Madonna, Miley Cyrus, Julia Roberts, Beyoncé, Drew
Barrymore, Sophia Loren, Britney Spears, là ai? Trăm phần trăm chúng ta, nếu có
nghía tới màn bạc, đều biết rõ họ là những nữ tài tử nổi tiếng của Holywood.
Nhưng ít ai biết họ đều là những người để lông nách! Cái thứ cỏ nằm dưới nách
ai cũng có nhưng hầu như các bậc nữ lưu đều cho đó là thứ cỏ dại cần nhổ bỏ. Nhất
là những người nữ có danh vọng trong làng giải trí. Thường thì vùng nối giữa
thân mình và cánh tay, nơi các minh tinh hay phô bày khi mặc những chiếc áo dạ
hội, đều bóng láng, không một sợi lạc loài.
Từ trước tới nay, chẳng chỉ các nàng trong làng giải trí mà hầu như tất cả các chị em phụ nữ đều một mực xua đuổi những sợi lông mất thẩm mỹ nơi rất dễ lấp ló này, khiến nơi vùng tối này trơn láng sạch sẽ hơn. Đó là một…đạo mà họ tuân theo từ thời ông bành tổ tới chừ.
Nhưng chừ bành tổ già hung, họ lờn mặt. Cả một phong trào sống
tự nhiên như nhiên khiến chuyện tưởng đã thành chân lý bỗng sụp đổ. Các bà thi
nhau sum suê nơi góc tối này. Phong trào này được các ông cổ võ tức thời. Họ vẫn
nghĩ chỗ này nhắc nhở tới chỗ khác. Như một thứ chim báo bão. Nơi đây sao nơi
đó cũng vậy. Đàn ông là thứ được trời phú cho chí mạo hiểm. Cái chi cũng muốn tỏ
tường tới nơi tới chốn. Khi không tới nơi tới chốn được, họ dùng óc tưởng tượng.
Chuyện “cách mạng” của các bà làm cho trí tưởng tượng có chỗ dựa. Nơi này là
hình bóng của nơi kia.
Các ông nghĩ chi, mặc các ông, chuyện các bà làm thì đường
ta ta cứ đi, chẳng quan tâm tới những ánh mắt dại khờ chung quanh. Ngay từ năm
2014, nữ hoàng nhạc pop Madonna đã đăng trên trang cá nhân bức hình để lộ đám cỏ
dưới nách với lời chú thích: “Lông dài, không sao cả. Đây là chuyện bình thường,
không vi phạm pháp luật hay đạo đức”. Người ca sĩ có phong cách riêng này
rất tự tin, muốn được là chính mình chứ không phải chạy theo những chuẩn mực sắc
đẹp do người khác đặt ra. Bà có ngay một đệ tử, chính là cô con gái Lourdes
Léon của bà. Cô này chủ trương để lông trên cơ thể phát triển tự nhiên.
Khi đi dự Met Gala 2021, Lourdes còn cố tình mặc áo không tay để lộ phần kín
phía dưới. Người đẹp trẻ tuổi này nói: “Thời học trung học, tôi thấy cách các
cô gái nổi tiếng trong trường hành động để cua những chàng trai họ thích. Tôi
biết mình không phù hợp với cung cách đó. Bởi vậy, tôi quyết định làm ngược lại.
Tôi không trang điểm, không tạo kiểu tóc, không cạo lông chân và lông nách như
số đông”. Năm 2015, nữ ca sĩ trẻ hay le lưỡi gợi tình Miley Cyrus không những
xum xuê mà còn nhuộm mớ loăn xoăn cho nổi đình nổi đám. Màu nhuộm thay đổi
xoành xoạch tùy theo sở thích.
Sophia Loren, thần tượng của thế hệ chúng tôi với thân hình
bốc lửa, là một trong những ngôi sao tiên phong trong việc ủng hộ nữ quyền, đã
được tờ Vogue đăng hình với lời bình luận: “Nàng đã chứng minh lông nách không
khiến phụ nữ bớt thanh lịch. Tấm hình này nói lên điều đó”. Trong một buổi xuất
hiện trước công chúng vào năm 1999 khi ra mắt cuốn phim Notting Hill, Julia
Roberts mặc một chiếc áo đỏ, thấp thoáng dưới nách là vệt lông đen. Nàng tỉnh
bơ rất tự tin khi các phóng viên xúm vào chụp khoảnh khắc rất thật này. Julia
phát biểu: “Tấm hình thực sự sống động trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ tôi chỉ
thực sự chưa tính toán được chiều dài tay áo và cách vẫy tay. Hai thứ đó kết hợp
với nhau và đã tiết lộ những điều cá nhân về tôi. Điều này không phải là một
tuyên bố gì to tát, nó chỉ là một phần của việc thể hiện tôi với tư cách là một
con người trên hành tinh sống cho bản thân mình”. Khi đến dự buổi ra mắt
“Hồ Sơ Cadillac” vào năm 2009, Beyoncé bị giới chụp hình phát hiện chuyện lơ
thơ tơ liễu dưới nách. Cô biện bạch đó là chuyện cô thích làm. Drew Barrymore,
người đã xuất hiện trên màn ảnh từ thời thơ ấu, là một khuôn mặt khá dễ
thương. Từ năm 2000, cô để cho cỏ mọc tự do, không thèm dọn dẹp chi. Britney
Spears cũng vậy. Người ta đã thấy rất nhiều lần cô xuất hiện với vùng nách rậm
rạp. Hỏi thì cô cho biết cô lười biếng không cạo. Thiệt vậy không, chẳng ai tin
như vậy.
