Năm học cuối bậc trung học của tôi có lẽ là thời gian buồn
bã và tẻ nhạt nhất trong cuộc đời đi học của tôi. Trong lúc bạn bè trong lớp
chúi mũi vào học thi tốt nghiệp phổ phông—mà ngày xưa có cái tên hay ho là tú
tài—và kháo nhau là sau đó nên nộp đơn thi vào trường đại học nào, tôi cứ vẩn
vơ mộng ngoài cửa lớp. Phòng học của tôi trên lầu hai, có vuông cửa sổ trông ra
mái ngói đỏ của hành lang dùng làm hội trường bên dưới. Sáng sáng, tôi nhìn qua
cửa sổ, ngắm những con se sẻ màu nâu nhảy nhót trong ánh nắng còn tươi mới.
Văng vẳng trên kia là tiếng giảng bài của cô giáo môn Văn. Có khi cô say sưa đọc
vài câu truyện Kiều, hai tay cô sôi nổi vung lên theo ý nghĩa của câu
thơ: Chọc trời khuấy nước mặc dầu, dọc ngang nào biết trên đầu có ai.
Cô giáo này đối với tôi khá đặc biệt, vì tôi đã học với cô hồi trước “giải phóng”. Cộng sản vào, thầy trò lục tục trở lại trường cũ sau một thời gian chạy giặc hay tìm đường vượt biên không thành công. Như duyên kỳ ngộ, tôi lại tiếp tục làm học trò của cô. Cũng trường lớp đó, cũng thầy trò đó, cũng những áng văn chương cổ điển muôn đời đó, nhưng bây giờ cách cô giảng bài làm chúng tôi hụt hẫng. Cô bảo Từ Hải là đại diện cho giai cấp bị bóc lột, đứng lên chống lại giai cấp phong kiến. Cô ca tụng truyện Kiều là một tác phẩm kinh điển hàng đầu, nói lên sự thối nát của các chế độ hà hiếp giai cấp công nông, gợi hứng cho cuộc cách mạng vô sản đấu tranh giành chính quyền từ tay bọn tư bản đang thi nhau giãy chết trên toàn thế giới.
Có lẽ bọn học trò chúng tôi còn bận bịu với tuổi mới lớn, với
những cảm xúc lạ đang đến, hơn là để ý đến những chuyện nực cười (nhưng ra nước
mắt), từ trong học đường ra đến ngoài xã hội, trong những tháng ngày đổi đời của
miền Nam tự do vào thập niên 70 đó. Riêng tôi, tôi nghe lời cô giảng bằng một
tai, còn tai kia lắng nghe tiếng ríu rít của đàn chim buổi sáng, và trong lòng
lúc nào cũng còn canh cánh một nỗi buồn da diết, kéo dài từ mùa hè vừa qua.
Năm lớp 12 này, chỗ ngồi cạnh tôi, đáng lẽ phải là của Vũ,
đã bị một đứa con trai khác thế chỗ. Tên này không xa lạ gì với tôi, tôi còn biết
rõ hắn thật nhiều là đằng khác. Việt, tên của người “hàng xóm” mới của tôi
trong lớp, không ai khác hơn là đứa bạn cùng cư xá với tôi hồi còn nhỏ. Thuở
đó, chúng tôi học chung một trường tiểu học, nhưng khác lớp vì nhà trường chia
trai gái học riêng. Tuy vậy, Việt và tôi, có khi cùng vài ba đứa khác trong xóm
nữa, vẫn rủ nhau đi học. Đi bộ từ cư xá của chúng tôi đến trường phải băng qua
ba bốn bloc đường, chắc bây giờ ai cũng phải lái xe, nhưng ngày trước chúng tôi
coi như vậy là thường lắm. Có khi chỉ có Việt và tôi đi học với nhau. Tên này
cũng khác đời, ít cười ít nói. Nhiều buổi sáng, hắn cứ chạy qua nhà tôi,
yên lặng đứng chờ tôi ăn uống, thay quần áo chỉnh tề xong xuôi, rồi hai đứa cùng
nhau đếm bước đến trường. Nhiều khi suốt quãng dường dài, Việt không nói nửa lời.
Tôi hỏi gì thì hắn mới trả lời, có lúc hắn chỉ ậm ừ, không biết hắn đang nghĩ
gì.
Tụi con nít trong cư xá ranh không thể tả. Đứa này đứa kia
thay nhau đánh tiếng, cặp đôi Việt và tôi, dù hai đứa lúc đó chỉ mới học tới lớp
Năm! Có đứa còn táo tợn hơn, thuổng hai câu vè đọc được trong truyện Con
Thuý hay Thằng Vũ gì đó của nhà văn Duyên Anh, đọc
lên khơi khơi, để đứa nào nghe chạnh lòng thì đứa nấy chịu: “Con gái
chơi với con trai, về sau cái vú bằng hai quả dừa!”
Việt và tôi nghe được hai câu vè kinh khủng đó, chỉ ngó nhau
tủm tỉm cười. Còn nhỏ quá, chúng tôi nghe những thứ... xa vời như vậy từ tai
này lọt qua tai kia, chẳng có mảy may xúc cảm gì cả. Tôi chỉ nhớ là hồi đó tôi
hay ăn hiếp Việt lắm. Ba Việt là thiếu uý, còn ba tôi là trung tá. Nhà Việt
đông con nên có vẻ túng thiếu. Ba má tôi chỉ có hai đứa nên cuộc sống trong nhà
khá thong thả. Hình như trong thâm tâm, tôi coi thường nhà Việt, nên lúc chơi
đùa, tôi vẫn thường làm ra vẻ kẻ cả, lấn át Việt về mọi mặt. Phần Việt, hắn có
vẻ chịu đựng. Nhiều khi thấy hắn thảm hại quá, tôi cũng thấy tội nghiệp hắn.
Xong tiểu học, tôi thi đậu đệ thất, vào học trường công. Việt
thi rớt, phải ra học trường tư. Tuy vẫn là hàng xóm, chúng tôi dần dần xa nhau
vì không còn có dịp đi học chung với nhau nữa. Cuộc sống gia đình và học đường
của chúng tôi, cũng như tất cả những đứa cùng trang lứa thuở đó, trôi qua một
cách bình thản, tưởng như không có gì có thể làm thay đổi. Năm tôi học gần hết
lớp 10, cộng sản chiếm miền Nam. Hình như tuổi thanh xuân của tôi và những bạn
cùng trang lứa chợt già đi trông thấy. Xã hội, học đường đều bị đảo lộn. Cũng
như Vũ phải từ chủng viện ra trường công lập để học, Việt về trường tôi, vì
“cách mạng” không thể để tư nhân mở trường được nữa, nhất nhất mọi điều đều phải
theo “lòng dân, ý đảng”. Việt tình cờ được xếp vào lớp tôi. Hắn ngồi tận cuối lớp.
Chúng tôi gặp lại nhau trong lớp 11, vẫn cười chào thân ái với nhau, tuy bây giờ
không còn là hàng xóm nữa. Cư xá trước kia chúng tôi ở là cư xá sĩ quan, đã bị
nhà nước hân hoan “tiếp quản”. Gia đình Việt về gần khu chợ Xóm Mới, còn nhà
tôi lên tá túc ở nhà ông ngoại.
Vả chăng, lúc ấy tôi lại đang vui với tình bạn mới bên Vũ.
