16 July 2022

TUYẾN ĐƯỜNG GA ẤM THƯỢNG - Nguyễn Tường Thiết

Tôi kéo chiếc va ly ra khỏi phòng để trên hành lang của khách sạn Galaxy. Chúng tôi thuê hai phòng trên lầu ba. Khóa cửa tôi đi dọc theo hành lang gõ cửa phòng số 319. Lát sau cửa mở. Steve, đứa rể Mỹ, thò đầu ra nói:
-We are ready.
Thảo, con gái tôi, mở rộng cửa, kéo theo cái va ly to. Nó nhìn tôi nói:
-Mẹ phải mặc thêm áo lạnh. Con nghe nói trên Sapa lạnh lắm đấy.
Nói xong nó mở va ly lấy ra cái áo len khoác lên người tôi. Chúng tôi xuống thang máy. Cô hướng dẫn viên chờ chúng tôi ở lobby. Du khách ngoại quốc đứng chật trước quầy khách sạn. Trong lúc chờ các con tôi xếp hàng làm thủ tục trả phòng tôi ra đứng trước cửa khách sạn nhìn ra phố. Bấy giờ trời đã tối. Ngoài đường xe ô tô, xe máy chạy đan nhau chung quanh cái bồn nước Hàng Đậu. Bên kia đường là một công viên nhỏ với dăm ba chiếc ghế dài, vài cặp ngồi tình tự trong bóng tối, những chiếc xe máy dựng cạnh.
Hà Nội là một thành phố xa lạ dưới mắt tôi lúc ấy. Xa lạ như thể tôi chưa hề từng đặt chân tới. Thật ra không hẳn vậy. Tuy sinh trưởng và lớn lên ở trong Nam nhưng Hà Nội tôi được biết qua tiểu thuyết tôi đọc thời còn là học sinh, và sau này lập gia đình với một người miền Bắc, nhà tôi vẫn thường kể tôi nghe về những kỷ niệm thời còn bé của anh ở Hà Nội. Ngoài ra có một lần trong đời chính tôi đã từng ghé Hà Nội một thời gian ngắn. Nhưng thành phố này đã không để lại trong tôi một hình ảnh nào đáng ghi nhớ, ngoài hình ảnh buồn bã của những dãy phố lạnh lẽo với những căn nhà màu xám nham nhở cũ kỹ. Vả lại Hà Nội đã gắn liền tôi với một mảnh đời mà tôi thực sự muốn quên đi. Tôi không hề nghĩ mình sẽ trở lại thành phố này lần thứ hai, nhất là từ sau ngày chồng tôi mất mấy năm về trước. Chuyến đi này sẽ không xảy ra nếu không có lời mời gần như khẩn nài của con gái tôi muốn có mẹ đi cùng với vợ chồng nó trong chuyến về Việt Nam này.
Steve bỏ ba chiếc va ly lên sau chiếc ve van. Cô hướng dẫn viên ngồi băng trước bảo tài xế chở chúng tôi đến nhà ga. Xe êm êm chạy qua những con đường của Hà Nội về đêm. Những khách sạn nhiều từng ánh đèn lộng lẫy. Hồ Hoàn Kiếm trên vỉa hè ven hồ người tản bộ đông đảo. Trong khung đen tháp rùa nổi lên màu trắng xanh. Cửa hàng bách hóa Tràng Tiền Plaza sáng choang ánh đèn. Đường Trần Hưng Đạo dài rộng ngập đầy bóng tối, vỉa hè hai bên rộng thênh thang, những hàng cây sấu to cao gốc cây sơn màu vôi trắng xóa.
Vào ga Hà Nội, chúng tôi đi theo cô hướng dẫn bước qua những thanh ray đường sắt tiến tới một con tàu dài nằm im lìm trong bóng tối sân ga. Đi cùng với chúng tôi là đoàn du khách ngoại quốc kéo theo những chiếc va ly, đa số là những thanh niên  thiếu nữ trẻ, ngoài va ly còn mang thêm ba lô trên vai. Đến cửa toa ở đầu xe hỏa cô hướng dẫn viên dừng lại. Cô bắt tay Thảo và Steve, nói:
-Have a good time! See you soon. Goodbye and good night...  
Rồi quay qua tôi cô nói giọng nhỏ nhẹ lễ phép:
-Sáng mai tàu đến Lào Cai sẽ có nhân viên của hãng đón bác. Sẽ có ô tô đưa bác và các anh chị đến Sapa. Chúng cháu sẽ gặp lại bác khi bác trở lại Hà Nội vào sáng thứ bẩy. Bác đi vui vẻ và chúc bác một đêm ngủ ngon.
Nói xong cô chắp tay trước ngực khẽ cúi đầu chào tôi rồi cô quay người đi trở ngược lối cũ. Bước lên tàu tôi nghĩ trong bụng: «Người đâu mà ăn nói thanh tao dịu dàng đến thế!» Giọng nói và phong cách của cô ta khác hẳn những cô gái Hà Nội thuở nào tôi đã gặp trong chuyến đi Hà Nội trước. Dù sao thì cũng đã mấy chục năm rồi còn gì. Bây giờ phải khác chứ. Vả lại, tôi nghĩ, cô thiếu nữ này được huấn luyện đặc biệt để trở thành hướng dẫn viên du lịch thì phải học cách ăn nói cho lịch sự chứ.
Chuyến tàu đêm toa cút xếp có máy lạnh, sạch sẽ và tiện nghi. Con tàu dùng dằng giật nhẹ rồi chuyển bánh. Buồng nhỏ có hai giường đôi. Người thứ tư trong buồng là một thanh niên Mỹ còn trẻ, ngang tuổi Steve. Chẳng mấy chốc mà hai người đồng hương tình cờ gặp nhau trên chuyến tàu đêm Hà Nội - Lào Cai trở thành bạn đồng hành tương đắc, câu chuyện qua lại trên hai chiếc giường cao, tiếng cười nói vui vẻ. Ngồi ở hai giường dưới mẹ con tôi chỉ yên lặng mỉm cười, thỉnh thoảng trao đổi ánh mắt. Thảo ngồi xích lại phía cửa sổ nhìn ra ngoài. Nó giơ tay chỉ tôi ngồi gần nó. Hai mẹ con cùng nhìn ra cửa. Tàu chạy sát những căn nhà của Hà Nội. Những quán ăn tấp nập. Những gia đình quây quần bên mâm cơm tối. Đám trẻ bu đông trước màn ảnh TV. Những chiếc xe máy đứng chờ sau cổng đường sắt. Rồi tàu lên cao hạ thấp dần những mái nhà xuống phía dưới. Đoàn tàu rầm rộ trồi lên vượt qua cầu Long Biên. Âm thanh loảng xoảng nghiến trên cầu sắt. Phía xa trên đêm đen của mặt sông Hồng trôi đi ánh đèn của ghe chài những đốm sáng leo lét. Tàu vào huyện Gia Lâm rúc lên một hồi còi dài  «Tu tu...»...  «Tu tu...».
