23 July 2022

TÌNH YÊU… GIỜ THỨ 25 - Phượng Vũ

Viết cho những người yêu nhau vào…lúc cuối đời

Như thường lệ Chúa nhật hằng tuần, tôi đến thăm Viện Dưỡng Lảo (Nursing home), ngôi nhà chung của những người già yếu bệnh tật phải ngồi xe lăn, mà BS Đổ Hồng Ngọc đã từng mô tả:

“Họ ngồi đó
Gục đầu
Nín lặng
Ngửa cổ
Giật nhẹ tay chân…”

Đa số là vậy, nhưng không phải tất cả. Dù sao họ vẫn cần thấy những nụ cười để cảm nhận cuộc đời còn có chút niềm vui, hay những lời thăm hỏi để thấy cuộc sống còn ấm áp tình người.

Nhờ vậy họ có dịp “mở miệng” ra để “nói với đời”. Nếu không cuộc sống họ chỉ là chuỗi ngày “nín lặng”, là những chiếc bóng âm thầm đi bên cạnh cuộc sống lúc chiều đã xế tàn! Mỗi Chúa nhật chúng tôi đến để đẩy xe lăn đưa họ ra nơi cầu nguyện chung, cùng đọc kinh chung, nghe đọc Phúc âm, rồi họ được rước Mình Thánh Chúa, hát vài bản thánh ca, để âm nhạc có dịp đi vào đời sống “buồn tênh” của họ. Sau đó lại đẩy họ về phòng riêng hay tới phòng họp lớn, nơi đó thường có các nhóm Volunteer đến “ca hát cho đời mua vui” giúp họ phần nào quên lãng những ngày tàn bóng xế của mình.

Trong hoàn cảnh đó tôi quen Sandy, hình như bà là người Mỹ duy nhất trong nhóm cầu nguyện hằng tuần. Ở VDL này đa số là Việt Nam hay Mễ và người Mỹ thì thật hiếm hoi, có lẽ vì vậy mà Sandy ít có bạn. Do đó tôi thường hay chiếu cố đẩy xe lăn cho Sandy để có dịp nói chuyện đôi câu với bà. Tôi hiểu rõ nổi cô đơn và lạc lỏng của Sandy khi ở trong môi trường mà chung quanh toàn những người lạ không cùng ngôn ngữ. Sandy khoảng ngoài 60, có khuôn mặt trái xoan, nước da trắng, cặp mắt xanh lơ và mái tóc hoe vàng. Có lẽ khi trẻ Sandy cũng từng một thời “nhan sắc”, mà ai lại chẳng đẹp khi tuổi còn xuân.

Một lần trước mùa Xmas tôi đưa tặng Sandy 1 món quà Xmas nhỏ (vì tôi biết đây là tập quán lâu đời của nguời Mỹ). Sandy cảm động nắm lấy tay tôi cám ơn và ân cần mời tôi tham dư đám cưới của S vào tháng tới. Tôi ngạc nhiên quá đỗi vì trong VDL mà cũng có đám cưới sao?? Tôi không tin vào tai mình nên phải hỏi lại cho chắc, S gật đầu và dặn dò tôi nhớ có mặt ngày đó để chung vui với S. Tôi thầm nghĩ một đám cưới đặc biệt đây! nên thế nào cũng phải thu xếp giờ để tham dự. Nhưng khi về nhà, chợt nhớ lại tôi đã plan đi về VN và thời điểm đó tôi không có mặt ở Mỹ.

Tuần sau tôi đến gặp S mang theo 1 món quà nhỏ và 1 tấm thiệp để chúc mừng đám cưới S, và xin lỗi vì không thể tham dư đám cưới S được, để bù lại tôi sắp xếp thời gian ngồi lại nghe S tâm sự về mối tình cuối đời của mình: Sandy găp John ngay trong VDL này, John đã ở đây 10 năm, còn S mới ở đây được hơn 2 năm. Sandy chỉ cho tôi nhìn thấy John ngồi ở phía xa kia, John tuy đã 70 (vợ chết) và ngồi xe lăn, nhưng xem ra vẫn còn “bãnh trai”, có lẽ tuổi trẻ cũng từng một thời “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” như BS ĐHN đã nói :

Mới hôm qua thôi…

Nào tài tử
Nào giai nhân
Ngựa xe
Võng lọng…

Vì ở VDL này quá ít người Mỹ nên đã đẩy họ lại gần với nhau hơn. Từng ngày qua những ân cần, chăm sóc, “tập đi” với nhau, lo lắng cho nhau và hiểu nhau (vì cùng văn hóa, cùng ngôn ngữ ) đã biến đổi tình bạn lúc ban đầu của họ thành tình yêu lúc nào không hay. Quả là họ đã dần cảm nhận:

Từng chiều xuống hay đêm dịu dàng
Đã đi vào nỗi đời riêng
Đã cho hạnh phúc thầm kín

Với bao ngày sống buồn vui
Có những tình yêu tìm thấy” (TCS)

Và giờ đây họ muốn công khai ” hạnh phúc thầm kín” đó của mình bằng một lễ cưới chính thức để được Chúa chúc phúc, mọi người thân quen chúc lành cho “tình yêu giờ thứ 25” của họ. Thực tế hơn, sau khi chính thức thành hôn họ được BGĐ của VDL chọ phép họ được dọn về ở chung 1 phòng ( 1 phòng trong VDL có 2 giường) để từ nay họ có thể bầu bạn sớm tối, cận kề bên nhau, lo cho nhau…Khi Sandy kể về tình yêu của mình, về niềm hạnh phúc viên mãn sắp đến của mình, tôi đọc được niềm vui tỏa sáng trong đôi mắt màu xanh biếc, gương mặt Sandy tươi trẻ và đẹp hẳn ra. Đúng là:

Tuổi già không ngăn được tình yêu

Nhưng tình yêu có thể ngăn được tuổi già

Tôi chúc mừng cho “tình yêu vừa tìm thấy” của S và hứa sẽ cầu nguyện cho hạnh phúc cuối đời của Sandy được viên mãn. Đúng là Sandy và John đã thực hiện được câu nói nổi tiếng “Mọi người sinh ra đều bình đẳng…đều có quyền mưu cầu hạnh phúc.” chứ đâu phải quyền “đi tìm hạnh phúc” là chỉ dành riêng cho giới trẻ. Tôi nghĩ có lẽ chỉ dân Mỹ mới dám làm như vậy chứ VN thì e không dám! Hạnh phúc của Sandy và John đã mở ra cho tôi một cách nhìn mới: Tình yêu có thể đến ở bất kỳ độ tuổi nào, ở bất kỳ hoàn cảnh nào, dù là ở VDL, dù là ngồi xe lăn, dù là sức khỏe yếu kém…cuộc đời vẫn có thể nở những đóa hoa Hy vọng . Có lẽ đúng như TCS nói: “Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để biết rằng nơi ấy còn có những bông hoa” chứ không phải chỉ “ ngồi mơ mộng giữa hoàng hôn muôn đời, trong cõi chết”.

