Ông già vừa bới rác vừa chúm môi hót như chim. Tiếng hót líu
lo thắp lên giữa không gian xám ngoắt cái không khí mùa xuân rực rỡ. Thằng bé
cùng lũ trẻ theo ông già vào bới đống rác trong chợ, lượm những củ khoai sùng,
những miếng sắn sượng, miếng đưa hấu ôi, cùi bắp non lởm chởm những hột sần sượng,
lá cải sâu ăn lỗ chỗ, héo quay héo quắt... rồi tranh nhau bỏ vào bọc ny lông
cho ông già.
Thằng bé nhìn ổ kiến lửa dưới chân, “Coi chừng tụi bay ơi, kiến lửa đấy!”
Lũ bạn lau nhau không để ý đến câu thằng bé nói. Nó quay qua
ông già, bắt gặp ông mới nhét vội miếng dưa hấu vào miệng, rồi phun vội ra và
cuống cuồng đập, vỗ, chà những con kiến đỏ bu đầy trên mặt. Thằng bé chạy đến
phụ ông phủi những con kiến chạy ngang chạy dọc trên nếp da mặt nhăn nheo. Những
con ruồi xanh bay túa lên từ đống rác khi lũ trẻ đi ngang qua. Mùi tanh bốc lên
từ đống vẩy cá làm thằng bé chun mũi lại.
Phủi kiến cho ông già xong, thằng bé hỏi, “Ông đói lắm à?”
Ông già lặng thinh nhìn thằng bé. Nó hiểu, dù những nếp nhăn
vẫn xếp như tấm vải nhàu trên trán ông già; dù không một chút vui, một chút buồn
nào lách được ra khỏi những vết cắt ấy của thời gian. Bỗng dưng thằng bé nghĩ đến
chuyện lấy trộm đồ ăn đem cho ông già. Nó hình dung nồi cá kho quắt queo trên
nóc trạn. Mẹ nó giấu trên ấy. Chó treo, mèo đậy. Các cụ vẫn dạy thế. Vừa để
trên cao vừa đậy nắp vung kỹ, là không sợ cả chó lẫn mèo.
“Ông đem mấy cái này,” thằng bé chỉ vào cái bọc nhớp nhúa những
thức ăn thừa nồng một mùi chua vữa, “Về cho ai vậy?”
“Về cho nhân gian đoạ đày!”
A, lâu lắm mới nghe được câu nói của ông già. Nhưng câu nói ấy
lại làm thằng bé ngẩn ngơ. Đi theo ông già nó hết nhẩy từ ngẩn ngơ này đến ngẩn
ngơ khác. Chả hiểu ông già nói gì, nhưng thôi, bỏ chuyện đó đi. Thằng bé ngước
mặt, gạ, “Cháu đi theo được không?”
Ông già lườm thằng bé bằng con mắt vằn vện dọc ngang những
gân máu đỏ, rồi lừ đừ cắn một miếng vỏ dưa hấu xanh. Tiếng vỏ dưa vỡ dòn rau
ráu. Chợt ông già ngưng nhai, hai con mắt nhăn nheo túm lại, cái miệng suýt
soa. Cái bực bội lẩn khuất trong giọng nói khao khao, “Bà nó, cái răng đau!”
Thằng bé hiểu cái đau của những chiếc răng sâu. Cái nhức nhối
luồn từ xương luồn ra chân chiếc răng đau, siết vòng quanh đầu, xoáy vào những
tuyến nước mắt, vắt ra những giọt nước mắt khô. Nó toan hỏi về cái răng đau của
ông già nhưng một con châu chấu cánh tím bay vù qua mặt nó. Con dế nào đó nỉ
non trong bụi cỏ. Thằng bé quên ngay ông già tóc bạc cùng chiếc răng đau.
Nó loay hoay đuổi theo con dế nhỏ luồn lách dưới đám cỏ xanh
ngắt dưới chân, nhưng con mắt vẫn ngó chừng ông già.
Ăn qua quắt xong, ông già ngước mặt nhìn mây trời. Rồi ông hắng
giọng. Một bàn tay xương xẩu vuốt cái bụng nhăn nheo hở hang dưới lớp vải mục.