Tiếng còi tàu Việt Nam nghe rít cao hơn tiếng còi hơi tôi vẫn thường nghe quen ở bên Mỹ. Qua cửa kính buồng ngủ căn nhà chúng tôi ở chung với các con tôi nhìn xuống vịnh Puget Sound, nơi đó trên một con đường sắt ngoằn ngoèo chạy dọc bãi biển Richmond xe hỏa mỗi ngày đi qua vùng vịnh. Từ xa đoàn tàu trông nhỏ xinh như một món đồ chơi, tiếng còi vọng tới, trầm buồn. «Phè phè...»... «Phè phè...». Tiếng còi nặng nhọc như không đủ sức cất cao trong bầu không khí ẩm lạnh của miền Tây Bắc.
Chúng tôi thường từ nhà đi bộ xuống bãi biển. Nhất là từ ngày sức khỏe của nhà tôi suy yếu, bác sĩ khuyên không nên ở lâu quá trong nhà. Chúng tôi nắm tay nhau đi xuống con đường dốc, con đường tắt từ sau nhà dẫn xuống bãi biển. Những buổi chiều mùa lạnh trời nhiều mây xám và lộng gió bãi biển hoang vắng không một bóng người, đàn hải âu bay rối trên không trung, tiếng chim kêu thảng thốt. Những buổi trưa hè chúng tôi thường ngồi trên những khúc thân cây tróc vỏ nhìn thiên hạ tắm biển đi qua lại trên bãi cát, thỉnh thoảng một chuyến xe lửa rầm rộ đi qua, mặt đất phía sau lưng rung chuyển...
«Nhìn những con đường sắt, những chuyến tàu hỏa bao giờ cũng làm anh nhớ tới thời trẻ và bao giờ cũng mang lại một cảm giác buồn buồn». Anh hay nói với tôi như thế cứ mỗi lần anh nghe một tiếng còi hụ hay nhìn một chuyến tàu đi ngang. Những ngày tháng cuối cùng của đời anh anh chỉ thích nhắc đến quá khứ và nỗi ám ảnh của anh về những chuyến đi, chuyến đi nào cũng thấp thoáng hình ảnh con đường sắt, những chuyến tàu, những nhà ga... ga Mương Mán, ga Tua Chàm, ga Diêu Trì, ga Kỳ Lam... của những thị trấn, thành phố miền Trung anh đã đi qua. Nhưng buồn bã và cô tịch nhất - anh bảo - là những nhà ga nhỏ như ga Krongpha, ga Eo Gió ở chân đèo Ngoạn Mục.
Cửa buồng mở. Một người đàn bà bước vào. Chị ta bận đồng phục quần xanh áo sơ mi trắng tay xách cặp da, ở túi áo có đeo phù hiệu nhân viên hỏa xa. Chị yên lặng soát vé bốn người trong phòng rồi trở ra. Thảo quay qua hỏi chị ta:
-Sáng mai mấy giờ tàu đến hở chị?
Chị trả lời bằng một giọng nhà quê hơi sẵng:
-Đến đâu?
-Chúng tôi đi Sapa.
-Tàu không đỗ ở Sapa. Tàu đỗ ở «Nào Cai». 6 giờ sáng.
Nói xong chị ta mở cửa đi ra.
«Nào Cai»!
Giọng nói ngọng đặc biệt miền Bắc của chị ta làm tôi vụt sống lại những ngày xa xưa lần đầu tiên tôi đến Hà Nội. Rồi tôi chợt nhớ ra rằng cái tuyến đường sắt Hà Nội-Yên Bái-Lào Cai mà tôi đang đi này cũng là tuyến đường tôi đã đi trong chuyến tàu thăm nuôi nhà tôi. Tôi lặng người nghĩ đến chuyến tàu cũ, chuyến tàu thảm thương ấy tôi không thể nào tưởng tượng nó đã từng một lần đi qua đời tôi.
Tôi nhìn đồng hồ tay. Tàu rời Hà Nội đã từ hai tiếng trước. Đứa con rể tôi và người bạn Mỹ đã ngừng nói chuyện. Ở giường bên con tôi và chồng nó nằm đọc sách. Giường trên đầu tôi người bạn của Steve chắc đã ngủ. Tôi ngồi dậy dí mũi sát cửa kính nhìn ra ngoài đêm tối cố tìm một hình ảnh nào quen thuộc trong quá khứ... hình bóng của một cái ga xưa.
Bên ngoài ánh trăng nhợt nhạt, dãy núi mờ xa, đồng rộng mênh mang từng khoang nối tiếp như đuổi nhau dọc con đường sắt. Thỉnh thoảng thoáng hiện một chòi lá, một trụ điện, một lô cốt in trên nền trời. Giờ này tàu chưa thể đến được cái nhà ga ấy, mặc dầu đây là chuyến tàu tốc hành; may ra thì mới tới được nửa đường, nhưng cho dù có đi qua tôi cũng chẳng thể nào nhận ra. Suốt đời tôi không thể nào quên được cái tên của nhà ga ấy. Tôi tin chắc nhà tôi cũng nhớ rõ như tôi, mặc dù không bao giờ tôi được nghe anh nhắc tới trong số rất nhiều tên ga đã đi qua trong đời anh.
Tôi nằm trên giường kéo chăn bông lên cằm. Tiếng còi đêm «Tu... Tu...» lâu lâu vọng về mơ hồ như từ một miền quá vãng. Theo với tiếng động rập rình của con tàu đêm tôi chong mắt nhìn về quá khứ... tôi tính nhẩm... thế mà đã vừa đúng 25 năm, một phần tư thế kỷ.
