, người bạn học
cùng lớp ở trường Sư Phạm, nói, thích tặng tôi món quà. Tôi mừng quá chừng, dẫn
anh đến tiệm cà phê, chỉ bức tranh. Không biết sau đó anh Vượng có phải ngồi đồng
ở tiệm để ngắm “người mẫu” không. Tác phẩm của anh thật đẹp. Bức tranh anh Vượng
tặng treo ở nhà cho đến khi tôi rời Việt Nam. Mấy chục năm qua, hình ảnh của
cây đàn nhện giăng vẫn còn trong trí nhớ của tôi. Ở Đức, lúc nào trong nhà tôi
cũng có cây đàn guitar. Lâu lâu, tôi đem đàn xuống lau bụi.
Cây đàn trong phòng khách nhà tôi sạch bóng. Nhưng cây đàn trong hồn tôi phủ đầy
bụi và nhện giăng chằng chịt. Ngày nào đó, tôi sẽ cẩn trọng phủi đám bụi dày, gỡ
những dây tơ nhện. Tôi sẽ gảy nhẹ, thật nhẹ những nốt nhạc cũ, đánh thức đam mê
ngày xưa của mình. Tôi sẽ, tôi sẽ... Có lẽ, tôi sẽ đi lại từ đầu. Tôi sẽ tập bản
số Một, số Hai... Tôi sẽ náo nức, khi sắp sửa tập đến bài số Chín, số Mười Một.
Nhạc điệu của bài Mười Bốn vẫn mồn một trong tôi. Bài Ba Lăm cũng tuyệt vời. Và
“đại tác phẩm” My Way của tôi nữa. Tôi biết, tôi sẽ không nâng
niu phím đàn với tất cả tâm tình như cách đây hơn mấy thập niên. Nhưng tôi hy vọng,
chút đam mê cung đàn còn sót lại đâu đó trong trái tim lắm ngõ, nhiều ngách của
tôi, sẽ giúp tôi tìm lại tôi. Tìm lại vài nét hình bóng yêu đàn của tôi ngày
xưa.
Hoàng Quân