02 August 2022

ĐƯỜNG VÀO VĂN HỌC - Nguyễn Hưng Quốc

Tôi mê đọc sách rất sớm, có lẽ ngay từ những năm lớp 5 hay lớp 6 gì đó. Không hiếm những đứa bé bắt đầu đọc sớm như thế. Nhưng phần lớn đều bắt đầu với những trang báo thiếu nhi như Tuổi Hoa hay Tuổi Ngọc. Tôi thì khác. Với tư cách độc giả, tôi không có tuổi thơ. Loại sách tôi mê đọc đầu tiên trong đời, oái oăm thay, lại là... truyện chưởng. Nguyên nhân chủ yếu là do ông anh cả của tôi, lớn hơn tôi bảy tuổi, dạo ấy đang ghiền đọc loại này. Mỗi cuối tuần, anh lại tha về ba, bốn tập. Tôi đọc ké. Anh tôi không bao giờ đủ rộng lượng hay kiên nhẫn để chờ tôi đọc hết mới mang đi đổi các tập khác. Do đó, tôi phải cố gắng đọc nhanh ngang với tốc độ đọc của anh ấy. Và phải đọc nhảy: trong lúc anh đọc tập một thì tôi đọc tập hai; khi anh xong tập một thì tôi phải xong tập hai và chuyển sang tập ba để nhường tập hai lại cho anh. Cứ như thế, đến lúc anh đọc tập cuối cùng thì tôi quay lại đọc tập một. Chỉ vài năm sau là lượng sách trong tiệm cho thuê đã cạn. Và tôi cũng chán nữa: đọc riết, tôi khám phá ra năng lực tưởng tượng của các tác giả truyện chưởng cũng khá nghèo: các câu chuyện có thể khác nhau ở nhân vật và một số tình tiết nhưng kết cấu chung thì cứ như đúc từ một khuôn. Rất công thức. Rất đơn điệu. Và do đó, rất khả đoán. 

Chán truyện chưởng, tôi quay sang đọc các loại sách văn chương nghiêm chỉnh. Tôi đọc gần hết các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, sau, lần lượt đọc các tác giả nổi tiếng ở Sài Gòn. Không hiểu sao, tôi lại nặng lòng với thơ hơn. Tôi không những đọc nhiều thơ, vô số thơ, mà còn làm thơ nữa. Dạo đó, tôi học trường Thánh Mẫu ở ấp Phước Thành, xã Hoà Khánh, quận Hoà Vang, Quảng Nam. Trường nhỏ, chỉ tới lớp 9. Thầy dạy Văn là thầy Vũ Công Cường, nói giọng Bắc, đọc thơ rất truyền cảm. Là một trong vài học sinh giỏi Văn nhất lớp, tôi rất được thầy thương. Làm được bài thơ nào tôi cũng đều đưa thầy đọc. Thầy khen ngợi rối rít. Có lúc thầy đọc lên cho cả lớp nghe. Không chỉ trong lớp tôi, thầy còn mang đọc trong các lớp khác. Nhờ thế, tôi nhanh chóng nổi tiếng là một “nhà thơ trẻ đầy triển vọng” trong cái trường cấp hai nhỏ xíu tập hợp những mảnh đời khốn khổ do chiến tranh xô đẩy tới. 

May, tôi nhạy bén đủ để ý thức rất sớm “tiếng tăm” trong một môi trường như thế là điều hoàn toàn không đáng tin cậy. Tôi nuôi tham vọng lớn hơn: được công nhận là nhà thơ trong cả nước. Muốn thế, tôi không ngừng tự trau dồi “tay nghề” của mình bằng cách học thật kỹ những bài thơ được tuyển trong chương trình giảng văn trong lớp. Tôi đã tin, như vô số người khác từng tin và đến nay vẫn còn tin, những bài thơ ấy là “kinh điển”, là mẫu mực của cái hay và cái đẹp bất hủ trong lịch sử. Ði theo những bài thơ ấy, nói như Hồ Chí Minh, “toàn thắng ắt về ta.”

