1.Bài học Mỹ
Hơn hai mươi năm nay tôi đến Trung Hoa dễ cả trăm lần, vì
công việc, vì du lịch và chứng kiến những đối thay của đất nước này. Hai năm vừa
rồi đại dịch đi lại hết sức khó khăn. Ai vào Trung Hoa phải mua vé máy bay cắt
cổ, chấp nhận ba tuần cách ly, hơn 10 lần ngoáy mũi, một mình một phòng khách sạn,
cơm nước đạm bạc. Tôi cũng làm được vài chuyến, tổng cộng số ngày bị nhốt hơn
hai tháng, hân hạnh biết một Trung Hoa oằn mình trong chính sách zero COVID.
Trong đời không có nhiều khi được hơn hai tháng không ai quấy rầy tha hồ đọc
sách, khỏi làm việc nhà, trong cái rủi cũng có cái may.
Sau những ngày chật chội cách ly như ở tù ra được trời rộng là một niềm vui lớn. Anh bạn người Hoa đến đón biết ý lúc nào cũng đỗ xe ở điểm đầu tiên để vào Starbucks Reserve làm một ly cà phê. Starbucks ở những thành phố như Thẩm Quyến Thượng Hải rất tráng lệ, không dễ tìm thấy ở Mỹ. 9 đô một ly cà phê ở Mỹ chắc cũng ít người uống nhưng khách tấp nập. Starbucks là một hiện tượng độc đáo ở Trung Quốc. Cho dù truyền thông ở đây ra rả chưởi Mỹ trong bối cảnh căng thẳng, Starbucks lúc nào cũng đông vui. Dẫu cho bao hàng cà phê nội địa ra sức cạnh tranh từ bắt chước logo cho tới trang trí, từ bán rẻ bằng nữa giá, Starbucks vẫn vượt xa chứng tỏ thương hiệu có một lôi cuốn đặc biệt với giới trẻ.
Ngay những ngày này, bộ mặt Trung Hoa thay đổi đến chóng mặt
ngay cả trong dịch COVID. Trong hai năm vừa rồi số nhà trọc trời Thẩm Quyến xây
nhiều hơn cả thế giới cộng lại, metro hơn thêm mươi trạm, khai trương cây cầu
dài 55 cây số qua biển nối Thẩm Quyến với Macao và Hồng Kông. Sự phồn hoa thấy
rõ trên những đại lộ nhộn nhịp, thị tứ sang trọng và giá nhà đắt nhất thế giới,
vượt qua New York với hơn 25,000 USD trên một mét vuông ở những khu tốt. Thẩm
Quyến, như đại diện một Trung Hoa trẻ hoá như lời ông Tập, rầm rập đi tới, giấc
mơ Trung Hoa trong tầm tay!
Trong khi Mỹ chìm đắm trong những cãi vã liên tục bất tận của
các đảng phái, sự bất lực trong giải quyết các vấn đề về sắc tộc giữa da trắng
và da màu, ma tuý, bạo lực súng ống, giàu nghèo… thì chính quyền Trung Hoa tự
tin chỉ dạy dân chúng ngày chúng ta qua mặt Mỹ không xa.
Sự trỗi dậy của Trung Hoa trong 40 năm qua phải nói là thần
kì. Từ một di sản đói nghèo do Mao để lại, Đặng và các người kế nghiệp của ông
đã xây dựng một quốc gia với tổng sản lượng nội địa gần bằng Mỹ, nếu tính đến sức
mua thì đã vượt Mỹ. Đặng bắt đầu chính sách xoá đói giảm nghèo cho hàng mấy
trăm triệu người và thành công vượt bực. Năm 2021 TQ xuất khẩu 3.400 tỉ Mỹ kim
hàng hoá ra thế giới trong đó khoảng 600 tỉ vào Mỹ, dưới 20% cho nên bây giờ
không Mỹ thì chợ vẫn đông. Chính sách thuế quan của Mỹ lên hàng TQ chẳng nhằm
nhò gì, chỉ khổ người Mỹ phải nai lưng đóng thêm thuế hàng hoá trong khi lạm
phát phi mã.
Sau khi Liên Xô sụp đổ vào 1991, nền dân chủ tư sản Tây
Phương không còn đối thủ. Nói như triết gia Fukuyama là sự chấm dứt của lịch sử
vì dân chủ tự do sẽ là mẫu mực cho nhân loại từ nay về sau. Với quan niệm đó, một
Trung Hoa giàu lên sẽ là một Trung Hoa tự do hơn. Dòng tiền đầu tư toàn cầu ồ ạt
đổ vào và một nền văn minh 5000 năm giật mình tỉnh giấc tham gia giấc mơ tư bản
hóa. Đồng thời 40 năm qua cuộc cách mạng kỹ nghệ số cũng bùng nổ và với bản chất
năng động trong thương trường, sự cần cù và thông minh, người Hoa nắm bắt thời
cơ, kiếm được thị phần, hiện đại hoá sản xuất. Tây Phương giật mình khi sau mấy
thập kỷ, không còn hình ảnh của những người Hoa ốm o, lở loét đi làm đường sắt ở
Mỹ, bán chạp phô, tiệm ăn Tàu rẽ tiền hay chui rúc trong những Chinatown dơ bẩn.