Khi các thần tượng màn bạc hùa nhau để cho cỏ dại um tùm nơi
vùng mà từ trước tới nay phụ nữ thường cạo láng, các tín đồ của họ nhất định sẽ
chạy theo.
Nữ sinh viên người Anh tên Laura Jackson đã khởi xướng phong
trào Jamuhairy nuôi lông nách lông chân trong một tháng, được nhiều
thanh nữ hưởng ứng, trưng hình rậm rạp lên mạng xã hội. Laura Jackson cho biết
muốn tạo ra phong trào này vì muốn thách thức những gì gọi là “chuẩn mực vẻ đẹp
xã hội”, những gì gọi là “điều cấm kỵ” đối với phụ nữ. Xã hội chị em đang sống
là một xã hội tự do, không ai phải ép mình tuân theo những tiêu chuẩn không tự
nhiên, không thực tế và cũ kỹ lỗi thời. Mục tiêu của phong trào Januhairy
là khuyến khích tất cả các bạn gái tự tin vào chính mình, đẹp theo cách riêng của
chính bản thân, không thèm theo một áp đặt nào của xã hội.
Nơi quê hương của Khổng Tử tưởng là sẽ yên ắng theo nếp cũ
ngàn năm đông cứng nhưng cũng cựa mình dữ. Năm 2015, trên trang mạng Weibo, một
thứ Facebook của Trung quốc, bà Xiao Meili phát động một cuộc thi “khoe lông
nách” với mong muốn phụ nữ sẽ đạp tung những quan niệm xã hội lỗi thời để
được tự do hơn với cơ thể của mình. Bà nói: “Tôi có nên cạo lông nách? Các cô
gái thường lo âu về lông nách như thể nó là biểu hiện của dơ dáy, thiếu văn
minh. Nhưng chúng ta cần được tự do để lựa chọn cho lông nách được mọc tự nhiên
trên cơ thể”. Bà mang ngay ông Khổng Tử ra để biện minh khi nhắc lại lời dạy:
không nên gây tổn thương tới cơ thể, lông tóc, da thịt do cha mẹ ban tặng. Chuyện
“cách mạng” tại một đất nước bao ngàn năm sống trong những lời dạy của các bậc
thánh hiền không phải là suông sẻ. Một người phản đối trên mạng: “Để lông
nách hoặc không cạo râu đều là bất lịch sự cho dù là nam hay nữ”. Một phụ nữ phản
bác: “Chẳng ai bắt tôi phải cạo lông nách cả. Tôi làm điều này chỉ vì tôi muốn
làm như thế!”. Một nữ sinh viên dữ dội hơn. Cô post tấm hình cô đứng dựa
vào chiếc giường trong một ký túc xá, khoe cánh tay: “Tôi là một sinh viên đại
học. Tôi thích lông nách của tôi. Tôi ủng hộ lông nách tự nhiên, tự tin và bình
đẳng”. Một nhà hoạt động cho nữ quyền rất năng nổ, cô Li Tingting, cũng đã
post tấm hình bán khỏa thân với chùm lông nách và ghi chú: “Tôi nghĩ cuộc vận
động này rất có ý nghĩa. Thị trường hiện nay tràn ngập các sản phẩm cạo lông
dành cho phụ nữ. Chúng ta cần suy nghĩ xem tại sao phụ nữ lại có nghĩa vụ cạo
lông nách? Phụ nữ chúng ta cần giải phóng tư tưởng và cơ thể. Đàn ông Trung Quốc
có thể cởi trần đi lại trên đường suốt ngày, tại sao phụ nữ lại không thể? Đối
với tôi, cơ thể là chiến trường!”.