Việt chỉ là một cái bóng thật mờ. Năm nay, hắn thay Vũ ngồi bên cạnh tôi, bỗng
dưng hắn bớt “mờ” đi một chút. Tôi và hắn nói chuyện với nhau khá thân mật vì
đã quen biết với nhau từ hồi nhỏ. Tuy vậy, Việt hình như cũng biết là tôi có một
nỗi buồn nào đó nấp sau những nụ cười gượng gạo trong những lần hai đứa trò
chuyện.
Thuỷ Trúc thì càng gần gũi với tôi hơn trước. Hai đứa đi
chơi với nhau thật nhiều sau những giờ học. Lúc thì đi biển hóng mát, lúc thì
đi uống cà-phê trong các quán nhỏ mang những cái tên lãng mạn như Thu
Vàng hay Chiều Tím. Như những học sinh nghèo khác,
chúng tôi chỉ dám gọi cà-phê đen đá cho rẻ, hôm nào bảnh lắm mới đổi thành
cà-phê sữa đá để nhấm nháp vị đắng chát lẫn ngọt ngào của cuộc sống học trò. Và
chúng tôi thường “ngồi đồng”, nghĩa là từ giờ này sang giờ nọ, gọi không biết
bao nhiêu bình trà... miễn phí, phớt lờ vẻ mặt không vui của chủ quán hay của
những anh bồi bàn. Hai đứa tôi say sưa thưởng thức những bài hát ngoại quốc thịnh
hành thời bấy giờ, của những ban nhạc nổi tiếng như Abba, Carpenters,
Bee Gees, Air Supply, hay những bài ca tiếng Pháp tuyệt vời của Claude
François, Stone et Charden, Art Sullivan, Christophe, France Galle, Françoise
Hardy... Bài nào hai đứa cũng thích, cũng mê tít, mỗi lần nghe qua những cái
loa trong quán. Đặc biệt, trong thời điểm đó, tôi thích nhất là bài Ne
me parle plus de lui do Jean-Francois Michael hát, vì đó chính là tâm
trạng của tôi; tôi không muốn Thuỷ Trúc hay chính mình nhắc đến tên của một người
nào đó nữa.
*
Một hôm, đang ngồi trong lớp giờ Văn, Việt khều tôi hỏi:
“Thuỳ Linh viết xong bài luận về đoạn Thuý Kiều tái hợp với
Kim Trọng chưa?”
Tôi lơ đãng gật đầu, hỏi lại Việt:
“Cũng gần xong. Còn Việt thì sao?”
Việt chun mũi:
“Mới viết được... cái đầu đề! Sao Việt ghét văn chương quá
Linh ơi!”
Tôi cười:
“Chắc cũng như Linh ghét toán vậy chứ gì.”
Việt lại khều khều:
“Linh viết xong bài của mình rồi viết giùm Việt luôn, được
không?”
Tôi giật nảy mình:
“Í cha, làm gì có chuyện viết giùm há! Rồi Linh học giùm cho
Việt, ra trường đi kiếm việc cho Việt luôn hở?”
Việt cười giả lả:
“Nhờ có chút vậy thôi mà rằn ri quá, cô bạn!”
Nói vậy chứ cuối tuần đó, khi ngồi cặm cụi viết hết phần kết
luận của bài văn, tôi chợt bần thần nghĩ đến Việt. Người ta bảo “Có ăn
nhạt mới biết thương đến mèo”; tôi nhớ đến những lần ngồi cắn bút
trong giờ thi toán khô khan, hóc búa, Việt vẫn thường chuồi cho tôi những
mẩu giấy nhỏ có ghi cách giải toán, kèm cả đáp số. Chắc lúc này là lúc mình phải
đền ơn hắn đây, tôi nhủ thầm. Nghĩ vậy, tôi thở dài lấy giấy ra, thừ người suy
nghĩ, chưa biết phải viết gì cho Việt. Phải viết làm sao cho không những giọng
văn khác đi, mà cách phân tích cũng không được giống mới hòng qua mặt được cô
giáo. Tôi loay hoay hàng giờ, viết viết xoá xoá, đặt vấn đề ngược lại, giả như
Thuý Kiều không gặp lại Kim Trọng thì cuộc đời nàng sẽ ra sao. Cũng nhờ cách đó
mà tôi có một cảm hứng thật mới lạ, thật dạt dào. Tôi vẽ ra một đoạn đời mới, một
khúc rẽ ngoặt của Thuý Kiều, rồi so sánh những điều tưởng tượng đó với những
chi tiết thật trong cuộc tái hồi của hai nhân vật chính, đưa ra những lời nhận
xét sâu sắc mà chính tôi cũng không ngờ tới. Không chừng bài văn “của Việt” còn
được điểm cao hơn bài văn của chính tác giả cũng nên. Chỉ mong sao cô giáo
không để ý vì sao “văn tài” của đứa học trò vốn tầm thường như Việt bỗng dưng
phát tiết bao nhiêu là tinh hoa làm vậy! Tôi thở phào khoan khoái, xếp bài vở
vào cặp, mong cho mau đến ngày mai đi học, hỉ hả trao bài cho Việt, để gọi là một
chút tri ân hắn đã từng giúp đỡ mình.
Sáng hôm sau, Việt lại vắng mặt. Dạo này hắn thường cúp cua,
bị thầy cô kêu lên cảnh cáo nhiều lần mà chứng nào vẫn tật nấy. Mọi lần thì chắc
tôi cũng không để ý đến chuyện thường xảy ra này, nhưng hôm đó quả tình tôi hơi
mất hứng vì đã sẵn sàng bài vở để giao cho Việt. Tôi đã tưởng tượng ra vẻ mặt cảm
động của hắn khi tôi đưa cho hắn công trình tim óc của mình. Vậy mà...
Tan học, tôi lững thững đi theo bạn bè trong lớp xuống cầu
thang. Thuỷ Trúc biến đâu mất trong dòng học trò bất tận. Lâu nay thỉnh thoảng
nó lại lỉnh đi đâu một mình, tôi thắc mắc thì nó chỉ cười bí mật mà không trả lời.
Tôi đoán già đoán non là chắc nó có bồ, nhưng phải bắt gặp nó tại trận thì mới
biết được.
Ra khỏi cổng trường lao xao kẻ chào người đón, tôi băng qua
đường một mình giữa dòng xe cộ đông đúc. Vừa đến bên kia lề đường, tôi đã thấy
Việt đứng lóng ngóng ở đó. Tôi kêu lên:
“Ông này bữa nay trốn học nữa há!”
Việt cười:
“Ừ, trốn học, mà lần này trốn luôn!”
Tôi nhíu mày:
“Việt nói vậy nghĩa là sao?”
Việt nhún vai:
“Nghĩa là không đi học nữa!”
Tôi nghe giọng mình thảng thốt:
“Ủa, cái gì kỳ cục vậy? Đùng một cái rồi nghỉ ngang vậy
sao?”
Việt lại nhún vai, lần này hắn không trả lời. Tôi cụt hứng
thật tình, nghĩ ngay đến bài luận văn viết cho hắn còn nằm yên trong cặp. Biết
vậy thì tôi đâu phải nặn đầu nặn óc ra mà viết cho hắn. Thật là công dã tràng.
Hình như hắn cũng không buồn nhớ là đã nhờ vả mình nữa. Tôi nén giận, hứ một
cái rõ to rồi đi luôn qua mặt hắn, không thèm chào hỏi gì cái thứ mau quên đó.