Ngay cả loại người Hoa cùng đinh tha phương đi làm cu li đồn
điền ở Mã Lai cũng tập hợp xây nên một Singapore đẹp đẽ và giàu có. Giới tính
hoa Tây Phương tự hỏi vì sao nên nỗi này, ai tạo ra một đối thủ nặng ký? Một
Trung Hoa giàu lên sao không tự do hơn? Mấy trăm triệu người Hoa giai cấp trung
lưu không màng tới bầu cử tự do, vẫn ủng hộ Đảng Cộng sản TQ, người chỉ huy một
nền kinh tế tăng trưởng hai con số trong 40 năm mà có không có một cuộc khủng
hoảng nào lớn. Khi những người Hoa vác những núi tiền đi ra thế giới đầu tư thì
Mỹ chìm ngập trong những khủng hoảng, từ tài chính cho tới những cuộc chiến
tranh không cần thiết, từ bạo lực xã hội, súng nổ máu rơi cho tới y tế ngốn 20%
GDP mà người Mỹ vẫn không khỏe hơn người khác. Trật tự thế giới sau chiến tranh
lạnh đi đến cáo chung. Pax Sinica đang định hình cạnh tranh với Pax Americana
trên mọi lĩnh vực.
Nhiều người tự hỏi tại sao một Trung Hoa giàu có và tự tin
như vậy lại quên lời ông Đặng, từ từ mà tiến, che đậy mưu đồ, chờ thời cơ? Mấy
mươi năm là chuyện nhỏ trong 5000 năm lịch sử. Tại sao ông Tập lại hùng hổ đòi
vượt Mỹ, công khai thách thức trật tự thế giới, bắt nạt láng giềng nhỏ bé như
Việt Nam và Phi Luật Tân? Ngay cả mấy đứa học sinh ở Hồng Kông cũng bị bỏ tù vì
tội kêu gọi biểu tình.
Một Trung Hoa giàu có nhưng cư xử không đáng mặt siêu cường.
Thật ra một Trung Hoa bây giờ đã thấm mệt, đừng nhìn những
kiến trúc hoàn tráng mà nghĩ con đường trước mặt cho giấc mơ Trung Hoa là rộng
mở và không gập ghềnh.
40 năm qua, tiền của người Mỹ đổ vào đầu tư không tạo ra một
đất nước với bầu cử tự do kiểu Mỹ. Nhưng chủ nghĩa tư bản đã làm kiến trúc xã hội
Mỹ và Hoa có nhiều điểm rất chung trong một vài liệt kê sau đây:
– Hố phân biệt giàu nghèo: 1% người Mỹ sở hữu 35% tổng tài sản
xã hội. Ở TQ 1% người Hoa sở hữu 31%. Tích lũy tư bản ở Mỹ đã hơn 250 năm trong
khi ở TQ mới 40 năm cho thấy sự thu tóm tư bản ở TQ là mãnh liệt lẫn bất công
chừng nào. Chỉ số Gini (do Liên Hiệp Quốc đặt ra để chỉ về sự mất cân đối giàu
nghèo) ở TQ là 0.47 còn lớn hơn 0.39 ở Mỹ.
Một điều nực cười là ở TQ, chủ nghĩa Marx vẫn được kính trọng
và sinh viên nào cũng học trong khi sự bóc lột của giới tư bản qua giá trị thặng
dư của người lao động (tức là giá trị người lao động làm ra trừ đi tiền lương của
họ) lại quá rõ ràng. Ở TQ, trong 40 năm qua, mấy trăm triệu người lao động từ
thôn quê ra thành thị, đổ mồ hôi trong các hãng xưởng thiệt ra hưởng lợi rất
ít. Giới giàu có phần lớn từ thành phần nhóm lợi ích và con ông cháu cha. Giới
trẻ lớn lên có thể nhìn thấy điều đó và bất bình. Ở TQ ngày nay danh từ Thiên
An Môn là tối kị nhưng giới lãnh đạo vẫn hiểu rằng, một thế hệ trẻ TQ, hiểu biết
về nền dân chủ Tây Phương là một điều nguy hiểm, tiềm tàng những Thiên An Môn
trong tương lai.
Cứ nhìn dòng người biểu tình ở Hồng Kông là biết. Cho dù
phim ảnh chính thống nhà nước không ngừng quản bá những giá trị cách mạng,
không Hồng quân đánh cho Mỹ chạy dài trong chiến tranh Triều Tiên ở bộ phim đầu
tư 200 triệu đô “Trận chiến hồ Changjin,” thì sắp tới đạo diễn huyền thoại
Trương Nghệ Mưu lại ra bộ phim “Bắn Tỉa” cũng không kém phần hoàng tráng. Giới
trẻ buổi chiều thứ bẩy làm Thượng Hải, Thẩm Quyến, Bắc Kinh nhộn nhịp giống New
York, London nhiều hơn. Quần là áo lượt từ Chanel tới Hermes, Gucci tới Louis
Vuitton mà không thấy một áo đại cán nào. Chủ nghĩa tiêu xài cá nhân, vốn xa lạ
với người Hoa lớn tuổi giờ thành biểu tượng của tuổi trẻ ở đây. Trung Hoa trở
thành thị trường lớn nhất cho hàng hoá xa xỉ, vượt qua Mỹ và Châu Âu. Dễ hiểu
vì sao nhà máy lớn nhất của Tesla nằm ở Thượng Hải.