**
Sau ba ngày ba đêm trên chuyến xe hỏa xuyên Việt tôi đến ga Hàng Cỏ Hà Nội vào một buổi chiều mùa đông tháng 12 năm 1979. Chiếc áo len cũ tôi giữ từ những ngày còn ở Đà Lạt không đủ làm tôi ấm áp. Tôi lễ mễ xách hai cái giỏ nặng bước xuống tàu. Ga Hàng Cỏ ồn ào tiếng người. Cả chục chiếc xe xích lô tranh nhau mời khách. Tôi bảo chú xích lô chở tôi đến đường Lê Thánh Tông. Đó là địa chỉ của Bộ Giáo Dục nơi anh Tùng làm việc. Anh Tùng là người anh họ của nhà tôi. Năm trước anh từ Hà Nội vào Sài Gòn thăm chúng tôi và cho tôi địa chỉ này.
Lần đầu tiên đến Hà Nội tôi không có ý niệm gì về phố xá ở đây, không biết phố Lê Thánh Tông cách ga Hàng Cỏ bao xa, nhưng tôi nghĩ là phải xa lắm. Chú xích lô đi mất cả tiếng đồng hồ cũng chưa đến nơi. Xe đi lòng vòng mãi qua những đường phố chật hẹp của Hà Nội. Tôi thấy thành phố này sao mà cũ kỹ và buồn tẻ quá. Nhà cửa thấp lè tè, bờ tường loang lổ vàng ố, mái ngói nhà nào nhà nấy rêu xanh phủ đầy. Có lẽ tại tôi quen mắt từ hồi nhỏ những tòa nhà cao và khang trang ở Sài Gòn. Mà sao thành phố này lắm xe đạp thế. Đường phố chật ních xe. Tiếng chuông xe đạp leng keng rộn rã khắp nơi.
Sau cùng chiếc xích lô đỗ trước một tòa nhà thật to. Đó là Bộ Giáo Dục. Lúc trả tiền xe, chú xích lô quất tôi bốn chục đồng. Tôi điếng người. Bốn chục hồi đó lớn lắm. Tôi cự thì nó lại mắng tôi. Không muốn đôi co tôi đành bấm bụng trả tiền. Vào trong Bộ Giáo Dục tôi đi kiếm anh Tùng. Sau khi biết là tôi phải trả tiền xe những bốn chục bạc, anh kêu lên: «Trời ơi! Sao nó lấy dữ vậy!». Tôi nói: «Ai biết đâu. Thấy nó chạy xa quá trời...» - «Thôi chết rồi! Từ ga xe lửa lại chỗ anh có tí đường à. Nó đánh vòng vòng để lừa em lấy tiền». Tôi nói: «Thôi kệ! Miễn nó đưa mình tới nơi tới chốn an toàn là được rồi».
Tối hôm đó tôi ngủ ở nhà anh Tùng. Anh chị và các cháu chen chúc nhau ở trong buồng trên lầu một chung cư. Vào trong nhà anh chị là tôi đi tìm ngay nhà bếp vì tôi muốn hâm lại một số đồ ăn thăm nuôi tôi mang theo từ Sài Gòn. Nhà anh trống hổng, không có bếp, không có nồi nấu nướng. Ngạc nhiên tôi hỏi anh Tùng thì được biết là dân Hà Nội ở tập thể không nhà nào có bếp núc nồi niêu gì ráo trọi. Công chức nhân viên bộ đội ở ngoài bắc ăn cơm trưa và chiều ở cơ quan rồi mới về nhà. Trong giỏ đồ ăn thăm nuôi mà mẹ chồng tôi và tôi đã dành mấy tháng trời để sửa soạn phần lớn là đồ ăn khô có thể để được rất lâu, nhưng tôi vẫn sợ một số ít có thể bị thiu sau ba ngày ba đêm ở trên tàu.
Mấy tháng trước tôi lên Sở Công An quận Năm xin giấy phép ra bắc thăm nuôi chồng. Theo thủ tục tôi đem giấy khai sinh và một cái thư của chồng tôi viết từ trại cải tạo chứng minh có người nhà ở tù. Thư phải kèm cả phong bì có đóng dấu, phải nói rõ tên tuổi, số tù, ở trại nào, lại còn phải chỉ rõ đường đi nước bước để người trong này ra thăm không bị lạc đường. Trong khi chờ giấy phép tôi sửa soạn đồ ăn thăm nuôi cho nhà tôi. Hồi đó bánh mì không được mua tự do. Mua cái gì cũng phải trình hộ khẩu. Gia đình sĩ quan ngụy không được mua gì ngoài một tháng bốn lít dầu với ít ổ bánh mì. Với hộ khẩu có tên tôi và mẹ chồng, một ngày chúng tôi chỉ mua được hai ổ. Chúng tôi chỉ dám ăn một ổ còn để dành một ổ xắt miếng đem ra hiên phơi khô. Còn mì gói thì tôi gom góp của người nọ người kia từ mấy tháng trước. Ngoài bánh mì, mì gói, còn mắm ruốc, sào xả, cơm rang phơi khô...
Sáng hôm sau anh Tùng đưa tôi trở lại nhà ga Hàng Cỏ. Trong ga người đông vô kể. Tôi thấy có rất nhiều đường rầy đến những thành phố khác nhau: Yên Bái, Việt Trì, Thái Nguyên, Lào Cai... Trong thư của chồng tôi có chỉ dẫn cách thức đến trại từ Hà Nội. Tôi nghĩ anh  sao chép theo cái mẫu có sẵn mà tất cả tù nhân trong trại cải tảo gửi về cho thân nhân chứ sao mà anh có thể biết rành vậy. Nhà tôi ở trại tù Tân Lập thuộc tỉnh Phú Thọ. Từ Hà Nội đáp chuyến tàu đi Yên Bái. Đi hơn nửa đường thì xuống ga Ấm Thượng. Ga này cách trại tù Tân Lập khá xa, phải đi đò mới tới.
Anh Tùng chạy vào mua vé tàu cho tôi. Anh nói cái tuyến đường sắt tôi đi là tuyến đường đi Việt Trì, Yên Bái, Lào Cai. Trước khi lên tàu anh Tùng dặn dò tôi rất kỹ lưỡng. Anh nói: «Ở trên tàu quân ăn cắp như rươi, phải cẩn thận dữ lắm». Trước kia tôi cũng có nghe mấy bà thăm nuôi kể lại là tụi cướp đường đánh hơi mấy bà vợ sĩ quan ra thăm nuôi có mang nhiều đồ ăn nhiều tiền, tụi nó chờ thời cơ là giựt đồ, nhất là ở những khúc đường rừng. Tôi sợ lắm, không bao giờ rời cái giỏ xách tay đựng áo lạnh, tiền bạc, giấy tờ. Đi ngủ tôi cũng phải gối đầu lên nó. Anh Tùng còn sợ lên tàu tôi đói bụng không biết đường mua thức ăn nên anh dúi vào tay tôi một bao ny lông đựng cơm nắm trộn muối mè và thịt kho.
