Khi lang thang trên đồi Montmartre,
vẫn mơ mình đang ở Nam Giao.
Nằm dưới nắng Kreta Hy Lạp,
tưởng như bãi Thuận An năm nào.
(Huế và tôi, thơ Lê quang Thông)
Lần này trở lại Kreta, tôi chỉ mơ màng một chút ngắn ngủi về
bãi Thuận An như trong bài thơ “Huế và tôi” đã viết. Hai năm dịch Vũ Hán bó
chân. Năm nay di chuyển tự do, ai cũng như chim sổ lồng. Vội vàng, vồ vập nước,
như câu hát của ban AVT thuở trước : “Lâu ngày yêu nước âm thầm. Rủ nhau xuống
biển ta ngâm một ngày”.
Không những một ngày mà suốt cả thời gian nghỉ hè ở Kreta. Sáng thức dậy đi bộ men theo bãi biển từ Hôtel về hướng Đông, hướng quê nhà. Đi khoảng một tiếng, rồi quay về. Đã hơn 7 giờ. Mặt trời đã chói lọi. Cái nắng đầu ngày trong yên lặng thật dễ chịu. Vườn quanh Hôtel im bóng dưới những hàng cây cọ chăm sóc kỹ lưỡng. Hàng rào bông cẩn tươi tốt quanh các ô cạnh hồ bơi. Hương cà phê từ phòng ăn làm bụng nôn nao. Vội chi ăn sáng. Ngồi nhìn hàng rào bông cẩn, nhớ nhà chút đã. Xa quê đã bao năm, những hình ảnh thân thuộc gợi nhớ rất thiết tha, mỗi khi tình cờ bắt gặp.
Ở đảo Fürteventura, ngoài Đại Tây Dương phía nam Tây Ban Nha
mùa phượng đỏ,rực lòng nhớ Huế, tôi khóc ngon lành giữa phố chợ quê người. Bên
phần mộ của Lý tiểu Long ở Seatle lại sụt sùi nhớ những ngày Đông Chí, theo mấy
ôn trong họ đi chạp mộ ở Cồn Mồ, Phong Chương…Ôi tâm tình của khách ly hương
sao quá sướt mướt. Hay vì tuổi già nhiều bi lụy ?
Quê nhà như một người tình cũ dấu yêu, nên một chút chi
quanh nàng từ hình dáng, tính tình, thói quen…đều gợi nhớ tha thiết đến những
êm đềm ngày cũ.
Từ những đồn điền chuối nằm dài theo bờ biển phía Nam Thổ
nhĩ kỳ mé Antalya xuống Anlanya. Ôi ! những trái chuối cau rất Huế đã hai mươi
mấy năm xa, từ hình dáng đến hương vị như chuối cau trên nương Ôn Mệ nội, làng
An ninh hạ.
Rồi những đồi xương rồng ở Malta, được chăm sóc, để hái
trái. Hình ảnh cồn cát từ Phò Trạch, Quốc lộ 1 về làng Chí Long, Phong Chương
vô số những bụi xương rồng hoang dại lại hiện về :
…Phá Tam Giang ngày nay đã cạn.
Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm…
Quan Nội tán, lo việc trị an để Truông nhà Hồ khỏi bị giặc
cướp hoành hành. Chinh chiến, loạn lạc liên miên chưa ai nghĩ đến một đồn điền
cây xương rồng ăn trái như ở Malta ? Chính ở đây tôi biết ăn lần đầu trái xương
rồng. Tuyệt vời ! Người bán gọt sau khi mua, khỏi sợ gai. Một thứ trái cây sa mạc,
ngọt thanh và quý phái.
Đi du lịch khi nghỉ hè, lúc mới đến Đức, nhiều người nghĩ
như một cách sống xa xỉ, chắc không cần lắm. Nhưng rồi nhận ra đi nghỉ hè không
thể thiếu được trong đời sống. Sống vài năm mới hiểu vì sao đến hè xa lộ kẹt cứng,
ở phi trường người sắp hàng rồng rắn Check in. Ở xứ kỹ nghệ phát triển, đời sống
nhiều stress, cần có lúc nghỉ ngơi, như thời gian tái tiếp tế năng lượng để nhập
trở lại vào nhịp.
