21 July 2022

VỀ MỘT THỊ TRẤN - Vũ Hoàng

Tuyển tập Phóng sự Chiến trường 1972 của Nxb Văn Nghệ Dân Tộc in 1973 không có phần tiểu sử tác giả. Phóng viên Vũ Hoàng là ai? Bút ký của ông chật kín nỗi lòng người Kontum. Một chua xót phải mang gương mặt rỗ chằng chịt vết đạn và hơi thở nồng nặc mùi xác chết… Những trang chữ viết về những gì đã mất và còn lại của một thị trấn. [Trần Vũ]
Tôi trở lại Kontum nhìn lại những gì còn thấy được, để nhớ những gì đã mất đi, để tận mắt chứng kiến những cảnh tiêu điều đổ nát của một thành phố “nửa tỉnh nửa vườn”, và để xót xa. Hai tháng qua trong cơn ác mộng hãi hùng ngút ngàn lửa đạn thành phố còn lại những gì? Phố xá buồn hiu không một bóng người, những đống gạch vụn nát dưới chân tường của bao căn nhà ngã đổ, những miếng tôn thủng lỗ nám đen treo lủng lẳng trên ngọn cây cháy khô hay trên những căn nhà chỉ còn trơ trọi chiếc sườn. Ngoại trừ một hai con đường chính dẫn ra phố lớn còn bỏ ngỏ cho người và xe cộ qua lại, hầu hết đường xá ra ngoại ô thị trấn đều bít kín bằng những đường kẽm gai chằng chịt nhiều lớp. Người ta cẩn thận treo lên đó một tấm bảng gỗ sơn trắng kẽ đen một sọ người với hai chiếc xương hình chữ X. Đó là vùng cấm địa, là khu vực không thể vượt qua trừ phi hết muốn sống (mà có ai trong chúng ta kể cả những người quyết ở lại cố thủ trong thị trấn điêu tàn này lại chẳng muốn sống).

Khi còn trong lòng một chiếc trực thăng cất cánh từ một bãi đáp nhỏ ngoại ô Pleiku, tôi đã liên tưởng đến cảnh tượng đổ nát của một thị trấn sừng sững chịu đựng gần hai tháng trời dưới cơn bão đạn. Và tôi đến Kontum lần này không để rong chơi cho thỏa chí, không để hẹn hò với tình nhân, cô tình nhân bé bỏng ở cuối con đường Lê Thánh Tôn yêu dấu. Tôi đến thị trấn này, như đã nói, để tận mắt chứng kiến cảnh tiêu điều sau gần hai tháng thị trấn ngập tràn lửa đạn. Nhìn những gì đã mất mà hoài hoài chẳng tìm đâu ra được. Một dấu tích trong luyến tiếc nhớ thương. Những mất mát xót xa đến phát khóc.

