Thanh Tâm Tuyền & Tô Thùy Yên
THƠ THANH TÂM TUYỀN
.
1. Bài không tựa đề
Mời các bạn
đọc trích đoạn sau đây của văn họa sĩ Tạ Tỵ- viết trong hồi ký
"Đáy địa ngục", chương IV- có ghi việc thi sĩ Thanh Tâm Tuyền
tặng ông một bài thơ khi hai ông đang học "cải tạo" ở trại
tù Yên Bái, Bắc Việt.
(Trích đoạn)
[ ... tôi qua buồng bên thăm Thanh Tâm Tuyền. Chúng tôi mới gặp nhau cách đây ít hôm, tuy ở sát vách. Trước đó, tôi nghe nói có Tuyền ở đây, không tìm ra, tuy đội tôi và đội Tuyền ngồi sát bên nhau. Từ ngày đi cải tạo, thân xác mỗi người đều đổi thay và áo quần lao động tơi tả, rách rưới, nhơ nhớp. Người nào cũng chụp mũ xuống gần nửa mặt để không muốn nhìn ai, và cũng chẳng muốn ai nhìn mình. Một buổi chúng tôi nhận ra nhau. Tuyền mở to mắt nhìn hỏi:
- Ông đó hả?
- Còn ông đó ư?
Chúng tôi cùng
phá lên cười. Anh em xung quanh không hiểu gì, sững nhìn. Đội tôi bị gọi đi lao
động. Tôi đứng lên, nói với Tuyền, mai sẽ ngồi đúng chỗ này để nói chuyện. Từ
đó, chúng tôi mới đỡ cô đơn vì còn có nhau để tâm sự. Tuyền vốn ít nói, nhưng mỗi
lời nói rất chắc, cũng như anh viết văn hay làm thơ. Tuyền dặn nhỏ tôi:
- Cậu ạ! đừng gọi
biệt hiệu, sợ tụi nó biết, gọi mình là Tâm nhé!
Tôi cười dí dỏm:
- Cậu đánh giá tụi
nó kém quá thế sao?
Tuyền vốn có bệnh
trĩ, nên thường được nghỉ ở nhà làm việc nhẹ. Còn tôi, đã chán việc khai bệnh
vì quá nhục nhã, nên thà lao động còn hơn, bởi vậy vấn đề gặp nhau cũng thất
thường.
Sáng nay, tôi
sang thăm Tuyền vì thấy cửa mở.
Vừa sang đến nơi,
Tuyền đã cười khà khà:
- Chiều qua, nhớ
cậu, làm được mấy câu thơ đây.
- Đâu, đọc lên
nghe. Nhưng còn thuốc lào không?
- Để đi xin.
Tuyền định đi thì
Trung, Đội Trưởng của Tuyền nhanh nhẹn đứng lên, đi xin thuốc giùm. Trung mang
về một dúm thuốc “3 số 8” thơm phức. Tuyền nói với Trung
- Ông xin đâu hay
thế?
- Ô thiếu gì, anh
em mới nhận được quà mà!
Tôi vê thuốc cho
vào nõ, châm lửa rít một hơi dài, thở khói xanh um, cả người bần thần ngây ngất
vì đã lâu mới được điếu thuốc ngon. Tôi đưa điếu cho Tuyền. Nhồi thuốc xong,
Tuyền cũng kéo hơi dài, thật dài nuốt luôn khói. Đôi mắt Tuyền lờ đờ như đắm
chìm vào chuyến viễn mơ! Sau khi hả cơn say, Tuyền đọc:
Chờ cơm ôm bụng
lép trên giường
Muốn sang thăm
bạn cửa gài then
Chiều đổ cơn
mưa, trời sập tối
Buông sách ngồi
lên, ngó trống không!
Tôi nói với Tuyền:
- Đời chúng mình
lúc này chẳng có gì để nhìn ngắm. Sau hơn hai năm bị đầy ải, miệng lưỡi đã tê
mùi tân khổ, còn gì để ngóng đợi? Ba chữ “ngó trống không” nó cho tôi nhìn thấy
hư vô, nhìn thấy cái cõi “Bất khả tư nghị” của Chân Như. Nó thâu tóm được biết
bao nhiêu hình ảnh của kiếp sống phù du, công danh và sự nghiệp nào đó, mũ mãng
cân đai nào đó, cũng chỉ là hư ảnh, có đúng vậy không cậu?] - Đáyđịa ngục,
Tạ Tỵ.