Những người Việt tỵ nạn ở Đức bắt đầu nghỉ hè như người Đức
khi nào ? Khác biệt nhau tuỳ theo hoàn cảnh từng người, chỉ có điểm chung là
nhu cầu, mong muốn hội nhập nhanh vào đời sống mới. Nghỉ hè những năm mới tới Đức
đơn giản là thăm nhau. Gia đình tôi tới nhà bạn một tuần, lần sau gặp dịp lễ có
nghỉ bắt cầu được 4,5 hôm thì gia đình bạn ghé tôi. Ở, khỏi lo, cả nhà được
dành riêng một phòng, thường là phòng Kinder. Ăn, là dịp trổ tài của các bà, chủ
lẫn khách. Món Bắc, món Huế, món Nam, món Tàu, …và các bà, vừa làm bếp vừa chuyện
trò vui đáo để.
Thăm viếng mang tới thú vị khám phá ra đất nước nhận mình và
mình nhận làm quê hương mới. Khám phá phong cảnh, sông hồ êm đềm, nhà thờ lâu
đài cổ kính, hùng vĩ…và cũng có lần khám phá với lo sợ hồi hộp như lần lái xe
xuyên lãnh thổ Đông Đức vô Tây Bá Linh 1987, tức 12 năm trước khi nước Đức thống
nhất. Thấy phần mộ của hàng trăm người liều bơi sang Tây Bá Linh tìm tự do và bị
bắn chết trên sông Spree. Những hàng thập tự trắng in vào đầu những đứa con còn
quá nhỏ để hiểu ý nghĩa và giá của hai chữ Tự do. Chụp nhiều ảnh ở Checkpoint
Charlie để ghi nhớ một thời dây kẽm gai, súng ống…ngăn cách con người như thế.
Nghỉ hè thăm viếng kéo dài khoảng vài ba năm, rồi các bà nhận
ra là không công bằng : Urlaub chi mà cứ chui vô bếp nấu nướng. Nội tướng nhăn
thì trượng phu phải tìm cách thay đổi. Với nữa, đám con bây giờ vào tuổi dậy
thì, thường đắm chìm trong những giây phút riêng tư. Cha Mẹ cũng tự cảm thấy
không ổn nếu cứ tiếp tục lối nghỉ hè thăm viếng.
May thay, chỗ tôi làm có một nhà nghỉ dành cho nhân viên ở
Allgäu, phía Nam Đức, chỗ biên giới 3 nước Đức, Áo, Thụy Sĩ. Cơ sở là một Hôtel
vài chục phòng do ông Alfred Teves, người sáng lập công ty mua từ xưa. Muốn nhận
phòng nghỉ hè phải giữ chỗ từ đầu năm. Nhà nghỉ tổ chức theo lối Halb-Pension với
giá khoảng 2/3 giá ngoài thị trường lúc bấy giờ. Công ty phụ cấp thêm để nhân
viên có chỗ nghỉ ngơi vừa ý. Các con tôi được làm quen rất nhiều với văn hoá ẩm
thực Đức, quan hệ với các bạn cùng lứa con đồng nghiệp, và nhất là phong cảnh,
sinh hoạt miền Nam nước Đức, từ Bodensee tới lâu đài Neuschwanstein, đi dọc rặng
Alpen Đức tuyệt vời, thăm những thành phố của Áo, Thụy Sĩ cổ kính, hiền hoà,
sung túc.
Chúng tôi lại chuyển qua hướng Hoà lan khi hè quá nóng và
dành Allgäu cho mùa Xuân, lúc dãy Alpen còn phủ tuyết bạc đầu, đẹp như tranh vẽ.
Đi Bergen Op Zoom, tắm ở Vlissingen… và ăn hàu cạy dọc bờ biển. Ăn chỉ năm đầu,
còn sau này không dám, chỉ ăn Austern mua ở trại nuôi, sạch, không bị dầu tàu
bám. Các bãi biển đầy dân Việt từ Đức, từ Đông Âu kéo sang. Thiên hạ tha hồ ăn
hào, chem chép. Tha hồ bắt, ăn không hết, vứt vô thùng rác, dưới nóng hè thối
um lên trùm campingsplatz. Tha hồ chạy máy điện hát karaoke suốt đêm…tự nhiên
như người Hà lội…và chuyện đi hè Hoà lan cũng tự nhiên chấm dứt.