Những nhà thơ đầu tiên trong chương trình cổ văn tôi học thời ấy là Lê Thánh Tông và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Giữa hai người, sự ái mộ của tôi nghiêng hẳn về Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chẳng hiểu tại sao. Tôi đọc thuộc lòng các bài thơ về nhân tình thế thái của ông. Và tôi cũng làm thơ y như ông. Cũng Ðường luật. Cũng bằng bằng trắc trắc. Cũng niêm, cũng đối. Và nhất là cũng ngất ngưởng chán đời. Ðến bây giờ, tôi chỉ còn nhớ được hai câu:

Thôi, giã biệt trời cao danh vọng

Về làm thi sĩ chốn thâm sơn. 

Giọng thơ như thế, từ một đứa bé 13, 14 tuổi đầu, đã được các thầy cô giáo khen ngợi nức nở. Tôi phởn lên, làm tiếp. Trong một năm, về số lượng, không chừng tôi qua mặt cả Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Sau đó, chuyển sang phần kim văn, tôi được học những bài thơ mới hơn, chủ yếu trong phong trào Thơ Mới thời 1932-45. Cũng chẳng hiểu tại sao, trong phong trào Thơ Mới, tôi lại tâm đắc nhất với Thế Lữ và Xuân Diệu. Tôi học thuộc nhiều bài thơ của hai ông trong Mấy vần thơ Thơ thơ cũng như Gửi hương cho gió. Ðọc, mê và ... bắt chước. Bắt chước đến độ hình như bài thơ nào của tôi thời ấy cũng phả ra cái mùi của Thế Lữ. Chẳng hạn:

Ta dẫu biết yêu đương là đau khổ

Nhưng bóng nàng hồ dễ xoá trong tim. 

Hay hơi hướm Xuân Diệu:

Anh bắt đền em đó

Ai biểu đẹp làm chi

Chỉ một lần đứng ngó

Nghe tần ngần lối đi. 

Dạo ấy, học lớp 8, tôi mê một cô bạn học cùng lớp. Tôi tự đặt cho mình một “chỉ tiêu”: mỗi ngày làm tặng “nàng” một bài thơ. Chồng vở chép thơ cứ ngày một dày cộm. Bài thơ nào cũng nồng nặc mùi Thế Lữ và Xuân Diệu. Không biết cô gái ấy nghĩ thế nào chứ thầy, cô và bạn bè của tôi thì ai cũng khen tíu tít. Tôi rất tự hào, nghĩ thầm: thơ mình không khác gì, và do đó, không thua gì thơ Thế Lữ và Xuân Diệu. Chưa hết. Tôi tưởng tượng tiếp: theo cái đà ấy mà mài sắc ngòi bút thêm khoảng vài ba năm nữa, đến lúc xong cấp ba, hẳn thơ mình hẳn sẽ vượt xa hai nhà thơ tiền chiến lỗi lạc kia! Tôi nén lòng không gửi đăng trên tờ báo nào cả. Chủ yếu là để dành cho thiên hạ một sự ngạc nhiên. Tôi lại tưởng tượng: sau này, đọc thơ tôi, giới phê bình sẽ bắt chước Hoài Thanh khi viết về Chế Lan Viên ngày trước, trầm trồ: “ông” xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị. 

Trong lúc giới phê bình chưa kịp bàng hoàng trước “niềm kinh dị” ấy thì người con gái tôi yêu lại ngả lòng trước thằng bạn tôi; một thằng bạn, trước, tôi xếp vào hạng bất tài và vô danh tiểu tốt: học kém, lười, và tuyệt đối không biết... làm thơ. Khổ, hắn không biết làm thơ nhưng lại hát hay lạ lùng. Tôi và bạn bè trong lớp khám phá ra điều ấy trong một buổi văn nghệ cuối năm. Bạn tôi lên sân khấu, guitar trên tay, hát bài “Mùa thu chết”. Tôi nghe, lặng người. Lặng người, thoạt đầu, vì xúc động, sau, vì ngưỡng mộ, và cuối cùng, vì ghen tuông: khi nhìn sang một góc phòng, thấy cách “người yêu” của tôi nhìn thằng bạn tôi, tôi biết là tôi đã mất cô ấy. Mà mất thật. Sau đó, hai đứa bắt bồ với nhau. Tôi đau đớn nhận thấy cả mấy trăm bài thơ “không khác và không thua gì thơ Thế Lữ” của mình không địch nổi bài hát “Mùa thu chết”. 