(Ngưng trích)
.
2. Bài thơ
ngã trên núi
Đây cũng là
bài thơ Thanh Tâm Tuyền làm trong "trại tù cải tạo" Yên Bái.
Trong trại, làm thơ phải làm trong trí, nếu ghi ra giấy cán bộ phát
hiện được thì sẽ bị cùm.
.
Ngã trên núi
Việt Hồng Yên Báy khi đi lấy nứa
.
Tuột dốc té nhào trên
hẻm núi
Chết điếng toàn
thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt
mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu
quạnh rừng sâu
.
Duỗi soải chân
tay gối trên nứa
Ngó trời nhá nhem
nghe mưa mau
Tưởng chừng thi
thể ai thối rữa
Hồn viển vông chẳng
chút oán sầu
.
Mưa giăng tấm lưới
trắng dầy khít
Làng xóm dưới núi
ở phương nào?
Gió lạnh tái tê
bó liệm chặt
Lả thiếp người
quên bẵng sướt đau
.
Ðầm mình trong hạnh
ngộ ẩn mật
Mắt hoen nhòa hứng
giọt thiên thâu
Dò dẫm lối về đêm
tối mịt
Sông xa núi thẳm
quê nhà đâu?
(Yên Báy, 9-1979)
.............
Phụ lục:
.
Tiểu sử Thanh
Tâm Tuyền
Thanh Tâm Tuyền
sinh ngày 1/3/1936, tại Vinh, tên thật là Dzư Văn Tâm, bút hiệu khác: Đỗ Thạch
Liên.
Năm 1952 (16 tuổi),
dạy học tại trường Minh Tân (Hà Đông) và đăng những truyện ngắn đầu tiên trên
tuần báo Thanh niên, Hà Nội. 1954, hoạt động trong Tổng hội sinh viên Hà Nội,
cùng với Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sỹ, chủ trương nguyệt san Lửa
Việt. Vào Sàigòn, 1955, cùng các bạn làm làm tờ Dân Chủ mà Thanh Tâm Tuyền và
Trần Thanh Hiệp phụ trách phần văn nghệ. Mai Thảo gửi đến đoản văn "Đêm
giã từ Hà Nội". Thanh Tâm Tuyền
"kinh ngạc", mời tác giả đến toà soạn. Từ đó, "nhóm" có
thêm Mai thảo, chủ trương tuần báo Người Việt (tiền thân của tờ Sáng tạo), với
sự cộng tác của Lữ Hồ, Ngọc Dũng, Duy Thanh, Quách Thoại. Tháng 10/1956, Sáng tạo
ra đời. 1956 đến 1960, do Mai Thảo làm chủ bút. Hai mươi tuổi, Thanh Tâm Tuyền
cho in cuốn sách đầu tay Tôi không còn cô độc (thơ, 1956), và năm sau Bếp lửa
(văn, 1957), hai tác phẩm đánh dấu sự thay đổi diên mạo văn học, đến thời đó vẫn
còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lãng mạn tiền chiến. 1962, Thanh Tâm Tuyền nhập
ngũ, 1966, giải ngũ, 1969, tái ngũ, ở trong quân đội cho đến 75. Sau 75, bị đi
tù cải tạo. Tháng 4/1990, sang Hoa Kỳ theo diện HO, sống ở tiểu bang Minesota,
giữ thái độ gần như ẩn dật, ông mất hồi 11giờ 30 ngày 23/3/2006 vì bệnh ung thư
phổi. (Theo Thụy Khê)
.
Đây là một
trong những bài thơ nổi tiếng của Thanh Tâm Tuyền:
.
Lệ đá xanh
.
tôi biết những
người khóc lẻ loi
không nguôi một
phút
những người khóc
lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên
đá xanh
tim rũ rượi
.
đôi khi anh muốn
tin
ngoài đời chỉ còn
trời sao là đáng kể
mà bên những vì
sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
.
đôi khi anh muốn
tin
ngoài đời thơm phức
những trái cây của thượng đế
mà bên những trái
cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi
đầu
.
