30 August 2022

"CHÉM GIÓ” VỀ CỤC GẠCH - Ông Tư Sài Gòn

Sáng sớm, thằng Tang, con ông Tính và bà Tình – một gia đình cách mạng – đã sang nhà gõ cửa. Tôi già rồi nên dậy rất sớm, chứ gặp người khác đang ngủ mà bị đánh thức kiểu này thì chắc thằng Tang sẽ được một trận “hồn vía lên mây.”

“Làm gì mà mày qua ‘ám’ tao sớm vậy Tang?” Tôi vừa hỏi vừa mở cổng cho nó vào. Mặt nó như chưa được ngủ, vừa ngáp vừa trả lời: “Ông Tư có trà nóng không cho con một ly, nước của con Pha bán cà phê chưa sôi.”

Tôi kéo nó vào trong nhà, chứ không ngồi ngoài sân như thường lệ. Mấy ngày nay Sài Gòn tự nhiên trở rét, hoa lá còn teo, huống chi người, vào nhà ngồi cho chắc ăn.

Uống xong hai tách trà Thái Nguyên, thằng Tang mới thủng thỉnh nói:

“Ông Tư coi ba con được không. Mấy ngày hôm nay rét gần chết mà không cho bật máy sưởi, còn nói con: ‘Mày theo gương gia đình chị Thúy đó, mùa Đông người ta chống rét theo kiểu bác Hồ, vừa yêu nước, vừa tiết kiệm, không như mày, xài hoang phí quá!’ Ổng có điên không ông Tư?”

“Nó là cha mày, mà mày không biết thì sao tao biết?” Tôi hỏi ngược lại nó, “À mà con Thúy là con nhỏ nào?”

Thằng Tàng trợn mắt nhìn tôi: “Trời ơi ông Tư! Nhà văn, nhà báo nổi tiếng đó! Đỗ Bích Thúy, trung tá quân đội đó ông Tư.” Tôi nói, “Kệ nó chứ, mà nó mắc mớ gì chuyện cha con mày?”

Thế là được dịp, thằng Tang mới kể, trong chương trình Quán Thanh Xuân gì đó của Đài VTV ngoài Bắc, có “giao lưu, gặp gỡ” một số người nổi tiếng, nói chuyện về đề tài mùa Đông, trong đó có bà nhà văn Đỗ Bích Thúy này. Bả kể hồi nhỏ, những buổi tối mùa Đông ở Hà Giang, trời rét lắm, nên bố bả lúc nào cũng nướng ba cục gạch trên bếp trong hai tiếng đồng hồ. Bố bà Thúy bảo đó là kiểu chống rét của bác Hồ hồi ổng còn đi tìm đường cứu nước (!?). Bà Thúy nói ba cục gạch đó được nhét vào nhiều lớp bao tải, quần áo cũ, rồi nhét dưới lớp chăn bông cho bố mẹ bả một cục, hai anh trai của bả chung một cục, còn bả được riêng một cục. Bả nói gia đình bả không thể đi qua những mùa Đông nếu không có những cục gạch hồng của bố bả.

“Liệu có đáng tin không ông Tư? À mà ông Tư biết vụ bác Hồ chống rét bằng cục gạch không?”

Tôi nói, “Tao là người miền Nam, nên không có thằng bác thằng chú nào hết. Còn chuyện ông Hồ lấy tên Trần Dân Tiên rồi tự ca ngợi khi xưa thì còn được, chứ giờ dân người ta sáng mắt hết rồi, đâu có ai tin nữa. Thế nên chuyện con nhỏ bộ độ gái trung tá nhà văn gì đó kể chuyện chống rét theo kiểu ông Hồ thì mày đừng tin, có ngày cháy nhà…”

Thằng Tang cắt ngang lời tôi, “Thì đó ông Tư! Hôm qua con bỏ cục gạch vô lò nướng, bật lên 400 độ C, nung hai tiếng xong mang ra bọc vô mấy lớp bao tải, xong cho vô cái mền bông dày cộm của con. Lát sau ngửi thấy mùi khét, mở ra mù mịt khói từ bao tải, làm còi báo cháy hú lên điếc cả tai.”

Không thể hiểu nổi, thời đại này mà còn có một nhà văn lên trên tivi bốc phét như thế. Từ câu chuyện xạo ông Hồ chống rét bằng gạch ở Paris hoa lệ, nhà văn này đưa viên gạch về chiến khu luôn cho nó gần gũi. Vậy mà cả đám văn nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, cứ ngồi lơ ngơ, láo ngáo nghe không sót một chữ, uống từng lời như rót mật vào tai, nhưng lại không dám cãi một tiếng. Bố bảo cũng chẳng dám cãi. Nếu nói nhà văn đảng viên này nói xạo thì như gián tiếp nói ông Hồ xạo à!