Cặp môi khô sần sùi chúm lại. Lũ trẻ con ăn mặc xốc xếch, cả những đứa mũi rãi
lòng thòng cũng chợt lao xao. Thằng bé bỏ rơi con dế trong bụi cỏ, vạch đám trẻ
con, bước đến sát bên ông, như thể nó hơn những đứa bé khác ở chỗ máu mủ, ruột
thịt. Tất cả bu quanh ông già. Ông già lẳng lặng huýt sáo. Tiếng chim hót véo
von vọng ra từ đôi môi nứt nẻ như bờ ruộng cạn. Tiếng hót lên bổng, xuống trầm.
Tiếng hót của vô số loài chim gom lại để đón chào mùa xuân.
Một con chó ghẻ đỏ lòm từng mảng thịt trên lưng rỉ nước vàng
sục sạo tìm bới đống rác. Thằng bé nhổ nước miếng, ghê tởm, rồi lại quay ngoắt
đi theo cái lôi cuốn mê hoặc của tiếng chim hót véo von. Con chim nào đó trên
cành líu lo hót theo.
Cả một bầu trời phủ rợp bóng chim trong trí tưởng tượng của
thằng bé. Mùa xuân đã về. Chỉ một mình ông già mang được mùa xuân về với thôn
xóm hiền hòa. Xong, ông già ngước nhìn bầu trời đầy mây xám. Gió hiu hiu vờn những
sợi tóc ngả màu xám tro. Ông già dợm chân, sắp sửa bước đi.
“Nhân gian đọa đày ở đâu vậy ông?” Thằng bé gạt những đứa bạn,
vừa lẵng nhẵng bước theo ông già, vừa lau nhau hỏi.
Ông già lại lườm thằng bé rồi lặng lẽ ngồi thụp xuống bên một
đống rác nhầy nhụa máu me, vần vũ lũ ruồi xanh. Hai bàn tay khẳng khiu ông già
vục vào đống nhầy nhụa ấy, gom một nắm đầy những đầu cá lổn nhổn, lá rau sâu,
những cùi bắp, bẹ chuối non... tuồn đầy vào cái bao ny lông xám xịt. Xong việc,
ông nặng nề đứng dậy và lầm lũi bước đi. Thằng bé lủi thủi bước theo.
Tấu khúc của loài chim đã kết thúc. Lũ trẻ biết rõ như thế
và chúng tản mát như những con chó hoang quay đầu trở lại, sục sạo, tìm tìm, bới
bới đống rác trong chợ đen đặc những ruồi. Chỉ còn một mình thằng bé. Quần đùi ống
thấp ống cao, bỏ hở hai đầu gối trầy trụa. Áo ngắn tay có cái mầu không còn thể
đặt tên vì cũ kỹ. Thằng bé theo ông già băng qua cánh đồng vắt vẻo những hồ ao
soi bóng bầu trời nặng một mầu xám nhạt. Gió hiu hiu vỗ lên mặt thằng bé cái
mát mẻ cuối ngày. Con chuồn chuồn ngô cánh tím to bằng ngón tay cái chờn vờn
trên chiếc bông súng biếc xanh mọc sát lối đi. Thằng bé dừng lại, rón rén bước
xuống bờ ruộng. Bờ đất ẩm mát lạnh gan bàn chân. Hai ngón tay mở ra nhắm vào
đôi cánh rực rỡ một mầu tím óng ả. Thằng bé hồi hộp nhìn theo chiếc bóng khẳng
khiu của ông già phía trước. Con chuồn chuồn ngô đem về cho cắn rốn để biết
bơi. Chuồn chuồn có cánh thì bay, có thằng con nít thò tay bắt mày. Cũng may ở đây
không có đứa bé nào ong ỏng hát cái câu chết người ấy. Con chuồn chuồn vẫn thảnh
thơi ngọ ngoạy cái đầu tròn như hạt đậu. Thằng bé nín thở, mím môi, rón rén, cố
thu mình lại, mơ hồ như chiếc bóng. Nhưng con chuồn chuồn bay vút đi ngay khi
hai ngón tay vừa sẵn sàng kẹp lại; tưởng chừng như đã chạm được vào đôi cánh lưới
mỏng như lớp vải the non.