Một anh đực rựa tên Shen Dian Tong Ji Lin chẳng…chiến trường
chi. Anh là một blogger trên mạng Weibo được hơn 10 triệu lượt người
theo dõi. Sau khi nhận được một tấm hình của một fan với lời than phiền
về việc lông tay lông chân mình quá dài, anh nảy ra ý mở cuộc thi hình selfie
độc đáo với hashtag# Girls BodyhairCompetition# với giải thưởng khá bèo.
Giải nhất có 88 nhân dân tệ, nhì 66 tệ và ba 55 tệ. Tính ra tiền Mỹ giải nhất
chỉ có 13 đô! Vậy mà cũng có tới 190 triệu lượt người vào theo dõi. Anh mở màn:
“Giờ đang là mùa hè ở Trung quốc, các cô thường lựa chọn mặc áo cộc tay hoặc áo
ba lỗ nhưng có người lại lo ngại về lông của mình. Vì vậy tôi đã đứng ra phát động
phong trào này”. Tấm hình được mọi người khoái nhất, có tới 43 ngàn comment và
22 ngàn rưởi like là hình cánh tay của một cô gái phủ kín lông đen và
dài, đôi chân cũng lún phún cỏ đen với một chú muỗi leo trèo trên mớ lông. Cô
giải thích: “Đến vòi của muỗi còn không xuyên qua được lớp áo giáp này. Mình là
con gái nhé. Có ai có nhiều lông hơn mình không?”. Một nàng khác hưởng ứng: “Mẹ
em hay bảo em là con đàn ông. Thế mà vào xem hình của mấy chị (không biết có phải
là chị không nữa), em thấy mình tự tin hơn nhiều”. Cô Yuan Jiayu, 20 tuổi, cho
phổ biến một tấm hình lông ơi là lông: “Tôi nghĩ rằng đã là con gái, dù có nhiều
lông hay không, da trắng hay da màu, hoặc cả cách ăn mặc nữa, đều phụ thuộc vào
gu thẩm mỹ của mỗi người. Vì thế tôi chẳng mấy quan tâm đến việc cạo lông hay
những điều người ta bàn tán về tôi”.
Thấy đàn bà con gái khoe khoang sự rậm rạp, một cậu trai tủi
phận khi đăng một tấm hình tay trắng nõn, không một cọng lông với hàng chữ:
“Mình cảm thấy lạc lõng và nữ tính quá đi mất!”.
Thiệt là một cuộc cách mạng thú vị. Nhiều ông bạn tôi chê ỏng
chê eo cuộc cách mạng này. Các ông ấy bị sốc khi thấy khu rừng U Minh lồ lộ
trên vùng chiến thuật. Trông không được mắt. Tôi nghĩ mắt các ông ấy quen với sự
nhẵn nhụi từ bé tới chừ, nay bỗng thấy sự nhẵn nhụi biến mất, trông không được
sáng sủa. Rừng lá thấp phải ở đúng nơi đúng chốn. Các ông này có cái nhìn cổ điển.
Rừng nào chẳng là rừng. Rừng lá thấp hay rừng lá cao, khác chi mô mà bận tâm.
Sự nhẵn nhụi nơi cánh gà của các bậc nữ lưu là chuyện có từ
xưa, xưa lắm rồi. Từ thời kỳ đồ đá lận. Thời kỳ đó, phương tiện để triệt lông
chưa hiện đại và tiện lợi ngày nay. Họ dùng vỏ sò, sáp ong và một vài chất tẩy
thô sơ khác. Người La Mã quan niệm da dẻ càng mịn thì càng có đẳng cấp cao. Ở
Trung Đông và Đông Nam Á, người ta dùng sợi chỉ để tẩy lông trên mặt. Người Ba
Tư cho rằng tẩy lông và tạo hình lông mày là dấu hiệu của tuổi trưởng thành và
sẵn sàng đi vào hôn nhân của các thiếu nữ. Từ khi Nữ Hoàng Elizabeth I lên ngôi
vào năm 1558, bà đã nâng việc tẩy lông mày lên thành mốt được nhiều người theo.
Mãi tới thập niên 1800, phụ nữ ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương mới biến việc tẩy
lông là một phần không thể thiếu trong quy trình làm đẹp của phụ nữ. Mãi tới đầu
thế kỷ 20, các phụ nữ da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu và trung lưu mới coi
da trắng mịn màng là biểu hiện của nữ tính. Lông lá trên người bị coi là một thứ
ghê tởm, chỉ có ở những người nhập cư là thành phần thấp hơn trong xã hội.