Viện dưỡng lão không phải là nơi xấu, đó là mái nhà cần thiết của những người già đau ốm bệnh tật sống cuối đời. Nhưng dù điều kiện có tốt đẹp đến đâu thì cũng thiếu một thứ rất quan trọng và cần thiết. Đó là nhu cầu về tình yêu thương gia đình, sự quan tâm gắn bó với người thân yêu

…………………………………………

Tôi về Việt Nam để đi hành hương và làm công tác từ thiện, đó là lần đầu tiên tôi về VN mà không bị ràng buộc về thời gian với công việc và gia đình nên tôi ở tới 3 tháng. Trong 3 tháng đó, tôi “bụi đời” theo chân các nhóm từ thiện đi ta bà khắp mọi miền đất nước, đến những nơi mà người dân cảm thấy: “chúng tôi nghèo qúa rồi, nghèo riết rồi nên không thấy mình nghèo

nữa, khổ quen rồi cho khổ luôn”. Và nếu nói theo ngôn ngữ của BS Phong trưởng đoàn thì chúng tôi đi làm “Đại gia” vì đi tới đâu cũng:

“…Thấy gì ngoài cảnh khổ

thậm chí không thể nào nghèo khó hơn!

Vùng quê hẻo lánh

Hoang sơ và lạc hậu

Mình đã có tất cả những gì 

Mà bà con không có…”

Chúng tôi lang thang từ Bắc vô Nam, nói Bắc cho oai vì thực ra chúng tôi có vượt sông Bến Hải để đi về bên kia “vĩ tuyến 17 ” làm từ thiện ở một vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Bình, mà đường đi đến xa hun hút, ngoằn ngoèo như đi vào hang động bí hiểm, nên vừa đi vừa hồi họp. Do đó tôi thích nhất là đi về phương Nam vì khung cảnh phương Nam có nhiều “sông sâu nước biếc” vừa dài vừa rộng, đồng lúa mênh mông xanh ngát nên tính tình người dân phương Nam cũng phóng khoáng, thoải mái. Cách nói năng đơn sơ, thật thà, chất phác không khách sáo màu mè… Một chiều ghé nhà dân ngủ qua đêm để sáng mai công tác sớm, tôi ra nhà sau phụ lo bửa ăn tối, dì chủ nhà vui vẻ nói:

– Gọi dì là dì 7, cho dì biết cô thứ mấy để dễ gọi? (Tôi thích cách xưng hô kiểu này của người Nam khá hay, đơn giản mà thân tình, chứ người lạ chưa hề quen biết hỏi tên và gọi tên có vẻ “vô phép” với người trên và “sổ sàng” với người dưới)

– Dạ thưa dì: thứ 3

– Vậy cô 3 lặt dùm rổ rau này, để tui lo chuyện khác nha.

– Dạ được, dì 7 cứ để đó.

Buổi tối ăn xong, tôi tìm sách để đọc, lục ba lô mới biết quên ở nhà. Tôi có tật mê đọc sách, đi đâu cũng thủ theo sách để đọc, bất kỳ ở chỗ nào có thể đọc được (phi trường, nhà ga, bến xe, phòng đợi…). Nhìn quanh ngó lên kệ sách thấy có cuốn tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đây là nhà văn trẻ miền Nam mà tôi rất thích đọc. Văn phong của cô giản dị hồn nhiên, nhưng đậm chất tình người, tiêu biểu cho phong cách sống của người dân phương Nam chân chất.

Tôi bèn đi kiếm Dì 7 để hỏi mượn sách đọc, dì 7 vui vẻ trả lời:

– Tủ sách đó là của con Tư, nó là cô giáo dạy trên tỉnh, cũng mê đọc sách lắm. Cô 3 cứ mượn coi, khi nào dìa nhớ trả là được

– Dạ cám ơn dì 7 nhiều lắm!

Tôi cầm cuốn truyện trong tay, lật mục lục coi truyện nào hấp dẫn đọc trước, vì sợ không có giờ đọc hết. Tựa đề “Bà già đi bụi” đập vào mắt tôi, coi bộ hấp dẫn nha! Vì thường “đi bụi” là dành cho giới trẻ hay những nguời lãng tử, mà đây lại là bà già nhà quê mới gân chứ! Vậy là nó thu hút tôi đọc trước tiên:

Ngoại và bồ của ngoại? Ngoại có bồ?

“Bà già đi bụi” không cần kể lể ông ngoại đã mất, bà vợ người tình của bà bây giờ cũng đã khuất núi … Truyện kể cho ta nghe những điều hồn nhiên, dí dõm của cuộc sống “già mà không già” Rằng “bà ngoại và ông bồ của bà vẫn trêu đùa từng nét ăn nét ở khi đã về già của nhau; vẫn nhớ nhung nhau khi chiều sập xuống, nắng hửng lên; vẫn chưa hề biết mệt, biết chán đường xá xa xôi, đò xe cách trở trong những lần “đi bụi” để tìm tới nhau mong được sống bên nhau theo kiểu “Sống bên nhau thật là hồn nhiên”. Và còn điều này, cả hai đều yêu thích vẻ đẹp và sự khoáng hoạt của thiên nhiên, tâm hồn còn trẻ trung chán vì cả hai đều thích xê dịch… ta bà đây đó.” Nghe tả cuộc tình giờ thứ 25 mà sao thấy cũng đầy nét lãng mạn và tình tứ quá chứ! thì ra tình yêu ở tuổi nào cũng có những nét đẹp riêng của nó.