Tôi nói với thằng Tang, “Thằng cha mày là đảng viên, nên bị ngu là phải lẽ, còn mày thì mở to con mắt ra, dùng cái đầu để suy nghĩ. Trên đời này, từ cổ chí kim chưa có thằng nào, dù nghèo khổ đến đâu chăng nữa, cũng không dám ôm cục gạch đỏ hồng để ngủ. Mất ‘giống’ như chơi.”

Tôi nhớ có một câu chuyện vui về cục gạch đỏ hồng của ông Hồ ở Paris trên mạng. Nhân dịp này kể cho thằng Tang nghe, để cho nó mở mang đầu óc. Chuyện như thế này:

Ngay sau khi “nghe như sét đánh ngang tai, bác Hồ đang sống chuyển sang từ trần”, về chầu các cụ tổ Mác-Lê-Mao, Bộ Chính Trị quyết định lập một Viện Bảo Tàng cho nhân vật đầy bí ẩn này.

Thế là các Tòa Đại sứ Việt Nam (TĐSVN) tại các quốc gia mà ông Hồ từng sinh sống ra thông báo, đại khái là ai có giữ những kỷ vật, hình ảnh, hay bất cứ thứ gì liên quan đến ông Hồ, nếu mang lại tặng cho TĐSVN, sẽ được trọng thưởng.

Tại Paris, sau mười ngày thông báo trên báo chí, đài phát thanh và truyền hình, có một bà cụ già yếu hom hem chống gậy lò mò đến văn phòng sứ quán, xin gặp người phụ trách chương trình đổi kỷ vật của ông Hồ lấy tiền.

Giọng bà cụ như muốn hết hơi vì đi bộ tới:

– Tôi biết rõ phòng trọ mà ông Nguyễn Ái Quốc (tên ông Hồ hồi ở Pháp) đã từng trọ suốt thời gian ở Paris.

Viên lãnh sự của TĐSVN vui mừng hỏi:

– Thế bà có hình ảnh về căn phòng trọ đó à?

Bà cụ nhỏ nhẹ nói:

– Tôi không có hình ảnh gì về căn phòng đó hết, nhưng tôi có một cục gạch mà ông Nguyễn thường sưởi ấm mỗi đêm.

Viên lãnh sự vui mừng nghĩ, nếu mang được cục gạch này về là mình không những được thưởng to mà còn được lên chức nữa cũng nên. Hắn hỏi không giấu được vẻ vui mừng:

– Ôi… Quý hóa quá! Thế bà còn giữ được… cục gạch đó à?

Bà cụ vẫn nhỏ nhẹ:

– Thưa ông, đương nhiên ạ! Tôi chỉ có một cục, một số bà nữa có, nhưng họ chết hết rồi.

– Thế thì hay quá, bà có sẵn sàng giao lại cục gạch quý giá đó cho chúng tôi không ạ! Đây là một kỷ vật quý giá của Nhà Nước chúng tôi. Gọi là “quốc bảo” đấy cụ ạ. Chúng tôi sẽ hậu thưởng cho bà đấy. Nhưng, xin lỗi bà, chúng tôi phải cho thử nghiệm tuổi của cục gạch này trước, rồi mời đưa tiền thưởng cho bà được.

– Vâng, ông đừng lo, tôi có giấy tờ chứng minh đàng hoàng, đúng tuổi, đúng thời gian ông Nguyễn ở đây.

– Ôi! Thế cơ à, cục gạch mà cũng có giấy tờ à! Bà vui lòng cho chúng tôi xem…

Bà cụ chậm rãi rút ra một tờ giấy đã cũ vàng, nhưng rất thẳng thớm, chứng tỏ bà rất quý, và trân trọng nó.

Viên lãnh sự cầm xem và nhíu mày lẩm bẩm:

– 1919, Ma chérie Marie… (tạm dịch: Marie cưng của anh…)

– Cái giấy này là gì vậy ạ? Bà có đưa lộn không?

Bà cụ trả lời:

– Không nhầm không lộn gì cả đâu, thưa ông. Vâng, tôi là một trong những… "cục gạch nung mùa đông của anh Nguyễn" lúc đó đấy ạ!

Thằng Tang nghe đến đây, rú lên như nhà bác học Archimedes năm xưa tìm ra định luật về sức đẩy của nước khi đang tắm. “Ô! Con hiểu rồi! Con hiểu rồi. Cái gì chứ mấy cục gạch này con có nhiều lắm, cứ là ‘vô tư’! Tối nay con rủ một cục đến ngủ chung. Hehehe…”.

Ông Tư Sài Gòn