Cũng từ trên máy bay, qua vuông cửa bỏ ngỏ, Kontum đã trở lại với tôi trước tiên bằng những chấm vàng sẫm, những chấm nhỏ li ti đều đặn khi máy bay còn ở độ cao để tránh tầm đạn địch từ dưới bắn lên không ngớt. Và những chấm đó hiện rõ dần khi máy bay lượn thấp tìm chỗ đáp. Đó là những lỗ đạn, hố bom của hơn năm mươi ngày qua. Bất giác tôi liên tưởng đến một người con gái đẹp nhìn đi từ khuôn mặt, nhưng mà, qua một cơn bạo bệnh “trái trời”, khuôn mặt đó đổi thay một cách đau xót, để lại những chấm rỗ chằng chịt. Ôi, người con gái đáng thương! Và bộ mặt Kontum bây giờ, nhìn qua vuông cửa trực thăng, là gương mặt người thiếu nữ đó. Chung quanh thị trấn, vườn ruộng, nghĩa trang hay những khoảng gò bỏ trống đều có dấu đạn bom. Những lỗ hổng sâu hoắm màu đất vung vãi còn mới nguyên.
Cây trụi lá đứng trơ trông từ xa như một đám cọc. Đám cọc cắm dưới một lòng sông nào đó, trong trí nhớ, để chọc thủng hàng vạn chiếc thuyền của giặc hăng tiết tiến vội khi nước lên. Nhưng đám cọc ở đây không cắm giữa dòng sông mà        cắm giữa ruộng vườn quanh những căn nhà yêu dấu. Đám cọc trở thành cọc một cách bất đắc dĩ để lại xót xa cho nhiều người không phải là giặc Nguyên!
Trước khi đáp xuống bãi đáp B15, máy bay lượn qua làng Phương Nghĩa. Một làng còn để lại trong tôi, cho đến bây giờ, thật nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm êm đềm của một thời. Ở đó, Phương Nghĩa dấu yêu, tôi đã gặp Hương Thu vào một đêm có trăng treo lơ lửng trên cành cây nhãn. Có gió mát dịu từ ngoài sông Dakbla thổi về. Có mùi hoa lài thơm ngát lồng trong gió. Có rất nhiều và có tôi với Hương Thu giữa đêm trăng sáng. À, còn có tiếng cười khúc khích như tiếng kêu của con chuột nhỏ bên vai tôi. Có tiếng nói nhỏ nhẹ êm đềm như một câu thơ và sau cùng là tiếng khóc của người con gái bé bỏng đó như còn văng vẳng bên tôi, bây giờ, khi tôi đi ngang qua làng Phương Nghĩa mến yêu của một thời và mãi mãi! Phương Nghĩa bây giờ nào có còn gì. Tìm đâu những vườn cây lá xanh trĩu trái. Tìm đâu những mái nhà tranh thật mát lúc nắng, thật ấm khi mưa. Ngôi trường Đào Duy Từ chỉ còn là đống gạch vụn vỡ mỗi nơi một mảnh. Ngôi trường ba phần lầu với 24 phòng có nhiều cửa sổ. Không lục tìm trong trí nhớ thì làm sao biết đây là ngôi trường yêu dấu ngày xưa. Tôi nghĩ đến những học trò mai kia trở lại. Trường cũ của các em hiện bày trước mắt một cảnh tượng hết sức thê thảm. Những kỷ niệm đã chôn chặt bên dưới những mảnh gạch ngói vỡ vụn. Sẽ có bao nhiêu người trong những học trò cũ đó ôm mặt mà khóc khi trở lại với trường của mình? Tôi bàng hoàng xúc động vì chính mình cũng đã hơn một lần gặp phải tình cảnh tương tự.

Tám năm bỏ trường mà đi rong chơi lận đận. Hình ảnh tôi mang theo vẫn là ngôi trường tỉnh của những năm cuối cùng ở bậc Trung học. Tôi ước mơ một lần trở lại quê nhà để thăm trường xưa, trở lại chỗ ngồi của mình ở chiếc bàn cuối về góc trái. Và tôi đã trở về nhưng không tìm lại được những hình ảnh dấu yêu đó bởi trường đã đổ nát sau biến cố Mậu Thân.

Tôi đã đứng trước cổng trường hàng giờ để cúi đầu mặc niệm. Để nghe lòng rưng rưng muốn khóc. Gạch ngói và cỏ đã phủ kín dấu chân tôi và dấu chân bạn bè ngày xưa. Tôi hằn học với mình tại sao lại trở về. Bởi vì, ngôi trường đổ nát, những hình ảnh thân yêu ngày nào đã bị dập vùi.

Mai này những học sinh ở đây trở lại với ngôi trường Đào Duy Từ hẳn hoi rồi họ cũng sẽ nhận lấy một đau buồn xót xa như tôi bây giờ. Tôi thương họ như thể đã thương tôi. Tôi thấy chính mình cũng bị mất mát, bị cướp giật. Cướp giật những kỷ niệm thay vì được nuôi lớn để đủ nghị lực mà sống. Thì ra chiến tranh đã làm mất mát nhiều quá. Và sau chiến tranh thường khi kẻ bại trận phải bồi thường, nhưng có những thứ mà kẻ bại trận không thể bồi thường được, trong đó có kỷ niệm. Thật đáng tiếc!

-oOo-
Ở đâu có bước chân giặc đi qua sẽ chẳng còn gì. Lời đó tôi đã đọc ở đâu, chắc là trên một tấm bảng cắm ở dọc đường tôi đã qua để tuyên truyền. Bây giờ, khi trở lại Kontum, tôi thấy câu nói đó thật xác thực. Câu đó đáng để mọi người đọc đi đọc lại cho thuộc nằm lòng và chịu khó suy ngẫm. Giặc cùng nghĩa với phá hoại. Tôi nghĩ vậy không hiểu có chủ quan lắm chăng? Nhưng dù sao, với tôi, khi chứng kiến cảnh tượng tiêu điều của làng Phương Nghĩa, tôi thấy tôi nói như vậy không có gì quá đáng. Trên một quãng đường dài tôi đã qua, con đường chạy qua làng Phương Nghĩa, nhà cửa chỉ còn trơ lại cái nền đen với những đống tro nguội lạnh.