“Bà già đi bụi” đã thực hiện được ước muốn của bà bao nhiêu lần cả thẩy rồi ? Thương bà ngoại quá đi thôi, hình như số lần bà ngoại đi trọn một chuyến xe, chuyến tầu như dự định (để gặp “ bồ” cho dù chỉ là dăm ba ngày ) rất thưa thớt, rất ít ỏi nếu so với những lần khăn gói ra đi mà không thành. Lý do của những lần bà ngoại quay về còn đáng thương hơn …là vì con, vì cháu, đứa này bịnh bất ngờ, đứa kia mới bị đau bụng, thằng nhỏ vừa chơi dao đứt tay… Thế đấy, thì ra cản trở lớn nhất cho những chuyến “đi bụi” của bà ngoại, cho ước mơ được sống những ngày cuối cùng cuộc đời “ theo ý mình” chỉ vì bà ngoại còn thương lo và trách nhiệm với đám con cháu. “Gái Lớn biết ngoại có mối tình ở đâu đó rất xa, vài tháng lại hẹn hò một lần, và những chiều nắng đẹp ngoại hay đờ đẫn…. Giống như Gái Giữa vẫn nhớ ngoại đã từng nói muốn dành những năm tháng cuối đời để sống cho mình, nhưng sao khi ngoại nhìn bản đồ để biết đường đi, ngoại thấy mỗi năm xuất hiện một vài con đường mới, riêng con đường mình thèm cất bước sao cứ khép dần…” Nghe sao mà thấy thương quá đỗi!

Với văn phong “rặt” tính cách người dân phương Nam, cách nhìn nhận đời sống nhẹ nhàng, không câu nệ hình thức bên ngoài, hay đạo đức theo kiểu “Tiết hạnh khả phong”, Nguyễn Ngọc Tư đã dẫn người đọc vào thế giới những người yêu nhau vào giờ thứ 25 của cuộc đời Cảm nhận ra, biểu hiện được những trăn trở, những khát khao, những nghĩ suy còn sống động, tươi tắn, còn phập phồng nhận và cho – tức những gì “chưa chịu già” ở những con người đang “lão hóa”, đang chịu sự đào thải tự nhiên – đó mới chính là thái độ đồng cảm, biết trân trọng lớp người tuổi tác ở ngòi bút Nguyễn Ngọc Tư. Từ đây, chúng ta sẽ hiểu vì sao nhà văn như ấp ủ, như nâng niu, chằm bẵm trên bàn tay mình mãnh tình cuối đời của “Bà già đi bụi”. Một cuộc tình dám sống thật với lòng mình vì khi trái tim còn đập là vẫn còn yêu, dám nói lên nguyện ước sống những ngày cuối đời theo ý mình. Quả là 1 tư tưởng tiến bộ lớn mà những người già VN ở Mỹ chưa chắc đã dám sống và làm như vậy hay có làm thì cũng chỉ làm trong lén lút. Tôi thầm nghĩ đâu phải chỉ có Sandy và John ở Mỹ mới dám sống cho tình yêu cuối đời của mình mà ở đây, một miền quê xa lắc cách 1/2 vòng trái đất,”bà già đi bụi” cũng không ngần ngại dám sống theo tình yêu giờ thứ 25 của mình. Hoan hô tinh thần “bà già đi bụi”, chỉ tội nghiệp” bà già đi bụi” còn bị ràng buộc nhiều bởi sự cần giúp đở của con cháu. Tôi chợt nhớ tới lời hứa sẽ cầu nguyện cho hạnh phúc cuối đời của Sandy được viên mãn, mà thôi có lẽ chẳng cần thiết vì Sandy đâu có tội nghiệp như “bà gìa đi bụi” vì còn bận lo cho con cháu. Hoàn cảnh sống của Sandy và John trong viện dưỡng lão đâu có gì bận tâm về gạo tiền, cơm áo, nhà cửa…thăng tiến nghề nghiệp như những cặp vợ chồng trẻ mới cưới khác, nên họ chỉ cần enjoy tình yêu giờ thứ 25 của họ mà thôi…Nhưng ở đời có nhiều điều “tưởng vậy mà không phải vậy”.

Tôi trở lại Mỹ sau 3 tháng “ta bà” làm “đại gia” ở Việt Nam. Nói kiểu này sẽ có nhiều người hiểu lầm “Đại gia” là chơi sang là giàu có hơn người, vì có nhiều “Việt kiều” khi về nước vẫn thích khoe khoang ta đây là “Việt kiều” nhất là “Việt kiều Mỹ” lại càng có giá hơn. Trong cách ăn mặc, nói năng, sinh hoạt họ hay làm ra vẻ ta đây khác người, họ thích vào những nhà hàng sang trọng, họ thích đeo nhẫn hột xoàn thiệt bự, với những nữ trang đắt tiền, đeo bóp loại xịn. … Để làm gì? để mọi người nể phục hơn chăng? để bị “chém giá” hay là để dễ làm mồi cho kẻ cướp tấn công? Giá trị một con người đâu phải ở cái “mác” hay những thứ ta đeo bên ngoài mà là những phẩm chất bên trong. Hơn nữa ông bà mình thường nói “Nhập gia tùy tục”, nên khi về VN tôi muốn mình hòa nhập như 1 nguời VN bình thường, khi đi làm từ thiện “ai sao, tui vậy” mấy em ngủ trên nền nhà, tui cũng vậy, mấy em lội bộ, tui cũng lội theo… Trong đoàn tui ít để ai biết tui “xuất xứ” từ đâu? chỉ có lần cuối, tôi sợ đoàn về tới Saigon trễ, thì tôi sẽ không đủ giờ chuẩn bị kịp ra phi trường cho chuyến bay về Mỹ, nên nhắc trưởng đoàn đừng ghé chỗ này chỗ kia nhiều quá. Thế là thỉnh thoảng có em chạy đến hỏi :

– Ủa, cô từ Mỹ về hả cô?