Thất tình, tôi mở các “thi phẩm” của mình ra đọc lại. Chỉ thấy nhạt. Và dở. Tôi đâm ra hoang mang. Cất các tập thơ ấy thật kỹ; mấy tháng sau, mang ra đọc lại. Vẫn thấy nhạt và dở. Hơn cả hoang mang, tôi bàng hoàng, thấy, không phải chỉ mất một người yêu mà có thể còn mất cả niềm hy vọng trở thành một “nhà thơ lớn”. Tôi cố không tin điều đó. Tôi xếp các tập thơ vào kệ sách, chờ một ngày bình tâm sẽ đọc lại, biết đâu sẽ thấy hay... như cũ. Tiếc, cái ngày ấy không bao giờ đến cả. Càng về sau, đọc lại, tôi càng thấy những bài thơ từng làm mình ngất ngây và từng được thầy, cô cũng như bạn bè khen ngợi nhiệt liệt ấy, chỉ là những bài thơ sáo rỗng, nhạt nhẽo và lười biếng. Chúng chẳng có chút gì đáng gọi là sáng tạo. Chúng chỉ ò e theo những khuôn nhịp đã có sẵn, những cảm xúc và những tư tưởng đã có sẵn. Có khi đã có sẵn từ nhiều trăm năm trước. Tôi quyết định đem đốt tất cả các “thi phẩm” của mình. Ðốt sạch. Nghĩ thầm: mình không thực sự có tài về thơ. Và tự dặn dò mình: Ðừng làm thơ nữa, vô ích.

Bỏ thơ, tôi chuyển sang viết văn xuôi. “Tác phẩm” đầu tay của tôi là một cuốn tiểu thuyết mang cái nhan đề rất dễ gây sốc: Thượng Đế cũng nói láo. Câu chuyện xoay quanh một thanh niên mất dần niềm tin vào Chúa. Đó là chuyện thật của tôi. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình đạo dòng, ít nhất từ thời ông cố. Tất cả mọi người trong gia đình đều mộ đạo. Sáng nào ông nội tôi cũng khua mọi người dậy để đến nhà thờ xem lễ. Tối cũng thế, khoảng 8 giờ, cả nhà ngồi lại đọc kinh khoảng nửa tiếng. Nhưng không hiểu sao, đến khoảng năm lớp 11, niềm tin của tôi phai nhạt dần. Tôi cãi cọ với mọi người về giáo lý. Tôi lí nhí đọc kinh trong nhà một cách đầy miễn cưỡng.

Tôi mới viết được khoảng vài chục trang thì mẹ tôi biết. Một đêm, nửa khuya, lúc tôi đang ngủ say, mẹ tôi đến bên cạnh và khều tôi dậy. Mở mắt, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một người đàn bà ngồi cạnh giường, tóc xoã dài xuống lưng, và phía sau là cánh cửa sổ mở toang, ánh trăng sáng vằng vặc. Ý nghĩ đầu tiên loé lên trong óc tôi: Ma! Nhưng dĩ nhiên là không phải. Lúc mẹ tôi lên tiếng, tôi thấy an tâm hẳn. Đêm ấy, mẹ tôi kể là bà không thể nào ngủ được vì lo cho linh hồn của tôi. Bà “van” tôi hãy đốt cuốn truyện đó. Thương mẹ, tôi hứa sẽ đốt. Mà thật, ngày hôm sau, tôi đem xấp bản thảo đút vào bếp lửa. Trước mắt mẹ tôi.

Dạo ấy, trong giới cầm bút trên thế giới, tôi mê nhất hai người: Fyodor Dostoevsky (1821-1881) và Friedrich Nietzsche (1844-1900). Cả hai đều mạnh mẽ, dữ dội, giọng văn lúc nào cũng hừng hực lửa. Tôi mê cuốn Zarathustra đã nói như thế, đọc tới đọc lui không biết bao nhiêu lần. Cuốn sách được một số người khen là cuốn Phúc Âm thứ năm của nhân loại. Tôi mơ viết một cuốn sách như thế. Tôi đặt nhan đề là Những bài giảng cuối cùng của Giu-đa. Cuốn sách mở đầu bằng cảnh, giữa khuya khoắt, Giu-đa ăn cắp thi thể Chúa Giê-su rồi vác đi chôn trong một khu rừng vắng. Trước khi lấp đất, Giu-đa nói với Giê-su: “Tôi không ân hận đã bán ông. Tuy nhiên, vì tình nghĩa thầy trò trong bao nhiêu năm, tôi giúp ông lần cuối: Ăn cắp cái xác của ông, tôi biến ông thành một huyền thoại. Từ nay trở đi ông sẽ bất tử.”