đôi khi anh muốn
tin
ngoài đời đầy cỏ
hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến
rũ cánh tay em
vòng ân ái
.
đôi khi anh muốn
tin
ôi những người
khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những
viên đá xanh
tim rũ rượi
(Thanh Tâm Tuyền,
Tôi không còn cô độc, 1956)
.
Bài thơ này đã được
nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc với tựa cùng tên và nhạc sĩ Phạm Đình Chương lấy 2
câu kết phổ nhạc thành bài hát Nửa hồn thương đau.
.
Viết về Thanh
Tâm Tuyền
- Đặng Tiến viết
về Thanh Tâm Tuyền
Thanh Tâm Tuyền
phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ: loại trừ vần, không theo nhịp của
ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý
tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra «diễn ca», còn
Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại
thành những chức năng mới, trong văn bản mới.
…
Nhưng không có
lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn. Thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ thành phố
Tuy nhiên cũng phải
ghi nhận với ít nhiều tiếc rẻ là lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế.
Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ “ở đâu xa cũng trở về” với những
thể thơ truyền thống.
.
- Lê Hữu Khóa phỏng
vấn Thanh Tâm Tuyền
Lời của Thanh Tâm
Tuyền:
. Làm thơ trong
trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ la poésie de
tradition populaire.
. Tuy nhiên,
trong tiếng Việt, người ta nói “làm thơ” chứ không ai nói “viết thơ”. Như vậy,
người ta có thể làm thơ khắp nơi, trong bất cứ vị trí nào: khi đang đi, đứng, nằm,
ngồi, khi tỉnh thức… Thi ca tới với bạn không hẹn trước, không định ngày, định
giờ. Người ta không thể tìm vì không biết nó ở đâu. Chỉ còn là một công việc
đơn giản: đón nhận và trao đổi với nó. Thơ đòi hỏi ở bạn một điều duy nhất: giữ
cho được tiếng nói thuần khiết/ parole pure và sau đó tiếng nói ấy sẽ quyết định
đời sống của chính nó.
. Trong lúc bạn
“lao động vì mục tiêu cách mạng”, thơ tới với bạn. Bất ngờ, giữa cánh đồng, giữa
rừng rậm… Thơ tới, thơ bắt bạn dừng lại. Bạn bắt đầu thấy bầu trời và rồi quên
đi những cử động máy móc. Thơ sớm đưa bạn tới một trạng thái nội tâm thanh tịnh.
Sự tự-hiện-sinh/ autoexistence ấy đem tới niềm vui. Bởi vì khi thi ca buông anh
ra, anh trở lại cuộc sống mà anh đã dám chối bỏ. Anh thấy cuộc sống này tự chuyển
đổi thành tiết điệu của các câu thơ. Chỉ làm việc với đôi cánh tay, trong khi
đôi tai đuổi theo những tiết điệu, nhạc tính của bài thơ. Sự hoà điệu này đem lại
cân bằng cần thiết giữa giới hạn lao động trong những động tác và ký ức đang
tích luỹ/ stocke.
.
@. Ý kiến
riêng tôi
Tôi chú ý 2 điều
này:
– Làm thơ trong
trại tù cải tạo, cũng là trở về với thi ca truyền thống dân gian/ la poésie de
tradition populaire (Thanh Tâm Tuyền)
– Bản thân Thanh
Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ “Ở đâu xa cũng trở về” đã trở về với những
thể thơ truyền thống. (Đặng Tiến)
Sau khi ra khỏi
“tù”, sang Mỹ sống, hình như Thanh Tâm Tuyền không có làm bài thơ nào gọi là
“hiện đại” nữa. Theo tôi, chính những dòng thơ truyền thống nầy mới diễn tả
đúng cảm xúc thật của tâm hồn, diễn tả đúng hồn thơ mà ông luận bàn trên.
.
THƠ TÔ THÙY
YÊN
.