– Ừa, thì cô vẫn là nguời Việt Nam mà, có gì khác đâu em…

Sau khi về Mỹ, Chúa nhật đầu tiên tôi đến Viện dưỡng lão hơi trễ, vì chưa kịp thích nghi giờ giấc ngày và đêm, nên lúc đến nơi thì mọi người đã bắt đầu giờ cầu nguyện. Tôi đưa mắt tìm Sandy, tôi có mang cho Sandy một món quà nhỏ. Ủa sao xe lăn Sandy lại tách ra ngồi ở 1 góc riêng ? mặt Sandy buồn xo ? Tôi đưa tay làm hiệu chào, nhưng Sandy cúi mặt nên không nhìn thấy. Mọi lần tôi thấy Sandy hăng hái ngồi xe lăn cạnh mọi người và còn đọc được kinh Tin Kính bằng tiếng Việt, tôi vẫn khen Sandy đọc kinh Tiếng Việt giỏi. Chuyện gì đã xảy ra vậy?? Tôi những tưởng sẽ thấy lại khuôn mặt Sandy ngập tràn hạnh phúc sau đám cưới. Trong đầu tôi hằng loạt câu hỏi xuất hiện: Hay là John đã phản bội Sandy, như thái tử Charles đã phản bội công nương Diana ngay sau đám cưới? Thiệt là “Ôi đàn ông, hỡi đàn ông!” đó là đề tài mà mấy chị bạn thúc hối tôi viết hoài, nhưng chưa có dịp, rồi tui sẽ viết! Nhưng ngẫm nghĩ lại… không đúng vì John ngồi xe lăn làm sao đi đâu được mà lăng nhăng với ngoại tình như chàng thái tử kia, cái thứ mà chỉ mới nhìn mặt là tui đã thấy ghét rồi. Thứ đó mà có cho không tui, tui cũng liệng cho cá sấu ăn vì vừa xấu người vừa xấu nết! Tui bực quá vì không tìm ra được lý do giải thích nỗi buồn của Sandy. Đầu óc tôi đâu có tập trung cầu nguyện gì được đâu, cứ lẩn quẩn với những câu hỏi: Hay là Sandy có người thân mới qua đời? Hổng phải luôn, vì Sandy đã từng nói với tôi, Sandy không còn ai là người thân trên đời. Tôi nhớ 1 lần dịp Tết, Sandy muốn chụp hình chung với tôi, nên tôi đỡ Sandy đứng dậy khỏi xe lăn rồi nhờ một y tá chụp hình dùm, tôi choàng tay quanh người Sandy và Sandy ôm eo tôi. Chụp hình xong trước khi buông tôi ra Sandy xiết người tôi rất chặt, tôi chợt nhớ tới câu “Đôi khi cái ta cần nhất, chỉ là một cái ôm” (Sometimes, a hug is all what we need), tôi hiểu Sandy đang cần “một vòng tay yêu thương”, nên tôi rất mừng khi Sandy từ nay đã có John. Nhưng tại sao bây giờ sau đám cưới Sandy lại buồn sầu không hạnh phúc? Chẳng lẽ Tình Yêu không có thật trên cõi đời này sao? vì vậy:

“dù trái tim em thiết tha

em vẫn phải khổ đau

vì khó gặp Tình Yêu

giữa cuộc đời này”?

Một câu hỏi, nhiều câu hỏi…chưa có lời giải đáp, đành phải đợi sau buổi cầu nguyện thôi…

Tôi đang loay hoay với những suy nghĩ của mình, khi nhìn lên đã thấy tới phần cho rước lễ. Tôi ngạc nhiên: “Ủa sao hôm nay Sandy không rước lễ??” Một điều lạ! trước đây tôi thấy Sandy luôn rước lễ đều đặn hằng tuần mà. Hèn chi xe lăn Sandy ngồi tách ra một bên. Hơn nữa nếu lúc này Sandy đang buồn lại càng cần phải rước lễ để mình có thể tâm sự với Chúa những buồn đau của mình mới phải. Câu hỏi cũ chưa được giải đáp, lại thêm thắc mắc mới, không biết nó có liên hệ gì với nhau không?. Tôi thấy ấm ức quá, nên vừa kết thúc giờ cầu nguyện là tôi chạy vội tới, ngồi xuống cạnh xe lăn của Sandy nắm tay mà hỏi liên tiếp;

– Sau đám cưới đáng lẽ phải vui mà sao Sandy buồn quá vậy? Chuyện gì đã xảy ra? Sao hôm nay Sandy không rước lễ ?

Những câu hỏi của tôi như khơi trúng nguồn mạch ẩn ức và sầu khổ mà bấy lâu Sandy cất giữ trong lòng, vì không có ai chia sẻ, nên vừa nghe tôi hỏi, 2 hàng nước mắt của Sandy tuôn xối xả. Nhìn khuôn mặt đầm đìa nước mắt của Sandy mà thấy xót xa trong lòng, tôi vội lấy khăn giấy từ trong bóp ra để thấm những giọt lệ , rồi ôm bờ vai Sandy:

– Hãy bình tỉnh kể cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra vậy?

Sandy nói trong tiếng nức nở, đứt quảng vì nghẹn ngào:

– Họ cấm… không cho tôi rước lễ…vì…tôi đám cưới…

– Ai? ai vậy?

Sandy đưa tay chỉ về phía mấy người trong nhóm phụ trách giờ cầu nguyện. Nghe vậy, tôi vội buông Sandy ra để chạy đi hỏi thăm liền, không thôi họ sẽ về hết. Tôi đến gặp 1 chị trong nhóm phụ trách:

– Chị có biết ai ra lệnh cấm không cho Sandy rước lễ ?

– Cha xứ mình chứ ai, tụi tôi chỉ có nhiệm vụ thi hành thôi.

– Thiệt vậy sao?

– Chị không tin thì đi mà hỏi cha, mà chuyện này đâu có liên quan gì tới chị, sao chị quan tâm quá vậy?