Sau đó, Giu-đa xuống núi và bắt đầu rao giảng Tin Mừng do ông phát hiện. Ông giảng về các vấn đề siêu hình: Thượng Đế, linh hồn, đời sau, ý nghĩa của đời người. Ông giảng về các vấn đề đạo đức: quan hệ giữa tốt và xấu, giữa tự do và trách nhiệm, giữa ân sủng và hình phạt. Ông cũng giảng cả về tình yêu và hạnh phúc, về văn học nghệ thuật, v.v… Ông giảng tất cả những gì mà tôi tưởng tượng được.

Cuốn sách được viết khoảng vài chục trang thì biến cố 30 tháng 4 xảy ra. Tuyệt vọng, tôi đốt bản thảo. Mà, thật ra, nếu không đốt thì cũng chẳng làm được gì. Những vấn đề triết học phức tạp như thế chắc chắn là vượt quá tầm nghĩ của một đứa học trò trung học nhiều mơ mộng. Tuy nhiên, chi tiết Giu-đa ăn cắp thi thể Giê-su thì, đến nay, tôi vẫn thích. Có lần, ở San Jose, tôi kể chuyện đó cho nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng nghe, anh cũng thích.

Suốt bốn năm học đại học, lại học Khoa Văn, tôi lại không nghĩ gì đến chuyện viết lách. Tôi chỉ chăm chỉ học và tìm hiểu về nền văn học gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa hoàn toàn mới lạ quanh mình. Tôi đọc tất cả những cuốn sách có thể tìm được. Thỉnh thoảng nhà trường mời một số nhà văn nhà thơ, từ Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi đến Hoài Thanh đến nói chuyện. Tất cả đều có khẩu khiếu, nói hay và đầy cảm xúc. Tôi cũng ao ước giống họ. Nhưng giấc mơ rất vu vơ. Không trở thành một sự say mê.

Năm 1979, tốt nghiệp đại học, đậu thủ khoa, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, tôi xác định ngay đường đi của mình: Trở thành một nhà nghiên cứu văn học. Chủ yếu là văn học cổ điển. Nhớ, khi thầy Lê Trí Viễn hỏi tôi muốn nghiên cứu và sau đó, giảng dạy, giai đoạn nào trong lịch sử văn học Việt Nam, tôi đáp ngay: Giai đoạn từ đầu thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19. Ông ngạc nhiên. Ông tưởng tôi sẽ chọn giai đoạn hiện đại. Nhưng tôi có lý do từ chối: Văn học hiện đại dính quá nhiều với chính trị. Tôi không đánh giá cao thơ Hồ Chí Minh và cả thơ Tố Hữu. Tôi cũng không thích các ý kiến về văn học nghệ thuật của giới lãnh đạo.

Năm 1980 đánh dấu 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, ở Việt Nam người ta tổ chức nhiều cuộc hội thảo về ông. Thầy Mai Quốc Liên rủ tôi tham dự. Tôi viết một bài tham luận về thơ Nguyễn Trãi. Viết say mê đến độ, một buổi tối, tôi nằm mơ thấy Nguyễn Trãi. Khuôn mặt ông giống hệt bức tranh truyền thần phổ biến lâu nay. Tôi thưa với ông về những gì mình định viết. Ông gật gù, bảo: “Được đó!” Tôi mừng rỡ cầm lấy cây bút và viết rào rào trên giấy. Tôi viết nhanh và mạnh đến nổi tờ giấy bị rách. Vẫn viết. Tờ giấy rách bét. Một trận gió thổi tới. Các mảnh giấy bay phấp phới. Tôi gào lên. Và thức giấc. Bài viết ấy được in trong tập Kỷ yếu do Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh xuất bản. Các thầy cô cũ của tôi đều khen ngợi. Khen nhất là giọng văn. Sau đó, tôi viết một số bài phê bình đăng trên báo Tuổi TrẻVăn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hoàn toàn không nhớ nội dung những bài viết đó. Chỉ có một điều để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi: Ai cũng khen giọng văn. Cho là nó sắc. Từ đó, tôi bắt đầu để ý đến giọng văn của mình. Và cố công gọt giũa để nó trở thành một dấu ấn riêng.