1. Bài thơ
Tháng Chạp Buồn của Tô Thùy Yên
Mời các bạn
đọc trích đoạn bài viết của nhà văn Phạm Tín An Ninh về Tô Thùy Yên
và những bài thơ viết trong tù
(Trích đoạn)
[ ... Khi còn
ngoài Bắc, có thời gian tôi đã từng ở chung trại tù với anh Đinh Thành Tiên
(tên khai sanh của Tô Thùy Yên), nhưng khác đội, lúc ấy chưa biết nhiều về anh
và cũng chưa có dịp thân quen anh. Mãi đến tháng 9 năm 1981, chuyển vào Nam, đến
Trại Z- 30 C Hàm Tân, anh và tôi được “biên chế” ở cùng một đội, và nắm gần
nhau trong gần hai năm, cho đến khi tôi ra tù...
Nằm bên cạnh anh
Tô Thùy Yên, nên tôi thường được anh đọc cho nghe những đoạn thơ anh ứng khẩu
hay sáng tác. Anh có thói quen làm bài thơ nào cũng dài. Bất cứ lúc nào, ngay cả
khi đang phải lao động, anh thì thầm ứng khẩu một vài câu hay vài đoạn, đến tối
nằm đọc lại, ghi vào tờ giấy nhỏ để sau đó ghép thành một bài dài. Có khi cả
năm mới đủ một bài. Nghe anh thì thầm những câu thơ anh viết, thét rồi tôi thuộc
lòng và còn nhớ hơn cả chính anh. Tôi dốt về thơ nhưng lại có tính mê thơ từ nhỏ.
Vì vậy có nhiều khi anh quên, tôi có nhiệm vụ phải nhắc bài thơ đã đến đâu rồi,
để anh tiếp tục. Anh làm thơ trong trí, lẩm bẩm một mình, đọc cho tôi nghe, rồi
chép vội vào một mảnh giấy nhỏ, nhét ở đâu đó. Thỉnh thoảng anh nhờ tôi giữ hộ
một số. Có lần anh bỏ vào cuốn tự điển Anh-Việt được gia đình thăm nuôi, ngụy
trang bằng cái bìa của cuốn truyện “Thép Đã Tôi Thê Đấy”nên qua mắt được gã
công an kiềm soát. Anh học Anh văn bằng cách say sưa đọc cuốn sách gối đầu giường
của người cộng sản, tác phẩm nổi tiếng của văn hào Nga Nikolai A. Ostrovsky,
nhưng kỳ thực, chỉ có cài bìa, còn cả phần ruột là cuốn tự đỉển Anh – Việt của
tác giả Nguyễn Văn Khôn. Có một lần, không may, bất ngờ cả trại bị khám xét “đột
xuất”. Các tù nhân có lệnh mang theo tất cả tư trang ra ngoài sân để chuyển trại.
Một tên công an lục lọi đủ mọi thứ, khám phá cuốn sách mang tên “Thép đã tôi thế
đấy” lại là cuốn sách toàn chữ của “đế quốc Mỹ”, và trong cuốn sách còn có cả mấy
mẩu giấy có vài câu thơ “phản động” nên anh bị cùm hơn hai tuần. Cuốn sách và mấy
bài thơ, tất nhiên bị tịch thu.
Trong những bài
thơ anh viết, bài mà tôi thuộc lòng và thích nhất đó là bài “Tháng Chạp Buồn”.