Giặc đã giẫm chân lên làng này sau nhiều năm vây hãm. Trước khi rút lui, rất cẩn thận mang theo tất cả những gì ăn được và nhóm lửa đốt làng. Ăn chẳng được thì đạp đổ, đó cũng là một phương sách, một quy luật của chiến tranh. Cũng trên đường đi vào làng Phương Nghĩa, tôi đã gặp một người mẹ cặm cụi bới đống tro tàn. Bà tìm của cải chôn dấu trước khi bỏ chạy? Không. Tôi đã hỏi. Bà tìm dấu tích đứa con thân yêu của mình. Nghe tin chồng chết ở Tân Cảnh, người thiếu phụ vội vàng đi đón xác chồng.

Đứa con lên mười đang ngã bệnh đành để lại nhà nhờ hàng xóm trông nom. Từ bệnh viện 2 Dã chiến qua nhà xác Dân y không tìm đâu ra người chồng đã “mất”. Xác chồng được đưa về nhà xác quân y viện Pleiku. Người thiếu phụ quên bẵng đứa con để nghĩ đến chồng. Khi chôn cất chồng xong trở về thì ngôi nhà bây giờ chỉ còn là một nắm tro. Nước mắt còn đâu mà khóc.

Nước mắt đã khô cạn tự bao giờ! Bây giờ láng giềng còn ai để mà hỏi tin tức đứa con yêu dấu. Bới đống tro tàn tìm dấu tích đứa con cũng là một cách nuôi nấng chút hy vọng là con mình còn được sống! Đó là một thảm trạng của muôn ngàn thảm trạng của chiến tranh tại thành phố bé nhỏ này và tại một vài nơi khác có dấu chân giặc đi qua.

Phương Nghĩa ngày xưa với những vườn cây ăn trái bốn mùa. Với những mái nhà san sát. Với những con đường rợp bóng phượng, bóng me. Phương Nghĩa mỗi buổi chiều với những tà áo màu, áo trắng đến giáo đường. Phương Nghĩa bên này bờ sông Dakbla; dòng sông có nước chảy ngược về nguồn, mỗi đêm trăng nghe vang tiếng hò đạp nước lên soi. Gió xào xạc những bông cờ bắp. Và, trên bãi cát trắng sau làng, từng đôi thanh niên nắm tay nhau cười giòn giã.

Bây giờ… bây giờ Phương Nghĩa nồng nặc mùi xác chết nằm rải rác đó đây. Những cái xác chôn dập vội vàng còn sót đôi tay, đôi chân làm thức ăn cho ruồi nhặng. Hôm nay Phương Nghĩa tiêu điều. Tôi trở lại đây tìm lại bước chân ngày xưa trên con đường mòn đi vào làng mà Hương Thu mỗi ngày hai buổi đến trường qua con đường đó. Tôi cố tìm kiếm một chút dấu tích, chẳng hạn một bóng cây, một sân cỏ mà Hương Thu đã ngồi, lẽ dĩ nhiên là ngồi bên tôi và tôi đã thất vọng. Không một hình ảnh quen thuộc nào giúp tôi tìm kiếm những dấu tích đó. Phương Nghĩa sau cơn bão đạn đã mất mát quá nhiều và những mất mát đã làm tôi xót xa.

-oOo-

Trên con đường dẫn ra phố chính tôi tình cờ gặp lại Hưng và Tân, hai người bạn xa cách đã lâu bây giờ mới gặp lại. Hai thằng bạn trông hốc hác quá chừng. Râu dài như tóc và tóc dài hơn râu! Bộ áo quần trận nhàu nát, nhớp nhúa, cái bảng tên may trên áo đã không còn đọc được, bụi đỏ bám đầy. Hưng kể cho tôi nghe thành tích của Tiểu đoàn nó “hạ” chiến xa giặc. Nó nói thật say sưa, giọng nói trầm trầm đều đặn như một thi sĩ đang đọc thơ mình trước một cử tọa đông đúc và biết nghe thơ. Hắn nói về những người bạn đã chết, đã anh dũng hy sinh để giữ thị trấn này, và lúc đó khuôn mặt Hưng trông dàu dàu buồn bã. Hắn cũng nói đến Trâm, người yêu của hắn, đã không còn đủ bình tĩnh ngồi ở Cần Thơ chờ tin thắng trận từ Kontum. Trâm đã đến với Hưng trong cơn khói lửa ngút ngàn vây phủ bốn bề. Và bây giờ, khi gặp tôi, Hưng hết lời ca ngợi tình yêu đó. Tôi hiểu Hưng cùng nỗi sung sướng còn lại với một cảm xúc lâng lâng trong tâm hồn chàng. 