Chuyến tàu từ Hà Nội đi Yên Bái thật khủng khiếp. Nó bê bối hơn chuyến tàu từ Sài Gòn ra ngoài Bắc nhiều. Tàu chật ních. Người đứng người ngồi, đồ đạc ngổn ngang trên sàn tàu. Đã thế mấy thằng du côn ngồi banh chân banh cẳng choán hết lối đi. Tôi có đi qua chúng nó cũng làm ngơ chẳng thèm co chân lại. Mặt chúng câng câng dễ ghét. Tôi tìm được chỗ ngồi trong góc, đút cái giỏ đồ ăn dưới ghế, tay ôm cứng cái bọc quần áo có giấy tờ tiền bạc. Chuyến tàu chợ này chạy chậm lắm. Đã chạy chậm lại còn ngừng ở rất nhiều ga. Mỗi lần tàu ngừng là cả một cảnh hỗn loạn. Người lên người xuống chen nhau cãi vã cứ ồn cả lên. Trước khi chạy tàu giật một cái mạnh, xô mọi người về một phía.
Một anh cán bộ vừa bước lên tàu. Anh ta nhìn quanh. Vì ghế đã chật hết mà dưới sàn hàng hóa để ngổn ngang, anh ta đành ngồi bệt xuống sàn, dựa lưng vào một cái cửa cầu tiêu, ở gần cửa lên xuống. Tôi để ý trên chuyến tàu Yên Bái này có nhiều cán bộ đi hơn là ở trên chuyến tàu từ Nam ra Bắc. Chắc họ đi công tác. Thường cán bộ đi đâu cũng quấn ở bụng cái khăn lông, cái ruột tượng đựng gạo, lưng đeo ba lô, lại cài thêm nồi niêu, xoong chảo lủng la lủng lẳng. Anh này mặc bộ ka ki vàng bạc màu, đội nón cối, đi dép râu, chỉ có ba lô, không mang theo đồ nấu nướng. Anh ta có đồ ăn làm sẵn. Mở ba lô, anh lấy gói cơm ra ăn. Anh ta ăn bốc. Ăn từ tốn, thản nhiên. Lát lát anh ta lại né người xịch sang một bên. Một hành khách mở hé mở cửa cầu tiêu, lách vào.

Tôi cũng lấy bánh chưng bóc ăn. Bánh chưng còn nóng tôi vừa mua lúc tàu ngừng ở ga trước có người lên tàu bán. Bánh chưng một đồng một cái. Tôi còn mua cả chuối. Chuối ăn rất ngon. Ăn xong, vừa thấy có người mở cửa cầu tiêu đi ra tôi vội vàng ôm cái bọc bước tới. Cầu tiêu lúc này người ta sử dụng liền liền nên tôi không thể chần chờ.
Vừa mở cánh cửa cầu tiêu tôi bật ngửa! Trên lối đi vào, trên bệ ngồi bầy nhầy một thứ nước vàng đặc sền sệt của phân người trộn lẫn với nước tiểu. Ngay chỗ lỗ nhà trồ phân vung lên như một cái bánh bò, ngập lên cả hai bàn để chân. Từ đống phân đó vô số những con ruồi trâu bay vù lên, đâm thẳng vào mặt tôi! Hoảng hồn tôi vội quay trở ra, đóng cửa lại. Một mùi hôi thối theo tôi nồng nặc.
 Tôi ngồi chịu trận sau đó cả tiếng đồng hồ trong cơn mót tiểu mỗi lúc một tăng làm người tôi co quắp lại. Nhưng nghĩ đến cái cầu tiêu gớm ghiếc kia tôi lợm người không dám trở lại. Cũng may mà tôi đã ăn bánh và chuối trước đó, nếu không tôi không thể nào nuốt trôi bất cứ thứ gì vào bụng. Trong khi đó anh cán bộ vẫn ngồi ung dung thoải mái. Ăn xong cơm, anh ta chậm rãi đưa ngón tay trỏ lên miệng mút mút rồi xòe các ngón tay ra thè lưỡi liếm vào lòng bàn tay. Lát sau, đầu dựa vào chiếc cánh cửa - chiếc cánh cửa hôi thối - anh ta lim dim đôi mắt như còn đang tận hưởng dư vị của gói cơm ngon lành anh ta vừa ăn xong.
Đến trưa tàu rời đồng bằng tới vùng trung du. Bên ngoài là núi đồi rừng cây nối tiếp. Đến một khoảng rừng trống tàu hỏa ngừng lại giữa đường, chắc là theo lời yêu cầu của hành khách để họ đi tiêu đi tiểu. Thiên hạ đổ xô ra cửa. Tàu đỗ lưng chừng một ngọn đồi. Một bên là rừng cây có bờ dốc đứng. Một bên là cánh đồng có dốc thoải xuống. Nhìn phía bên rừng có cả trăm người đàn ông đứng thành một hàng dài, lưng quay phía tàu, tôi ngần ngại. Tôi bảo một con bé trông đồ cho tôi rồi tôi xuống tàu ở phía bên kia. Không nhìn thấy một ai, lại thấy một con dốc, tôi lần mò đi xuống. Tôi ngồi xuống tiểu trên bờ cỏ, mắt tôi nhìn ngược lên con tàu hỏa ở trên kia mà lòng lo sợ nó chạy mất. Tôi đi tiểu lâu lắm. Sau mấy giờ đồng hồ nhịn trên tàu, bọng đái của tôi tê liệt, tôi cố rặn mà nước tiểu không ra. Càng kinh hãi vì sợ tàu chạy lại càng khiến tôi không tiểu được. Sau cùng tôi phải cố trấn tĩnh và tập trung tư tưởng. Đến lúc nước tiểu vừa thoát ra được thì một tiếng còi hụ vang lên và con tàu từ từ chuyển bánh!
Kinh hoảng tôi kéo vội quần lên, chạy lên bờ dốc. Con dốc dựng ngược hơn tôi tưởng. Cứ mỗi lần hai tay tôi bám vào đất vào đá để níu lên thì đất lại lở ra và tôi lại tụt xuống. Tôi tụt xuống như thế hai ba lần. Cứ mỗi lần tụt xuống thì ở phía trên một toa tàu xẹt qua! Thất kinh, bàn tay tôi quớ quá thụp bám, trong khi dòng nước tiểu trong quần tôi vẫn tiếp tục chảy dọc xuống đùi. Đến lúc tôi tìm được một khúc rễ cây để bám lên được và chạy đến sát đường rầy thì vừa vặn hai toa tàu chót đi ngang. Rất may tàu chạy không nhanh vì đang lên dốc. Tôi víu được cái thanh sắt ở cửa đu lên. Tàu hỏa có hai mươi toa. Đó là cái cửa của toa tàu chót!