Anh viết mấy đoạn đầu của bài thơ này vào giữa tháng Chạp năm 1981, mãi đến
tháng Chạp năm 1982 anh mới viết xong mấy đoạn cuối (tức là khi đã ở tù hơn tám
năm, nhưng sau này có bài được viết là chín năm). Anh đọc và giải thích từng
câu, từng đoạn trong bài thơ cho tôi nghe. Có những câu tôi rất tâm đắc, như
:“Tám năm áo rách bao nhiêu lượt, con vá chồng lên những nỗi niềm”, nhưng cũng
có đôi câu tôi dốt nên không hiểu, như
“Cha mẹ già như trúc trổ bông”, nhờ anh giải thích tôi mới biết khi trúc trổ
bông là trúc sắp chết. Tôi nể phục sự hiểu biết, tài làm thơ của anh và rất cảm
động khi đọc bài thơ anh viết, bởi câu nào cũng mang đầy tâm trạng của anh mà
cũng của chính tôi và những người bạn tù khác nữa. Anh bảo viết bài thơ này tặng
tôi. Và anh tặng thật. Anh viết vào một mảnh giấy được xếp thật nhỏ với chữ
cũng thật nhỏ đầy kín cả hai mặt. Chữ anh viết khá đẹp. Mảnh giấy xếp nhỏ có thể
kẹp giữa hai ngón tay. Khi nghe báo tin tôi được ra tù, anh mừng cho tôi, nhưng
tôi cũng nhận ra nét thoáng buồn trong mắt anh, vì từ nay sẽ mất thằng bạn tù
anh xem như thằng em thân thiết, từng lắng nghe và thuộc những bài thơ mang cả
nỗi lòng anh. Biết tôi đã thuộc nằm lòng, anh vẫn bảo cố giấu mảnh giấy có chép
bài thơ mang về làm kỷ niệm, vì khá dài nên cũng chóng quên. Nhưng khi lên ban
chỉ huy trại xếp hàng chờ lãnh tấm giấy ra trại, thấy mấy anh bạn tù phía trước
bị khám xét quá kỹ quá, tôi nhát gan, vội bỏ mảnh giấy vào miệng nhai nát rồi
nuốt vào cái dạ dày đang đói. Khi về đến nhà, tôi liền ngồi viết lại cả bài thơ
và đưa cho vợ tôi đọc. Nàng rơm rớm nước mắt.
Khi biết tin anh
đến Mỹ, tôi đang định cư ở NaUy, nên nhờ cô con gái lớn đang sang học ở Cali
liên lạc tìm thăm anh. Anh vui lắm. Từ đó anh em thường liên lạc thăm nhau. Tôi
chép lại bài thơ “Tháng Chạp Buồn” gởi cho anh, vì anh cho biết đã không còn nhớ
chính xác một vài câu “nguyên tác” trong đó.
.
Tháng Chạp
Buồn
Tết này con vẫn
chưa về được
Chân mỏi còn lê nặng
kiếp tù
Con nghĩ mà đau
muôn nỗi nhớ
Tám năm lòng bạc
những thiên thu
.
Tám năm những tưởng
là vô tận
Rồi cũng qua như
tiếng rụng rời …
Thương nhớ nghe
chừng sông biển cạn
Nghe chừng gãy những
cánh chim bay
.
Con đi đã mấy miền
Nam Bắc
Ðâu cũng thì đau
đớn giống nòi
Con khóc hồn tan
thành nước mắt
Lâu rồi trời đất
hết ban mai
.
Tuổi con đã quá
thời nghi hoặc
Sao vẫn như người
đi giữa đêm
Tám năm áo rách
bao nhiêu lượt
Con vá chồng lên
những nỗi niềm
.
Con nhớ cội mai
già trước ngõ
Xuân này có gắng gượng ra hoa
Xót xa thế, thiết
tha là thế
Ðời mất đi từng mảng
thịt da
.
Căn nhà đã có thời
gian ngụ
Bụi mọt rơi và ngọn
gió qua
Thăm thẳm nghìn
đêm chong mắt đợi
Ai trầm luân đó
đã về chưa?
.
Con nhớ khu vườn
sau vắng lạnh
Mỗi cây làm chứng
một thâm tình
Quây quần bên mẹ
cha buồn bã
Như một phần con
đứng lặng thinh
.
Tám năm con thức
ngàn đêm trắng
Mơ sáng ngày mai
đời đổi thay
Con nắm tay mình
trong bóng tối
Hiểu rằng sống được
cũng là may
.
Tám năm con giấu
trong tâm tưởng
Thanh kiếm giang
hồ thuở thiếu niên
Mà đợi ngày mai
trời trở giấc
Ðem thân làm trận
lốc kinh thiên
.
Tết này con vẫn
chưa về được
Sông núi còn ngăn
những tấm lòng
Nên đành lấy nhớ
thương mừng tuổi
Cha mẹ già như
trúc trổ bông
* * *
Tết này anh vẫn
chưa về được
Chắc hẳn em buồn
như cỏ thu
Ngọn gió mùa xưa
hiu hắt thổi
Dòng đời nghe lạnh
nỗi thờ ơ
.
Tám năm hiu quạnh
vang mòn mỏi
Những tiếng vang
từ mỗi nhịp tim
Những tiếng vang
sâu từ cõi chết
Qua ngàn lớp cửa
nặng nề im
.