Thằng bé thở ra. Thua. Thôi thì cho nó sống vậy. Con chuồn
chuồn ấy, bắt về cho cắn rốn mấy đứa bạn, cho chúng nó sớm biết bơi, đổi lấy những
hòn bi ve đủ mầu, vui sướng biết chừng nào. Vậy mà lại bắt hụt.
Thôi thì chạy theo ông già xem nhân gian đọa đầy của ông ấy
là ai vậy!
Thằng bé vừa chạy vừa nhảy, chồm chồm như con bê lúc tung
tăng chạy theo vú mẹ. Ông già đang đi về phía những lớp hàng rào kẽm gai dầy đặc.
Hai lớp rào kẽm gai mọc lên trên nền đất um tùm cỏ dại. Rải rác đó đây trên lớp
kẽm gai nhùng nhằng ấy, gắn lưa thưa những trái lựu đạn không biết thật hay giả.
Đó là thế giới riêng. Thế giới bên kia hàng rào kẽm gai. Thế giới âm u, mờ ám của
những khuôn mặt chằng chịt vết chém của thời gian và nỗi chịu đựng. Bên trong,
lố nhố lũ người rách rưới đang bàn tán xôn xao.
Chờ cho thằng bé đến sát bên, ông già hất hàm, “Nhân gian đọa
đày ở trong ấy đấy!”
Ông già nói chuyện với nó. Vậy là ông già thích nó rồi. Từ lúc
biết ông tới giờ, thằng bé chưa bao giờ thấy ông già nói chuyện với ai. Cả người
lớn lẫn trẻ con. Bọn người rách rưới bên trong hàng rào kẽm gai, túa về phía
ông già. Ông già mở cái bọc ny lông. Mùi hôi, mùi chua vữa, mùi khăng khẳng...
bao nhiêu thứ mùi tỏa ra, tan vào không gian. Ông già bốc cái cùi ngô ném vòng
qua lớp hàng rào cao gần gấp hai chiều cao của ông. Đám người bên trong lao xao
đón bắt.
Trò chơi hào hứng. Thằng bé xấn tới, thọc tay vào cái bọc ny
lông của ông già. Những ngón tay vục vào đống lầy nhầy tanh tưởi. Nó cắn răng lựa
một miếng cùi bắp khác. Nó nhắm một người đàn ông râu ria rậm rạp, quăng vào.
Nhưng sức cánh tay trẻ con chỉ quăng được miếng cùi ngô đến được khoảng trống rậm
cỏ giữa hai lớp kẽm gai. Những người tù ồ lên tiếc rẻ. Con chó ghẻ luồn lách
qua hàng rào kẽm gai tìm cái vật thằng bé vừa mới quăng ra. Một người tù ném cục
đá trúng lưng nó. Con vật nhảy chồm lên, hoảng hốt, rồi cuống cuồng cúp đuôi ủng
oẳng chạy đi.
Ông già bẹo tai thằng bé bằng những ngón tay nhầy nhụa, máu
me, mắng, “Thằng ăn hại! Mày biết ông ấy à?”
“Cháu biết.”
Ông già lầm lì. Thằng bé tiếp, “Ông hiệu trưởng trường
cháu.”
Hai mí mắt ông già nhướng lên rồi lại chùng ngay xuống, khép
hờ những ánh nhìn tăm tối. Thằng bé nhìn ông già bằng con mắt ngưỡng mộ. Ông
ném thật tài tình, và lũ người bên trong hàng rào kẽm gai cũng đón bắt thật
khéo. Tiếng cười vui tở mở bên trong. Thằng bé thích thú nhìn những bộ xương
lăng xăng, chụp bắt trong trò chơi hào hứng. Thằng bé nhăn mặt nhìn người đàn
ông cao lòng khòng nhai ngấu nghiến miếng vỏ dưa hấu xanh. Cách một khoảng hàng
rào có hơn chục bước mà tiếng rau ráu nghe dòn tan.