Câu hỏi này khiến tôi nhớ đến lời 1 bài thánh ca mà tôi rất thích hát vì quá ý nghĩa:

“Cuộc đời đầy những thở than, tiếng khóc chất chứa trong muôn vàn

Xin cho con đến ủi an, đỡ nâng mong quên đi u sầu” (ND)

Liên quan tới niềm vui hạnh phúc và nỗi khổ đau của 1 con người, làm sao bảo tôi đừng quan tâm và làm ngơ cho đành! Tôi nhớ lại câu chuyện hồi học GL, má hay bắt chị em tôi đi lễ mỗi chiều, nhất là chiều thứ 6 đầu tháng, dù bận bất cứ chuyện gì cũng không được phép bỏ. Một buổi sáng giờ ra chơi, tôi đang đi dạo quanh sân với các bạn cùng lóp, thì V T chạy tới nhét miếng giấy nhỏ vào tay tôi (1 kiểu nhắn tin thời xưa), tôi mở ra xem: “Tao đang đau khổ sắp chết. Chiều nay mày nhớ lại nhà tao.” Tôi nhìn V T gật đầu, dù biết chiều nay tôi rất bận, ngày mai tôi lại có môn thi, nhưng tôi không thể từ chối khi bạn đang đau khổ và cần đến mình. Không biết từ lúc nào tim tôi rất dễ nhạy cảm với nỗi đau của người khác. Chiều đó sau khi làm xong những việc bổn phận trong nhà, tôi xin phép má tới nhà bạn “chép bài”, vì nói thiệt má không cho đi. Tôi dắt xe ra cửa má còn dặn theo “Nhớ về sớm, chiều nay thứ 6 đầu tháng không được bỏ lễ” – “Dạ, con biết rồi”.

Tôi đến VT mừng rở ra mở cửa đón tôi vào, VT ở nhà có một mình. Thực ra tôi biết T đang đau khổ vì yêu đơn phương, 1 tình yêu không lối thoát. Tôi đến chỉ để nghe T kể lể về tình yêu và nỗi đau của mình, T cần 1 người lắng nghe, để vơi bớt niềm đau, chứ về mặt tình yêu tôi còn quá ngây ngô, biết gì đâu mà “cố vấn”. Hai giờ trôi qua nhanh, tôi phải về để kịp giờ đi lễ kẻo bị má rầy, nhưng khi tôi dắt xe ra cổng, T níu xe lại rồi nói trong nước mắt: “Mày đừng bỏ tao 1 mình lúc này, tao đang cô đơn quá!”. Nhìn và nghe T nói tôi không đành lòng đi, thấy vậy T vội dắt xe tôi trở vô nhà. Tôi thầm nói với Chúa: “Chúa ơi, chắc lúc này T cần con có mặt bên cạnh hơn là Chúa cần con có mặt ở nhà thờ, Chúa đồng ý với con như vậy không?”. Chắc Chúa đang gật đầu vì con luôn thấy Chúa hay “chạnh lòng thương” với những người đau khổ. Lát nữa về má có rầy thì ỉ ôi, xin lỗi chắc cũng xong…

Tôi đang lái xe đến nhà thờ gặp cha xứ, bỗng thắc mắc: “Ủa, cha đâu có tới VDL hồi nào, sao cha biết vụ này mà ra lệnh cấm?”, chắc là có ai “méc” đây! Người VN mình có thói quen hay tò mò, soi mói chuyện người khác rồi đem đi kể tùm lum. Về khoản này, tôi rất thích Văn hóa Mỹ luôn tôn trọng sự riêng tư của người khác. Tôi nhớ hồi học GL các bạn tôi hay nói: “Đó là loại người thích lái xe GMC đâm sầm vào đời tư người khác”. Qua Mỹ rồi cũng vậy, mấy lần đi họp chung tôi thấy mấy bà hay thắc mắc thấy nguời này làm cái này, người kia làm điều kia thì có tội không? để chi vậy? sao không tự “xét nét” mình mà cứ lo để ý “xét nét” người khác tội hay không tội? Phán xét là chuyện của Chúa, đâu phải nhiệm vụ của các bà. Cuộc đời của quần chúng thiếu chiều sâu, nên cứ bềnh bồng và trôi nổi như thế! Mới đây trong bản tin hành trình về thăm lại “chốn xưa” của những người vượt biển tìm tự do, tôi vừa nghe kể lại về sự tích”miếu 3 cô” rất linh thiêng trên đảo Ga lăng: Trong chuyến vượt biển đầy cam go, nguy hiểm các cô đã bị hải tặc hãm hiếp dã man… Niềm đau, nỗi nhục đã quá lớn, vậy mà “đám đông” còn dèm pha, dè bĩu…khiến các cô phải tự sống cách ly . Nhưng họ còn chưa chịu buông tha, luôn nghĩ xấu về các cô…Chịu đựng không xiết các cô đã treo cổ lên cây đa tự tử để thoát khỏi “miệng đời” độc địa. Quả là đau lòng:

Biển sóng biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng nằm đau
Biển sóng biển sóng đừng xô tôi
Đừng xô tôi ngã giữa tim người” (TCS)

Trong luật Đạo đối với tôi luật Yêu Thương phải là luật lớn nhất và căn bản nhất, tất cả các luật khác phải đi sau luật này, tôi hy vọng hoàn cảnh đặc biệt của Sandy, 1 người mà bệnh tật đày đọa cả thân xác lẫn tâm hồn sẽ được cha xứ thông cảm, vì cha cũng là 1 nhạc sĩ, chắc tâm hồn cha sẽ dễ đồng cảm với nỗi đau của tha nhân. Nhưng thật hoàn toàn bất ngờ khi tôi vừa đề cập đến trường hợp của Sandy thì cha trả lời ngay:

– Ai bảo già rồi còn ham lấy chồng, không làm thủ tục tiêu hôn cũ, nên theo luật giáo hội, không cho rước lễ. Vậy thôi!

Chúa ơi, nghe sao mà sững sờ, sao mà “vô cảm” khiến tôi “nín lặng” luôn, vì đâu còn lời gì để nói thêm. Ngày xưa Chúa đâu có “vô cảm” đến vậy, Chúa Luôn “chạnh lòng thương” trước những nỗi khổ của người khác như trong đọạn phúc âm Chúa thấy bà góa khóc trong đám tang đứa con trai chết, dù bà chẳng hề xin, Chúa cũng tự động “chạnh lòng thương” mà làm phép lạ cho con trai bà sống lại. Vậy mới là Chúa nhân từ và hiền lành đáng cho cả nhân loại yêu kính. Tôi nhớ ngày xưa Chúa cứu người, thì bị nhóm biệt phái kết tội Chúa vi phạm luật ngày Sabat (cấm không được làm gì hết, dù là cứu người!) Chúa cũng đã từng nói “Ngày Sabat phục vụ con người chứ không phải con người vì ngày Sabat”