Vừa đi tiếp về nhà, tôi vừa miên man suy nghĩ. Thốt nhiên,
tôi thấy như có một sự trùng hợp lạ kỳ. Sau Vũ, Việt là người thứ hai đón tôi
ngoài lớp học để báo tin thôi không đi học nữa. Sao tôi cứ phải gặp những cảnh
chia tay buồn bã, kỳ cục như thế này? Tôi có tay “sát bạn” hay không mà đứa nào
ngồi cạnh bên tôi cũng đều nghỉ học hết vậy. Cũng may là tới giờ này Thuỷ Trúc
vẫn còn đó, nhưng với cái đà này dù sao chắc nó cũng không còn bên tôi lâu nữa.
Sau khi Việt nghỉ học, Thuỷ Trúc xích lại, ngồi cạnh tôi.
Bàn của chúng tôi chỉ còn ba đứa. Vũ hay Việt gì cũng không còn nữa. Tôi lại
chúi đầu vào học. Ngày thi gần kề, tôi chỉ mong sao thi cho xong, cho qua hết
những bài học vớ vẩn dưới “mái trường xã hội chủ nghĩa” này! Càng lúc tôi càng
thấy hình như mình thông cảm với Việt hơn một chút. Là đàn ông con trai, chắc hắn
càng không chịu nổi những câu thúc phiền toái của trường lớp, nơi mà những truyền
thống hay đẹp không còn nữa, Chữ nghĩa khoác vào lớp áo hợm hĩnh mới, chuyên chở
những ý tưởng đầy bạo lực và phi nhân tính. Chắc chỉ còn những kẻ yếu đuối, nhu
nhược như tôi mới chịu đựng nổi.
Mùa thi đã tới, và những ngày học hành chăm chỉ của tôi đã
được đền đáp. Tôi thi đậu, Thuỷ Trúc cũng vậy. Hai đứa hân hoan đón chào một
mùa hè mới, rất đáng nhớ vì nó đánh dấu sự kết thúc của mười hai năm dài cắp
sách đến trường. Nhưng với tôi, mùa hè đó lại âm thầm khơi lại vết thương còn
âm ỉ của mùa hè trước. Thế nên tôi bước vào những ngày hè với buồn vui lẫn lộn,
với tình cảm và thân xác đầy nhựa sống của cô gái thanh xuân, nhưng chẳng khác
gì một đoá hoa rực rỡ, lẻ loi giữa một cánh đồng cỏ bát ngát, vắng loài ong bướm
đi tìm mật...
Gần cuối mùa hè, tôi tuyên bố với ba tôi một câu xanh dờn:
“Ba, con không muốn học tiếp lên đại học nữa!”
Nói xong, tôi hồi hộp đợi phản ứng giận dữ của ông. Ba tôi
là sĩ quan, nhưng ông có dạy thêm ở trường văn hoá quân đội vào buổi tối, nên
ông cũng là một ông thầy, yêu chữ nghĩa, trọng việc học hành. Thế nhưng trong
chế độ mới, ông trở nên một người khác, thờ ơ với thế sự. Cũng may, ông giải
ngũ ba năm trước khi miền Nam mất nên không bị đi “cải tạo” như đa số quân cán
chính cộng hoà khác. Nghe tôi nói không đi học nữa, ông chỉ buồn rầu nhìn tôi
và im lặng hồi lâu. Cuối cùng, ông buông thõng một câu:
“Tuỳ con! Thời thế này có học nữa cũng chẳng tới đâu. Không
đi học thì nhớ ở nhà giúp má, đỡ đần việc này việc nọ hay kiếm việc gì làm, phụ
gia đình một chút.”
Giọng ba tôi buồn buồn, tôi nghe da diết còn hơn một tiếng
thở dài của người sĩ quan một thời oai phong lẫm liệt.
*
Như vậy là mùa hè của tôi trở nên bất tuyệt, không còn có
ngày tựu trường nào trước mặt nữa. Tôi rảnh rang thật nhiều, ngoài những việc lặt
vặt phụ giúp má hằng ngày. Tôi viết nhật ký chăm chỉ hơn, trút vào các trang giấy
tội tình những lời than van thống thiết mà chỉ có chính mình đọc lại. Tôi cũng
làm thơ nhiều hơn trước, viết xen kẽ vào những dòng nhật ký:
Xếp đời như khăn lau nước mắt,
Rồi rong chơi những cõi phôi pha.
Tay hái lá mùa xuân thơm ngát,
Quên chút tình thơ đã trôi xa.
Nghỉ học rồi, không dưng Việt lại thân với tôi còn hơn trước.
Hắn thường đến rủ tôi đi chơi, nhất là những lúc Thuỷ Trúc cũng bỏ tôi đi đâu mất.
Thuỷ Trúc đã thú nhận với tôi nó đã có bồ. Đã vậy hai đứa còn tính cưới nhau thật
lẹ. Tôi vừa vui cho bạn, vừa buồn cho mình. Tuy vậy, thỉnh thoảng Thuỷ Trúc
cũng dành cho tôi những đêm riêng của hai đứa, vẫn ngồi bên nhau thủ thỉ hết mọi
chuyện trên đời. Những lúc đó, tôi thấy tình bạn giữa hai đứa như chưa bao giờ
thay đổi.
Nhưng ngồi cà-phê tâm sự với tôi thường xuyên hơn bây giờ là
Việt chứ không phải Thuỷ Trúc. Với Việt, tôi nói chuyện hết sức thoải mái, coi
hắn không khác gì Thuỷ Trúc, và tôi cũng thầm mong hắn cũng coi tôi như là một
đứa bạn trai. Nghĩa là giữa chúng tôi không có gì phải thắc mắc cả. Mặt khác, tất
nhiên là Việt không phải là Thuỷ Trúc, vì hắn không đồng điệu với tôi về chuyện
thưởng thức nhạc. Hắn cũng thích âm nhạc, nhưng là qua việc chơi classic
guitar, chứ không qua những âm điệu trữ tình hay lời lẽ sướt mướt của các bài
hát ngoại quốc thời thượng trong quán cà-phê. Ở đó, trong lúc hắn liên tiếp hút
từ điếu thuốc lá này sang điếu thuốc lá khác, tôi vẫn đắm mình trong tiếng nhạc,
lời ca. Có đôi lần, qua làn khói thuốc mơ màng, tôi tưởng tượng Việt là Vũ, và
mình đang tràn đầy hạnh phúc được ngồi với anh trong thế giới hư hư thực thực
đó, cho đến lúc mỗi lần Việt đột ngột nói một điều gì...
Tôi đòi Việt dạy tôi chơi guitar. Hắn cũng chiều tôi, bắt đầu
chỉ cho tôi nắn những nốt nhạc đầu tiên trong đời. Việt kiếm cho tôi tập sách dạy
chơi đàn classic guitar mà ai mới tập tễnh học cũng có, cuốn bài tập của
Carulli. Việt dạy tôi rất kỹ, cứ mỗi bài tập, hắn đều tỉ mỉ dùng viết chì ghi từng
số ngón tay phía trên các nốt nhạc cho tôi đánh. Thế là tôi có một thú tiêu khiển
giúp quên đi ngày rộng tháng dài. Cứ mỗi tuần tôi lại trả bài cho Việt. Hắn
chăm chú nghe tôi gãy đàn, góp ý chỗ này, khen chỗ nọ. Có bài tôi đánh chưa
nhuyễn, hắn bắt tôi tập lại, không chịu cho tôi qua bài mới. Kể ra tôi cũng
sáng dạ (hay mát tay?!), chỉ vài tháng sau tôi đã chơi kha khá, bắt đầu đòi Việt
chỉ cho tôi thử chơi qua những sáng tác tương đối dễ cho người mới học
như Hạ Trắng do Đỗ Đình Phương soạn, hay Lágrima của
Francisco Tarrega. Tôi cũng bày đặt học tremolo, tuy biết tiếng đàn
của mình sẽ chẳng bao giờ được truyền cảm như tiếng đàn của Việt.