Tân cũng tranh phần Hưng kể lại những ngày nó sống thật kham khổ trên quốc lộ 14. Hai bạn tôi có quá nhiều điều muốn kể. Chẳng đứa nào hỏi tôi câu nào, chúng đồng hóa tôi như một máy thâu, chỉ nghe mà không được phát. Tôi không lấy làm bực bội gì cả, trái lại thấy thương bạn mình ghê quá, gần hai tháng bạn tôi chẳng được tâm sự. Những gì muốn nói cứ chồng chất ngày này qua ngày khác để chờ có dịp phát nổ. Và gặp tôi như một ngọn nến châm thùng thuốc nổ đó. Khác với Hưng nói chuyện thật say sưa, Tân nói nhỏ chỉ vừa đủ cho ba đứa nghe, giọng nói rời rạc chìm lỉm. Tân nói về những vết thương trên người chưa khô mủ. Về những cấp chỉ huy hết sức can trường mà nó hết lòng cảm phục. Trung tá Hưng sau hai mươi chín ngày dẫn đoàn quân đi tiên phuông khai thông Quốc lộ chỉ còn một nắm xương bọc lấy da. Cuối cùng khi con lộ dài 48 cây số được mở rộng cho người ra vào Kontum thì người sĩ quan can trường đó đã được binh sĩ chiến đoàn khiêng lên máy bay đưa ông về bệnh viện. Ông không được đồng bào Kontum choàng lên vai nhưng vòng hoa chiến thắng vào một ngày cuối cùng trên Quốc lộ. Tân cũng nói đến Thiếu tá Triết, người được chỉ định thay thế Trung tá Hưng bị thương. Tân nói đó là một sĩ quan đảm lược và gan lì. Một sự can đảm cần thiết để lật ngược thế cờ ở khúc đường cuối của quốc lộ khi chiến đoàn vượt qua con suối máu cuối cùng để đi vào thị trấn Kontum. Tân còn kể cho tôi nghe suốt hai mươi chín ngày ròng rã anh chỉ uống nước bẩn đỏ ngầu đầy những lăng quăng, và có những người ngã bệnh sốt rét cấp tính. Họ vừa run rẩy khi lên cơn sốt vừa cắn chốt lựu đạn tung vào đám giặc điên cuồng đang cố tìm cách bám vào thành chiến xa. Hai mươi chín ngày với những gói cơm sấy dùng nước lã dơ bẩn. Và cuối cùng đoàn quân đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Anh mô tả đoạn đường anh vừa đi qua như một con lộ máu. Tân nói đến núi Chư Pao và nhân đó đọc cho tôi nghe mấy câu thơ trong một bài thơ của một nhà thơ trẻ:

Chư Pao ai oán hờn trong gió,

Một chiếc khăn tang một tấc đường.

(thơ Lâm Hảo Dũng)

Tân nhấn mạnh, chỉ có hai câu thơ đó mới nói lên được những gian truân mà bạn bè anh đã trải qua. Anh nói anh ít đọc thơ nhưng anh thuộc lòng bài thơ “Dưới chân đồi Chu Pao” đó của Lâm Hảo Dũng. Lẽ dĩ nhiên khi khẳng định như vậy về giá trị của một bài thơ anh đã có những lý lẽ riêng của mình.

Tân và Hưng dắt tôi đi thăm vài nơi trong thị trấn. Những gì còn lại và những gì đã mất của thành phố chịu quá nhiều bất hạnh. Lúc ra về, tạm biệt một phố thị điêu tàn, tôi mang theo một chút buồn, một chút xót xa ngậm ngùi về một nơi mà tôi hết lòng yêu mến. Hương Thu của Phương Nghĩa nay chắc đã không còn? Và tôi nghe như tiếng khóc nàng ngày nào còn ở trong tôi.

Vũ Hoàng, 1972

(Trần Vũ đánh máy lại tháng 5-2018 từ “Tuyển tập Bút ký Phóng sự Chiến trường 1972”, Nxb Văn Nghệ Dân Tộc in 1973.)