Tôi ra về mang theo nổi ấm ức trong lòng, tuy đúng là nó không liên can gì tới tôi, nhưng tôi rất bất nhẫn trước trường hợp của Sandy. Làm sao ta có thể đành lòng ngăn cấm 1 người tha thiết đến với Chúa, mà khi không được rước Chúa thì lòng người ta tan nát nước mắt tuôn rơi lã chã! Không, tôi không tin luật Chúa lại khắc nghiệt đến thế! Tối đó tôi đã tình cờ đọc được trong cuốn “Nhật ký Đức Giesu” (LM Pio NĐ Hậu): “Dường như ai cũng đau khổ, không bằng cách này thì bằng cách khác. Đau khổ bao trùm trên thân xác và trên lương tâm của nhân sinh. Nhưng không có nổi thống khổ nào phi lý cho bằng nổi thống khổ do tôn giáo gây nên…Đau khổ vì những khoản luật không phục vụ nhân sinh; đau khổ vì đường lối mục vụ nghiêm khắc đến tàn nhẫn; đau khổ vì tình yêu đối với Chúa bị thay thế bằng nổi khiếp đảm…” Đọc mà thấy thấm thía làm sao! Đáng lẽ Luật phải uyển chuyển để phục vụ con người thì lại trở nên cái ách đè lên đầu cổ con người. Như bản tin đau lòng tôi mới vừa đọc: Ở Dubai 1 người cha to lớn khỏe mạnh đã vật nhau với 2 nhân viên cứu hộ để ngăn cản họ đang xông vào cứu đứa con gái 12 tuổi của ông sắp chết đuối trên biển vì ông muốn giữ đúng luật “Không một người đàn ông lạ nào được đụng đến thân thể con gái” của ông. Kết quả con gái ông đã chết đuối, khi người ta phỏng vấn cảm nghĩ của ông về cái chết của con gái, ông điềm tĩnh trả lời :”Chẳng thà nó chết còn hơn là vi phạm luật để đàn ông lạ sờ vào thân thể nó”!!??

Có thể cách nhìn của cha xứ là cách nhìn của người quản lý, còn cách nhìn của tôi là cách nhìn của người trắc ẩn. Tôi không biết cách nhìn của tôi đúng hay không ? Nhưng tôi nhớ lại câu nói của ĐGH Phanxico : “Chủ chiên phải. …có mùi của chiên” nghĩa là phải gần gủi, hòa đồng, cảm thông… đặc tính nổi bật của mục tử tốt lành phải là nhân hậu và thương xót…”. Hãy ngắm nhìn cuộc sống quanh ta bằng con mắt thiện cảm và một tấm lòng bao dung.

Sau lần đó tôi luôn mang nỗi khắc khoải về trường hợp của Sandy, tôi hay chia sẻ với mọi người và bắt đầu quan tâm tới thủ tục “tiêu hôn” và rước lễ. Có lẽ để trả lời nỗi băn khoăn “Hãy hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay!” mà 1 lần tôi đọc được tài liệu về phiên họp Thượng Hội Đồng bàn về “Rước thánh thể”: ” Thánh Thể và hòa giải là điều cần thiết đối với người ta. Ta nói với ai đó: “bạn sẽ không bao giờ được hòa giải cho tới khi chết”. Điều này không thể tin được nếu cha thấy rõ hoàn cảnh. Tôi xin đưa ra một thí dụ. Trong tinh thần “Niềm Vui Tin Mừng”, ta phải nhìn ra Thánh Thể là thuốc chữa đối với người ta, để giúp người ta. Ta phải tìm cách để người ta được Rước Lễ. Chứ không phải tìm cách ngăn cấm họ! Ta phải tìm cách chào đón họ. Ta phải dùng óc tưởng tượng để đặt câu hỏi: “Ta có thể làm được điều gì chăng?”. Đúng là “Được lời như cởi tấm lòng”, nhưng Thượng hội đồng tòa thánh thì xa quá, trong khi giáo xứ thì gần theo kiểu”Quan thì xa, sai nha thì gần”, tôi phải làm gì để giúp Sandy được rước thánh thể trở lại, để Sandy xóa bỏ nổi khổ đau của “đứa con bị ruồng bỏ, bị cách ly”.

Tuy có khuynh hướng linh động và cởi mở, nhưng tôi cũng không thích kiểu vô luật lệ, vô trật tự. Như trong 1 lớp học, 1 tổ chức, lúc nào cũng cần phải có những luật lệ chung và mọi người phải tuân theo nhưng cũng phải linh động tùy từng trường hợp. Một thời gian sau, tôi rủ chị bạn Công Gíao dạy cùng trường đi với tôi đến thăm Sandy để tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể ra sao, xem có cách nào giúp đỡ Sandy tiến hành thủ tục tiêu hôn theo luật giáo hội chăng? để Sandy sẽ được rước lễ trở lại…Có lẽ sau một thời gian cảm thấy mình như người bị ruồng bỏ, bị loại ra, Chúa nhật Sandy ở lại trong phòng không ra tham gia giờ cầu nguyện nữa. (Đây có phải thay vì dùng luật để đưa mọi người về với Chúa, thì lại dùng luật lệ giáo hội để ngăn chặn, để đuổi giáo dân đi? ) Chúng tôi đến gỏ cửa phòng, Sandy mời vào, một căn phòng ấm cúng với ảnh Chúa , Mẹ trên cao. Ngay sát cửa ra vào treo bức hình lớn ngày cưới của Sandy và John, nhìn nụ cười Sandy trong hình tôi cảm nhận: “Đây là một hạnh phúc thật, rất thật, dù đó là một đám cưới mà cả “cô dâu chú rễ” đều ở tuổi xế chiều và đều ngồi xe lăn. Quả là Hạnh phúc vẫn hiện diện dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào”. Chúng tôi khen hình đám cưới đẹp, Sandy bèn lôi ra từ trong ngăn kéo cuốn Album lớn toàn hình đám cưới cho chúng tôi xem. Chúng tôi hỏi thăm về cuộc sống lứa đôi của Sandy hiện nay, S vui vẻ kể và luôn kèm theo chữ “wonderful”, tôi thầm nhủ nhưng cái “wonderful” đó đang bị luật lệ của Giáo hội như đám mây mờ che phủ khiến cho Sandy phải rơi lệ! Nhìn sang tường bên cạnh giường S, tôi thấy hình Sandy lúc trẻ là 1 cô gái Mỹ thông minh xinh xắn. Ô kìa! cạnh bên là Văn bằng tốt nghiệp “Master Degree” Khoa học tâm lý giáo dục của Sandy từ 1 trường đại học ở Ohio. Thật là 1 bất ngờ khiến tôi và chị bạn nhìn nhau, rồi bật cười:

– Chắc là mai mốt mình phải tới đây nhờ Sandy cố vấn tâm lý cho nhiều vấn đề của cuộc sống mà đôi khi mình cũng thấy rối rắm

– Vậy là mình trở thành người cần giúp đở chứ không phải Sandy!