– Hai quốc gia Mỹ và TQ cùng một vấn đề về phân bố dân cư
trong sản xuất công nghệ : Cuộc cách mạng số và tin học trong 40 năm qua cùng với
toàn cầu hoá đã làm nước Mỹ thay đổi toàn diện, dọc theo hai bờ biển là sự phồn
thịnh với nền kinh tế mới gắn liền với sự ra đời của Internet và tự động hoá.
Những tiểu bang phía trong trở nên nghèo đi khi những nhà máy đóng cửa và chuyển
việc làm qua TQ, những nông trại tiêu điều, những thành phố nhỏ xuống cấp, cứ
xem phim Nomadland hoặc American Factory là đau lòng thấy một bộ phận không nhỏ
những người Mỹ bị bần cùng hoá vì không theo kịp kỹ thuật công nghệ. Thời kỳ
vàng son của những nông trại hoặc thành phố nhỏ êm đềm được xem là nơi tạo ra
những tính cách nước Mỹ giờ đã qua. Giờ đây nơi giàu có nhất nước Mỹ ở Silicon
Valley người da trắng thành thiểu số. Có một nước Mỹ của người có tiền (the
have) và không tiền (the have not). Trung Hoa cũng vậy, sự thịnh vượng chỉ thấy
được dọc theo miền duyên hải và các thành phố lớn, đi sâu vào đất liền nông
thôn cũng nghèo xơ xác, chỉ còn người già và trẻ nhỏ. 600 triệu người Hoa sống
dưới 150 đô mỗi tháng. Người trẻ đều dồn về thành phố nơi công ăn việc làm dễ
hơn nhưng đời sống đắt đỏ đã tạo ra một giai tầng giàu nghèo cách biệt quá lớn.
Một cặp vợ chồng kỹ sư ở Thượng Hải với mức lương trung bình phải làm việc 55
năm không tiêu một đồng mới trả nỗi một căn hộ 100 mét vuông!
– Các đại công ty về công nghệ tin học có ảnh hưởng lên xã hội
với khả năng vượt qua nhà nước: cứ nhìn những đại công ty mới ra đời trong 30
năm nay như Google, Facebook, Amazon ở Mỹ và tấm gương của những công ty này ở
TQ là Baidu, Tencent và Alibaba đã tạo ra một sự độc quyền quá lớn với xã hội.
Facebook vì lợi nhuận sẳn sàng để tin vịt tràn ngập hoặc tự đóng tài khoản những
nhà bất đồng chính kiến ở nhiều nước. Điều trần của Frances Haugen, cựu nhân
viên cao cấp của Facebook trước Quốc Hội Mỹ nêu lên vấn đề rất lớn như ảnh hưởng
tai hại của thông tin không kiểm chứng lên số đông dân chúng. Tencent qua cài đặt
WeChat kiếm soát hơn 90% sự trả tiền qua phone ở TQ và thu lợi hàng chục triệu
đô mỗi ngày. Alibaba thì với thị phần 53% về mua bán mạng ở TQ sẵn sàng ép đặt
những luật chơi riêng cho những nhà cung cấp có lợi cho mình và bất lợi cho đối
thủ. Alibaba là công ty khuyến khích người làm cho mình làm theo thời gian 996
(mỗi ngày từ 9 giờ sáng tới 9 giờ tối, 6 ngày một tuần), bóc lột tới bến. 72 tiếng
làm việc một tuần lâu dài tạo những tai hại tinh thần cho người làm việc và những
hệ quả xấu về sức khỏe.
– Mỹ và Trung Hoa là hai cường quốc đối diện với sự già nua
của dân số. Nhưng với số sinh con trung bình của một phụ nữ Mỹ hiện tại khoảng
1.7 thì TQ là 1.3, thuộc loại thấp nhất thế giới. TQ đang trả giá cho chính
sách một con trong 40 năm trước và với đà sụt giảm dân số trong 30 năm nữa TQ sẽ
thiếu hụt mấy trăm triệu người lao động. Trước mắt một gánh nặng xã hội phải lo
toan cho quá nhiều người già. Một cặp vợ chồng con một giờ phải vác gánh nặng
lo cho tới 4 người già cả hai bên. Khi xã hội giàu lên thì người ta ít có con,
giới trẻ TQ vốn được nuông chiều là con một giờ cũng chẳng tha thiết gì với
chuyện con cái nhất là mưu sinh ở những thành phố lớn cũng đã quá ư khó khăn.
“Chưa giàu đã già” là quả bom nổ chậm.