Những đêm mùa hè mát trời, Việt và tôi thường ngồi nơi chiếc
xích đu dưới gốc cây nhãn trong sân nhà ông ngoại tôi, cùng nhau chơi đàn. Nói
là cùng nhau cho oai vậy thôi chứ tôi đàn thì ít, mà Việt đàn mới nhiều. Sau
khi trả bài lấy lệ cho Việt nghe, tôi khoan khoái tựa người ra thành xích đu,
lim dim mắt nghe tiếng đàn điêu luyện của Việt vang lên réo rắt, nhất là đoạn tremolo trong
bài Capricho Árabe mà tôi rất ưa thích. Bụi hoa lài trên tường
toả hương thơm ngát trong đêm khuya, cộng với tiếng đàn êm ái của Việt, khiến hồn
tôi như bay bổng lên cao, tạm quên đi những muộn phiền chất chứa bấy lâu nay.
Ngày nào Việt hẹn đến dò bài tập đàn cho tôi mà chưa thấy đến,
tôi thấy bồn chồn quá. Có lúc tôi cười một mình, tự hỏi mình đang chờ một người
bạn hay chờ một ông thầy. Rồi tôi lại tự trả lời, điều đó có hề gì đâu nhỉ. Thầy
hay bạn gì thì cũng chỉ là một người thôi. Má tôi thấy tôi cứ đi ra đi vô bèn
quở:
“Con Thuỳ Linh bữa nay có chuyện gì mà giống như gà mắc đẻ vậy
ta?”
Tôi mắc cỡ chống chế:
“Má nói gì nghe kỳ quá!”
Má chưa chịu thôi:
“Kỳ gì mà kỳ! A, hay là con đang chờ thằng Việt tới phải
không? Dạo này má thấy nó tới chơi với con hơi nhiều à nghen!”
Tôi làm tỉnh:
“Thì ảnh tới dạy con chơi đàn chớ có gì đâu, má.”
Má hừ một tiếng:
“Đàn với địch! Má thấy con gái mà ngồi ôm cái đàn gảy từng
tưng coi không được chút nào!”
Nói vậy chứ mỗi lần Việt đến thì má tôi vẫn ngọt ngào, vẫn xởi
lởi một bác hai cháu với Việt, vì bà thấy hắn cũng hiền, không lấc cấc như nhiều
đứa con trai cùng tuổi khác. Chắc bà nghĩ, thôi chẳng thà còn thấy con nhỏ ngồi
ở nhà chơi với bạn, còn hơn là để nó lỉnh đi đâu mất đất, không biết làm cái gì
ở ngoài đường ngoài sá.
Một buổi tối mùa hè khác, Việt đến rủ tôi ra biển chơi. Hắn
bảo trời nóng quá, lúc này chỉ có biển mới mát mẻ. Tuy vậy, tôi cũng phải nói dối
với má là hai đứa chỉ ra đầu Ngã Sáu ăn chè, chứ nói thật là xuống bãi biển ngồi
với nhau thì chắc chắn má không bằng lòng.
Nghĩ lại, tôi đoán má sẽ không thích chuyện đó cũng phải. Biển
đêm đẹp và gió mát lồng lộng. Mặt biển đen tuyền, nhưng ngoài khơi thắp sáng
lên những dãy đèn lóng lánh của những thuyền đánh cá ban đêm trông thật đẹp mắt.
Cát biển mềm mại dưới chân hai đứa tôi. Việt và tôi ngồi cạnh nhau, tựa vào một
kè đá, nhìn ra khơi tít tắp, nói với nhau những mẩu chuyện không đầu không
đuôi, chẳng bao giờ dứt. Đêm càng khuya, gió càng trở lạnh. Việt bảo tôi tựa
vào hắn cho ấm. Tôi làm theo lời Việt, ngả đầu vào vai hắn. Mùi hăng hăng nồng
nồng từ người Việt toát ra, khiến tôi nhớ lại đêm nằm cạnh Vũ ở sông Cầu năm
nào. Chỉ khác là bây giờ tôi thật sự ngồi sát Việt, nghe từng hơi thở của nhau.
Trong giây phút lạ lùng đó, không gian và thời gian bỗng như
bị xoá nhoà, nhập lại làm một, chập chùng vây quanh hai đứa tôi. Ánh điện hiu hắt
từ ngọn đèn đường từ trên bờ xa không đủ làm chúng tôi thấy rõ mặt nhau. Rồi
như bị một sức hút diệu kỳ, hai khuôn mặt chúng tôi hối hả tìm nhau, môi chúng
tôi quấn quýt vào nhau, đem lại cho tôi hương vị tuyệt diệu đến rợn người của nụ
hôn đầu đời, ngọt ngào như không gì có thể diễn tả nổi. Toàn thân tôi run rẩy
như có một dòng điện chạy khắp người. Bàn tay Việt đặt nhẹ trên ngực tôi. Tôi
rướn người, ngập tràn cảm giác. Cùng một lúc, hai giọt nước mắt của tôi bất ngờ
ứa ra, rơi xuống má. Việt như bừng tỉnh, nói giọng hốt hoảng:
“Ô, cho anh... cho Việt xin lỗi!”
Tôi cũng tỉnh cả người, vội vàng ngồi thẳng dậy, vuốt những
sợi tóc loà xoà trước mắt. Tôi nói, giọng như vọng về từ một cõi nào xa xôi:
“Việt cho Linh đi về đi!”
Hai đứa chúng tôi loạng choạng đứng dậy, đi từng bước nặng nề
trên bãi cát đêm. Biển không còn một bóng người. Đường khuya cũng vắng ngắt. Từ
biển đi bộ về nhà tôi không xa, nhưng sao tôi thấy đường đêm đó dài ơi là dài.
Việt im lặng đi bên cạnh tôi, trong lúc đầu óc tôi đang bời bời với muôn vàn ý
nghĩ. Đến gần đầu đường nhà tôi, Việt mới cất tiếng nói, ngượng ngùng:
“Thuỳ Linh đừng nghĩ là Việt coi thường Linh nghe. Việt xin
lỗi...”
Lúc ấy tôi cũng đã lấy lại chút bình tĩnh, nhẹ nhàng nói với
Việt:
“Tụi mình đi hơi xa rồi đó Việt ơi, chắc phải tạm không gặp
nhau một thời gian để tỉnh táo lại nghe.”
Chúng tôi lại im lặng, chia tay nhau. Việt lủi thủi dắt chiếc
xe đạp ra cổng, đạp vút đi trong ánh đèn vàng vọt của đêm khuya.
*
Có lần tôi nghe ai đó nói, đại khái là muốn quên một người
nào một cách nhanh nhất thì nên có một người khác. Tôi đã phì cười khi nghe câu
nói đó, trong bụng nghĩ thầm, làm gì mà đến nỗi phải đi kiếm người mới để quên
đi người cũ! Tình yêu chứ có phải cái áo cái quần đâu mà thay đổi dễ dàng,
chóng vánh như vậy. Nghĩ cho cùng, tôi phải luôn nhớ đến gương mặt tật nguyền của
mình, để không còn mộng mơ gì xa xôi nữa. Một lần đau khổ cũng đủ lắm rồi. Tôi
thường tự dặn dò mình như thế.