Chợt tiếng hét từ xa vẳng lại. Hai người đàn ông súng ông
trên tay, rảo bước về phía hàng rào kẽm gai. Bọn tù tuông chạy và biến ngay vào
những dãy nhà cá hộp. Ông già quay đi, lầm lũi bước về con đường ngoằn ngoèo
cũ. Từ cặp môi khô nứt, tiếng hót líu lo buông ra, vắt vẻo trong không gian
mênh mông, lên tới tận những đám mây mầu xám trên cao. Tiếng hót, tưởng chừng
có thể làm tan đi những đám mây u ám, dẫn về một mùa xuân rực rỡ hoa đèn. Chắc
hôm nay ông già vui lắm, bởi vì có bao giờ ông làm chim hót trái giờ giấc như
thế này đâu.
Thằng bé lại lầm lũi đi theo ông già, cõi lòng mở ra cùng đất
trời của những chuyện thần tiên. Ừ ngày xưa có một người đàn ông thổi sáo giỏi
và hát rất hay. Chỉ tiếc một điều người đàn ông đó vô cùng xấu trai. Người đàn
ông đó tên là Trương Chi. Ông già không thổi sáo như Trương Chi, ông chỉ huýt
sáo, nhưng ông làm được tiếng chim hót líu lo. Tiếng hót của ông đến loài chim
còn lầm lẫn, đua giọng véo von hót theo. Trương Chi ngày xưa được một người con
gái yêu mê say đắm. Ông già này chỉ có lũ trẻ con rách rưới, sống lất lây trên
mảnh đất nghèo xác nghèo xơ. Nhiều đứa còn không được cắp sách đến trường, bởi
bận phụ giúp cha mẹ, hái rau, bắt ốc. Chắc ông già không phải là ông Trương Chi
trong cổ tích.
“Ông tên gì vậy ông?”
“Tao không có tên!” Ông già gầm gừ.
Thằng bé không sợ. Khi ông già lên tiếng, nó biết là lúc
đang có tin vui. Nó kỳ kèo, “Ông dạy cháu làm chim hót được không.”
Ông già lườm thằng bé. Cặp mí mắt ông nháy lia. Đó là lúc
ông già bối rối. Theo ông già hoài, thằng bé hiểu rõ cái tật dễ thương.
“Nhá ông!”
“Chỉ những con chim mới hiểu được lúc nào nên hót.”
Thằng bé trố mắt nhìn người đàn ông.
“Từ từ.” Ông già trấn an thằng bé. Chắc ông sợ nó buồn.
“Hôm nay ông dạy cháu một bài thôi cũng được.”
“Lộn xộn quá!”
“Chim sẻ được không ông.” Thằng bé vênh mặt lên cho ông già
thấy. “Cháu chúm môi như thế này được chưa.”
“Cái miệng mày tham ăn phải biết!” Ông già vừa nói vừa đưa
tay bóp môi thằng bé. “Nào thổi thử xem.”
Thằng bé phì một hơi thật mạnh.
“Sai hết! Chỉ có bò mới phì như thế thôi, thằng khỉ! Thổi lại,
nhẹ nhàng như gió mới được. Những con chim hót cho đời vui chứ không phải hét
cho đời buồn. Hiểu chưa...”
Có tiếng đàn bà réo gọi từ xa. “Tuân ơi, về ăn cơm.”
Thằng bé thấy bóng mẹ nó, nhỏ nhắn thấp thoáng sau những bụi
chuối hột lá xanh đu đưa trong gió. Nó gân cổ hét, “Con về liền.”
Ông già lầm lì, “Mày tên Tuân à.”
Thằng bé vừa dợm bước đi, bỗng đứng sựng lại, “Vâng. Còn ông
tên gì?”
“Đã bảo là không có tên.”
Trong bữa cơm chiều, mẹ hỏi, “Con đi chơi với ai ngoài trại
tù vậy?”
Tuân rụt rè, “Ông già... tóc bạc.”
“Ông già điên phải không?” Giọng mẹ sẳng và đượm chút giận dữ.
“Ông ấy đâu có điên!”
“Không điên mà ăn cá chết ở đống rác ngoài chợ.”
“Ông ấy nhặt cho mấy người tù.”
Mẹ ngần ngừ, “Con phải tránh ông ấy cho xa.”