Ông Tập, lúc còn là một cán bộ trung cấp năm 1985 trong một
chuyến thăm viếng để học hỏi về nông nghiệp đã ở Iowa hai tuần với một gia đình
người Mỹ. Sau này khi đã lên đến đỉnh cao quyền lực ông mời gia đình này qua TQ
và đối đãi như thượng khách. Điều đó cho thầy ông là một người biết trọng lễ
nghĩa. Chuyến đi đó cho ông thầy được đời sống nông thôn ở Mỹ, nơi chỉ hơn 3
triệu người có thể nuôi một nước Mỹ hơn 300 triệu với ê hề lương thực, còn xuất
khẩu ra toàn thế giới. Ông Vương Hồ Ninh, trường ban tư tưởng trung ương, một
trong 7 người trong ủy viên bộ chính trị đương nhiệm được xem như một quân sư
cho ông Tập. Ông gần như là nhân vật thứ 2 trong thang quyền lực ở TQ và đã ở Mỹ
gần sáu tháng vào 1988 lúc ông còn làm giáo sư trẻ nhất ở đại học Fudan. Với số
tiền tài trợ ít ỏi, ông Vương đi thăm mấy chục tiểu bang, nhiều đại học nổi tiếng
ở Mỹ. Cho dù nước Mỹ lúc đó đang thời kì cực thịnh sau những kích thích kinh tế
của TT Reagan và TQ còn nghèo, xe đạp còn đầy đường ở Bắc Kinh, ông Vương quyết
định trở về. Ông viết những suy nghĩ từ chuyến đi và xuất bản cuốn sách “America
against America” vào năm 1991 lúc Liên Xô sụp đổ.
Vào thời điểm những triết gia như Fukuyama nghĩ lịch sử đã
chấm dứt. Vương cho rằng nền tảng của xã hội Mỹ dựa trên chủ nghĩa cá nhân
(liberal individualism) và càng ngày chủ nghĩa tự do cá nhân càng tiến thì bình
đẳng xã hội (social equality ) càng bị triệt tiêu. Tự do cá nhân càng lớn thì
cá thể trong xã hội sẽ có nhiều khuynh hướng khác nhau dẫn tới toàn xã hội đánh
mất giá trị cốt lõi cũng như truyền thống của mình. Mất đi giá trị cốt lõi xã hội
sẽ suy yếu. Một khi tự do cá nhân được tôn trọng, người Mỹ gốc Châu Phi có thể
nhìn lịch sử nước Mỹ qua lăng kính của chủ nghĩa nô lệ man rợ và những hệ lụy tới
ngày nay, ngược lại những người da trắng theo đạo Tin Lành nhìn lịch sử nước Mỹ
như một câu chuyện thần kỳ của những người bị áp bức đi tìm đất hứa, một dân tộc
được Chúa chọn.
Liệu hai khuynh hướng đó có hòa hợp với nhau trong đó cá
nhân có tự do lựa chọn? Tự do vô độ trong thương trường sẽ dẫn tới bất bình đẳng
xã hội, người giàu xụ và kẻ nghèo mạt. Tự do cá nhân kiểu Tây Phương trong chiều
hướng của những thập kỷ vừa qua từ phong trào nữ quyền, nhân quyền, LBGT… sẽ dẫn
tới sự đa cực trong xã hội, sẽ tạo ra những đợt sóng ngầm, cho dù bề mặt thịnh
vượng nhưng không thể giải quyết rốt ráo những vấn đề vì mỗi cá nhân đều có những
đòi hỏi riêng để thỏa mãn tự do cho riêng mình. Vương cho rằng tự do cá nhân
(liberal individualism) sẽ dẫn tới tự do triệt tiêu cá nhân (nihilistic
individualism) khi cá nhân tự đánh mất và phủ nhận truyền thống của mình cũng
như nghi hoặt về quá khứ. Vương Hỗ Ninh rất giỏi tiếng Pháp và biết rằng những
giá trị của thời đại phục hưng, về thế kỷ khai sáng ở Âu Châu đã làm Tây Phương
phát triển không có đối thủ trong nhiều thế kỷ.
Nếu xã hội Mỹ đánh mất những giá trị đó qua sự hồ nghi của mỗi
cá nhân trong tự do chọn lựa thì sự gắn kết sẽ không còn. Cuốn sách của Vương gần
như một lời tiên tri. Nước Mỹ trong mấy mươi năm qua hầu như không thể giải quyết
được những vấn đề cấp bách như sắc tộc, di dân, súng đạn, ma túy, y tế, giảm
thiểu khoảng cách giàu nghèo. Cuộc tấn công vào toà nhà Quốc Hội được xem như một
thí dụ cho lý thuyết của Vương. Sự đa cực dẫn tới những nhóm dân chúng chẳng
còn gì chung. Hai Đảng Cộng Hoà và Dân Chủ hầu như chẳng bao giờ đồng ý với
nhau điều gì. Ngay cả trong Đảng Dân chủ hay Cộng hòa cũng chia năm xẻ bảy. Sự
chia rẽ ngập sâu vào nhiều gia đình, bạn bè làm suy yếu quốc gia: America
against America!
Nói như Tôn Tử, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
Vương, một giáo sư 33 tuổi đã hiểu những mâu thuẫn của xã hội Mỹ và bây giờ là
người hoạch định chủ thuyết “Giấc Mơ Trung Hoa và Thịnh Vượng Chung” cho ông Tập.
Với những suy nghĩ về nước Mỹ như thế Vương Hồ Ninh cho rằng
nền dân chủ tư sản và sự tự do bình đẳng kiểu Tây Phương không phải là một giải
pháp cho Trung Hoa. Vương muốn một nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh,
trong đó tự do cá nhân là thứ yếu nhường chỗ cho đồng thuận tập thể. Và để kết
nối những cá nhân thì có gì tốt hơn một giá trị cốt lõi của chủ nghĩa dân tộc
Trung Hoa: Giấc mơ Trung Hoa ra đời.