Con sông nước chảy
đôi miền nhớ
Biền biệt trôi,
ngày một một xa
Còn gọi nhau qua
từng giấc mộng
Bàng hoàng như một
cánh chim sa
.
Trong ấy mùa xuân
có đến không?
Mùa xuân hoa nở
má em hồng
Mùa xuân áo mới
như hy vọng
Nắng mật ngời lên
ánh mắt trong
.
Ở đây có lẽ xuân
không đến
Rừng núi chưa tan
giấc não nề
Thương nhớ tràn
như con lũ máu
Lòng anh đã vỡ những
con đê
.
Lòng anh đau nỗi
quê hương mất
Ðời bỏ đi chưa hả
nhục nhằn
Có chết cũng
thành ma vất vưởng
Ðêm về thương
khóc nhớ quê hương
.
Anh nhớ con đường
em vẫn đi
Cỏ hoa bối rối gọi
nhau về
Thời gian có ngủ
mê từ đó
Nhan sắc bây giờ
có ủ ê?
.
Anh nhớ bao điều
tưởng đã quên
Tình xưa như nước
chảy trăm miền
Tình xưa như hạt
cây khô rụng
Từ những mùa xa
lá phủ lên
.
Anh nhớ làm sao
mà chẳng nhớ
Căn nhà ấm tiếng
nói thân thương
Căn nhà như giấc
chiêm bao biếc
Có ánh trăng và
hương dạ lan
.
Làm sao em chẳng buồn cho được
Tám độ mai rơi hết
mộng vàng
Mái tóc ủ thời
con gái cũ
Bây giờ e cũng đã
phai hương
.
Tết này anh vẫn
chưa về được
Lau sậy già thêm
một tuổi xuân
Còn nhớ thương ai
miền gió cát
Bao giờ mới dứt
được trầm luân!
* * *
Tết này cha vẫn
chưa về được
Chắc hẳn con buồn
cạn tuổi thơ
Từ buổi cha đi,
nhà tróc nóc
Tuổi thơ thôi
cũng nhuốm bơ phờ
.
Từ buổi cha đi đời
lặng lẽ
Mắt nai héo đỏ nỗi
mong chờ
Mỗi lần có khách
đi vào ngõ
Con bỏ vui đùa đứng
ngẩn ngơ
.
Con sáo trong lòng con đã chết
Bé ơi sao bé mãi đi
tìm
Con kêu lạc giọng
ơi… ơi… sáo
Rồi khóc trong
chiều muộn nhá nhem
.
Tám năm mưa gió
qua rền rĩ
Chim nhỏ không
còn vui líu lo
Ngơ ngác tuổi thơ
người lớn sớm
Nhìn đâu cũng chỉ
thấy bơ vơ
.
Ðã tám năm rồi
con bỏ học
Cuộc đời như một
bát cơm thiu
Mỗi lần có phải
qua trường cũ
Con bước nhanh vì
sợ bạn kêu
.
Lần hồi rau cháo
mẹ nuôi con
Con lớn lên theo
vạn nỗi buồn
Mơ ước ngày sau
làm tráng sĩ
Ðem thân vào những
chốn đau thương
.
Ngày sau con dựng
ngôi nhà lớn
Trồng lại tình
thương dọc nẻo đời
Tạc lại con người
khôi việt đẹp
Làm nên thế giới
mới tinh khôi
.
Cha thương con biết
bao mà kể
Ôi mắt nhung reo
ánh nỗi niềm
Mái tóc tơ hồng
hương nắng hạ
Tuổi thơ mùi sách
mới lâng lâng
.
Xa con cha thấy buồn vô hạn
Như mất thêm lần
nữa tuổi thơ
Cha tiếc không
cùng con sống lại
Ngày vui cha vẫn
giấu trong mơ
.
Ôi cánh diều băng
mùa hạ cũ
Xương tàn còn đọng
ngọn tre cao
Ðến nay trời nổi
bao lần gió
Con tưởng oan hồn
vật vã đau
.
Tết này cha vẫn
chưa về được
Ðành hẹn cùng con
tết khác thôi
Con nhớ để dành
cây pháo cũ
Ðể dành một chút
tuổi thơ vui.