Chúng tôi kể lại cho Sandy nghe câu chuyện, S cười cho biết trước đây S từng làm cố vấn tâm lý cho các sinh viên đại học. Và quả cuộc sống luôn là những chuỗi bất ngờ, S bắt đầu kể lại cuộc đời thăng trầm nhiều dâu bể của mình: Sandy là con gái duy nhất trong 1 gia đình giàu có, ba mẹ S là chủ nhân 1 xí ngiệp lớn, do đó Sandy được nuôi dưỡng trong 1 môi trường giáo dục tốt nhất (S học trường đạo từ nhỏ). Khi lên đại học, cô gái Sandy xinh đẹp lại con nhà giàu đã lọt vào mắt xanh của 1 chàng sinh viên hào hoa cùng trường. Vậy là mối tình “trai tài gái sắc” đó đã nhanh chóng thăng hoa. Sau khi S ra trường, tình yêu đó đã được kết thúc bằng 1 lễ cưới long trọng trong 1 thánh đường lớn. Ở với nhau được gần 2 năm, S từ từ khám phá ra chàng trai kia đến với mình không phải vì tình yêu chân thật mà là vì nhắm tới gia tài kếch xù của ba mẹ S. Sau khi moi được một số tiền từ S nhưng không “đào mỏ” được từ ba mẹ S như ý hắn mong muốn, hắn ta đã lạnh lùng bỏ rơi S và chạy theo 1 cô gái giàu có khác. Trong quá trình kể chuyện cho chúng tôi nghe, S lập lại nhiều lần câu “Money is not the most important” (Tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất trên đời). Có lẽ S bị ám ảnh bởi người chồng lúc nào cũng coi tiền bạc là quan trọng nhất. Thành thử đôi khi sự giàu có về nhan sắc và tiền bạc của người phụ nữ không phải là lợi điểm mà lại là mối nguy hiểm vì nó thu hút những tên đàn ông ham tiền, ham sắc bu đến để âm mưu chiếm đoạt rồi phá hủy cuộc sống mình.

Nói tới vụ tiền bạc tôi chợt nhớ mới đây tình cờ tôi xem 1 game show trên tivi VN, 1 câu hỏi được đặt ra: ” Người vợ mong đợi gì nhiều nhất nơi người chồng?” Có 1 thí sinh trả lời :”Chung thủy”. Tôi thầm nghĩ : “đúng quá rồi!” vì tôi cũng là phụ nữ nên tôi hiểu. Không dè trật lất, câu trả lời đúng nhất là “Tiền”! Thật là quá bất ngờ quan điểm sống của thế hệ trẻ bây giờ quá khác xưa, hèn gì ngày nay các cô ca sĩ, hoa hậu, người mẫu toàn kiếm lấy đại gia, dù biết đại gia lúc nào cũng có hằng tá người tình, miễn có nhiều tiền là được. Buồn 5′ vì mình trở thành “cổ lổ sỉ”, nhưng không sao “đường ta, ta cứ đi”

Sau cú shoc quá đau lòng đó, S tự nguyện khép kín lòng mình và tự hứa sẽ không bao giờ nhìn mặt bất kỳ tên đàn ông nào nữa vì quá sợ! Đó là lý do mà S không bận tâm tới việc làm thủ tục tiêu hôn, hơn nữa trong thực tế có phụ nữ nào sau 1 cuộc hôn nhân tan vỡ đau đớn mà lại nghĩ đến thủ tục tiêu hôn…để làm gì? để tính đến với 1 người đàn ông khác chăng? No Way! hay nói theo kiểu VN “bị 1 lần là tỡn tới già”. Sandy dọn về ở chung với ba mẹ, chăm sóc ba mẹ và S đã giữ được lời “tự hứa” đó của mình trong mấy chục năm dài, dù lúc đó S vẫn còn trẻ đẹp và có nhiều người theo đuổỉ. Cuộc đời những tưởng êm trôi như vậy nào dè khi ba mẹ lần lượt qua đời vì tuổi già sức yếu, S nghĩ mình sẽ ở lại trong ngôi nhà thân yêu đó cho tới khi lìa đời. Đâu ngờ lạm dụng lòng tin tưởng tuyệt đối của ba mẹ S, tên quản lý đã làm việc với gia đình S mấy chục năm trời “giở mánh” biển thủ toàn bộ tài sản, nhà cửa…của gia đình S và đẩy S ra khỏi nhà với 2 bàn tay trắng. S bị khủng hoảng trầm trọng nên rời bỏ Ohio về CA với niềm hy vọng khôi phục lại tinh thần. Nhưng “họa vô đơn chí” S rơi vào cơn bệnh thâp tử nhất sinh, khi cơn bệnh lui đi S trở thành người tàn phế phải ngồi xe lăn. Không nhà cửa, không tiền bạc, không người thân, bệnh thì chưa hết nên người ta đã gửi S vào VDL này để sống những ngày còn lại cuối đời. Đúng là “Sad Story”, cuộc đời là 1 chuỗi dài những vô thuờng: sắc đẹp, giàu có, sức khỏe, danh vọng…”giật mình bỗng chốc hóa hư không”

Chúng tôi hỏi thăm xem S còn nhớ giáo xứ nào đã làm giấy hôn thú cho S trước kia? S khẽ lắc đầu, gần 40 năm rồi còn gì! S chẳng còn giữ bất cứ giấy tờ gì liên quan đến cuộc hôn nhân bất hạnh ấy, nhất là sau trận đau thập tử nhất sinh Sandy gần như không còn nhớ nỗi điều gì. Bạn tôi chép miệng: “Với hoàn cảnh như vậy mà bắt S phải làm thủ tục tiêu hôn như bao nhiêu người khác là 1 sự tàn nhẫn và thiếu tình người”

Trước khi ra về tôi hỏi đùa:

– Sao Sandy nói “khép lòng mình” lại rồi mà bây giờ còn yêu John?