Vương tượng trưng cho trào lưu tập quyền toàn trị trong giới
cai trị TQ. Lịch sử Trung Hoa cũng cố niềm tin đó, từ Tần Hán Nguyên Minh
Thanh, lúc nào hoàng đế vững mạnh thì bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng.
Loạn sứ quân cuối thời nhà Thanh và sau cách mạng Tân Hợi vẫn còn là một ám ảnh
khi một Trung Hoa hèn yếu bị xẻ thịt bởi liệt cường Tây Phương. Chiến tranh nha
phiến, Thượng Hải trở thành tô giới, nhượng Đài Loan, Hồng Kong, Macau… cho ngoại
quốc đối với nhiều người Hoa là những điểm ô nhục cho nước họ.
2.Giấc mơ Trung Hoa
Khi ông Tập trở thành lãnh tụ vào 2012 với ông Vương là quân
sư, TQ bước vào một giai đoạn mới. Xã hội TQ đã là một xã hội tiêu thụ, chủ
nghĩa cá nhân đã thấm sâu vào giới trẻ, nhiều thập kỷ của tích lũy tư bản hoang
dã đã xói mòn niềm tin giữa người và người. Bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn.
Ông Tập và quân sư không thể nằm yên nhẫn nhục như ông Đặng
vì nếu không sẽ muộn. Ông Tập và Vương phải cứu ĐCS TQ trước lúc những đổi thay
của xã hội có khả năng vượt tầm kiểm soát. Đạp phanh cho sự xâm nhập của chủ
nghĩa cá nhân kiểu Mỹ thông qua toàn cầu hoá trở thành cấp bách.
Việc đầu tiên ông Tập làm là chính sách “Đả hổ diệt ruồi,” một
cách để loại trừ đối thủ chính trị và giảm bớt nạn tham nhũng trầm kha. Nhiều
quan tham từ cao tới thấp xộ khám. Nhiều cựu ủy viên bộ chính trị hay trung
ương từng hét ra lửa nhận tù chung thân. Nhiều cán bộ tầm trung ra pháp trường.
Người Hoa có dịp hả hê nhìn những kẻ ngã ngựa.
Tin tưởng với lý thuyết của mình, giấc mơ Trung Hoa được nhắc
đi nhắc lại và ông Tập chính thức đối đầu Mỹ khi đưa ra chính sách 2025 sẽ đuổi
kịp Mỹ và 2050 TQ sẽ trở thành một nước tiên tiến. Theo lịch trình, chủ nghĩa
Khổng Tử cũng như Marx được tôn sùng hoá. Trong một xã hội mà quan hệ Quân Sư
Phụ đã rõ ràng rồi thì chủ nghĩa tự do cá nhân phải xuống hạng thứ yếu. “Trên
bảo dưới phải nghe,” “Thiên tử giữ mệnh trời cai quản thiên hạ” là
lý thuyết của bao triều đại của nền văn minh Trung Hoa.
Có thể thấy được cái gì ông Tập và ông Vương đã làm để TQ
không đi vào những con đường của Mỹ.
– Sờ gáy những đại công ty đang ngấp nghé chia xẻ cạnh tranh
ảnh hưởng tới xã hội với đảng cầm quyền. Khi Jack Ma, chủ tịch tập đoàn Alibaba
lên tiếng phê bình các ngân hàng nhà nước yếu kém thì sau đó không những phải về
vườn mà của cải sau mấy tháng chỉ còn một nữa. Jack Ma vừa rồi viết một bức thư
thống thiết xin dành phần đời còn lại của mình giúp đỡ cho nền giáo dục ở nông
thôn. Baidu và Tencent cũng khạc ra mấy chục tỉ đô làm từ thiện và phủ phục cho
chính phủ quản lý. Các CEO đều tự nguyện xuống lương và những người sáng lập
các đại công ty dù còn trẻ vẫn về hưu. Về vấn đề lương bổng, CEO ở TQ nhận
lương từ 10-20 lần lương trung bình người làm trong công ty mà còn bị xuống
lương. Trong khi ở Mỹ lương CEO lớn hơn lương trung bình từ 200-700 lần và còn
tiếp tục cao hơn. Qua đó ông Tập lấy lòng nhiều người lao động bình thường.
– Các thần tượng điện ảnh, âm nhạc lần lượt bị hạ bệ, ra đi
không dấu vết. Tự do tôn sùng thần tượng xem như chấm hết. Âm nhạc điện ảnh tập
trung xây dựng anh hùng “hảo hán,” lính bác Mao đánh lính Nhật Mỹ chạy toé khói
(?) Lịch sử được viết lại. Ai kiếm soát được quá khứ thì kiểm soát tương
lai, ai kiếm soát hiện tại thì kiếm soát quá khứ. Ông Tập kiểm soát được hết cả
hai. Từ nay Hồng quân là lực lượng giải phóng TQ từ quân phiệt Nhật chứ chẳng
phải Quốc Dân Đảng vốn là lực lượng hy sinh và có công nhiều nhất trong chiến
tranh Trung Nhật.
– Internet vốn đem lại một khối lượng khổng lồ tin tức cho
giới trẻ giờ bị tường lửa càng nặng nề. TQ xem như bế quan tỏa cảng. Chỉ còn
CNN truy cập được nhưng cũng có lúc chập chờn. Tin nào không có lợi là bị cắt
xén ngay.
