Tôi vừa được biết thêm (chút xíu) về sinh hoạt của
giới thanh niên/sinh viên hiện nay, qua trang mạng của HaNoi
University of Industry:
“Trong các ngày từ 22/4 đến 24/4/2022, đoàn cán bộ Trường Đại
học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức tham quan, dâng hương tại các ‘địa chỉ đỏ’ –
địa danh lịch sử cách mạng tại dải đất miền Trung … Đây là hoạt động vô
cùng ý nghĩa của Đại học Công nghiệp Hà Nội trong những ngày tháng tư lịch sử.
Đến với các ‘địa chỉ đỏ’ trong những ngày này, các thế hệ cán bộ, viên chức được trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc, cảm nhận sâu sắc hơn sự hy sinh anh dũng, lòng yêu nước và ý chí cách mạng của các thế hệ đi trước.”
Sao mà phải ra tới tuốt miền Trung, xa xôi dữ vậy
kìa? Ngay tại Sài Gòn, “những địa chỉ đỏ” cũng đâu có ít. Báo Thanh
Niên cho biết:
Bên phải góc đường Hai Bà Trưng – Lý Chính Thắng (TP.HCM)
có một “địa chỉ đỏ” của chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân
Mậu Thân 1968. Đó là quán phở Bình nổi tiếng của vợ chồng ông Ngô Toại
(Ngô Duy Ái).
Vì có vị trí chiến lược nên ngôi nhà số 7 Yên Đỗ
(Lý Chính Thắng hiện nay) từ năm 1967 đã được chủ nhân cho cách mạng sử dụng
làm cơ sở bí mật của Sở Chỉ huy tiền phương phân khu 6, tập kết các chiến sĩ biệt
động để trực tiếp tham gia chiến đấu…
Ông Ngô Văn Lập, con trai ông Ngô Toại, nhớ lại: “Khi đó
tôi mới 12 tuổi. Từ 20 tháng chạp năm 1968, mỗi khi có ai đến ăn phở đáp đúng mật
khẩu theo quy định là tôi đưa họ lên tầng 2 cho các chú cấp cao …
Ngày 16.11.1998, ngôi nhà số 7 Lý Chính Thắng (quán phở
Bình) được Bộ Văn hóa trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia, trở
thành niềm vinh dự cho gia đình ông Ngô Toại…Mang mấy tập hồ sơ dày cộp ra bàn,
ông Ngô Văn Lập đưa chúng tôi xem bằng khoán điền thổ, trong tờ lược giải ngày
4.8.1967 có ghi rõ việc sang nhượng của chủ cũ cho ông bà Ngô Toại – Trần Thị Mỵ
với giá tiền tương đương 3.600 lượng vàng.
Sau này, cả ba anh em tôi đều đi bộ đội, tham gia chiến
trường Campuchia. Giải ngũ, tụi tôi về tiếp quản tiệm phở Bình buôn bán cho đến
giờ kiếm sống mà không được hưởng chế độ gì. Bao năm qua vất vả, ba hộ gia đình
chúng tôi gồm 16 người sinh sống trong khuôn viên quá chật hẹp do dành hết 1 tầng
làm khu trưng bày di tích, phải cải tạo bếp ăn cũ ngày xưa để làm nơi trú ngụ.
Tôi bị bệnh nan y không có tiền chạy chữa, mà nhà cửa là
di tích quốc gia nên không làm giấy tờ sở hữu hợp pháp để cầm cố ngân hàng vay
mượn được. Mỗi khi tôi mang hồ sơ lên phường xin hợp thức hóa đều bị bác vì lý
do “nhà đã xếp hạng di tích”, ông Lập bức xúc.
Ông Lập, tất nhiên, không phải là người đầu tiên hay
duy nhất “bức xúc” như vậy. Quanh ông thiếu gì những kẻ đồng cảnh
ngộ. Cách Phở Bình không xa là một “địa chỉ đỏ” khác – quán Thanh
Bò Tơ, của Mẹ Việt Nam Anh Hùng Đỗ Thị Bê, ở Hốc Môn – cũng đang lâm vào
trường hợp oái oăm tương tự.
Quán vắng tanh. Hình chụp ghế úp vào bàn (chắc cho
đỡ bụi) nhưng vì đây là “di tích quốc gia” nên không sang nhượng được.
Trước tình trạng sống dở (chết dở) của chủ nhân, nhà báo Uyên
Vũ góp ý:
“Ông Lập cứ xé quách cái quyết định di tích lịch sử đi, đồng
thời đập bỏ cái bảng hiệu có ngôi sao vàng to tổ bố chẳng giống ai, rồi cho thuê
mặt tiền để người khác kinh doanh những thứ bổ ích và sinh lợi. Chắc chắn ông sẽ
có tiền chữa bệnh, có tiền thuê một chỗ khác sống cho thoải mái cuộc đời. Giữ
mãi cái vòng kim cô làm gì!”
Rồi ra – có lẽ – cũng sẽ đến lúc chủ nhân của
những cái địa chỉ đỏ trên toàn quốc buộc phải hành sử thế thôi (“đập
bỏ cái bảng hiệu có ngôi sao vàng to tổ bố chẳng giống ai đi” – mẹ nó, sợ gì?)
chứ cứ dính mãi với gia tài của Đảng thì chắc chết, chết chắc.
Tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị thượng dẫn nhưng
vẫn còn rất băn khoăn về tình cảnh (thê thảm và bi đát hơn nhiều)
của vô số những nạn nhân khác, nhất là phụ nữ. Tuy không có bất
động sản bị in dấu (sao vàng) nhưng xác thân của chính họ thì đã
mang đủ thứ thương tật về thể lý, cũng như tâm lý, không thể xóa
nhòa.
Xin nghe qua mẩu chuyện nhỏ sau, về một cựu thanh niên
xung phong – quê ở Nga Sơn, Thanh Hoá – đã từng “tình nguyện” phục vụ
tại đường mòn Hồ Chí Minh:
Mỏi chân, chúng tôi rẽ vào một khu biệt thự kín cồng cao
tường, vườn cây um tùm rồi ngồi xuống một chiếc ghế dài granito trông sang một
vườn hoa nho nhỏ. Mất điện, tiếng máy nổ ầm ì ở trong mỗi biệt thự.
Như có trời xui, cách chúng tôi hai ba mét một phụ nữ ve
chai ngồi tựa vào hông chiếc ghế dài trống không. Tôi bảo ngồi lên ghế thì lắc:
“Cháu không quen ngồi vào thứ sang”. Cụ bạn bèn đến bên:
- Bây
giờ được ở trong các nhà thế này cô có quen không?
- Không
ạ!
- Cô
thấy nó đẹp không?
- Đẹp…
Nhưng cháu chỉ muốn Mỹ nó lại thả bom cho tan hết…
Chúng tôi trố mắt. Không ngờ tới câu trả lời dứt khoát,
đanh thép này chút nào.
Người phụ nữ nói tiếp: “Thế hồi đánh nhau đâu có như thế
này? Chả là đều nghèo như nhau cả thôi. Bây giờ đấy, đứa ăn chẳng có mà đứa thì
sướng quá vua. Biết trước là ra một trời một vực thế này thì chả đi hy sinh làm
gì.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù II,
Westminster, CA: Người Việt, 2014).
François Guillemot còn viết cả một thiên tiểu luận (Trực Diện Với Cái Chết Và Nỗi Đau: Vấn
Đề Thanh Niên Xung Phong Trong Chiến Tranh Việt Nam (1950-1975)) về
“hàng vạn thân thể phụ nữ bị hủy hoại, tàn phai, tật nguyền, và chao đảo mãi
mãi.” Công trình nghiên cứu này đã được Phương Hoà chuyển ngữ, và đăng
thành nhiều kỳ trên diễn đàn talawas (*).
Chúng tôi xin phép ghi lại đôi câu để rộng đường dư
luận, cùng với ước mong cũng được xem đây như một lời tri ân để gửi
đến tác giả và dịch giả:
- “Họ
là những người đi trước mà về sau. Trước những trận đánh, họ luôn luôn đi
trước để mở đường, xây dựng chiến tuyến, rồi trực tiếp tham gia chiến đấu,
cuối cùng, họ lại chính là những người về sau thu dọn chiến trường, tải
thương, chôn cất liệt sĩ.”
- “Đối
với những cựu TNXP tuổi đời chỉ khoảng 20, việc quay về đời sống dân sự ở
quê nhà là rất phức tạp. Sự hy sinh, khắc kỷ, dũng cảm trong những năm
tháng chiến tranh tương ứng với thương tật, đớn đau và rối loạn tinh thần
trong thời gian hòa bình… Những người này trở thành 5 không, sau khi cha mẹ
mất đi: ‘không chồng, không con, không nhà, không chế độ, và độc
thân.”
Thực là một “gia tài đồ sộ” mà “đến đời con chắc chắn
chưa trả được” – theo như nhận nguyên văn lời của nhà báo và nhà hoạt
động xã hội Nguyễn
Lân Thắng, trước khi ông bị bắt giữ vào hôm 05 tháng 7 vừa qua:
“Người ta đã phản bội tất cả những gì đã hứa với dân để vun vén cho quần thần,
cho gia tộc của họ. Tham nhũng tràn lan, đạo đức băng hoại, tài nguyên kiệt quệ,
công nhân làm đĩ, nông dân ăn mày, trí thức hạ mình, tổ quốc lâm nguy, nợ nước
ngoài đến đời con chắc chắn chưa trả được”
——————
(*) Chú
thích của talawas: François Guillemot là chuyên viên nghiên cứu tại
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), phụ trách kho tài liệu Việt Nam
tại Viện Nghiên cứu Đông Á (IAO, Lyon, Pháp). Ông lấy bằng tiến sĩ về lịch sử tại
Ecole pratique des hautes études (EPHE, Paris) năm 2003. Hiện ông nghiên cứu về
những vấn đề văn hoá trong chiến tranh của người Việt, và về chủ nghĩa dân tộc
phi cộng sản của người Việt, chẳng hạn như về Đảng Đại Việt. Tiểu luận này được
thuyết trình lần đầu tại hội thảo quốc tế, “Bản sắc cơ thể ở Việt Nam: Chuyển
hoá và Đa dạng”, tại Ecole normale superieure lettres et sciences humaines,
Lyon. Tác giả cảm ơn Christopher E. Goscha, Agathe Larcher, Claire và William
J. Duiker, Vatthana Pholsena, Tuong Vu, Edward Miller và Trang Cao đã giúp ông
dịch (từ tiếng Pháp sang tiếng Anh) và hiệu đính tiểu luận này để đăng trên
Journal of Vietnamese Studies vào mùa thu 2009.
Tưởng Năng Tiến