“Sao vậy?”
“Đừng hỏi quanh.”
“Ông ấy thương trẻ con mà.”
Mẹ Tuân sựng lại một chút, suy nghĩ gì đó, rồi buột miệng,
“Ông ấy cùi đấy. Con có thấy cái bà cùi ngoài chợ không?”
“Con thấy ông ấy lành lặn mà.”
“Thấy vậy mà cùi nặng lắm đấy, nhớ tránh ông ấy cho xa.”
“Thật hở mẹ?”
Mẹ tránh tia mắt của Tuân, “Chứ sao, mai kia những ngón tay
ông ấy rụng hết cho mà coi.”
Tuân rùng mình, nghĩ đến khuôn mặt sần sùi với cái lỗ trống
huyếch, tối mò giữa khuôn mặt người đàn bà cùi thường lê la ngoài chợ. Và nó
nghe được, trong trí tưởng tượng, tiếng ruồi vo ve bâu quanh những vết thương lở
lói ở vành tai, ở lưng bàn tay, ở những ngón tay sần sùi, trụi lủi. Hình ảnh
ông già chập chờn trong trí. Mẹ bảo một ngày nào đó ông già cũng sẽ như thế.
Hai mí mắt thằng bé cay cay. Mai kia môi, mũi ông già rụng đi mất, ông làm sao
còn hót theo những con chim thường tíu tít trên những ngọn cây bàng, trên những
ngọn cây thông, những bờ bụi chuối xanh um trên khắp xóm thôn hiu hắt này.
Thằng bé nghĩ tới thầy hiệu trưởng phía sau hai lớp rào kẽm
gai. Nói chuyện ông già tóc bạc, mẹ sẽ mắng hoài, đổi qua chuyện thầy hiệu trưởng
vậy. “Sao thầy hiệu trưởng cũng phải ở tù vậy mẹ?”
Người mẹ lắc đầu như xua vội những ý nghĩ tối ám trong đầu.
“Mẹ không biết.”
“Hèn gì tên trường con cũng bị đổi luôn.”
“Lo ăn cho xong
đi!” Mẹ thằng bé mắng át đi những thắc mắc của con.
Đêm. Không nghe
tiếng chim hót. Lần đầu tiên đêm vắng lặng âm u. Chỉ có tiếng côn trùng râm
ran, tiếng ếch nhái ồm ộp. Thiếu đi tiếng loài chim ban ngày mà chuyên hót về
đêm ấy, thằng bé trằn trọc. Thường khi, chỉ cần lên giường, làm dấu thầm thĩ đọc
kinh xong, nằm xuống, lăn qua lăn lại hai lần là thằng bé nghe tiếng chim hót
líu lo. Nó hình dung ông già chúm đôi môi khô nứt nẻ như bờ ruộng trong cơn hạn
hán, thổi ra những tiếng hót trầm bổng. Tiếng hót la đà như con diều chao trong
trời chiều lộng gió. Tiếng hót véo von. Tiếng hót ấy dỗ thằng bé trôi lững lờ
vào giấc ngủ êm đềm, hạnh phúc. Thằng bé và những đứa bạn của nó. Cả những đứa
em của bạn nó; bé tí ti, cũng tương tư tiếng hót của loài chim hiếm quý. Đêm
nào loài chim hót muộn, những đứa bé trở trăn, rồi nhừa nhựa quấy mẹ, quấy bà.
Thằng bé chỗi dậy,
dở màn lên, chui ra. Tiếng muỗi vo ve nghe như xoáy vào tai làm thằng bé khó chịu.
Nó ra bàn rót nước uống. Rồi mở then cửa vòng ra sau bếp, đi tiểu. Đêm mờ mịt phía
sau. Bầu trời đen thẫm, đính những vì sao lấp lánh. Thằng bé nhìn về phía trại
tù, nơi lố nhố những túp nhà vuông vức choàng lên mình lớp kẽm gai nhùng nhằng
những ống lon sét rỉ. Những hình khối tùm hụp tối tăm làm lòng thằng bé vướng
chút lo âu. Có con cóc nhảy lộp bộp bên bụi cỏ. Hai con đom đóm chập chờn quyện
lấy nhau, lập lòe trong bóng tối. Đêm ma quái dị thường.