Bây giờ bước qua giai đoạn con cái lớn. Lớn vụt, chứ không lở
cở như lúc còn Trung học, với những lần đi trại lớp, cô, thầy giáo nhắc lui nhắc
tới đừng quên áo mưa cho con trai, thuốc ngừa cho con gái. Qua rồi thời mình lớn
sầm sầm vẫn nghĩ mẹ sinh em bé từ nách. Con cái lớn không muốn đi chung nữa với
cha mẹ. Chúng nó hoặc đã ra riêng (phần lớn là con gái), hoặc còn bám Hotel
Mama (con trai) đều kiếm Job cuối tuần để chi tiêu, ít phụ thuộc vào cha mẹ.
Bây giờ đến giai đoạn các cặp sồn sồn được nghỉ hè với nhau, ít nhất mỗi năm
hai tuần, vừa nghỉ ngơi, vừa khám phá những thiên đường mà mình chưa biết.
Kreta đã nằm trong đầu từ ngày đọc Alexis Sorbas do Nguyễn hữu
Hiệu dịch từ tác phẩm cùng tên của Nikos Kazantzakis. Quả thực, ông Hiệu đã cho
lớp sinh viên chúng tôi hồi đó biết đến một tác phẩm vĩ đại, chi phối suy nghĩ
nhiều người, nhất là lứa lớn lên trong chiến tranh, bơ vơ lạc lõng, khát khao
tìm cho mình một hướng đi.
Từ đọc tới thôi thúc đi tới Hải cảng nhỏ phía Nam Kreta, nơi
Sorbas đi cùng ông chủ tới làm mỏ than sau buổi sáng gặp nhau ở cảng Piräus, và
hải trình tới Kreta nôn mật xanh mật vàng. Dân đi biển có những chuyến đi tiếp
cận với cái chết. Vậy mà trong giây phút sinh tử đó, thuyền trưởng Lemonis chỉ
mơ màng tới vợ, với bao nhiêu dịu dàng phòng the…khiến nhớ nhau cả đời.
Tìm quán trọ Madame Hortense, người đẹp Bubulina của
Sorbas…cũng khó như tìm nhà người quen ở góc vườn Chuối, đường Đội Cung, nơi Cư
xá Sinh viên thời xưa ở Huế. Dấu tích của Alexis Sorbas thấp thoáng qua các
thanh niên dân chài Hy Lạp vạm vỡ đi xuống biển, đi như nhảy Sirtaki. Một thời,
hình ảnh bà goá, đánh mông “lắc lư như chuông nhà thờ đêm lễ Phục Sinh” là câu
hay đùa nhau, khi thấy một người nữ dữ dội đi qua. Một thời, ý niệm về Tổ quốc,
về lòng yêu nước bị đoạn đối thoại của người chủ (Kazantzakis) và Sorbas đặt ra
nhiều vấn đề để suy nghĩ :
-Bác đã bao giờ tham gia chiến tranh chưa, Zorba ?
-Làm sao tôi biết được nhỉ ? Lão cau mày hỏi. Tôi không nhớ
nỗi chiến tranh nào ?
-Sếp không thể nói chuyện gì khác sao ? Tất cả những chuyện tầm
phào ấy đã chấm dứt, đã qua hẳn rồi, chẳng ai còn nhớ nữa.
-Bác gọi cái ấy là chuyện tầm phào ư, Zorba ? Bác không xấu
hổ à ? Bác nói về tổ quốc của mình như thế à ?
Chắc chắn Sorbas, người Hy Lạp, đã từng đánh nhau chí tử với
quân Bulgarien, quân Thổ, người với lưng trần láng bóng trong khi trước ngực vết
chém, vết đạn ngang dọc, lổ chổ…như một cái rá lọc. Sorbas không có gì phải xấu
hổ, đã trả lời :
-Thoát khỏi Tổ quốc, khỏi các thầy tu, khỏi tiền bạc. Tôi đã
sàng lọc, ngày càng sàng lọc bỏ đi nhiều. Bằng cách ấy tôi làm nhẹ gánh nặng của
mình. Tôi đã, nói thế nào nhĩ ? Tôi đã tìm thấy sự giải thoát tôi thành người.