Tô Thùy Yên
.
Sau này, bài thơ
Ta Về, anh viết khi ra tù, đã trở thành một tuyệt tác, đưa tên tuổi anh lên tột
đỉnh thi ca. Bài thơ mà gần như người Việt khắp thế giới đều biết đến, ngay một
vài tờ báo văn nghệ trong nước cũng đã đăng tải, bình phẩm và ngợi ca. Bài thơ
rất dài, nhưng nhiều người thuộc nằm lòng, chỉ cần nhắc đến một vài chữ, như
“cám ơn hoa đã vì ta nở”… là biết ngay đến Tô Thùy Yên. Nhưng với tôi, bài thơ
“Tháng Chạp Buồn” lại gây cho tôi nhiều xúc động hơn, không chỉ nó mang nhiều
tâm trạng của “tám năm áo rách bao nhiêu lượt/ tôi vá chồng lên những nỗi niềm”
mà còn gợi lại nhiều kỷ niệm gắn bó giữa anh Tô Thùy Yên và cá nhân tôi trong
những năm tù ngục] - Tô Thùy Yên và những bài thơ viết trong tù, Phạm Tín
An Ninh
(Ngưng trích)
.
.................
Phụ lục:
.
Tiểu sử Tô Thuỳ
Yên
Tô Thùy Yên tên
thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gia Định. Bắt đầu có thơ đăng trên tạp
chí Sảng Tạo từ năm 1956, rồi sau đó trên các tạp chi Hiện Đại, Thế Kỳ Hai
Mươi, Văn... Ngoài thơ, còn viết truyện ngắn, và dịch sách ngoại quốc. Có lúc
chủ trương cơ sở xuất bản Kẻ Sĩ in lại nhạc tiền chiến và những tác phẩm Thanh
Tâm Tuyền, Thụy Vũ, và dịch phẩm André Malraux. Vào lính làm đến chức Thiếu tá
Trưởng phòng Thông tin Ấn họa Cục Chiến tranh Chính trị. Sau 75, bị bắt đi tập
trung cải tạo mười ba năm ở trại Bắc Thái miền Bắc, lao động đập đá, sau chuyển
về trại Hàm Tân, Phan Thiết, ngày ngày gánh phân. Được thả về khoảng năm 87-88.
Đầu năm 1989 cắt cườm tay tự vận, nhưng được cứu thoát. Cuối năm 1990, lại bị bắt
ở Saigon. Một năm sau được thả nhưng sổng trong tinh trạng quản thúc.Năm 1993
cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị.
Tô Thuỳ Yên, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, cùng với các hoạ sĩ Duy Thanh, Ngọc Dũng, là những người nòng cốt của nhóm Sáng Tạo, một nhóm sáng tác đã từng được biết đến với phong trào khai sinh “Thơ tự do” trên văn đàn miền Nam vào thập niên 60.
Thủ bút Tô Thùy
Yên, thư gửi Thi Vũ từ Saigon, có nói về vụ cắt cườm tay tự vận
Viết về Tô
Thuỳ Yên
- Thi Vũ nhận
xét về thơ Tô Thuỳ Yên:
“Ngôn ngữ thơ Tô
Thuỳ Yên mới và linh diệu. Tiết điệu thơ mạnh và hùng. Người đọc như kẻ trôi bè
trên dòng nước xiết. Càng về sau, thơ Yên toàn bích như rừng, như đá núi dựng sững
qua khắp dãy mùa trời. Khác với sự toàn bích đẽo gọt của ngọc trên món nữ
trang.