Tôi đi lần lên trên tìm về toa tàu của mình, toa số tám, như người mất hồn. Từ đó cho lúc xuống ga Ấm Thượng tôi ngồi im bất động. Tôi tưởng tượng cái cảnh nếu tôi bị bỏ lại giữa rừng thì không biết số phận của tôi ra sao. Lúc đó hai ống quần của tôi ướt nhẹp, ép cái lạnh cái nhớp nháp vào da đùi tôi. Nhưng nghĩ đến cái cầu tiêu khủng khiếp tôi không dám vào đó để thay quần khác.
Mãi 8 giờ tối tàu mới đến Ấm Thượng. Cùng xuống với tôi tại ga này có khoảng ba bốn chục người. Tất cả đều là dân đi thăm nuôi thân nhân tại trại tù Tân Lập. Xuống ga chúng tôi tập trung tại một cái trạm trình giấy tờ. Trạm là một căn nhà lá lợp tranh. Chúng tôi ngồi chờ riết tại đó cho đến sáng. Trời lạnh như cắt da cắt thịt. Có bao nhiêu áo tôi bận hết mà vẫn thấy rét. Sáng hôm sau đoàn người lũ lượt đi xuống một bến đò gọi là bến Ngọc, nơi đó có phà chở chúng tôi đi ngược dòng sông. Sông khá to, vùng này người ta gọi là suối, có tên là Suối Mai. Chiếc phà tựa như chiếc xà-lan tôi thường thấy chở dừa chở chuối ở bến đò Thủ Thiêm. Cả một ngày trời phà chạy trên sông tôi nhìn cảnh vật hai bên bờ và thấy núi non ở miền Bắc khác hẳn trong Nam. Núi ở đây cao hơn, nhọn hơn, ít cây hơn và có nhiều đá xanh. Hai bên bờ lác đác những căn nhà chòi cất cao như kiểu nhà sàn của người Thượng. Phà đi lâu lắm. Đến tận chiều tối chúng tôi mới đến nơi, một bến đò nằm tuốt phía dưới sâu. Đây là vùng đồi núi, từ bến muốn lên đường cái phải lên cái dốc thiệt cao. Mọi người hì hục dinh đồ lên. Lên trên đó có xe Molotova, một lại xe nhà binh của Liên Xô, chờ sẵn. Xe đưa chúng tôi một quãng đường khoảng 10 cây số đến một cái trạm thì ngừng. Mọi người xuống xe. Lúc đó đã tám giờ tối. Tôi ninh ninh là đã đến Tân Lập. Té ra còn phải cuốc bộ thêm cả tiếng đồng hồ nữa mới đến trại. Hành lý đồ đạc của mọi người được chất đầy trên một chiếc xe trâu, một loại xe giống như xe bò ở miền Nam nhưng do hai con trâu kéo. Dưới ánh trăng mờ mờø, đoàn người thăm nuôi lặng lẽ đi bộ theo xe trâu trên con đường rừng.
Khoảng 10 giờ đêm chúng tôi đến trại Tân Lập. Mọi người trình giấy tờ ngoài cổng và được hướng dẫn đến một dãy nhà lá ở phía ngoài trại. Nhà này dùng làm chỗ ngủ cho dân thăm nuôi. Đó là loại nhà ở ngoài Bắc gọi là «láng», nhà lá lợp tranh, cột gỗ lấy trong rừng, chắc là do những ông tù cải tạo làm và được ngăn ra từng phòng nhỏ. Mỗi người được cấp phát một cái mền Trung Quốc có lông đỏ thật dày. Trời ban đêm quá lạnh, có lẽ trong đời tôi chưa bao giờ phải ngủ ở một nơi giá buốt như thế.
Sáng ra tôi trở dậy, đứng súc miệng đánh răng tôi nhìn xuống núi. Phía dưới kia,  trong làn sương sớm, ba tên công an dắt một đoàn tù cải tạo vác cuốc đi vào rừng lao động. Tuy nhìn từ xa nhưng tôi thấy rõ đoàn người ai nấy đều ngoái cổ ngước nhìn lên ngọn đồi chỗ tôi đang đứng và tôi hình dung nỗi nôn nao của họ không biết trong số những bóng đàn bà thấp thoáng trên kia có người vợ thân yêu của mình không.
Lúc ấy lòng tôi cũng nôn nóng không kém họ. Đã năm năm rồi còn gì. Năm năm không hề thấy bóng dáng anh. Kể từ ngày cuối tôi tiễn anh với mớ hành trang và thức ăn tôi sửa soạn rất kỹ để anh dùng trong thời gian xa cách mà lúc ấy tôi nghĩ là chỉ có hai tháng. Sau năm năm chờ đợi, chốc nữa, tôi sẽ gặp anh. Nhưng «chốc nữa» bây giờ tưởng như dài vô tận. Đã 10 giờ sáng rồi mà tên anh chưa thấy gọi trên loa.
Ngồi bó gối trong phòng đợi tôi lấy bánh chưng ra bóc ăn. Ăn xong còn đói tôi sực nhớ ra là trong bọc còn gói ny lông cơm anh Tùng đưa tôi ở ga Hàng Cỏ từ hai hôm nay mà tôi quên khuấy đi mất. Tôi giở ra thì nắm cơm đã thiu. Thấy giữa phòng cạnh một cái bàn có để một cái sọt rác, tôi bèn giục cái bao cơm và cái lá bánh chưng vào đó.