Hơi lạnh của đêm
vỗ lên da thịt. Thằng bé hít một hơi dài, nhìn vào bóng đêm, nơi dân làng họp
chợ. Hình ảnh những sạp gỗ chỏng chơ chồng chất lên nhau. Giữa những ghế bàn
trơ trọi ấy, ông già tóc bạc ngủ co quắp nơi nào?
“Tuân!”
Thằng bé giật
mình quay ngoắt lại. Tim vỡ
tan tành trong lồng ngực. Mẹ đứng trong khung cửa, tay cầm chiếc đèn con. Ánh lửa
hạt đậu vàng vọt, leo lét soi lờ mờ khuôn mặt người đàn bà mướt xanh, hằn rõ
nét lo âu. Mái tóc rối bung xõa xuống trước ngực.
“Làm gì ngoài đấy
vậy?”
Thằng bé lủi thủi
bước vào nhà, đứng nép bên cạnh mẹ, “Mẹ ơi, đêm thế này ông già tóc bạc ngủ ở
đâu?”
“Khéo vẽ chuyện.
Vào ngủ đi, mai còn đi học.”
“Mẹ ơi, ông già
đâu có chăn, màn...”
“Thì kệ người ta,
việc gì con phải hỏi...”
Thằng bé định một
đêm nào đó sẽ mò ra quán chợ, tìm ông già...
Từ đó, ngôi làng
vắng đi bóng dáng lẻ loi của ông già tóc bạc. Tiếng chim cũng không còn líu lo
quanh ngôi làng nhỏ bé ấy nữa. Lũ trẻ buồn ngẩn ngơ.
Vậy mà một hôm
thơ thẩn bắt dế gần hàng rào kẽm gai bao quanh trại giam, tình cờ thằng bé bắt
gặp ông già tóc bạc. Vẫn cái áo lính bạc phếch vá nhằng nhịt. Vẫn chiếc quần
rách ống cao ống thấp, vẫn hai chân trần xám ngắt cái mầu bùn đất, bụi bặm. Thằng
bé quên ngay những con dế đang gáy rúc rích dưới mề cỏ. Thằng bé nhìn đăm đăm
những ngón tay sần sùi của ông già, cố đếm xem có ngón nào bị rụng chưa, miệng
nó tíu tít, “Ông ơi, ông làm gì trong đó vậy?”
Nhận ra thằng bé,
mắt ông già ánh lên cơn vui. Giọng ông thều thào như gió, “Làm lớn lắm.”
Thằng bé bỡ ngỡ
không biết nói gì. Phần vì cái giọng đầy hơi gió phều phào khó nghe, phần vì những
ngôn từ bí hiểm. Ông già tiếp, cụt ngủn, “Tình báo.” Thấy thằng bé ngơ ngẩn, ông
già hất hàm, “Mày biết tình báo là gì không?”
Thằng bé lắc đầu,
“Sao ông không làm chim hót nữa vậy, cháu nhớ tiếng chim sơn ca...”
Ông già ngước
nhìn bầu trời. Thằng bé ngểnh cổ chăm chú ngó ông. Ông già nhìn lướt những cụm
mây bông gòn. Phía bên trong hàng rào kẽm gai nhìn ra, hẳn bầu trời cũng bị cắt
thành hàng trăm, ngàn mảnh nhỏ.
Chợt cái giọng
khàn khàn mắng mỏ, “Chúng mày lắm chuyện!”
Không buồn bận
tâm đến cái giận dỗi trái mùa của ông già, thằng bé nỉ non, “Ông phải làm chim
hót, chúng cháu mới ngủ được.”
“Không có con
chim nào hót trong lồng đâu, thằng ranh con ạ!” Lâu lắm mới lại nghe được ông
già nói thành câu thành kệ hẳn hoi.
“Ông không làm
chim hót, em cháu không chịu ngủ, nó quấy mẹ cháu suốt đêm.”
Đôi con mắt đỏ ngầu
gân máu của ông già ngước lên nhìn bầu trời xám ngắt đám mây nặng trĩu cơn mưa.