Tô Thùy Yên và
Thanh Tâm Tuyền là hai nhà thơ lớn khởi lên từ giữa thập niên 50. Lớn trong
nghĩa tân kỳ, trí tuệ và khai phá. Họ,muốn làm mới thơ, với nỗ lực đánh đổ một
quá khứ còn mê hoặc làm chậm chân người đương thời : dòng thơ văn tiền chiến. Từ
điểm khởi ấy, từ chung chịu ảnh hưởng thi ca Tây phương, đặc biệt thi ca Pháp,
hai người dựng lên cõi thơ mình bằng những đường lối riêng. Càng về sau, thơ Tô
Thùy Yên càng ngát lộng đông phương." (trích Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam
1945-1985» – Thi Vũ)
- Nguyễn Hưng Quốc
nhận xét về thơ Tô Thuỳ Yên:
"Tô Thuỳ Yên
đi tìm cái nghĩa của thiên nhiên và qua đó của sự sống chứ không phải đi tìm
cái đẹp, càng không phải đi tìm sự đồng cảm. Tô Thuỳ Yên đến với thiên nhiên để
tra vấn, để “mò đoán nghĩa dòng hư tự / mòn nét trong thiên địa”... Thơ Tô Thuỳ
Yên, nói như Võ Phiến là “một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời
của vũ trụ” (Võ Phiến, Thơ miền Nam, tập 1), hay nói cách khác, như một lời thơ
của chính ông, đẹp tuyệt vời: một “tiếng kêu réo đuối trong thăm thẳm”."
- Nguyễn Ngọc Tuấn
nhận xét về thơ Tô Thuỳ Yên:
“Thơ Tô Thuỳ Yên
là sự kết hợp hoàn chỉnh và đẹp đẽ giữa hai yếu tố mà giới phê bình lý luận văn
học tại Việt Nam thường nói đến: tính dân tộc và tính hiện đại. Có thể dễ dàng
tìm thấy trong thơ Tô Thuỳ Yên vô số những dấu vết của truyền thống bên cạnh vô
số những điểm cách tân độc đáo: cả hai hài hoà với nhau làm cho thơ ông, ở những
bài thành công nhất, có cái hoàn hảo của những tác phẩm cổ điển.” (Thi Viện)
.
Đây là một
trong những bài thơ nổi tiếng của Tô Thuỳ Yên :
.
Nhớ có lần,
trên Bắc khuya, nghe một lão đàn hát
(Tặng Đinh
Kinh Hiệt)
Ông lão khô quắt
như thanh đước
Đàn hát mưu sinh
bến Bắc đêm
Cổ vương oan khuất,
tay u hồn
Miết dây, xé giọng,
khóc nhân thế...
Âm bóng xưa về
quanh chiếu manh
Trăng thiếp, sao
mê, sông ráo gió
Buồn lan sóng nối,
tản không tan
Tiếng lên, tiếng
hạc, nỗi trong đục
Cổ bản đưa: Từ
phu tướng đi...
Mòn mỏi, thành
Nam, nghĩa sĩ tận
Kèn chiều tiếng lạ
quặn trời quê
.
Pháp trường úng
máu, khí xung uất
Ngần ấy năm còn
nghe rợn thiêng
Biệt đảo, mùa mùa
gió chướng nổi
Bè thả về không tới
đất liền
Bao phen nước cũ
thay danh hiệu
Mưa nắng bay lần
hơi hướm quen
Trăng chết đồng
xa, buổi mạt pháp
Áo đạo chìm cây cỏ
cấm sơn
Làng đã cháy, im
lìm bất trắc...
Người nhớ người
mà cũng sợ người
Trời ơi, những
xác thây la liệt
Con ai, chồng ai,
anh em ai?
.
Mùa nước nổi qua
mùa nước giựt
Đốt tay nào Thân
Dậu niên lai?
Em về giồng dưới,
qua bưng gió
Dạ bời bời nỗi sậy,
niềm mây...
Người còn, trời đất
còn chan chứa
Ghe thương hồ khẳm
điệu huê tình
Sông bảy ngã,
thương, còn gặp lại
Muối mặn, gừng
cay, trắng tóc xanh...
Chỉ cho con chỗ đời
xưa sụp
Cồn mới thành,
con tự nhận ra
Nước chảy, đừng
chờ khi xế bóng
Hối không làm việc
nghĩa trôi qua...
.
Ông lão khô quắt
như thanh đước
Cổ vương oan khuất,
tay u hồn...
Tình ý theo người
đi một đỗi
Một đỗi, dài hơn
bốn chục năm
(11.1999)
.
LỜI KẾT
Rất mong qua
bài viết tổng hợp này, các bạn sẽ hiểu thêm vài điều lý thú về
hai thi sĩ nổi tiếng của nền văn học Miền Nam Việt Nam trước 1975.
Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên.
.
Nguyên Lạc