– Một dân tộc, một chữ viết, một tiếng nói. Người Ngô Duy
Nhĩ, người Tây Tạng, người Mông Cổ và ngay cả người Quảng Đông, Quảng Tây cũng
phải dùng tiếng quan thoại. Từ nay tiếng nói thiểu số không còn được dạy trong nhà
trường. Các nhóm thiểu số phải phục tùng đa số, tự chọn bị đồng hoá. Sự trừng
phạt người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương để đồng hoá họ là một sự nhức nhối về nhân
quyền cho thế giới. 91% cư dân TQ tự nhận họ là người Hán mặc dù có rất nhiều sắc
dân lớn như người Thanh không có nhiều huyết thống với người Hán. Không thể nào
có một Martin Luther King cho Trung Hoa. Nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được
giải Nobel hoà bình nhưng chết trong lãng quên.
– TQ khuyến khích sinh đẻ, luật phá thai được xiết chặt. Các
thành phố phải dành 20% số nhà xây dựng cho những gia đình thu nhập thấp. Chu cấp
cho trẻ em được nâng lên. Ông Tập cấm dạy thêm học thêm sau giờ học ở trường.
Điều đó làm nhiều cha mẹ tiết kiệm một số tiền lớn, hy vọng họ chịu khó đẻ nhiều
hơn. Trẻ em chỉ được chơi game dưới 3 tiếng một tuần. Mục đích: số dân phải
tăng. Các trường đại học minh bạch hoá việc tuyển chọn sinh viên, không có chuyện
lý lịch (cái này thì những trường hàng đầu của Mỹ chắc không ưa, một số sinh
viên của Ivy league của Mỹ được nhận vì thành phần gia đình hơn là học lực).
– Xã hội TQ trở thành số hoá cao độ, hầu như sự dịch chuyển
cũng như hoạt động mỗi cá nhân đều có thể kiểm soát chặt bởi nhà nước. Camera
nhận diện đấy đường. Nhân đại dịch COVID, nhà nước qua công nghệ AI (Artificial
Intelligence – Trí khôn nhân tạo) càng xiết chặt hơn nữa luật lệ. Thông tin
cá nhân không còn quan trọng trong mục đích chống dịch tập thể. Một người vì mọi
người.
– Áp đặt luật Anh Ninh Quốc Gia ở Hồng Kông, đưa vào tù những
sinh viên trẻ măng. Tự do cá nhân ở Hồng Kông xem như không còn được bảo vệ bởi
hiến pháp Hồng Kông được Anh và TQ đồng ý khi trao trả Hồng Kông về cho lục địa.
– Các phong trào như LBGT, #Metoo, nữ quyền bị dẹp bỏ. Hệ thống
mạng xã hội cho những phong trào này chấm dứt không lời từ giã. Vừa rồi bà Bành
Soái một cây quần vợt nổi tiếng thế giới tố cáo bà bị ép tình bởi cựu phó thủ
tướng TQ, bà biến mất một tháng và sau đó như không có gì xảy ra, trên mạng các
tin liên quan dĩ nhiên cũng biến.
– Năm 79, quân đội TQ trầy trật không dạy cho Việt Nam được
một bài học thì dưới thời ông Tập, quân đội được hiện đại hoá, hải quân sắp có
hàng không mẫu hạm thứ 3. Chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa được khơi dậy đến tối đa.
Từ giáo dục cho đến phim ảnh, “Người Hoa xấu xí” của Lỗ Tấn không còn,
ngược lại những “Chiến binh chó sói” (wolf warrior) tài năng vô hạn là một
biểu tượng mới của Trung Hoa. Chuyện gì xấu ở Mỹ cũng được báo chí mổ xẻ cho
toàn dân biết. Chuyện TQ chống dịch COVID thành công được xem như là một ưu việt
của xã hội khi tự do cá nhân được hy sinh cho quyền lợi tập thể. Chính sách
zero COVID đang làm điêu đứng mọi người nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Giới tinh
hoa TQ đang ngậm miệng như thóc.
Việc hai ông Tập và Vương đưa chủ thuyết “Giấc Mộng Trung
Hoa” như một lộ trình cho sự trỗi dậy trong những thập kỷ tới đã biến sự cạnh
tranh Mỹ Trung trở thành một sự cạnh tranh về ý thức hệ (ideology). Như
thế một cuộc chiến tranh lạnh đương nhiên phải xảy ra như sự đối đầu Mỹ Xô của
thế kỷ 20.
Mỹ là một quốc gia với một chế độ chưa bao giờ hoàn hảo.
Vương Hồ Ninh đã đúng khi chỉ ra những khuyết điểm có tính hệ thống của xã hội
Mỹ, nhưng những giải pháp ông Tập và Vương đưa ra cho TQ có thể là một thí nghiệm
chẳng mấy sáng sủa gì cho một phần năm nhân loại. Cạnh tranh ý thức hệ có thể dẫn
tới chiến tranh khi trật tự toàn cầu bị đảo lộn, khi một siêu cường được quyết
định bởi một người. Cứ nhìn Putin quyết định xâm lăng Ukraine thì thấy sự nguy
hiểm của nhà nước toàn trị.