Đoạn đối thoại trên trích từ “Alexis Zorba, con người hoan lạc”,
bản dịch tiếng Việt do nhà xuất bản Nhã Nam văn học. Còn bản dịch trước 1975 của
Nguyễn hữu Hiệu biết tìm đâu ra. Họa chăng lẫn lộn may mắn trong đống “Lê Nin
toàn tập” cân ký cho bà bán hàng gia vị gói muối, tiêu. “Alexis Zorba, con người
hoan lạc” có thể đọc online trên docsach24.
Tên người, địa danh …qua các bản dịch Đức, Anh, Pháp đều viết
khác nhau theo cách phát âm tiếng Hy Lạp từ các ngôn ngữ đó. Nhìn những mẫu tự
alpha, beta, gamma…nhảy múa trước mắt, nhà tôi hay đùa, may anh được tàu Đức mà
không phải tàu Hy Lạp vớt.
Giải thoát hay trốn chạy khỏi những khái niệm mà số đông coi
là thiêng liêng : tôn giáo, tổ quốc ? Bất khả tư nghì ? Hay có nên cà kê không,
về những điều rắc rối, dù rằng tới tuổi này, bạn cũng như tôi, ngại ngùng chi
mà còn ấp úng như trai mới lớn, gái ngây thơ ?
Bạn có nghe chưa Nhuận thuyết (Run Philosophie) ? Thuyết
phát xuất từ Trung Quốc. Đây là một cách chơi chữ. Nhuận thuyết phiên âm là
“Run xue “ do chữ Nhuận tiếng phổ thông đọc là “run” ( hiểu theo nghĩa tiếng
Anh là chạy). “Lý thuyết Run” bàn chuyện bỏ chạy : chạy ra khỏi TQ.
Một thế hệ thanh niên có học không muốn sống dưới một chính
thể độc tài chuyên chế, không muốn mình bị kiểm duyệt tư tưởng, kiểm soát hành
động rồi con cái lại tiếp tục sống nô lệ. Họ bàn nhau cách chạy.
Họ in trên T-Shirt dòng chữ “Thế hệ cuối cùng” (Last
Generation) : Ngã đẳng thị tối hậu nhất đại. Họ không muốn có con. Họ nói giống
nhau “Tôi không thể thay đổi, cũng không thể phê bình cuộc sống hiện tại ở TQ.
Nếu không thay đổi được thì chỉ có cách bỏ chạy”.
Tôi cà kê nên không dẫn chứng xuất xứ, nhưng chuyện này báo
chí viết hà rầm. Chỉ với từ khoá Nhuận thuyết, người bạn Google sẽ nói tường tận.
Chuyện chẳng có gì mới, truyện Kiều có câu :
…Thừa cơ lẻn bước ra đi
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn…
Lời Sở Khanh dụ dỗ Kiều trốn khi nàng bị Tú bà nhốt ở lầu
Ngưng Bích, bắt nguồn từ xưa bên Tàu “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”.
Chuyện chi bên Tàu, bên ta bắt chước nhanh lắm. Vừa rồi, đọc
tin ở Hà Nội có nạn cho vay tiền, chỉ cần thế chấp ảnh khỏa thân. Có người viết,
chuyện này không lạ, bên Tàu có lâu rồi. E rằng Nhuận Thuyết đã lưu hành bên
ta, có thể đã lâu, nhưng ai lo phận nấy. Nói như một vùng quê ở Huế :
“Đoại mi mi húp, đoại tau tau húp”
vì thế, thê thảm như đoạn nhạc Nguyễn đình Toàn :
…không ai còn nhận
ra ai
sao em vào được
tim tôi ?
đêm qua ai bước
ra ngoài phương trời
bao nhiêu thân
xác chôn vùi biển khơi ?
Ui chao ! Cà kê
quá dài. Đêm nay thế nào cũng bị cụ Lãng Nhân mắng cho : mầy bố láo, tao viết
28 chuyện cà kê cho thiên hạ suy gẫm, còn mầy cà kê chỉ tổ làm bạn bè nhức đầu.
Lạy người cựu học sinh Trường Bưởi, con xin đấm ngực ăn năn. Vô phép với Cụ con
đi ngủ, hôm nay con đã ngâm dưới biển và phơi nắng suốt ngày.
Lê quang Thông
Frankfurt,
Germany