– Sandy cười: “Vì bây giờ tôi thực sự 2 tay trắng, tài sản chẳng còn, sắc đẹp cũng không, lại thêm bệnh tật rồi ngồi xe lăn nữa, nên chắc chắn John phải đến với tôi bằng tấm lòng chân thật. Đó là điều làm tôi cảm động! Chúng tôi đến với nhau, nương tựa nhau, an ủi nhau mà sống những ngày còn lại cho lòng mình đỡ trống vắng cô đơn!

Tôi gật đầu tán đồng ý kiến của Sandy:

– Sandy nói rất đúng, tôi nghĩ Chúa nhân lành hiểu thấu lòng S. và Chúa sẽ chúc phúc cho S. Đôi khi người thế gian không hiểu mình, nhưng quan trọng Chúa hiểu mình là đủ rồi. Sandy có tin như vậy không?.

– Tôi tin chứ! Tôi còn nghĩ mối tình cuối đời này là món quà Chúa cho để an ủi tôi, sau bao nhiêu dâu bể, thăng trầm của cuộc sống!

– Vậy Sandy đừng buồn nữa, hãy vững tin vào Chuá. Tôi sẽ tiếp tục đi hỏi thăm các cha trẻ, hy vọng sẽ có lời giải đáp tốt cho trường hợp của Sandy.

Lúc ấy John đi hóng nắng ngoài sân đã trở về rủ Sandy ra cùng “tập đi” với nhau. Nhìn hình ảnh họ 1 tay khoác vào nhau, 1 tay vịn vào tường để cùng nâng đỡ nhau bước đi từng bước nhỏ, tôi thấy đó quả là 1 hình ảnh đẹp của 1 tình yêu chân thật lúc cuối đời và chắc Chúa không nở từ chối chúc phúc lành cho tình yêu của họ…

Nhớ lời đã hứa với Sandy, trong 1 dịp tỉnh tâm với cha NguyễnTuấn Long, tôi đã nêu lên trường hợp của Sandy và xin cha 1 lời giải đáp.

– Luật lệ được lập ra để cứu rỗi con người chứ không phải để sát phạt con người; 

– Thiên Chúa phán xét con người tùy theo lương tâm của mỗi người, nên con người có tự do phải sống theo lương tâm của mình, cho dù có những điều không đúng luật là những gì được phác họa theo nguyên tắc chung chứ không thể nào bao gồm từng trường hợp khác biệt và dị biệt.

Ôi nghe cha trả lời mà tôi thấy nhẹ cả lòng, kẻo tôi sẽ bị “các bà” cho là “rối đạo”. Ngoài ra cha còn nêu lên lời nhắn nhủ Giáo hội của ĐGH Phanxico: “ Cởi mở tâm hồn… mang lại an ủi, cảm thương, liên đới và quan tâm đến những người đang sống trong những tình trạng bấp bênh, đau khổ trên thế giới ngày nay”. ĐGH kết luận: “Ước gì tiếng kêu của họ trở thành tiếng kêu của chúng ta và cùng nhau chúng ta có thể phá vỡ hàng rào của sự dửng dưng lãnh đạm là thái độ đang lan tràn, che đậy sự giả hình và ích kỷ”.

Cha NTL kết luận cụ thể : “Nếu là tôi, tôi sẽ cho người đó rước lễ” rồi cha bỏ nhỏ: “Hãy đi đến 1 giáo xứ khác…”

Và không phải đó chỉ là quan điểm riêng của cha, mà sau này trong 1 buổi nói chuyện tại TTC Giáo, cha Nguyễn Thanh Sơn ( Tiến sĩ thần học về luân lý) cũng nêu lên cùng quan điểm “Chỉ có Chúa mới là người có quyền phán xét và nên nhớ “cấm kết tội nguời khác” cũng là luật của Chúa!” Nghe xong những lời cha giải thích, tôi như cất đi 1 gánh nặng trong lòng bấy lâu, nhưng với tình trạng ngồi xe lăn như Sandy làm sao đi tới 1 giáo xứ khác? Nhưng dù sao tôi cũng sẽ đi gặp Sandy để kể lại cho S nghe những lời cha nói.

Khi tôi trở lại VDL nhân dịp nơi đây đang tổ chức mừng Tết VN, tôi đến phòng thấy S đang khoác áo đỏ và cầm trên tay áo khoác xanh cho John, họ lo lắng chăm sóc cho nhau. Sandy vui vẻ báo cho tôi biết, họ đã nộp đơn và được trên chấp thuận. Họ sẽ dọn tới 1 VDL thuộc 1 thành phố khác, cách đây khoảng 20′ lái xe, nơi đó phòng rộng rãi thoáng mát hơn và nhất là có nhiều người Mỹ hơn. Ôi thật là tốt quá, “dọn đi” vậy mà sao tôi tối dạ quá, không nghĩ ra, chắc Chúa đã thương chỉ đường cho Sandy . Tôi đưa S ra phòng họp lớn và đề nghị chụp 1 tấm hình nhân dịp “có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”, Sandy và John hân hoan đẩy xe lăn lại gần nhau rồi xiết tay nhau, cùng nở nụ cười hạnh phúc. Nhìn 2 bàn tay “già nua” xiết chặt với nhau, tôi cảm tưởng họ đang nói với nhau lời nói chân tình: “Dù thu úa, đông tàn…mình sẽ vẫn bên nhau cho hết phần đời còn lại”. Tôi chạy ra sân trước hái 1 đóa hoa vô tặng Sandy để chúc mừng Sandy sẽ được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn với tình yêu giờ thứ 25 của mình mà vẫn không phải rời xa Thánh Thể Chúa.

Hôm đó tôi ra về mà cảm thấy lòng mình vui vẻ hân hoan

” Trên đường, tôi đi tìm hạnh phúc

Dọc đường tôi thấy 1 cô gái đang khóc vì tủi thân

Chẳng biết lấy gì an ủi, tôi hái 1 đóa hoa tặng cô.

Hương thơm đóa hoa, cũng làm cho tôi dễ chịu”

Phượng Vũ