 

Tuy nhiên, thời gian tôi viết lách không lâu. Càng ngày tôi càng chán ghét chế độ. Tôi thấy cuộc sống bức bối quá. Quan niệm về văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng quá hẹp hòi. Năm 1980, tôi soạn xong bài giảng cuốn Chinh phụ ngâm, trong đó, tôi cho, từ lúc chia tay chồng cho đến những ngày xa cách đầy nhớ nhung, người chinh phụ dần dần khám phá ra cái tôi rất riêng tư và cô độc của mình.  Nàng cũng đồng thời khám phá ra giá trị của tuổi trẻ, của tình yêu, và của cuộc đời hiện thế này. Theo tôi, đó là sự manh nha của cái tôi cá nhân chủ nghĩa và là đầu nguồn của trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học thế kỷ 18. Tôi rất tâm đắc với bài viết ấy. Đưa thầy Lê Trí Viễn xem, thầy cảnh giác: coi chừng đi ra ngoài quỹ đạo của chủ nghĩa Mác! Tôi phân trần: “Em muốn có cái nhìn mơi mới một chút.” Thầy nghiêm mặt: “Thì đọc các tài liệu có sẵn, viết lại bằng văn mình và bằng hiểu biết của mình, là đã mới rồi.” Tôi chán. Đầu năm 1981, tôi vượt biên. Không may, tàu vừa rời bến ở Bà Rịa được 4,5 tiếng thì có gần mười người chết vì ngộp thở. Mọi người hoảng hốt leo lên boong. Từ xa, các tàu biên phòng thấy, rượt theo và kéo vào bờ. Tôi bị giam ở Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), sau, chuyển đến trại B5 Biên Hoà (Đồng Nai). Trong nhà tù, tôi khai tên khác và một địa chỉ khác, cả hai đều giả. Hơn nửa năm sau, một hôm, tôi và khoảng 10 tù nhân khác được công an dẫn đi lao động trên một cánh đồng khoai mì. Nhân lúc công an lơ đễnh, tôi lẩn vào đám khoai mì và chạy ra đường cái, đón một chiếc xe lam đang trờ tới. Thoát. Cuộc “vượt ngục” thành công, tôi về nhà ở Sài Gòn an toàn. Tuy nhiên, về, tôi biết tôi đã bị xoá tên trong danh sách cán bộ giảng dạy. Với lý lịch như thế, không báo nào nhận bài của tôi nữa. Nhưng tôi vẫn thèm viết. Thỉnh thoảng, viết xong, tôi lấy tên một người bạn, trước, học cùng lớp, sau, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy như tôi. Anh ấy vui vì có tiếng; tôi vui vì được viết.

Từ năm 1986, định cư tại Pháp, làm việc tại toà soạn tạp chí Quê Mẹ, tôi mới thực sự viết văn như một cái nghề. Và một cái nghiệp. Tôi được Quê Mẹ trả lương để viết toàn thời. Còn hơn toàn thời: Tôi còn viết vào mỗi buổi tối và mỗi sáng sớm. Thường, trong ngày, tôi viết để đăng trên Quê Mẹ, về đủ loại đề tài, nhiều nhất là về chính trị. Tối hay sáng sớm, ở nhà, tôi viết về văn học hoàn toàn theo sở thích của mình. Tôi biết sở trường của mình là về văn học, đặc biệt, về thơ. Các bài về thơ của tôi thường đăng trên tờ Văn của Mai Thảo và tờ Văn Học của Nguyễn Mộng Giác ở California. Cả hai vị chủ bút đều khen ngợi nhiệt liệt. Sau, tôi tập hợp các bài viết rải rác ấy lại, in thành hai cuốn: Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam (1988) và Nghĩ về thơ (1989). Về hai cuốn sách ấy, người đọc khen ở nhiều khía cạnh, nhưng khía cạnh nhiều người đồng tình nhất là giọng văn. 