Người Hoa cũng như tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh
phúc. Trong thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, Trung Hoa bị các cường quốc Tây
Phương xâu xé, từ chiến tranh nha phiến tới thảm sát Nam Kinh, rồi những trận
đói kinh hoàng trong Cách mạng văn hoá, bao số phận con người chấm dứt trong bi
thảm. Trong bối cảnh đó nhiều người Hoa phải tha hương cầu thực. Ở Mỹ đạo luật
kỳ thị “Chinese Exclusion Act” từ 1883 cho tới 1943 không cho di dân người
Hoa ở Mỹ được các quyền công dân buộc họ phải sống trong những Chinatown để tồn
tại. Chỉ 40 năm qua, TQ không có những biến động và với những chính sách cho
phép quyền sở hữu, cả một tỷ người làm việc ngày đêm mới có cơ ngơi hôm nay.
Công lao phải kể đến những cải cách triệt để của Đặng Tiểu Bình và cộng sự của
ông ở những thành phố lớn và đặc khu. Người Hoa giàu lên thì tự do cá nhân cũng
được rộng rãi hơn. Đọc những tiểu thuyết của Mạc Ngôn, nhà văn được giải Nobel
văn học thì cũng biết giới lãnh đạo TQ có chấp nhận một số lời nghịch nhĩ.
Nhưng tới thời ông Tập thì không còn.
Tham vọng của ông Tập đưa TQ lên hàng đầu thế giới dựa trên
một mô hình ý thức hệ chứa đầy rủi ro.
Ông Tập và Vương đều là những người uyên thâm về lịch sử
kinh tế. Sự sụp đổ của Liên Xô đơn giản là vì mô hình tập trung kinh tế của
Liên Xô không thể sản xuất ra của cải dồi dào như mô hình Mỹ. Loại trừ sự khát
vọng của cá nhân về quyền sở hữu dẫn đến chẳng ai còn hứng thú trong công việc,
không làm giàu được thì làm chăm chỉ làm gì. Ông Đặng mở ra cánh cửa tiền bạc
và khát vọng tư hữu, người Hoa nào không biết phi thương bất phú và câu chuyện
mèo trắng mèo đen?
Ông Tập khuyến khích những đầu tư do nhà nước quản lý ai
cũng biết hiệu quả thấp hơn nhiều so với đầu tư tư nhân. Việc ông đem những
công ty tư nhân năng động nhất phải chịu sự bảo hộ của Đảng CS TQ sẽ làm mất đi
tính năng động rất cần trong thương trường. Jack Ma bị trừng phạt chỉ vì phê
phán vài câu và muốn cạnh tranh với hệ thống tài chính nhà nước. Sau đó tất cả
các tình hoa kinh tế phải cùng hoà bản đồng ca suy tôn lãnh tụ. Cuối cùng mô
hình TQ có làm ra được nhiều của cải hơn Mỹ hay không? Sự tăng trưởng về năng xuất
cá nhân sẽ quyết định ai thắng ai trong cuộc đua tranh lần này.
Những tiến bộ kỹ thuật người Hoa tận dụng để thay đổi TQ như
tàu cao tốc, e-pay, Internet, 5G, chip bán dẫn, pin mặt trời, điện thoại thông
minh không có cái nào được phát minh ở TQ. TQ học được từ sự chuyển giao công
nghệ từ Mỹ và Tây Âu trong cơn sốt toàn cầu hoá và sự tham lam của tư bản tài
chính Tây Phương không nghĩ đến đường dài. Vốn thông minh, người Hoa sao chép
và có thể làm tốt hơn ở nhiều điểm cũng như chẳng tôn trọng tác quyền trí tuệ
và một nguồn nhân lực dồi dào giúp giá thành rẻ hơn. 40 năm nay TQ chỉ được một
giải Nobel về Y học về thuốc chống sốt rét được nghiên cứu trong những năm 70.
Vài chục năm nữa chưa chắc có giải khác vì cung cách đầu tư cho khoa học không
phải để đi đến tận cùng của học thuật. Các đại học TQ không có độc lập về học
thuật cũng như tài chính. Giáo sư do nhà nước bổ nhiệm và không lựa lời mà phát
biểu thì mất nồi gạo như chơi. Với một môi trường như thế thì rất khó cho những
đột phá tư duy.
Giới làm ăn TQ chờ Mỹ có gì thì sẽ kiếm một phiên bản sao
chép. Có Uber thì có Didi, có Google thì có Baidu, có Amazon thì có Alibaba…
Lúc Mỹ và Tây Phương hiểu ra và đối phó thì TQ ngấm đòn. Sự cấm vận về kỹ thuật
cao của Mỹ gây rất nhiều trở ngại khó vượt qua. Thí dụ điển hình là hãng Huawei
đang hùng hổ đòi lắp đặt hệ thống mạng 5G cho toàn thế giới và vượt Apple trong
điện thoại thông minh. Hơn một năm sau khi Mỹ cấm bán chip cao cấp Huawei phải
bán phần làm điện thoại cho hãng khác vì không có chip 5G và phần mạng 5G cũng
mất bao khách hàng. Thương vụ của Huawei mất hơn 70 tỉ đô một năm. Trước lúc Mỹ
cấm vận thì Huawei khẳng định lúc nào họ cũng có chip thay thế Made in China.