Rồi ông nặng nề cúi xuống nhìn thằng bé. Giọng ông phều phào như thiếu hơi, “Về
đi, nó lại bắt vào đây bây giờ.”
Ông hất hàm về
phía cái tháp canh, nơi có người lính lăm lăm khẩu súng dài đen đúa.
Đôi chân thằng bé
dán xuống bờ cỏ xanh. “Để cháu nói mẹ cháu đem đồ thăm nuôi cho ông.”
“Về đi, thằng
ranh con. Có muốn ở tù hay không thì bảo!”
Thằng bé lấy hết
can đảm, hỏi một câu cuối cùng, “Phải ông bị cùi không vậy?”
Ông già trợn hai
con mắt ngoằn ngoèo tia máu đỏ, rồi hai mi mắt nặng nề ấy sụp xuống, như không
gánh vác nổi cái xót xa đeo dính trên những nếp nhăn dúm dó. Thằng bé cuống cuồng
lủi đi như con chồn nhỏ.
Lâu lắm Tuân mới
lại trở về làng cũ. Những cây bàng vẫn như ngày nào. Ba cây thông sần sùi góc cạnh
trước nhà vẫn ném xuống những quả thông khô gồ ghề, nhám nhúa. Người đầu tiên
mà nó muốn tìm gặp ngay là ông già tóc bạc. Phải quanh quẩn bên hàng rào kẽm
gai cả tuần lễ, Tuân mới thấy lại được cái bóng gẫy khúc của ông già.
Ông già nhìn nó
đăm đăm, “Mày đấy hả?”
Tuân gật đầu.
“Ông khỏe không vậy?”
Ông già trả lời bằng
một câu hỏi, “Mày lại tìm mấy con chim hồi xưa phải không?”
Tuân phải nghiêng
đầu lắng nghe mà vẫn không chắc là mình hiểu hết câu nói của ông già tóc bạc.
Giọng ông đổi thay quá lắm. Nghe như tiếng gió yếu ớt lùa qua tấm phên che cửa
nhà.
“Phải không?”
Tuân yếu ớt gật đầu.
Giọng ông già như
gió thoảng, “Bây giờ có muốn cũng chả hót được nữa rồi!”
Tuân trố mắt nhìn
ông già. Mấy tháng trời, nó như thành người lớn, còn ông già đã thành người của
xứ sở xa xôi nào. Cái lưng còng xuống như thân cây tật nguyền. Cái mặt vêu vao,
xương xẩu. Những lóng xương ngón tay ông già run run, chậm chạp đưa lên rờ rẫm
cái mặt nhăn nheo. Thằng bé chờ xem ông già sẽ làm gì. Những ngón tay ông già vạch
hai bờ của bờ ruộng môi khô hạn, chìa cho thằng bé xem một cái miệng chỉ còn những
nướu răng xám xịt.
“Người ta nhổ hết
răng rồi, có muốn tao cũng chẳng còn làm chim hót cho ai được nữa. Thằng ranh
con ạ! À mà mày tên gì nhỉ?”
“Tuân, cháu tên
Tuân.”
“Tao vậy... coi
như bỏ đi rồi. Cháu về, tự tập cho mình tiếng hót một loài chim thôi. Một là đủ
rồi. Nhân gian đọa đầy cần tiếng chim hót. Về ngay đi. Về đi!” Ông già gằn giọng,
“Không khéo tụi nó bắt vào đây bây giờ...”
Trong ánh nắng
chiều xiên xiên, Thằng bé thấy cái miệng móm mém của ông già nhóp nhép hệt như
cái miệng bà cụ bán rau muống đầu ngõ lúc bỏm bẻm nhai trầu. Đi được một quãng
xa, thằng bé dùng dằng đứng lại. Niềm thương cảm đầy ắp trái tim, trào lên hai
mí mắt cay nồng. Nó thấy, nhòe nhoẹt trong vạt nắng xiên nghiêng, cái môi dúm
dó của ông già phều phào câu dặn dò cuối, “Lúc nào lại, nhặt cho tao ít đầu cá
ngoài chợ, cháu nhá!”
Hoàng Chính