Sau đây là một ví dụ, trích từ cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam:

“Một hiện tượng rất phổ biến trong thơ: hoa giả. Có hằng hà những bài thơ cứ ngồn ngộn chữ, cứ lấp lánh màu sắc và trầm trầm bổng bổng hơi nhạc nhưng lại rỗng tuếch, không nói lên được điều gì cả. Nó ném xuống ào ạt lá vàng nhưng không làm cho người ta thấy được mùa thu. Nó khua động ầm ĩ nhưng không làm thành âm vang của tiếng hát. Nó dựng lên ùn ùn những khói nhưng không tượng hình nổi một làn mây. Nó có dáng dấp của hoa nhưng lại thiếu hẳn một làn hương. Nó có tất cả, trừ một điều: cảm xúc. […] Làm thơ là một cách thổi một luồng gió. Gió đo mình ở ngoài gió: ở mức độ lá reo. Làm thơ là một cách tỏ tình. Nói lớn hay nhỏ, dài hay ngắn, bổng hay trầm, nào có quan trọng gì. Quan trọng là ở chỗ người mình yêu có chớp mắt xúc động hay không. Nhà thơ lớn nào cũng đều là những tâm hồn lớn có khả năng thu nhận và rung cảm trước những làn sóng vỗ từ xa, rất xa, ngoài bản thân họ. […] Nhà thơ lớn là những hạt muối. Hạt muối nhỏ nhưng chất chứa dồn nén trong mình tất cả những vị mặn chát của đại dương. Nhà thơ lớn là những chiếc lá ngô đồng. Chiếc lá nhỏ hanh hao, bay bay trong gió thoi thóp biết mấy nhưng lạimang trong mình tất cả tín hiệu của một mùa trời đất đang đi. (tr. 31-3)”

Từ đầu đến cuối, cuốn Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam, cũng như cuốn Nghĩ về thơ sau đó, được viết bằng một giọng văn đầy hình tượng như thế. Rất nhiều người khen, cho là giống thơ. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, dưới bút hiệu Hoàng Hà Tĩnh, trên báo Diễn Đàn Tự Do tại Washington D.C. số 100 ra ngày 1.4.1989, trầm trồ: “Chưa bao giờ tôi được đọc một cuốn sách viết về thi ca hay đến như vậy.” Báo Saigon Times ở California của nhà thơ Thái Tú Hạp, số xuân Kỷ Tỵ (1989, tr. 29), khen: “Tuyệt hảo”. Tạp chí Ý Thức của nhà thơ Viên Linh, số 1 ra vào tháng 3, 1989, cũng dùng lại chữ ấy: “Tuyệt hảo” (tr. 59). Trong mấy lời giới thiệu in ở bìa sau cuốn Nghĩ về thơ (1989), Nguyễn Mộng Giác cho cuốn ấy, với một “ngôn ngữ rất đỗi thơ”, “không hẳn là một tập tiểu luận phê bình. Một tập thơ, đúng hơn!”Trong cuốn Tìm thơ trong tiếng nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992, nhà thơ Đỗ Quý Toàn khen một bài viết về thơ của tôi còn hay hơn cả bản thân bài thơ được phê bình (tr. 230). 

Tôi sung sướng. Tuy nhiên, tự thâm tâm, đôi lúc thấy nhói lên một chút bất an. Nỗi bất an ấy le lói đầu tiên vào năm 1989, khi tôi đi Mỹ. Chuyến đó, tôi có một buổi nói chuyện về thơ tại Đại học George Mason. Hoàng Hà Tĩnh nhận xét: 