Ông Tập và ông Vương không biết rằng để làm những cái chip đứng đầu thế giới,
bao nhiêu sáng tạo từ những cá nhân người Mỹ và thế giới đã bỏ vào. Sự sáng tạo
lúc nào cũng đi đôi với tự do cá nhân, phải làm khác, nghĩ khác, không vào đường
mòn người khác đã đi và nhất quyết không có hô khẩu hiệu suy tôn lãnh tụ.
Tự do cá nhân là một phần của đời sống Mỹ, tạo ra bản sắc của
xã hội Mỹ dù tích cực hay tiêu cực. Có thể sau những khủng hoảng này, người Mỹ
mọi màu da có thể tìm được một khế ước để chung sống mà vẫn giữ được tự do cá
nhân tương đối cho mình. Hệ thống giáo dục của Mỹ trong vài thế hệ tới sẽ góp
phần xóa nhòa ranh giới về sự khác biệt chủng tộc, xây dựng một đồng thuận
tương đối mà mỗi cá nhân có thể giữ được bản sắc riêng. Trong các trường đại học
hàng đầu của Mỹ số sinh viên da màu đã xấp xỉ gần một nửa, bằng sinh viên da trắng.
Giải pháp đó chẳng phải nhân bản hơn là sự áp đặt chuyên chính triệt tiêu tự do
cá nhân như cách của Vương. Trong xã hội ông Tập, “Trăng Trung Hoa tròn hơn
trăng nước Mỹ,” “Đồng hồ Trung Hoa tốt hơn đồng hồ Thuỵ sĩ.” Không ai dám
nói khác để bị đánh hội đồng. Người Hoa, qua những thăng trầm của lịch sử, biết
cách giữ mình, họ ngoài mặt đồng tình với ông Tập mà chắc gì trong lòng đã ưa.
Huyền thoại về một “Mô hình tư bản mang bản sắc TQ chẳng
bao giờ khủng hoảng” thật ra nằm trong sự tư hữu đất đai bởi nhà nước. Theo
hiến pháp toàn bộ đất đai ở TQ thuộc về toàn dân do nhà nước quản lý. Mỗi năm
chính phủ cho thuê đất để xây nhà có thể thu về hơn 1.500 tỉ đô, hơn 10% tổng sản
lượng nội địa. Ngoài ra ngân hàng nhà nước và các công ty xây dựng nhà nước sở
hữu một số nợ khổng lồ từ người mua nhà. Với thặng dư mậu dịch và nguồn nội tệ
dồi dào, các nguy cơ khủng hoảng đều được giải quyết bởi các gói kích cầu khổng
lồ. Những xa lộ ngang dọc TQ nhiều lúc vắng hoe hoặc những kiến trúc khủng đến
từ những nguồn tiền đó.
Nhưng đất đai không phải vô tận, số người mua nhà cũng giảm
dần vì dân số giảm đi. Số nhà tồn kho có thể ở hơn 70 triệu người. Huyền thoại
không khủng hoảng cũng có thể chấm dứt. Số nợ của các chính phủ địa phương đã
lên tới 45% tổng sản lượng nội địa. Có thể thấy vì sao các thành phố TQ bây giờ
đều hoành tráng, tất cả đều từ nợ công địa phương. Các công ty TQ cũng nợ như
chúa chổm hơn 160% tổng sản lượng nội địa. Sở dĩ chưa dẫn tới khủng hoảng vì đa
số nợ thanh khoản bằng tiền nhân dân tệ. Sự chạy nợ của công ty địa ốc lớn nhất
Evergrande cho thấy: Đất bắt đầu chuyển dưới chân.
Từ mấy tháng vừa rồi, ủy ban điều tra trung ương tuyên bố điều
tra 5, 6 lãnh đạo cao cấp nhất của ngành “bán dẫn” (semiconductor). Sau
khi bơm hàng trăm tỉ Mỹ kim để đưa ngành này trở nên đối thủ của Đài Loan và Mỹ,
ông Tập phải cay đắng chấp nhận mấy con chip của TQ vẫn lẹt đẹt thua xa người
anh em cứng đầu Đài Loan, còn lâu mới kịp chip của Qualcomm, Intel. Chính phủ
TQ vừa rồi phải bỏ thêm hàng chục tỉ đô cứu tập đoàn chip Thanh Hoa, nhiều cái
đầu sẽ rơi trong thời gian tới.
Sau 10 năm cai trị của ông Tập, thất nghiệp của những người
trẻ ở TQ bây giờ rất cao. Đến 20% người tuổi từ 20-24 không có việc làm. Lạm
phát phi mã nhất là các thành phố lớn. Tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 sẽ khoảng
5%, thấp nhất trong 40 năm. TQ nhập cảng đến 60% năng lượng và một lượng lớn
lương thực. Với một GDP còn thua Mỹ, lượng khí thải nhà kính lại gần gấp đôi Mỹ.
Điều đó nói lên sự bất tối ưu trong sản xuất.
Năm 2022, ông Tập sẽ chấp chính nhiệm kì thứ 3 trở thành
lãnh tụ tối cao vĩnh viễn. Ông Vương với vị trí quân sư sẽ tiếp tục đường lối
trấn áp tự do cá nhân, chuẩn bị tinh thần cho người Hoa vượt Mỹ.
Nhưng ở năm 2022, một nước Trung Hoa cũng đã thấm mệt!
Nguyễn Tuấn