Nghe trên loa đọc tên nhà tôi tôi lật đật đi vô phòng tiếp tân. Tù cải tạo và thân nhân chỉ được phép gặp nhau trong phòng đó nửa tiếng đồng hồ. Cứ người nọ ra thì người khác vô. Lúc tôi vào còn đứng ở cửa thì có một anh bộ đội đang quát một cặp vợ chồng. Hết giờ thăm rồi mà bà vợ cứ bịn rịn mãi không chịu đi ra. Anh cán bộ hét to: «Khẩn trương lên!». Không biết bà ta không hiểu hay giả đò không hiểu, bà ta cứ tỉnh bơ, cứ lần chần rề rà gói đồ ăn thiệt là chậm. Bà rỉ rả nhắn chồng, nhắn có một câu mà cứ nói tới nói lui hoài. Tôi đứng chờ mà cũng sốt cả ruột. Thấy anh cán bộ tức giận quá tôi sợ cho ông chồng, sợ hắn trù ông ta tội nghiệp, nên mới lên tiếng nói chữa: «Ở trong Nam người ta không nói khẩn trương. Người ta bảo nhanh lên hay lẹ lên. Nói khẩn trương chắc ông bả không hiểu đâu!». Anh ta liền nói «Nhanh lên!» tức thời hai ông bà kia trả lời «Rồi, rồi! Đi liền! Đi liền!». Ông chồng cho vội đồ ăn vào bao rồi lật đật đi trở vô. Còn bà vợ quay qua nhìn tôi, cười khì khì, có vẻ khoái chí vì đã lừa được anh cán bộ.  
Phòng tiếp tân có một cái bàn dài như kiểu bàn ăn, nhà tôi ngồi một đầu bàn, tôi ngồi một đầu, công an ngồi ở giữa.
Thoạt tiên, tôi không nhận ra người ngồi phía bên kia đầu bàn, là anh. Nhà tôi vốn xưa nay tạng người gầy gò, bây giờ chỉ còn da bọc xương. Ở đầu bàn kia khuôn mặt đầy những hốc tối của người lạ mặt thoáng vụt trong trí tôi hình ảnh chiếc sọ người có dính thịt. Rồi khuôn mặt ấy thu nhỏ lại. Là anh. Ởû cặp mắt. Nhìn nhau, tôi biết ngay là anh đã đọc được nét sửng sốt trong ánh mắt tôi; qua đó, như tấm gương soi, lần đầu tiên sau năm năm trời cải tạo, anh mới ý thức được cái diện mạo mới của mình.
Tôi biết là mình chỉ được phép gặp anh có nửa tiếng và nửa tiếng đó sẽ vụt qua nhanh lắm, nên tôi cố hết sức đè nén xúc động, không dài dòng tỉ tê mà chỉ tóm tắt cho anh biết  rành rẽ về hiện tình ở nhà, tình trạng sức khỏe của mọi người, nhất là của mẹ chồng tôi, bà con những ai đã chết, đã đi xa, những người đã lập gia đình, có con... Còn biết bao nhiêu những điều khác - nhớ nhung, xót thương - tôi chỉ biết lặng lẽ gửi đến anh qua ánh mắt. Tôi hoàn toàn không nói với anh một lời về những khó khăn chồng chất mà hai mẹ con tôi phải chịu đựng trong cuộc đổi đời.  
Lát sau họ đưa đồ ăn của tôi vô bày lên bàn. Công an mở từng gói từng gói đồ ăn ra, họ lấy chiếc đũa khều khều kiểm tra từng li từng tí một. Xong tôi hốt đồ ăn bỏ lại trong gói. Tù thăm thân nhân từ trại đi ra mỗi người đẩy một cái xe cút kít. Chúng tôi bỏ đồ ăn lên xe. Nửa giờ ngắn ngủi đã hết, nhà tôi đẩy xe đồ ăn vào trại, tôi đi trở ra, chấm dứt chuyến thăm nuôi tôi đã để cả sáu tháng trời sửa soạn.
Trở ra phòng khách tôi thấy người ngồi chờ đông lắm. Nhiều bộ mặt mới, chắc là những người này đi trên những chuyến tàu sau tôi. Tôi phải ngồi chờ ở đây cho đến hết giờ thăm nuôi lúc 5 giờ chiều mới có xe đưa về.
Trong lúc ngồi nói chuyện với một bà thăm nuôi, tôi nhìn cái giỏ rác ở giữa phòng, trên miệng giỏ còn vắt cái lá chuối gói bánh chưng tôi vứt vào đó lúc nãy trước khi vào phòng tiếp tân. Bỗng tôi chú ý, ngạc nhiên. Rõ ràng cái lá chuối còn dính một ít bánh chưng sao bây giờ nó sạch bóng sạch trơn như thể có con chó nào liếm láp. Quay qua bà bên cạnh tôi hỏi: «Ủa, có con chó nào ở đây mà tôi không thấy hả? Nó liếm sạch bách cái lá chuối gói bánh chưng tôi mới vứt ở kia trước khi gặp nhà tôi». Bà ta nhìn lá chuối nói: «Ở đó mà chó! Mấy ông tù chứ còn ai vào đây nữa! Mà phải ông nào có phước lắm được điểm tốt lắm mới được phép ra ngoài này dọn dẹp không phải đi lao động... Tôi đi thăm nuôi ba lần rồi tôi biết. Mấy ổng khổ lắm! Khổ còn hơn con chó!». Nửa tin nửa ngờ, tôi bước lại gần cái giỏ rác nhìn vào bên trong. Tôi lặng người. Nắm cơm thiu biến mất. Chỉ còn lại cái bao ny lông trong giỏ.
Tôi nghĩ đến anh lòng buồn rầu. Chắc chắn anh không phải là người «có phước» kia. Bởi vì tôi biết chắc anh không thể nào là người có «điểm tốt». Tôi nghĩ tới đêm qua tôi ngủ ở đây trong căn trại này, đến cái giá rét mùa đông đất bắc thật là khủng khiếp và tôi nghĩ là mình chắc chết nếu đêm qua tôi không có cái mền Trung Quốc. Đó mới chỉ là một đêm trong đời tôi. Còn anh, còn những người khác... không có cái mền Trung Quốc, không có cả một nắm cơm thiu tôi vứt đi, tháng này năm nọ như thế... Thảo nào mà anh trông rộc cả người đi tôi không còn nhận ra anh nữa.
Hết giờ thăm nuôi chúng tôi mấy chục người bắt đầu rời trại đi xuống một con dốc dài. Lúc đó mới năm giờ chiều nhưng vì mùa đông đêm tới sớm nên trời đã gần tối. Sương chiều bắt đầu lan xuống thung lũng. Xuống gần cuối dốc thì gặp một đoàn tù cải tạo đi lên, tôi không biết đó có phải đoàn vác cuốc tôi trông thấy hồi sáng sớm hay không. Họ đi lao động ngược dốc trở về trại. Đoàn tù dài lắm chắc khoảng cả trăm người được hướng dẫn bởi ba tên cán bộ cầm súng, một tay dẫn đầu, một tay đi giữa, một tay đi sau cùng. Lần này vì đi gần nên tôi trông thấy rõ đôi mắt những người tù, những đôi mắt thật buồn, thật tội nghiệp.