Nhưng cả tuần trôi qua mà Việt và tôi không gặp nhau, tôi chịu
không nổi. Lần này, tôi nhận ra ngay là mình đã yêu Việt mất rồi, chứ không nửa
tin nửa ngờ, nửa chấp nhận nửa chối bỏ như tình yêu tôi dành cho Vũ ngày trước.
Mặt khác, tình cảm của tôi cho Việt đến thật nhẹ nhàng, tiệm tiến theo thời
gian, và dường như tình yêu của tôi đang được đáp đền, chứ không một chiều một
hướng như ngày xưa nữa. Giả dụ như trước đây Thuỷ Trúc hỏi thử tôi có tình ý gì
với Việt không thì chắc tôi đã dãy nãy lên, gạt ngang gạt ngửa cái ý tưởng kỳ cục
đó. Việt là một hình ảnh quá quen thuộc với tôi. Hắn cũng không đẹp trai, chỉ
được cái hiền lành và kiên nhẫn. Nhưng, như má tôi thường nói, lửa gần rơm thì
có ngày cũng cháy. Thật là đúng phóc. Việt cứ hiện ra trong đời tôi từ từ, từ từ,
hết ngày này qua ngày khác, cùng làm với tôi nhiều việc, cùng san sẻ với tôi những
điều vặt vãnh trong đời sống hằng ngày. Hình ảnh hiện ra trong đầu tôi mỗi buổi
sáng là Việt, mà hình ảnh cuối cùng trước khi tôi chìm vào giấc ngủ cũng là Việt
nốt. Có lẽ tình yêu cũng là một thói quen chăng.
Một buổi sáng nọ, tôi không dùng xe đạp mà quyết định
thả bộ qua những con đường lặng lờ trong thành phố, những con đường chạy ra biển
từ nhiều phía. Tôi đi chầm chậm qua những ngôi nhà nằm im ắng trong nắng hè còn
dịu mát của ban sáng, dưới những tàn cây lá sum sê xanh dờn, trong tiếng ve kêu
rả rích, buồn buồn và tha thiết. Tôi mang cảm giác của một người vừa bệnh mới dậy,
sau những ngày cấm cung trong nhà, ngỡ ngàng thấy lại thế giới bên ngoài, với
sinh hoạt bình thường của mọi người, chẳng có gì thay đổi so với những giông
bão ngầm trong cuộc sống nội tâm của mình.
Đến một góc đường, tôi chợt nghe tiếng thắng đánh két một
cái của ai đó đang đi xe đạp từ phía sau. Tôi giật mình ngoảnh lại. Việt! Anh
ăn mặc xuềnh xoàng như mọi ngày, đầu tóc rối bời, và... trời ơi, anh nhìn tôi bằng
cặp mắt... tôi phải diễn tả làm sao nhỉ... cặp mắt đỏ ngầu của anh toát ra oán
hận, nhớ thương lẫn trìu mến, trìu mến đến độ ngắc ngoải. Việt tiếp tục nhìn
tôi trừng trừng, không nói không rằng, trong khi tôi cũng không biết phải phản ứng
như thế nào. Phải mấy phút dài lê thê trôi qua như thế, cuối cùng, Việt nói như
ra lệnh:
“Lên xe đi!”
Như một phản xạ, tôi riu ríu leo lên ngồi phía sau của chiếc
xe đạp cũ kỹ. Việt đạp phóng đi, tôi vòng tay ôm eo anh, ngả nhẹ đầu vào khoảng
lưng rộng phía trước, nghe nồng ấm mùi da thịt đã chớm bắt đầu quen thuộc với
tôi. Tim tôi như rã rời, một cảm giác rã rời, bải hoải một cách dễ chịu. Niềm
đau như được mơn trớn, vỗ về. Việt chở tôi qua không biết bao nhiêu là con đường
thân quen trong những góc của thành phố tôi đã từng đến, đã từng đi, nhưng thật
tình thế giới chung quanh như nhạt nhoà trong cơn chếnh choáng của tôi. Cảm
giác của tôi bây giờ không phải là những gì tôi nhìn hay nghe thấy, mà chỉ là
những cảm xúc oà vỡ từ bên trong, cộng với mùi da thịt gợi lên những gần gụi mà
tôi chỉ mới bắt đầu biết đến.
Những tháng ngày kế tiếp của tôi diễn ra y như trong những
cuốn sách dành cho tuổi mới lớn mang tên loài hoa tím, không khác gì mấy với buổi
dạ tiệc tưng bừng, hào nhoáng mà cô bé lọ lem bàng hoàng hân hưởng, trong lòng
chỉ nơm nớp sợ đồng hồ nửa đêm lạnh lùng gõ lên mười hai tiếng, để con bé số phận
hẩm hiu phải vội vã tháo chạy về trước khi cỗ xe lộng lẫy trở thành trái bí xù
xì.
Mùa hè trôi qua hình như nhanh hơn mọi lần, và mùa thu tiếp
bước với tốc độ cũng không kém phần vội vã. Ngày tiếp ngày, Việt và tôi đắm đuối
vào những giây phút bên nhau, ở khắp nơi trong thành phố biển nhỏ bé này. Lúc
thì chúng tôi vui đùa với nhau trong làn nước mát rượi của biển xanh, rồi nằm
lim dim dưới ánh nắng hè chói chang, biết rằng cận kề có một kẻ đang nghĩ đến
mình. Những câu hát trước đây tôi cho là vô nghĩa, hay thậm chí còn có phần độc
ác, thì bây giờ mỗi lời hát, mỗi âm điệu đều làm tôi rung động sâu xa, “Ngồi
kề bên nhau cất tiếng ca, say tình chan hoà... Mình yêu nhau thì có lúc gần
nhau...” Ôi, Hạ Vàng Biển Xanh! Có phải bài hát đó là
dành riêng cho chúng tôi không nhỉ.
Tắm biển xong, tôi và Việt thường vào cái quán quốc doanh
bên kia đường biển để “thưởng thức” những tô phở lạt lẽo, lõng bõng vài miếng
thịt dai ngắt, hay những ly cà-phê đắng với hương vị nhạt thếch. Nhưng có hề
gì, đó là những món sơn hào hải vị đối với hai đứa tôi, khi đang hạnh phúc thì
làm gì, ăn uống gì, nghe thấy gì cũng là vui, là ngon, là đẹp cả. Việt thường
phì phèo hút những điếu thuốc sợi đen mang những cái tên thô kệch như Lao
Động hay Vàm Cỏ, bay mùi khét lẹt. Mỗi khi tôi rủng rỉnh
chút tiền từ việc dạy kèm mấy đứa con nít, tôi thường mua cho Việt vài điếu thuốc
lá lẻ, có đầu lọc của ngoại quốc, có tên gọi sang cả hơn, Dunhill hay Rothman, và
cả ba số 5 nữa. Trong khói thuốc thơm tho của bọn tư bản giãy chết, Việt và tôi
nghe như tình yêu cũng đậm đà hơn nhiều.