Thứ cỏ dại dưới cánh tay mà chúng ta nói tới chỉ bị chỉ mặt
vào năm 1915, khi tạp chí của nữ giới Harper’s Bazaar phát động chiến dịch tẩy
thứ cỏ không được ưa chuộng này. Cùng năm đó, hãng làm dao cạo Gillette tung ra
thị tgrường chiếc dao cạo đầu tiên dành cho phụ nữ. Tạp chí Harper’s Bazaar là
một tạp chí lâu đời rất có uy tín về thời trang và trang điểm của phụ nữ. Ra đời
từ năm 1867, sống liên tục tới nay, tạp chí vừa tái xuất hiện sau thời gian
đình bản vì Covid-19. Từ thập niên 1930, nhiều phụ nữ Mỹ bắt đầu chú ý tới việc
dọn dẹp lông chân. Khi chiếc áo tắm hai mảnh bikini ra đời vào năm 1946, cỏ dại
nơi khu trung tâm vũ trụ của chị em mới được dọn dẹp. Năm 1953, tạp chí dành
cho các ông Playboy ra đời, hình các người mẫu xuất hiện trên báo trơn láng tạo
ra một tiêu chuẩn mới về sự gợi cảm khiến chị em phụ nữ ồ ạt làm theo. Từ năm
1964, người ta tính có tới 98% phụ nữ Mỹ từ 15 đến 44 tuổi thường xuyên cạo
lông chân và các loại sáp và phương pháp triệt lông bằng laser ra đời.
Gió đổi chiều vào thập niên 1960. Giáo sư Heather Widdows của
Đại học Birmingham, Anh, tác giả cuốn “Perfect Me: Beauty as a Ethical Ideal”,
cho biết: “Vào cuối thập niên 1960 và 1970, làn song nữ quyền thứ hai và sự lan
rộng của văn hóa hippie đã từ chối những cơ thể không có lông. Đối với rất nhiều
phụ nữ, lông trên cơ thể là biểu tượng của cuộc chiến bình đẳng giới tính”.
Giáo sư Breanne Fahs của Đại học Arizona, Mỹ, từ năm 2010,
nhìn thấy hiện tượng cỏ dại lan tràn như một trào lưu mới của giới trẻ. Bà nói:
“Thông qua phong trào #MeToo, người ta nhận thức sâu sắc hơn về những hạn chế
trên cơ thể phụ nữ, về nữ quyền, giới tính, tình dục và sẵn sàng đầy lùi tất cả,
hoặc ít nhất là thoát ra khỏi vùng an toàn”.
Trên tạp chí Harper’s Bazaar, nữ diễn viên Emily Ratajkowski
đã khoe bộ lông nách không cạo. Kể cũng tức cười. Chính tạp chí này từ khi ra đời
vào năm 1915 để hướng dẫn các bà làm đẹp theo thời trang với sự làm láng da thịt,
sau khoảng trăm năm, đã quay ngược 180 độ!
Các hãng làm dao cạo dành cho phụ nữ dọn dẹp thân hình cũng
phải đằng sau quay để khỏi bị việt vị. Công ty chế tạo dao cạo Billie dành cho
phụ nữ, được thành lập vào năm 2017, thay vì quảng cáo bằng những thân hình người
mẫu trơn láng, đã trưng ra những hình ảnh của các người đẹp lông lá đó đây. Nhà
sáng lập công ty Billie này vớt vát: “Lâu nay quảng cáo chỉ củng cố những đều cấm
kỵ xung quanh chủ đề này. Chúng tôi muốn truyền tải thông điệp rằng phụ nữ có
lông trên cơ thể hãy khoe nó vì tẩy lông chỉ là một lựa chọn”. Nhiếp ảnh gia
Ashley Armitage của Billie thêm thắt: “Lông trên cơ thể là một lựa chọn cá
nhân. Cạo, tẩy hay nuôi lông đều là lựa chọn hợp lệ và tất cả tùy thuộc vào từng
người”.
Vậy là phe ta
toàn thắng. Các giai nhân không có tí lấp ló dưới cánh tay coi bộ hụt hẫng. Phải
có với người ta mới đúng trào lưu tân tiến.
Đó là chuyện cỏ dại
của mấy bà. Đối với các ông, cỏ dưới nách không phải là cỏ dại mà là cỏ khẳng định
nam tính. Có ông nào, trong phim ảnh hay ngoài đời, khi giơ tay lên mà chẳng một
nạm.“Vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu / Lông nách một nạm, chè tàu một hơi” là
câu tục ngữ bỉ thử người đàn ông cục mịch quê mùa. Nhưng các công tử
lịch thiệp, các văn nhân nho nhã cũng vẫn... một nạm. Chẳng thấy ông nào nghĩ tới
chuyện vạt đi mớ cỏ bề bộn mỗi khi giơ tay ba hoa chích chòe. Cỏ này là cỏ quý.
Cỏ của chị em phụ nữ ngày nay cũng... quý. Làm chi có cái thứ gọi là cỏ dại!
07/2022
Song Thao