Lần đi về chúng tôi không đi lại con đường cũ, không đi phà trên sông như ngày hôm trước mà có xe Molotova chở thẳng chúng tôi đến ga Ấm Thượng. Xe đi trong đường rừng suốt ba tiếng đồng hồ. Đến ga khoảng 8 giờ tối.
Vừa ngồi ở trạm không lâu thì có chuyến tàu trờ tới. Tàu vừa ngừng ở trạm thì đoàn người thăm nuôi, phần lớn là đàn bà trong số có nhiều bà cụ vội vã chen nhau trước cửa toa tranh nhau lên. Toa tàu chắc đã nghẹt người bên trong nên nhiều người không lèn vào được. Đã thế lại có những thằng mất dậy ngồi dạng cẳng ở bậc cửa choán hết lối đi. Một cảnh hỗn loạn xảy ra. Ông trưởng trạm chạy ra nói: «Thôi! Lên vừa vừa thôi! Ở lại còn chuyến nữa 9 giờ. Làm gì mà chen dữ vậy!». Nghe thấy thế tôi khều mấy người tôi mới quen lúc ở trại ở lại với tôi. Tôi nói: «Đợi chuyến sau đi! Việc gì mà phải chen lấn. Mà tàu cũng sắp chạy đến nơi rồi, nó chỉ ngừng ở ga có 8 phút thôi». Lúc ấy có một bà lão trên bẩy chục tuổi, mặc dù tàu đã hụ còi mà còn ráng bám vào cửa tính đu lên. Mới chân trên chân dưới thì tàu phát chạy lôi bà ta sền sệt trên mặt đá dăm cạnh đường rầy một quãng dài rồi quẳng bà lão nằm sóng sượt  trên đất. Mọi người chạy tới vực bà đưa vào trong trạm. Một chân của bà máu mê ướt đẫm cả quần. Bà ta người quê ở Vĩnh Long lặn lội từ đó ra thăm con. Buổi trưa, lúc chúng tôi ngồi chờ xe trong phòng đợi ở trại Tân Lập, chính bà ta đã khóc quá trời kể tôi nghe con bả đi lao động đốn cây, bị té lăn xuống núi gãy cẳng. Trong trại tù làm gì có nạng. Anh ta dùng hai khúc cây chặt ở trong rừng làm nạng chống khập khiễng từ trong trại đi ra khu tiếp tân gặp mẹ. Bây giờ thì cả con lẫn mẹ đều bị gãy chân.
Một tiếng sau thì chuyến tàu 9 giờ tới. Chuyến này cũng đông không kém chuyến tàu trước và cảnh chen lấn để lên tàu lại tái diễn. Tôi để ý là những toa ở phía sau có ít người lên xuống hơn những toa đầu nên tôi cùng với vài người chạy dọc theo đường rầy về phía cuối tàu. Vừa lên toa thì tàu hụ còi. Chúng tôi xô nhau lên toa.Vào được trong toa rồi thì, quái lạ, toa tàu tối thui! Tôi nghĩ bụng: «Người ta không bật đèn chắc để tiết kiệm điện. Không thấy đường, tốt nhất là mình nên đứng yên một chỗ». Tôi mừng thầm là dù sao mình cũng leo lên được chuyến tàu chót.
Tàu chạy. Nó giựt một cái mạnh làm tôi xiêu người một bên. Hoảng hồn, sợ bị té, tôi từ từ ngồi xuống. Tôi ngồi bệt xuống sàn. Tay tôi quờ quạng trong bóng tối xem có cái ghế ngồi nào ở chung quanh không. Trống hổng. Sờ phía sau lưng tay tôi đụng thành tàu, tôi chống tay lùi dần đít về phía sau, cho đến khi tôi dựa được lưng vào đó.
Tôi ngồi yên như thế lâu lắm. Thường thường khi con mắt đã quen với bóng tối tôi có thể nhìn thấy được cảnh vật dù rất lờ mờ. Đằng này không. Tuyệt nhiên trong toa tối đen như mực. Bỗng tôi có một cảm giác là lạ là tôi không ở trong một toa tàu hỏa bình thường. Tôi xòe bàn tay mò mò trên sàn để thám hiểm xung quanh. Bỗng tay tôi mò trúng một đống gì sền sệt ướt ướt. Tôi đưa tay lên mũi ngửi. Trời! Cứt heo! Tôi hoảng hồn: «Ủa! Cứt heo đâu trên xe lửa vậy ha!». Ngồi lê trên sàn tôi quờ quờ phía trước. Tay tôi đụng mấy con heo. Chúng nằm cả đống ở đó. Thì ra đây là toa chở heo! Không muốn ngồi gần mấy con heo tôi dịch qua phía bên kia để tránh. Hơn nữa sàn tàu nhớp nháp dơ dáy quá tôi phải tìm cho ra chiếc ghế để ngồi. Mò mãi không ra ghế. Tay tôi lại đụng thêm một bãi gì bầy nhầy. Đưa tay ngửi: Cứt vịt! Một bãi khác: Cứt gà! Tôi quờ tay lên trên. Gà vịt một bày ở đó. Thôi, tôi rút lui, không muốn thám hiểm thêm.
Tôi thụt lui, thụt lui. Tôi không về đúng chỗ cũ vì khi tôi ngồi dựa vào thành tàu tôi ngồi ở giữa hai người, chắc là hai người đàn ông, lúc ấy đang ngủ gục ngáy khò khò. Hồi sau một cái đầu ngoẹo sang đè xuống vai tôi. Nghĩ thằng cha này lợi dụng bóng tối để dê mình tôi đẩy mạnh ra. Nhưng hình như hắn chỉ ngủ say, người hắn mềm xuội, chốc chốc cái cổ lại vẹo sang một bên. Tôi nhích người phía bên kia để tránh thì lại đụng thằng thứ hai. Thằng này còn tệ hơn!  Cái đầu nó gục lên vai tôi nặng đến độ tôi không hất ra được. Rồi hự một cái. Trời ơi nó ói! Nó ói nhớt dãi thốc vào cổ tôi, chảy xuống ướt cả phần trên chiếc áo. Thôi rồi! Mấy thằng này nó say xe chứ không phải dê mình. Tôi ngồi chịu trận như thế. Lâu lắm. Suốt đêm. Bên cạnh tôi hai người đàn ông bây giờ đã ngủ say, ngáy khò khò. Tiếng ngáy to cộng thêm cái cổ nhớp nháp của tôi đưa lên một mùi chua nồng làm tôi rùng mình, không sao chợp mắt được. Đến gần sáng có lẽ vì quá mệt tôi thiếp đi.