Hay những buổi trưa nắng đứng bóng, thành phố như uể oải
trong giấc ngủ vội vàng, Việt và tôi đạp xe qua Hòn Chồng, trốn chạy thành phố
ngột ngạt. Chúng tôi sánh bước bên nhau, leo qua những mỏm đá gập ghềnh đã nằm ở
đây từ trăm năm trước. Đôi lúc, như có truyền giao cách cảm, hai đứa chợt ngoảnh
mặt vào nhau, trao vội cho nhau một nụ hôn bất ngờ. Nấp dưới một kẽ hở giữa hai
mỏm đá, chúng tôi lại tiếp tục hôn nhau, cho đến có kẻ nào tình cờ bước ngang bắt
gặp, chúng tôi mới rời nhau ra, khúc khích cười mắc cỡ.
Hoặc có những ngày lười lĩnh không muốn đi đâu, Việt và tôi
quấn lấy nhau trên căn gác ở nhà anh. Dưới nhà là một cái quán nhỏ ba má anh
buôn bán những món lặt vặt để sống qua ngày. Chúng tôi thường ra ngồi ở cái bao
lơn hẹp trên gác, nhìn mông ra những căn nhà lô nhô kế cận, chỉ chừa ra vài khoảng
trống bất ngờ để lộ khoảng trời xanh hiếm hoi. Rồi lại hôn nhau, lại thủ thỉ những
lời vô nghĩa, và cười phá lên vì những điều vô nghĩa đó.
Có hôm, Việt chợt bảo:
“Ngày trước, Ti thích thằng Vũ lắm phải không?”
Không biết từ lúc nào, Việt đã đổi qua gọi tôi là Ti và xưng
là anh. Tôi đoán anh dùng chữ cái đầu tiên của tên tôi để gọi như trong tiếng
Anh. Tôi thích cách xưng hô mới mẻ này lắm. Nó như một kiểu mật mã riêng giữa
hai chúng tôi. Tôi chỉ là Ti với anh, chỉ với mình anh thôi. Tôi thoáng đỏ mặt:
“Anh cũng biết sao?”
“Sao lại không biết!”
“Như vậy là anh cũng có để ý đến Ti?”
Việt quàng lấy vai tôi:
“Ti không biết chứ hồi đó anh đã thích Ti rồi, nhưng lúc nào
bên Ti cũng có thằng Vũ...”
Tôi giụi đầu vào vai anh, để cho cử chỉ đáp lại thay cho lời
nói.
Tôi ít tập đàn hơn, và càng ít viết nhật ký hay làm thơ hơn
trước. Có lẽ, đối với tôi, nhật ký chỉ là nơi để tôi than mây khóc gió, và thơ
thẩn cũng chỉ để tôi trút những muộn phiền vào đó. Có lẽ, hạnh phúc làm người
ta trở nên “nông cạn”, hai chữ này Việt thích dùng để chê bai những kẻ thiếu cuộc
sống nội tâm hay không ưa sách vở. Việt mê đọc sách lắm, chẳng kém gì tôi. Anh
đã ngốn biết bao nhiêu cuốn sách của thời trước 75 may mắn còn sót lại, như tập
thơ Mưa Nguồn của Bùi Giáng, hay cuốn Triết Lý Mới
Trong Văn Nghệ Và Triết Học của Phạm Công Thiện. Anh còn thích những
câu thơ đầy hoài niệm của Hoài Khanh:
Rồi em lại ra đi như đã đến,
Giòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù.
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng,
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu.
Hay bốn câu thơ khác:
Người con gái chợt về đây một bận,
Con đường câm bỗng sáng ánh diệu kỳ.
Tôi lẩn trốn bởi thấy mình không thể,
Mây của trời rồi gió sẽ mang đi.
Tôi còn nhớ những lần nghe anh đọc những câu thơ đó, tôi ôm
lấy anh nói:
“Việt đừng đọc những câu thơ buồn đầy ám ảnh đó nữa, Ti sợ lắm.”
Việt siết chặt tay tôi, rít một hơi thuốc dài, rồi phả khói
vào mặt tôi, làm tôi ho lên sặc sụa. Tôi như muốn chết ngộp, nhưng chết một
cách sung sướng trong làn khói thuốc yêu thương đó.
*
Việt rủ tôi lên Võ Cạnh chơi. Võ Cạnh là một thôn nhỏ nằm về
phía nam của thành phố Nha Trang. Bà nội anh có một căn nhà vườn trong thôn đó.
Dĩ nhiên là tôi sốt sắng nhận lời. Dạo này má tôi thấy tôi đi chơi liên miên với
Việt, bà biết chuyện gì đang xảy ra. Ái ngại nhìn cô con gái tuổi vừa lớn đang
yêu, bà cũng không biết phải làm gì hơn là nói bóng gió:
“Con gái đi chơi với con trái phải ý tứ nghe con, đừng để
máy bay vượt bức tường âm thanh đó!”
Tôi nghe má dặn dò như vậy mà không khỏi cười thầm trong bụng.
Ngày xưa, má học tới bằng sơ học yếu lược rồi nghỉ ở nhà, phụ ông ngoại tôi
trông coi một tiệm sách. Má không học cao, không đọc sách nhiều, chẳng hiểu làm
sao biết được hiện tượng vật lý của phi cơ vượt bức tường âm thanh để dùng ví
von với chuyện trai gái!
Sau những ngày vui bên nhau ở biển cả xanh rờn hay trong những
quán cà-phê với tiếng nhạc xập xình, tôi thực sự thích thú với chuyến đi về miền
thôn quê với Việt. Ngả đầu vào lưng anh, tôi miên man nhìn những cánh đồng lúc ấy
lúa hãy còn con gái, hít đầy mùi thơm của đồng ruộng vào hai buồng phổi. Đi qua
một khoảng dài trên Quốc Lộ số 1, Việt rẽ xe vào một vùng thôn quê tương đối vắng
vẻ. Nhà bà nội của Việt đúng là một căn nhà điển hình của miền quê Trung phần.
Phía trước là khoảng sân rộng, bà phơi đầy những cái bánh tráng tự tay bà làm lấy.
Việt dựng xe, dắt tôi vào nhà chào bà nội:
“Nội! Con về chơi
nè. Có Thuỳ Linh bạn con nữa nội.”
Bà nội của Việt
trông khoảng 80 tuổi, móm mém trả lời:
“Lâu dữ mới ghé nội
há con. Con nhỏ này là bạn con hả?”
Tôi lễ phép vòng
tay chào bà. Bà cười hiền hoà:
“Ờ, hai đứa ở đây
chơi. Thằng Việt ra đằng sau hái dừa xuống cho bạn con uống. Trưa trưa rồi bà nội
dọn cơm cho bây ăn.”
Việt háy mắt với
tôi, nắm tay tôi lôi ra đằng sau nhà. Khoảng vườn sau của bà nội rộng mênh
mông, đủ thứ cây ăn trái: dừa, xoài, mãng cầu, vú sữa, khế, ổi... có cả mấy cây
me cao chót vót. Việt bảo mỗi năm tới mùa me chín, bà nội kêu bạn hàng vô hái,
trả mỗi cây vài trăm bạc, về bán lại lời cả mấy chục lần.
Ngó trước ngó sau
không thấy bóng bà nội đâu, Việt bạo dạn ôm hôn tôi một cái. Tôi mắc cỡ đẩy anh
ra. Việt cười tít mắt, cởi áo ra, xắn hai ống quần, kiếm một con dao gần góc bếp
sau nhà rồi thoăn thoắt leo lên cây dừa, chặt xuống hai trái to bằng đầu người.