“Hãy nghe người ấy nói về thơ ca, ngoài cách viết. Nhân dáng ấy, trầm tĩnh, thông minh, nhạy bén đã mở lòng ra cho người nghe tất cả những gì mình biết được, hiểu được về thơ, về con người, về tiếng nói của tự do vô cùng sáng tạo. Hình ảnh ấy, giọng nói và ánh mắt ấy khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh của một nhà truyền giáo vì đời, vì đạo mà đi. Trong suốt ba tiếng đồng hồ nói và nghe đã có sự chia sẻ tận cùng giữa tâm tư của những người còn khát khao đến văn chương, dân tộc, trong đó thi ca là một biểu hiện thuần thành nhất. Giữa chúng tôi, những người được đọc, được nghe, đã phơi trải niềm tin và nỗi mừng về sự xuất hiện của một tầm vóc đáng tin cậy cho nền văn chương phê bình Việt Nam từ lâu vẫn chưa được khai thông.” [1]

Nhưng sau buổi nói chuyện được khen ngợi ấy, tôi gặp một cú sốc lớn, khi, ngoài hành lang giảng đường, một thính giả hỏi tôi: “Anh theo trường phái phê bình nào trên thế giới?” Tôi đáp, đầy tự tin, thậm chí, tự mãn: “Tôi không theo trường phái nào cả. Tôi chỉ viết theo cảm nhận của riêng tôi thôi.” Người ấy im lặng. Chúng tôi chuyển sang đề tài khác. Tuy nhiên, câu hỏi của người ấy cứ ám ảnh tôi mãi. Đã lâu, tôi biết khuyết điểm của mình: Tất cả sở học của tôi là từ Việt Nam. Tôi không biết gì về thế giới bên ngoài. Sống ở Paris nhưng sách báo tôi đọc toàn bằng tiếng Việt. Thỉnh thoảng tôi nghe tiếng gõ cửa nhưng cứ giả vờ ngủ. Câu hỏi của thính giả ấy khiến tôi giật mình. Lòng nhủ với lòng: Phải đọc để xem về phê bình văn học thế giới đang ở đâu.

Năm 1991, sang Úc, một lần nói chuyện với giáo sư Khoa trưởng Phân khoa Văn hoá và ngôn ngữ của trường Phillip Institute of Technology, ông lại hỏi tôi có đọc sách lý thuyết văn học nhiều không. Tôi thành thật đáp: Không. Ông trố mắt ngạc nhiên. Rồi nhỏ nhẹ nói: “Nên đọc. Có nhiều điều thú vị lắm.” Không biết có phải nghe cuộc nói chuyện ấy hay không, sau đó, giáo sư Nguyễn Xuân Thu, bạn tôi, tặng tôi cuốn Modern Literary Theory, a Comparative Introduction do Ann Jefferson và David Robey biên tập. Đọc, tôi sững sờ. Thấy thế giới mênh mông vô tận. Tôi vào tiệm sách, mua một cuốn nhập môn như vậy nữa, cuốn Literary Theory, An Introduction của Terry Eagleton. Đọc, càng mê. Mê ý tưởng, đã đành. Tôi mê cả giọng văn của Eagleton: Nó như một dòng thác. Sôi trào. Cuồn cuộn.

Tôi quyết định ngừng viết một thời gian để tập trung vào việc đọc. Tôi đọc miên man. Tủ sách của tôi có cả hàng mấy trăm cuốn sách về lý thuyết văn học. Ngoài kiến thức về chuyên môn, ấn tượng sâu nhất còn lại trong tôi qua các cuốn sách ấy là phong cách viết. Nó hoàn toàn không có chút gì là đẩy đưa, bay bướm hay thơ mộng cả. Tất cả đều viết chính xác, gọn gàng và rất chặt chẽ. Chặt chẽ trong các chương. Chặt chẽ trong từng đoạn. Và chặt chẽ cả trong từng câu. 

Tôi phân vân: Đó là do dân tộc tính chăng?

Nếu vậy, cũng chẳng có vấn đề gì: Người Anglo Saxon thích vậy; người Việt Nam mình thì khác. Khác, nên mình có thể tha hồ tung tẩy. 

Nhưng, không phải. Sau đó, đọc ngược lại các nhà lãng mạn chủ nghĩa ở Anh hồi đầu thế kỷ 19, như William Wordsworth (1770-1850), Samuel Taylor Coleridge (1772-1834), John Keats (1795-1821) hay Percy Bysshe Shelley (1792-1822), tôi thấy họ cũng viết lách thật điệu đàng, với thật nhiều hình ảnh. Đọc lên, cũng nghe như thơ. 