Lúc tỉnh dậy thì tàu vừa đến ga Hà Nội. Trời sáng bạch. Hai người bên cạnh tôi vẫn còn ngủ vùi. Nhìn gương mặt của họ tôi mới biết đó là hai người thượng, có lẽ họ ói mửa vì không quen đi tàu. Tôi nhìn khắp trong toa. Nào heo nào gà nào chuối nào bắp nào bí nào khoai... lổn ngổn đầy trong toa. Thì ra những toa ở trên là toa hành khách còn những toa ở cuối tàu chỉ để chở hàng, thảo nào mà đêm qua không có ai giành nhau lên.
Lúc tôi xuống tàu gặp lại mấy bà quen họ rủ tôi đi mướn khách sạn. Ai nấy đều khuyên tôi là dù có người quen cũng không nên ở vì nhà cửa Hà Nội chật và đông đúc lắm.  Mấy người chung nhau mướn khách sạn ở Đường Thành. Tôi tắm rửa sạch sẽ rồi ngủ một giấc dài. Đến chiều tôi kiếm anh Tùng. Anh Tùng lấy xe chở tôi đi. Ngồi sau chiếc xe đạp cũ kỹ của người anh họ lần đầu tiên trong đời tôi thăm Hà Nội 36 phố phường.
Hôm sau anh Tùng ra ga Hàng Cỏ tiễn tôi vào Nam. Anh nói là lần tới ra thăm nuôi thì nhớ lại ghé anh. Hai chữ « lần tới» làm tôi nhớ đến câu nói của nhà tôi trước khi chia tay. Anh cũng nhắc đến «lần tới». Tôi nói với anh là mỗi lần ra bắc tốn kém lắm, có thể phải bán cả cái xe Honda đi. Anh bảo: «Thì bán!». Tôi không nói gì. Anh không biết rằng cái xe chính là nồi cơm của mẹ con tôi, bán đi thì lấy gì mà sống. Bây giờ, sau chuyến thăm nhà tôi, tôi lại có thêm một lý do nữa để tin rằng sẽ không có «lần tới». Nghĩ đến hai chuyến tàu đi và về trên tuyến đường ga Ấm Thượng tôi rùng mình. Tôi thật tình không muốn phải đi lại tuyến đường ấy một lần thứ hai.
 Rất may cho chúng tôi là một năm sau chuyến thăm nuôi ấy nhà tôi được thả về.  
***
Xuống ga Lào Cai chúng tôi được nhân viên của hãng du lịch đón và đưa chúng tôi đi Sapa, cách Lào Cai khoảng hơn ba chục cây số. Trên chiếc xe van ngoài ba chúng tôi còn có Rick, người bạn mới của con rể tôi và hai du khách người Úc. Xe đi trên con đường đèo chật hẹp quanh co. Tôi nhìn hai bên đường. Phong cảnh nơi đây tuyệt đẹp. Sương hòa lẫn mây giăng phủ dẫy núi cao. Lưng chừng những ngọn đồi bờ đất chạy ngoằn ngoèo ôm lấy những khoang ruộng vàng rực trong ánh nắng mai từng lớp từng lớp đi lên như những bậc thang.

Gấp cuốn sách «Vietnam: the update guide book» đặt trên đùi, Thảo quay qua hỏi tôi:
- Đêm qua mẹ ngủ ngon không?
Tôi trả lời con:
- Mẹ ngủ cũng tàm tạm.
Thật ra đêm qua trong toa tàu tôi trăn trở mãi không ngủ được và khi tôi thiếp đi giấc ngủ lại đầy mộng mị.
Con tôi rời Việt Nam lúc còn nhỏ. Nó thuộc một thế hệ khác và lớn lên trong một thế giới khác. Sau khi nhà tôi mất nó trở thành giọt máu thân thương duy nhất của tôi. Tuy thế không bao giờ tôi tâm sự với nó về những chuyện buồn cũ. Bởi vì tôi biết chắc dù mình có diễn tả cách nào nó cũng chẳng thể nào hình dung ra nổi chứ đừng nói đến chuyện thấu hiểu. Vả lại nói cho cùng nó cần gì biết những chuyện xưa ấy.
Thảo nhìn ra ngoài xe rồi giơ máy ảnh chụp hai người đàn bà thượng vai đeo gù lưng bọc con đi dọc ven đường.  Nó nói:
- Cuốn sách nàyï «rate» Sapa những 3 sao. Họ nói Sapa cũng như vịnh Hạ Long là hai thắng cảnh du khách không thể bỏ qua khi đến miền bắc của Việt Nam.
Tôi yên lặng. Tôi ao ước được như con tôi: đến Sapa và nhìn Sapa dưới con mắt thuần túy của một du khách. Dưới con mắt vô tư ấy Sapa dễ dàng được đánh giá bằng con số của những ngôi sao. Còn tôi, tôi không thể nhìn cảnh trí nơi đây một cách bàng quan như thế. Tôi không thể nhìn nó mà không kèm theo những xúc động vui buồn hết sức riêng tư.
Vui vì Sapa là một thị trấn trong mộng tưởng của nhà tôi mà hôm nay tôi thay mặt anh đến thăm. Hồi anh còn bé đã có một lần cha anh kể anh nghe về Sapa và anh cứ nhớ mãi. Từ đó Sapa ăn sâu vào tuổi thơ anh như một cảnh trí thần tiên. Trong tâm tưởng anh Sapa là một thị trấn nằm trên mây, một thị trấn lãng đãng chìm đắm trong sương khói. Đó là nơi anh chờ đợi nhiều nhất để đến trong chuyến trở về Việt Nam của chúng tôi. Chẳng may anh mất trước chuyến đi được dự trù không lâu.
Buồn vì cảnh trí nơi này chưa chi đã làm tôi muốn ứa nước mắt. Khi tôi nhìn xuống chân đồi kia trong làn khói sương bay tỏa một đoàn mấy người thượng mang gùi vào rừng đốn củi tôi không khỏi liên tưởng đến cái cảnh ba tên công an cầm súng dẫn một đoàn tù dài vác cuốc vào rừng lao động, đoàn tù cúi mặt lầm lũi đi trong sương sớm.

Nguyễn Tường Thiết