Tôi nhìn Việt làm hết những việc đó bằng cặp mắt thán phục. Hôm nay, Việt như
là một người khác mà tôi chưa thấy bao giờ. Anh lanh lẹn chặt dừa, vạt hết lớp
vỏ xanh bên ngoài một cách thành thạo, rồi khoét một cái miệng trên chóp trái dừa,
đủ để ụp một cái ly vào rồi dốc ngược lại cho nước dừa chảy qua. Hai đứa tôi ngồi
nhâm nhi ly nước dừa ngọt ngào, rồi Việt lại hí hoáy lấy muỗng nạo lớp dừa non
bên trong ra, cho vào ly của mỗi đứa. Tôi nghe những mảng dừa non tan êm ái
trên đầu lưỡi, say say nhẹ nhàng với hương vị trái cây của miền quê yên ả. Tiếng
chim ríu rít đâu đó trong những tàng cây. Mặt trời chưa đứng bóng mà tôi đã
nghe tiếng gà trưa gáy trong sân sau của bà nội. Tôi quay qua nhìn Việt:
“Ở miền quê thích
quá, Việt ơi!”
Khi nắng đã lên
cao, tiếng bà nội trong nhà gọi hai đứa vào ăn cơm. Chúng tôi bước vào bếp, vừa
lúc bà nội đang lễ mễ bưng nồi cơm ra để xuống cái bàn tre. Tôi mau mắn chạy lại
bếp, giúp bà nội mang ra tô canh rau ngót và dĩa cá bông lau kho mượt mà, rồi
so đũa, bới cơm ra chén. Ba bà cháu ngồi ăn cơm trong không khí lặng tờ của miền
quê. Thỉnh thoảng, bà nội hỏi thăm về ba má Việt, hay hỏi tôi con cái nhà ai.
Tôi ăn cơm chưa bao giờ thấy ngon miệng như hôm ấy, nghĩ đến câu Cơm
lành, canh ngọt, thấy sao mà đúng quá đỗi.
Cơm nước xong, Việt
pha cho bà nội bình trà bông lài, rót cho bà một tách còn nóng hôi hổi, sau đó
hai đứa tôi hưởng xái hai tách còn lại. Bà nội uống hết tách trà rồi vào trong
nghỉ trưa. Việt và tôi bưng hai tách trà ra ngồi trước hàng hiên, vừa thổi vừa
hớp từng ngụm trà nhỏ, thơm phức mùi bông lài tự tay bà nội ướp lấy. Khung cảnh
quanh tôi bình dị quá, nhưng không hiểu sao tôi thấy nó chính là buổi dạ tiệc
huy hoàng mà tôi là cô Ti lọ lem và Việt là hoàng tử mà tôi không đời nào tưởng
tượng ra nổi.
Việt cất tiếng,
phá tan sự yên lặng giữa hai đứa:
“Ti có muốn ra bờ
sông chơi với anh không? Sông gần đây lắm, đi bộ năm bảy phút là tới.”
Hình như tôi có
khẽ giật mình:
“Ở đây cũng có
sông hở Việt?”
Việt cười xoà:
“Ti của anh học địa
lý Việt Nam mà không biết là ở nước mình, hầu như chỗ nào cũng có sông ngòi hay
sao?”
Anh nói tiếp:
“Ở vùng này có
con sông Cái chảy qua, đến khúc thôn xã này thì nó lại có tên riêng là sông Tắc.
Cũng đẹp lắm. Ti đi với anh ra đó chơi nhe.”
Tôi lắc đầu.
Thôi, tôi không muốn thấy con sông nào trong đời tôi nữa. Dòng sông trước kia
tôi về ở Phước Thiện quê Vũ, tôi đã muốn quên đi. Việt đừng cho tôi thấy dòng
sông nào nữa hết.
Thấy tôi im lặng,
tuy không hiểu vì sao, Việt cũng nói xuôi xị:
“Nếu Ti không
thích thì mình cứ ngồi đây chơi. Để bớt nắng một chút rồi anh chở Ti về.”
Dẫu sao đi nữa, tấm
bản đồ trong trí nhớ của tôi cũng đã ghi lại cái tên Võ Cạnh đầy kỷ niệm êm đềm
sau chuyến đi đó, kể cả tên dòng sông mà tôi chưa một lần đến. Hơn nữa, chuyến
đi này cũng khác hẳn lần tôi về thăm Vũ ở miền quê của anh, nơi tôi mang đến một
tình yêu tuyệt vọng, để rồi ngậm ngùi mang đi. Còn trong chuyến đi này, Việt đã
dành cho tôi trọn vẹn tình cảm của này, đáp lại tình yêu nồng thắm của tôi với
anh. Mong sao đây sẽ là một ký ức đẹp còn mãi với tôi về sau này.
*
Mùa xuân sắp tới.
Mấy cây mai trước nhà ông ngoại tôi cần lặt lá mới sớm trổ bông cho kịp Tết. Việt
rất chịu khó, ngày ngày ghé nhà tôi phụ tôi lặt lá mai. Năm nay, tôi thấy Tết
có một ý nghĩa mới lạ, sâu xa. Hay là anh cho em mùa xuân? Tôi cặm
cụi làm một cái thiệp xuân bằng tay dành riêng cho Việt, trong đó tôi trịnh trọng
ghi: “Gởi anh một mùa xuân mới, cùng tất cả những gì của riêng Ti dành
cho anh.” Rồi mùa xuân vui tươi trở về, chẳng khác gì những cảm xúc dạt
dào trong hồn tôi. Tuy vậy, những ngày Tết lại là những ngày tôi và Việt ít gặp
nhau, vì đứa nào cũng bận rộn với việc nhà, khó mà lẻn ra ngoài đi chơi với
nhau như những ngày thường. Tối tối, tôi nằm trên giường, đợi giấc ngủ đến, tất
nhiên là nghĩ đến Việt, thầm hỏi không biết giờ này anh cũng có đang nghĩ đến
mình hay không.
Thiên hạ bảo khi
nào hết “mồng” thì hết Tết. Mấy ngày xuân qua rồi, tôi hăm hở trở lại cuộc sống
thường ngày, chỉ mong sao sớm gặp Việt. Hai đứa lại gặp nhau, lại tiếp nối những
ngày vui, những giờ phút thân mật bên nhau. Nhưng... càng ngày tôi càng có cảm
tưởng rằng Việt chỉ đến với tôi cho có lệ, như một thói quen chưa bỏ được. Hai
đứa vẫn thường xuyên đi chơi với nhau, nhưng Việt có vẻ ít nói hơn trước, hay
có nói thì hình như cũng gắng gượng thế nào. Có lẽ Việt đã chán tôi rồi hay
sao. Cho đến một hôm, tôi thấy chịu không nổi tình trạng này nữa. Hai đứa đang
đi xe đạp trên con đường chạy dọc theo bờ biển. Tôi bảo Việt:
“Anh ghé xuống chỗ
bãi biển khúc này đi. Ti muốn nói với với anh một chuyện.”
Việt quay lại
nhìn tôi, thoáng ngạc nhiên, nhưng cũng im lặng làm theo lời tôi nói. Anh dựng
xe ở một gốc dừa, rồi hai đứa ngồi xuống gần đó. Có lẽ Việt cũng đoán được tôi
muốn nói gì. Phải một lúc thật lâu, tôi mới thu hết can đảm lên tiếng:
“Anh chán Ti rồi
phải không? Không sao đâu, Ti cũng đoán trước rồi sẽ có ngày này. Ti chỉ không
ngờ là nó đến sớm như vậy...”