Với phát hiện ấy, tôi nhận ra một điều: Sự khác biệt trong cách viết của tôi và cách viết trong các cuốn sách lý thuyết và phê bình tôi đang đọc không phải là khác biệt giữa hai dân tộc hay hai nền văn hoá. Mà là sự khác biệt giữa hai thời đại. Trong sự khác biệt ấy, tôi gần với phong cách viết văn trong quá khứ hơn là trong hiện tại. Gần với quá khứ có nghĩa là gần với sự đào thải. Và sự lãng quên. 

Chính vì thế, tôi quyết định thay đổi. Giảm bớt sự bay bướm để tăng cường sự chặt chẽ. Giảm bớt cái gọi là chất thơ để tăng cường chất khoa học. Giảm bớt hình tượng để tăng cường mật độ các khái niệm. Giảm bớt độ uốn éo và mềm mại để câu văn được cứng cáp. Càng ngày tôi càng tránh xa những chữ thừa và lỏng, chỉ cốt đẩy đưa. Và cố viết những câu văn thật giản dị mà cũng thật cô đọng. Tôi hình dung mỗi câu văn như một cú đấm. Cú đấm nào cũng là đấm thật. Nhanh, gọn, dứt khoát. Và mạnh. Nếu câu văn tạo ra tiếng kêu thì đó phải là những tiếng kêu chát chúa chứ không phải là tiếng ầu ơ ví dầu quen thuộc. 

Một đoạn văn tiêu biểu cho phong cách sau này của tôi về nghị luận chính trị:

“Sau chiến tranh, người chiến thắng dễ tha thứ cho người thua cuộc, nhưng sự tha thứ ấy vô nghĩa vì chính những người thua cuộc đang bị đoạ đày một cách bất công mới có quyền tha thứ. Người thua cuộc dễ hoà giải với người chiến thắng nhưng sự hoà giải ấy hoàn toàn vô ích vì chính người chiến thắng mới là kẻ quyết định việc hiện thực hoá sự hoà giải ấy. Trong sinh hoạt chính trị Việt Nam sau năm 1975, người ta luôn luôn đòi hỏi những việc nghịch lý và vô bổ: sự tha thứ từ người chiến thắng và sự hoà giải từ những người thua cuộc.” [2]

Khi viết về các vấn đề lý thuyết văn học, tôi cố nén câu văn lại thật chặt:

“Tự bản chất, lý thuyết gắn liền với cách mạng: nó ra đời từ những sự phản tỉnh đối với chính sự suy nghĩ, từ những sự hoài nghi và phản kháng đối với những quy phạm có sẵn, và từ khát vọng tái định hướng cách nhìn về văn học cũng như tái cấu trúc hiện thực văn học, từ đó, dẫn đến việc hình thành những quy phạm mới có khả năng mở ra những chân trời mới và những hướng phát triển mới. Nhằm duy trì quyền lực và tạo sự ổn định, tất cả các nhà nước độc tài đều cố gắng tước bỏ bản chất cách mạng ấy của lý thuyết bằng cách loại trừ tính phê phán và chỉ giữ lại tính quy phạm, triệt tiêu tinh thần hoài nghi và củng cố ý thức phục tùng, cuối cùng, giản lược mọi lý thuyết lại thành những công thức cứng nhắc để làm kim chỉ nam cho các hoạt động sáng tác, phê bình và biên khảo.” [3]

Nguyễn Hưng Quốc

(Trích từ cuốn SỐNG VÀ VIẾT Ở HẢI NGOẠI, Lotus Media xuất bản, phát hành toàn cầu trên Amazon.com)

https://www.amazon.com/S%E1%BB%90ng-Vi%E1%BA%BEt-H%E1%BA%A2i-Ngo%E1%BA%A0i-Vietnamese/dp/108805076X/ref=sr_1_21?crid=DM8DMJQSNTKO&keywords=nguyen+hung+quoc&qid=1657696395&s=books&sprefix=nguyen+hung+quoc%2Caps%2C366&sr=1-21

[1]Diễn Đàn Tự Do (Hoa Kỳ) số 100 (1.4.1989).

[2]Những ý nghĩ rời (2014), tr. 141.

[3]Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học (2007), tr. 48.