Tôi ngưng nói vì
nghẹn ngào muốn khóc. Hồi giờ tôi chưa khóc trước mặt ai, nên tôi phải cố ghìm
nước mắt lại. Nhiều khoảnh khắc im lặng nặng nề trôi qua, Việt vẫn chưa biết phải
nói sao. Có lẽ vì tôi đã nói đúng tim đen của anh. Lát sau, tôi định thần lại,
lần này nói thong thả hơn:
“Việt đừng bận
tâm. Linh chấp nhận tất cả. Chắc chúng ta khó có thể trở thành bạn sau chuyện
này, nhưng Linh sẽ cố gắng. Cái gì rồi cũng sẽ qua hết.”
Việt làm thinh,
đưa tay nắm lấy tay tôi. Hai đứa ngồi như thế hồi lâu, rồi lặng lẽ đứng lên,
quay lại chỗ gốc dừa. Việt chở tôi về nhà anh. Quán vắng người, chắc má anh vừa
đi đâu đó. Việt kéo tay tôi chạy nhanh lên gác. Vào phòng, anh đẩy tôi nằm xuống
giường, hối hả phủ lên mặt tôi những cái hôn cháy bỏng, những nụ hôn mà về sau
này đã dần dần thưa thớt. Tôi lịm người trong niềm hạnh phúc nhỏ nhoi vừa tìm lại,
thân xác hân hoan đón nhận những cảm xúc ngập tràn như muốn vỡ oà ra, mê mải...
Hình như sau đó
hai đứa đã thiếp đi một lúc. Khi tôi tỉnh giấc, Việt vẫn còn say ngủ. Gương mặt
anh trông bình yên, dễ thương quá đỗi. Tôi thở dài ngồi dậy, sửa lại áo quần
cho ngay ngắn rồi rón rén bước xuống giường, sợ làm kinh động giấc ngủ của anh.
Tôi đi thật nhẹ xuống cầu thang, mắt trông chừng xem có lỡ gặp ba má Việt hay
không. May quá, quán vẫn lặng tờ, không có ai ở đó. Tôi chạy vù ra khỏi nhà, nhập
vào dòng người thưa thớt đang đi bộ trên vỉa hè trong ánh nắng chiều màu nhạt,
dường như chưa tỉnh hẳn khỏi giấc ngủ trưa đến bất ngờ.
Rồi ngày tháng của
tôi lại khoác lên khuôn mặt cũ của thuở nào, chẳng khác gì sau chuyến đi Phước
Thiện ngày trước. Tôi trở lại với nỗi buồn, tuy lần này đau hơn gấp ngàn lần
trước. Việt vẫn đến chơi, tuy không rủ tôi đi đâu xa mà chỉ quanh quẩn ở nhà
tôi, chỉ tôi lại những bài tập đàn. Tôi cũng chẳng còn hứng thú gì với chuyện
đó là mấy. Những lần ghé chơi của Việt dần thưa thớt đi, rồi sau cùng anh không
đến nữa.
Má tôi tinh lắm,
có lần gạn hỏi tôi:
“Sao má không thấy
thằng Việt tới chơi nữa? Bộ tụi con giận nhau rồi sao?”
Tôi gượng trả lời:
“Giận hờn gì đâu,
má. Thích thì tới chơi, không thích thì thôi chứ chẳng có sao hết.”
Má tôi làm thinh,
chắc bà cũng thấy tội nghiệp có đứa con gái không gặp may mắn như vậy. Bà quay
đi, dường như để giấu một tiếng thở dài không ngăn được.
Còn tôi, mỗi ngày
tôi quay cuồng theo một loại cảm xúc khác nhau. Có ngày lòng tôi tràn đầy oán hận.
Có ngày tôi buồn rũ liệt. Cũng có ngày tôi thấy lòng khoan dung, muốn tha thứ
cho Việt, cho tất cả những ai đã làm khổ người khác. Có lúc tôi thấy khinh bỉ,
thương hại cho tất cả những kẻ chẳng hiểu sao lại có thể dứt tình với người
khác dễ dàng như vậy. Bọn họ chẳng khác gì những con bò ngặm cỏ ngu ngơ trên
cánh đồng. Họ là những con bò vì họ không có trí nhớ, không nhận nhìn ra được
những người mà họ đã yêu thương thuở nào.
Tôi tình cờ thấy
một cuốn băng cassette cũ, không biết ai đã cho mình. Trong đó có những bài hát
rất sến do những ca sĩ hạng C trình bày mà thường ngày tôi không bao giờ thèm
nghe. Nhưng táy máy sao không không biết, tôi lại bỏ nó vào cái máy cũ rích,
dây couroir đã nhão, làm nó hát lên những lời nhừa nhựa, rất...
sến, nhưng lại quá thích hợp với tâm trạng của tôi lúc này:
Những ngày
tháng mộng xin trả lại em,
Con đường từng
qua giờ hãy quên tên...
Hay là:
Còn lại những
gì
sau những ngày
thêu hoa dệt mộng,
Còn trao nhau
chi
khi chính lòng
đã hết chờ mong...
Cha mẹ ơi, tôi đã
đổ đốn mất rồi hay sao mà nghe những lời hát sến sủa như vậy cũng xúc động,
cũng thấy đau lòng! Hay là trong tận cùng ngăn tim của mỗi người, ai cũng “sến”
như thế? Có lần chi lời lẽ văn hoa hay cao siêu mới diễn tả được hết những tâm
tình của thế nhân phải không.
Trả lại hết cho
anh đó, Việt. Anh giờ chắc đã quên hết rồi, nhưng tôi thì phải cố quên những điều
không đáng nhớ. Cả đời tôi sao cứ phải bôi bôi xoá xoá từng chặng như thế
nhỉ. Chắc tôi cũng nên hoá thành một con bò không trí nhớ thì tốt hơn.
Có ngày, tôi thức
giấc, thấy lòng tràn trề biết ơn Việt, thay vì giận anh. Cám ơn Việt. Cám ơn trời
đất. Nhờ anh, tôi đã biết được thế nào là tình yêu. Thêm một lần đau khổ, sau
những cảm xúc oán hận, tôi chỉ còn lại lòng biết ơn đối với Việt. Lời bài hát
thấm thía của một nhạc sĩ nào đã vỗ về trái tim bị thương của tôi:
Dù đến rồi đi,
tôi cũng xin tạ ơn người,
Tạ ơn ai đã
cho tôi còn ngày quên kiếp sống lẻ loi...
Rồi một hôm tôi
xuống thuyền vượt biên. Ngồi trên chiếc ghe nhỏ nhốn nháo gần cả trăm người ép
vào nhau như cá hộp, tôi ngoảnh lại nhìn đất liền từ từ xa trong tầm mắt. Hờn
núi sông anh lạc xứ xa miền. Câu thơ của Bùi Giáng chợt hiện lên trong
đầu tôi ngay trong giây phút đó. Ừ, tôi đang hờn núi sông, hờn luôn cả những ai
đã làm tôi sầu héo. Xin giã từ quê hương yêu dấu. Giã từ Nha Trang. Giã từ Phước
Thiện. Giã từ Võ Cạnh. Giã từ luôn dòng sông tôi chưa một lần tìm đến.
Trần C. Trí